Sự lan tỏa của văn hóa Thăng Long đến không gian phật giáo xứ thanh thời Lý – Trần

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ MỸ HẠNH
(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

TÓM TẮT

     Xứ Thanh (Thanh Hóa) là “phên dậu” của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV), là chiếc cầu nối liền 2 vùng văn hóa Việt khi ấy (phía Bắc chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc và phía Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ), cũng chính là nơi lắng đọng nhất những tinh hoa văn hóa Thăng Long một thuở. Dưới góc nhìn văn hóa – lịch sử, bài viết đi tìm lại những con đường chuyển tải văn hóa Thăng Long đến vùng đất xứ Thanh thời Lý – Trần và từ đấy chắt lọc ra những dấu ấn văn hóa Đế đô thời kì này trong không gian Phật giáo nơi đây.

Từ khóa: Văn hóa Thăng Long; Phật giáo; xứ Thanh; thời Lý – Trần.

x
x x

     Xứ Thanh từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất lắm bão tố, nhiều gian nan; thế nhưng không vì vậy mà cuộc sống của con người nơi đây cằn cỗi, nền văn hóa nơi đây không nở hoa kết trái. Dường như chính cái khắc nghiệt của khí hậu của mảnh đất này đã hun đúc ở con người xứ Thanh ý chí tranh đấu quật cường để vươn lên làm chủ chính mình, hòa cùng sự phát triển chung của lịch sử dân tộc. Bước theo dòng chảy nghìn năm văn hiến của đất nước, chúng ta được thấy và được ngưỡng vọng biết bao nhà văn hóa lừng danh, bao anh hùng quân sự, bao nhà ngoại giao lỗi lạc đã góp phần làm nên bản sắc xứ Thanh. Điều đáng nói là, đằng sau những vẻ đẹp hiện hữu đó, chúng ta còn thấy lấp lánh một vẻ đẹp tâm linh huyền bí, sâu lắng mà dường như chỉ có thể cảm nhận được bằng trực giác và bằng tất cả tình yêu dành cho mảnh đất, con người chốn này. Vùng đất xứ Thanh là “phên dậu”(1)của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV), là chiếc cầu nối liền 2 vùng văn hóa Việt khi ấy (phía bắc chịu ảnh hưởng của văn hóa phương bắc và phía nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ), có sự lắng đọng những tinh hoa văn hóa Thăng Long một thuở.

1. Những con đường chuyển tải văn hóa Thăng Long đến mảnh đất xứ Thanh thời Lý – Trần

     Nếu xét về không gian thì xứ Thanh là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam ngày nay, cách Thăng Long – Hà Nội khoảng 150 km về phía bắc(2). Nếu xét về thời gian thì theo như Thư tịch cổ để lại cho biết: ngay sau khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra vùng đất Thăng Long, Lý Thái Tổ – vị vua đầu tiên của triều đại này đã bắt tay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết bộ máy Nhà nước, chia cả nước từ 10 đạo thành 24 lộ và lấy Châu Hoan, Châu Ái làm trại. Mãi đến cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII thì Châu Ái mới được đổi thành phủ Thanh Hóa. Vậy là từ đây cái tên Thanh Hóa bắt đầu xuất hiện(3).

     Nhịp bước cùng dòng chảy của lịch sử, chúng ta thấy rằng, ngay từ thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, vùng Cửu Chân – Châu Ái – xứ Thanh đã là tâm điểm của những cuộc đấu tranh quật cường của nhân dân đứng lên lật đổ ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Bước sang thế kỷ X, vùng đất này lại trở nên đặc biệt sôi động với Dương Đình Nghệ, rồi Ngô Quyền – những người đã từng thay nhau đem toàn bộ binh lực của họ Dương – xứ Thanh ra Bắc đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại quyền độc lập tự chủ cho dân tộc sau đêm dài nô lệ. Từ đây, vùng đất Cửu Chân – Châu Ái đồng hành cùng với những bước phát triển đi lên của dân tộc trong vai trò là một vùng “phên dậu” của Tổ quốc. Tiếp đó, suốt triều đại Lý – Trần, Thanh Hóa không chỉ là một vùng “phên dậu”, mà còn trở thành chiến trường ác liệt của biết bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và là hậu phương cực kì quan trọng cho quân và dân trong cả nước. Cũng thật hiếm có một thời kỳ nào mà sức lan tỏa của văn hóa Thăng Long đến cộng đồng cư dân xứ Thanh lại mạnh mẽ như những thế kỷ XI – XIV này. Đây vốn được xem là thời kỳ hình thành, phát triển của văn minh Đại Việt và cũng là thời kỳ mà nền văn minh ấy dần được chuyển tải sâu rộng trên khắp mọi miền đất nước.

     Có thể nói, bằng nhiều con đường khác nhau, nền văn hóa Thăng Long trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV đã dần được xâm nhập vào cộng đồng cư dân xứ Thanh. Từ chỗ thấy được vai trò và vị trí chiến lược của Thanh Hóa trong công cuộc dựng nước và giữ nước, các vương triều phong kiến thời Lý, Trần trong buổi đầu kỷ nguyên độc lập đều rất mực quan tâm đến mảnh đất này. Bởi thế mà nơi đây, trong khoảng thời gian này, Thanh Hóa đã được đón nhận rất nhiều ân điển, sự quan tâm đặc biệt của các vị vua và những người trong hoàng tộc hay cả những bậc trung thần tài cao, đức trọng. Đáp lại, những người dân Thanh Hóa hơn ai hết thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình, đã cùng triều đình ra sức xây dựng, ổn định đời sống vật chất và tinh thần. Chính trong quá trình đó, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa vùng đất và con người xứ Thanh với văn hóa Thăng Long đã diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

     Bấy giờ, để quản lý vững chắc vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc, các vua Lý đã không ngần ngại cắt cử những vị đại quan có kinh nghiệm (như Thái úy Lý Thường Kiệt, Ngự khố tư gia Phạm Tín, Nội thường thi Đỗ Nguyên Thiện…) vào Thanh Hóa. Để ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm đối với các vị đại thần này, một số lượng diện tích đáng kể ruộng đất Thanh Hóa được nhà Lý ban cấp cho các quan lại cao cấp cũng như các tướng lĩnh có công hòng thắt chặt, củng cố vững chắc bộ máy nhà nước ở một vùng đất xa trung tâm quyền lực. Từ đây, dân chúng xứ Thanh trở thành bề tôi trung thành của nhà Lý, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của những người trong hoàng tộc vương triều, ra sức khai hoang, phục hóa, tận dụng vùng đất phù sa ven sông để trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, mở những con đường nối liền các huyện lỵ… Bằng những việc làm cụ thể ấy, triều Lý đã dần chuyển tải văn hóa Thăng Long đến vùng đất xứ Thanh và theo thời gian, nền văn hóa của xứ Kinh kỳ ngày càng bám rễ vào đại bộ phận dân chúng nơi đây. Bởi thế mà chúng ta không có gì ngạc nhiên khi ở Thanh Hóa có không ít ngôi đền, đình thờ Lý Thường Kiệt và nhiều ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của ông. Từ một nhân vật lịch sử có thật, được nuôi dưỡng trong cái nôi văn hóa Thăng Long, Lý Thường Kiệt đã đi vào văn hóa xứ Thanh như một biểu tượng thiêng liêng mà cũng rất đỗi gần gũi.

     Dần theo thời gian, cùng với sự ổn định không ngừng của mảnh đất này, chúng ta lại được chứng kiến những dòng người từ Thăng Long và nhiều vùng miền khác về đây sinh cơ lập nghiệp. Chính gia phả của nhiều dòng họ ở các huyện Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa đã cho hay: cùng với chính sách phong cấp ruộng đất của nhà Lý thì không ít gia nhân đã theo chủ từ Thăng Long vào đây và rồi hình thành nên nhiều làng quê mới. Ví như, Lê Văn Thịnh khi vào Thanh Hóa khai hoang lập làng đã hình thành nên dòng họ Lê đông đúc ở Đông Sơn mà hậu duệ điển hình nhất là Lê Quát, một nhà nho danh tiếng thời Trần. Hơn thế, để giữ yên miền biên viễn, các vua Lý còn gả công chúa hay ban chức tước cho các vị thủ lĩnh nơi đây. Bản thần tích ở nhiều làng quê xứ Thanh (như làng Hoằng Hóa, Hà Trung(4) …) có nhắc đến các công chúa thời Lý và sự hiện diện của họ trên mảnh đất này trong công cuộc khai hoang lập trại. Chính trong quá trình cộng cư rồi định cư ở xứ Thanh, họ mang theo mình cả vốn văn hóa đất Thăng Long, chuyên chở những nét văn hóa Kinh kỳ về hòa nhập vào nền văn hóa của vùng đất này, góp dựng nên một phức hợp văn hóa vừa mang dấu ấn của nền văn hóa Đế đô, vừa mang cả những đặc trưng rất riêng của văn hóa xứ Thanh.

     Tiếp nối vương triều Lý, Thanh Hóa trong tâm thức của vương triều Trần cũng là một vùng đất “phên dậu” phía Nam cần được ra sức xây dựng, củng cố nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với trung tâm quyền lực nhà nước ở Thăng Long. Điều đặc biệt là, trong suốt công cuộc giữ nước của mình, triều Trần luôn chú trọng xây dựng, phát triển để biến nó thành một tiền đồn chống giặc, thậm chí có lúc còn là trung tâm của bộ chỉ huy, bảo vệ và che chở cho các vua Trần đề ra kế sách giải phóng dân tộc và là nơi cống hiến sức người sức của cho cả nước trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất. Thực tế cho thấy, chính trong những thời khắc nguy nan, vương triều Trần đã cắt cử không ít những tướng lĩnh kiệt xuất về củng cố vùng đất này. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, Tá Thiên Vương Trần Đức Việp, Chiêu Hiếu Vương Trần Học… là những gương mặt tiêu biểu trong số đó. Họ đặt chân đến xứ Thanh xa xôi và rồi theo thời gian, có người đi, có người ở lại, song tất cả họ cùng góp sức với người dân xứ này bảo vệ và xây đắp nên cuộc sống thanh bình, ngày càng thịnh vượng hơn.

     Rồi cũng như triều Lý, vào buổi hoàng hôn của triều đại Trần, không ít con cháu dòng dõi nhà Trần đã chọn Thanh Hóa làm điểm dừng chân trên hành trình phiêu tán của mình. Bởi thế mà không có gì làm lạ khi khắp các huyện ở nơi đây đều có những dòng họ nổi tiếng – vốn là hậu duệ của dòng dõi nhà Trần xưa kia.

     Tất cả họ đã đặt chân đến vùng đất này, góp sức vào sự phát triển chung trên nhiều phương diện ở nơi đây và đặc biệt chính trong hành trình ấy, lúc vô tình, khi hữu ý, họ đã chuyển tải chất văn hóa Thăng Long, văn hóa Kinh thành, văn hóa cung đình vào trong bể sâu văn hóa xứ Thanh.

     Hơn thế, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, vương triều Trần đã với tay được đến tận các làng xã(5). Hàng loạt biện pháp về chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự… đã được vương triều Trần áp dụng để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Nhà nước và làng xã. Đặc biệt, nhà Trần cực kỳ chú trọng đến việc chuyển tải kỷ cương phép nước, áp dụng sâu rộng những điều luật nước nhà đến tận từng thôn xóm. Trong hoàn cảnh đó, các làng xã Thanh Hóa cũng không là ngoại lệ. Có thể nói, đây là con đường quan trọng để đưa văn hóa Thăng Long, văn hóa Kinh thành đến từng thôn cùng ngõ xóm, đến tận mỗi người dân trên mảnh đất “phên dậu” này.

     Trong quá trình lan tỏa văn hóa Thăng Long đến vùng đất xứ Thanh này, chúng ta còn phải kể đến đóng góp không nhỏ của nền giáo dục khoa cử thời kỳ bấy giờ. Chính thông qua con đường giáo dục khoa cử, dấu ấn văn hóa Thăng Long càng trở nên đậm nét trong dòng chảy văn hóa xứ Thanh. Nếu như dưới thời Lý, giáo dục khoa cử mới bước đầu được hình thành và chủ yếu dành cho con em trong hoàng tộc thì đến triều Trần, không chỉ con em dòng dõi vua quan, quý tộc, mà ngay cả con em bình dân cũng được đi thi, bên cạnh trường công còn xuất hiện những trường tư ở khắp các làng xã… Bởi thế mà ở xứ Thanh, từ khi trại Trạng Nguyên khai khoa (dưới thời Trần) thì biết bao thế hệ học trò xứ này đã quyết tâm dùi mài kinh sử để lưu danh sử sách và không ít người đã đỗ đạt thành tài, được bước chân vào chốn quan trường ngay trên đất Thăng Long. Đó là trường hợp của Tô Hiến Thành – sinh ra và lớn lên ở vùng Kẻ Đản – Cẩm Đới – Chánh Lộc – Hà Trung, người đã từng phò giúp 3 triều vua Lý, được làm đến chức Thái úy, được triều đình và nhân dân ngưỡng vọng, tôn thờ. Đó là trường hợp của Doãn Tử Tư, Doãn Khải Anh đời vua Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông – những nhà Nho thông tuệ, đã từng là mưu sĩ nơi màn trướng để cùng bàn chuyện quốc sự với nhà vua. Đó còn là những gương mặt làm rạng rỡ truyền thống khoa bảng của xứ Thanh một thửa như: Lê Văn Hưu(6), Đào Diễn, Hoàng Hoan, Lê Quát… Sự quyện hòa của văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ này theo đó ngày càng được củng cố. Khi ra Thăng Long lập công danh sự nghiệp, những sĩ tử xứ Thanh mang theo cả văn hóa vùng đất quê hương và đến khi trở về quê cha đất tổ, họ lại mang theo về những giá trị văn hóa – văn minh chốn Kinh kỳ. Rõ ràng, với sự phát triển của giáo dục khoa cử, với hành trang của những sĩ tử thành danh xứ Thanh và thậm chí với cả những cuộc hôn nhân giữa người xứ Thanh với những người con vùng đất Thăng Long thì sức lan tỏa văn hóa Thăng Long đến với vùng đất “phên dậu” này ngày càng trở nên mạnh mẽ.

     Sức lan tỏa ấy còn được thăng hoa qua chính con đường văn hóa mà chủ yếu là thông qua con đường mang sắc màu tâm linh – con đường tôn giáo, tín ngưỡng. Có thể nói, dưới thời Lý – Trần, Phật giáo nước ta đã đạt đến đỉnh cao hưng thịnh với sự ra đời của một dòng Phật Đại Việt mang đậm màu sắc dân tộc – Thiền phái Trúc Lâm. Trong bối cảnh ấy, từ vua quan đến dân chúng, ai ai cũng sùng bái đạo Phật. Dường như Phật giáo đã trở thành chất keo gắn kết nhân dân lao động với giai cấp quý tộc lúc bấy giờ. Chính tấc lòng hướng Phật đã trở thành mẫu số chung của những giai tầng vốn không cùng giới tuyến. Để từ đây, biết bao ngôi chùa đã được dựng nên với sự góp sức của cả vua quan lẫn dân chúng làng xã trên khắp mọi miền đất nước. Rất nhiều văn bia ở các ngôi chùa thời bấy giờ đã phản ánh sinh động thực tế này: “Người già trăm tuổi, trẻ em sáu thước cùng lòng hết sức, dựng đổ, hưng suy”, “kẻ giúp của mang đồ ăn tới, kẻ giúp sức thì đục đẽo, người lành nghề thì xây dựng…”.(6) Trong bối cảnh chung đó, để mở mang giáo hóa, khơi thông mọi tập tục khác lạ, răn điều ác, chỉ điều thiện… làm cho xã hội ở vùng đất “phên dậu” này ngày một yên ổn, hưng thịnh hơn, Nhà nước Lý – Trần đã chủ trương phát triển mạnh mẽ Phật giáo xứ Thanh. Qua khảo sát văn bia chùa Linh Xứng(7), chúng ta thấy rất rõ chủ trương phát triển Phật giáo ấy của Nhà nước ở vùng đất này – một vùng đất tuy có bề dày lịch sử – văn hóa từ bao đời, song vẫn còn thuần khiết, mộc mạc và còn nhiều vùng chưa được khai phá. Thời bấy giờ, rất nhiều người trong hoàng tộc Lý – Trần đã đặt chân đến xứ Thanh và góp sức cùng nhân dân xứ Thanh xây dựng nên rất nhiều ngôi chùa thờ Phật. Và một khi Phật giáo thẩm thấu sâu vào mỗi người dân xứ này thì sự gắn kết cộng đồng – một sắc thái đặc trưng của văn hóa xứ Thanh cũng ngày càng trở nên bền vững. Tinh thần cộng đồng ấy được chứng thực trong chính quá trình xây dựng nhiều ngôi chùa nơi đây mà dấu tích vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.

     Vậy là, chính Phật giáo theo dòng chảy của văn hóa Thăng Long truyền về xứ Thanh và rồi chính nó lại sớm trở thành suối nguồn tinh thần cho cộng đồng cư dân nơi này trên suốt hành trình xây đắp nền văn hóa của riêng mình. Bởi thế mà trong không gian Phật giáo xứ Thanh, chúng ta lại dễ dàng tìm thấy những dấu ấn của văn hóa xứ Thăng Long, văn hóa Đế đô một thuở.

2. Dấu ấn lịch sử – văn hóa Thăng Long thời Lý – Trần trong không gian Phật giáo xứ Thanh qua khảo sát một số ngôi chùa tiêu biểu

     Có thể nói rằng, do hoàn cảnh lịch sử chi phối mà những ngôi chùa nổi tiếng ở Thanh Hóa trong lịch sử đa phần được xây dựng, kiến tạo dưới thời Lý – Trần. Tuy nhiên, vì chiến tranh tàn phá cũng như sự bào mòn của thời gian mà phần lớn những ngôi chùa thời ấy đã bị phá hủy hoặc chỉ còn là phế tích. Dẫu vậy, nếu nhìn sâu vào những lớp trầm tích văn hóa nơi đây, chúng ta vẫn còn thấy đây đó những dấu ấn văn hóa Thăng Long một thời hưng thịnh.

     2.1. Những người trong hoàng tộc Vương triều Lý – Trần đã xây dựng nên nhiều ngôi chùa ở xứ Thanh

      Đặt chân lên mảnh đất Thanh Hóa, tìm về không gian văn hóa Phật giáo đầy linh thiêng ở nơi này, chúng ta được bắt gặp không ít những ngôi chùa do chính những người trong hoàng tộc Vương triều Lý – Trần xây dựng nên.

      Ở trên sườn núi Ngưỡng Sơn (nay thuộc xã Hà Ngọc, huyên Hà Trung, Thanh Hóa)(8), cách cầu Đò Lèn về phía tây chừng 2 km, chúng ta được biết đến một ngôi chùa rất nổi tiếng với cái tên Linh Xứng. Chùa do Thái úy Lý Thường Kiệt tự xây dựng lên từ đời Lý Nhân Tông, nên còn gọi là chùa Lý Thường Kiệt. Chính văn bia còn sót lại đến ngày nay đã chép rất rõ công lao của Lý Thường Kiệt trong quá trình kiến tạo ngôi chùa nổi tiếng này:

     Việc có Lý Công. Theo dấu người cổ,

     Coi quận, dân yên. Đánh đâu được đó.

     Tiếng động Chiêm Thành. Danh lừng Đông độ.

     Dựng chùa chốn này. Quy sùng Phật tổ.

     (Văn bia chùa Linh Xứng – Hoàng Xuân Hãn dịch).

     Từ đây, trong suốt một thời gian dài, ngôi chùa đã trở thành không gian tâm linh rất đỗi thiêng liêng trong tâm thức của những dân mộ Phật.

     Cũng trên địa phận Thanh Hóa, đi về hướng núi An Hoạch (núi Nhồi), nay thuộc xã Đông Tân và Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa chừng 3 km về phía tây nam, chúng ta lại được bắt gặp một ngôi chùa mà tên tuổi gắn liền với vị Thái úy lừng danh – Lý Thường Kiệt. Từ những đóng góp to lớn của Lý Thường Kiệt trên mọi phương diện đối với mảnh đất Thanh Hóa – nơi mà ông đã gắn bó trong suốt một thời gian dài(9), nhân dân nơi đây đã khắc ghi công đức đó, cùng nhau góp sức dựng nên một ngôi chùa mang tên Báo Ân như đúng ý nghĩa của nó. Chính Lý Thường Kiệt đã một lần nữa có công rất lớn trong việc hợp sức cùng nhân dân dựng xây nên ngôi chùa này trong thời gian từ năm 1099 đến năm 1100. Không gian Phật giáo theo đó ngày càng được mở rộng và văn hóa Phật giáo từ Thăng Long dường như đang dần được chuyển tải vào mảnh đất “phên dậu” xa xôi này.

     Tiếp tục cuộc hành trình đi khám phá không gian Phật giáo xứ Thanh một thuở, đặt chân đến xã Duy Tinh (xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay), chúng ta lại được biết đến một ngôi chùa nổi tiếng thời Lý mang tên Sùng Nghiêm Diên Khánh. Chùa vốn được xây dựng trên nền chùa cũ. Bấy giờ vào tháng 2 năm Bính Thân, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 7 (1116)(10), nhân lần ghé thăm Thanh Hóa của vua Lý Nhân Tông trên chuyến công du phương Nam, Thông phán Chu Công – người được vua phái từ Thăng Long về Thanh Hóa trông coi quận Cửu Chân xưa – đã huy động nguồn vật lực, tài lực từ trong nhân dân, từ “thợ mộc, thợ nề gắng sức như viên tròn lăn trên ván gỗ, trẻ già, trai gái giúp duyên như lớp sóng xô giữa triền sông; góp lương như kiến, vung rìu như mây”(11) để xây dựng nên ngôi chùa này như một cách tỏ bày lòng biết ơn của mình dành cho vị vua anh minh.

     Hai năm sau đó, cũng trên địa phận Thanh Hóa, chính vua Lý Nhân Tông đã đích thân cho xây dựng thêm một ngôi chùa mới nằm trên núi Đọi Sơn có tên chữ là Diên Linh tự. Cùng với sự mở rộng không ngừng của không gian tâm linh ấy, Phật giáo thực sự đã và đang không ngừng được chuyển tải để thấm sâu trong tiềm thức của mỗi người dân xứ “phên dậu” này.

     Bên cạnh những ngôi chùa được khởi dựng từ thời Lý, trên cuộc hành trình tìm lại dấu ấn văn hóa Thăng Long trong không gian Phật giáo xứ Thanh, chúng ta lại có dịp được biết đến những ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần. Tiêu biểu là ngôi chùa với cái tên rất lạ: chùa Giáng (Tường Vân tự). Ngôi chùa nằm trên địa phận của làng Giáng, xã Cao Mật ngày xưa, nay là xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hóa chừng 45 km về phía tây men theo quốc lộ 45. Điều đáng nói ở đây là ngôi chùa này do chính vua Trần Duệ Tông sáng lập và ngay khi mới hoàn tất đã được liệt vào kỳ quan bậc nhất của xứ này. Ngày nay người dân nơi đây vẫn khắc ghi công ơn của Trần Duệ Tông như là vị vua đã sáng lập nên ngôi chùa đầy linh thiêng đó.

     Không những trực tiếp khởi dựng nên nhiều ngôi chùa xứ Thanh mà không ít người trong hoàng tộc thời Lý – Trần còn có vai trò lớn trong việc tôn tạo, trùng tu những ngôi chùa vốn có từ trước đó trên mảnh đất này. Trường hợp chùa Hương Nghiêm – ngôi chùa nằm trên Càn Ni (nay thuộc làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là một minh chứng đầy sinh động. Ngôi chùa này vốn do Bộc xạ tướng quân Lê Lương xây dựng từ đời Hậu Đường (923 – 937). Đến thời Lý, vua Lý Thái Tông trên đường đi tuần du phương Nam, tới Ái Châu, đi qua ngôi chùa thấy chùa đổ nát quá bèn cho trùng tu, xây dựng lại. Đến năm 1122, đời vua Lý Nhân Tông, Thiền sư Đạo Dung từ Kinh thành Thăng Long về thăm ngôi chùa này và cho tôn tạo, tu bổ thêm. Từ đây ngôi chùa trở nên khang trang, bề thế và trở thành không gian tâm linh huyền bí, thiêng liêng quy tụ lòng người thành tâm hướng Phật.

     Như vậy là, những người con đất Thăng Long, đặc biệt là những con người trong chính hoàng tộc thời Lý – Trần, đã không ngừng tìm về mảnh đất này. Dẫu cho hành trạng của mỗi người trong cuộc hành trình tìm về xứ “phên dậu” xa xôi ấy là không giống nhau, song tất cả họ đều mang trong mình chất văn hóa xứ Kinh kỳ. Chất văn hóa đó sẽ không ngừng được chuyển tải đến mảnh đất và con người xứ Thanh trong quá trình cộng cư rồi định cư ở nơi đây. Đến lượt mình, sắc màu văn hóa xứ Thanh lại thấm dần và quyện hòa trong con người họ. Và không gian Phật giáo xứ Thanh thời bấy giờ chính là minh chứng trọn vẹn nhất cho sự giao thoa văn hóa giữa mảnh đất này với văn hóa xứ Kinh kỳ – Thăng Long.

     2.2. Những ngôi chùa xứ Thanh gắn liền với sự tích của những người con đất Thăng Long

     Là vùng “phên dậu” phía nam có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt thời Lý – Trần và là cầu nối liền giữa hai vùng văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử về sau, xứ Thanh từ bao đời nay đã trở thành điểm dừng chân của biết bao người con đất Thăng Long. Rồi trong suốt quá trình cộng cư, định cư ở nơi đây, họ đã để lại không ít dấu ấn của mình và những dấu ấn ấy theo dòng thời gian đã hóa thành huyền tích, sống mãi trong tâm thức của người dân xứ Thanh cho đến tận ngày nay.

     Là một danh tướng lẫy lừng bậc nhất dưới thời Lý, suốt 19 năm trời coi giữ trấn Thanh Hóa và cùng nhân dân Thanh Hóa xây đắp cuộc sống yên vui, hạnh phúc, Thái úy Lý Thường Kiệt đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong dòng văn hóa nơi đây. Dường như những sự tích về ông không bao giờ nguôi trong tiềm thức của người dân xứ này.

     Tương truyền, trong thời gian coi giữ trấn Thanh Hóa, Lý Thường Kiệt tuy không phải là người sùng Phật, nhưng ông đặc biệt chú trọng đến việc tạo dựng một không gian Phật giáo thiêng liêng cho người dân xứ Thanh để họ hướng Phật, làm điều lành, tránh điều ác. Lúc bấy giờ, theo như văn bia chùa Linh Xứng, thì có Sùng Tín trưởng lão là thầy học của Linh Nhân Hoàng Thái hậu từ đất Thăng Long về thuyết pháp. Thái úy Lý Thường Kiệt đã dẫn Trưởng lão đi khắp mọi nơi tìm đất xây chùa. Với tầm nhìn xa trông rộng ấy, ông đã chọn núi Ngưỡng Sơn(12) – một hòn núi rất đẹp, có “dòng nước chảy quanh co, có bóng lam ngùn ngụt, sắc thúy đậm đà” để xây chùa Linh Xứng, một ngôi chùa “thờ Phật rộng thênh thang, có tượng Phật sắc vàng rực rỡ, có tháp báu nắng soi, có chuông vàng ngân vang khắp chốn để thức tỉnh mê, phá tan niềm hôn tục, khuyên bảo việc lành, răn đe điều ác”(13). Từ đây, ngôi chùa đã thực sự sớm trở thành nơi quy tụ dân chúng mộ Phật, thành điểm nhấn quan trọng trong không gian văn hóa Phật giáo nơi này.

     Gắn liền với tên tuổi của Lý Thường Kiệt, người dân xứ Thanh còn không thể nào quên sự tích về ông trong lần xây dựng ngôi chùa Báo Ân (Núi Nhồi), nay thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Chuyện kể rằng: bấy giờ “vào năm Nhâm Tuất (1082), vua Lý Nhân Tông đặt riêng một quán ở Thanh Hóa, ban cho Lý Thường Kiệt để phong ấp. Lý Thường Kiệt ra đó coi việc quân dân. Các đầu mục đều theo bóng, tất cả dân gian đều mến đức. Ông thấy ở phía tây nam quận lỵ có một quả núi cao và to, tên là An Hoạch. Núi sẵn có một thứ đá đẹp, màu sáng như ngọc lam, chất xanh như khói mới lên. Tạc làm đồ dùng rất dễ, làm khánh đánh lên rất kêu, làm bia rất bền. Ông bèn sai một người quản giác là Vũ Thừa Thiết đem dân Cửu Chân tới núi để lấy đá. Lý Thường Kiệt làm Tổng trấn Thanh Hóa trong 19 năm (1082 – 1101) được dân kính mến, giặc sợ hãi. Dân tự nghĩ rằng, đó là nhờ Phật tế độ cho dân qua bể khổ, mà dân chưa lấy gì làm báo đáp. Để ghi nhớ công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt, tất cả những người dân ở xứ này hiền ngu lần lượt, giàu nghèo đúng phiên đều san đất rẫy cỏ, dựng một ngôi chùa gọi là chùa Báo Ân”, “giữa đặt tượng Phật, dưới đặt tượng Bồ Tát, sắc óng ánh như vàng, đẹp như tranh vẽ. Mái tường rực rỡ là nhờ một sớm nét đan thanh điểm xuyết, trăm năm khí tượng mãi mãi thơm tho”(14).

     Không chỉ lưu danh những người trong hoàng tộc thời Lý mà đến với mảnh đất Thanh Hóa ngày nay, chúng ta còn được nghe kể vô vàn những sự tích về vua quan thời Trần.

     Ngay ở thành phố Thanh Hóa, thuộc phường Hàm Rồng, ở làng Đông Sơn, hầu như ai ai cũng biết đến chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh và những sự tích gắn liền với tên tuổi của những người trong hoàng tộc nhà Trần thời bấy giờ. Từ Trần Anh Tông, Trần Dụ Tông đến Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… tất cả đều đặt chân đến chốn tiêu dao tuyệt vời này và rồi ghi lại dấu ấn của mình, làm đẹp thêm không gian văn hóa xứ Thanh.

     Sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc đến những ngôi chùa xứ Thanh gắn liền với sự tích về những nhân vật lịch sử đất Thăng Long mà chúng ta không nhắc đến chùa Giáng với sự tích của vị vua Trần Duệ Tông. Câu chuyện kể rằng: dưới triều vua Trần Duệ Tông, giặc Chiêm Thành ngày đêm đem quân cướp bóc, tàn phá dân cư, làng mạc. Thấy thảm họa của chiến tranh gây bao đau thương cho nhân dân, nhà vua đã thân chinh đem quân đi dẹp giặc. Trên đường hành quân trở về, vua Trần Duệ Tông đã dừng chân ở địa phận Đốn Sơn. Đêm hôm đó, nhà vua nằm mộng thấy có một đám mây vàng lúc ẩn lúc hiện rất kỳ lạ. Cho rằng đó là điềm báo nên ngay sáng hôm sau, nhà vua đã ra sắc lệnh cho dân địa phương nơi đây xây dựng một ngôi chùa mang tên Tường Vân – một cái tên chứa đựng cả những tình tiết ly kỳ trong giấc mơ của vua (về sau mới đổi tên là chùa Giáng). Như vậy là từ một nhân vật lịch sử có thật, qua sắc màu huyền ảo của những sự tích, Trần Duệ Tông hiện lên thật đỗi gần gũi mà cao vời và vô cùng thiêng liêng, khắc tạc vào trong tâm thức của người dân xa xôi nơi đây một ấn tượng không thể phai mờ.

     Trải qua bao cuộc bể dâu, tên tuổi của những người con đất Thăng Long sống mãi cùng với sự trường tồn của những ngôi chùa này như một chứng tích bất diệt cho sự quyện hòa đến tuyệt vời giữa văn hóa – con người xứ Kinh kỳ với văn hóa – con người xứ Thanh. Các sự tích gắn liền với những nhân vật lịch sử đất Thăng Long đã thực sự làm nên chất thiêng mà huyền bí đến sâu thẳm của không gian văn hóa Phật giáo nơi này và rồi chính không gian tâm linh này lại nâng cánh cho những sự tích lịch sử ấy hóa thành huyền tích…

     2.3. Một số dấu ấn của nghệ thuật điêu khắc Thăng Long thời Lý – Trần trong không gian Phật giáo xứ Thanh

     Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thật không dễ gì để chúng ta có thể nhận diện rõ nét những chứng tích văn hóa Lý – Trần trong không gian Phật giáo xứ Thanh. Song nhìn sâu vào những lớp trầm tích văn hóa ở nơi đây, chúng ta vẫn bắt gặp dáng dấp của văn hóa Kinh kỳ ngày xưa.

     Đi trên con đường thuộc huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Trung ngày nay, chúng ta được biết đến ngôi chùa Hương Nghiêm. Đây không chỉ là ngôi chùa được đặc biệt trùng tu, tôn tạo dưới thời Lý – Trần, mà chính ở nơi đây, chúng ta còn bắt gặp không ít những dấu vết văn hóa Thăng Long thời Lý, trong đó rõ nét nhất là sự tồn tại của một số đá tảng kê chân cột chạm khắc nổi hình hoa sen – một biểu tượng điêu khắc tiêu biểu thời bấy giờ.

     Chúng ta tiếp tục nhìn thấy dấu vết văn hóa đặc trưng ấy trong rất nhiều ngôi chùa khác ở đất Thanh Hóa. Ví như: đến với chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh, chúng ta sẽ thấy dấu vết văn hóa Thăng Long thời Lý vẫn còn hiện hữu sinh động thông qua những bậc thềm bằng đá chạm khắc nổi hình con rồng mềm mại theo hình chữ S, không có sừng trên đầu, thân rồng có độ uốn lượn dạng thắt miệng túi, có cung độ rất đều đặn, to từ cổ rồi thon dần đều đặn đến đuôi, thân trơn. Rõ ràng là, biểu tượng của văn hóa Thăng Long đang hiện lên đầy sống động trong không gian Phật giáo này. Và còn nữa, ngay ở tấm bia chạm khắc ở ngôi chùa này cũng có họa tiết trang trí hình rồng, hoa sen. Ngoài ra ở nơi đây còn có 3 bệ tượng Tam thế bằng đá chạm khắc hình sư tử đội tòa sen.

     Tiếp nối cuộc hành trình, chúng ta tìm về địa phận thôn Trung, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc. Tại đây, chúng ta lại được biết đến một ngôi chùa rất nổi tiếng mang tên chùa Hoa Long. Ở nơi này, dấu tích văn hóa thời Trần vẫn còn hiện hữu qua bệ đá đặt tượng Tam thế (dài 3,42m; rộng 1,95m; cao 0,83m) được thể hiện sinh động như hình một bông sen khổng lồ vậy.

     Những dấu vết văn hóa ấy dẫu không còn nhiều, nhưng những gì chúng ta được thấy ngày hôm nay sau bao thăng trầm của lịch sử vẫn mãi là chứng tích cho sự trường tồn và quyện hòa đến tuyệt vời giữa văn hóa xứ Thanh và văn hóa Đế đô thời kì này.

     Vậy là, trải qua bao biến thiên của thời gian, vẫn còn đó trong không gian Phật giáo xứ Thanh ngày nay những dấu ấn lịch sử – văn hóa mang dáng hình Thăng Long. Dẫu là hữu hình hay vô hình thì những dấu ấn ấy vẫn sống mãi không bao giờ tắt trong tâm thức của người dân xứ Thanh như là biểu tượng đẹp cho quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa xứ Kinh kỳ và mảnh đất xứ Thanh. Từ đây, dòng sông văn hóa xứ Thanh vẫn không ngừng chảy, và theo thời gian, nó được bồi đắp bởi những lớp phù sa văn hóa ở khắp muôn nơi hội tụ về.

___________
(1). Như Nguyễn Trãi đã nhận xét trong cuốn Dư địa chí của mình.

(2). Cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 1.560 km về phía nam.

(3). Theo Đại Việt sử ký toàn thư tên Thanh Hóa xuất hiện vào năm 1111.

(4). Sđd, tr.237 – 238.

(5). Ngay cả trong việc cắt cử quan lại cấp xã, nhà Trần cũng ban hành quy định chung áp dụng cho tất cả mọi miền đất nước.

(6). Tác giả của bộ Đại Việt sử ký, người được mệnh danh là người cha của nền Sử học Việt Nam.

(7). (1977), “Văn bia chùa Linh Xứng”, Thơ văn Lý – Trần, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.362.

(8). Xưa là ấp Đại Lý, quận Cửu Chân.

(9). Lý Thường Kiệt làm Tổng trấn Thanh Hóa trong 19 năm (1082 – 1101).

(10), (11) . Xem văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh tự bi minh.

(12) . Thuộc địa phận xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung ngày nay (xưa là ấp Đại Lý, quận Cửu Chân).

(13) . Lê Văn Tạo, Nguyễn Văn Hải (2008), Những tấm bia ký điển hình ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa, tr.107 – 116.

(14) .Sđd, tr.99.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3(88) – 2015

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự lan tỏa của văn hóa Thăng Long đến không gian phật giáo xứ thanh thời Lý – Trần (Tác giả: ThS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh)