Sự hình thành của cảng thị ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa – lịch sử Hải Phòng (1802 – 1888) – Phần 2
Tác giả bài viết: VŨ ĐƯỜNG LUÂN
(Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQG Hà Nội)
Hải Phòng: cảng đóng hay cảng mở?
Thực tế là, bản thân chính quyền trung ương triều Nguyễn cũng không phải không nhận thức rõ việc mở cửa Hải Phòng cho thương mại có lợi như thế nào đối với nhà nước cũng như hiệu quả thực tế của những lệnh cấm này đối với các hoạt động buôn lậu. Mặt khác, trong hiệp ước năm 1862 giữa triều đình Huế ký với chính quyền thực dân Pháp có một điều khoản là mở các cửa biển Trà Lý, Ba Lạt, Quảng Yên cho các thuyền buôn của Pháp và Tây Ban Nha đến buôn bán đã tác động khá nhiều đến chính sách quản lý ngoại thương của nhà Nguyễn ở các tỉnh phía bắc dù cho các điều khoản này chưa được thực thi trên thực tế.
Trong một bản tấu gửi vua Tự Đức, hai viên quan là Nguyễn Uy và Tôn Thất Đản đã nêu lên thực trạng của các hoạt động buôn lậu vẫn được tiếp diễn và rằng lệnh cấm buôn bán thực sự chỉ là hình thức; đồng thời họ cũng đã chỉ ra những lợi ích của việc mở cửa trở lại. Theo họ, việc mở cửa chẳng những giúp nhà nước thu được thuế mà còn giúp cho cả nông dân và thương nhân có cơ hội thu được lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến chống lại các lực lượng phiến loạn vẫn đang còn tiếp diễn, việc chấp nhận mở cửa biển Hải Dương và buôn bán lúa gạo đã không được sự ủng hộ từ nhiều quan lại khác3.
Năm 1866, sau khi cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Phụng được hoàn toàn dẹp yên, trước đề nghị của các thương nhân người Hoa, những người đã có những đóng góp nhất định đối với quá trình bình định vùng duyên hải, vua Tự Đức đã lấy dải sông những làng Lương Quy, Trạm Bạc, thuộc châu An Biên (安邊?) làm chỗ thuyền buôn nhà Thanh đậu, đặt tên sở thuế quan, định ngạch thuế và đặt đồn phái quân đóng do quan tỉnh ấy chọn viên có tài cán ở đấy trông coi làm việc, phàm thuyền của người nhà Thanh đến buôn bán đều phải đóng thuế trừ thuyền giúp việc đánh giặc. Tuy nhiên sau một năm thực hiện, đã mang lại kết quả trái với mong đợi. Số lượng thuế đánh vào các thuyền buôn gạo ở cửa sông Cấm không được một phần mười so với cửa Trà Lý. Lý do các thương nhân đưa ra là họ không được phép mua bán trực tiếp từ cư dân địa phương mà chủ yếu thông qua các cơ quan thu mua của triều Nguyễn. Hơn thế nữa, mức thuế mà nhà Nguyễn đánh vào các mặt hàng mua bán, đặc biệt là lúa gạo khá cao1.
Trong khi đó, bắt đầu từ cuối những thập niên 60 của thế kỷ XIX, trong một số trí thức phong kiến Việt Nam do có điều kiện được đi đến các nước ở Đông Nam Á và phương Tây đã xuất hiện một số tư tưởng cải cách. Trong bản điều trần Tế cấp bát điều – (Tám việc cần làm ngay) gửi vua Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ đã nêu rõ việc phải mở cửa biển cho các hoạt động thương mại, tăng cường hàng hải và hỗ trợ cho người buôn bán2. Trong những năm 1865 – 1867, một quan lại khác là Phạm Phú Thứ đã đề nghị mở cảng thương mại ở Hải Yên, trong đó ông đề nghị bãi bỏ các trạm tuần ti ở cửa biển, mở các chợ buôn bán lúa gạo ở An Biên (An Dương, Hải Phòng) và Đồn Sơn (Đông Triều)3. Năm 1868, Trần Đình Túc và Nguyễn Duy Tế sau đi Hương Cảng (Hong Kong) về đã đề nghị mở cảng, lập phố ở khu vực cửa Trà Lý, tỉnh Nam Định4. song một số ý kiến lại cho rằng khu vực cửa biển Hải Phòng thích hợp hơn5. Vấn đề mở cửa các cửa biển cho thương mại lại tiếp tục được đưa ra bàn bạc một cách chính thức vào năm 1872 khi mà các cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về quản lý các hoạt động thương mại của triều Nguyễn lúc bấy giờ đề nghị cho mở ba cửa biển là Đà Nẵng, Ba Lạt và Đồ Sơn. Song trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn đặc biệt là vẫn đề tài chính rút cục chủ trương này cũng không thực hiện được6.
Việc mở cửa Hải Phòng và những mâu thuẫn trong quan hệ chính trị – thương mại Pháp – Việt (1872 – 1883)
Đã từ lâu người Pháp và nhiều nước thực dân khác luôn khao khát mở một con đường từ các thuộc địa của họ đến miền trung tâm của vương quốc Trung Hoa bởi những lời đồn thổi về một vùng đất ở phía tây với nhiều nguồn tài nguyên và những cơ hội làm ăn lớn. Sự bành trướng của người Anh ở Burma và các chuyển thám hiểm của Horace Brown và Macarney vượt qua thung lũng của các con sông phía đông của Ấn Độ đến các tỉnh phía tây của Trung Quốc đã đe doạ trực tiếp đên quyền lợi của người Pháp ở Đông Dương khi mà hải quân và các thương thuyền của Anh đã hầu như làm chủ toàn bộ vùng biển và các hải cảng quan trọng ở vùng duyên hải nam Trung Hoa và các quốc gia Đông Nam Á1. Mặt khác, sau khi thiết lập được vai trò chắc chắc ở Nam Bộ, người Pháp cũng dường như bị hấp dẫn bởi việc độc quyền con đường buôn bán đến một thị trường với hàng trăm triệu người, nơi điều phối đời sống kinh tế của Tây Tạng và các tỉnh miền nam Trung Hoa và họ đã xem việc tìm ra con đường đến Trung Hoa như một giải thưởng của cuộc chạy đua sức mạnh giữa nước Anh và nước Pháp ở Viễn Đông2.
Chuyến thám hiểm đầu tiên bắt đầu từ vùng hạ lưu sông Mêkông dưới sự chỉ huy của trung tá hải quân Dodart de la Grée và đại uý Francis Garnier được diễn ra trong các năm 1866 – 1868 dưới sự bảo trợ của Hội địa lý Paris và Chasseloup Laubat, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa, người luôn khuyến khích việc tìm các con đường thương mại mới3. Kết thúc chuyến đi, những nhà thám hiểm nhận ra rằng người ta không thể sử dụng sông Mêkông tới nội địa của Trung Hoa nhưng họ đã thu lượm được những thông tin về về một con đường dọc theo sông Hồng từ cao nguyên Vân Nam đến Bắc Kỳ.
Garnier phát hiện ra rằng rất nhiều mặt hàng như tơ lụa, trà và tơ sống từ Quảng Đông được đem đến khu vực phía nam của ở phía nam của tỉnh Vân Nam chủ yếu theo đường Bắc Kỳ hơn là việc dọc theo các tuyến đường sông bị chiếm lĩnh bởi các toán phía phỉ ở phía tây. Ông ta cũng chia sẻ rằng nếu thiết lập một hàng rào chính trị cả hai phía biên giới thì Vân Nam có thể tạo ra một dòng chảy lớn cho thương mại Pháp và Sài Gòn thậm chí có thể cạnh tranh với Thượng Hải như là một trung tâm thương mại lớn của Đông Á.
Chính những điều ấy là nguyên nhân khiến các quan chức của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương cử tàu Bourayne đi thăm dò các cửa sông ở vịnh Bắc Bộ hai lần vào tháng 2 và tháng 10 năm 1872, để có thể theo đó ngược sông Hồng lên vùng thượng du. Đoàn thăm dò đã đi hầu hết các cửa sông chính đổ ra vịnh Bắc Bộ và phát hiện quan trọng nhất của họ đó là con sông Cửa Cấm, một cửa sông quan trọng bậc nhất chưa hề được ghi trong tấm bản đồ nào. Trong lần thứ hai đến Bắc Kỳ, tàu Bourayne từ cửa Cấm theo hệ thống sông Thái Bình đên trấn thành Hải Dương và vượt qua sông Luộc đến Hà Nội. Cùng với thông tin thu được từ chuyến du hành của Jean Duipuis từ thượng du sông Hồng đến Lào Cai vào năm 1869, người Pháp đã gần như đã nắm được con đường thương mại từ thượng nguồn sông Hồng ra biển trong đó khu vực cửa sông Cấm (Ninh Hải) giữ vị trí cửa ngõ từ biển vào lục địa.
Tuy nhiên, chuyến đi đến Bắc Kỳ ngay sau dó của Jean Duipuis vào tháng 11 năm 1872 với mục đích thuyết phục chính phủ Annam mở con đường thương mại trên sông Hồng với những ích lợi mà nó mang lại đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía triều Nguyễn và các quan lại địa phương bởi cái cách tiến vào Bắc Kỳ của ông ta chẳng khác gì những nhà buôn – kẻ cướp đang tàn phá vịnh Bắc Bộ1. Francis Garnier dù được cử đến để giải quyết vụ việc của Duipuis nhưng hành động của ông ta còn tỏ ra ngang ngược hơn khi dùng vũ lực buộc triều đình nhà Nguyễn phải chấp nhận thoả hiệp và sau đó là tấn công thành Hà Nội và các tỉnh thành lân cận trước khi ông ta bị giết chết bởi quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Cái chết Garnier đã khiến cả chính quyền thuộc địa Pháp và triều đình Huế phải ngồi bàn bạc cho một thoả thuận hoà bình mới bởi nước Pháp chưa thực sự chuẩn bị cho một cuộc viễn chinh xa. Và vấn đề mở cửa thương mại ở Bắc Kỳ nhanh chóng được giải quyết.
Điều khoản của hiệp ước mới ký kết tạo điều kiện cho việc mở các cửa biển Thị Nại (tỉnh Bình Định), Ninh Hải (tỉnh Hải Dương), Hà Nội và con sông Hồng từ biển đến Vân Nam trong đó việc mở cửa với Ninh Hải được thực hiện ngay lập tức. Sau đó năm tháng, một bản thương ước mới được ký kết chính quyền Việt Nam và chính phủ Pháp tại Sài Gòn ngày 15 tháng 8 năm 1874 nhưng chính thức thực thi phải hơn một năm sau đó việc quy định những mức thuế đối với từng loại hàng hoá đã mở ra những triển vọng mới cho Hải Phòng sự phát triển của một nền thương mại tự do2.
Mặc dù được thiết lập một chế độ lãnh sự và đại diện thương mại song kể từ thời điểm cảng Hải Phòng được mở cửa cho đến đầu thập niên 80 thì thực sự người ta ít nhận thấy vai trò của người Pháp trong các hoạt động kinh tế ở khu vực này. Số lượng ít ỏi của các thuyền buôn cập bến và lượng hàng hoá trao đổi của nước Pháp ở hải cảng này đã cho thấy dường như sự can thiệp của họ ở Hải Phòng thực chất chỉ là sự khẳng định ảnh hưởng của họ đối với Bắc Kỳ và toàn Đông Dương trước sự đe doạ từ nước Anh và nước Đức. Trong chín tháng từ tháng 9 năm 1875 đến tháng 6 năm 1876, cảng Hải Phòng đã tiếp nhận những con tàu của Anh, Đức và Trung Hoa nhưng không hề có một chiếc tàu nào của Pháp. Hơn thế nữa, mặc dù các thuyền từ cảng Sài Gòn được dành hẳn một chế độ ưu đãi về thuế quan khi chỉ phải chịu một nửa số thuế đánh vào giá trị hàng hoá xuất phát thì tổng giá trị hàng hoá từ cảng này đến Hải Phòng chỉ chiếm một con số không đáng kể là 3.085 tales bạc so với hàng hoá nhập cảng từ Trung Quốc (chủ yếu là từ Hồng Kông) lên tới 435.237 tales bạc. Từ năm 1875 đến năm 1883, trong tổng số thuyền có các quốc tịch khác nhau đến cảng Hải Phòng thì thuyền của Pháp chỉ chiếm 8,9% trong khi tỷ lệ thuyền của Anh (chủ yếu là từ Hồng Kông) và Trung Quốc tương ứng là 27 % và 16,2%.
Thực tế cũng cho thấy những đầu tư của Pháp ở Hải Phòng giai đoạn 1875 – 1883 vẫn còn khá hạn chế. Sau gần một thập kỷ xây dựng, ngoài trụ sở của cơ quan thuế quan và lãnh sự trang thiết bị của cảng Hải Phòng chỉ có một bến nổi bằng gỗ thông được xây dựng vội vã, một hải đăng ở đảo Hòn Dáu và một số phao nổi thả trên sông phục vụ cho tàu vào ban đêm1. Bên cạnh đó, nạn cướp biển và buôn lậu vẫn diễn ra một cách thường xuyên mặc dù trước đó người Pháp tin rằng họ có thể làm tốt hơn chính quyền triều Nguyễn khi đề nghị ký hiệp ước mở cửa Hải Phòng. Chính chuẩn đô đốc Duperee đã phải thừa nhận: “Làm sao chúng ta có thể tiêu diệt nạn cướp trên cả một diện tích 250 dặm bờ biển trong khi người Anh đã có mặt ở Hồng Kông từ ba mươi năm nay và dù lực lượng hải quân được trang bị đáng kể cũng không thể đảm bảo an toàn giao thông đường biển ngay cả cho các cơ sở của họ”2.
Một số người cho rằng sự lu mờ ảnh hưởng thương mại Pháp ở Hải Phòng từ sau năm 1875 bởi các toán quân của Lưu Vĩnh Phúc vẫn chiếm lĩnh vùng thượng du Bắc Kỳ và tuyến buôn bán trên sông Hồng nối với Vân Nam chỉ thực sự tồn tại trên giấy tờ. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, Hải Phòng vẫn có những bước phát triển nhanh chóng. Những thống kê từ các cơ quan thuế quan cho biết từ tháng 1 đến tháng 10 năm Tự Đức 31 (1878) số thuế thu được trung bình của cảng Hải Phòng là 4366 quan/ tháng gấp 2 lần so với Hà Nội là 1970 quan/ tháng và Bình Định là 1939 quan/ tháng3. Tất cả những điều đó cho thấy sự phát triển của nó trong giai đoạn này không chịu nhiều ảnh hưởng từ nền thương mại của Pháp.
Trong khi đó, thương nhân Trung Hoa lại đóng một vai trò đáng kể ở Hải Phòng từ sau mở cửa. Theo thống kê từ ngày 15 tháng 9 năm 1875 đến 17 tháng 6 năm 1876 có tổng cộng 133 thuyền nước ngoài đến cảng Ninh Hải trong đó số lượng tàu Trung Quốc là 116 chiếc với tổng trọng tải là 2483 tấn (chiếm 87, 2% số lượng thuyền và 43,3 % số trọng tải)4. Trong 6 tháng đầu năm 1877, có tất cả 168 tàu thuyền Trung Hoa đến Hải Phòng với tổng số trọng tải là 5571 tấn và 131 thuyền đã rời đi với số trọng tải là 4236 tấn5. Các thương nhân người Hoa cũng có thể kinh doanh trên đường sông Hồng chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao mà không cồng kềnh đặc biệt là thiếc và củ nâu cho dù số lượng không nhiều do những vấn đề về an ninh6. Lúa gạo, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các Hoa thương ở Hải Phòng cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong khi mà chỉ riêng năm 1880 số lượng gạo xuất khẩu đã lên tới 25.600 tấn với tổng giá trị lên tới 5 triệu francs7. Mặc dù trong một số năm lệnh cấm buôn bán lúa gạo được thực hiện nhưng người ta vẫn phát hiện các hoạt động buôn lậu mặt hàng này dưới nhiều hình thức8.
Về phía triều đình nhà Nguyễn, từ sau khi Hải Phòng được mở cửa cho tự do thương mại, người ta có thể nhận ra một diện mạo mới trong chính sách ngoại thương. Bằng chứng là ngay sau khi hiệp ước thương mại vừa được ký kết, vua Tự Đức cử ngay những quan lại có tư tưởng cấp tiến và nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động quản lý kinh tế phụ trách các hoạt động thương chính và buôn bán ở Hải Phòng như Phạm Phú Thứ, Trần Đình Túc1…Nhà Nguyễn còn chủ trương cho xây dựng các chợ buôn bán lúa gạo ở chợ An Biên (huyện An Dương) và xã Đồn Sơn (huyện Đông Triều)2 ; mở trường cho nha Thương Chính Chính ở tỉnh Hải Dương học chữ Tây và tiếng Tây nhằm tạo cơ sở cho các hoạt động quản lý thuế quan3, cũng như chấp nhận cho các thương nhân người Hoa, người Pháp tham gia vào việc thám sát và khai mỏ ở Đông Triều4. Năm 1879, triều Nguyễn ký với Tây Ban Nha một hiệp ước thương mại với các điều khoản tương tự như các điều khoản thương mại đã ký với Pháp trừ những ưu đãi về chế độ thuế quan cho các hàng hoá của người Pháp ở Sài Gòn5. Tuy nhiên đối với các mặt hàng chiến lược đặc biệt là lúa gạo, chính phủ Việt Nam vẫn giữ một chính tương đối độc lập6. Sự tích cực của triều đình Huế trong các chính sách ở ở Hải Phòng cho thấy vương triều này thực sự muốn duy trì quyền lợi của họ về thương mại ít nhất là trong bối cảnh Bắc Kỳ chưa hoàn toàn là một xứ bảo hộ.
Sự thất bại trong các hoạt động thương mại của Pháp ở Hải Phòng đã đe doạ trực tiếp đến vị trí của nước Pháp ở Bắc Kỳ, đồng thời nó cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn trong các quan hệ chính trị giữa Việt Nam với chính quyền thuộc địa ở Sài Gòn. Người Pháp cho rằng sự tồn tại của hệ thống trạm thu thuế nội địa, sự dung túng của chính phủ Annam cho các toán cướp chiếm lĩnh vùng thượng lưu sông Hồng cũng như chính sách ưu đãi về thương mại đối với thương nhân Trung Quốc ở Trà Lý khiến cho mục đích thương mại của Pháp thực tế không thực hiện được7 và điều đó đã dẫn tới sự có mặt của trung tá Henri Rivier năm 1882.
Tuy nhiên cũng giống như Ganier, thay vì giải quyết vấn đề thương mại và tiêu diệt Lưu Vĩnh Phúc chiếm giữ vùng thượng lưu sông Hồng như tuyên bố thì ông ta lại chiếm thành Hà Nội và gây ra cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Bắc Kỳ. Sau cái chết của Rivièe tại trận Cầu Giấy lần thứ hai, trong khi những người dân Bắc Kỳ đã nhen nhóm về khả năng đánh đuổi quân Pháp ra khỏi miền bắc thì triều Nguyễn lại muốn duy trì chính sách ôn hoà và chờ đợi một nền hoà bình được thiết lập như năm 1874. Sự chần chừ của triều đình đã tạo cơ hội đô đốc hải quân Pháp Courbet bất ngờ tấn công uy hiếp kinh đô Huế. Trước sức ép quân sự, triều đình nhà Nguyễn buộc phải ký một hiệp ước mới – còn gọi là hiệp ước Hardmand (1883) và sau đó là hiệp ước Patenotre với việc thừa nhận toàn bộ chế độ bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Hải Phòng chính thức đặt dưới sự quản lý của nước Pháp.
Sự ra đời của một cảng thị thuộc địa (1883 -1888)
Ngay trước khi hiệp ước Hardmand (1883) được ký kết, người ta đã thấy xuất hiện ở Hải Phòng một lực lượng lớn quân viễn chinh Pháp. Từ con số 750 người dưới quyền chỉ huy của Rivière trong đó có 300 người đóng tại Hải Phòng thì đến tháng giêng năm 1883 đã có tới 2000 quân và con số này được tăng liên tục trong những năm sau đó. Đến tháng 6 năm 1885, số lượng quân đội Pháp ở đây đã lên tới gần 40.000 người. Hải Phòng trở thành sự lựa chọn duy nhất để đón các đoàn quân tham chiến tại Bắc Kỳ1.
Trong khoảng những năm 1883 – 1885, trong giới quan chức của Pháp ở Đông Dương đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau trong việc chọn Hải Phòng làm vị trí cửa ngõ thương mại ở Bắc Kỳ. Kỹ sư thuỷ nông Joseph Renaud sau khi khảo sát vùng đông bắc Hải Phòng đã nhận xét: “nghiên cứu các điều kiện cho thấy Hải Phòng không tỏ ra thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố. Lượng phù sa của sông Cấm và sông Bạch Đằng rất lớn nên cửa sông nhanh bị bồi lấp”2. Một số địa điểm đã được đề cập để thay thế như Quảng Yên, Hòn Gai, Hạ Long, Tiên Yên – Vạn Hoa nhưng cuối cùng giới với sự ủng hộ của quân sự Pháp, Hải Phòng vẫn được chọn bởi lẽ như Brunnat đã viết trong quyển sách của ông ta: “mặc dù Hải Phòng không phải là một cảng cho chiến hạm của chúng ta hay các tài thương mại có độ mớn nước lớn. Tuy nhiên đây là chìa khoá của hệ thống đường sông Bắc Kỳ (…) và có lẽ Hải Phòng sẽ là cảng thương mại trong một thời gian dài và có vẻ như không có lối vào nào thuận lợi hơn thế”3.
Quyết định tâm của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương cũng như sự ra đời của một chính quyền dân sự ở ngay sau đó đã giúp hải cảng này nhanh chóng nhận được những khoản đầu tư thích đáng từ chính phủ. Việc san lấp mặt bằng nhanh chóng được tiến hành cùng với đó là các kho hàng trung tâm với tổng diện tích lên tới 3700 m2 với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng trăm nghìn francs. Các trang thiết bị mới của cảng nhanh chóng được tạo ra bao gồm ba cầu nhỏ bằng gỗ dài 35 m được lắp đường ray nối với các kho với ba cầu phao có chiều dài tổng cộng là 130 m. Các cầu phao này được đặt trên cửa Cấm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cập bến dù thuỷ triều thay đổi.
Cùng với việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, chính quyền Pháp ở Hải Phòng đã tổ chức ngay một cơ quan thương mại đặt dưới sự quản lý trực tiếp của công sứ Pháp. Phòng thương mại Hải Phòng được thiết lập trên cơ sở nghị định ngày 23 tháng 11 năm 1884 sau đó được bổ sung bằng nghị định ngày 3 tháng 6 năm 1886 đã xác lập với mục đích là cơ quan lấy ý kiến, đưa những chỉ dẫn, quản lý việc buôn bán đồng thời cũng là cơ quan lập kế hoạch cho các dự định phát triển thương mại. Thành phần của phòng thương mại Hải Phòng ban đầu gồm 6 người sau đó được nâng lên thành 13 người với công sứ Pháp làm chủ tịch và các thành viên gồm 12 thương nhân người Pháp do công sứ chỉ định1.
Sự ra đời của phòng thương mại Hải Phòng đã ngay lập tức tạo ra những ưu thế của thương mại Pháp. Từ chỗ chỉ chiếm 10% giai đoạn 1875 – 1883 thì từ năm 1884 đến 1888 số thuyền buôn Pháp đã chiếm tới 34,6% số tàu buôn cập bến Hải Phòng. Trong khi đó, cuộc chiến tranh Trung – Pháp kết thúc đã mở ra tuyến buôn bán trên sông Hồng được thực hiện khiến tỷ trọng khối lượng của tuyến thương mại này gia tăng khi nhập khẩu tăng từ 1,6% năm 1886 lên tới 11,6% năm 1892 và xuất khẩu là từ 0,2% đến 2% nhưng trên thực tế, tổng khối lượng hàng hoá buôn bán trên tuyến đường này là không đáng kể mà nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về giao thông. Thương mại giữa Hồng Kông và Hải Phòng vẫn tiếp tục được duy trì với một mức khoảng từ 30 – 40 chiếc thuyền một năm.
Không chỉ xác lập vai trò của Hải Phòng như một cửa ngõ thương mại, chính quyền Pháp ở Đông Dương cũng bắt đầu có ý định xây dựng Hải Phòng thành một thành phố hiện đại theo kiểu Châu Âu. Một cơ cấu tổ chức quyền lực đô thị bắt đầu được hình thành từ việc thành lập một Uỷ ban tư vấn tạm thời với chức năng nghiên cứu kế hoạch để thành lâp một Hội đồng thành phố chính thức bao gồm 6 người Pháp, 4 người Việt Nam và 1 người Hoa2.
Sau đó, một Hội đồng tạm thời để thực hiện các công việc quản lý thành phố. Điểm đáng lưu ý trong 9 thành viên của hội đồng thành phố tạm thời có tới 7 người Pháp, một người Việt Nam và một người Hoa và 5 người trong số đó là thành viên của phòng thương mại3.
Các tổ chức xã hội khác cũng được thiết lập bao gồm cảnh sát4, toà án5 và vệ sinh – y tế6 với những nhiệm vụ cụ thể. Thành viên của các cơ quan này chủ yếu do người Pháp quản lý. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, dân số của Hải Phòng đã tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 1883, dân số Hải Phòng vào khoảng 2000 người thì đến năm 1890 đã là 15.000 người trong đó người Việt chiếm 58%, người Hoa là 37% và người Châu Âu chỉ chiếm 4%.
Năm 1887, Toàn quyền Đông Dương cho tách tỉnh Hải Dương cũ thành hai phần. Phần thứ nhất bao gồm huyện An Dương, An Lão, Nghi Dương và bốn xã thuộc huyện Thuỷ Đường do công sứ Hải Phòng cai quản; phần còn lại do công sứ Hải Dương cai quản. Với sự kiện ngày 19 tháng 7 năm 1888, Toàn quyền Đông Dương Richaud đã ký nghị định thành lập các hội đồng của các thành phố Hà Nội và Hải Phòng và ngày 03 tháng 10 năm 1888 khi vua Đồng Khánh đã ban đạo dụ nhượng lại cho chính quyền Pháp các vùng lãnh thổ thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng thì Hải Phòng chính thức trở thành một thành phố thuộc địa. Phạm vi của thành phố theo một nghị định ban hành ngay sau đó chủ yếu bao gồm khu vực xung quanh tả ngạn và hữu ngạn sông cửa Cấm cùng một số làng xã ngoại vi như Gia Viên Đông Khê, Hàng Kênh, An Biên, Hạ Lý. Như vậy, có thể thấy đô thị Hải Phòng ngay từ thời kỳ mới ra đời đã lấy cảng và sông Cấm làm vị trí trung tâm và định hướng trong quy hoạch và xây dựng.
Chính quyền Pháp ở Hải Phòng cũng đã có những nỗ lực quy hoạch, nhằm cải thiện diện mạo môi truờng thành phố. Toàn quyền Bonnal đã cho triển khai đào một con kênh nối sông Tam Bạc với cửa Cấm nhằm thiết lập một cảng sông dành cho các thuyền nhỏ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá đồng thời cũng góp phần vào việc san lấp các vùng ngập triều tạo ra các khu vực cư trú. Trên bản đồ Hải Phòng các năm 1885, 1887, 1888, 1905, 1921 người ta dễ dàng dần nhận ra một sự thay đổi đáng kể với những khu phố thẳng tắp, ngăn nắp như ô bàn cờ chạy giữa hai bờ của sông Tam Bạc, một phần của sông Cấm và kênh đào Bonal. Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, Toàn quyền Richaud đã viết: những gì người ta đã làm để tạo ra một thành phố thật đáng kinh ngạc. Từ chỗ chỉ là một đầm lầy, nơi đây đã trở thành một thành phố có những phố rộng lát đá, dọc theo phố mọc lên những kiến trúc rất thanh lịch1.
Vài nhận xét kết luận
Sự phát triển của Hải Phòng vào thế kỷ XIX đã cho thấy vị trí địa lý và truyền thống thương mại đã có ảnh hướng đến sự hình thành của các cảng thị ở miền bắc Việt Nam như thế nào. Trên cơ sở những thuận lợi của điều kiện tự nhiên, Hải Phòng đã nhanh chóng trở thành một trung tâm trao đổi không chỉ giữa miền nam Trung Hoa và vùng duyên hải đông bắc Việt Nam mà còn giữa vùng châu thổ Bắc Bộ và các vùng hải đảo ven bờ với vai trò chi phối của các thương nhân người Hoa bất chấp các chính sách thương mại của triều Nguyễn. Các hoạt động kinh tế phi chính thức này cùng với sự bùng nổ của cướp biển một mặt tác động sâu sắc đến tình hình an ninh và đời sống của cư dân ven biển song mặt khác nó cũng trực tiếp một cộng đồng năng động và một khu vực tự do.
Tất cả những điều đó đã góp phần lý giải tại sao Hải Phòng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong kế hoạch cải cách của nhà nước phong kiến Việt Nam và đó chính là nguyên nhân cho lựa chọn của Philates trong việc mở cảng ở miền bắc Việt Nam. Như Bonnal, một trong những công sứ đầu tiên ở Hải Phòng đã phát biểu: “ Người ta tin rằng sau này có dù có cảng mới ở vùng nước sâu Quảng Yên hoặc Hòn Gai thì Hải Phòng vẫn mãi mãi là cảng được thuyền sông của dân bản xứ trong châu thổ và thuyền biển của người Hoa lui tới và sự di chuyển của một trung tâm thương mại không phải là sự tuỳ tiện của một sắc lệnh hay một nghị định2.
Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại Hải Phòng cho thấy vị trí của nó có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống thương mại ở miền nam Trung Hoa. Đó là lý do tại sao dù ban đầu chính quyền thực dân muốn xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm trung chuyển lớn của Pháp ở vùng biển nam Trung Hoa nhằm cạnh tranh với cảng Hồng Kông của Anh nhưng rút cục Hải Phòng thực sự vẫn chỉ là một cảng quá cảnh cho tới trước năm 1940.
Hải Phòng vào những thập niên 70 có mối liên hệ trực tiếp với sự xuất hiện và can thiệp của người Pháp ở Bắc Kỳ. Đây là điểm bắt đầu và cũng là nơi thể hiện một cách đầy đủ nhất mâu thuẫn Pháp – Việt. Những người Pháp đầu tiên đến Hải Phòng vào những năm 1873 – 1874 cho rằng mục đích chính của họ chủ yếu là vì các mục đích thương mại nhưng trên thực tế nhu cầu trao đổi hàng hoá của Pháp ở Hải Phòng rất hạn chế ít nhất là cho tới trước khi Hải Phòng được chọn trở thành cảng lớn ở Bắc Kỳ. Tuy nhiên, quá trình đầu tư của người Pháp đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của vùng đất này. Việc xây dựng hệ thống giao thông nối Hải Phòng với các khu vực khác sau đó khiến vùng đất này thực sự trở thành cầu nối quan trọng của kinh tế Đông Dương. “Và nếu như người ta muốn nhìn thấy ở Bắc Kỳ cái gì mà ý chí con người có thể làm được trong lúc tất cả mọi thứ đều thiếu với mình thì nơi mà người ta cần quan sát chính là nơi đây. Cảng Hải Phòng ngày nay là một lời phản bác hoàn toàn cho những ai dám nói rằng người Pháp không phải là những người khai hoá thuộc địa”.
__________
1 Năm 1867, quan bộ Hộ của nhà Nguyễn tâu lên thực trạng: “việc đặt thuế quan Nhu Viễn ở Hải Dương đối với ngoài biên, thuế khoá của nhà nước, hai việc không phải là thường, thế mà cả cửa biển Hải Dương từ tháng giêng đến nay, đổi gạo chỉ cho 3 thuyền trợ tiễu, bạc thuế được 310 lạng, được ít như thế, so với thuế quan cửa Trà Lý – Nam Định không được 1 phần 10 (cửa Trà Lý thuyền ván ở sông đổi gạo tất cả 25 chiếc, thuế bạc được 5.563 lạng)
2 Nguyễn Trường Tộ, Con người và di thảo, Sđd.
3 Thái Nhân Hoà, Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân, Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 64.
4 Đại Nam thực lục, T.7, tr.1174
5 Thế Văn – Quang Khải, Bùi Viện với sự nghiệp canh tân đất nước, NXB CTQG, Hà Nội, 1999, tr.30 -31.
6 Đại Nam thực lục, T.7, tr.1372 – 1373.
1 Gilles de Gantès, Power and Weekness: French Presence in Southern China Sea (1840 – 1910), Jounarl of Southeast Asian Studies, Acadimic Sinica, Taiwan, (12.2004), pp. 224 – 226; Romanet du Caillaud, Histoire de l’intervention francaise au Tonkin de 1872 à 1874, Challamel, 1880, pp. 5-13
2 Mark W. McLeod, The Vietnamese Response to French Intervention 1862 – 1874, Praeger, 1991, pp. 98.
3 D.R.Sesai, Vietnam Struggle for National Identity, Westview Press, 1992, pp. 36.
1 Ông ta đã đem theo hai pháo hạm, một thuyền hơi nước trang bị đầy vũ khí và đã lên thẳng thành Hà Nội là khi chưa được sự đồng chỉ của triều Nguyễn.
2 Theo những điều khoản trong hiệp uớc thương mại được ký giữa chính quyền Việt Nam và chính phủ Pháp tại Sài Gòn ngày 31 tháng 8 năm 1874 thì các hoạt động thương mại sẽ được tự do sau khi phải trả một tiền thuế 5% đánh vào giá trị hàng hoá khi nhập khẩu hoặc khi xuất khẩu. Thuế này sẽ là 10% đối với muối. Ngoài ra, việc buôn bán thuốc phiện sẽ vẫn phụ thuộc vào điều lệ đặc biệt do chính phủ An Nam đặt ra. Việc xuất khẩu lúa gạo có thể làm nếu như có giấy phép tạm thời của chính phủ An Nam và trong trường hợp đó, lúa gạo sẽ phải chịu thuế xuất là 10%. Đối với lụa và gỗ lim, xuất khẩu sẽ chỉ được phép thực hiện sau khi các làng sản xuất phải chịu thuế hiện vật và triều Nguyễn đã mua đủ số lượng cần dùng và mức thuế cũng giống như các loại hàng hoá khác là 5%”.
1 Gilles Raffi, Sđd, tr.73.
2 A. Bouinais, A.Paulus,. L”Indochine francaise contemporaine : Cochinchine, Cambodge, Tonkin, Annam, Vol.2: Tonkin-Annam, Challamel Ainé, Paris, 1885, pp.40.
3 Châu bản triều Tự Đức: Quyển 299 (Tờ 97, 301); Quyển 300 (Tờ 90, 146, 148, 251, Quyển 304 (Tờ 26); Quyển 307 (Tờ 205, 209, 225, 238, 260, 289, 299, 335,); Quyển 311 (Tờ 239, 245); Quyển 318 (Tờ 187, 205, 226).
4 Romanet du Caillaud, Histoire de l’intervention francaise au Tonkin, pp. 464 – 466.
5 Y. Tshuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Sđd, tr.306.
6 Từ năm 1876 đến 1883, tổng số lượng thiếc quá cảnh từ Vân Nam đến Trung Quốc là 79 tấn và củ nâu là 607 tấn (Theo thống kê của Raffes Gilles).
7 Julia Matinez, Chinese Rice Trade and Shipping from the North Vietnamese Port of Haiphong, Chinese Southern Dispora Studies, Volume 1, 2007, pp.86.
8 Châu bản triều Tự Đức, Q.129, Tờ 303, ngày 24 tháng 5 năm Tự Đức 31.
1 Đại Nam thực lục, T.8, tr.76, 190.
2 Đại Nam thực lục, T.8, tr.175.
3 Đại Nam thực lục, T.8, tr.283.
4 Đại Nam thực lục, T.8, tr.280.
5 Đại Nam thực lục, T.8, tr.385 – 388.
6 Theo Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Pháp, lúa gạo được phép buôn bán nhưng phải được sự thoả thuận của triều Nguyễn. Chính vì vậy trong một số năm do các tỉnh Bắc Kỳ mất mùa, triều Nguyễn vẫn cấm việc xuất khẩu lúa gạo.
7 Đại Nam thực lục, T.8, tr.368.
1 A. Baratier, L’Administration militaire au Tonkin, Paris, Rozier, 1889, pp. 25 – 26, 38 – 44.
2 Thư của Jules Harmand gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa ngày 30/11/1883, số 660, tờ số 4. Dẫn theo Gilles Raffi, tr.120.
3 Paul Brunat, Exploration commerciale du Tonkin, Lyon: Pitrat Ainộ, 1885, pp.8
1 N0-602, Công báo Đông Dương, Bắc Trung Kỳ, Vol.11, 1884; N0-84, Công báo Đông Dương, Bắc Trung Kỳ, Vol.3, 1886, pp. 142.
2 N0-9, Công báo Đông Dương, Bắc Trung Kỳ, Vol.1, 1886, pp. 8-9.
3 N0-34, Công báo Đông Dương, Bắc Trung Kỳ, Vol.1, 1886, pp..28.
4 N0-342, Công báo Đông Dương, Bắc Trung Kỳ, Vol.3, 1884.
5 N0-458, Công báo Đông Dương, Bắc Trung Kỳ, Vol.6, 1884.
6 N0-313, Công báo Đông Dương, Bắc Trung Kỳ, Vol.7, 1887.
1 Báo cáo của Toàn quyền Richaud gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa năm 1888, AFI, Hồ sơ No.A30(82), CAOM.
2 Bonnal, Au Tonkin 1872 – 1881 – 1886, Tỉnh thành xưa ở Việt Nam, NXB Hải Phòng.
Nguồn (File PDF): Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Sự hình thành của cảng thị ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa – lịch sử Hải Phòng (1802 – 1888) – Tác giả: Vũ Đường Luân |
Kính mời Quý độc giả xem lại: