Quyền lực của NGÔN TỪ và quyền lực của BIỂU TƯỢNG
OLGA BALLA
“Bước ngoặt ngôn ngữ học”
Không một thời đại nào trước đây biết đến sự chú ý đối với ngôn ngữ như thời đại chúng ta. Con người đã suy nghĩ về bản chất của ngôn ngữ rất nhiều và từ lâu, ít nhất là từ thời cổ đại, nhưng đến thế kỷ XX trong sự phát triển của văn hóa châu Âu đã xảy ra cái có thể gọi là “bước ngoặt ngôn ngữ học”. Người ta đã ý thức được rằng ngôn ngữ – không chỉ, thậm chí không phải trước hết, là “công cụ của tư duy” và vật trung giới giữa con người và hiện thực. Nó đã được khám phá ra như là một hiện thực tự tại tạo ra cả bản thân con người và thế giới của con người. Hóa ra có thể lấy nó làm mô hình về nhận thức và về con người, và cả về nhiều hiện tượng của con người. Và thậm chí không chỉ của con người. Đó là một trong những khám phá quan trọng nhất của thế kỷ chúng ta.
Tất nhiên, những biến cố tầm kích như vậy không phải bỗng dưng mà có. Chúng bao giờ cũng gắn liền với một cái gì đó rất hệ trọng trong sự tự cảm của con người, mà hoàn toàn không chỉ là sự tự cảm về trí tuệ.
Vậy cái gì đã xảy ra?
Các cơ chế của biến cố: quyền lực của ẩn dụ
Cái đã xảy ra là: mô hình nhận thức mới, mô hình ngôn ngữ học, đã thay thế mô hình nhận thức theo kiểu cơ học và sinh học. Trước đây, để hiểu một hiện tượng nào đó, người ta thường gán cho nó các đặc điểm của máy móc hoặc của cơ thể. Ngay đến thế kỷ XVIII vũ trụ vẫn được hình dung như một cỗ máy khổng lồ (do Chúa làm người thợ đồng hồ điều khiển). Người ta xem cơ học được toán hóa là khoa học của các khoa học, là hình mẫu của tất cả các khoa học khác, là phù hợp sát gần nhất, chính xác nhất với quan niệm về thế giới như “tự nó” vốn có.
Đến thế kỷ sau hình tượng cơ thể bắt đầu có sức hấp dẫn mạnh: việc nhìn thấy trong các hiện tượng khác nhau những đặc điểm của một chỉnh thể sống có sinh có trưởng, có tàn có chết, tỏ ra rất thuyết phục. A. Schleykher , một trong những người sáng lập ngành ngôn ngữ học so sánh-lịch sử, đã xem xét ngôn ngữ (quyền lực của nó đối với các trí tuệ vẫn còn ở phía trước) thông qua ẩn dụ này: việc coi ngôn ngữ như cơ thể đã dẫn ông tới tư tưởng cây phả hệ của các ngôn ngữ Ấn-Âu lớn lên từ một ngôn ngữ thủy tổ chung. Ai cũng biết ông đã chịu ảnh hưởng của Darwin , tức là hoàn toàn không phải của nhà ngôn ngữ học, mà của nhà sinh học. Và ảnh hưởng đó đã có kết quả: tận đến nay nguồn gốc và dòng họ các ngôn ngữ vẫn được miêu tả chính theo cách như thế.
Vào thế kỷ XX không một ai thấy chướng tai khi nhà triết học và phân tâm học Jacques Lacan nêu ra mệnh đề nổi tiếng của mình: “Vô thức được cấu trúc như ngôn ngữ”. Ngược lại! Được hình dung tương tự như ngôn ngữ, cái gì đó (trong trường hợp này là vô thức, một điều chưa hoàn toàn sáng rõ) lập tức trở nên dường như dễ nghiên cứu hơn – ngay trước khi được nghiên cứu, dường như dễ hiểu hơn – ngay trước khi được hiểu: khi đã được làm sáng rõ hơn, các chiến lược nghiên cứu như thế lập tức có thể trở nên thích dụng. Con người bắt đầu cảm thấy mình tự tin hơn: nó dường như sơ bộ khoanh vùng đối tượng nghiên cứu tương lai của mình, đánh dấu đối tượng như một cái gì đó có thể nghiên cứu được.
Nguyên tắc ẩn dụ hoạt động trong những trường hợp như thế. Nó phổ biến nhất trong ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng tác động của nó rộng hơn nhiều. Dưới dạng chung nhất, đó là sự miêu tả một đối tượng thông qua việc so sánh nó với một đối tượng khác dựa vào một số đặc điểm tiêu biểu. ẩn dụ định hướng cái nhìn và tổ chức nó: trong đối tượng được miêu tả như thế nổi lên hàng đầu và có thể dễ thấy nhất là cái gắn nó với đối tượng nguồn của ẩn dụ. Nếu trong ý thức của các nhà nghiên cứu, các ngôn ngữ ấn-Ấu có hình thức cây phả hệ thì lẽ tự nhiên phải đi tìm cành nhánh của nó hoặc theo thân cây lần xuống gốc (vị tất đã là ngẫu nhiên khi ẩn dụ sinh học có cả trong tên gọi hạt nhân của từ: từ căn).
Vấn đề, tức là, hoàn toàn không phải ở chỗ ngôn ngữ “thực ra” giống cơ thể sống, còn vô thức giống ngôn ngữ (rất có thể là cái chung của chúng cũng chẳng nhiều gì hơn của bất kỳ hiện tượng nào được lấy một cách võ đoán). Vấn đề ở đây nằm ở “lăng kính” của thời đại, nó khiến mọi người nhạy cảm với một số phương diện của đối tượng được nghiên cứu và, ngược lại, thờ ơ với những phương diện khác. Điều này có lôgich của nó và về nhiều mặt lôgich đó bị quy định bởi những ẩn dụ khai sinh, nền tảng, những ẩn dụ “gốc”, “cái”. Các ẩn dụ cơ học, cơ thể, ngôn ngữ đã thực hiện chính vai trò như thế trong các thời kỳ khác nhau của lịch sử trí tuệ châu Âu.
Những ẩn dụ như thế làm việc trong cơ thể văn hóa như là nguyên lý tổ chức, tập hợp, định hướng. Chúng thực sự thúc đẩy nhận thức, thúc đẩy việc xác lập những mối quan hệ hiện thực giữa các yếu tố của vũ trụ, các yếu tố này, tùy thuộc vào đặc trưng của các ẩn dụ chủ đạo, được miêu tả theo cách này hay cách khác: để cho mọi người thời đó thấy dễ hiểu.
Nhưng ở đây không và không thể có sự võ đoán hoàn toàn: tuyệt nhiên không phải mọi ẩn dụ đều có khả năng tác động theo cách như vậy. Không thể bịa ra được nó và làm được nó bằng những nỗ lực lý trí. Các ẩn dụ ngôn ngữ, cơ học, cơ thể có thể trở nên dễ hiểu về nghĩa chỉ bởi vì chúng phù hợp với một số trực giác bề sâu của mọi người thuộc nền văn hóa đó. Mà các trực giác đó rộng hơn rất nhiều những cái được thể hiện cả trong triết học và khoa học. Chúng hòa vào toàn bộ thực thể văn hóa và làm việc thậm chí ở cấp độ lẽ phải thường ngày (có thể chính ở cấp độ đó đầu tiên). Đó là những nguyên lý tương quan vạn vật theo một kiểu riêng, mặc dù trong những lĩnh vực văn hóa khác nhau tác động của chúng bộc lộ với sức mạnh khác nhau.
Thuyết lấy con người làm trung tâm mới: sự thay đổi lăng kính
Chính vì thế dưới ảnh hưởng của các mô hình ngôn ngữ, cấu trúc không chỉ của khoa học, mà nói chung của các lĩnh vực văn hóa khác nhau, đã thay đổi. Chúng ta nói về sự thay đổi “lăng kính” bởi vì bay vào quỹ đạo nghiên cứu không chỉ – mà có thể không hẳn – là các sự kiện mới, mà chủ yếu là các sự kiện cũ được nhìn theo một cách nhất định.
Một trong những người sáng lập các cách tiếp cận mới là nhà ngữ văn học, ngôn ngữ học và nhân chủng học người Thụy Sĩ F. de Saussure (1857 -1913). Ông, vị thủy tổ của cấu trúc luận trong ngôn ngữ học, là tác giả của tư tưởng mà kể từ khi được nói ra đã từ lâu thuộc vào thành phần của những điều gần như hiển nhiên hàng ngày: ngôn ngữ – đó là một hệ thống ký hiệu. Đến lượt mình các ký hiệu lại có cấu trúc hai mặt. Một mặt, chúng gồm cái “được biểu đạt” – nghĩa, mặt khác – gồm cái “biểu đạt”, hình ảnh âm thanh tương ứng với nghĩa đó.
Ferdinand de Saussure (Nguồn: internet)
Saussure gọi ngôn ngữ là hệ thống quan trọng nhất trong các hệ thống ký hiệu: chúng ta nhận thấy, dù là quan trọng nhất, nhưng dẫu sao vẫn là một trong số đó. Điều này cho phép về sau phổ quát khái niệm ngôn ngữ vượt ra ngoài phạm vi ngôn ngữ học, tới tất cả các lĩnh vực có thể tìm thấy ký hiệu. Vậy là đã tạo ra khả năng mô hình hóa theo kiểu ngôn ngữ các hiện tượng phi ngôn từ, nhận thấy trong chúng các cấu trúc, các hệ thống quan hệ tương tự như của ngôn ngữ.
Trào lưu trí tuệ thực hiện khả năng đó một cách rõ ràng và đầy đủ nhất được biết đến dưới tên gọi chủ nghĩa cấu trúc. Xuất hiện thoạt đầu trong ngôn ngữ học cấu trúc, phương pháp này sau đó – nhất là vào thập niên năm mươi-sáu mươi – đã nhanh chóng mở rộng lĩnh vực tác động của mình. Những năm sáu mươi là thời kỳ phồn thịnh, kéo dài không lâu nhưng rất có kết quả, của nó.
Các nhà cấu trúc luận mô tả toàn khối văn hóa như một tổng hợp của các ngôn ngữ, vì thế họ có thể nghiên cứu nó bằng các phương pháp ngôn ngữ học và ký hiệu học. Họ lẩy ra các yếu tố cấu trúc của các văn bản văn hóa, các cơ chế biến đổi của chúng và thu được rất nhiều các kết quả cụ thể. Nhưng ngoài ra, công việc của họ còn có ảnh hưởng to lớn đến cách nhìn thế giới hiện đại.
Nói về ngôn ngữ, từ nay, nghĩa là: không đơn giản là nói về bản chất con người, mà làm việc đó theo sự tương ứng chặt chẽ với các lý tưởng của châu Âu mới (thực chất, các lý tưởng mang tính khoa học tự nhiên) về tính khách quan, tính đo đếm được. Mơ ước bao lâu của nhiều nhà tư tưởng châu Âu đã thành hiện thực: rốt cuộc đã xuất hiện khả năng không chỉ tổ chức các khoa học nhân văn theo kiểu các khoa học tự nhiên, mà còn xích gần cái trước lại cái sau về mức độ chính xác trong sự mô tả đối tượng của mình. Ngoài ra, điều này cho phép các khoa học nhân văn “dính kết” với khoa học tự nhiên, hợp lực làm việc về các đối tượng nghiên cứu của mình và nói bằng thứ ngôn ngữ hai bên đều hiểu. Còn như các kết quả thu nhận được đang phải tranh cãi là chuyện khác; điều quan trọng là bản thân khả năng đó đã xuất hiện và đã trở thành một sự kiện văn hóa.
Dưới ảnh hưởng của các mô hình ngôn ngữ, trong các khoa học tự nhiên bắt đầu diễn ra trào lưu hưởng ứng: một kiểu “nhân văn hóa”, đồng thời không bị mất đi tính chính xác và khách quan là cái vốn phân biệt chúng với các khoa học nhân văn. Chẳng hạn người ta đã nói đến các hệ thống thông báo (cũng là các “ngôn ngữ”) của ong, khỉ… Thậm chí những sự vận động (tính hướng kích thích) của thực vật cũng được mô tả theo lối ký hiệu, “ngôn ngữ”.
Đó là hệ quả của phương châm xa xưa hơn sự chú ý ưu tiên đến ngôn ngữ: nó tồn tại trong ý thức khoa học châu Âu ít nhất là từ thời thuyết Darwin . Theo phương châm đó, con người là một mắt xích tiến hóa cùng dãy các động vật khác. Xuyên thấm toàn bộ dãy này là các quy luật chung mà con người phải lệ thuộc vào không kém các loài còn lại.
Nhưng điều đó nghĩa là cũng có thể có thao tác ngược lại: dịch chuyển một cách đặc biệt, rõ ràng và có ý thức, các mô hình con người sang sự nhận thức cái ngoài con người. Tất nhiên, đây là một kiểu thuyết nhân hình và thuyết lấy con người làm trung tâm (rất có thể là con người, nói chung, không đi đâu khỏi được “nhân chủng” của nó), nhưng hoàn toàn không phải là cái đã từng có lúc là thuộc tính hữu cơ của các nền văn hóa cổ xưa và đã bị vượt qua. ở đây nó là cái đã được suy tính, được cấu tạo, có tính nguyên tắc, với khả năng nhận thức được những giới hạn riêng của mình.
Sự bành trướng của ký hiệu và các biến thái của ngôn từ
Trong vòng thế kỷ XX cấu trúc của toàn bộ trường khoa học, các giới hạn của chúng, những mối quan hệ giữa chúng với nhau, đã thay đổi. Các khái niệm ngôn ngữ và ký hiệu, dưới bàn tay thao tác của Saussure và những người kế tục ông, đã bị tách ra khỏi ngôn ngữ theo nghĩa đen của từ (ngôn ngữ tự nhiên của con người) và được bổ sung những ý nghĩa mới, nhờ đó nó có quyền lực đối với trí tuệ. Một trong những “người cha tinh thần” của thời đại, C. Lévi -Strauss , người sáng lập ngành nhân chủng học cấu trúc, cuối cùng đã đi đến tư tưởng “ký hiệu toàn cầu”: ông nhìn toàn bộ hiện thực xã hội như một ký hiệu lớn gồm “cái được biểu đạt toàn cầu” và “cái biểu đạt toàn cầu”. Và toàn bộ văn hóa hiện ra trước cái nhìn nghiên cứu hoàn toàn khác hẳn. Người ta nhìn thấy ở nó cái mà các mô hình-ẩn dụ dùng để nhận thức trước đây không những không thấy được hoàn toàn, mà nếu có thấy thì cũng đặt ở ngoại vi: hệ thống các quan hệ và biểu tượng.
Và đây, vào nửa sau thế kỷ, Roland Barthes đã viết: “Văn hóa ngày càng mở ra trước chúng ta như một hệ thống phổ quát của các biểu tượng được điều khiển bởi cùng những thao tác; trường biểu tượng này có sự thống nhất, và văn hóa xét trong tất cả các phương diện là một ngôn ngữ”.
Ngoại đề 1- về những nghịch lý của ký ức văn hóa
“Stop : đó phải chăng là hồi âm của niềm đam mê cơ học ở châu Âu hồi xưa?!. Đam mê tính chính xác của nó, các khả năng giải thích được của nó: “… bởi cùng những thao tác”. Chỉ cần nhìn vào các ẩn dụ chủ chốt ở đỉnh điểm phổ cập của chúng thì đột nhiên thấy ra rằng tuy thay thế nhau thống trị nhưng chúng không hề loại trừ nhau. Ngược lại: chúng được tích hợp vào cơ thể văn hóa, bện kết với nhau, tạo thành những thể thống nhất phức: một khi đã hiện diện, chúng không thể hủy bỏ đi đâu được. Văn hóa là lĩnh vực của cái không thể xóa bỏ và trong những tế bào nhỏ nhất nó vẫn lưu giữ ký ức về quá khứ của mình. Cái “biến mất” trong nó thực ra chỉ đơn giản là khoác một hình thức khác. Và bên trong ẩn dụ ngôn ngữ học đột nhiên thấy lộ ra những dấu vết sống động của ẩn dụ cơ học và sinh học có từ trước, chúng sống hòa thuận với nhau, hơn thế, chúng mang lại kết quả trong nhận thức. Thí dụ, chính các nhà cấu trúc luận đã nói về “những cơ chế tạo sinh”(!) của các văn bản: sự dính kết tuyệt đẹp của ẩn dụ cơ học và sinh học, mà lại trên trường ngôn ngữ! Còn bản thân “trường ngôn ngữ”: trong khái niệm này rõ ràng có sự so sánh với trường vật lý – đồng thời ký ức về trường “thực” đầy cỏ hoa (chữ “trường” trong tiếng Nga pole , tiếng Anh field, tiếng Pháp champ đều có nghĩa đen là chỉ cánh đồng – ND ), dù không lộ ra, nhưng vẫn được giữ lại, tạo nên hình thức chung.
Các thành tạo ý nghĩa như vậy nảy sinh như thế nào? Khi một ẩn dụ lớn làm xong phận sự của mình trong văn hóa, mang lại nhiều kết quả, nó hòa tan vào bản chất của nền văn hóa đó – và có thể kết đọng lại trên mình những ẩn dụ khác, bởi vì bản thân nó dường như đã thôi là ẩn dụ. Nó bắt đầu được nghiệm như điều hiển nhiên, như cấu trúc của chính hiện thực. Đó là một trong những cội nguồn sức mạnh tác động của nó.
Vậy là: ngay khi tư tưởng ngôn ngữ được truyền sang văn hóa thì ý nghĩa của những khái niệm vốn trước đây thuần túy mang tính chất ngôn ngữ học lập tức được mở rộng, được chứa thêm những nghĩa mới. Giờ đây chúng có tham vọng vươn tới những vị trí dẫn đầu trong tư duy văn hóa.
Một trong những khái niệm chủ chốt như thế của trào lưu tư tưởng mới nhất – rộng hơn, của văn hóa nhân văn nói chung- là khái niệm văn bản. Bây giờ nó bắt đầu được diễn dịch hết sức rộng: như một tổ hợp gắn kết các ký hiệu. Điều đó có nghĩa cho phép nói được về cả những văn bản phi ngôn từ. Hóa ra có thể đọc được văn bản của đường phố – với tất cả những gì có mặt và diễn ra trên nó; văn bản của cả một thành phố, trong đó kiến trúc của các tòa nhà, cấu trúc của không gian mang nghĩa của những thông báo hàm súc, nhiều lớp. Cả cách trang phục, cả bữa ăn với những dụng cụ dùng để ăn, cả hệ thống những cử chỉ và vị trí của cơ thể đều chứa đầy những ký hiệu liên quan với nhau: nghĩa vượt ra ngoài phạm vi ngôn từ (nó đã bị chật chội trong giới hạn ngôn từ suốt cả thời cận đại) và khát khao lao đi chinh phục, cư trú và biến đổi không gian phi ngôn từ.
Người ta đã nói (chẳng hạn nhà triết học V.Rudnev trong cuốn “Hình thái học hiện thực”) về khả năng hiểu toàn bộ hiện thực nói chung như là văn bản: hiện thực – là văn bản “được viết bởi Chúa”, trong khi các văn bản theo nghĩa hẹp của từ – đó là những hiện thực được tạo bởi con người. (Cách hình dung này, lẽ dĩ nhiên, có thể nảy sinh chỉ trong nền văn hóa với quá khứ cơ đốc giáo và với kết cấu khái niệm tương ứng: quan niệm thế giới như Thánh Thư là vốn có từ thời trung đại cơ đốc giáo. Đây còn là ký ức, ở biến thể đã mờ nhạt, về con người như hình mẫu Chúa Trời có tiềm năng tạo hóa).
Khái niệm hệ hình rất có uy tín. Thuật ngữ này nhà phương pháp luận khoa học Mỹ Thomas Kuhn mượn từ ngữ pháp (ở đây nó biểu thị tổ hợp các yếu tố tạo thành một quy tắc thống nhất: chẳng hạn, các tận cùng nhân xưng của động từ khi chia) và ông dùng nó để gọi sự nghiên cứu khoa học cổ điển mà giới khoa học lấy làm hình mẫu và cơ sở của truyền thống khoa học. Từ tay ông, lĩnh vực sử dụng thuật ngữ đã mở rộng gần như thành lời nói thông thường.
Trước đây người ta nói về các phong cách văn học hay nghệ thuật; bây giờ từ “phong cách” nói chung được hiểu là kiểu tổ chức hoàn chỉnh một loại hoạt động nào đấy. Do đó là có thể và trở nên phổ biến, việc nói về phong cách tư duy chẳng hạn, kể cả tư duy khoa học, thậm chí nói về phong cách sống nói chung – đồng thời không phải là ở mức độ tán gẫu tầm phào, mà chính là phân tích nó một cách khoa học, nghiêm túc hẳn hoi: những thao tác phân tích như thế đã được hình thành.
Còn khái niệm đối thoại vốn có lúc chỉ thuộc về hành vi nói năng thì sao? Thế kỷ XX có thể thấy ở nó một nguyên lý nền tảng cho quan hệ của con người với những người khác, với thế giới và với Thượng Đế. (Theo cách nhìn này, con người cũng được đọc như một thứ “văn bản”, ngôn từ, thông báo: bằng tất cả những gì có trong nó, nó – được định hướng, được gửi đi – đáp lại cái gửi tới cho nó. Toàn bộ cuộc sống biến thành lời nói có định hướng). Vô số các quan niệm triết học “đối thoại” (M.M.Bakhtin, M.Buber, F.Rozenshtok-Hussy…) và mức độ ảnh hưởng của nó hoàn toàn không thể là chuyện ngẫu nhiên. Rõ ràng, thời hậu truyền thống, khi các mối quan hệ và liên hệ của mọi người với nhau và với Thượng Đế đã thôi là chuyện tất nhiên mà bắt đầu được nhận biết, đã tạo ra nhu cầu về cách hiểu như thế. Dù là dưới dạng chuyện trò về sự thiếu hụt, vắng thiếu, vô khả năng của chúng.
Và cuối cùng, chúng ta bây giờ sẽ không thấy được tất cả những điều đó hoặc có thể thấy bằng cặp mắt hoàn toàn khác, nếu như thế kỷ XX không đưa lại những ý nghĩa mới cho khái niệm ẩn dụ. Để giờ đây chúng ta có thể lấy nó làm chiếc chìa khóa tìm hiểu lịch sử trí tuệ châu Âu, thì chính ngay trong lịch sử đó đã phải có quan niệm về ẩn dụ như một phương tiện nhận thức. Từng đã có lúc người ta chỉ thấy nó là một cách thức tu từ. Thế rồi đột nhiên từ cuối thế kỷ trước – càng lùi xa càng mạnh – người ta nhận thấy nó trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người: trong huyền thoại, âm nhạc, triết học, các hệ tư tưởng, các quan niệm thường ngày… Thậm chí – nói ra thật khủng khiếp! – trong khoa học, thành trì của tính chính xác này! Thậm chí trong toán học! Hóa ra: cơ chế tạo nghĩa này là một trong những cơ chế phổ quát. (Chẳng hạn, người ta đã biết được rằng nguồn gốc của các thuật ngữ khoa học chính là như thế: trường, lực, hạt, sóng, mũi tên thời gian, sức căng, sức hút, cấu trúc hành tinh của nguyên tử…). Văn hóa, thông qua ngôn từ ẩn dụ – và sự tạo nghĩa, thấm vào cả khoa học, cả các lĩnh vực khác của mình bằng cách quy định chúng ở cấp độ cấu trúc vi mô của nghĩa, ngay cả khi một số lĩnh vực của nó – thí dụ, khoa học – muốn biệt lập tối đa khỏi nó và muốn đạt tới những kết quả mang ý nghĩa chung, độc lập về mặt văn hóa. Nó quy định tính chất của cả chính sự mong muốn đó. Các ẩn dụ – “khối đông kết” của văn hóa, chữ tượng hình của nó.
Ngoại đề 2- về tính chính xác của sự không chính xác và các ý nghĩa của nó
Tất nhiên, trong thái độ nghiên cứu đối với ẩn dụ có mặt phương châm tiêu biểu của tư duy châu Âu thời mới: tìm cách phát hiện, bóc trần cái mù mờ, ẩn giấu nằm trong cái rõ ràng. Phương châm này xuất phát từ quan niệm cho rằng con người không hiểu được chính mình, rằng các motiv xui khiến nó hành động bị che đậy khỏi nó. Chính điều đó đã cho phép những thế lực bên ngoài điều khiển nó. Toàn bộ thế kỷ XX trôi qua dưới dấu hiệu của sự bóc trần các thuyết nhân hình mù mờ và các tính chế ước trong các thành tạo trí tuệ và văn hóa hết sức khác nhau (những khuynh hướng chính của nó đã được Marx , Nietzsche và Freud chỉ ra). Ngôn ngữ chính là đã cung cấp chất liệu phong phú nhất cho việc này. Người ta thấy ở ngôn ngữ, đặc biệt ở ẩn dụ, một trong những cơ chế tác động của thiên giới đối với con người, quyền lực của thiên giới đối với con người.
Con người châu Âu đã bao lâu nay tìm kiếm xem bản thân nó, con người thực của nó, nằm ở đâu dưới lớp phủ của tất cả các sự chế ước, điều này rốt cuộc nó càng đánh mất mình hơn. Nó từ bỏ khỏi mình các bộ phận khác nhau, coi chúng là nguồn gốc của quyền lực và bó buộc, kết quả là nó làm cho chính mình ngày càng bị giảm thiểu.
Nhưng vốn dĩ sự phát triển của châu Âu còn có thể nhìn theo một cách như thế này. Việc khám phá ra ẩn dụ như một phương tiện nhận thức và ngôn ngữ như một thế giới đặc biệt nói chung – đó là kết quả của sự nhận thức ngày càng rõ về tính ước lệ, tính thiếu chính xác, tính không đầy đủ trong sự mô tả thế giới của con người. Sự phát triển của văn hóa, ít nhất là trong biến thể châu Âu, – đó là việc ngày càng gia tăng độ chính xác của tính không chính xác này, của các hình thức, nguyên nhân của nó. Là ngày càng vạch rõ hơn giới hạn của sự không trùng khít tất yếu của chúng ta với thế giới để từ đó chúng ta thường xuyên khát khao vươn tới thế giới. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đến thế kỷ XX chúng ta dường như còn vươn lên hiểu được rằng sự đứt đoạn trong tính tất yếu đó của nó không chỉ là bi thảm, mà còn là bổ ích. Trong khoảng không đứt đoạn giữa mình và thế giới, từ những khát vọng thường xuyên muốn vượt qua nó, con người đã tạo ra một thế giới riêng của mình: thế giới của văn hóa, thế giới của ngôn ngữ, thế giới của tất cả những cái nảy sinh theo ý muốn con người và các quy luật của Đại Thế Giới chỉ được phép xuất hiện thôi chứ hoàn toàn không phải do yêu cầu hoặc bị bắt buộc. Đó là thế giới của tự do.
Tại nơi chúng ta thấy ra sự chế ước của mình, chúng ta sẽ có được tự do.
Cuộc sống mới của các khoa học cũ
Giờ đây ngôn ngữ học đối với nhiều khoa học không chỉ là nguồn xuất các thuật ngữ, mà nó còn có thể (giống như cơ học mấy thế kỷ trước đây) tham vọng đóng vai trò một thứ khuôn mẫu, cội nguồn cung cấp các mô hình cho chúng. Đã xuất hiện khả năng có những cách nhìn “ngôn ngữ học” về những đối tượng của những bộ môn vốn trước đây rất xa ngôn ngữ, thậm chí của chính ngay lý luận nhận thức. Có được tính chính xác, chặt chẽ nhờ cách nhìn mới về đối tượng riêng của mình (ngôn ngữ), ngôn ngữ học đã có thể hợp tác với lôgich học và toán học. Từ liên minh này đã ra đời ngôn ngữ học toán và ngôn ngữ học cấu trúc. Giữa khoảng giáp ranh của triết học, lôgich học và ngôn ngữ học đã hình thành một lĩnh vực nghiên cứu mới: mô hình hóa lôgich -triết học hoạt động ngôn ngữ, nó rất giúp ích cho việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Sự quan tâm đến các ngôn ngữ hình thức hóa đã sinh ra những lý thuyết thông tin khác nhau. Từ đó chỉ một bước rất gần là đi đến điều khiển học như một lĩnh vực tri thức đặc biệt và, cuối cùng, đến nền văn minh kiểu mới: văn minh tin học, hoặc là văn minh hậu công nghiệp.
Nghiên cứu văn học cũng nhìn đối tượng của mình theo cách mới. Nhờ sự gần gụi tự nhiên của nó đối với ngôn ngữ, văn học là một trong những lĩnh vực đầu tiên con người nhận thấy những sự tương đồng cấu trúc với ngôn ngữ. Công lao này trước hết thuộc về các nhà hình thức luận Nga và các nhà tượng trưng những năm hai mươi thế kỷ chúng ta (A.Belyi , Yu .N.Tynyanov , B.V.Tomashevski , B.M. Eikhenbaum ). Thế kỷ XX đã phát triển và củng cố cách đọc văn học như thế.
“Văn học và ngôn ngữ đang kết hợp lại với nhau”, – mấy chục năm sau Roland Barthes viết, đáng chú ý ông vừa là nhà triết học vừa là nhà nghiên cứu văn học. Ông nói thẳng ra rằng “cấu trúc ngôn ngữ (đối tượng của ngôn ngữ học) được tái hiện… trong cấu trúc của các tác phẩm văn học; ngôn bản (discours) không đơn giản gồm các câu ghép lại, chính nó, có thể nói, là một câu lớn”.
Đi kèm điều đó là sự phát hiện tiềm năng triết học của văn học – hiểu như là “hiện tượng của ngôn ngữ, chứ không phải của tư tưởng” (V.V. Nabokov).
Các mô hình “ngôn ngữ” đã thống nhất các nghiên cứu trong xã hội học và văn hóa học, nhân chủng học và dân tộc học, những ngành bắt đầu có sự nghiên cứu cấu trúc của các hình thức văn hóa rất khác nhau: huyền thoại, tôn giáo, folklore , các tập quán đời sống… Trong ngành nghệ thuật học những năm sáu mươi phổ biến việc chỉ ra các cấu trúc bất biến trong các nghệ thuật khác nhau và kiểu nói theo nghĩa này về “ngôn ngữ” của điện ảnh, balê , kiến trúc, hội họa, kịch… ảnh hưởng của các mô hình “ngôn ngữ” thấm cả vào tâm lý học và tâm thần học, làm xuất hiện phân tâm học cấu trúc của Jacques Lacan – chính ông đã nhìn thấy cấu trúc của vô thức tương tự ngôn ngữ. Vả chăng, ngay Freud đã nói về ý nghĩa đặc biệt của ngôn ngữ đối với việc xác định vô thức và các sản phẩm của nó.
Trực giác về tính hệ thống và tính cấu trúc của các hiện tượng khác nhau là nguồn gốc tạo ra lý thuyết hệ thống, lý thuyết của các nghiên cứu hệ thống-cấu trúc nói chung với tất cả sự đa dạng của chúng mà một bộ phận quan trọng trong đó (hãy nhớ lại sự bành trướng của ký hiệu!) là khoa học về các khoa học, ký hiệu học. Chính ảnh hưởng của nó là nguyên nhân sự phát triển, từ những năm sáu mươi, của các nghiên cứu liên ngành (chúng là nét tiêu biểu của đời sống khoa học châu Âu thế kỷ XX ). Các bộ môn khác nhau giờ đây có khả năng hợp đồng với nhau dựa trên cơ sở tất cả chúng đều làm việc với các hệ thống ký hiệu. Ký hiệu học thu hút sinh học và sinh lý học vào trường khoa học nhân văn chung. Việc nghiên cứu sự phi đối xứng chức năng của các bán cầu não đã sinh ra bộ môn ký hiệu học nơron . Yu . M. Lotman về sau đã tìm cách dùng các thuật ngữ của nó để nói về toàn bộ chỉnh thể văn hóa.
Như vậy ngôn ngữ, khi trở thành đối tượng chú ý ưu tiên, đã được hiểu như là trường hợp riêng của các ngôn ngữ nói chung.
Tình trạng triết học
Hệ quả các quan hệ của triết học với ngôn ngữ đáng phải được bàn riêng ra. Do các quan hệ này mà diện mạo của nó đã rất thay đổi.
Trước hết, đã thay đổi ranh giới giữa triết học và các hình thức – hoàn toàn không chỉ là các hình thức khoa học – diễn dịch hiện thực khác. Triết lý đã thâm nhập, dính kết không chỉ, chẳng hạn, với nghiên cứu văn học, mà cả với phê bình nghệ thuật. Bắt đầu có sự khám phá và chiếm lĩnh về mặt triết học đối với những hiện thực mà do tính chất (dường như) phi ngôn ngữ của mình trước thế kỷ XX chúng hầu như không được nền văn hóa “lấy văn học làm trung tâm” của châu Âu nhận thấy: thể xác và tính nhục thể, các thực tế khác nhau, trong đó có thực tế của những hành động thường ngày, các cách truyền thông tin bằng hình thức thị giác – hội họa, nhiếp ảnh, trò diễn… Tất cả những cái đó có khả năng thực hiện được chỉ khi người ta nhìn chúng như một thứ ngôn ngữ: với những ý nghĩa riêng của mình, không nhại lại và minh họa cho các ý nghĩa của ngôn ngữ “bằng lời”.
Khi mà ngôn ngữ chưa trở thành một hiện thực đặc biệt, nó thường bị đồng nhất với chính hiện thực, trùng nhập với nó. Nhưng ngay khi những ranh giới riêng của nó được vạch rõ thì mới hay có tồn tại những đối tượng của con người không trùng với ngôn ngữ. Nghĩa là đối với chúng phải có những cách hiểu riêng biệt, mới mẻ.
Nghịch lý không thể xóa bỏ của tình trạng, thật ra, là ở chỗ buộc phải nói về các đối tượng chú ý mới, phi ngôn từ bằng chính ngôn ngữ có lời, ngôn ngữ này không thể thoát đi đâu khỏi ước định của mình trong cuộc sống con người. Vì thế các cấu trúc ngôn ngữ (việc chúng “thực ra” có ở đấy không, đó còn là vấn đề) tất yếu phải được gán cho các đối tượng mới, chỉ với điều là có thể ít lộ liễu và trực tuyến hơn từ trước đến nay vẫn diễn ra. Ngôn ngữ, sau khi bứt khỏi phạm vi của mình, đã bắt không gian phi ngôn ngữ phụ thuộc vào mình – và không phải ngẫu nhiên điều đó lại xảy ra chính vào lúc nó được ý thức như một hiện thực đặc biệt.
Nhà triết học Martin Heidegger, có lẽ, là người đầu tiên đã nói nghiêm túc về chuyện cần nên thấy ở ngôn ngữ một cái gì đó lớn hơn là đối tượng của sự phân tích ngôn ngữ học. Theo Heidegger, ngôn ngữ là ngôi nhà của Tồn Tại, được xuyên thấu bởi cấu trúc của nó; qua nó bản thân tồn tại được nhận thức. Cả Freud cũng nói điều tương tự khi ông coi ngôn ngữ là một trong những điều kiện khởi thủy của kinh nghiệm con người. Có thể nghĩ rằng ở đây hai nhà tư tưởng rất khác nhau và rất có ảnh hưởng trong thế kỷ XX này nói về những trực giác chung của thời đại: người ta bắt đầu thấy ra ở ngôn ngữ những cơ chế chính hình thành kinh nghiệm, những sơ đồ phát xuất sự định hướng của con người trong thế giới, chúng có trước các khái niệm, đúng hơn chúng là các phản xạ. Dường như dựa vào ngôn ngữ, có thể bước ra ngoài giới hạn của chính tư duy.
Các nhà tư tưởng châu Âu thế kỷ XX hướng đến ngôn ngữ để tìm kiếm các cấu trúc tiên nghiệm: ban đầu là nhận thức, sau đó sâu hơn – thực tại, tồn tại. Họ muốn thâm nhập sâu hơn kinh nghiệm, đến cái có trước nó và quy định nó theo cách nào đấy. “Vô thức” của Freud và “thế giới sống” của Husserl không phải là chuyện ngẫu nhiên – đó là những ma trận tạo sinh rất uy tín của các quan niệm triết học của thế kỷ, chúng quy định về nhiều mặt các lực hút trong trường trí tuệ. Việc phát hiện ra các lĩnh vực khác nhau của cái không thể điều khiển được (trong đó có ngôn ngữ), tất nhiên, là mặt trái của khát vọng muốn điều khiển toàn bộ của nền văn minh công nghệ, nhưng nó còn có ý nghĩa sâu hơn nhiều. Đi vào sau ý muốn dai dẳng đó, lần mò tới tận cội nguồn riêng qua nhiều lớp nhiều tầng của cái “không đích thực” có thể thấy ra sự mất mát đức tin khởi thủy vào Tồn Tại và vào chính mình. Rõ ràng, ở đây vấn đề là ở tình trạng hậu tôn giáo của văn hóa và của con người trong đó.
Các nguồn gốc số phận: lời và Lời
Tất cả những điều mô tả ở đây sở dĩ có thể được là nhờ một cách hiểu rất xa xưa về ngôn ngữ như là sự thể hiện “tổ chức trật tự” (Pascal) của tư duy con người mà truyền thống châu Âu lâu nay vẫn đồng nhất với bản chất con người. Đấy là sự đẩy tới một số giới hạn các đặc điểm và xu hướng cơ bản của châu Âu Thời Mới. Nhưng thậm chí không chỉ có thế.
Trong suốt thế kỷ chúng ta, huyền thoại ngôn ngữ – một huyền thoại có từ rất xa xưa, thuộc số các huyền thoại khởi thủy – đã được phát triển lên, tô rõ hơn. Đó là quan niệm (trực giác thì đúng hơn) cho rằng ngôn ngữ là một cái rất cơ bản và tiêu biểu đối với bản chất con người, rằng việc hiểu được đặc điểm, cấu tạo, nguồn gốc của nó có thể giúp giải quyết dù chỉ là một số vấn đề gốc rễ của con người. Chẳng hạn, tách các chuyện thật ra khỏi các chuyện giả, các vấn đề đáng suy xét khỏi các vấn đề không đáng suy xét (Wittgenstein). Hoặc giả sử, thấy được cơ cấu điển hình, đặc thù của tất cả công việc của con người, bởi vì ngôn ngữ – dường như là tinh hoa của chúng. Từ trực giác văn hóa chung đó đã nảy sinh nhiều quan niệm nhận thức rất khác nhau, đến mức đối lập nhau.
Bản thân nó, huyền thoại ngôn ngữ thuộc về những nền tảng gốc rễ của văn hóa cơ đốc giáo châu Âu.
Sự chú ý cao độ đến ngôn ngữ con người, hiển nhiên, gắn với người bạn đường của tình trạng văn hóa hậu cơ đốc giáo – nỗi lo âu hiện sinh tiêu biểu cho thế kỷ XX .
Mặt khác, sự chú ý đó sở dĩ có là nhờ việc nền văn minh châu Âu bám rễ vào truyền thống do thái cơ đốc giáo với các quan niệm của nó về Lời sáng tạo của Chúa – nguyên mẫu của lời con người. Ký ức về nó không bao giờ có thể biến mất hoàn toàn, bởi vì nó nằm ngay trong chính cấu trúc của quan niệm về lời. Nó được tồn giữ thậm chí cả ở bên trong các phương châm vô thần học (mà sâu hơn chúng rất nhiều) và tất yếu tác động đến các ý nghĩa được gán cho lời (viết thường).
Theo mức độ cảm quan về quyền lực đối với con người của Lời Thần Thánh, của sự có mặt trong đời sống của nó, bớt mạnh đi, bớt vô điều kiện đi, “trọng tâm” dần dần chuyển về phía lời con người. Lời này bắt đầu mang chứa những ý nghĩa mà trước nó vốn không có, thậm chí có thể nói là dư thừa. Đồng thời đó hoàn toàn không phụ thuộc vào tính tôn giáo cá nhân của những con người cụ thể sống trong nền văn hóa đó, nó có thể là rất cao. Vấn đề là ở sự tự cảm chung của văn hóa, ở các xu hướng bề sâu của nó. Còn việc đám đông làm mất giá lời chỉ là cực khác của quá trình này, quá trình mà những người nhạy cảm và sâu sắc nhất cùng ở nền văn hóa đó trải nghiệm một cách hoàn toàn khác.
Chính trong tình trạng như thế Heidegger đã cảm thấy có khả năng và cần thiết phải gọi ngôn ngữ là giọng nói chân lý của chính Tồn Tại, là Ngôi Nhà của nó phải chú ý lắng nghe để nghe thấy tự thân chân lý.
Vậy là vấn đề ở đây không phải nằm ở các ẩn dụ đang thống trị, nó là triệu chứng. Một số ẩn dụ này nhường chỗ cho số khác bởi vì chúng đã thôi phù hợp với sự tự cảm của thời đại.
Con người châu Âu bèn đi tìm điểm tựa mới trong lời khi nó bắt đầu thôi tìm thấy nó trong Lời. Chúng ta vấp phải một tình trạng nghịch lý, phức tạp: các từ và nghĩa có nguồn gốc và bản chất cơ đốc giáo sinh sống và hoạt động trong thế giới hậu cơ đốc giáo, hình thành nên thế giới đó, trong khi phải chịu những biến thái tất yếu xảy đến mà kết quả là chúng trở nên khó nhận ra – có thể là ngày càng khó hơn. Nhưng từ đó chúng vẫn không thôi là chính mình: “ký ức văn hóa” là một vật thực tế không thể hủy diệt được.
“Phát hiện” ra ngôn ngữ với tư cách một hiện thực độc lập – đó thực chất không hẳn phải là phát hiện, mà chính là sự nhớ lại. Bởi lời đã từng là một hiện thực độc lập và có quy chế bản thể luận, mà điều đó thậm chí diễn ra sớm hơn đạo cơ đốc rất nhiều: trong ma thuật, rộng hơn, nói chung trong các nền văn hóa ma thuật. Cảm giác về tính hiện thực và quyền lực của lời đối với con người, thực ra, đã có từ lúc khởi đầu. Ký ức về điều đó được lưu giữ vĩnh viễn, chỉ có điều nó bị che át đi trong các thời đại văn hóa nhất định. Thời gian đã đến và nó đã quay lại. Thật ra, hoàn toàn dưới một diện mạo khác, vì thế dễ nhầm tưởng nó là một cái gì đó hoàn toàn khác.
Cần phải thấy việc giải thiêng hiện thực là một, ít nhất là một, trong các nguyên nhân của chuyện đó.
Trong bản chất con người có nhu cầu cái thiêng: nhu cầu được trải nghiệm những vật về mặt bản thể luận vượt trội hơn bản thân nó và do đó biện giải và xác định sự tồn tại riêng của nó. Nguồn gốc như thế của các giá trị và những sự biện giải – nguồn gốc thật sự đáng tin cậy – chỉ có thể là cái vượt hơn chúng ta ở một mức độ lớn. Nếu như con người không tìm thấy các đối tượng cho phép nó trải nghiệm đầy đủ kinh nghiệm cái thiêng, phóng chiếu lên chúng những quan niệm tương ứng, nó sẽ bắt đầu cấu trúc những sự thay thế chúng. Một số cái xấu đã được cấu trúc lại. (Toàn bộ Thời Mới ở châu Âu, nhất là thế kỷ XX, đầy những nỗ lực cấu trúc như vậy). Những cấu trúc đó xét đến cùng không bao giờ đồng bộ với độ tin cậy khá đủ. Cái thiêng vẫn là cái thiêng, nó không phải được cấu trúc, mà được đem cho, được ban tặng. Việc hiểu ra điều đó đã dẫn tới những sự tìm tòi cái tiên nghiệm, cái vượt trội kinh nghiệm và xác định nó một cách tin cậy.
NGÂN XUYÊN dịch
Nguồn: dịch theo nguyên bản tiếng Nga tạp chí Znanie -Sila (11-12/1998).
Bản dịch tiếng Việt: http://www.nhanvan.com
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)