“Sôt” và nghi thức “chong-đai” trong đời sống người Khmer Nam Bộ
“SOT” AND “CHONG-ĐAI” RITUALS AND FESTIVALS IN LIFE
OF SOUTHERN KHMER PEOPLE
Tác giả bài viết: Thạc sĩ LÊ THỊ DIỄM PHÚC
(Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam Bộ
– Trường Đại học Trà Vinh)
TÓM TẮT
Tục “chong-đai” (cột tay) là một nghi thức độc đáo xuất hiện ở hầu hết các nghi lễ vòng đời của người Khmer ở Nam Bộ. Nó thể hiện mong ước, niềm tin của các thế hệ người Khmer về một tương lai tươi sáng. Sợi chỉ dùng để cột tay được gọi là “sôt”. Hình ảnh “sôt” không chỉ xuất hiện trong tục “chong-đai” mà còn phổ biến ở các sinh hoạt thường ngày và các lễ tục khác – được xem là biểu tượng cho sự may mắn, hạnh phúc, bình an trong cuộc sống. Bài viết trình bày các biểu hiện cũng như ý nghĩa của “sôt” và tục “chong đai” trong đời sống của người Khmer Nam Bộ.
Từ khóa: Sôt, tục “chong-đai”, người Khmer Nam Bộ.
ABSTRACT
“Chong-đai” is a traditionally original custom demonstrated in most of rituals and festivals of Khmer people in the South of Viet Nam. More specifically, it expresses wishes and beliefs of Khmer people about a brighter future. A thread to be used to link hands together is called “Sôt”. “Sôt” is not only used in “chong-đai” but also in many various festivals and rituals that symbolizes luck, happiness and peace in life. This article presents demonstrations and meaning of “chong dai” custom and “sot” so that we can understand their roles in daily life of the Khmer people in the South of Viet Nam.
Keywords: Sôt, “chong-đai” custom, Khmer people in the South of Viet Nam.
x
x x
1. Mở đầu
Người Khmer sống trên vùng đất Nam Bộ Việt Nam từ lâu đã khẳng định được mình bởi những giá trị văn hóa đặc sắc. Đến với Nam Bộ, ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng, rồi trầm trồ trước những ngôi chùa uy nghi tráng lệ giữa chốn thị thành hay chốn phum sóc xa xôi, hẻo lánh. Đời sống người Khmer gắn liền với ngôi chùa, với Phật giáo. Người Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông và cách sống cũng như cách nghĩ của họ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ giáo lí của hệ phái này. Cùng sống chung trên một vùng đất với người Kinh – Hoa – Chăm, dù có giao lưu, tiếp biến, người Khner vẫn giữ vững được những nét văn hóa độc đáo cho riêng mình, và mặc nhiên nó trở thành chiếc thẻ “căn cước” vô hình để các tộc người anh em có thể dễ dàng nhận ra họ. Cũng như bất cứ một dân tộc nào khác, người Khmer cũng tổ chức những nghi lễ vòng đời (đầy tháng, thôi nôi, đám cưới, đám tang…) theo cách riêng của mình. Vì thế, qua các nghi lễ ấy, chúng ta thấy rõ những nét đặc trưng văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ.
Có một nghi thức mà hầu như nghi lễ nào người Khmer cũng tiến hành chính là tục “chong đai” (cột tay). Một sợi chỉ (người Khmer gọi là sôt) đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng – “sợi chỉ biết nói”. Sợi chỉ vốn là một vật dụng bình thường nhưng trong văn hóa Khmer lại mang nhiều ý nghĩa, ẩn chứa cả niềm tin, sự may mắn, lời răn dạy của các thế hệ người Khmer để cùng hướng đến ấm no, hạnh phúc, bình an, viên mãn trong cuộc sống.
2. Nội dung
2.1. Tình hình nghiên cứu nghi thức cột tay từ trước đến nay
Từ những nghiên cứu rất sớm về văn hóa người Khmer Nam Bộ như công trình “Người Việt gốc Miên” của tác giả Lê Hương đã có đề cập đến nghi thức “chong đai” như một điều không thể thiếu trong ngày hôn lễ. Tác giả cho rằng: “Mỗi lần có người cho tiền hay tặng vật để có cột vào tay cô dâu, chú rể một vòng chỉ trắng để cầu chúc cho sự bền chặt của đôi vợ chồng mới.” (Lê Hương 1969, tr. 95). Tiếp đó, trong công trình “Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ”, nhóm tác giả thuộc Viện Văn hóa đã nhắc đến tục “cột tay” trong khi nói về các nghi lễ như: lễ cắt tóc trả ơn mụ, lễ giáp tuổi, lễ cưới, lễ tang. Tại đây, nhóm tác giả cũng đã khẳng định: “Cột tay là một phong tục của người Khmer. Khi muốn cầu chúc điều tốt lành cho ai, họ thường lấy chỉ màu cột vào cổ tay người đó rồi mới chúc” (Viện Văn hóa 1988, tr.113). Với ý nghĩ như thế, tục cột tay tiếp tục lại được nhắc đến trong các công trình khác như: “Người Khơ – Me Cửu Long” do tác giả Huỳnh ngọc Trảng chủ biên; “Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ” của tác giả Trần Văn Bổn; “Dân tộc Khmer Nam Bộ” của tác giả Phan An…
Tất cả những công trình trên đã bước đầu giới thiệu một cách khái quát về tục cột tay qua các lễ hội khác nhau. Điều đó có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc mở ra hướng nghiên cứu mới, cũng như cung cấp thêm cứ liệu cho việc tìm hiểu về văn hóa người Khmer Nam Bộ nói chung và tục cột tay nói riêng trong giai đoạn tiếp theo. Đối với người viết, cơ sở nghiên cứu về tục cột tay từ những công trình trên là nền tảng để kế thừa và tiếp tục nghiên cứu với hy vọng sẽ mang đến cho người đọc cái nhìn vừa hệ thống vừa chi tiết về tục cột tay của người Khmer Nam Bộ.
2.2. Nghi thức cột tay trong đời sống của người Khmer Nam Bộ
Không biết tự bao giờ, tục cột tay ra đời và tồn tại qua bao biến cố của cuộc đời và được lưu giữ đến ngày hôm nay. Tục cột tay đã trở nên rất quen thuộc và phổ biến trong đời sống của người Khmer. Vốn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, tục cột tay cùng với sợi chỉ đỏ và trắng gắn liền với cuộc đời của người Khmer kể từ khi sinh ra cho đến khi về cõi vĩnh hằng. Dù là chuyện vui hay chuyện buồn, gắn với từng nghi lễ vòng đời người Khmer đều thực hiện nghi thức cột tay.
– Nghi thức cột tay trong lễ “cắt tóc trả ơn mụ” (kat sok song kun chhmop)
Nghi lễ vòng đời của người Khmer Nam Bộ bao gồm: lễ cắt tóc trả ơn mụ, lễ giáp tuổi, lễ thành hôn, đám tang. Trong mỗi nghi lễ, nghi thức cột tay được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và mang nhiều nội dung, ý nghĩa gắn với từng nghi lễ. Cũng như người Kinh, người Khmer Nam Bộ quan niệm hình hài của con người được tạo thành là nhờ công của 12 bà mụ nhào nặn và coi sóc từ lúc thai nhi cho đến khi đứa bé chào đời. Khi đứa bé sinh ra được bảy ngày hoặc một tháng, gia đình sẽ tổ chức lễ cắt tóc trả ơn mụ. Lễ vật bao gồm một thúng đựng: lúa, sla chôm, chén gạo, trái dừa khô lột vỏ, nải chuối chín, hai mét vải, một con gà hoặc một miếng thịt luộc, một chai rượu…, đặc biệt có một vật dụng không bao giờ thiếu đó là sợi chỉ đỏ. Nghi lễ này được tổ chức trước bà con họ hàng thân thuộc và hàng xóm láng giềng với mục đích đền ơn mụ khi đã được “mẹ tròn con vuông”. Khi làm xong nghi lễ cắt tóc hay cạo đầu và đặt tên cho trẻ, thầy cúng sẽ thắp nhang vái tổ tiên, ông lấy chỉ đỏ cột vào đồng xu hoặc chiếc nhẫn vừa quay vừa đọc thần chú đủ 3 vòng, rồi cột vào cổ tay đứa bé nhằm cầu mong Trời Phật phù hộ, độ trì cho đứa bé. Chiếc vòng chỉ ở nơi cổ tay như chiếc vòng hộ mệnh để cho đứa bé có thể tránh được những những điều xấu và lớn lên mạnh khỏe. Cũng với ý nghĩa cầu chúc cho đứa trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, tránh xa những điều xấu, trong ngày đầy tháng người Kinh thường cột vào tay đứa trẻ một sợi dây được xâu bằng cây trâm bầu, bằng vàng, bạc… Qua đó, ta thấy đều cùng một ý nghĩa biểu trưng nhưng mỗi dân tộc chọn một cách thể hiện cho riêng mình. Điều này được ảnh hưởng bởi đặc trưng địa lý, lịch sử, văn hóa, ý thức, niềm tin của mỗi dân tộc.
– Nghi thức cột tay trong “lễ xuất gia” (Bân Bom Buôs)
Theo phong tục của người Khmer, con trai đến 12 tuổi phải cho vào chùa tu, trước hết là để báo hiếu cho đấng sinh thành, sau đó là học kinh kệ, bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện đạo đức. Khi muốn vào chùa tu thì gia đình sẽ tổ chức “Bân Bom Buôs” nghĩa là lễ xuất gia. Lễ này thường được tiến hành trong hai ngày, ngày thứ nhất tổ chức tại gia đình, ngày thứ hai được thực hiện ở chùa. Tại nhà, người con trai được xuống tóc và mặc lên mình bộ y phục màu trắng. Lúc này chàng trai được gọi là “Neak”2. Sau khi làm lễ từ giã và lễ tạ lỗi với cha mẹ xong, “Neak” được bà con dòng họ, hàng xóm láng giềng đến cột tay. Chỉ cột tay cho “Neak” là chỉ màu trắng. Đối với người Khmer, màu trắng là màu tinh khiết, trong sạch. Do đó, ta thấy từ bộ y phục được khoác lên người “Neak” cho đến chỉ dùng để cột tay cũng là màu trắng. Người ta cột tay cho “Neak” trong ngày này là để chúc cho “Neak” khi đến chùa tu được mạnh khỏe, bình an, không bị quấy nhiễu bởi những chuyện phàm trần để “Neak” yên tâm trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức trở thành người có ích cho đời. Cùng với việc cột tay, họ hàng thường kèm theo một số tiền nhỏ dùng để chi tiêu những việc cần thiết của “Neak” khi mới vào chùa. Sau ngày hôm đó, người ta đưa “Neak” vào chùa để sư cả tụng kinh làm lễ và khoác áo cà sa chính thức trở thành “Lôk”3. Theo ông Kim Trọng (Phường 1 – Thành phố Trà Vinh – tỉnh Trà Vinh), “đến ngày hôm nay nghi thức này vẫn còn được gìn giữ với nguyên vẹn ý nghĩa của nó, và đây là một nghi thức không thể thiếu trong lễ xuất gia của người Khmer”.
– Nghi thức cột tay trong “lễ cưới” (Pi Thi A Pea Pi Pea)
Người Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông nên qua thời gian tu tập ở chùa, họ vẫn có thể hoàn tục và lập gia đình. Ngày xưa, nếu một thanh niên không đi tu thì sẽ không ai chọn làm chồng vì họ bị cho là người không hiểu biết và đạo đức chưa tốt, nên hầu như nam Khmer ngày xưa ai cũng đi tu một thời gian. Nhưng bây giờ, bên cạnh việc nhìn vào thời gian tu, người Khmer Nam Bộ còn chú ý đến trình độ học vấn, nghề nghiệp… thanh niên Khmer vì đi học, đi làm ở xa nên họ vào chùa tu ít đi và thời gian tu cũng ngắn hơn. Thanh niên nam nữ Khmer đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu và yêu nhau. Gia đình nào có con trai, con gái yêu nhau hay do mai mối và được sự cho phép của bố mẹ hai bên thì họ tiến tới tổ chức lễ cưới hỏi. Để giáo dục con cái trong về việc cưới hỏi, người Khmer có câu:
“Làm ruộng thất, thất chỉ một năm
Lấy vợ, gả chồng sai, sai cả đời”
(Tục ngữ)
Rất ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa, câu tục ngữ đã cho ta thấy được tầm quan trọng của việc cưới hỏi. Và đối với dân tộc nào thì thành hôn cũng là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đời người. Người Khmer Nam Bộ cũng vậy, dù giàu hay nghèo gia đình nào cũng tổ chức đám cưới từ hai đến ba ngày. Đặc biệt, trong suốt quá trình diễn ra lễ cưới của người Khmer Nam Bộ, nghi thức chiếm phần lớn thời gian. Ngày xưa, lễ cưới của người Khmer Nam Bộ có đến gần hai mươi nghi thức (Trần Văn Bổn 2002). Ngày nay, hòa theo nhịp sống hiện đại, một số nghi thức đã được lược bỏ như nhuộm răng đen, cắt tóc, quét chiếu… Và nghi thức cột tay là một trong những nghi thức còn được lưu giữ và thực hiện phổ biến trong ngày cưới của người Khmer Nam Bộ. Nếu người Kinh, Hoa dùng đôi nhẫn để làm vật thể hiện sự gắn kết vợ chồng thì người Khmer lại dùng chỉ đỏ để cột tay. Tục này có nguồn gốc từ truyền thuyết về Pras Thông và công chúa rắn Neang Neak. Truyện kể rằng: “…Khi Pras Thông xuống đến thủy cung, vua thủy tề vùa thấy đã có lòng yêu mến nên ngài đã bằng lòng cho chàng cưới Neang Neak. Nhà vua cho mở yến tiệc, làm lễ buộc chỉ tay để chúc mừng đôi trẻ trăm năm hạnh phúc. Sau đó, Pras Thông cùng vợ mình trở về đất nước Kôk Thờ Lôk thân yêu. Ở đây triều đình lại cho mở yến tiệc cũng làm lễ buộc chỉ ta chúc mừng cho đôi tre nên duyên”. Ngày xưa, người Khmer không dùng nhẫn chỉ dùng chỉ cột tay, tuy nhiên qua quá trình cộng cư với người Kinh, Hoa, người Khmer hiện nay cũng dùng đôi nhẫn cho đôi vợ chồng trong ngày cưới song song với việc cột tay. Điều này là một minh chứng cho sự “hòa nhập nhưng không hòa tan” trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa trong môi trường hội nhập – là yếu tố không tiên quyết trong quá trình phát triển một nền văn hóa dân tộc. Nghi thức cột tay được thực hiện trong ngày thứ hai sau khi nhà trai đến nhà gái. Trong không khí tưng bừng, vui nhộn, trước sự chứng kiến của các vị sư, cô dâu chú rể quỳ xuống để tay tỳ lên gối. Trước hết, họ lạy tạ ơn các vị sư ban phúc cho mình; tiếp đến, cha mẹ hai bên tiến hành cột tay cho đôi trẻ bằng sợi chỉ màu đỏ với ý nghĩa chúc phúc và cầu mong cho may mắn, hạnh phúc đến với vợ chồng mới. Sau đó, họ hàng hai bên cũng đến cột tay chúc mừng bằng sợi chỉ trắng cùng với những món quà, hay tiền và không quên những lời chúc trăm năm hạnh phúc, con cháu đầy đàn. Lúc này, chỉ cột tay là biểu tượng cho sự gắn kết đôi vợ chồng, với hy vọng họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau đến răng long đầu bạc. Ý nghĩa đó càng được nhân lên nhiều thêm, càng thắm sâu thêm khi Achar cất cao giọng hát bài “Bai Khon chong đai”4 trong tiếng nhạc rộn ràng:
“Bai khon cột tay đôi tình
Bằng ba sợi chỉ đẹp xinh nghĩa tình
Cho yên ấm trong nhà em
Cho may mắn cho êm đềm nhà anh
Cho hạnh phúc được trăm năm
Cho cha mẹ được an nhàn thảnh thơi.”
Bài dân ca vừa là lời chúc mừng cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ, vừa là lời răn dạy giáo huấn con gái, con trai phải biết xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình để làm sao “cho hạnh phúc được trăm năm, cho cha mẹ được an nhàn thảnh thơi”. Trong tiếng nhạc Ngũ âm, bài dân ca vang lên nhẹ nhàng, bay bổng hòa vào những lời chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ của người thân và xóm giềng làm cho không gian trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Nghi thức cột tay chính là một biểu hiện của lối sống cộng đồng, việc cột tay chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới vừa thể hiện sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gần gũi, gắn bó trong cộng đồng.
Chính vì ý nghĩa tốt đẹp như thế nên không chỉ có người Khmer Nam Bộ còn giữ gìn và thực hiện nghi thức này, mà ở Campuchia, Lào người ta cũng dùng sợi chỉ đỏ cột tay để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Và trong những dịp quan trọng, những dịp ghi dấu ấn quan trọng trong đời người như lễ cưới thì người Campuchia cũng không bao giờ thiếu sợi chỉ đỏ.
Từ sợi chỉ đỏ trong tục cột tay của người Khmer Nam Bộ, ta lại thấy đâu đó hình ảnh dây tơ hồng của Nguyệt Lão xe duyên cho đôi lứa trong quan niệm của người Kinh, Hoa. Có lẽ cùng chung về ý nghĩa nhưng cách chọn biểu tượng của mỗi dân tộc thì khác nhau. Đó là những nét đặc trưng làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.
– Cột tay khi đau bệnh
Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật, y học đã phát triển với nhiều thành tựu đáng kể, chính vì thế mà mỗi khi bị bệnh, người Khmer Nam Bộ không còn đơn thuần nghĩ rằng họ đã mắc lỗi với dòng họ, phải đến xin Arăk Chua Bua mới có thể khỏi bệnh, hay phải làm lễ xúc hồn (Pithi Chônh chot Prô Lưng) những khi hôn mê, bất tỉnh mà tìm biết đến bác sĩ, đến bệnh viện… Và chúng ta cũng không thể phủ nhận được ý nghĩa mà những thành tựu khoa học hiện đại mang lại, nó đã làm thay đổ mọi mặt trong đời sống của người Khmer theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những cái đã thay đổi, vẫn có những cái còn tồn tại và được xem là tín ngưỡng tâm linh. Thực tế cho thấy mỗi khi bị bệnh, người Khmer bên cạnh việc đi bệnh viện, uống thuốc Tây, họ vẫn đến chùa hay thỉnh các sư về nhà để tụng kinh cầu an, xối nước và cột tay cho mình, những lời kinh chúc phúc của vị sư, hay một vòng chỉ đỏ đã được sư tụng kinh “làm phép” vào đó sẽ mang đến cho họ sự may mắn, đó được xem là vị thần hộ mệnh theo bảo vệ họ khỏi sự xâm hại của bệnh tật. Không những như một vị thần hộ mệnh, việc cột tay còn như liều thuốc an thần làm cho tinh thần của người bệnh nhẹ nhàng hơn vì họ tin rằng họ sẽ mau chóng khỏi bệnh.
– Cột tay trong “lễ tang” (Bân Sop)
Nếu như lễ cắt tóc trả ơn mụ đánh dấu sự khởi đầu của một đời người, thì tang ma được xem là sự kết thúc; tuy có đau buồn nhưng với người Khmer quan niệm chết không phải là hết vì vậy, cho dù chết đi, người Khmer vẫn mong muốn những người thân của mình đang còn sống luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau.
Trong đám tang, không những cột chỉ ở cổ tay, người ta còn cột cả cổ, đầu cánh tay, ngang cổ tay, ngang đầu gối, ngang cổ chân. “Sôt” được cột vào năm chỗ cứng trên thân thể của người chết nhằm thể hiện đó là những chỗ có vai trò quan trọng của một con người, đồng thời nó tượng trưng cho những thứ quan trọng trong cuộc đời của người đã khuất. Nếu ở các nghi lễ khác, việc cột tay có ý nghĩa dùng để chúc phúc, cầu bình an, hạnh phúc, sức khỏe, thì ở đây người chết được cột ở năm điểm ấy nhằm tượng trưng cho cha mẹ, vợ hay chồng, con và của cải của người đã mất, nó thể hiện mối quan hệ của người đã chết với những người thân còn sống trong gia đình. Nếu những nghi lễ khác mọi người đều có thể cột tay và chúc phúc cho người được cột tay, thì trong đám tang, chỉ có Achar Du Ki – là người có uy tín, hiểu biết, thông thạo về cách làm lễ tang mới được thực hiện nghi thức cột “sôt” trên thân thể người chết.
2.3. Ý nghĩa biểu tượng “sợi chỉ đỏ” trong văn hóa Khmer Nam Bộ
Có thể nói, đặc trưng văn hóa là tính biểu tượng. Theo Từ điển Oxford, “một biểu tượng là một thứ được nhất trí chung xem như điển hình hóa một cách tự nhiên, biểu trưng hay hồi tưởng về một cái gì đó bởi chúng đã sở hữu những tính chất giống nhau, hay bởi các mối quan hệ trong thực tế hoặc tư duy” (Dẫn theo Victor Turner 1964, tr. 242). Ở biểu tượng chúng ta bóc tách được những lớp văn hóa đang tiềm ẩn, lớp văn hóa đương đại, chính biểu tượng cũng nói lên được cả một quá trình phát triển có hay không sự giao lưu tiếp biến của một nền văn hóa.
Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, ông cha ta thường nói: “Lòng yêu nước như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta”. Mặt khác, hình ảnh “sợi chỉ đỏ” thường được người ta dùng để ví với những điều tốt đẹp, những giá trị trường tồn, xuyên suốt – một hình ảnh tượng trưng qua lăng kính nghệ thuật. Trong đời sống thực tế ở vùng Nam Bộ, khi tiếp xúc với người Khmer, chúng ta được thấy một “sợi chỉ đỏ” thực sự có mặt trong văn hóa truyền thống qua bao thế hệ người Khmer Nam Bộ. Cũng giống như người Kinh, Hoa và một số dân tộc khác, người Khmer cũng quan niệm màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Còn màu trắng đối với người Kinh, Hoa là màu của sự tang tóc, chính vì thế ta thấy bộ đồ trắng, khăn trắng, đèn cầy trắng được dùng trong đám tang và màu trắng không được dùng cho đám cưới hay những ngày hỉ (hiện nay, trong ngày cưới cô dâu mặc váy áo màu trắng với ý nghĩa tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khiết là do ảnh hưởng của phương Tây). Còn đối với người Khmer, trong những ngày hỉ như đám cưới, đám tu… người ta vẫn cột tay chúc phúc bằng những sợi chỉ trắng – mà theo quan niệm của họ là để nói lên sự tinh khiết, trong sạch chứ không phải chỉ điều xui xẻo.
Sẽ là rất thiếu sót khi nói “sôt” chỉ được sử dụng trong nghi thức cột tay, người Khmer Nam Bộ tin vào quyền năng của vật này nhiều hơn thế. Họ tin nó như chứa một sức mạnh vô biên mà con người không thể có được. Và niềm tin ấy càng được nhân lên qua Sự tích chùa Kompong. Sự tích kể rằng: “Khi xưa có một tượng Phật gỗ, từ dưới ao nổi lên, ao ấy đã được lập một lượt với rạch Long Bình hiện nay. Tượng Phật gỗ này là Phật ngồi, rất to, hiện còn được thờ tại chùa. Thấy tượng Phật nổi lên, mọi người muốn khiêng lên nhưng bao nhiêu chàng trai lực lưỡng cũng không khiêng nổi. Tin đồn khắp tỉnh, có một nhà sư người Khmer đến xem. Nhà sư là Lôk Kru Meas (sải cả tên Meas) thấy vậy cho người dùng chín sợi chỉ, cột một đầu vào tay, chân của Phật gỗ và một đầu cho mọi người cầm kéo lên, và cho rằng kéo tới khi nào đứt chỉ thì sẽ lập chùa tại nơi đó. Nhờ đó mà ngày hôm nay chúng ta có được ngôi chùa đã trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia mang tên chùa “Kompong”5. Câu chuyện với nhiều yếu tố li kì đã giải thích quyền năng của những sợi chỉ, và sợi chỉ không chỉ dùng trong các nghi lễ vòng đời mà còn gắn với từng hoạt động, sự kiện quan trọng trong đời sống người Khmer. Nhờ đó mà nó càng gắn bó với người Khmer Nam Bộ hơn. Người ta cột chỉ trên những cột nhà mới xây để mong ngôi nhà được vững chắc, gia đình sống an vui hạnh phúc. Người ta cột chỉ lên chiếc xe mới mua mong cho nó được lâu bền và cầu cho người sử dụng luôn thượng lộ bình an. Hay trong lễ an vị Phật, các tượng Phật cũng được cột những sợi chỉ đỏ để tượng trưng cho sự kính trọng, cầu mong Phật sẽ mang đến may mắn cho họ. Và những sợi chỉ còn được cột trong lễ kiết giới Sâyma… Như vậy, những sợi chỉ đỏ trong đời sống của người Khmer Nam Bộ, mãi là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc, bình yên như niềm tin muôn đời của họ.
3. Kết luận
Từ một vật dụng quen thuộc hằng ngày, sợi chỉ – “sôt” đã bước vào đời sống văn hóa của người Khmer Nam Bộ và trở thành một biểu tượng thiêng liêng có giá trị tinh thần không chỉ trong tục “chong-đai” (cột tay) mà còn xuất hiện trong nhiều sinh hoạt lễ tục khác. Cắt nghĩa biểu tượng “sôt” và tục “chong đai” để ta thấy được một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Chính vì chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà hình ảnh “Sôt” và tục “Chong-đai” được xem là một trong những niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc của người Khmer Nam Bộ.
__________
2. Neak nghĩa là rồng – từ dùng để gọi người khi chuẩn bị xuất gia đã được cạo đầu và mặc y phục màu trắng cách gọi này xuất phát từ một tích Phật của người Khmer Nam Bộ.
3. Lôk nghĩa là sư.
4. Bài dân ca về tục cột tay trong đám cưới của người Khmer Nam Bộ.
5. Kompong nghĩa là bến cảng, câu chuyện do sư Thạch Chane Đa Ra, 37 tuổi, chùa Kompong kể lại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Huỳnh. Ngọc Trảng (chủ biên). 1987. Người Khmer tỉnh Cửu Long. NXB Sở Văn hóa – Thông tin Cửu Long.
Jean, Chevalier & Alain, Gheerbrant. 2002. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. NXB Đà Nẵng.
Lê, Hương. 1969. Người Việt gốc Miên. Nhà sách Khai trí, Sài Gòn.
Phan, An. 2009. Dân tộc Khmer Nam Bộ. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
Sang, Sết. 2011. Phong tục lễ nghi Khmer Nam Bộ (giáo trình giảng dạy).
Tiền, Văn Triệu. 2011. Tích xưa về người Khmer Sóc Trăng. NXB Phương Đông.
Trần, Văn Bính (Chủ biên). 2004. Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ thực trạng và những vấn đề đặt ra. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
Trần, Văn Bổn. 2002. Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Victor, Turner. 1964. Biểu tượng trong nghi lễ của người Ndembu – Nhân học tôn giáo. NXB Đà Nẵng.
Viện Văn hóa. 1988. Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ. NXB Tổng hợp Hậu Giang.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh,
Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 20, tháng 12/2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): “Sôt” và nghi thức “chong-đai” trong đời sống người Khmer Nam Bộ (Tác giả: ThS Lê Thị Diễm Phúc) |