Sắc thái VĂN HOÁ BIỂN XỨ THANH qua ngư trường nghề cá truyền thống của CƯ DÂN BIỂN Thanh Hoá (từ bình diện ngôn ngữ – văn hoá)

1. Đặt vấn đề

     Ở Việt Nam có văn hoá biển hay không là vấn đề đặt ra từ lâu và có những quan điểm khác nhau. Một số nhà nghiên cứu phủ nhận truyền thống biển của người Việt nhưng phần nhiều các nhà nghiên cứu cho rằng có yếu tố văn hoá biển: Phạm Đức Dương, Ngô Đức Thịnh, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Duy Thiệu, v.v.

     Theo cứ liệu khảo cổ học, người Việt cổ bắt đầu gắn bó với môi trường biển cách nay khoảng 6000 -7000 năm thể hiện qua các di chỉ: Gò Trũng thuộc Văn hoá Đa Bút, Hoa Lộc (Thanh Hoá); Cái Bèo (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh), Quỳnh Văn (Nghệ An); Bàu Tró (Quảng Bình),… Do vậy, chúng tôi đồng tình quan điểm của các tác giả trên và khẳng định rằng: chất biển đậm nhạt khác nhau trong từng thời kì lịch sử và có yếu tố biển trong văn hoá biển của người Việt.

     Từ bình diện ngôn ngữ – văn hoá, bài viết phác thảo bức tranh về cách xác định ngư trường và ngư trường đánh bắt cá truyền thống của cư dân biển Thanh Hoá qua tư liệu được thu thập, khảo sát từ thực địa; từ sáng tác dân gian được sưu tầm ở địa phương góp phần nhận diện tư duy, sắc thái văn hoá biển ở Thanh Hoá.

2. Những kết quả nghiên cứu

     2.1. Biển Thanh Hoá có chiều dài 102km, vùng lãnh hải rộng 170.000km2, có 6 huyện, thị xã giáp biển với 49 xã, phường có đường biên với biển; là vùng biển nông, bãi ngang, nhiều cửa sông (Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng,…). So với các tỉnh có đường biển thuộc Bắc Bộ (từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh), người Việt cổ ở Thanh Hoá đã tiến ra biển, bắt đầu hành trình khai thác nguồn lợi biển tương đối sớm (di chỉ Hoa Lộc, Gò Trũng). Tại di chỉ Phúc Lộc, Hòa Lộc thuộc nền văn hoá Hoa Lộc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu tích người Việt cổ ở Thanh Hoá đã từ đồng bằng lưu vực sông Mã tiến ra biển vừa làm nông nghiệp, vừa đánh bắt cá. “Hình thái kinh tế quan trọng của người Hoa Lộc là nông nghiệp, đánh bắt cá và săn bắn.” [5, 128].

     Nghiên cứu về nguồn gốc yếu tố biển ở người Việt nói chung và ở Thanh Hoá nói riêng, cách đây khoảng 3.000 – 4.000 năm, đồng thời với văn hoá khảo cổ tiền Đông Sơn và Đông Sơn, trên cơ tầng Môn – Khơ-me, một trong những chủ nhân quan trọng của nền văn hoá bấy giờ, cư trú ở phía Bắc khu IV cũ đã tiếp xúc với cư dân nói ngôn ngữ Tày – Thái cổ ở phía Bắc và cư dân Nam Đảo ở ven biển phía Đông (có thể tổ tiên người Hạ Long, Hoa Lộc). Kết quả của quá trình giao tiếp đó hình thành người Việt cổ. Họ – chủ nhân văn hoá Đông Sơn đã đạt tới trình độ văn minh hình thành nhà nước, sau khi tiếp xúc người Hán và văn minh Trung Hoa; từ đó định hình tộc người Việt hiện đại và đạt tới đỉnh cao (thể hiện qua văn hoá Lí Trần rực rỡ, mở đầu văn minh Đại Việt [6, 21]. Tuy nhiên, người Việt cổ, chủ nhân văn hoá Đông Sơn vẫn cơ bản là cư dân nông nghiệp, mang đậm yếu tố sông nước. Trong quá trình định cư và dần gắn bó với nghề biển, thì chất biển được tăng lên, nguồn sống từ biển có ảnh hưởng ngày càng lớn trong đời sống hàng ngày.

     Công việc của nghề biển chủ yếu vẫn là quai đê lấn biển, thau chua rửa mặn nhằm khai phá các vùng phù sa ven biển để trồng trọt. Tâm thế đứng trước biển chứ chưa phải tiến ra biển khai thác nguồn lợi từ biển phục vụ cho cuộc sống. Hình tượng Mai An Tiêm chính là biểu hiện cho việc quai đê lấn biển để làm nông nghiệp mà không phải là đánh cá. Hình tượng thần Độc Cước xẻ đôi thân mình một nửa trên bờ bảo vệ dân làng, một nửa ngoài khơi bảo vệ ngư dân là biểu hiện cho tư duy lưỡng phân: là cư dân biển nhưng yếu tố nông nghiệp vẫn là chủ đạo, nghề biển không thể là môi trường sinh tồn mà chỉ có thể là nguồn sống chính.

     Như vậy, Thanh Hoá là địa bàn có biển nhưng người Việt không có nguồn gốc biển mà là cư dân sống vùng trước núi tràn xuống đồng bằng quanh lưu vực sông Mã và khai thác, xâm lấn biển. Truyền thống đi biển được hình thành xuất phát từ cuộc sống sinh tồn, kinh nghiệm đi biển hàng ngày.

     * Có ý kiến cho rằng: truyền thống đi biển của Thanh Hoá có ảnh hưởng của người Chăm. Các tù binh được bắt và đưa về để làm đồn điền: làng Đồn Điền – Quảng Thái (xã miền biển huyện Quảng Xương) đã đưa nghề đánh cá vào đây; tín ngưỡng thờ cá Voi cũng ảnh hưởng của người Chăm. Tuy nhiên, thực tế không có dấu vết nào cho thấy các tù binh Chăm có đưa nghề biển vào Thanh Hoá; tín ngưỡng thờ cá Voi không phải là của riêng người Chăm mà là tín ngưỡng mang tính phổ biến của cư dân ven biển Việt Nam, nghĩa là đã là cư dân ven biển thì đều có lễ hội cầu ngư và tục thờ cá Voi.

     2.2. Ngày nhìn núi, tối nhìn sao là kinh nghiệm xác định không gian phổ biến của người đi biển khi mà điều kiện kĩ thuật, phương tiện và ngư cụ khai thác còn thô sơ. Với cư dân biển, núi (cư dân biển thường gọi là hòn) có vai trò rất lớn. Giữa không gian mênh mông sóng nước bao bọc xung quanh, núi là vật thể hiện ra trước mắt rõ nhất, dễ thấy nhất. i như là tiêu điểm, mang ý niệm không gian về môi trường sinh tồn trên biển mỗi khi ngư dân ra khơi. Tự trong tâm thức, ngư dân phải thuộc lòng vị trí các ngọn núi trên biển. Nói cách khác, núi được xem là vị trí đánh dấu ngư trường đánh bắt cá trên biển.

     Theo quan niệm của cư dân biển, khơi lộng chính là ngư trường đánh bắt; đi khơi là đánh bắt gần bờ, đi lộng là đánh bắt xa bờ. Và ranh giới đi khơi – đi lộng lại được cảm nhận qua vật thể núi. Tuy nhiên, khái niệm xa bờ gần bờ với khoảng cách không gian địa lí là bao nhiêu so với đất liền thì tuỳ từng cách tri nhận khác nhau, nghĩa là ranh giới của chúng mang tính tương đối và phụ thuộc nhiều vào quan niệm, đặc điểm địa hình của từng vùng biển khác nhau.

     Ở Thanh Hoá, cư dân biển thường lấy núi làm tiêu điểm, vị trí xác định ngư trường đánh bắt trong lộng hay ngoài khơi. Ví dụ: Ở vùng biển thuộc huyện Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Hòn Nẹ thường được ngư dân lấy làm mốc để xác định ngư trường đánh bắt. Nếu đánh bắt từ Hòn Nẹ trở vào gọi là vùng lộng; nếu đánh bắt ngoài Hòn Nẹ gọi là vùng khơi với khoảng cách giữa khơi – lộng từ 4-5km. Trái lại, ở vùng biển huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia thì Hòn Mê được xem là ranh giới khơi lộng, khoảng cách giữa khơi -lộng khoảng 15km. Việc xác định ngư trường đánh bắt là rất quan trọng trong việc chuẩn bị tâm thế cho một chuyến đi biển. Ở bất kì cư dân vùng biển nào, ngư dân sẽ rất an tâm nếu như đánh cá trong lộng và ngược lại sẽ có nhiều suy nghĩ, đắn đo cho chuyến đi nếu đánh bắt khơi xa, dài ngày khi mà con người chưa có các thiết bị phương tiện hiện đại như: máy định vị, đài radio,… Thực tế, nghề đi lộng tuy không giàu có nhưng ít hiểm nguy, còn nghề đi khơi tuy thiên nhiên hào phóng nhưng gian truân, vất vả hơn nhiều. Và vì thế, mỗi khi trông thấy Hòn Mê, Hòn Nẹ và các ngọn núi gần bờ là tạo cho ngư dân sự an tâm và như thế chuyến đi đã an toàn: Mây đen mù mịt tứ bề/ Bao giờ trông thấy hòn Mê thì mừng hoặc là Mà ta nghề lộng nghề khơi/ Lấy mường khuya sớm để vác bơi vác chèo/ Ai ngờ ba tiếng rung kêu/ Sớm trông hòn Nẹ, lại chiều hòn Mê.

     Từ thực tiễn nghề cá hiện nay, khi mà ngư dân đã vươn ra các vùng lãnh hải hàng trăm hải lí, phương tiện tàu, thuyền hàng nghìn sức ngựa cùng chuyến đi biển dài ngày nhiều tháng thì phạm vi khơi – lộng suy cho cùng là nhận thức định tính dân gian của cư dân biển, chỉ tầm hoạt động khai thác biển truyền thống ở một phạm vi nhỏ hẹp có thể được đo đếm bằng sải (đơn vị tính của cư dân biển). Điều này càng biểu hiện nét ứng xử của người Việt nói chung, cư dân biển Thanh Hoá nói riêng vốn là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước vùng thung lũng, ven sông Mã tiến ra biển bằng tâm lí “sợ biển”, không dám tiến ra khơi xa.

     2.3. Trong cơ cấu kinh tế của các làng ven biển ở Thanh Hoá, loại hình nông nghiệp trồng trọt vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Trong quá trình tiến ra biển của người Thanh Hoá, tư duy nông nghiệp trồng lúa nước từ đồng bằng sông Mã đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ứng xử với biển. Từ trong tiềm thức xa xưa, người Việt quần tụ chủ yếu quanh các lưu vực con sông lớn (Sông Hồng, Sông Mã, Sông Cả), các làng được định cư và ổn định dựa trên 3 yếu tố: cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm. Và vì vậy, “xa rừng nhạt biển” [5, 237] là tâm lí chung của người Việt. Ở Thanh Hoá có rất ít làng ven biển nào thuần ngư nghiệp (chỉ duy nhất làng Diêm Phố – Hậu Lộc là thuần nghề biển), mà đại đa số là bán nông, bán ngư. Do vậy, những chuyến đi biển ra khơi xa, dài ngày là rất ít. Nói cách khác, người Thanh Hoá chủ yếu đánh bắt trong lộng, việc đánh bắt khơi xa mới chỉ tập trung trong vài thập kỉ trở lại đây.

     Khảo sát vốn từ ngữ nghề biển ở Thanh Hoá qua khảo sát thực địa, qua sáng tác dân gian về phương tiện, ngư cụ đánh bắt, hoạt động khai thác và đối tượng đánh bắt, chúng tôi thấy chúng gắn liền với hoạt động khai thác gần bờ – ngư trường khai thác trong lộng.

     Thứ nhất, các phương tiện, ngư cụ đánh bắt là thuyền có công suất nhỏ, thô sơ và cũng chủ yếu đánh cá ven bờ gồm 27/30 từ chỉ các loại thuyền gắn với đánh bắt trong lộng. Ví dụ: thuyền nan (thuyền được đan bằng nan), thuyền thúng (thuyền hình cái thúng), thuyền gõ (loại thuyền nan khi di chuyển gõ lên thành thuyền), thuyền cò (thuyền nhỏ, bé, mũi hình con cò), thuyền hung tròn (thuyền bên hông to, tròn), thuyền ba cột (thuyền gắn 3 cột buồm), thuyền te (thuyền nhỏ đánh cá bằng lưới te), thuyền ván (thuyền được ghép từ các tấm ván), thuyền ké (loại thuyền nhỏ dùng thu mua sản phẩm), thuyền cóc (thuyền làm bằng gỗ, loại nhỏ), thuyền chài ba vách (gồm 3 mê, 1 mê dưới, 2 mê mạn, chạy bằng buồm tròn hoặc buồm cánh dơi), v.v. Ngư cụ là lưới có 34/47 loại khác nhau dùng chủ yếu cho đi lộng. Ví dụ: lưới bốc (mắt lưới nhỏ), lưới khoai (lưới đánh cá khoai), lưới rẻo (mắt lưới nhỏ, dùng trong nghề rẻo), lưới quây (thả xuống biển quây tròn đàn cá), lưới te (gắn khung hớt cá), lưới xăm (mắt lưới nhỏ, đánh moi), lưới rùng (lưới dùng trong nghề rùng), lưới dạ (mắt lưới nhỏ đánh gần bờ), lưới sẻo (lưới dùng trong nghề sẻo), lưới trích (lưới dùng đánh cá trích), lưới rênh (lưới dùng trong nghề rênh đánh gần bờ), lưới xăm (mắt lưới rất nhỏ dùng đánh moi), lưới văng (lưới được dùng trong nghề văng tay), lưới gõ (lưới dùng trong nghề gõ), v.v. Ngư cụ là bè (mảng) thì tất cả 6 loại đều dùng đánh bắt hoặc sử dụng phục vụ trong lộng: bè buồm (bè có gắn buồm), bè chèo tay (bè di chuyển bằng chèo tay), bè luồng (bè làm bằng luồng), bè xốp (bè làm bằng xốp), bè bơi (loại bè nhỏ dùng thu mua sản phẩm), bè cứu sinh (bè làm bằng gỗ, nhựa dùng cứu nạn). Ngư cụ đó có 2 loại dùng trong đánh bắt vùng cửa sông: đó loa (dụng cụ được đan bằng tre, nứa, hình giống loa), đó hai hom (loại đó có hai hom đặt đối xứng nhau). Ngư cụ lờ (ngư cụ đan bằng tre, nứa) đánh bắt vùng cửa sông;, v.v. Như vậy, với những ngư cụ: thuyền, lưới, bè, đó, lờ được chúng tôi lựa chọn khảo sát thì đa phần chúng là những ngư cụ chỉ có thể đánh bắt gần bờ và đã có truyền thống từ rất lâu đời. Nói cách khác, với những phương tiện như vậy thì thực khó để ngư dân có thể vươn ra khơi xa đánh bắt.

     Thứ hai, phương thức và hoạt động đánh bắt cũng chủ yếu mang tính thủ công dùng sức người là chính. Theo khảo sát của chúng tôi có 30 phương thức đánh bắt, trong đó có 24 phương thức đánh bắt thủ công chủ yếu đánh bắt trong lộng, chỉ có 6 phương thức đánh bắt ngoài khơi. Phương thức đánh bắt cá thủ công như: nghề gõ (ngồi trên thuyền, bè dùng gậy gõ vào cạnh thuyền, bè gây ra tiếng động); nghề lưới vây (dùng thuyền bè kéo lưới vây tròn đàn cá kéo vào bờ); nghề rùng (dùng thuyền, bè kéo lưới vây lại gần bờ); nghề te bẩy (giăng te bẩy trước mũi thuyền với hai cây sào để lùa cá vào); nghề rẻo (sau khi thả lưới, người đánh phải cắm hai phía đầu dây từ từ kéo vào bờ); nghề lưới rênh (thả lưới trôi theo dòng nước và chiều gió thổi); nghề sẻo (người đánh sẻo cầm một đầu sẻo vừa đi vừa đẩy, hướng miệng sẻo theo ý muốn, cứ khoảng 20m thì nhấc sẻo một lần để dốc cá); nghề đăng (giăng chắn ngang dòng nước chảy), ghề gõ gai (nghề đánh bắt dựa trên các công cụ đánh bắt vốn có như văng, sẻo, phương tiện là bè luồng), nghề gõ vây (gõ vào thuyền, vây tròn đàn cá), văng tay (dùng thanh tre kéo tấm lưới vào bờ), v.v. Đây là những phương thức đánh bắt hoàn toàn dùng sức. Trong khi đó nghề lưới kéo, nghề giã cào, nghề giã tôm, nghề lưới rê, nghề lưới rút, câu cá dưa, câu cá ngừ,… khai thác ở những vùng biển sâu cách xa hàng trăm hải lí và chỉ mới xuất hiện gần đây.

     Thứ ba, đối tượng đánh bắt, chủ yếu các loại cá tạp, cá quẩn, cá nhỏ gắn liền với các kiểu đánh bắt truyền thống: cá lăng, cá đối, cá kìm gắn với nghề văng tay (Cá lăng cá đối cá kìm/Để cho văng, sẻo đi tìm cả đêm); cá đục, cá móm gắn với câu ba tóm (Câu anh ba tóm chỉ vàng/Cá đục, cá móm theo anh thì về); cá bơn gắn với nghề gõ (Trăng lên vừa đến mái nhà/Anh về đi gõ kiếm vài con bơn); cá hồng, cá thu, cá nụ (lụ, lậu, nhụ), hố đao, hố lạc, cá giang, cá bẹ, cá dớp gắn với nghề gõ, nghề vây (Khi vào lộng lúc ra khơi/ Tháng hai mùa cá vậy thời ra quân/Nhà nghề kiếm bạn chia phần/ Ba trăm chiếc gõ lễ thần linh thiêng/ Chèo ra cho đến Cồn Tiền/ Từng đàn cá nổi một miền bóng râm/ Đánh mấy chỗ đã chở rầm/ Cá hồng, thu, nụ, thủ, lầm cá giang/ Bẹ dày, lem táo, dớp lang/ Hố đao, hố lạc, mòi ngang đầy khoang/ Chiều về khiêng gánh ngổn ngang/ Thè, lềnh, dầu, lẫm cả làng đem phơi).

     Thứ tư, thời điểm ra khơi trong mỗi chuyến đi, người đi biển phải nắm rõ quy luật di chuyển của cá. Theo quy luật, cá thường di chuyển khi có luồng nước thay đổi. Không tính ngày biển động thì thường ngư dân Thanh Hoá đánh bắt hoặc là sáng sớm (khoảng 4-5h sáng) hoặc chiều (khoảng 4-5h chiều). Và vì thế, người Thanh Hoá có câu: Nhất rạng đông, nhì tác quáng. Rạng đông – buổi sáng sớm, tác quáng: buổi chiều tối, đó là hai thời điểm đánh cá được nhiều nhất trong ngày. Việc đánh cá trong ngày với hai thời điểm như vậy chắc chắn không thể đi xa, chỉ có thể đánh bắt gần bờ.

     Thứ năm, trong quá trình hoạt động đánh cá ven bờ, cùng sự buôn bán, trao đổi, vận chuyển nghề cá mà ngư dân đã thuộc lòng các địa danh. Những địa danh trên được thể hiện qua “Nhật trình đi biển” – tấm địa đồ quan trọng của cư dân biển1. Đó là các ngọn núi: Núi Nẹ, Núi Sập, Núi Đó, Núi Gầm (Hậu Lộc); Núi Ghép (Quảng Xương), Núi Mê, Hòn Câu Chữ (núi Do Xuyên), Hòn Vuông, Hòn Sổ, Hòn Sập (Tĩnh Gia). Đó là các địa danh cửa biển: Thần Phù, Bạch Câu (Nga Sơn), Lạch Trào, Lạch Bể – Lạch Trường (Hoằng Hoá), Lạch Bạng (Tĩnh Gia). Đó là các công trình kiến trúc tôn giáo: đền thờ Độc Cước (Sầm Sơn), đền Lạch Bạng (Tĩnh Gia).

     Nhật trình đi biển cũng chỉ ra rằng ngư trường đánh bắt xa nhất cách bờ cũng chỉ khoảng 15km (từ đất liền đến Hòn Mê); phải là đánh bắt gần bờ mới có thể nhận biết các cửa biển, công trình kiến trúc tôn giáo. Rõ ràng, ngư trường đánh bắt cá của cư dân biển Thanh Hoá chủ yếu ven bờ và với không gian hạn hẹp.

     Như vậy, đánh bắt vùng lộng là ngư trường truyền thống chủ yếu của cư dân biển Thanh Hoá. Một mặt nó phản ảnh tâm lí nông nghiệp trồng lúa hàng nghìn năm, tư duy tiểu nông vẫn còn in đậm trong việc ứng xử với biển; mặt khác nó phản ánh điều kiện phục vụ cho việc khai thác hạn chế. Tuy nhiên, đây lại là ngư trường đánh bắt phù hợp khi mà nguồn lợi tự nhiên của biển rất lớn, có thể một ngày “vào ra ba chuyến”. Vì vậy, chỉ cần khai thác gần bờ mà chưa cần đi khơi xa thì cuộc sống ở đây vẫn đủ đầy.

__________
1. Xem Nhật trình đi biển được nhóm tác giả Trọng Miễn, Cao Xuân Tỉnh sưu tầm, biên soạn, tr. 214 -216.

3. Kết luận

     Xác định ngư trường đánh bắt theo kinh nghiệm dân gian có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong nghề đi biển. Vào lộng ra khơi là những ý niệm về không gian đánh bắt của những cư dân “biển dận duyên” [4, 17]. Mặt khác, cũng như nhiều cư dân biển khu vực Thanh Hoá trở ra Quảng Ninh, cư dân biển Thanh Hoá chủ yếu khai thác ngư trường trong lộng. Với phương tiện đánh bắt thô sơ, cộng với tâm lí “sợ biển”, tư duy nông nghiệp vẫn còn in đậm trong tâm thức, việc ra khơi xa đánh bắt dài ngày rất khó khăn, do vậy đi lộng là ngư trường đánh bắt phù hợp, ít hiểm nguy mà vẫn đảm bảo cuộc sống. Đây là một đặc điểm chi phối đến việc tri nhận, tư duy về nghề cá trong tâm thức cư dân biển Thanh Hoá.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1.  Phạm Đức Dương, Việt Nam – Đông Nam Á ngôn ngữ và văn hoá, NXB Giáo dục, Hà Nội,

2. Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Yếu tố không gian và thời gian trong tri thức đi biển của ngư dân Thuận An, Thông tin khoa học, phân viện Nghiên cứu Văn hoá – Thông tin tại Huế, trang 56-71, 2007.

3. Trọng Miễn – Cao Xuân Tỉnh, Hợp tuyển văn học dân gian các dân tộc ở Thanh Hoá, NXB Văn học, Hà Nội, 199.

4. Ngô Đức Thịnh, Truyền thống văn hoá biển cận duyên của người Việt, Văn hoá nghệ thuật, số 317, 2010.

5. Viện Đông Nam Á, Biển với người Việt cổ, NXB VHTT, 1996.

6. Viện văn hoá dân gian, Văn hoá dân gian làng ven biển, NXB Văn hoá Dân tộc, 2000.

7. Trần Quốc Vượng (chủ biên) – Tô Ngọc Thanh – Nguyễn Chí Bền – Lâm Mỹ Dung – Trần Thúy Anh, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, Tái bản lần 6, 2006.

NGUYỄN VĂN DŨNG 1

__________
1. ThS, Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá.