Sự biến đổi trong lễ hội truyền thống
Tác giả: PHẠM CAO QUÝ
(Cục Di sản văn hóa)
TÓM TẮT
Từ việc xác định, lễ hội là một sinh hoạt văn hóa truyền thống trong phạm trù di sản văn hóa phi vật thể, bài viết nhận định, lễ hội luôn có xu hướng vận động theo môi trường biến đổi của xã hội, kinh tế, văn hóa… nhưng luôn giữ được cái cốt lõi/bản sắc văn hóa, còn các hoạt động trong lễ hội có thể biến đổi để thích ứng với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh của thực tế cuộc sống.
Từ khóa: lễ hội; di sản văn hóa; di sản văn hóa phi vật thể.
ABSTRACT
From identifying festivals as the traditional activity of intagible cultural heritage, the paper concludes that festivals are usually transformed in accordance with the changing environment of society, economy, culture etc but always keep their cultural core/identities; Festival activities can change to adapt with the indigenous and exogenous elements of real life.
Key words: Traditional festival; cultural heritage; intagible cultural heritage.
x
x x
Lễ hội truyền thống là tâm điểm trong đời sống tinh thần của cư dân làng xã, thể hiện khát vọng hướng đến các giá trị và khuôn mẫu văn hóa, được nhiều thế hệ sáng tạo, thực hành và trao truyền. Đó là các giá trị văn hóa thể hiện tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, tâm linh, nghệ thuật… Có quan điểm cho rằng, lễ hội truyền thống là sự biểu hiện tích cực về nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư trong những bối cảnh lịch sử, xã hội khác nhau. Bên cạnh đó, cũng có quan điểm, lễ hội truyền thống còn nhiều yếu tố cổ hủ, phản cảm, gây tốn kém về kinh tế, nhân lực hoặc nhàm chán, đơn điệu về cách thức tổ chức, chưa phù hợp với sự phát triển chung của quốc gia, nhân loại. Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải có sự nhìn nhận xác đáng về vai trò của lễ hội trong cuộc sống ngày nay, từ đó xác định các giải pháp phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”1. Theo đó, di sản văn hóa phi vật thể được chia thành 7 loại hình, gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.
Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO 2003 cũng coi lễ hội là một bộ phận của di sản văn hóa phi vật thể: “Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã nhận là một phần di sản văn hóa của họ, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Vì những mục đích của Công ước này, chỉ xét đến những di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với các văn kiện quốc tế hiện hành về quyền con người cũng như những đòi hỏi về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân và phù hợp với những yêu cầu về phát triển bền vững”2. Lễ hội được UNESCO coi là 1 trong 5 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật trình diễn; tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội; tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; nghề thủ công truyền thống).
Có thể thấy, lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể mang tính tổng hợp và cộng đồng cao. Lễ hội có thể hàm chứa nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, như: nghệ thuật trình diễn, nghi lễ, trang phục, âm nhạc, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống, tri thức và trò chơi dân gian,… GS.TS. Nguyễn Chí Bền nhận định: “Lễ hội cổ truyền tồn tại trong một tổng thể, các thành tố có quan hệ với nhau và chi phối lẫn nhau”3. Đồng thời, lễ hội là một thực thể luôn biến đổi, sống động và được vận hành bởi cộng đồng, với các nguyên tắc, cấu trúc, định chế vừa cố định vừa biến đổi. Xưa kia, hầu hết các nguyên tắc, cấu trúc thực hành lễ hội truyền thống ở các làng quê Việt Nam đều được quy định khá rõ trong Hương ước hoặc các quy định khác do cộng đồng lập ra. Các công đoạn, quy trình, thành phần, thành viên, không gian, thời gian,… và nhiều quy định khác liên quan đều được dân làng họp bàn và thống nhất ghi chép lại. Hương ước được ví như “bộ luật riêng” của mỗi làng.
Các yếu tố dẫn tới sự thay đổi, điều chỉnh lễ hội truyền thống thường theo hai dạng: thay đổi do yếu tố nội tại của cộng đồng làng xã (nội sinh), thay đổi do các yếu tố tác động từ bên ngoài (ngoại sinh).
1. Thay đổi do yếu tố nội tại/nội sinh
Quá trình vận động nội tại của làng xã làm phát sinh, phát triển nhiều yếu tố sẽ làm thay đổi cấu trúc và sự vận hành lễ hội của cộng đồng, như: biến đổi dân số, kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội. Trong đó, trực tiếp liên quan tới cấu trúc lễ hội truyền thống là sự thay đổi không gian sống, không gian thực hành nghi lễ, nhận thức của cộng đồng,… Có thể lấy dẫn chứng về việc thay đổi một số hoạt động trong thực hành lễ hội truyền thống tại làng (nay là phường) Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Lễ hội phường Đồng Kỵ có từ lâu đời, được cộng đồng nơi đây thực hành thành thục và trở thành một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng không chỉ trong vùng Kinh Bắc. Lễ hội này được điều chỉnh bởi Hương ước của làng. Năm 1997, với sự đề nghị của các cụ bà, dân làng đã đồng ý cho phụ nữ (49 tuổi) tham gia Quan đám – tổ chức trước kia chỉ dành cho nam giới (49 tuổi). Họ là người được dân làng chọn để điều hành lễ hội và thực hiện một số hoạt động, nghi lễ liên quan tới Thành hoàng làng trong năm đó. Như thường thấy trong truyền thống, việc ở chốn “đình chung” là việc của những người đàn ông. Phụ nữ cơ bản thường thực hành nghi lễ ở chùa. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các Quan đám bà, thì hoạt động ở chốn đình chung đã thực sự thay đổi. Cụ thể là có sự xuất hiện của đội tế nữ tại đình. Nội dung này cũng được bổ sung vào Hương ước. Sự xuất hiện của nữ giới ở đình như ngày nay là không có trong truyền thống. Điều đó cũng có nghĩa, cấu trúc, nguyên tắc của việc thực hành lễ hội đã bị thay đổi. Sự thay đổi này, về cơ bản do những yếu tố nội sinh của làng, nhưng cũng không loại trừ yếu tố tác động bởi nhận thức về sự bình đẳng giới trong xã hội.
Cũng tại Đồng Kỵ, do điều kiện phát triển kinh tế, dân số của làng, sự thay đổi từ làng thành phường…, đã làm xuất hiện những thay đổi có tính nội sinh, như: trước kia, việc thờ vọng Thành hoàng làng trong năm được các Giáp thay nhau thờ tại nhà ông Quan đám nhất. Vào mỗi kỳ lễ hội, các Giáp sẽ rước Thành hoàng từ nhà ông Quan đám nhất đó về đình để thờ trong những ngày hội (bên cạnh việc rước Thành hoàng từ nghè về đình). Sau này, do dân số phát triển, đường làng, ngõ xóm hẹp dần, nhà của các hộ gia đình cũng chật chội hơn, cho nên, việc thờ vọng Thành hoàng gặp khó khăn. Dân làng đã cho xây nhà truyền thống khang trang, rộng rãi kiêm chức năng thờ Thành hoàng. Hằng năm, thay vì thờ tại nhà các ông Quan đám nhất và rước từ nhà ông Quan đám nhất ra đình, thì nay đã thờ tại nhà truyền thống và rước từ nhà truyền thống ra đình. Việc thay đổi này tác động mạnh mẽ tới cấu trúc (không gian, địa điểm, hành trình rước,…) khi thực hành lễ hội. Điều này cũng được dân làng họp bàn, thống nhất và ghi rõ trong Hương ước.
Như vậy, có thể thấy, sự tồn tại của các cộng đồng luôn vận động, làm cho một số tập tục, hoạt động, không gian, điều kiện,… thực hành di sản của cộng đồng không còn phù hợp, đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh. Sự điều chỉnh đó được cộng đồng sáng tạo và chấp nhận như một sự thay đổi tất yếu theo các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của chính bản thân cộng đồng.
2. Thay đổi do yếu tố tác động từ bên ngoài/ngoại sinh
Có thể thấy mối quan hệ tồn tại làng – nước luôn song hành và có tác động qua lại. Điều này không chỉ thấy trong truyền thống mà còn thấy trong hiện tại. Việc thực hành di sản văn hóa trong đó có việc tổ chức lễ hội tại cộng đồng phải tuân thủ các quy định pháp luật và căn cứ vào đó để điều chỉnh cho phù hợp.
Vẫn về trường hợp tổ chức lễ hội làng Đồng Kỵ trong thời gian gần đây: Để loại trừ mối nguy hiểm do việc sản xuất, buôn bán và sử dụng pháo, ngày 08/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; ngày 15/4/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Trong khi đó, làng Đồng Kỵ có truyền thống đốt pháo như một hoạt động chính, quan trọng trong việc thực hành các nghi lễ truyền thống liên quan tới việc thờ Thành hoàng làng. Nếu tiếp tục đốt pháo vào dịp lễ hội, những người dân ở Đồng Kỵ sẽ vi phạm pháp luật. Để chọn giải pháp tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình mới, cộng đồng ở đây đã tổ chức họp dân và tìm ra phương thức thực hành truyền thống vừa không vi phạm pháp luật, vừa đảm bảo duy trì được tín ngưỡng liên quan tới thờ Thành hoàng. Giải pháp được đưa ra là: làm những quả pháo bằng gỗ, có kích thước lớn, để đem rước trong lễ hội và thờ tại đình. Theo họ, sự điều chỉnh này vẫn đảm bảo duy trì được tín ngưỡng. Điều này cũng được dân làng đồng thuận ghi vào trong Hương ước, và, kể từ đó tới nay, người dân Đồng Kỵ không còn đốt pháo, mà thay vào đó là rước và thờ pháo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi quốc gia, dân tộc đều có thể tác động và bị tác động trước các yếu tố quốc tế, trong đó, sự tác động về văn hóa cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Văn hóa của mỗi cộng đồng, quốc gia luôn nằm trong mối quan hệ tương tác với văn hóa của cộng đồng, quốc gia khác. Những tinh hoa văn hóa được lan tỏa và tiếp thu, đồng thời, những yếu tố văn hóa không phù hợp, có tác động tiêu cực tới văn hóa khác sẽ bị ngăn chặn. Vừa qua, trong kỳ họp Đại hội đồng Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của một quốc gia đã không được UNESCO và các thành viên của Ủy ban đồng thuận đưa vào Danh sách, với lý do: hồ sơ có đề cập tới hoạt động có yếu tố bạo lực, mang tính nhạy cảm và tác động tới sự tôn trọng văn hóa của cộng đồng khác. UNESCO không đặt vấn đề cần loại bỏ hay tiếp tục duy trì hoạt động này, mà chỉ khẳng định: Những yếu tố văn hóa tương tự không được tôn vinh, ủng hộ ở cấp quốc tế. Định hướng này của UNESCO có tác động không nhỏ tới những cộng đồng đang thực hành di sản văn hóa mà còn lan truyền thông điệp tới nhiều cộng đồng, quốc gia đang có những thực hành văn hóa tương tự. Điều này cũng có nghĩa, UNESCO sẽ khó có thể ghi danh hồ sơ của quốc gia nào đề cử sau này có thực hành văn hóa tương tự vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng nghĩa với việc, các thực hành văn hóa đó sẽ không được vinh danh ở cấp quốc tế.
Trên thực tế, không thể đưa cuộc sống hôm nay trở lại với quá khứ. Chính vì vậy, khi nói về di sản văn hóa phi vật thể “sống” tức là nó đang “sống” trong đời sống, hiện tại. “Cũng như văn hóa nói chung, di sản phi vật thể liên tục thay đổi, tiến hóa và ngày càng được các thế hệ sau làm giầu hơn. Rất nhiều biểu đạt và hình thức thể hiện di sản văn hóa phi vật thể bị đe dọa và có nguy cơ thất truyền do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và đồng hóa văn hóa, cũng như do thiếu sự ủng hộ, tôn trọng và hiểu biết. Nếu di sản văn hóa phi vật thể không được nuôi dưỡng thì sẽ gặp phải nguy cơ bị mai một hay bị đóng băng trong quá khứ. Bảo tồn di sản và truyền dạy cho các thế hệ tương lai sẽ giúp củng cố và giữ di sản sống và cho phép nó thay đổi và thích ứng”4. Là một thực thể sống, di sản văn hóa phi vật thể phải được sống trong bối cảnh xã hội nó đang tồn tại chứ không phải sống trong xã hội nó được sinh ra hoặc đã từng trải qua. Bản thân cuộc sống, xã hội là luôn luôn biến đổi, là yêu cầu khách quan đòi hỏi sự thích ứng trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nói chung cũng như lễ hội nói riêng.
Trong cuộc sống, xã hội, con người là thực thể sáng tạo – thực hành – trao truyền di sản văn hóa phi vật thể thì không có gì đảm bảo di sản văn hóa phi vật thể sẽ không biến đổi trong chu trình này. Vấn đề được trao đổi ở đây là hướng biến đổi như thế nào? Nó tự biến đổi? Bị tác động để biến đổi? Biến đổi theo hoặc không theo quy luật/nguyên tắc? Khi thừa nhận thực tế khách quan: “di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú và đa dạng, sự tồn tại và đời sống của từng di sản là rất khác nhau”, sẽ nhận thấy, không có một câu một trả lời/phương án đúng và trúng duy nhất cho tất cả di sản văn hóa phi vật thể. Qua đây, có thể thấy rằng, cho dù di sản văn hóa phi vật thể có biến đổi như thế nào, bằng cách nào đi chăng nữa, thì bản thân nó phải phù hợp với con người, xã hội đang dung dưỡng nó. Con người hay xã hội đều phải chịu tác động bởi những định chế, quy tắc vừa tương đối vừa tuyệt đối của ngày hôm qua, của lịch sử, quá khứ và hiện tại. Chính vì vậy, khi xem xét mức độ biến đổi của lễ hội truyền thống có phù hợp hay không, chúng ta cần đặt nó trong các mối quan hệ tác động này và phải được kiểm chứng qua thời gian.
Trong bản hướng dẫn thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, UNESCO đã chỉ rõ: “Các biện pháp bảo vệ phải luôn được xây dựng, áp dụng với sự đồng thuận và tham gia của chính cộng đồng. Trong một vài trường hợp nhất định, sự can thiệp của chính quyền nhằm bảo vệ di sản của một cộng đồng có thể là không đúng mong muốn, vì vô tình điều đó có thể làm sai lệch giá trị di sản của cộng đồng. Hơn nữa, các biện pháp bảo vệ phải luôn luôn tôn trọng các tập quán chi phối việc tiếp cận tới các khía cạnh riêng biệt của di sản đó, ví dụ như những thể hiện di sản văn hóa phi vật thể linh thiêng hoặc những điều được coi là bí mật”5.
Như vậy, cũng như các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, lễ hội truyền thống không phải “nhất thành bất biến”, mà luôn có sự biến đổi theo thời gian, bối cảnh lịch sử – xã hội. Theo đó, trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội, đối với từng trường hợp cụ thể, cần nhận diện chính xác sự biến đổi và xu hướng biến đổi của lễ hội ở từng thời điểm, bối cảnh lịch sử – xã hội để xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển./.
Chú thích:
1- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, 2009.
2- Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, 2003.
3- Nguyễn Chí Bền (2013), Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb. Khoa học xã hội.
4, 5- Tài liệu Hướng dẫn thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, 2003.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Cục Di sản văn hóa (2007), Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tập 1, H.
2- Nguyễn Thị Phương Châm (2009), Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa.
3- Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa.
4- Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009.
5- Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/09/2010 hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa.
6- Tài liệu Hướng dẫn thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, 2003.
7- Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, 2003.
8- Lê Trung Vũ (chủ biên) (1992), Lễ hội cổ truyền, Nxb. Khoa học xã hội.
9- Lê Hồng Lý (2000), Văn hóa truyền thống làng Đồng Kỵ, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian.
10- Nguyễn Thị Phương Châm (2009), Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa.
Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, Số 1(54) – 2016 – Lý luận chung
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Sự biến đổi trong lễ hội truyền thống (Tác giả: Phạm Cao Quý) |