Sắc phong và đối tượng được ban sắc ở tỉnh Đồng Tháp

THE DYNASTY ORDINATION AND CHARACTERS ORDAINED IN DONG THAP PROVINCE

Tác giả bài viết: ĐỖ THỊ HÀ THƠ
(Khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Đồng Tháp)

TÓM TẮT

     Sắc phong là loại hình văn bản độc bản, là nguồn tài nguyên quý, có giá trị trên nhiều phương. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp may mắn lưu giữ được số lượng tương đối các văn bản sắc phong có niên đại thuộc nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Qua khảo cứu, sắc phong chủ yếu ban cho thần linh và những nhân vật có công trạng với đất nước. Nghiên cứu này cung cấp tư liệu bổ sung hành trạng của các nhân vật lịch sử cùng tín tục của người Đồng Tháp nói riêng và người miền Tây nói chung trong tình hình khan hiếm tư liệu hiện nay. Từ đó cho thấy những tác động trực tiếp của sắc phong đến đời sống văn hóa, tâm linh cũng như hoạt động thờ tự của người dân địa phương thời hiện đại.

Từ khóa: làng xã, linh văn, sắc phong, tỉnh Đồng Tháp, tư liệu Hán Nôm.

ABSTRACT

     The ordination is the form of unique text, the most precious resources which are valid in many ways. To day, Dong Thap province luckily has preserved a large number of the ordination which was issued in Hau Le dynasty and Nguyen dynasty. Through investigations, the ordinations were issued for the gods and the characters who eserved well of our country. This article introduces the basic imformation of characters were issued the ordinations and the beliefs of Dong Thap people in particular and Westerners in general under the present scarce documentation circumstances. That show the direct effects of ordination on the cultural and spiritual life also the worship activities of the locals at the present.

Keywords: Dong Thap province, holy writing, ordination, Sino Nom document, village community.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Tỉnh Đồng Tháp may mắn còn giữ được trữ lượng tư liệu Hán Nôm khá lớn, thuộc các chủng loại khác nhau. Đây là nguồn tư liệu quý góp phần nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng,… của người dân Tây Nam Bộ nói chung và người dân Đồng Tháp nói riêng trong quá khứ. Sắc phong là một trong số đó. So với các chủng loại tư liệu Hán Nôm khác, sắc phong là loại hình văn bản độc bản, do đích thân nhà vua ban tặng. Điều này cho thấy cách thức quản lý lẫn mức độ quan tâm đến các vấn đề thờ tự cũng như chính sách ưu ái của triều đình đối với bề tôi có công trạng. Trên cơ sở này, người dân địa phương thiết lập các hoạt động cầu đảo quanh tấm bằng sắc ấy vào những dịp lễ nhất định trong năm tại địa phương. Qua khảo cứu, bài viết tiến hành hệ thống các đối tượng được ban sắc của triều đình phong kiến Việt Nam ở đất Đồng Tháp, bổ sung thông tin đối với hoạt động tín ngưỡng địa phương1.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Nghiên cứu thu thập các dữ liệu sơ cấp từ các cuộc khảo sát thực địa và dữ liệu thứ cấp từ các nguồn tư liệu liên quan như các bộ sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,… và các công trình nghiên cứu về sắc phong. Đối với dữ liệu sơ cấp, nghiên cứu tiến hành khảo sát thực địa ở các tự tích như đình, miếu, đền, lăng, tư gia trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tại các nơi lưu giữ sắc phong, nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề về thông tin cũng như cách giữ gìn và bảo quản sắc phong, thông qua các hoạt động như phỏng vấn, quan sát, chụp ảnh. Trên cơ sở đó, nghiên cứu tập hợp, thống kê và phân loại các văn bản sắc phong thu thập được. Các đối tượng được ban sắc được chia theo hai tiêu chí: con người và thế giới ngoài con người. Đối với những văn bản bị hư hoại nhiều, nghiên cứu tiến hành so sánh với các văn bản ban cùng giai đoạn để khôi phục lại nội dung văn bản đã mất, đồng thời phiên âm, dịch nghĩa văn bản cung cấp những nội dung cần yếu liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Thời gian tiến hành khảo sát từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018.

3. Kết quả và thảo luận

     3.1 Vài nét về sắc phong tỉnh Đồng Tháp

     Từ kết quả khảo sát có thể thấy, các văn bản sắc phong hiện còn ở tỉnh Đồng Tháp đều có niên đại thuộc nhà Nguyễn (1802 – 1945), chỉ có ba đạo sắc có niên đại thời Lê Cảnh Hưng. Các đạo sắc này chủ yếu được lưu giữ ở đình, miếu, đền, lăng và tư gia với số lượng cụ thể như sau:

Bảng 1: Số lượng sắc phong hiện còn của tỉnh Đồng Tháp

TTNơi lưu giữSố lượng sắc phong
1Đình97
2Miếu6
3Đền2
4Lăng6
5Tư gia14
(Nguồn: Số liệu khảo sát, 2018)

 

     Trong tổng số 85 ngôi đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn có 16 đình, mỗi đình 1 sắc phong, có sắc còn nguyên vẹn, có sắc bị rách nát hoàn toàn, riêng đình Tân Xuân (huyện Châu Thành) có 4 sắc, đình Thường Lạc (huyện Hồng Ngự) có 3 sắc, song chưa thể tiếp cận được sắc phong ở hai đình này. Do vậy bảng số liệu kê trên chỉ thống kê đối với những đình khảo sát được văn bản sắc phong. Kết quả khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có đình chỉ có 1 sắc phong, có đình lại có đến 6 sắc phong như đình Tân An, Mỹ Ngãi (Tp. Cao Lãnh), Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây, Mỹ Long, Mỹ Hội, (huyện Cao Lãnh), Mỹ Xương (Tp. Sa Đéc). Điều lý thú là ở Đồng Tháp hiện có bốn đạo sắc đặc biệt ban cho Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Bình Bắc Đại Nguyên soái Trần Thủ Độ và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm được cất giữ cẩn thận tại tư gia họ Thái (Tp. Sa Đéc). Theo thông tin từ bác Thái Trường Khương, hậu duệ Thái Quý Công và Thái Gia Quân cho biết các đạo sắc này được tổ tiên để lại và không rõ vì sao có bốn đạo sắc nói trên. Cụ thể gồm:

    − Một đạo sắc gia tặng cho Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn lên hàng Thượng đẳng thần năm 1823 nhân dịp vua Minh Mệnh nối ngôi và chuẩn hứa cho thôn Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Hà tiếp tục thờ phụng như trước, đóng ấn 敕命之寶 Sắc mệnh chi bảo.

     − Hai đạo ban cho Bình Bắc Đại Nguyên soái Trần Thủ Độ, trong đó 1 đạo có kích thước 48 x 53 cm ban vào năm Cảnh Hưng 41 (1781), gia phong mỹ tự, đóng ấn 制誥之寶 Chế cáo chi bảo; 1 đạo gia tặng cho ông lên hàng Thượng đẳng thần và chuẩn cho thôn Lưu Gia, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tiếp tục thờ phụng ông như cũ nhân dịp mừng thọ 40 tuổi của vua Khải Định vào năm 1924 đóng ấn 敕命之寶 Sắc mệnh chi bảo.

     − Một đạo gia tặng mỹ tự cho Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, kích thước 48 x 53 cm, đóng ấn 制誥之寶 Chế cáo chi bảo ban vào năm Cảnh Hưng 41 (1781).

     Bốn đạo sắc này được cuộn tròn vào 8 đạo sắc khác, được cất cẩn thận trong tủ. Tám đạo sắc được nhắc đến ban cho Tả quân Lê Văn Duyệt, Lưu thủ dinh Long Hồ Tống Phước Hiệp, Hòa Quận công Tống Phước Hòa, Sĩ Hòa hầu Nguyễn Hữu Nhân, Bình môn Tướng quân Nguyễn Văn Thống, Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhơn, Anh võ Tướng quân Thái Quý Công, Thượng quốc công Thái Gia Quân cùng vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) nhân dịp mừng thọ 40 tuổi của vua Khải Định, đều thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, còn có 1 đạo sắc ban cho Thái Quý Công cũng vào năm Cảnh Hưng 41 (1781) (Đỗ Thị Hà Thơ, 2018, tr. 120).

     Sắc phong hiện còn của tỉnh Đồng Tháp có niên đại sớm nhất được tìm thấy vào năm Cảnh Hưng 41 (1781). Sắc phong thuộc niên đại triều Nguyễn sớm nhất được hiện còn là vào năm Gia Long 2 (1803), ở đình Tân Khánh (Tp. Sa Đéc) ban cho Khâm sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Thống và một đạo sắc ban cho Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư vào năm Gia Long 13 (1814) lưu giữ ở tư gia ông Nguyễn Văn Mương (huyện Cao Lãnh). Do điều kiện khách quan nên ở một số đình, sắc phong bị hư hao nặng, ban trị sự và các bậc cao niên ngồi họp bàn và sao chép lại bản sắc phong đó. Theo thời gian, bản sắc phong gốc đã không còn giữ được nữa, các bác giữ đình chỉ cho xem lại bản sao. Bản sao này chỉ sao lại nguyên văn tờ sắc trên chất liệu giấy, có bản ghi năm sao, có bản không ghi năm sao. Như sắc phong đình Tân Thành (huyện Lai Vung) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng thôn Tân Lộc, huyện Vĩnh An ban năm Tự Đức 5 (1852) được sao chép lại vào ngày mồng 3 tháng 7 năm Nhâm Dần trên chất liệu giấy thủ công màu cam, sắc phong đình Tân Hòa (huyện Thanh Bình) phong cho Bổn cảnh Thành Hoàng thôn Tân Hưng, huyện Đông Xuyên ban năm Tự Đức 5 (1852) không ghi năm sao chép, được viết trên chất liệu giấy dó bình thường. Một số đình bị mất hẳn sắc phong như đình Phong Mỹ (huyện Thanh Bình), đình Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) đều có 2 đạo sắc, tuy nhiên các đạo sắc này đều bị nát vụn trong trận chiến tranh vệ quốc của địa phương, không thể khôi phục được. Hiện đình chỉ còn giữ lại được hộp đựng sắc, phần văn bản vụn nát này vẫn được dân cất kỹ vào hộp sắc và kính cẩn đặt trên bàn thờ như bảo vật của đình. Đình Phú Thành A (huyện Tam Nông) hiện giữ 2 đạo sắc, một cho Thành Hoàng Bổn cảnh, một cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải cùng được ban vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức 5 (1852). Tuy nhiên, hai đạo sắc này bị hư hỏng nặng, phần văn bản rách nát mất nhiều chữ. Ban trị sự đình đã dùng giấy dán tiền bồi mặt sau lại, cố giữ nguyên trạng văn bản. Đồng thời, ban trị sự cũng cố gắng sao lại nguyên văn hai đạo sắc nói trên và được Chủ tịch xã xác nhận bản sao vào ngày 02 tháng 3 năm 2001.

     Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, bản sao chép nguyên văn chữ Hán hai đạo sắc trên có chỗ chưa thể khôi phục đúng nguyên trạng chữ Hán của văn bản gốc. Theo đó, đối tượng, nội dung và số lần phong tặng cũng bị thay ít nhiều. (Đỗ Thị Hà Thơ, 2018, tr. 121 – 122).

     Thực tế cho thấy, việc bảo quản sắc phong ở tỉnh Đồng Tháp còn rất đơn giản. Sắc đơn thuần được cuộn lại, quấn thêm bên ngoài một lớp vải màu đỏ, cho vào ống đồng, ống nhựa hoặc ống tre được đặt vào trong hộp gỗ rồi đưa lên khánh thờ thần. Sắc giữ ở tư gia có phần chắc chắn hơn, được cất kỹ vào tủ kín và khóa chặt lại. Tùy quy định từng nơi, sắc thường chỉ được đem ra phơi một lần vào trước lễ Kỳ yên một ngày trong năm, tuy nhiên cũng có đình quy định ba năm mới mở và phơi sắc một lần, có đình lại không mở ra bao giờ. Điều này khiến những đạo sắc quý càng bị hư hao và những dữ liệu giá trị không thể đến được với người đương đại như trường hợp ở đình Phong Mỹ, Mỹ Thọ, Phú Thành A đã đề cập đến bên trên.

     3.2 Đối tượng được ban sắc ở tỉnh Đồng Tháp

     Qua các văn bản sắc phong khảo sát được trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, đối tượng được triều đình Nguyễn ban sắc chủ yếu là thần Thành Hoàng bổn cảnh, thần Đại Càn Quốc gia Nam hải, thần Hà Bá và những công thần có công trạng với đất nước. Việc phong tặng này đánh dấu sự công nhận hợp pháp của triều đình Huế đối với vấn đề tín ngưỡng và thờ tự ở địa phương sở tại. Riêng những nhân vật có công giúp nước yên dân, việc ban sắc gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của từng địa phương, không mang tính chất phổ biến như thần Thành Hoàng và thần Đại Càn.

     3.2.1 Thần linh

     a. Thần Thành Hoàng

     Dựa vào nguồn tư liệu dân gian và qua kết quả thống kê cho thấy, triều đình Nguyễn ban tổng cộng 65 đạo sắc phong cho thần Thành Hoàng vào các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại. Trong đó tập trung nhiều nhất ở niên hiệu vua Thiệu Trị thứ 5 (1845) và Tự Đức thứ 5 (1852), với số lượng mỹ tự đầy đủ vào năm Thiệu Trị thứ 5 là 保安正直佑善之神 Bảo An Chính trực Hựu thiện chi thần, năm Tự Đức thứ 5 là 廣厚正直佑善敦凝之神 Quảng hậu Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Với số lượng bằng sắc này, thần Thành Hoàng chính thức trở thành vị thần đại diện cho thiên tử nhà Nguyễn quản lý dân ở những vùng xa Trung ương như tỉnh Đồng Tháp. Hầu hết các vị thần Thành Hoàng ở Đồng Tháp đều không có lai lịch cụ thể, mang tính chung chung trở thành biểu tượng cho sức mạnh tự nhiên để “hộ quốc tí dân”, đồng thời phản ánh lối sống cộng đồng của cư dân Việt khi đến khai phá vùng đất mới. So với các vị thần được ban sắc khác, thần Thành Hoàng chỉ được nhà Nguyễn phong ở mức chi thần, duy chỉ ở đình Xẻo Vạt (huyện Châu Thành) và đình Phú Thuận (huyện Hồng Ngự), thần mới được vua Bảo Đại phong lên hàng Trung đẳng thần. Tuy vậy thần Thành Hoàng được thờ ở khắp đình làng tỉnh Đồng Tháp đã giữ/phát huy vai trò quan trọng trong việc thống nhất thần linh và hợp thức hóa việc thờ tự của địa phương.

     b. Thần Đại Càn

     Trong tổng số 125 đạo sắc phong hiện còn ở tỉnh Đồng Tháp khảo sát được, có 31 đạo ban cho thần Đại Càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh nương. Lai lịch của vị thần Đại Càn được phủ lên truyện tích về sự trung trinh của Hoàng hậu và ba vị công chúa nước Triệu Tống trong cuộc truy bức của quân Nguyên. Vị thần Đại Càn được thờ khắp nơi ven biển, sự linh ứng của thần gắn liền với sự phò trợ cho dân chúng làm nghề chài lưới. Tính chất biển của vị thần Đại Càn được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống của người Đồng Tháp với lễ Cầu ngư vào mùa nước nổi diễn ra vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, số lượng tự tích thờ vị thần Đại Càn ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay không nhiều. Theo khảo sát gần đây, tỉnh Đồng Tháp chỉ có một miếu thờ thần Đại Càn duy nhất nằm trong khuôn viên đình Mỹ Hội (huyện Cao Lãnh). Mặc dù số lượng sắc phong ban cho vị thần Đại Càn tương đối nhiều nhưng sự ít ỏi về số lượng tự tích thờ vị thần này phản ánh sức giảm sút mức ảnh hưởng của vị thần Đại Càn đối với đời sống tâm linh cư dân Đồng Tháp. Qua nội dung thể hiện trên các đạo sắc phong cho biết, thần được ban mỹ tự đầy đủ qua các lần gia tặng là 含弘光大至德溥博顯化莊徽 Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy và được phong lên hàng 上等神 Thượng đẳng thần song vị thần Đại Càn ở tỉnh Đồng Tháp chỉ được thờ trong đình với tư cách phối tự, thậm chí còn không có ban/ khánh thờ riêng. Sự linh ứng của thần Đại Càn cũng như một số vị thần không xuất hiện trong khuôn viên ngôi đình được dân địa phương kêu cầu qua bản văn tế tế thần vào mỗi dịp lễ hằng năm. Như vậy, cùng với thần Thành Hoàng, thần Đại Càn chính thức trở thành vị thần bảo hộ quốc gia qua các bằng sắc chứng nhận hợp pháp của triều Nguyễn.

     c. Thần Hà Bá

     Xuất phát từ quan niệm “đất có Thổ Công, sông có Hà Bá” cũng như nhiều nơi trong cả nước, trong quá khứ người dân tỉnh Đồng Tháp lập miếu thờ và cầu sự bảo trợ từ vị thần này. Ở Đồng Tháp, tín ngưỡng thờ vị thần này còn rất ít người biết đến. Hiện nay, toàn tỉnh còn duy nhất miếu An Khương thờ thần Hà Bá thủy quan, tọa lạc tại đường Trần Văn Voi, khóm 2, tp. Sa Đéc 2. So với các tỉnh Tây Nam Bộ, miếu An Khương may mắn lưu giữ được một đạo sắc phong ban cho thần Hà Bá. Nội dung đạo sắc cho biết, danh xưng của thần là 水府河壩龍 宫Thủy phủ Hà Bá Long cung vốn được thờ ở tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Sa Đéc, từng được ban mỹ tự là泓恩廣澤泓博靈靜旺潤澄湛Hoằng ân Quảng trạch Hoằng bác Linh tĩnh Vượng nhuận Trừng trạm, thuộc hàng 尊神Tôn thần. Số lượng mỹ tự kể trên có thể thấy, thần Hà Bá được ban sắc tổng cộng 6 lần, tuy nhiên số sắc phong của các lần phong tặng trước đã không còn. Đến năm 1924, vua Khải Định gia tặng thêm mỹ tự là 蒙順 Mông thuận và thăng lên hàng 中等神 Trung đẳng thần. Nội dung đạo sắc phong này cụ thể như sau:

Hình 1: Sắc phong ban cho thần Hà Bá lưu giữ tại miếu An Khương3
(Nguồn: Ảnh chụp lại, Đỗ Thị Hà Thơ)

     Dịch nghĩa:

     Sắc cho tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Sa Đéc phụng thờ Thủy phủ Hà bá Long cung chi thần, được phong là Hoằng ân Quảng trạch Hoằng bác Linh tĩnh Vượng nhuận Trừng trạm Tôn thần, giúp nước yên dân, linh ứng đã lâu, từng được ban sắc phong chuẩn hứa cho thờ phụng. Nay đúng dịp mừng thọ tứ tuần của Trẫm, đã ban bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn gia tăng cấp bậc nên gia tặng là Mông thuận Trung đẳng thần. Đặc biệt chuẩn hứa cho thờ phụng, để ghi nhớ ngày mừng của đất nước và làm rõ phép tắc thờ tự. Hãy kính tuân theo!

     Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.

     (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

     3.2.2 Nhân vật

     Qua nội dung thể hiện trên các đạo sắc phong cho biết, ngoài những đạo sắc được triều Hậu Lê, triều Nguyễn ban trực tiếp để vinh danh những công thần, còn có các đạo sắc ban cho phụ mẫu của các vị công thần triều Nguyễn, nhằm tỏ rõ uy đức cũng như khích lệ công lao khó nhọc của các vị dốc sức cho cuộc xây dựng cơ đồ. Tính tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Tháp hiện còn 4 đạo sắc ban cho phụ mẫu của các công thần, cụ thể như sau:

     − Hai đạo ban cho phụ mẫu đã mất4 của Công bộ Tả Tham tri Bùi Đức Minh5 cùng vào ngày mồng 6 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) được lưu giữ ở đình Thượng Văn (huyện Cao Lãnh), đóng ấn 敕命之寶 Sắc mệnh chi bảo. Trong đó, sắc ban cho thân phụ Bùi Đức Minh là ông Bùi Đắc Lộc từng giữ chức 中順大夫贊治尹翰林院侍讀學士Trung thuận Đại phu Tán trị Doãn Hàn Lâm viện Thị độc Học sĩ được tặng là 中議大夫資治少卿太僕寺卿裴侯 Trung nghị Đại phu Tư trị Thiếu khanh Thái bộc tự khanh Bùi hầu. Về đạo sắc ban cho thân mẫu Bùi Đức Minh là bà Thị Huệ bị rách nát mất nhiều thông tin ở các vị trí ghi họ của bà, mỹ tự được gia tặng, phần tán dương…

     − Một đạo sắc ban cho thân phụ đã mất của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên là ông Phan Văn Hậu được ban vào ngày 25 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), đóng ấn 制告之寶 Chế cáo chi bảo và một sắc ban cho thân mẫu là bà Võ Thị Đức vào ngày mồng 9 tháng 3 năm Minh Mạng thứ 5 (1824), đóng ấn 封贈之寶 Phong tặng chi bảo6. Xét về mốc thời gian ban sắc, còn ít nhất 2 đạo sắc ban cho hai ông bà, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại hai tờ sắc nói trên. Cả hai đạo đều được lưu giữ ở đền thờ Tuyên Trung Hầu (huyện Lấp Vò). Theo đó, ông Phan Văn Hậu được vua Minh Mạng tặng là 英勇將軍輕車都尉神策衛尉阮侯Anh dũng Tướng quân Khinh xa Đô úy Thần sách Vệ úy Nguyễn hầu, bà Võ Thị Đức được tặng mỹ hiệu là 淑人Thục nhân để vinh danh hương linh ông bà.

     a. Công thần triều Lê Trung Hưng

     − Thượng quốc công Thái Gia Quân

     Về tiểu sử của Thái Gia Quân (? – ?), không thấy ghi chép trong bộ sử lớn thời Lê, Nguyễn. Hai đạo sắc phong còn lưu lại ở từ đường họ Thái là thông tin hiếm hoi về vị khai quốc công thần này. Theo đó đạo sắc ban vào năm Cảnh Hưng thứ 41 cho biết, Thái Gia Quân thụy là 忠勇 Trung Dũng, vốn trước đã được ban sắc phong với số lượng mỹ tự là 顯應靈通英踹大王 Hiển ứng Linh thông Anh đoán Đại vương và lần ban sắc này ông được vua Lê gia tặng cho thêm hai mỹ tự nữa là 弘偉 Hoằng vĩ. Như vậy, tổng số mỹ tự sẽ là 顯應靈通英踹弘偉大王 Hiển ứng Linh thông Anh đoán Hoằng vĩ Đại vương. Căn cứ vào số lượng mỹ tự được ban, có thể phỏng đoán chính xác về số lần Thái Gia Quân được vua Lê ban sắc tổng cộng là 4 lần. Tuy nhiên, hiện nay mới tìm thấy đạo sắc ban lần thứ tư của vua Lê Hiển Tông cho ông vào năm 1781 ở tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, nội dung tờ sắc này còn cho biết mỹ tự gia tặng cho ông được ban sau khi ông mất và Thái Gia Quân là một trong số những vị công thần lớn đối với cơ nghiệp khai quốc của nhà Lê thời trung hưng. Ông từng được bổ nhiệm các vị trí quan trọng của triều đình như Thái phó Thượng trụ quốc Thượng quốc công, Đông các Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư. Với công trạng của mình, ông được vinh danh và lập miếu thờ ở thôn Tân Phú Đông thuộc tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Vĩnh Long. Đến thời nhà Nguyễn, Thái Gia Quân liên tục được các vua Nguyễn ban tặng sắc phong, tôn ông lên hàng 尊神 Tôn thần, 大尊神 Đại tôn thần, với tổng số 61 mỹ tự qua các lần ban sắc. Năm 1924, ông tiếp tục được vua Khải Định gia tặng thêm mỹ tự là 倬偉 Trác vĩ và tôn lên hàng 上等神 Thượng đẳng thần và chuẩn cho việc thờ tự.

     − Anh võ Tướng quân Thái Quý Công Cũng giống như Thái Gia Quân, lai lịch của Thái Quý Công (? – ?) không thấy sách sử nào ghi chép. Căn cứ vào nội dung đạo sắc ban cùng vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 cho biết, Thái Quý Công thụy là 奮揚 Phấn Dương vốn được thờ cùng Thái Gia Quân ở thôn Tân Phú Đông thuộc tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Vĩnh Long. Ông từng giữ các chức vụ như Phó Đô chỉ huy sứ, Phó doanh, Khâm sai, Tổng binh, Cai cơ, Hiệp lý thủy sư, Anh võ Tướng quân. Ông được triều Nguyễn ban tặng sắc và phong Tôn thần với 75 mỹ tự. Năm 1924, ông được vua Khải Định gia tặng mỹ tự là 倬偉 Trác vĩ và tôn lên hàng 上等神 Thượng đẳng thần, và chuẩn cho địa phương tiếp tục thờ phụng ông theo như lệ cũ. So với Thái Gia Quân, Thái Quý Công được nhà Nguyễn ban tặng nhiều đạo sắc hơn. Về mối quan hệ giữa Thái Quý Công và Thái Gia Quân, hiện chưa tìm được tư liệu liên quan, ngay cả bác Thái Trường Khương, hậu duệ của hai ông cũng không rõ và gia đình cũng không còn/ có gia phả.

     b. Công thần triều Nguyễn

     Từ kết quả khảo sát cho biết, tỉnh Đồng Tháp hiện còn lưu giữ được đạo sắc ban cho các vị công thần từ đầu triều Nguyễn đến triều Bảo Đại, tập trung nhiều nhất ở niên hiệu Khải Định (1820 – 1925). Trong đó một số vị được lập đền, miếu thờ và được tôn thần như Tống Phước Hòa, Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều, Đỗ Công Tường.

Bảng 2: Số lượng sắc phong ban cho công thần triều Nguyễn

TTĐối tượng được sắc phongSố lượngNiên đại
1Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư1Gia Long 13 (1814)
2Hòa Quận công Tống Phước Hòa2
1
1
1
Thiệu Trị 3 (1843)
Tự Đức 3 (1850)
Khải Định 6 (1921)
Khải Định 9 (1924)
3Lưu thủ dinh Long Hồ Tống Phước Hiệp1Khải Định 9 (1924)
4
5
6
Bình môn Quận công Nguyễn Văn Thống
Sĩ Hòa hầu Nguyễn Hữu Nhơn
Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên
1
1
1
1
Gia Long 2 (1803)
Khải Định 9 (1924)
Khải Định 9 (1924)
Minh Mạng 11 (1830)
7Phó quản cơ Nguyễn Trường Cửu1
1
Minh Mạng 15 (1834)
Minh Mạng 18 (1837)
8
9
10
11
Thiên hộ Võ Duy Dương
Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều
Thái trưởng Công chúa Nguyễn Phúc Hồng Nga
Câu đương Đỗ Công Tường
1
1
1
1
Khải Định 9 (1924)
Khải Định 9 (1924)
Khải Định 9 (1924)
Bảo Đại 10 (1934)
(Nguồn: Kết quả khảo sát, 2019)

 

     − Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư Nguyễn Văn Thư (? – 1801), người gốc Bình Định, sinh ra ở cù lao Giêng (tỉnh An Giang), sau lấy vợ ở vùng Cái Nhum, miệt Hổ Cứ (tỉnh Đồng Tháp) và ở lại đây. Ông là một trong những danh tướng theo hầu chúa Nguyễn sớm nhất. Năm 1782, ông cùng hai người em của mình là Nguyễn Văn Kinh và Nguyễn Văn Diện đầu quân dưới trướng của Tôn Thất Hội, sau ông được phong chức Chưởng cơ. Năm 1789, Tôn Thất Hội mất, bấy giờ ông là Phó tướng lên thay chỉ huy trận đánh với quân Tây Sơn ở thành Quy Nhơn. Năm 1799, Nguyễn Ánh lấy được thành Quy Nhơn đổi tên là thành Bình Định. Năm 1800, quân Tây Sơn tiến đánh thành Bình Định, Nguyễn Ánh cử đại binh ra cứu viện, Nguyễn Văn Thư chỉ huy thủy binh đại chiến trên sông Thị Nại. Đây là trận chiến cuối cùng của chúa Nguyễn với Tây Sơn. Mặc dù thu được thắng lợi, nhưng Nguyễn Văn Thư cùng hai người em của ông và Võ Di Nguy đều trúng đại bác thiệt mạng. Thi hài ông cùng các tướng sĩ đều thủy táng ở cửa sông này. Năm 1814, triều đình phái sứ giả làm lễ du hồn cho ba anh em ông ở quê nhà theo đúng nghi thức nhà quân. Hiện nay, lăng Ba quan Thượng đẳng tại cù lao Giêng vẫn khói hương nghi ngút, nằm trong khu đất của họ Nguyễn. Riêng ở Đồng Tháp, quê vợ ông xây phủ thờ Nguyễn tộc hay Dinh Ba quan Thượng đẳng để tưởng nhớ công lao, mặc dù di hài ông đã gửi ở sông Thị Nại. Nguyễn Văn Thư được ngưỡng vọng lập phủ, mộ thờ ở cả hai tỉnh, song tỉnh Đồng Tháp may mắn còn giữ được đạo sắc phong của vua Gia Long ban cho ông vào năm 1814. Theo đó, sau khi làm lễ du hồn về quê nhà, ông được truy tặng là 特進輔國上將軍上柱國 Đặc Tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Thượng Trụ quốc Khâm sai Chưởng dinh Thư Ngọc Hầu, ban thụy là 威勇 Uy Dũng.

     − Hòa Quận công Tống Phước Hòa

     Về tiểu sử của Tống Phước Hòa (? – 1777), sách Đại Nam liệt truyện cho biết ông là người làng Tống Sơn (Thanh Hóa), là dòng dõi của Tống Phước An, phụng sự dưới thời chúa Nguyễn Phước Thuần và Nguyễn Phước Dương. Ông từng giữ chức Cai cơ dưới quyền của Tống Phước Hiệp. Trong một trận đánh nhau với quân Tây Sơn, bị thất thủ, ông đã trở gươm tự sát. Về sau Tống Phước Hòa được vua Gia Long truy tặng là Chưởng dinh Quận công và được đưa vào miếu Trung tiết công thần ở Huế thờ năm 1810 (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006).

     Hiện nay ở đình Vĩnh Phước (Tp. Sa Đéc) còn lưu giữ 5 đạo sắc phong ban cho Tống Phước Hòa lần lượt ban vào ngày 24 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 3 (1850), ngày 2 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ngày 2 tháng 7 nhuận năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ngày 8 tháng 11 năm Tự Đức thứ 3 (1850) đều phong ông hàng Trung đẳng thần, với đầy đủ mỹ tự của đợt ban tặng sau cùng là 廣恩植德樹功揚名光懿 Quảng ân Thực đức Thụ công Dương danh Quang ý; riêng ngày 14 tháng 9 năm Khải Định thứ 6 (1921) phong ông lên hàng Thượng đẳng thần, với mỹ tự là 靈扶翊保中興 Linh phù Dực bảo Trung hưng. Đạo sắc ban ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) tìm thấy ở từ đường họ Thái cho biết, Tống Phước Hòa vốn được thờ ở thôn Vĩnh Phước, tổng An Trung, huyện Vĩnh An với tư cách của một vị huân liệt công thần, thụy là 忠肅 Trung Túc được gia phong mỹ tự là 廣恩植德靈扶翊保中興 Quảng ân Thực đức Linh phù Dực bảo Trung hưng. Trong đợt gia tặng này, vua Khải Định đã ban thêm mỹ tự là 卓偉 Trác vĩ.

     − Lưu thủ dinh Long Hồ Tống Phước Hiệp

     Sách Đại Nam liệt truyện cho biết, Tống Phước Hiệp (? – 1776) là người làng Tống Sơn (Thanh Hóa), dòng dõi của Tống Phước Trị, là anh em chú bác với Tống Phước Hòa, phụng sự dưới thời chúa Nguyễn Phước Thuần. Ông làm Lưu thủ Long Hồ, từng đưa binh giúp Mạc Thiên Tứ đánh dẹp quân Xiêm chiếm đất Hà Tiên năm 1771. Trong cùng năm 1774, ông cầm quân phá tan được Tây Sơn và quân Trịnh. Tháng 6 năm 1776, ông bị bệnh nặng qua đời, chúa Nguyễn Phước Thuần truy tặng ông làm Hữu phủ Quốc công và cho lập miếu thờ ở Long Hồ. Năm 1810, vua Gia Long chuẩn cho thờ ông ở miếu Trung tiết công thần. Đến năm 1822, vua Minh Mạng gia tặng cho ông là 扶正中等神 Phù chính Trung đẳng thần, liệt thờ ở miếu Hội Đồng tại Gia Định (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006).

     Đạo sắc ban ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) hiện còn cho biết, giống với Tống Phước Hòa, Tống Phước Hiệp được thờ ở tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Vĩnh Long cũng với tư cách của một vị huân liệt công thần, đã được tôn thần với tổng cộng 56 mỹ tự. Trong đợt gia tặng này, ông được tặng thêm mỹ tự là 卓偉 Trác vĩ và thăng từ hàng Tôn thần lên hàng Thượng đẳng thần.

     − Bình môn Quận công Nguyễn Văn Thống

     Nguyễn Văn Thống (? – ?), ghi chép về ông không nhiều, sách Đại Nam thực lục chỉ cho biết, ông từng giữ các chức Cai đội, Chưởng cơ, Phó vệ úy, Khâm sai cai cơ hậu hiệu Hữu chi Tả quân dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng (Viện Sử học, 2007, tr. 302). Hiện nay tại đình Tân Khánh (tp. Sa Đéc) còn lưu giữ một đạo sắc phong ban cho Khâm sai Chưởng cơ Nguyễn Văn Thống vào ngày 16 tháng 1 nhuận năm Gia Long 2, do con của ông là Nguyễn Văn Lộc sao lại không có dấu ấn. Qua nội dung tờ sắc cho biết, Nguyễn Văn Thống là người ở thôn Tân Khánh Đông, tổng Bình Dương, châu Định Viễn, phủ Gia Định. Ông lập nhiều công lao binh mã, trước từng giữ chức Tả quân Trung soái Phó thống soái Khâm sai thuộc nội Cai cơ; đến năm 1803, được vua Gia Long thăng thụ chức Nội quân Trung soái Chánh thống soái Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ Thống Hội hầu. Bên cạnh đó, những ghi chép trong tờ sắc ban năm 1924 tìm thấy ở tư gia họ Thái (tp. Sa Đéc) thông tin thêm Nguyễn Văn Thống giữ đến chức Hữu quân Đô đốc phủ Chưởng chấn võ quân Thái tử Thái bảo, tước Bình môn Quận công. Sau khi mất, ông được truy tặng là Tráng võ Tướng quân 翊運同徳功臣特進柱國上將軍上柱國 Dực vận Đồng đức Công thần Đặc tiến Trụ quốc Thượng tướng quân Thượng trụ quốc, thờ ở thôn Tân Khánh, tổng An Thạnh Hạ, huyện Vĩnh An, tỉnh Vĩnh Long, tên thụy là 目格 Mục Cách với mỹ tự là 翊保中興 Dực bảo Trung hưng, thuộc hàng Tôn thần. Trong đợt gia tặng ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924), ông được ban thêm mỹ tự là 卓偉 Trác vĩ và thăng lên hàng Thượng đẳng thần.

     − Sĩ Hòa hầu Nguyễn Hữu Nhơn

     Nguyễn Hữu Nhơn (? – ?) người Tống Sơn (Thanh Hóa), tham chính dưới triều chúa Nguyễn Phước Khoát. Ông lập nhiều công trạng trong công cuộc khai hoang mở cõi và bảo vệ vùng đất phương Nam. Ông giữ chức Cai đội dinh Long Hồ, Cai đội đạo Đông Khẩu, có công thiết lập nền móng ban đầu trong suốt 15 năm (1757 – 1772) cho khu thị tứ ven sông Sa Đéc xưa, tạo điều kiện hình thành thành phố Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Về sau ông lâm bệnh nặng và qua đời. Ông được người dân lập đền thờ ở thôn Vĩnh Phước. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long sắc phong ông là 廣恩中等神 Quảng ân Trung đẳng thần. Hiện nay đình Vĩnh Phước (tp. Sa Đéc) lưu giữ 1 đạo sắc phong ban vào ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 3 (1822) cấp cho Cai cơ Đông Khẩu đạo Nhơn Hòa hầu/ Sĩ Hòa hầu. Nội dung tờ sắc cho biết, ông được vua Minh Mạng gia phong thêm mỹ tự là 廣恩植德中等神 Quảng ân Thực đức Trung đẳng thần, chuẩn cho thôn Vĩnh Phước, tổng An Trung, huyện Vĩnh An, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thờ phụng như cũ. Đạo sắc này được đóng ấn 封贈之寶 Phong tặng chi bảo và kết thúc bằng chữ 故敕 cố sắc (cho nên ban sắc). Ngoài ra, còn có một đạo sắc ban cho ông vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) cho biết trong đợt ban sắc này, ông được gia tặng mỹ tự là 卓偉 Trác vĩ và thăng lên hàng Thượng đẳng thần.

     − Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên

     Nguyễn Văn Tuyên (1763 – 1831), quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong cuộc chiến với Tây Sơn, ông theo gia quyến chạy nhiều nơi, sau đến Tòng Sơn ở phía đông Tiền Giang và Mỹ An Hưng. Ông vốn gốc họ Phan, do có công nên được ban quốc tính. Năm 1788, ông theo phò Nguyễn Ánh, được cất cử giữ các chức Thần sách quân hổ oai vệ úy, Chấn võ quân nhất bảo vệ úy, Khâm sai Chưởng cơ, Thống chế. Đến năm 1819, ông hợp sức với Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại và Điều Bát Nguyễn Văn Tồn đào kinh Vĩnh Tế thông từ Châu Đốc đến suốt Hà Tiên. Từ năm 1822 đến 1829, ông được trao chức Trấn thủ Biên Hòa rồi Trấn thủ Định Tường; chức Khâm sai thuộc nội Chưởng cơ và vẫn ngồi trấn Định Tường; làm Thống chế, cai quản biền binh thành Gia Định; chức Thống chế cai quản biền binh, Bảo Hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm án thủ Châu Đốc đồn kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ. Năm 1831, ông lâm trọng bệnh và qua đời, an táng tại thôn Mỹ An. Ông được lập đền thờ ở xã Mỹ An Hưng A. Năm 1971, hậu duệ của ông cải táng và xây lăng mộ bên cạnh đền thờ ông. Hiện nay, đền thờ ông còn lưu giữ được 1 đạo chiếu ban vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đóng ấn 敕命 之寶 Sắc mệnh chi bảo. Đối với đạo chiếu này, trên cơ sở ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết, vào đầu triều Minh Mạng trở về trước, sắc văn ban cấp nguyên là chữ chiếu, đến năm Minh Mạng thứ 19 đổi làm chữ sắc (Nội Các triều Nguyễn, 1993, tr.22). Vì trước đây loại hình văn bản chiếu vừa được dùng để sắc phong ban thưởng, được đóng ấn Chế cáo chi bảo 制誥之寶, một số văn bản được đóng ấn Sắc mệnh chi bảo 敕命 之寶; vừa được dùng để sai phái, đóng ấn Quốc gia tín bảo 國家信寶. Theo nội dung đạo chiếu ban cho Nguyễn Văn Tuyên, đây là văn bản dùng để sắc phong ban thưởng, được xếp vào loại hình văn bản sắc phong. Đạo chiếu ghi rõ, trong quá trình thi hành công vụ ông bị giáng hai cấp, lần ban chiếu này vua Minh Mạng khôi phục công án và thăng một cấp cho ông.

     − Phó quản cơ Nguyễn Trường Cửu

     Nguyễn Trường Cửu (1797 – 1838), con trai trưởng của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên lập nhiều công lao binh mã dưới thời vua Minh Mạng. Ông vốn quê ở thôn Mỹ An, tổng An Thạnh, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Do sự xê dịch địa giới hành chính qua từng giai đoạn lịch sử, đến nay vùng đất này thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Cũng giống như cha, ông tận tụy quên mình giữ yên bờ cõi phía nam của đất nước. Tuy nhiên những ghi chép về ông chỉ xuất hiện trong tiểu sử của người cha, với thông tin ít ỏi từ miêu duệ của ông là Nguyễn Trường Chấp, người hiện giữ gia phả của Nguyễn hầu cung cấp. Ông làm quan đến chức Hải tây Phó Lãnh binh, có lúc được cử giữ nhiệm vụ An Hà Đốc phủ. Sau chinh phạt Cao Miên, tử trận tại Gò Sặt (tỉnh Pursat của Campuchia hiện nay), được truy phong 壯翊潘公之神Tráng dực Phan công chi thần. Hiện đền thờ Tuyên Trung hầu còn giữ được 11 văn bản bằng chữ Hán (9 văn bản là của tướng soái, 2 văn bản là chiếu của triều đình) cho biết thông tin lý thú về chặng đường binh nghiệp của ông. Cũng giống như trường hợp của Nguyễn Văn Tuyên, 2 văn bản chiếu ban cho Nguyễn Trường Cửu được đóng ấn 敕命 之寶 Sắc mệnh chi bảo là văn bản dùng để sắc phong ban thưởng. Nội dung tư liệu cho hay, Nguyễn Trường Cửu được tướng Trần Văn Năng và tướng Trương Minh Giảng tin tưởng giao cho các chức Thuận nghĩa cơ Ngoại ủy Quản cơ năm 1833, An Bình Nhị cơ Phó Quản cơ năm 1834, An Bình nhị cơ Thí sai Phó quản cơ năm 1835, An Giang Tiền cơ Thí sai Phó quản cơ năm 1836, Hải Tây phủ Hiệp lý Phủ vụ và chức An Giang Tả cơ Quản cơ cùng vào năm 1837. Ở chức vụ nào ông cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, Tuần phủ Lê Đại Cương và Bình Thành bá Trương Minh Giảng đề cử ông với vua Minh Mạng. Theo đó vua Minh Mạng xét công trạng và ban chiếu cất cử chức vụ cho ông. Cụ thể năm 1834, ông chính thức giữ chức Cai đội ở An Giang trật Tòng ngũ phẩm, đến năm 1837 chính thức giữ chức Phó quản cơ ở An Giang.

     − Thiên hộ Võ Duy Dương

     Võ Duy Dương (1827 – 1866), người gốc Bình Định, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Đồng Tháp Mười những năm 1862 – 1866. Năm 1857, Võ Duy Dương vào Nam, đến đất Ba Giồng chiêu dân lập ấp. Năm 1859, ông được phong chức Chánh quản đạo cùng Thủ khoa Huân đưa quân đánh trả Pháp chiếm thành Gia Định và thành Mỹ Tho, rồi được phong Thiên hộ năm 1860. Năm 1861, ông vào Nam chiêu mộ quân lính chống Pháp, ban đầu đóng quân ở Bình Cách sau lấy Tháp Mười làm căn cứ. Từ căn cứ hiểm trở này, ông áp dụng chiến thuật đánh du kích, gây cho Pháp nhiều tổn thất. Tháng 10 năm 1866, ông theo đường thủy ra Bình Thuận để liên kết với các nghĩa sĩ miền Trung tập hợp lại lực lượng tiếp tục chống Pháp, đồng thời ra Huế để xin sự giúp sức của triều đình và hiến kế diệt Pháp. Tuy nhiên, đến của biển Cần Giờ, ông và thủ hạ bị cướp biển sát hại. Để tưởng nhớ công lao đánh Pháp của ông trên đất Đồng Tháp, người dân ở Gò Tháp (huyện Tháp Mười) lập đền thờ ông cùng với Đốc binh Kiều. Bên cạnh đó, triều đình Huế nhiều lần ban sắc vinh danh công trạng và tinh thần chiến đấu không mỏi của ông, song hiện nay ở Đồng Tháp chỉ còn một đạo sắc của vua Khải Định ban cho ông vào năm 1924. Nội dung đạo sắc cho biết, ông từng được ban sắc 8 lần với đầy đủ mỹ tự của các lần ban sắc trước đó là 護國咸夫弘濟善助勇烈廣威忠直英踹 Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán và lần ban sắc này được gia tặng thêm mỹ tự là 端肅 Đoan túc, liệt vào hàng Tôn thần.

      − Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

     Đốc Binh Kiều (? – 1866), người gốc miền Trung, di cư vào Nam lập nghiệp. Ông là Phó tướng của Thiên hộ Dương trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Đồng Tháp Mười. Khi Thiên hộ Dương lập căn cứ ở Bình Cách, Mỹ Quý thuộc Ba Giồng, ông mang quân về hợp tác với Thiên hộ Dương, được phong chức Đốc binh, Phó tướng. Từ tháng 11 năm 1862 đến tháng 4 năm 1863, Pháp liên tiếp ba lần tấn công, cuối cùng đánh bật nghĩa quân ra khỏi Bình Cách, phải rút về Xoài Tư. Để củng cố lực lượng, Đốc binh Kiều vào Đồng Tháp Mười lập căn cứ, tiếp tục chiến đấu. Trong cuộc tấn công của Pháp năm 1866 vào cứ điểm Gò Tháp, ông bị trúng đạn và qua đời. Cũng như Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều được triều đình Huế nhiều lần ban sắc vinh danh. Qua nội dung đạo sắc vua Khải Định ban năm 1924 hiện còn cho biết, ông được ban tổng cộng 10 đạo sắc với mỹ tự được tặng đầy đủ 護國咸夫弘濟善助勇烈廣威忠直英踹智略彊儀 Hộ quốc Hàm phu Hoằng tế Thiện trợ Dũng liệt Quảng uy Trung trực Anh đoán Trí lược Cương nghi và lần ban sắc này được gia tặng thêm mỹ tự là 端肅 Đoan túc, liệt vào hàng Tôn thần. Hiện nay, ông được lập đền thờ chung với Thiên hộ Dương ở Gò Tháp.

     − Thái trưởng Công chúa Nguyễn Phúc Hồng Nga

     Tương truyền Hoàng cô Nguyễn Phúc Hồng Nga là em gái của vua Gia Long Nguyễn Ánh. Trong cuộc chiến với quân Tây Sơn, bà chạy đến vùng đất Tháp Mười trú ngụ một thời gian. Sau khi mất, bà hiển linh báo mộng cho dân địa phương và được dân lập miếu và mộ thờ vọng. Hiện nay ngôi mộ nằm bên cạnh miếu Hoàng cô. Trước ngôi miếu được dân xây dựng khá đơn sơ, đến năm 2007, dân chúng góp tiền trùng tu ngôi miếu với kết cấu tứ trụ như hiện nay. Hoàng cô Nguyễn Phúc Hồng Nga được ban sắc phong vào năm 1924. Nội dung đạo sắc cho biết, Hoàng cô vốn trước từng được ban sắc tặng mỹ tự là 淳壹紅人博義芳潔徳心端莊豔麗善慶長公主 Thuần nhất Hồng nhân Bác nghĩa Phương khiết Đức tâm Đoan trang Diễm lệ Thiện khánh Trưởng Công chúa, sau vua Khải Định gia phong thêm mỹ tự là 明儀太長公主 Minh nghi Thái trưởng Công chúa.

     − Câu đương Đỗ Công Tường

     Đỗ Công Tường (? – 1820) tục danh là Lãnh, người gốc miền Trung, vào Nam lập nghiệp và dừng chân ở làng Mỹ Trà năm 1817. Do vị trí vườn quýt của ông bà nằm ở cửa ngõ giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông, dân cư thường tụ tập buôn bán. Theo đó, ông bà bèn dựng lều quán để mọi người có chỗ tránh mưa nắng, dần dà nơi đây trở thành chợ Vườn Quýt. Vì hay giúp đỡ người nghèo cộng với tính tình cương trực nên ông được dân trong vùng cử giữ chức Câu đương, giúp dân phân xử các vụ kiện ở địa phương. Năm 1820, bệnh dịch tả hoành hành dữ dội, dân chúng bị bệnh chết rất nhiều. Ông bà liền bỏ tiền ra tìm thầy thuốc hay về chữa trị, đồng thời ăn chay và lập đàn cầu nguyện xin chết thay dân. Chay lạt và cầu nguyện từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 9 thì ông bà đều mắc bệnh dịch và qua đời. Dân làng lo chôn cất ông bà xong thì bỗng nhiên bệnh dịch chấm dứt ứng với lời nguyện cầu. Để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công ơn ông bà, dân trong vùng lập đền thờ và tôn thần. Ngoài ra, người dân lấy tên tục và chức vị của ông ghép lại thành địa danh Cao Lãnh để thay cho tên chợ Vườn Quýt. Hiện nay ngôi đền tọa lạc tại trung tâm tp. Cao Lãnh. Đóng góp của ông được triều đình Nguyễn nhiều lần vinh danh, tuy nhiên hiện chỉ còn một đạo sắc phong được ban vào năm Bảo Đại thứ 10 (1934). Nội dung đạo sắc cho biết, ông vốn được thờ ở thôn Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc. Trong lần ban sắc này với lý do nối mệnh lớn, vua Bảo Đại tặng mỹ tự cho ông là 翊保中興靈扶之神 Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần.

4. Kết luận

     Sắc phong ban cấp cho thần linh hiện còn ở tỉnh Đồng Tháp chủ yếu thuộc triều Nguyễn. Nội dung thường là gia tặng mỹ tự, thăng hạng đẳng thần, ghi chép vào điển chế và chuẩn cho địa phương tiếp tục thờ tự. Thông qua những đạo sắc phong này, nhà Nguyễn càng khẳng định vị thế của mình (ông vua trần tục) đối với thế giới siêu nhiên và khoanh vùng đối tượng thờ tự để quản lý dân ở những vùng xa trung ương; đồng thời thể hiện niềm tin của người dân địa phương trước lực lượng siêu nhiên cũng như tầm ảnh hưởng của mỗi thần linh trước nhu cầu cần bảo trợ từ cuộc sống.

     Nội dung thể hiện trên sắc phong ban cấp cho nhân vật có công với đất nước thường là thăng phẩm trật (đối với quan viên còn sống), gia tặng mỹ tự và xếp hạng thần (đối với quan viên và cha mẹ quan viên đã mất). Đây là nguồn tư liệu xác thực, góp phần vào việc xác định tên tuổi, chức vụ, phẩm trật, công trạng của các nhân vật làm nên lịch sử nước nhà trong từng giai đoạn cụ thể. Nhất là bổ sung nguồn sử liệu cho một số nhân vật chưa được biết đến nhiều trong tình hình khan hiếm tư liệu hiện nay. Việc chuẩn hóa/ hợp thức hóa vấn đề thờ tự ở địa phương qua các đạo sắc phong biểu thị sự tôn vinh của vương triều (nhà Hậu Lê, nhà Nguyễn) cùng cộng đồng đối với mỗi vị thần linh và những nhân vật lịch sử được tôn thần. Đây chính là sức mạnh tinh thần giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm của cư dân trong vùng.

     Từ kết quả khảo cứu có thể thấy, sắc phong thực sự là nguồn di sản quý trên nhiều phương diện. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, tỉnh Đồng Tháp may mắn lưu giữ được nguồn di sản này. Tuy nhiên, hiện nay sắc phong đang dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Do đó, các cơ quan ban ngành sở tại cần phối hợp với giới chuyên môn tiến hành đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của sắc phong cả về mặt tư liệu lẫn văn bản. Cụ thể cần số hóa các văn bản sắc phong phục vụ cho việc lưu trữ và khai thác thông tin liên quan. Đối với các văn bản bị hư hoại ít nên nhanh chóng phục chế lại. Ngoài ra, bên cạnh việc phơi sắc vào ngày nhất định trong năm theo quy định của cơ sở thờ tự, người được giao giữ sắc cần học tập trao đổi kỹ thuật bảo quản, chống ẩm mốc, mối mọt ở các trung tâm/ viện nghiên cứu trong cả nước. Cùng với đó, tập hợp và giới thiệu một cách hệ thống nội dung sắc phong của tỉnh Đồng Tháp cho lớp hậu học biết về loại hình văn bản độc bản này.

__________
     1. Tư liệu triển khai bài viết trích từ đề tài Sưu tầm và nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm ở tỉnh Đồng Tháp do Trường Đại học KHXH & NV Tp. HCM chủ nhiệm.

     2.  Khu vực này trước là xóm chài, người dân lập miếu An Khương thờ thần Thủy Long và thần Hà Bá phù hộ cho dân chài bình yên mỗi mùa nước lên. Hiện nay, miếu vẫn giữ được bức hoành phi Thủy Long thánh mẫu và bài vị bằng chữ Hán; riêng về thần Hà Bá không thấy ban thờ. Người dân địa phương cho biết thêm, miếu lúc trước dựng ở ngã tư sông, do sạt lở nên dời về vị trí hiện tại. Theo đó, bài vị và đồ thờ tự cũng bị thất thoát dần.

     3. Phiên âm:

     Sắc Sa Đéc tỉnh, Vĩnh An huyện, An Trung tổng phụng sự Thủy phủ Hà Bá Long cung chi thần, trứ phong Hoằng ân Quảng trạch Hoằng bác Linh tĩnh Vượng nhuận Trừng trạm Tôn thần, hộ quốc tý dân, nhẫm trứ linh ứng tiết mông, ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ, long đăng trật, trứ gia tặng Mông thuận Trung đẳng thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

     Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

     (Ấn: Sắc mệnh chi bảo)

     4. Hai đạo này có mô thức khởi đầu là: “Thừa thiên hưng vận, Hoàng đế chế viết:…” vốn thuộc loại hình văn bản chế phong, dùng phong tặng cho các viên quan từ chánh nhất phẩm đến tòng ngũ phẩm, được thống nhất xếp vào loại văn bản sắc phong dành cho nhân vật.

     5. Riêng đạo ban cho Công bộ Tả Tham tri Bùi Đức Minh bị rách nát không còn nguyên vẹn.

     6. Đạo ban cho Nguyễn Văn Hậu có mô thức khởi đầu là: “Hoàng đế sắc viết…”, đạo ban cho Võ Thị Đức có phần khởi đầu là: “Hoàng đế chế viết…”. Cũng giống như hai đạo ban cho phụ mẫu Bùi Đức Minh, mô thức khởi đầu này kết hợp với nội dung văn bản là ban thưởng cho nhân vật nên thống nhất xếp vào loại hình văn bản sắc phong (chế phong/ cáo mệnh).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Đỗ Thị Hà Thơ, 2018. Giới thiệu sắc phong tỉnh Đồng Tháp, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 9C: 120 – 127.

     Nội Các triều Nguyễn, 1993. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Nxb Thuận Hóa, Huế.

     Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006. Đại Nam liệt truyện, tập 1, ngày truy cập 8/9/2019. Địa chỉ https://sites.google.com/site/caogiathuquan/LSAnNam/dai-nam-liet-truyen.

     Viện Sử học, 2007. Đại Nam thực lục , tập 1, ngày truy cập 8/8/2019. Địa chỉ
https://sachsuvietnam.files.wordpress.com.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ,
Tập 56, Số 1C (2020): 202-211

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sắc phong và đối tượng được ban sắc ở tỉnh Đồng Tháp (Tác giả: Đỗ Thị Hà Thơ)