Sự biến đổi môi trường văn hóa giáo dục Nam Kỳ từ truyền thống đến hiện đại giai đoạn 1861-1945
THE CHANGE OF EDUCATIONAL AND CULTURAL ENVIRONMENT
IN COCHINCHINE FROM TRADITION TO MODERN STAGE 1861-1945
Tác giả bài viết: NGÔ THỊ MINH HẰNG
(Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Trên cơ sở trình bày môi trường văn hóa giáo dục truyền thống như là điểm xuất phát của quá trình biến đổi, bài báo đã phân tích những nhân tố tác động đến quá trình biến đổi văn hóa giáo dục Nam Kỳ từ truyền thống đến hiện đại trên các lĩnh vực môi trường văn hóa vật chất, môi trường văn hóa xã hội, môi trường tâm lí. Bài báo đã lí giải nguồn gốc của sự biến đổi và những điểm tích cực cũng như hạn chế của quá trình biến đổi đó.
Từ khóa: biến đổi môi trường văn hóa giáo dục; Nam Kỳ; truyền thống đến hiện đại.
ABSTRACT
Based on the description of the traditional educational and cultural environment as the starting point of transformation process, the paper analyzed the factors affecting the transformation of Cochinchinese educational culture to present on material cultural environment, social cultural environment, and psychological environment. The article explained the origin of the change and the positive points as well as the limitations of that transformation process.
Keywords: educational environment change; Cochinchine; tradition to the modern.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Năm 1859, Thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ và sau đó áp đặt chế độ thống trị ở đây. Để đào tạo đội ngũ viên chức phục vụ cho việc cai trị và khai thác thuộc địa, Pháp đã áp dụng hệ thống giáo dục mới tại Nam Kỳ, bắt đầu là việc mở Trường Thông ngôn Bá Đa Lộc (1861). Sau nhiều lần mở rộng và cải cách hệ thống giáo dục, đến năm 1945, hệ thống giáo dục Pháp ở Việt Nam nói chung và ở Nam Kỳ nói riêng đã khá hoàn chỉnh. Quá trình áp đặt hệ thống giáo dục Pháp vào Nam Kỳ đã làm biến đổi môi trường văn hóa giáo dục từ văn hóa giáo dục truyền thống Nho giáo đến văn hóa giáo dục phương Tây mà trực tiếp và văn hóa giáo dục Pháp. Đó là quá trình biến đổi từ văn hóa giáo dục truyền thống sang văn hóa giáo dục hiên đ̣ ai ̣ ở Nam Kỳ suốt giai đoạn từ năm 1861 đến năm 1945.
Môi trường văn hóa giáo dục rất đa dạng, bao gồm môi trường nhà trường, môi trường gia đình, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. Môi trường văn hóa giáo dục bao gồm môi trường giáo dục và môi trường dạy học. Môi trường dạy học bao gồm các phương tiện và điều kiện vật chất, kĩ thuật và tâm lí xã hội tác động thường xuyên và tạm thời, được người dạy và người học sử dụng một cách có ý thức để đảm bảo cho lao động dạy và học đạt hiệu quả cao (Nguyen, 2015, p.62). Các tác giả E. Anstrand và Edward E. Kirbride trong công trình “The Education Environment Program” (Nghiên cứu về môi trường giáo dục), cho rằng: “Môi trường giáo dục phải là một bộ ba bao gồm môi trường cộng đồng, môi trường học tập và môi trường vật lí. Môi trường cộng đồng được xây dựng theo hướng phát triển quan hệ với các đối tác. Môi trường học tập, tập trung vào mối quan hệ giữa các cá nhân, các hoạt động học tập và thời gian học tập. Môi trường vật lí thiết kế các phương tiện vật chất.” (Anstrand, & Kirbride, 2002, p.15).
Có thể hiểu môi trường văn hóa giáo dục là các yếu tố bên trong và bên ngoài của học đường có ảnh hưởng, tác động và thể hiện bộ mặt văn hóa của nhà trường. Môi trường văn hóa giáo dục bao gồm các yếu tố như: cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường học đường, điều kiện học tập, sinh hoạt trong khuôn viên trường học; đó là những yếu tố bên trong như ý thức học tập của học sinh, phương pháp dạy học, ứng xử và cách thức tổ chức hoạt động dạy, học. Tất cả các yếu tố ấy hòa quyện với nhau tạo thành cảnh quan sư phạm đạt chuẩn, thúc đẩy việc học tập và giảng dạy.
Khái niệm hiện đại (modern) xuất hiện ở châu Âu từ rất sớm, gắn liền với phong trào Khai sáng thế kỉ thứ XVIII. Đối với các nhà Khai sáng, hiện đại được diễn giải như là sự thoát ra khỏi cái truyền thống để xác lập một nền văn hóa mới tiến bộ hơn. Đó là quá trình hiện đại hóa (modernization), thay đổi toàn bộ hay một phần cái truyền thống để xác lập hệ thống mới có tính tiến bộ hơn. “Ý tưởng về tính hiện đại dường như được bắt đầu từ chỗ: Con người khi đã phát triển đến một trình độ cao thường đòi hỏi có một sự tương ứng giữa sản xuất, lao động và trí tuệ, khoa học, công nghệ hay quản lí phù hợp. Các tổ chức xã hội cũng được tổ chức quy củ bằng luật pháp và mỗi cá nhân cũng có xu hướng tự giải thoát khỏi những ràng buộc tự nhiên và xã hội để khẳng định vai trò của lí trí.” (Do, 2019, p.47). Đối với Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng, việc áp đặt nền thống trị của Pháp đã làm diễn ra quá trình “thiết lập một nền văn minh phương Tây cưỡng chế”. Quá trình tiếp xúc và “thâu tóm” văn minh phương Tây là quá trình hiện đại hóa trên tất cả các lĩnh vực. Tính đặc thù của hoàn cảnh lịch sử và quá trình tiếp nhận văn minh phương Tây ở Việt Nam đã diễn ra quá trình hiện đại hóa gần như đồng nhất với quá trình phương Tây hóa. Ở bài viết này, khái niệm hiện đại được hiểu như là quá trình tiếp nhận văn hóa giáo dục Pháp; đó là quá trình biến đổi văn hóa giáo dục truyền thống và tiếp nhận những yếu tố của văn hóa giáo dục mới.
Giai đoạn từ năm 1861 đến năm 1945, với việc áp đặt hệ thống giáo dục mới vào Nam Kỳ của Pháp, đã khách quan mang lại sự thay đổi môi trường văn hóa giáo dục từ truyền thống đến hiện đại. Đó là sự thay đổi về môi trường vật chất, môi trường xã hội, môi trường tâm lí trong học đường Nho giáo khi tiếp xúc với văn hóa giáo dục Pháp.
2. Môi trường văn hóa giáo dục Nho giáo truyền thống ở Nam Kỳ
Cũng như môi trường văn hóa giáo dục ở các quốc gia và các nền văn hóa giáo dục trong lịch sử và hiện tại, môi trường văn hóa giáo dục Nho giáo cũng bao gồm môi trường vật chất, môi trường xã hội và môi trường tâm lí. Chính trong những môi trường đó và thông qua những môi trường đó văn hóa giáo dục được áp dụng và biểu hiện những đặc trưng của nó.
2.1. Môi trường văn hóa vật chất
Nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở vật chất trường học ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng. Ngay sau vừa lên ngôi, vua Gia Long đã mở các trường công tại các dinh, trấn, phủ và huyện. Để đảm bảo về cơ sở vật chất cho việc dạy và học, vào năm 1824, vua Minh Mạng cho ban hành quy định: Trường học ở cấp dinh, trấn có một giảng đường và một tòa nhà vuông. Giảng đường gồm 3 gian 2 chái, lòng nhà dọc ngang đều 6 thước 4 tấc, cột cái cao 10 thước 5 tấc. Đến năm 1833, Minh Mạng quy định lại là lòng nhà dọc 5 thước 1 tấc, ngang 6 thước, và năm 1836, vua cho rút gọn thêm là lòng nhà dài và chiều rộng đều 5 thước 9 tấc. (Huynh, 2018, p.183).
Trường học cấp phủ cũng được xây dựng theo quy cách của trường học cấp tỉnh, có 1 tòa giảng đường và 1 tòa nhà vuông giống như trên, được nhà nước cấp cho 300 quan tiền để xây dựng. Trường học cấp huyện chỉ gồm 1 tòa nhà 3 gian 2 chái, dài 3 trượng 9 thước, rộng 2 trượng 6 thước 4 tấc, cột cái cao 10 thước 5 tấc, và không có nhà vuông, được nhà nước cấp cho 250 quan tiền để xây dựng. Dưới triều Nguyễn, trường học ở phủ và huyện rất phát triển, số lượng trường công lập được dùng để dạy trò tăng và tổ chức xuống đến cấp huyện ở cả đồng bằng và miền núi. (Huynh, 2018, p.183).
Trường tư thục, dân lập tại các xã, ấp, cơ sở vật chất do người dân hoặc thầy giáo bỏ tiền ra xây dựng. Trường là một ngôi nhà lớn, bề ngang độ 9, 10 thước, bề dọc độ ba bốn mươi thước. Trường ít có thể từ 10 đến 20 học trò, trường đông có thể lên 40 đến 50 em. Thầy giáo dạy học ngồi ở trên phản, trên chõng tre hoặc trên chiếu, còn học trò ngồi trên chiếu ở trên sàn nhà để học và phủ phục xuống chiếu để viết bài. Trường thường được xây dựng ở trung tâm, khu vực giao thông thuận lợi cho việc đi lại và học tập. Những gia đình và địa phương có điều kiện và nhu cầu thì tự tìm đất dựng trường mở lớp và mời những người đỗ đạt về dạy.
Các trường học ở kinh đô, có quy định về đồng phục cho học sinh, còn đa phần các trường học công ở cấp phủ, huyện và các trường tư thục không có đồng phục, bảng tên… Học trò ăn mặc tự do nhưng lịch sự, kín đáo theo văn hóa truyền thống.
Trường học Nho giáo chủ yếu dạy về đạo đức, lễ nghĩa, văn sách thiên về khoa học xã hội, chương trình ít liên quan đến khoa học tự nhiên, vì thế, không có phòng thí nghiệm, thực hành. Cơ sở vật chất để phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí như câu lạc bộ, khu tập luyện thể dục thể thao hầu như không có.
Sự quan tâm của gia đình và chính quyền sở tại về điều kiện dạy và học đã tạo nên môi trường văn hóa học đường truyền thống rất nghiêm túc, học trò luôn chú tâm đến việc học tập trên lớp, coi trọng lễ nghĩa, phép tắc.
2.2. Môi trường xã hội
Triều Nguyễn rất quan tâm đến việc học tập và thi cử nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1807, vua Gia Long hạ chiếu nêu rõ: “Nhà nước cầu nhân tài, tất do đường khoa mục. Tiên triều ta chế độ khoa cử đời nào cũng có cử hành… Nay thiên hạ cả định, Nam Bắc một nhà, cầu hiền chính là sự cần kíp”. Vua Minh Mạng nói về việc học như sau: “Học hiệu là nơi chứa nhân tài, tất phải giáo dục có căn bản thı̀ mới thành tài. Trẫm muốn bắt chước người xưa, đặt nhà học để nuôi họcc trò , ngõ hầu văn phong dấy lên, hiền tài đều nổi, để cho nhà nước dùng.” (National Archives Center II, 2016, p.187).
Nam Kỳ là một vùng đất mới được khai phá, vì thế giáo dục Nho giáo ra đời muộn hơn các nơi khác. Năm 1632, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho mở một số kì thi về các nội dung là những văn sách của Nho giáo để tuyển chọn người làm quan. Khoa cử ở Đàng Trong, phải đến năm 1646, Chúa Nguyễn mới tổ chức các kì thi theo hệ thống khoa cử ở Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn quy định cứ 9 năm tổ chức một kì thi, chia làm hai khoa Chính đồ và Hoa văn. Những người đứng đầu ba hạng của khoa Chính đồ sẽ được bổ làm Tri phủ, Huấn đạo, Lễ sinh hoặc Nhiêu học. Khi Triều Nguyễn được thiết lập, năm 1812, Gia Long xuống chiếu quy định từ năm Quý Dậu (1813) bắt đầu mở khoa thi Hương ở 7 trường thi trong cả nước, trong đó có trường thi Gia Định. (Nguyen, 1996, p.141). Giai đoạn 1813- 1864, triều Nguyễn đã mở ở Nam Kỳ tất cả 20 kì thi Hương, đỗ được 274 cử nhân. Các thầy đồ đã mở trường dạy học từ rất sớm, trong đó có các thầy giáo nổi tiếng ở Nam Kỳ như Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Nguyễn Đình Chiểu… Thầy Võ Trường Toản, người Gia Định, dạy học trò không vì mục đích khoa cử mà dạy về nghĩa lí, ông đã đào tạo được ba học trò nổi tiếng (Gia Định tam gia) sau này là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh. Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ, nhà giáo yêu nước người Gia Định, bên cạnh việc dùng thơ văn yêu nước chống Pháp, ông còn là người thầy dạy nhiều thế hệ học trò về lễ nghĩa, lòng yêu nước, căm thù giặc.
Nhà nước cấp học bổng người học giỏi. Học trò quốc Tử Giám được đối đãi như một quan viên, có mũ áo riêng để phân biệt với các nho sinh trường bên ngoài. Nhiều chính sách tôn vinh và ưu tiên cho người đỗ đạt của nhà Nguyễn như tục xướng tên, ban áo mũ và yến tiệc, vinh quy bái tổ, khắc văn bia. Những sĩ tử đỗ Hương cống và Sanh đồ đều được nhà nước miễn thuế thân và được bổ nhiệm chức vụ trong triều đình.
Đội ngũ giáo quan được chọn lựa kĩ càng, họ phải là những người có tuổi tác chững chạc và đỗ đạt. Những quan đốc học làm việc lâu năm ở các dinh/ trấn có thành tích sẽ được triệu về Kinh làm việc. Về phẩm cấp, vua Gia Long ban hành vào năm 1804 thì Đốc học ở các dinh/ trấn hàm Chánh Ngũ phẩm, trợ giáo được hàm Chánh Bát phẩm. Năm 1805, triều đình quy định lương của Đốc học ngang với lương của Tri phủ và lương của Trợ giáo ngang với Tri huyện. Tiền lương một năm của quan Đốc học là 800 đồng, Giáo thụ là 200 đồng.
Xã hội rất đề cao người thầy, người dân rất trân trọng và đặt hi vọng vào những người thầy rất lớn. Thầy không chỉ dạy chữ nghĩa, rèn cặp cho trẻ nên người mà còn là người cố vấn cho toàn bộ cuộc sống. Đau ốm đến thầy cắt thuốc, tang ma đến xin thầy chỉ làm lễ, lễ tết đến xin thầy nghi thức. Thầy còn xem giờ dựng nhà, so tuổi vợ chồng, làm hộ các đơn từ kiện tụng. Ông thầy được xem như là từ điển sống của nhân dân. Vị trí người thầy được xếp hàng thứ hai sau vua và trên cả cha mẹ “quân, sư, phụ”. Học trò phải luôn kính trọng và mang ơn thầy dạy dỗ như bậc sinh thành. Những quy định của chính quyền phong kiến đối với việc dạy và học, cũng như quan niệm của xã hội Nho giáo lúc bấy giờ, đã tạo ra một môi trường xã hội coi trọng việc học tập và thi cử, coi trọng hiền tài, có nhiều chính sách tôn vinh và tạo môi trường thuận lợi cho việc dạy và học trong trường học Nho giáo.
2.3. Môi trường tâm lí
Người thầy trong trường học truyền thống dạy học trò với chữ tâm và tinh thần trách nhiệm, là tấm gương, là nhà mô phạm, giỏi chữ nghĩa, văn chương, luôn nghiêm khắc với học trò. Quan hệ thầy – trò luôn thể hiện tính tôn ti, thứ bậc nhưng thầy rất quan tâm đến việc học tập của học sinh, luôn sẵn sàng giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần cho người học.
Học trò trong trường học Nho giáo ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng rất hiếu học. Họ học tập với một tình thần say mê, không mệt mỏi. Thi cử đỗ đạt trong các kì thi thời phong kiến không phải là điều dễ dàng, vì vậy muốn thi đậu, mỗi sĩ tử phải tích cực học tập và rèn luyện trong thời gian dài, đối mặt với những cực nhọc, vất vã, khó khăn về kinh tế, phải thức khuya dậy sớm, đôi khi chán nản vì phải vật lộn với con chữ. Nhiều học trò phải đi ở, làm thuê, chăn trâu, cắt cỏ mà vẫn chăm chỉ dùi mài kinh sử. Có người không có điều kiện đến trường, phải tìm cách đứng ngoài các lớp học để nghe lỏm những điều thầy dạy. Ở Nam Kỳ, có rất nhiều sĩ tử yêu nước như Trương Định, Nguyễn Trung Trực , Nguyễn Đı̀nh Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Âu Dương Lân… Họ đại diện cho những người dân Nam Kỳ nghĩa khí, yêu nước và hiếu học.
Đi học là trách nhiệm và bổn phận của nam nhi trong xã hội phong kiến, đi học và lập thân bằng con đường khoa cử, mong ghi tên vào bảng vàng, được làm quan triều đình; học để rạng danh cho gia đình, dòng họ và đất nước. Làm quan là để thực hiện lí tưởng “trung quân ái quốc”, gặp thời loạn thì giúp vua dẹp giặc, trong thời bình thì đem tài kinh bang tế thế, trị nước cứu đời, làm cho đất nước cường thịnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được đi học và thi. Con của những phường chèo, con hát, những kẻ phản nghịch, nguỵ quan có tiếng xấu thì bản thân hoặc con cháu không được đi thi. Phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng bị coi thường và không được đi học.
Trường học Nho giáo không phân biệt tuổi tác người đi học và thi. Vì vậy, trong trường học truyền thống có rất nhiều học trò đỗ đạt khi tuổi còn rất trẻ và cả những người đỗ đạt khi tuổi đã cao. Ai có tài thì đều được trọng dụng nên đã tạo ra một tinh thần hiếu học lan tỏa rộng rãi trong xã hội Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng.
3. Sự biến đổi môi trường văn hóa giáo dục ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc
3.1. Những nhân tố tác động đến sự biến đổi môi trường văn hóa giáo dục
Năm 1859, Thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ. Sau các điểm phòng ngự bị thất thủ, ngày 5/6/1862, triều đình Huế kí với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất, nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa). Tiếp theo, lợi dụng sự nhu nhược của triều đình Huế, từ 20 đến 24 tháng 6 năm 1867, Pháp đã tiếp tục chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Từ đây, sau khi xâm lược nước ta về quân sự, Pháp từng bước thiết lập bộ máy cai trị, thực hiện các chính sách thuộc địa trên các lĩnh chính trị – xã hội, văn hóa – giáo dục.
Để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực, Pháp tiến hành mở các trường học và trường dạy nghề với nhiều ngành, nghề khác nhau. Đây chính là nhân tố thúc đẩy sự phát triển giáo dục ở Nam Kỳ, Việt Nam.
Việc xuất hiện chữ quốc ngữ như là một nhân tố tạo điều kiện cho giáo dục thay đổi. Để phục vụ cho công cuộc truyền giáo, những giáo sĩ phương Tây đã tạo ra chữ viết mới là chữ Quốc ngữ. Sang thế kỉ XIX, chữ Quốc ngữ dần dần vươn ra khỏi cộng đồng giáo dân Việt Nam, mở rộng đến cộng đồng người Việt. Pháp tìm cách loại bỏ chữ Hán và ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở Việt Nam. Nghị định ngày 22 tháng 02 năm 1869 của Thống đốc Nam Kỳ quy định “chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Âu Châu trở thành bắt buộc trong các giấy tờ hành chính”. Chữ Quốc ngữ chính thức được dạy ở các trường “tân học” trong xứ Nam Kỳ. Pháp cho ra tờ Công báo để ban bố những chính sách cai trị với dân bản xứ và tờ Gia Định báo (1865-1897), tờ báo chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam. Đó chính là điều kiện đầu tiên để Chữ quốc ngữ được dịp truyền bá, trở thành ngôn ngữ dùng trong nhà trường nhằm phát triển giáo dục, mở ra giai đoạn mới cho giáo dục, văn học, báo chí… ở Nam Kỳ.
Chỉ 5 năm sau khi xâm chiếm ba tỉnh miền Đông, Pháp đã bỏ thi theo lối Nho học và đến năm 1867, chính thức tổ chức thi theo chế độ chính quy. Những trường thông ngôn, tham biện được mở ra, đào tạo người làm việc cho Pháp. Các trường học phổ thông theo chương trình Pháp do chính quyền thực dân hay do Giáo hội mở ra nhiều thêm, thay đổi hẳn diện mạo giáo dục của nhà nước Việt Nam phong kiến.
Nam Kỳ là vùng đất đầu tiên Pháp chiếm được đã trở thành thí điểm những cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa là mở trường học và xây dựng chương trình học mới. Đến những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), Pháp đã áp dụng ở Việt Nam hai nền giáo dục: Nền giáo dục cũ có cải cách và nền giáo dục mới gọi là giáo dục Pháp – Việt.
Chính sách và hệ thống giáo dục được Pháp áp đặt ở Nam Kỳ tạo ra quá trình tiếp biến về văn hóa giáo dục. Quá trình tiếp xúc với văn hóa giáo dục Pháp đã làm cho văn hóa giáo dục Nam Kỳ hội nhập với giáo dục thế giới, làm biến đổi môi trường văn hóa giáo dục từ truyền thống đến hiện đại trên tất cả môi trường vật chất (môi trường vật lí), môi trường xã hội và môi trường tâm lí.
3.2. Sự biến đổi môi trường văn hóa vật chất trong trường học Nam Kỳ
Từ chỗ trường học được tổ chức ở các phủ, huyện, văn miếu Quốc tử giám đối với trường công và tổ chức ở trong các gia đình đối với trường tư thời phong kiến, các trường học thời Pháp thuộc đã được định hướng, thiết kế, xây dựng một cách bài bản, khoa học. Các trường học được lựa chọn và đặt ở các vị trí trung tâm ở các thành phố hay các địa phương, thuận tiện cho học sinh trong việc đi lại và sinh hoạt. Khuôn viên nhà trường được thiết kế, xây dựng thành một khu riêng biệt, có tường rào, cổng trường, biển tên trường và chia thành các khu với các chức năng khác nhau, được bố trí một cách hợp lí, thuận lợi cho quá trình dạy, học của thầy và trò.
Trường học đáp ứng cho một số lượng học sinh nhất định. Diện tích phòng học, bàn ghế được thiết kế phù hợp với tầm vóc học sinh; bàn ghế giáo viên, bảng viết đúng thiết kế khoa học. Phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng và an toàn cho học sinh. Các trường có thư viện, có các phòng thí nghiệm, khu thể dục, thể thao. Trường dạy nghề còn có các xưởng thực hành được trang bị hiện đại theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ và phù hợp với từng ngành nghề đào tạo. Khu văn phòng có phòng làm việc của hiệu trưởng và bộ phận hành chính, được bố trí ở vị trí có thể quan sát, điều hành và quản lí. Nhiều trường có khu nội trú riêng cho học sinh trong khuôn viên trường.
Tiêu biểu cho môi trường vật chất văn hóa học đường thời thuộc Pháp có thể kể đến Trường Petrus Ký. Năm 1925, Thống đốc Nam Kỳ quyết định xây dựng một trường trung học Pháp – bản xứ có quy mô thu nhận 500 học sinh nội trú và 600 học sinh ngoại trú. Trường được thiết kế bởi một kiến trúc sư danh tiếng, được xây dựng rất độc đáo bởi sự rộng lớn và bề thế. Trường có 3 khu phân biệt: Khu học, khu nội trú, khu thể dục thể thao. Tại khu học, chỉ cần đứng ở hành lang giữa là có thể kiểm soát được tất cả các lớp học. Đi vào bằng ngõ chính, khu học hình tứ giác mà hai chái nhô ra làm phòng ban hành chính; các lớp học tập trung tại hai dãy nhà một tầng lầu bao bọc sân chính. Trong cùng là các phòng học chuyên môn như Vẽ, Sử – Địa. “Khu nội trú gồm có một phần là nhà ăn cùng các tòa nhà khác, được xếp theo hình nanh sấu, các tòa nhà này được bao bọc bởi những sân chơi, phân chia riêng học sinh ở từng ban khác nhau… Trên năm sáu mẫu đất trải rộng bên ngoài các dãy nhà đã xây dựng và sẽ xây dựng nên những sân quần vợt, một sân vận động, những đường chạy đua thể lực và một hồ bơi.” (Tran, 2011, p.3-4).
Trường Lasan Taberd được thành lập vào năm 1873 do các sư huynh dòng Lasan điều hành. Trường chú trọng phát triển trí dục, đức dục và thể dục. Trong trường có cả sân bóng chuyền, bóng rổ cùng các bàn bóng bàn trong phòng thể thao để học sinh luyện tập.
Trường Trung học Nữ sinh bản xứ (Collège des jeunes filles indigènes), còn có tên gọi là Trường Nữ sinh Áo tím, được xây dựng khang trang vào năm 1913. Đến năm 1918, do số lượng học sinh tăng nên trường đã xây dựng thêm tòa nhà thứ hai song song với tòa nhà cũ. Tòa nhà mới có nhiều chức năng: Tầng dưới làm cư xá cho học sinh ở xa, phía sau là bệnh xá, phòng giặt và nhà bếp trong một ngôi nhà trệt, đây đồng thời cũng là nơi giảng dạy các môn nữ công gia chánh và thêu thùa cho các nữ sinh.
Nếu như trước đây, tài liệu dạy học và sách giáo khoa chủ yếu là sách thánh hiền, tứ thư, ngũ kinh, thì đến thời Pháp thuộc đã có sự thay đổi. Trừ thời gian đầu, khi Pháp vừa áp đặt nền giáo dục vào Nam Kỳ, sách giáo khoa chưa chuẩn bị kịp phải dùng tờ Gia Định báo làm tài liệu học tập, thời gian sau đó Pháp đã đưa sách giáo khoa từ Pháp sang để dạy học sinh ở những trường Pháp – Việt. Chương trình học có những môn về khoa học tự nhiên, thiên văn, vũ trụ… cân bằng lại hệ thống giáo trình của văn hóa giáo dục truyền thống. Khi thành lập Hội đồng hoàn thiện nền giáo dục bản xứ (Conseil de Prefectionement de L’ Enseignement Indigène en Indochine) ngày 8 tháng 3 năm 1906, Toàn quyền Henri Gourdon đã đưa ra một trong những nhiệm vụ của Hội đồng là khảo sát, chọn lựa sách giáo khoa cho trường học. Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 16 tháng 5 năm 1906 quyết định tổ chức cuộc thi biên soạn sách giáo khoa (National Archives Center II, 2016, p.118-119). Nhờ vậy những bộ sách giáo khoa được biên soạn đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh. Mặc dù còn nhiều hạn chế khi sử dụng các bộ sách giáo khoa này, nhưng việc có riêng sách giáo khoa cho trường học, cho từng đối tượng học sinh là một sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất trong văn hóa giáo dục ở Nam Kỳ.
Hệ thống cơ sở vật chất của các trường học được thiết kế, xây dựng theo chuẩn mực văn hóa giáo dục Pháp, sách giáo khoa được biên soạn theo các chương trình giáo dục của châu Âu lúc bấy giờ, các trường học Pháp – Việt thời gian này đã có sự biến đổi về cơ bản. Học trò được quan tâm về môi trường vật chất trong học tập, ở và sinh hoạt. Các phòng thí nghiệm, khu vui chơi được xây dựng. Trong môi trường và không gian văn hóa vật chất đó, các hoạt động giáo dục được diễn ra với những tiêu chí và chuẩn mực mới, hình thành nên một môi trường văn hóa giáo dục thời cận đại ở Nam Kỳ, Việt Nam.
3.3. Sự biến đổi môi trường xã hội trong trường học Nam Kỳ
Môi trường xã hội trong trường học thể hiện trong cách tổ chức quản lí giáo dục nói chung và quản lí nhà trường các cấp; là thái độ của thầy giáo, học sinh và xã hội đối việc học.
3.3.1. Sự biến đổi văn hóa tổ chức hệ thống quản lí giáo dục giữa cấp Kỳ với hệ thống trường học
Song song với những chính sách bóc lột về kinh tế, đàn áp về chính trị, Pháp đã thi hành chính sách văn hóa giáo dục nhằm thực hiện âm mưu thống trị lâu dài với Việt Nam. Năm 1897, khi Paul Dumer sang làm toàn quyền Đông Dương, vừa đến Hà Nội đã mật báo về Paris một bức điện như sau: “Nhân dân toàn xứ hầu như đã bị quật xuống dưới quyền thống trị của chúng ta nhưng họ chưa phải đã thấm nhuần tính chất vĩnh viễn của nền đô hộ Pháp và họ sẵn sàng nắm lấy một thời cơ thuận lợi hay một giây phút yếu đuối của chúng ta để lật nhào cái ách nặng trên cổ.” (Bui, 2005, p.54).
Chính vì thế, sau khi đã bình định Việt Nam, Pháp đã chú ý đến chính sách văn hóa giáo dục, xem giáo dục như là một công cụ chắc chắn nhất để thực hiện mưu đồ chinh phục về mặt tinh thần những người dân thuộc địa. Mục đích giáo dục của Pháp là tuyên truyền tư tưởng về văn minh của nước Pháp nhằm xóa đi nền văn hóa dân tộc, tiêu diệt ý chí độc lập, tự do của người Việt. Mục đích thứ hai là nhằm đào tạo những công chức, viên chức bản xứ để làm việc cho bộ máy thống trị của Pháp. Với những mục đích trên, chính quyền Pháp đã cho thành lập các trường học không xuất phát từ thiện tâm khai hóa mà xuất phát từ âm mưu nô dịch, đồng hóa.
Thời gian đầu, giáo dục chủ yếu do các đô đốc hải quân kiêm quyền Thống đốc Nam Kỳ trực tiếp quản lí và ban hành các văn bản thành lập các trường như Trường Thông ngôn và các trường tiểu học. Ngày 14/11/1905, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh về việc thành lập Nha học chính Đông Dương, cơ quan quản lí giáo dục của Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
Ngày 08/3/1906, Toàn quyền đông Dương Paul Beau ban hành Nghị định thành lập Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ, và đến ngày 16/5/1906 tiếp tục ban hành 4 Nghị định để hoàn thiện Nghị định nói trên, trong đó có việc thành lập tại mỗi xứ ở Đông Dương một Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ. Thành phần Hội đồng đã được Toàn quyền Đông Dương ấn định gồm có đại diện các quan cai trị, đại diện các trường học và các địa phương1. Như vậy, trong quản lí hoạt động giáo dục, bên cạnh Sở Học chính, Nam Kỳ còn có một Hội đồng hoàn thiện về giáo dục với các tiêu chí cho xứ của mình. Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ có nhiệm vụ nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến “thiết lập hoặc cải tổ nền giáo dục bản xứ”, “hợp tác với các nhà xuất bản (trong việc xuất bản sách giáo khoa)”; “tuyển dụng và đào tạo giáo viên”; “nghiên cứu, thu thập, bảo quản” những tác phẩm văn học, triết học, lịch sử. (National Archives Center II, 2016, p.13).
Cơ quan quản lí giáo dục của Nam Kỳ có Sở học chính, đứng đầu Sở Học chính là Chánh Sở Học chính. Chánh Sở Học chính được đặt dưới quyền quản lí của Thống đốc Nam Kỳ về những vấn đề liên quan đến tài chính và ngân sách, đồng thời chịu sự giám sát của Giám đốc Nha học chính Đông Dương về phương diện kĩ thuật và nghề nghiệp. Để tư vấn, theo dõi và giám sát quá trình vận hành của bộ máy quản lí giáo dục các cấp, Toàn quyền Đông Dương đã thành lập Cơ quan Thanh tra – Cố vấn học chính. Theo Nghị định ngày 10/9/1914, quy định hoạt động và quyền hạn của Thanh tra – Cố vấn học chính nhằm giúp Toàn quyền “tổ chức hoạt động giáo dục công và tư thục ở các cấp”; “tập trung tài liệu hữu ích đến cách thức và tổ chức hoạt động của các Sở Học chính”; “báo cáo thống kê chương trình, sách giáo khoa, thỉnh nguyện để hoàn thiện giáo dục địa phương”; “giám sát kĩ thuật, chuyên môn tất cả các trường công lập và tư thục.” (National Archives Center II, 2016, p.280).
Pháp mở nhiều loại trường để đào tạo thông ngôn, giáo viên tiểu học, các trường dạy nghề và các trường phổ thông. Tuy nhiên, các trường này chủ yếu dành cho con em của Pháp, những người phục vụ cho Pháp, con em những người giàu có, tư sản, địa chủ phong kiến. Pháp đã tiến hành cải cách đổi mới nội dung, tư tưởng giáo dục cũ, thay vào đó là tư tưởng giáo dục thực dân, đồng thời xúc tiến cải cách học thuật và văn tự trong văn hóa giáo dục Nam Kỳ.
3.3.2. Sự biến đổi văn hóa tổ chức, quản lí giáo dục ở các hạt (tỉnh), phủ, huyện, trường học
Theo Quyết định số 44 ngày 31/3/1863 của Phó đô đốc kiêm Thống đốc Nam Kỳ về việc tái lập nền học chính Nam Kỳ, đứng đầu mỗi hạt (tỉnh) là một đốc học. Đốc học có quyền tổ chức và tập trung mọi vấn đề liên quan đến chương trình giảng dạy ở các phủ, huyện và xã trong tỉnh; các kì thi; chế độ đãi ngộ với nho sĩ và học sinh. Đề xuất kì thi tuyển dụng thơ lại trong bộ máy chính quyền các tỉnh; giúp cho chủ tỉnh đôn đốc các viên chức, giáo thụ và huấn đạo tại các khu thực thi nhiệm vụ được giao. Đốc học chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tỉnh, ăn nghỉ tại tỉnh lị. Mỗi phủ có một giáo thụ và mỗi huyện có một huấn đạo. Các viên chức này ngoài việc chịu sự quản lí của các đốc học còn chịu sự chỉ đạo của quan huyện, quan phủ và thanh tra tiểu khu. Ở các tiểu khu trực thuộc, những viên chức này có quyền hạn như đốc học cấp tỉnh.
3.3.3. Sự biến đổi văn hóa tổ chức, quản lí ở các trường phổ thông
Các trường đều đặt dưới sự quản lí của Sở Nội vụ và các chủ tỉnh. Trước năm 1874, Quy chế nền học chính Nam Kỳ của Quyền Thống đốc Nam Kỳ (ngày 17-11-1874) chia nền giáo dục Nam Kỳ làm hai bậc tiểu học và trung học. Đến ngày 17-3-1879, theo Quyết định số 55 của Thống đốc Nam Kỳ về việc tổ chức Sở học chính Nam Kỳ chia làm 3 cấp: cấp I, cấp II và cấp III (National Archives Center II, 2016, p.11). Theo đó, bộ máy quản lí ở mỗi trường theo từng cấp học như sau: cấp I: một hiệu trưởng người Pháp; cấp II: gồm hai giáo viên người Pháp và một giáo viên người Việt; cấp III: bốn giáo viên người Pháp và một giáo viên người Việt. Bên cạnh hiệu trưởng và giáo viên, trong mỗi trường học còn có một tổng giám thị, một quản sự kế toán và một nhân viên phát lương. Hội đồng quản trị của các trường bao gồm đại diện chính quyền làm chủ tịch, các ủy viên gồm có hiệu trưởng, quản thủ tài vụ, một giáo sư có ngạch bậc cao, đại diện phụ huynh học sinh. Hội đồng quản trị sẽ thảo luận và quyết định những vấn đề hoạt động và phát triển của các trường.
Đội ngũ giáo viên các trường là người châu Âu và người Việt, tuy nhiên đa số là người Việt. Họ là thư kí Sở Nội vụ, không được đào tạo về sư phạm, do đó việc giảng dạy và lập kế hoạch chương trình đào tạo đều có nhiều bất cập. Các chủ tỉnh ít quan tâm đến giáo dục nên cơ sở vật chất trường học thiếu thốn, sách giáo khoa và chương trình thì chắp vá nên hiệu quả giáo dục không cao.
Trong giai đoạn này, hệ thống trường chuyên nghiệp cũng được mở để dạy nghề. Các trường đã có trang bị xưởng sản xuất, thực tập nghề nghiệp. Trường nghề cũng có thể là một đơn vị kinh doanh các sản phẩm do học sinh làm ra. Sự đa dạng trường lớp, đa dạng đội ngũ thầy giáo và môi trường dạy học đã làm phong phú và đa dạng thêm môi trường giáo dục mà trước đó trong giáo dục truyền thống không có.
Vị trí của người thầy trong trường học thời Pháp thuộc đã có sự thay đổi. Nghề giáo không được xã hội dành cho vị trí trang trọng như trước, vì lúc này có nhiều “thầy” được Pháp cử đi dạy, trình độ không có, tuổi đời còn quá trẻ, khác với hình ảnh người thầy trong trường học truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều người thầy vẫn giữ đạo đức của mình trước sự thay đổi của thời cuộc. Nghề giáo là nghề tự do, tự do hơn công chức, mặc dù cũng nằm trong biên chế của chính quyền thực dân. Nhà trường là nơi không có chỗ cho những người bon chen danh lợi, làm những điều không có đạo đức. Làm thầy nghĩa là thực hiện chức trách hoàn thành chương trình theo lớp học để cung cấp kiến thức cho học trò, kiến thức ấy bất kì ai cũng phải học. Thầy giáo không phải nghe lời kẻ cầm quyền nào, chẳng cần quan tâm đến quan to, quan nhỏ, người sang, người giàu. Chính cái tự do ấy làm cho nghề giáo hấp dẫn và người thầy vẫn giữa được khí tiết của mình. Tất nhiên, chương trình học của nhà nước thực dân nặng tính bao cấp, phục vụ cường quyền buộc thầy giáo phải tuân theo. Người thầy vẫn có quyền nói nhiều, nói ít hoặc không nói những gì mà mình cảm thấy trái với lương tâm, danh dự dân tộc hay của bản thân mình. (Vu, 2007, p.10).
Mối quan hệ giữa thầy giáo với học sinh và giữa học sinh với học sinh cũng có nhiều biến đổi. Người thầy trong trường học thời cận đại được đào tạo để làm nghề dạy học, thầy phải đạt chuẩn nào đó theo quy định thì mới được hành nghề. Học sinh không học một thầy mà học nhiều thầy với nhiều môn học khác nhau. Nội dung dạy học không chỉ là những nội dung trong “sách thánh hiền” mà còn cả những nội dung về khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ. Người thầy với thiên chức truyền thụ kiến thức cho học sinh cần có sự hiểu biết hơn học trò nhiều lần, có kiến thức về giáo dục, sư phạm thì mới có thể đảm nhiệm vai trò. Mối quan hệ giữa thầy và trò dường như có vẻ “xa cách” hơn, nhưng người
thầy lại có một vai trò rất lớn trong giáo dục học sinh. Học trò vẫn kính trọng thầy như xưa, nhưng với cách truyền thụ kiến thức mới, học trò được “dân chủ” hơn trong tiến trình tiếp nhận tri thức, học trò có thể hỏi, tranh luận những vấn đề liên quan đến tri thức mà thầy cung cấp. Báo chí, sách, tài liệu… là nguồn tri thức được học trò tiếp nhận ngoài những kiến thức từ thầy. Thầy và trò có thể đồng hành trong quá trình khám phá tri thức mới, do vậy, mối quan hệ thầy trò tưởng là xa cách nhưng lại rất gần gũi trong quá trình dạy – học ở trường.
Điểm nổi bật trong sự biến đổi môi trường xã hội ở trường học thời cận đại tại Nam Kỳ là mối quan hệ giữa học sinh với học sinh. Mối quan hệ này trong các trường học là quan hệ bạn bè, đồng môn. Học sinh cùng lớp là những học sinh có cùng độ tuổi, giống nhau về tâm, sinh lí, cùng trình độ, cùng được thụ hưởng một chương trình giáo dục như nhau, họ cùng bình đẳng trong quá trình tiếp thu nền giáo dục, những sinh hoạt trong trường học và các hoạt động khác liên quan đến giáo dục.
3.4. Sự biến đổi môi trường tâm lí trong trường học ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc
Đội ngũ giáo viên trong giai đoạn này đều được đào tạo chuyên môn, xác định được lương tâm, chức nghiệp; tiền lương đủ sống để hoạt động với nghề nên họ đã làm việc với tất cả trách nhiệm của người thầy. Nhiều giáo viên có tinh thần yêu nước, họ đã góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước cho học sinh. Ngay cả đối với các thầy giáo người Pháp, trừ một số rất ít có tư tưởng thực dân và coi thường người Việt Nam, phần lớn họ là những trí thức tôn trọng tự do và tinh thần dân chủ.
Các thầy giáo tân học lúc này chiếm số lượng khá đông, nhiều người từng học ở những ngôi trường tiếng tăm như Chasseloup Laubat, Petrus Ký, Péllerin, các trường trung học, tiểu học ở các địa phương khác ở Nam Kỳ. Thầy giáo rất nghiêm còn học trò thì kính nể và sợ uy của thầy. Trong lớp học không có chuyện trò nghịch ngợm, làm ồn bởi sau khi thầy nhắc nhở nhiều lần thì có quyền đuổi trò hư ra khỏi lớp, trường hợp nghiêm trọng, giáo viên có thể đề nghị hiệu trưởng cho học sinh thôi học.
Học sinh được tiếp xúc với một nền giáo dục mới khác với nền giáo dục truyền thống nên việc học tập là để mở mang kiến thức, hiểu biết tri thức của nhân loại, do đó động cơ học tập thực sự là để nâng cao nhận thức. Học sinh trước Cách mạng tháng Tám là những người học chăm, học giỏi, có tinh thần tự lập, tự trọng. Phần lớn học sinh, sinh viên “không ai cần gian lận, quay cóp trong các kì thi, hạ mình nịnh bợ, van lơn giáo sư để được đỗ. Thi hỏng thì thi lại, có người mất chín, mười năm mới đủ đỗ các chứng chỉ để nhận bằng cử nhân, có sao đâu ? Có thể có người đánh giá “sinh viên thời trước hám danh vọng, địa vị. Cũng có thể là họ tự thấy mình có học thức, có tài năng nên cũng muốn có địa vị xứng đáng trong xã hội. Nhưng nếu cho rằng họ ham địa vị, danh vọng đến bán rẻ danh dự, lương tâm thì không đúng, hoặc nếu có thì chỉ là một số rất, rất ít.” (Hoang, 2008, p.34).
Có sự khác biệt với trường học Nho giáo, trường học ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc không phân biệt giới tính khi đi học. Nam hay nữ đều bình đẳng trong việc tiếp nhận kiến thức, được quyền học hành và hưởng những lợi ích của việc học. Năm 1913, chính quyền thành lập Trường Trung học Nữ sinh bản xứ (Collège des jeunes filles indigènes) tại Sài Gòn. Trường còn có tên gọi là Trường Nữ sinh áo tím – một trường đa cấp dành cho học sinh nữ. Trường khai giảng khóa đầu tiên tuyển được 42 nữ sinh. Đồng phục của nữ sinh là áo dài tím. Năm 1915, Trường Marie Curie dành riêng cho nữ sinh người Pháp cũng được xây dựng. Việc xuất hiện hai loại trường, trường nam và trường nữ là một điểm mới trong môi trường xã hội của trường học lúc bấy giờ. Trường nữ với những nữ sinh trong tà áo dài tím thơ mộng đã trở thành một hình ảnh đẹp trong lòng người dân Sài Gòn thời kì đó.
Môi trường giáo dục của giai đoạn này đa dạng về loại hình trường, lớp, hệ thống giáo dục được tổ chức rộng khắp. Chương trình giáo dục có nội dung toàn diện, học sinh không chỉ được dạy khoa học xã hội mà còn được dạy cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ. Trong khoa học xã hội, học sinh được học cả lịch sử, văn hóa thế giới, luân lí, triết học Đông – Tây; khoa học tự nhiên, học sinh được học toán, địa dư và kinh tế. Học sinh còn được phân ban theo các ban: Khoa học, Toán và Triết học. Bằng việc bắt buộc học sinh học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp, trường học Pháp – Việt đã trang bị một công cụ hữu ích để mở rộng giao tiếp và hiểu biết của mình ra thế giới.
Trường học theo mô hình Pháp đã được quản lí với một bộ máy thống nhất, mục tiêu, chương trình thống nhất, vì thế, các mối quan hệ trong nhà trường giữa người quản lí với thầy giáo và nhân viên; giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò; giữa trò và trò được diễn ra theo những quy định với những chuẩn mực nhất định. Trên nền tảng những quy định đó, mọi người đều thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo chức nghiệp và bổn phận của mình một cách chuyên nghiệp và tự nguyện. Nói chung, môi trường tâm lí trong trường học giai đoạn này là một môi trường giáo dục thực học, thực nghiệp; trường học được vận hành một cách khoa học, hệ thống, theo những quy trình, quy chuẩn nhất định, từ đó tạo nên môi trường tinh thần ổn định và phấn khích cho quá trình dạy và học của thầy giáo và học sinh.
4. Kết luận
Trước khi bị thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Nam Kỳ nói riêng vẫn duy trì một nền văn hóa giáo dục Nho giáo lạc hậu, chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Khi giáo dục của Pháp được áp dụng vào Việt Nam đã hình thành một nền văn hóa giáo dục mới chưa từng có trong truyền thống dân tộc. Quá trình tiếp nhận nền giáo dục mới đã làm biến đổi môi trường văn hóa giáo dục Nam Kỳ trên các lĩnh vực từ văn hóa tổ chức hệ thống trường học, văn hóa vận hành hoạt động giáo dục đến văn hóa xây dựng nội dung giáo dục. Sự biến đổi văn hóa giáo dục đó đã được thể hiện trong sự biến đổi môi trường vật chất, môi trường xã hội và môi trường tâm lí/tinh thần trong trường học. Bên cạnh thay đổi về văn hóa vật chất, văn hóa tổ chức trường học cũng đã có sự biến đổi. Đó là việc tổ chức hệ thống trường học, cấp học, lớp học có hệ thống, bài bản với hình thức tổ chức dạy học tập trung. Học sinh được tổ chức học thành lớp có cùng độ tuổi, gần về tâm sinh lí, cùng học một chương trình thống nhất, hình thành nền giáo dục đa dạng về loại hình trường lớp và được tổ chức rộng khắp. Chương trình giáo dục được xây dựng với nội dung toàn diện không chỉ có khoa học xã hội mà còn có khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ. Học sinh được phân ban theo các ban Khoa học, ban Toán và ban Triết học. Học sinh học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, các trường Pháp – Việt và các trường Nho giáo đều dạy cho học sinh hai thứ tiếng để mở rộng giao tiếp và hiểu biết của mình về văn hóa thế giới.
Giáo dục Nam Kỳ thời thuộc Pháp là một nền giáo dục phục vụ cho mục đích thống trị của Pháp tại Đông Dương. Hệ thống trường học, môi trường và nội dung giáo dục được mở rộng nhưng chủ yếu tập trung ở những thành phố, thị xã, thị trấn và chỉ phục vụ cho con em người Pháp và con em đội ngũ quan lại người Việt thân Pháp. Một nền giáo dục phục vụ cho số ít người chứ không phải cho quảng đại dân chúng. Mặc dù vậy, giáo dục Nam Kỳ thời Pháp thuộc đã mang lại những hệ quả khách quan, tích cực, mở ra một môi trường văn hóa giáo dục mới, chưa từng có trong tiền lệ văn hóa giáo dục ở Việt Nam từ cơ cấu tổ chức, quá trình vận hành cũng như nội dung giáo dục. Nền văn hóa giáo dục mới này đã góp phần không nhỏ làm thay đổi nền giáo dục trì trệ của triều Nguyễn, mở ra một giai đoạn mới cho giáo dục Nam Kỳ nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.
_________
1 Theo Nghị định ngày 26/8/1906 của Toàn quyền Đông Dương, Hội đồng gồm có: Chủ tịch Lorin, quan cai trị Nam Kì phụ trách dân sự, PCT De Cappe, Chánh Sở học chính Nam Kỳ; Thư kí Donnadieu, Hiệu trưởng Trường Gia Định và đại diện các địa phương của Nam Kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Anstrand, D. E., & Kirbride, E. E. (2002). The Education Environment Program, Design Shar, Inc.
Bui Minh Hien (2005). Vietnam Education History [Lich su giao duc Viet Nam]. Hanoi: Hanoi University of Education Publisher.
Do Quang Hung (Ed) (2019). Modernity and transformation of Vietnamese culture in near modern times [Tinh hien dai va su chuyen bien cua van hoa Viet nam thoi can dai]. Hanoi: Social Science Publishing House.
Hoang Nhu Mai (2008). Hoang Nhu Mai literature practice. [Hoang Nhu Mai van tap]. HCMC: Publisher of National University of Ho Chi Minh City.
Huynh Cong Ba (2018). Education and examination of Confucianism in the Nguyen Dynasty 1802-1919 [Giao duc va khoa cu Nho hoc trieu Nguyen 1802-1919]. Hue: Thuan Hoa Publishing House.
Nguyen Thi My Loc (2015). Building and managing teaching environment [Xay dung va quan li moi truong day hoc]. Hanoi: Capital Education Review, (62), 63.
Nguyen Dang Tien (1996). History of Vietnam Education before the August Revolution – 1945 [Lich su giao duc Viet Nam truoc Cach mang Thang 8-1945]. Hanoi: Education Publishing House.
National Archives Center II (2016). Education of Vietnam during the colonial period 1858-1945 [Giao duc Viet Nam thoi thuoc dia qua tu lieu 1858-1945]. Hanoi: Information and Communication Publishing House.
Phan Trong Bau (2006). Vietnam Education in near modern times [Giao duc Viet Nam thoi can dai]. Hanoi: Education Publishing House.
Phan Ngoc (2006). The cultural exposure of Vietnam to France [Su tiep xuc van hoa Viet Nam voi Phap]. Hanoi: Culture and Information Publishing House and the Cultural Institute.
Tran Van Khe (2011). Stories from the heart (autobiography) [Nhung cau chuyen tu trai tim (tu truyen)]. Dam Trung Uyen accepted pen. HCMC: Tre Publishing House.
Vu Ngoc Khanh (2007). Vietnamese teacher 10 century [Thay giao Viet Nam 10 the ki]. Hanoi: Culture and Information Publishing House.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM, Tập 17, Số 2 (2020): 362-374
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Sự biến đổi môi trường văn hóa giáo dục Nam Kỳ từ truyền thống đến hiện đại giai đoạn 1861-1945 (Tác giả: Ngô Thị Minh Hằng) |