Số hoá để bảo quản và khai thác di sản Hán Nôm Việt Nam: Triển vọng và thách thức

Tác giả bài viết: CHU TUYẾT LAN
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

I. Trữ lượng tài liệu Nôm và Di sản Hán Nôm Việt Nam

     Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã để lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau một di sản văn hoá vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, đó là di sản Hán Nôm, bao gồm những thư tịch và tài liệu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Di sản văn hoá thành văn to lớn và phong phú này đã phản ánh lịch sử và văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Là hiện thân của nền văn hiến mấy ngàn năm, di sản Hán Nôm Việt Nam (bao gồm cả các tàng thư trong nước và nước ngoài) đã trở thành nguồn tư liệu gốc đặc biệt có giá trị trong việc tìm hiểu về Việt Nam trong quá khứ.

     Viện Nghiên cứu Hán Nôm là một Viện nghiên cứu chuyên ngành, có chức năng sưu tầm, bảo quản và nghiên cứu khai thác di sản Hán Nôm Việt Nam – nguồn tài liệu gốc đặc biệt có giá trị mà bất cứ ai muốn nghiên cứu tìm hiểu về con người và xã hội Việt Nam trong lịch sử đều phải tìm đọc.

     Theo thống kê gần đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu giữ trên 20.000 đầu sách Hán Nôm (trong đó có tài liệu Nôm của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, …), hơn 48.000 đơn vị thác bản văn khắc Hán Nôm (trong đó có những thác bản văn bia của dân tộc Champa) như bia đá, chuông đồng, khánh, biển gỗ, … từ thời Lý thế kỷ XI đến thời Nguyễn thế kỷ XX). Hàng năm Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều có kế hoạch cử cán bộ tới các địa phương khác nhau trong cả nước để sưu tầm tài liệu Hán Nôm, do vậy những thông tin về trữ lượng tài liệu ở đây không phải là con số bất biến, mà nó thay đổi theo từng năm. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang lưu giữ khoảng 20.000 đơn vị ván khắc Hán Nôm, trên 23.000 đơn vị sách, tạp chí và các loại tư liệu tham khảo (in bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Trung và Nga).

     Là nơi lưu giữ nguồn tài liệu gốc đặc biệt có giá trị như đã đề cập đến ở trên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm được xem là một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu khai thác di sản Hán Nôm lớn nhất trong cả nước. Tuy nhiên cũng có những tư liệu Hán Nôm hiện đang được lưu giữ ở các cơ quan khác ngoài Viện Nghiên cứu Hán Nôm, như: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Thư viện Quốc gia, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện Viện Sử học, Thư viện Viện Văn học, v.v… và một số thư viện khác trong cả nước.

     Trong kho tàng di sản Hán Nôm Việt Nam, thì tài liệu chữ Nôm chỉ chiếm một phân số khiêm tốn, theo thống kê gần đây của chúng tôi, thì hiện nay tài liệu chữ Nôm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý có 1.559 cuốn sách đóng rời, trong đó ký hiệu AB có 595 cuốn, ký hiệu VNb có 192 cuốn, ký hiệu VNv có 772 cuốn, bao gồm các loại sau: sách thuần Nôm, sách Hán xen Nôm và sách Hán diễn Nôm (xin tham khảo Thư mục sách Hán có Nôm ký hiệu Vt 69 và Thư mục sách Nôm ký hiệu Vv 837 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

     Chữ Nôm là một loại văn tự được xây dựng trên cơ sở sử dụng các ký hiệu văn tự Hán, đọc theo cách đọc Hán Việt, để ghi tiếng Việt. Đây là thành tựu văn hoá to lớn của người Việt, hiện dấu tích về chữ Nôm còn lưu lại ở rất nhiều tài liệu và rất đa dạng về hình thức, kiểu loại.

     Dấu tích chữ Nôm xưa nhất hiện còn là hai chữ “ông Hà” trên chuông chùa Vân Bản ở Đồ Sơni (Hải Phòng), chuông này được khắc vào đời Lý Nhân Tông năm Bính Thìn (1076). Hiện quả chuông này được giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Ngoài ra còn phải kể tới 3 văn bản thuần Nôm cổ nhất xuất hiện ở đời Trần, được chép trong cuốn Thiền tông bản hạnh, bản in năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) là: Cư Trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, và Vịnh Hoa Yên tự phú.

     Sẽ là thiếu sót nếu không điểm qua giá trị của những tác phẩm chữ Nôm tiêu biểu và thật sự có giá trị như: Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa – cuốn từ điển Hán Việt cổ nhất xuất hiện trong khoảng từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIIii, trong đó các mục từ chữ Hán được chú âm và giải thích bằng tiếng Việt nhưng viết bằng chữ Nôm. Cuốn từ điển này đã cung cấp cho giới nghiên cứu nói riêng và bạn đọc nói chung những kiến thức về ngữ âm học lịch sử tiếng Việt và các dạng chữ Nôm ở thời kỳ mà nó xuất hiện. Văn bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XV (theo Ts Hoàng Thị Ngọ) và được khắc in vào trước năm 1730, in lại từ một bản có trước đó. Đây là một văn bản còn lưu giữ được nhiều dấu tích của chữ Nôm cổ, giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu chữ Nôm và tiếng Việt thời kỳ đó. Nội dung văn bản là một bộ kinh của nhà chùa nói về chữ “hiếu”iii, do vậy thật sự cần thiết cho những ai nghiên cứu về tôn giáo sử, tư tưởng sử và văn hoá sử, đặc biệt là về văn hoá Phật giáo Việt Nam thời Lê Sơ khi Nho giáo đang ở vào thời kỳ hoàng kim. Những ai nghiên cứu về chữ Nôm, không thể không biết đến hai truyện Nôm bác học nổi tiếng, tiêu biểu cho cả hai miền Nam – Bắc Việt Nam đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du và Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

     Sang đến thế kỷ XX, khoa cử chữ Hán đã chấm dứt vai trò lịch sử, chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng rãi, chữ Nôm tưởng chừng như đã dần lùi vào dĩ vãng, song Gs Kiều Thu Hoạch lại cho chúng ta một thông tin thú vị. Theo khảo cứu của ông thì chỉ trong vòng 30 năm, từ 1907 đến 1936, riêng truyện Nôm Phạm Công Cúc Hoa đã được in đi in lại tới 15 lầniv, ở cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng, và có những lúc trong cùng một năm cả Sài Gòn và Hà Nội đều cho in. Sự thật khách quan đó cho chúng ta thấy rằng, truyện Nôm đã được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt, đặc biệt là tầng lớp bình dân, ngay cả khi chữ Quốc ngữ đã trở thành một “quốc ngữ”. Có thể nói thể loại truyện Nôm đã manh nha xuất hiện từ thế kỷ thứ XVI, nhưng chính thức định hình vào thế kỷ XVII, nó liên tục nở rộ và phát triển từ thế kỷ XVIII cho đến đầu thế kỷ XX.

     Trải qua những biến thiên của lịch sử, di sản Hán Nôm Việt Nam đã bị mai một nhiều, với số lượng khiêm tốn các tài liệu chữ Nôm hiện còn (1.559 đơn vị sách), chúng ta có thể khẳng định đó là một di sản đặc biệt quý để nghiên cứu về chữ viết và văn hoá của dân tộc Việt Nam trong quá khứ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải trân trọng giữ gìn, bảo quản và cùng nhau khai thác giá trị chân thực của nguồn tài liệu này.

     Như chúng ta đều biết, công việc nghiên cứu, khai thác di sản Hán Nôm Việt Nam nói chung và tư liệu Nôm nói riêng chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả khi mà nguồn tài liệu này sau khi sưu tầm về được xử lý một cách có phương pháp, có kế hoạch, ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc xử lý, quản trị, cung cấp và khai thác thông tin đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy của toàn ngành Hán Nôm. Chính vì nhận thức đúng đắn như thế, mà công tác thông tin tư liệu Hán Nôm trong những năm gần đây đã được Viện Nghiên cứu Hán Nôm triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả. Trong nhiều năm qua Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý nguồn tư liệu Hán Nôm, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu (CSDL) Hán Nôm bước đầu hội nhập được cả font chữ Việt và Hán (tuy nhiên còn nhiều hạn chế).

     Trong phần II của báo cáo này, chúng tôi xin điểm lại những khó khăn và thách thức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác bảo quản và khai thác tài liệu Hán Nôm nói chung, tư liệu Nôm nói riêng trong thời gian gần đây của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt là nhu cầu xây dựng một thư viện kỹ thuật số hiện đại đáp ứng các yêu cầu của người dùng tin ở cả trong và ngoài nước.

II. Xây dựng cơ sở dữ liệu Hán Nôm, tiến tới xây dựng thư viện kỹ thuật số mang tầm quốc tế đáp ứng nhu cầu bảo quản và khai thác di sản Hán Nôm Việt Nam

     1. Xây dựng CSDL Hán Nôm

     Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tranh thủ và đón đầu những tiến bộ của công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống CSDL thông tin thư mục, từng bước tự động hoá công tác phục vụ nghiên cứu. Ngay từ đầu những năm 1998 Viện đã bắt tay vào xây dựng CSDL quản lý gần như toàn bộ vốn tài liệu tiếng Việt ở trên máy, đến nay đã chuyển sang xây dựng CSDL quản lý các font tài liệu Hán Nôm, trong đó phải kể đến vốn tài liệu chữ Nôm. CSDL này ngoài những thông tin về thư mục, còn có liên kết những trang nguyên bản (được quét lưu trong ổ cứng) sử dụng công nghệ hyper-link, để bạn đọc có thể tra cứu tại chỗ mà không cần phải viết phiếu mượn tài liệu gốc.

     Thông tin được thể hiện trên các trường dữ liệu, cho phép người dùng tin có thể tra tìm tin theo nhiều tiêu chí khác nhau: ngoài những yếu tố thông thường như tên tài liệu bằng chữ Hán, tên phiên âm, tên dịch ra tiếng Việt, yếu tố xuất bản, yếu tố vật lý, bạn đọc còn có thể tìm tin theo các trường từ khoá, chủ đề và nội dung cơ bản mà tài liệu đó đề cập đến.

      Gần đây, được sự trợ giúp về mặt kỹ thuật của các chuyên gia tin học thư viện, chúng tôi đã chuyển sang sử dụng MARC 21 – một công cụ biên mục tự động hoá cần thiết cho việc xây dựng CSDL các font tài liệu Hán Nôm. Điều này cũng thể hiện bước chuyển mình trong việc quốc tế hoá công tác thông tin tư liệu, chuẩn bị tiền đề vật chất cho việc hội nhập trong công tác nghiên cứu Hán Nôm. Trong quá trình nghiên cứu sử dụng phần mềm WINISIS (phần mềm miễn phí do UNESCO cung cấp) và công cụ biên mục tự động hoá MARC 21 vào việc xây dựng cấu trúc CSDL sách Hán Nôm, vấn đề khó khăn nhất mà chúng tôi gặp phải là làm thế nào để chữ Hán và chữ Việt có thể hội nhập trong cùng một biểu ghi thư mục, mà trong CSDL này bất cứ một biểu ghi nào cũng đòi hỏi phải có sự xuất hiện của cả hai loại văn tự này. Các chuyên gia tin học đã mất rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết vấn đề xung đột về mã chữ của hai loại văn tự này, với khả năng và sự nỗ lực của họ, đến nay hai loại văn tự này đã có thể đồng thời tồn tại bên nhau trong cùng một biểu ghi thư mục (tuy nhiên cũng còn có những chữ do xung đột về mã, cho nên khi hiện hình vẫn bị lỗi, phải đưa ra ngoài CSDL để chỉnh sửa ở trên Word, và chữ Nôm cũng hoàn toàn phải đưa ra ngoài Word để vẽ chứ không thực hiện được trong CSDL). Các chuyên gia tin học thư viện dùng lệnh hiển thị font chữ để điều khiển việc hiện dữ liệu trên màn hình với các loại chữ khác nhau, khi đó dữ liệu được hiện ra trên màn hình với những yếu tố thư viện cần thiết.

     Công việc in ấn được chuyển vào WinWord dựa trên một MACRO để trình bày bản in theo yêu cầu cho trước. MACRO này được xây dựng dựa trên ngôn ngữ Visual Basic.

     Để khai thác ngày một hiệu quả hơn vốn tài liệu Hán Nôm hiện có, chúng tôi đã phối hợp với nhiều chuyên gia tin học thư viện, nghiên cứu triển khai xây dựng cấu trúc dữ liệu cho nhiều loại hình tài liệu Hán Nôm, trong đó có CSDL về sách Hán Nôm (dựa theo chuẩn MARC 21 VN) giúp những người làm công tác nghiên cứu nói riêng, bạn đọc nói chung, thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu của mình. Cấu trúc CSDL này được xây dựng theo MARC chuẩn quốc tế, do vậy cho phép trao đổi thông tin dễ dàng hơn, đáp ứng được các yêu cầu của biên mục tự động hoá.

     Dữ liệu trong mỗi biểu ghi của CSDL tài liệu Hán Nôm (dựa trên MARC 21 Việt Nam, do Trung tâm Tư liệu Khoa học & Công nghệ Quốc gia biên soạn) được tổ chức theo trường, mỗi trường được gán một nhãn bao gồm 3 ký tự số. MARC 21VN được thiết kế dựa trên Tiêu chuẩn Quốc tế khổ mẫu trao đổi thông tin ISO 2709, cho phép tìm tin theo các tiêu chí khác nhau thể hiện qua các trường dữ liệu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng tin ở bên ngoài biên giới quốc gia phần nào hiểu được nội dung thông tin chứa trong các trường mà nó thể hiện, ngay cả khi họ không thông thạo về ngôn ngữ miêu tả sử dụng trong biểu ghi thư mục này. Dựa trên đặc điểm của loại hình tài liệu Hán Nôm và phần mềm xử lý là WINISIS, chúng tôi đã xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu sách Hán Nôm bao gồm 34 trường, trước mắt cho phép giới thiệu toàn diện các thông tin về tài liệu.

     Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và INTERNET, người sử dụng đã có thể truy cập tài liệu và thông tin mình cần từ xa ở mọi lúc, mọi nơi một cách thuận lợi và nhanh chóng. Khả năng truy cập thông tin từ xa, ở mọi lúc, mọi nơi và đồng thời cho nhiều người sử dụng này đã nhanh chóng cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ của các dịch vụ thông tin thư viện, biến các thư viện thành các kho tri thức của nhân loại và thông tin trở thành nguồn lực cuả sự phát triển chung. Tiến trình hội nhập về kinh tế và tri thức của Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới đòi hỏi ngành thư viện phải thật sự đổi mới để đáp ứng ngày một tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Nhu cầu về kết nối, liên thông, chia sẻ nguồn lực thông tin của hệ thống thư viện không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài, đặc biệt trên lĩnh vực Hán Nôm là vô cùng bức xúc và cần thiết. Thực tế này đòi hỏi cần thiết phải hiện đại hoá ngành thư viện nói chung, thư viện Hán Nôm nói riêng, tiến tới xây dựng Thư viện kỹ thuật số về lĩnh vực Hán Nôm mang tầm quốc tế.

     2. Xây dựng thư viện kỹ thuật số mang tầm quốc tế để bảo quản và khai thác di sản Hán Nôm Việt Nam

     Hiện nay và trong tương lai, với nền kinh tế tri thức và xã hội hoá thông tin, mọi mặt của đời sống xã hội đều dần đổi thay, hơn bao giờ hết hoạt động thông tin tư liệu Hán Nôm, đặc biệt là tư liệu chữ Nôm cũng cần phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng thông tin của bạn đọc trong điều kiện và hoàn cảnh mới.

     Trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã thực hiện việc quét lưu CD những tài liệu Hán Nôm gốc đặc biệt có giá trị, cộng với việc phiên âm, dịch nghĩa và làm thư mục những tài liệu này, Viện đã phối hợp với các chuyên gia tin học xây dựng phần mềm quản lý đọc duyệt tài liệu Hán Nôm. Nhưng chương trình này thực chất mới chỉ là chương trình quản lý tài liệu Hán Nôm dưới dạng ảnh và những thông tin bằng tiếng Việt đã liên kết, ví dụ các trang bản dịch, các yếu tố thư mục trích yếu, cho phép người dùng tin đọc và tìm kiếm thông tin thư mục và các bản dịch nếu có ở một phạm vi nhất định. Chúng ta đều biết việc lưu giữ file ảnh là một hạn chế rất lớn cho quá trình xử lý và tìm kiếm thông tin.

     Để phát huy kết quả của công tác thông tin tư liệu, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dùng tin, nên chăng cần xây dựng một thư viện kỹ thuật số mang tầm quốc tế với các chức năng sau đây:

1) Tổ chức mục lục liên hợp bao quát đầy đủ các tài liệu Hán Nôm theo một format chuẩn thống nhất, giới thiệu toàn diện các tài liệu Hán Nôm không những ở Việt Nam mà cả ở bên ngoài Việt Nam;

2) Thường xuyên cập nhật và bảo trì mạng lưới thông tin thư mục các tài liệu Hán Nôm, đảm bảo việc tìm kiếm dễ dàng qua các yếu tố tác giả, nhan đề, từ khoá và khung đề mục chủ đề cho người dùng tin trên toàn thế giới;

3) Phổ biến các kết quả và công trình nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin về lĩnh vực Hán Nôm và các ngành khoa học có liên quan;

4) Tạo điều kiện để giới thiệu toàn văn Tạp chí Hán Nôm trên mạng INTERNET;

5) Cung cấp tài liệu Hán Nôm nguyên ngữ và bản dịch tiếng Việt đảm bảo thoả mãn
nhu cầu giảng dạy và học tập Hán Nôm trên mạng.

     Xây dựng trang Web cho chuyên ngành Hán Nôm cũng đòi hỏi phải có sự đóng góp công sức và trí tuệ của các nhà khoa học và các chuyên gia trong và ngoài ngành Hán Nôm. CSDL thư mục và các tài liệu Hán Nôm số hoá sẽ là nội dung quan trọng của trang Web để phổ biến các tài liệu Hán Nôm tới người dùng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Để ước mơ đó trở thành hiện thực, chúng ta đang đối đầu với những khó khăn và thách thức sau đây:

ƒ Quy trình xây dựng và quản lý nghiệp vụ thư viện chưa được thống nhất và tiêu chuẩn hoá

ƒ Công tác thông tin thư viện chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức về cả cơ sở vật chất lẫn con người. Hiện tại điều kiện cơ sở vật chất còn rất hạn chế, trang thiết bị thì nghèo nàn, cán bộ nói chung trình độ không đồng đều chưa đáp ứng được các yêu cầu của công tác tự động hoá, do vậy các dịch vụ thư viện còn đơn điệu và thủ công.

ƒ Nhưng khó khăn nổi bật nhất vẫn là làm thế nào để có một phần mềm đủ mạnh, đáp ứng mọi nhu cầu của một thư viện hiện đại, đảm bảo khả năng tích hợp, trao đổi dữ liệu với các thư viện và cơ quan khác. Tuân thủ các tiêu chuẩn nghiệp vụ quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực thông tin thư viện, như: khổ mẫu MARC 21, quy tắc mô tả thư mục AACR 2, các khung phân loại hiện có, chuẩn trao đổi dữ liệu Z39.50, khổ mẫu trao đổi ISO 2709. Ngoài ra phần mềm cũng phải có tính mở và có khả năng kết nối với các hệ CSDL và các phần mềm thư viện khác một cách trực tuyến và tức thời. Đáp ứng khả năng khai thác với số lượng lớn người sử dụng và phải đảm bảo tính ổn định. Có khả năng quản lý các thư viện có cùng nguồn tài nguyên là tài liệu Hán Nôm. Một vấn đề khó khăn nữa cần đặt ra ở đây là làm thế nào để có phần mềm nhận dạng tài liệu Hán Nôm (tài liệu Hán Nôm đa phần là tài liệu chép tay)?

ƒ Hơn nữa kinh phí để cập nhật và duy trì các hoạt động của thư viện, nuôi mạng và Webside sẽ là rất lớn, có thể nói những vấn đề này sẽ là những thách thức lớn nhất cần phải được các nhà tài trợ và các chuyên gia tin học ủng hộ, chung sức tìm ra giải pháp hợp lý nhất để đưa sự nghiệp Hán Nôm phát triển ở một tầm cao mới.

ƒ Ngoài ra, vấn đề bản quyền cũng cần phải đề cập đến ở đây, làm thế nào để bảo vệ được bản quyền của cơ quan chủ quản đối với những tài liệu đặc biệt có giá trị? Điều mà chúng tôi không thể không quan tâm, rất mong nhận được sự trợ giúp về mặt kỹ thuật của các chuyên gia công nghệ.

Tóm lại:

     Đứng trước những đòi hỏi bức thiết về vấn đề xã hội hoá thông tin, quốc tế hoá công tác thông tin tư liệu Hán Nôm, đem thông tin Hán Nôm đến với cộng đồng nghiên cứu Hán Nôm không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà còn cần phải vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ.

     Dưới góc độ của người làm công tác thông tin tư liệu thư viện, để phục vụ tốt hơn nữa nguồn tư liệu Hán Nôm, đặc biệt là tư liệu Nôm, nên chăng các cơ quan, thư viện và cá nhân hiện đang lưu giữ tài liệu Hán Nôm cần có sự hợp tác, phối hợp hoạt động để tranh thủ được trí tuệ tập thể, mục đích tạo ra các sản phẩm có tính xã hội hoá cao, chúng tôi mơ ước xây dựng được một thư viện kỹ thuật số mang tầm quốc tế với những chức năng cụ thể như đã đề cập đến ở phần trên trong một tương lai không xa, để phục vụ ngày một tốt hơn giới nghiên cứu Hán Nôm trong và ngoài nước.

_________
i Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, Gs Trần Nghĩa, Prof. Francois Gros. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1993.

ii Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1985.

iii Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Hoàng Thị Ngọ. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1999.

iv Truyện Nôm nguồn gốc và bản chất thể loại, Gs Kiều Thu Hoạch. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1993.

Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm, Ngày 12-13 tháng 11 năm 2004
Thư viện Quốc gia Việt Nam – Hà Nội

Trích dẫn tệp PDF từ: Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Số hoá để bảo quản và khai thác di sản Hán Nôm Việt Nam: Triển vọng và thách thức (Tác giả: Chu Tuyết Lan)