Sự suy tàn của nền giáo dục Nho học Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX

LE DECLIN DU SYSTEME EDUCATIF CONFUCEEN AU VIETNAM
VERS LA FIN DU XIXè – DEBUT DU XXè SIECLE

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  PHẠM THỊ LOAN
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Nửa đầu thế kỉ XIX (từ khi nhà Nguyễn thành lập 1802, đến khi Pháp xâm lược 1858) là thời kỳ nhà Nguyễn củng cố, thống nhất quyền lực về mặt hành chính và tư tưởng, ý thức hệ. Nhà Nguyễn đề cao, lấy Nho giáo, làm nền tảng nhằm thiết lập và duy trì trật tự xã hội. Theo đó, giáo dục Nho học được chấn hưng, mở mang rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, nền giáo dục Nho học truyền thống ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế khó khắc phục. Khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam (1858), nền giáo dục khoa cử Nho học từng tồn tại từ lâu trên đất nước ta cũng bước vào buổi mạt kỳ. Với các chính sách cải cách giáo dục của chính quyền thực dân Pháp, nền giáo dục Pháp-Việt từng bước được xác lập trên toàn cõi Việt Nam, thay thế và bãi bỏ hẳn nền giáo dục Nho học truyền thống.

     Có thể nói, sự lụi tàn và kết thúc của nền giáo dục Nho học hồi cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là một tất yếu lịch sử.

Từ khóa: Nho học, Nho giáo, giáo dục Việt Nam, cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

RÉSUMÉ

     La première moitié du XIXe siècle (de la création de la dynastie des Nguyen jusqu’à l’invasion française en 1858) était une période pendant laquelle la dynastie Nguyen a consolidé sa puissance, non seulement administrativement, mais aussi idéologiquement. La dynastie Nguyen a mis l’accent sur le confucianisme, a pris le confucianisme comme fondement pour ensuite établir et maintenir l’ordre de la société vietnamienne. Sur cette base, l’éducation confucéenne a été relancée et a été élargie dans tout le pays. Cependant, de plus en plus, l’éducation confucéenne traditionnelle révélant de nombreuses lacunes difficiles à surmonter. Quand les Français ont envahi le Vietnam (1858), l’éducation confucéenne et d’examen confucéen qui existe depuis longtemps dans notre paysa commencé sa disparition. Avec les politiques de réforme éducative du gouvernement colonial français, l’éducation franco-vietnamienne s’est progressivement établi dans tout le pays du Vietnam, remplaçant et abolissant complètement l’éducation confucéenne traditionnelle. Ainsi, la disparition et la fin de l’éducation confucéenne à la fin du XIXe et au début du XXe siècle est une nécessité historique inévitable.

Mots-clés: Confucianisme, Confucius, Éducation vietnamienne, la fin du xixe siècle, début du XXe siècle.

x
x x

1. Mở đầu

     Nho giáo là học thuyết do Khổng Tử sáng lập ở Trung Hoa vào cuối thời Xuân Thu, được bổ sung và phát triển qua nhiều giai đoạn, trở thành một hệ thống triết lý chính trị – đạo đức có ảnh hưởng to lớn không chỉ ở Trung Hoa mà còn rất nhiều quốc gia phương Đông khác, trong đó có Việt Nam. Du nhập Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên nhưng đến thời kỳ Lý – Trần, Nho giáo mới bắt đầu được chú trọng, trước hết là trong lĩnh vực giáo dục nhằm tuyển chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước. Nền giáo dục Nho học ban đầu đã thể hiện rõ vai trò là một nền giáo dục có bài bản, hệ thống, đào tạo ra tầng lớp Nho sĩ đông đảo, tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị – xã hội của đất nước. Vào thời Lê Thánh Tông, Nho học phát triển mạnh, tri thức của nền giáo dục Nho học trở thành thước đo cơ bản về tài trí, đức hạnh của sĩ tử và triều đình đãi ngộ trọng hậu các bậc khoa bảng. Nho giáo chính thức trở thành hệ tư tưởng thống trị trong kiến trúc thượng tầng phong kiến của xã hội Việt Nam. (Tham khảo thêm Loan, 2019, tr. 11-81).

     Trong thời kỳ khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam, từ thế kỉ XVI – XVIII, Nho giáo vẫn tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong hệ thống các học thuyết triết học, chính trị, tôn giáo. Các thế lực phong kiến trong thế đối trọng, cũng đều phải dựa vào Nho giáo để khẳng định đường lối trị nước chính danh – chính nghĩa của mình. Chính điều đó đã tạo đà cho triều Nguyễn ở thế kỉ XIX tiếp tục dựa vào Nho giáo để làm nền tảng tư tưởng của triều đại. Cùng với sự đề cao Nho giáo, giáo dục Nho học thời Nguyễn được chấn hưng, hệ thống trường học mở mang và khoa cử được chỉnh đốn. Đến nửa đầu thế kỉ XIX, với sự khuyến khích của nhà nước và sự trọng thị của người dân, từ trung ương đến địa phương, từ phố thị cho đến thôn xóm, không khí học chữ, học đạo lý thánh hiền trở nên sôi nổi rộng khắp, thậm chí “đến mức so với các nước châu Âu trước cách mạng tư sản, tỉ lệ người biết chữ ở Việt Nam vẫn đông hơn” (Ngọc, 2001, tr. 242). Thế nhưng đến cuối đời Tự Đức, Nho giáo bắt đầu rơi vào khó khăn, bế tắc, nền giáo dục Nho học đứng trước nhiều thử thách và chính thức cáo chung vào năm 1919.

2. Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy tàn của nền giáo dục Nho học cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX

     2.1. Những biến đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX

     * Về chính trị

     Từ nửa sau thế kỉ XIX, xu hướng thôn tính dân tộc và bành trướng thuộc địa của các nước đế quốc diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Các quốc gia ở châu Á, châu Phi… lần lượt trở thành thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Đức… Vào ngày 1/9/1858, bất chấp mọi nỗ lực của nhà Nguyễn trong việc ngăn chặn âm mưu xâm lược từ phương Tây, Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, bắt đầu cuộc can thiệp vũ trang xâm lược Việt Nam. Vào năm 1861, thành Gia Định mất về tay Pháp và từ sau năm 1864, đất Gia Định bắt đầu học và thi theo chương trình quy định của Pháp. Năm 1884, sau khi dập tắt các phong trào yêu nước, hoàn thành căn bản công cuộc bình định nước ta về mặt quân sự, Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa, áp đặt một chính sách thống trị quy mô và triệt để trên các lĩnh vực xã hội nhằm biến Đông Dương thành thuộc địa khai thác, bảo đảm siêu lợi nhuận cho chính quốc.

     Sau Hiệp ước Patenôtre (Giáp Thân 1884), Pháp chiếm toàn bộ lãnh thổ, Việt Nam chuyển từ chế độ quân chủ tập quyền, đứng đầu là triều đình phong kiến nhà Nguyễn, sang chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Để làm suy yếu sức mạnh đoàn kết của dân tộc, thực dân Pháp đã sử dụng chính sách “chia để trị” với những chế độ chính trị và thể chế khác nhau ở mỗi kỳ tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa mỗi vùng. Chính quyền Pháp chia nước ta làm ba kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau. Bắc Kỳ và Trung Kỳ là hai xứ bảo hộ (cùng với Lào và Campuchia), Nam Kỳ là đất thuộc địa hoàn toàn do Pháp nắm, hợp thành Liên bang Đông Dương. Với thủ đoạn này, chúng nhằm xóa bỏ tên Việt Nam, Lào, Campuchia trên bản đồ thế giới. Ở Việt Nam, với cấp tỉnh, xứ và Liên bang Đông Dương thì quyền lực tập trung vào tay những quan chức người Pháp: Toàn quyền Đông Dương, Thống đốc Nam Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ, công sứ các tỉnh, quân đội, cảnh sát, toà án… Ở cấp độ làng, xã, phủ, huyện, đạo, châu thì hầu hết các quan viên nắm quyền cai trị đều thuộc giai cấp địa chủ phong kiến, câu kết với thực dân Pháp, làm tay sai cho chúng, tiếp tục áp bức bóc lột nhân dân. Cùng với chính sách “chia để trị”, “dùng người Việt trị người Việt”, thực dân Pháp còn tìm cách thu hẹp quyền lực và phạm vi ảnh hưởng của triều đình nhà Nguyễn bằng cách nắm toàn bộ ngành thương chính, đề ra và kiểm soát các quy định thu chi về thuế. Pháp cũngnắm quyền chỉ huy quân đội triều đình, nắm quyền tổ chức và chỉ huy lực lượng cảnh sát ở các tỉnh. Người Pháp còn tăng cường lực lượng vũ trang, dùng binh lính thuộc địa để bảo vệ thuộc địa, hoặc để lấn chiếm thuộc địa. Từ năm 1887, Khâm sứ Pháp có quyền tham dự các cuộc họp của Viện Cơ mật, đồng thời cử nhân viên người Pháp vào làm việc ở các bộ và các tỉnh. Đạo dụ ngày 3/6/1887 của vua Đồng Khánh cho thấy những quyền hạn quan trọng cuối cùng của triều Nguyễn bị bãi bỏ, người Pháp toàn quyền trong công việc nội trị và ngoại giao của Việt Nam (Khánh, 1999, tr. 15).

     * Về kinh tế

     Các cuộc khai thác thuộc địa của Pháp diễn ra mạnh mẽ dẫn đến sự xuất hiện các ngành kinh tế mới, như: khai khóang, đóng tàu, cầu đường, thương mại, ngân hàng tài chính…, làm thay đổi các ngành kinh tế truyền thống như: thủ công – Mĩ nghệ, nông nghiệp lúa nước…

     Trên lĩnh vực nông nghiệp, ruộng đất của người nông dân giai đoạn này hầu hết đều rơi vào tay đế quốc, phong kiến. Thực dân Pháp đã biến đất đai chiếm được thành đồn điền trồng lúa, trồng cây công nghiệp, cây có giá trị kinh tế cao, đem lại cho chủ đồn điền nguồn lợi lớn. Để khai thác triệt để giá trị thặng dư của đất, thực dân Pháp đã xây dựng nhiều công trình đập thuỷ lợi, nhà máy – trạm bơm nước bằng điện phục vụ tưới tiêu. Nhà máy sản xuất phân bón hóa học được xây dựng, những cơ sở khoa học kĩ thuật, trạm thí nghiệm giống cây, con xuất hiện ở nhiều nơi. Trong lĩnh vực công nghiệp, các khu công nghiệp khai mỏ hình thành ở nhiều nơi để cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp Pháp như khu mỏ Hồng Gai, Đông Triều, Tuyên Quang, Phấn Mễ, Thái Nguyên, mỏ thiếc Tĩnh Túc… Công nghiệp chế biến đã xây dựng nhiều nhà máy hiện đại bao gồm các ngành chế biến lâm sản, hải sản, vật liệu xây dựng… Nhiều nhà máy sợi, nhà máy tơ, xí nghiệp dệt, dệt chiếu, sản xuất đường, nhà máy xay xát gạo, ép dầu, chưng cất rượu ra đời (Khánh, 1999, tr. 108).

     Vào đầu thế kỉ XX, hệ thống đường giao thông bắt đầu được mở mang (đường sắt, đường bộ, đường hàng không), nối liền các trung tâm khai thác với đô thị, toả ra khắp nông thôn phục vụ việc chuyên chở, phân phối hàng hóa. Đường bộ mở rộng đến các khu công nghiệp khai mỏ, đồn điền, bến cảng. Hàng trăm cây cầu sắt, bê tông cốt sắt được xây dựng. Đường thuỷ khai thông các hệ thống sông lớn: sông Hồng, sông Hậu, sông Thái Bình, sông Đồng Nai. Các tàu thuỷ lớn, xà lan đã chạy trên các tuyến sông, trong đó có nhiều tàu chạy bằng đầu máy hơi nước. Những phương tiện giao thông đường bộ hiện đại như ô tô vận tải, xe taxi đã xuất hiện. Ngành thương mại rất phát triển với sự ra đời của một hệ thống chợ (chợ huyện, chợ tỉnh, chợ lớn, chứ không chỉ có chợ quê như trước) với các hoạt động buôn bán sôi nổi. Các hoạt động tài chính chịu sự điều khiển của hai ngân hàng lớn là ngân hàng Pháp – Hoa và ngân hàng Đông Dương, với mục đích sinh lợi nhanh chóng cho tư bản Pháp. Sự xâm nhập kinh tế tư bản đã làm thay đổi chức năng của các đô thị Việt Nam, từ mô hình đô thị Trung đại với chức năng là trung tâm chính trị chuyển sang mô hình đô thị cận đại với chức năng trung tâm kinh tế công thương nghiệp là chính. Những thành phố cận đại đầu tiên ra đời vào cuối thế kỉ XIX: Sài Gòn (1877), Hà Nội (1888), Hải Phòng (1888), Chợ Lớn (1879), Đà Nẵng (1889). Đầu thế kỉ XX, nhiều thị xã mở rộng quy mô lên thành phố, bộ mặt đô thị được xây dựng hiện đại theo kiến trúc phương Tây, điển hình là thành phố Sài Gòn, Hà Nội.

     * Về cơ cấu xã hội

     Sự du nhập phương thức kinh tế tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam giai đoạn này đã làm xuất hiện một lực lượng lao động mới. Đó là những người nông dân, thợ thủ công thời phong kiến, bị chính sách bần cùng hóa làm phá sản phải ra khỏi làng mạc đến sống tập trung ở các công trường xây dựng, các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, bán sức lao động làm thuê cho tư sản (tư sản Pháp, Hoa, Việt Nam), trở thành những người công nhân hiện đại, vượt ra ngoài khuôn khổ làng xã, nông dân và nông thôn. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ làm phố xá xuất hiện, các thành phố cận đại ra đời, và những người làm thuê ở các bến xe, bến tàu, bến cảng, những công chức, những nhà tư sản và tiểu tư sản… trở thành tầng lớp cư dân đô thị mới. Đồng thời, tầng lớp học sinh, sinh viên, giáo viên ngày một đông, họ là những người nhạy cảm và năng động trước những biến đổi của đất nước và thế giới. Họ nhanh chóng nhận ra những yếu tố mới, tiến bộ trong văn hóa nhân loại để học tập và ứng dụng có chọn lọc vào thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, xã hội còn có tầng lớp trí thức Tây học biết tiếng Pháp, hiểu văn hóa Pháp và một lực lượng sáng tác mới, tầng lớp văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu văn hóa của cư dân thành thị. Những thập niên đầu thế kỉ XX, trong lớp cư dân thành thị Việt Nam cũng tồn tại một bộ phận người Hoa, người Ấn Độ, và nhiều nhất là kiều dân Pháp. Sự hiện diện của họ trong cộng đồng người Việt tạo ra sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau, làm xuất hiện ngày càng đông đảo những con người mới với cách tư duy, hành xử khác văn hóa truyền thống.

     Có thể nói trong giai đoạn này, sự hình thành các tầng lớp cư dân mới đã phá vỡ cơ cấu giai tầng xã hội truyền thống để hình thành một cấu trúc xã hội đa dạng hơn, với nhiều giai tầng gồm địa chủ, nông dân, tư sản, công nhân và tiểu tư sản. Lúc này, kẻ sĩ không còn đứng đầu thiên hạ, thương nhân không còn là kẻ mạt hạng như trong quan niệm truyền thống của Nho gia, mà chỉ có các tầng lớp thượng lưu, trung lưu và bình dân, nghèo khổ. Mỗi tầng lớp cư dân có nhu cầu, chuẩn mực khác nhau về tư tưởng, giáo dục, đạo đức, mục tiêu nghề nghiệp, hưởng thụ đời sống, nên nền giáo dục Nho học với những giới hạn của nó đã không còn đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực tiễn xã hội trong bối cảnh mới.

     * Về văn hóa, tư tưởng

     Trước khi Pháp xâm lược nước ta, các yếu tố văn hóa, văn minh phương Tây đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu nhưng do thái độ và đường lối sai lầm của triều đình nhà Nguyễn, nó không có điều kiện phát huy ảnh hưởng trong đời sống xã hội. Chỉ đến khi Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, tiến hành xây dựng cơ sở vật chất làm bàn đạp cho tiến trình xâm lược Việt Nam, các yếu tố văn hóa, văn minh Tây phương mới có điều kiện phát huy ảnh hưởng. Các nhân vật được đào tạo và trưởng thành trong môi trường Nho giáo như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch… đã nhận thức được tình thế hiểm nghèo của vận mệnh dân tộc, thấy được sự bất lực của nền giáo dục Nho học cũ kĩ để đề nghị con đường canh tân, cải cách, cho đất nước tự cường, thóat khỏi họa vong quốc.

     Vào những năm 1900-1918, giới trí thức Nho học đã tiếp xúc với tư tưởng dân chủ tư sản tiến bộ nhiều hơn tư tưởng quân chủ phong kiến. Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, trong giới trí thức Nho học xuất hiện hai lập trường khác nhau, hình thành hai trường phái cựu họctân học. Phái cựu học, đại biểu cho những tầng lớp phong kiến đương thời, nhìn nhận những mặt trái để phê phán văn hóa phương Tây, giữ thái độ bài ngoại, chống thực dân Pháp xâm lược, từ chối luôn sự hiện diện của văn hóa Pháp. Phái tân học lại cho rằng cần kết hợp với các giá trị tốt đẹp, tiến bộ của văn hóa Phương Tây để Âu hóa hoàn toàn. Đại biểu cho phái tân học là các sĩ phu tiến bộ, những người đi tiên phong trong các phong trào đả phá những quan niệm phong kiến lạc hậu bởi họ cho đó là nguyên nhân của mọi sự yếu hèn, thối nát hiện thời. Họ kiên quyết đấu tranh chống lại phái bảo thủ với tư tưởng bài ngoại, độc tôn, khước từ đổi mới. Họ tìm đọc Dân ước luận của Rút xô, Dân quyền luận của Môngtetxkiơ, Tiến hóa luận của Hêbenspenxơ. Họ cảm nhận được giá trị Chân – Thiện – Mĩ của khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” đã giương lên trong cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789). Sách báo tiến bộ Pháp đã trang bị cho họ một tầm nhìn rộng lớn hơn, một cách tư duy phân tích khoa học để nhận thức thực trạng đất nước. Họ bắt đầu tách khỏi lập trường Nho học truyền thống, nhận ra rằng, lúc này “các học Nho đã lộ hết nhược điểm của nó rồi, nó không còn tiêu biểu cho miếng đất của tư tưởng bài ngoại, chống Pháp nữa” (Giàu, 1993, tr. 299). Họ khao khát tiến bộ, giàu mạnh, nên quyết tâm phá bỏ cái lạc hậu, hướng dân tộc phát triển theo con đường văn minh tư bản. Họ đã đề ra nhiều giải pháp để duy tân, cải cách đất nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản tiêu biểu như Phan Bội Châu với việc thành lập Duy tân hội (1904), tổ chức phong trào Đông Du (1906); Phan Châu Trinh với cuộc vận động duy tân, cải cách trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa (Đông Kinh nghĩa thục, 1907)… Tâm lý phổ biến trong lớp sĩ phu tiến bộ đầu thế kỉ XX là háo hức tìm cái mới để chống Pháp, để cứu nước, cứu nhà nhưng điều dễ thấy là lúc này, “hầu như không còn ai tìm đường chống Pháp qua các Nho học nữa rồi. Các tầng lớp thanh niên bị lôi cuốn vào Tây học, vào các học khoa học, đường lập thân lập chí, kiếm sống đều qua Tây học cả” (Giàu, 1993, tr. 299).

     Như vậy, sự xuất hiện mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đã làm thay đổi đời sống văn hóa vật chất, tinh thần và tư duy của con người Việt Nam. Một số phong tục tập quán, truyền thống, luân thường đạo lý của nền văn hóa thuần nông bị phá vỡ, thay vào đó là những yếu tố mới của văn hóa công thương. Lúc này, những tư tưởng chính trị – đạo đức của Nho gia dần bị lay chuyển mạnh mẽ, người ta biết nhiều hơn đến những giá trị văn hóa tiến bộ trên thế giới với việc đề cao tự do cá nhân con người.

     2.2. Những hạn chế khó khắc phục của nền giáo dục Nho học

     Thứ nhất, hạn chế về đối tượng học tập

     Trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam, kể từ khi nền giáo dục Nho học chính thức được xác lập vào thời nhà Lý, việc học hành chính quy chỉ dành riêng cho nam giới, chỉ nam giới mới được học chữ thánh hiền. Nền giáo dục chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ rõ rệt. Tuy trong xã hội có một số ít con gái nhà nho, nhà quý tộc, cung phi trong triều đình được học tập, nhiều người rất thông minh, giỏi giang hay chữ nhưng chưa có một phụ nữ nào được đi thi Hương, thi Hội trừ người giả trai đi thi như bà Nguyễn Thị Duệ (thời nhà Mạc, đỗ Tiến sĩ). Vào thế kỉ XIX, nền giáo dục Nho học thời Nguyễn được mở mang nhưng người phụ nữ cũng không được tham gia vào khoa cử Nho học. Không chỉ vậy mà đối tượng được học tập và thi cử chủ yếu vẫn là con em quan lại, quý tộc, con em nhà nông cơ bản chưa được tham gia thi do điều kiện học tập hạn chế. Nhìn chung, đến thế kỉ XIX, dù triều đình phong kiến tìm mọi cách khuyến khích giáo dục nhưng nền giáo dục Nho học truyền thống vẫn chưa thực sự là một nền giáo dục đại chúng.

     Thứ hai, hạn chế về mục đích, nội dung và phương pháp học tập

     Một hạn chế lớn của giáo dục Nho học chính là ngay từ đầu nó đã gắn chặt với bộ máy chính trị, do đó, mục đích của giáo dục là để đào tạo đội ngũ quan lại phục vụ triều đình. Người học lấy đích đến của việc học là để đi thi, “học để làm quan” (học tắc sĩ), để vinh thân phì gia. Ít người quan niệm học để phát triển văn hóa, đạt đến những tầm cao tư tưởng, hoàn thiện bản thân, để sống và làm những công việc có ích khác. Mẫu người mà nền giáo dục khoa cử Nho giáo đề cao không phải là một chuyên gia mà là một quan lại, có khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của nhà nước, gắn quyền lợi của mình với vương triều và tuyệt đối trung thành với nhà vua. Vì thế, trong hệ thống giáo dục Nho học, nghề chuyên môn không được khuyến khích đề cao. Các kiến thức dạy và học vì thế thường mang tín lý thuyết, phi thực tế, sáo mòn, rập khuôn. Hơn nữa, lý thuyết mà nền giáo dục này cung cấp chủ yếu là xoay quanh lý tưởng của Nho giáo, bao gồm bốn chữ “Tu, tề, trị, bình”, “văn dĩ tải đạo”, chỉ chú trọng “trí dục” và “đức dục” mà chưa chú trọng rèn luyện thể, Mĩ – điều kiện để phát triển diện con người. Nội dung dạy và học chưa có các chương trình khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, không có chương trình dạy về sản xuất, kỹ năng thực hành mà thiên về dạy đạo đức, luân lý, chính trị. Nội dung đó được thể hiện trong sách giáo khoa và cả trong nội dung thi cử. Các cuốn sách để giảng dạy ít về chủng loại và số lượng, chủ yếu gồm có: Tam tự kinh, Hiếu kinh, Minh đạo gia huấn, Minh tâm bảo giám, Tứ thư (Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh tử), Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu), Bắc sử, Việt sử. Bên cạnh đó, còn có thêm sách Ấu học ngũ ngôn thi là “thơ năm tiếng để trẻ học”, các sách Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự và Sơ học vấn tân có ý nghĩa và giá trị trong việc dạy văn hóa và đạo đức cho lứa tuổi ấu sinh. Với những nội dung dạy học đó, các Nho sĩ chỉ thuộc những chuyện ngày xưa mà không hiểu được chuyện đương thời. Họ hoàn toàn xa lạ với những thành tựu to lớn mà nhân loại đạt được trên các lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, công nghiệp, thương nghiệp, quân sự, giao thông… Mặc dù, dưới triều Nguyễn, việc học tập được mở từ tỉnh đến huyện, xã nhưng nội dung học tập lại là những kiến thức lỗi thời từ hàng trăm năm trước. Phương pháp học tập chủ yếu là tầm chương, trích cú với tinh thần “thuật nhi bất tác” (thuật lại mà không có sáng tạo gì thêm), hạn chế lối suy nghĩ độc lập, bóp nghẹn lý trí phê phán của người học, là trở ngại cho sự xuất hiện các học phái tư tưởng lớn… Về thi cử, nội dung chủ yếu xoay quanh lý thuyết chính trị, đạo đức Nho giáo với mục đích là nhằm phục vụ vương quyền, bảo vệ ngai vàng, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Với “chế độ thi cử ngặt nghèo, nội dung đào tạo lạc hậu, thiếu thực tiễn đã chỉ tạo ra những sản phẩm như cùng một khuôn đúc, xơ cứng, những yếu tố năng động của cá nhân bị triệt bỏ. Vì vậy, nhiều người tuy có đỗ đạt nhưng không đóng góp được gì nhiều vào các hoạt động quản lý đất nước” (Hậu, 2014, tr. 174).

     Thứ ba, sự khủng hoảng của giáo dục Nho học triều Nguyễn

     Vào thế kỉ XIX, triều đình nhà Nguyễn tìm mọi cách chấn hưng Nho học, phục hồi địa vị của Nho giáo. Các vị vua nhà Nguyễn đều những người trực tiếp truyền bá Nho học và đào tạo Nho sĩ. Vua Gia Long quy định nội dung học tập cho các lứa tuổi; vua Minh Mạng và vua Tự Đức đều tự mình ra đầu đề thi cho các kỳ thi Hội, thi Đình. Tuy nhiên, trong lúc thế giới có nhiều biến động sâu sắc, có ảnh hưởng đến Việt Nam thì triều Nguyễn chìm sâu trong vòng bảo thủ, buộc chặt học hành, khoa cử vào lối học thi xưa cũ, chỉ thuần văn chương và kinh sử mà không đả động đến vấn đề của đời sống với những mặt hệ trọng như kinh tế và khoa học. Giáo dục Nho học không quan tâm đến tri thức khoa học, tri thức kinh tế, chú trọng về lý thuyết, hơn nữa lại là lý thuyết Nho giáo có khuynh hướng duy tâm, bảo thủ. Nếu như Nho sĩ của một số triều đại trước nặng về việc tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa, quan điểm thân dân của Khổng-Mạnh, thì Nho sĩ triều Nguyễn lại chủ trương kế thừa tư tưởng thần bí của Hán Nho, chủ nghĩa duy tâm khách quan của Tống Nho, chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái tâm học đời Minh, tư tưởng đẳng cấp khắc nghiệt đời Thanh. Về thi cử Nho học thì ngày một bê bối, chương trình thi không ổn định, trình độ học sinh ngày càng kém, triều đình phải đổi phép thi đến 30 lần. Tuy nhiên, những thay đổi và bổ sung lớn nhỏ trong giáo dục, thi cử Nho học ở triều Nguyễn chỉ nhằm hoàn thiện các quy chế thi cử và cách thức tổ chức mạng lưới trường học chứ không phải một cuộc cải cách thật sự vì nó không đụng chạm gì đến cấu trúc của hệ thống giáo dục, nội dung cơ bản và phương pháp cơ bản của nền giáo dục đó. Tất cả đã phản ánh sự khủng hoảng và bế tắc chung của giáo dục thời Nguyễn nói riêng và của nền giáo dục phong kiến nói chung. Lúc này, hệ thống lý luận Nho học đã không còn khả năng phản ánh chính xác và toàn diện các quá trình xã hội trong đất nước nữa. Đứng trước nhiều vấn đề nảy sinh, triều đình nhà Nguyễn tỏ ra lúng túng giữa các chuẩn mực, chính thống theo Nho học và yêu cầu phải trả lời các vấn đề đó. Từ chỗ là một công cụ xây dựng chế độ phong kiến trung ương tập quyền phù hợp với yêu cầu kinh tế-xã hội mà trước đây ở thời Lê Thánh Tông trị vì, “Nho giáo hầu như chưa biểu hiện những hạn chế trong quản lý đất nước, duy trì ổn định và thái bình xã hội theo quan niệm Nho giáo” (Doãn, 1999, tr. 53), thì giờ đây, Nho giáo lại trở thành công cụ tư tưởng bảo vệ triều đại phong kiến mục nát, lỗi thời. Với nền tảng luân lý, đạo đức của Nho gia, các vua Nguyễn coi buôn bán là nghề mạt, xếp thương nghiệp đứng sau các nghề khác, đồng thời áp dụng các biện pháp ức thương, thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”. Chính sách này được các vua Nguyễn kiên trì thực hiện do nhiều căn nguyên, mà trước hết là xuất phát từ quan niệm cho rằng việc giao thương với người phương Tây có thể làm suy đồi đạo đức nhân dân, trái ngược với mục đích chính trị – đạo đức của Nho giáo và có thể dẫn tới phản loạn, nên triều đình không thiết lập quan hệ thương mại chính thức với bất cứ quốc gia nào. Thực tế, các chính sách đó đã không đem lại những kết quả như nhà Nguyễn mong muốn mà trái lại, đã kìm hãm khả năng vươn lên cùng thời đại của dân tộc, làm suy yếu rệu rã sức đề kháng của đất nước trước nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Lúc này, Nho giáo và nền giáo dục Nho học “đã trở nên lạc hậu, bất cập, không đủ sức soi sáng cho sự nghiệp xây dựng đất nước, ổn định xã hội và – quan trọng hơn cả – không đủ sức có một tầm nhìn xa rộng để chuẩn bị cơ sở kinh tế – xã hội và văn hóa cho đất nước có khả năng chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây” (Thắng, 1994, tr. 110). Vì thế, sự suy tàn của nó là một tất yếu trước sự vận động đi lên của lịch sử.

     2.3. Các chính sách cải cách giáo dục của chính quyền thực dân Pháp và sự xác lập nền giáo dục Pháp-Việt

     Sau khi giành được những thắng lợi về quân sự, người Pháp chú trọng vào các chính sách văn hóa – giáo dục với mục đích đồng hóa toàn bộ dân tộc Việt Nam. Thông qua việc mở trường dạy học, người Pháp muốn tạo ra những viên chức đảm nhận các công việc thông ngôn, thư ký trong các cơ quan hành chính vừa được thiết lập, đồng thời tạo sự liên hệ giữa tầng lớp cai trị và người dân bản xứ; còn về lâu dài, trường học là nơi tạo ra nguồn nhân lực cung ứng cho các chương trình kinh tế lớn lao sẽ được thực hiện. Lúc này, sự tồn tại của nền giáo dục Nho học truyền thống trở thành rào cản đối với ý đồ xác lập nền thống trị của người Pháp bởi vì nền giáo dục này có tác dụng lớn trong việc nuôi dưỡng lòng yêu nước và truyền bá những giá trị văn hóa dân tộc. Không chỉ vậy, việc sử dụng chữ Hán trong giáo dục cũng là trở ngại để người Pháp truyền bá văn minh phương Tây theo ý đồ của họ. Do đó, chính quyền thực dân Pháp đã đề ra những chủ trương cải cách nền giáo dục Nho học đang tồn tại, thay thế chữ Hán bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Ý tưởng này được thực hiện đầu tiên trên vùng đất Nam Kỳ.

     Sau khi chiếm được đồn lũy Chí Hòa ngày 25/2/1861, người Pháp ban hành Nghị định số 89 ngày 8/5/1862 thành lập trường Thông ngôn An-nam (hay còn gọi là Évêque D’Adran – Bá Đa Lộc) để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp. Mục đích của trường là đào tạo những thông dịch viên cho quân đội Pháp và những thư kí làm trong các cơ quan hành chính. Những chủ trương trên của Léonard Charner gặp phải khó khăn do sự bất hợp tác của những người trí thức Nho học. Sau khi thay thế Charner, đô đốc Bonard dự định khôi phục lại chế độ khoa cử ở các tỉnh đã chiếm được nhưng vẫn không thực hiện được. Ở các làng xã, chữ Hán vẫn được dạy và học như cũ (Báu, 1994, tr. 35-36).

     Trước tình hình đó, thực dân Pháp chủ trương phổ biến sâu rộng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1864, Đô đốc De La Grandière ban hành Lệnh số 60 về việc thành lập một số trường tiểu học tại Nam Kỳ để dạy tiếng Pháp cho người bản xứ. Người dân chưa thích nghi với chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Theo đó, tổ chức ở các tỉnh một số trường tiểu học để dạy chữ Quốc ngữ và dạy toán nhưng số học sinh rất ít. Điều này thể hiện sự bất hợp tác từ dân chúng đối với trường học do chính quyền xâm lược lập nên và những ảnh hưởng của nền Nho học truyền thống trong dân chúng. Từ năm 1871 đến 1879, tại Nam Kỳ, nhà cầm quyền Pháp cho thành lập nhiều trường học và ban hành quy chế giáo dục tại Nam Kỳ: Trường Sư phạm thuộc địa tại Sài Gòn (1871), Trường Tập sự (1873), đặt Quy chế cho nền học chính Nam Kỳ (1874), Chương trình giáo dục công (1874), Quy định Ngạch công chức của nhân sự giảng dạy, tổ chức Sở Học chính Nam Kỳ (1879). Đến đây, chương trình giáo dục công của Nam Kỳ gồm hai bậc là giáo dục tiểu học (học đọc và học viết chữ Quốc ngữ, chữ Hán, tiếng Pháp, số học sơ cấp, hình học sơ đẳng, khái niệm đo đạc sơ đẳng, khái niệm chung về địa lý và lịch sử) và giáo dục trung học (học lý luận tiếng Pháp, khái niệm cơ sở về văn học Pháp, tập làm văn bằng tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, khái niệm chung về lịch sử cổ đại và hiện đại, trong đó có đề cập đến vai trò của nước Pháp, địa lý đại cương, khái niệm về vũ trụ học, số học…). Theo đó, chương trình giảng dạy của Pháp ở Nam Kỳ đã bổ sung những môn học về khoa học tự nhiên, các kỹ năng cơ bản phục vụ nền hành chính và các hoạt động đời sống tùy theo từng cấp, những môn học chưa từng xuất hiện trong nền giáo dục cũ như số học, hình học, đại số, lượng giác, hóa học, vật lý, lịch sử tự nhiên, kỹ thuật đo đạc, vẽ, quản lý sổ sách,… Đây là một trong những điểm khác biệt cơ bản với giáo dục truyền thống và là biểu hiện của sự thay đổi theo mô hình giáo dục tại Pháp. Lúc này, chữ Hán vẫn có một vị trí nhất định trong chương trình học và các trường Nho học vẫn có quyền tự do thành lập mà không cần phải xin phép, thậm chí theo chương trình học của Quy chế 1879, học sinh còn được học Tứ thư (từ cấp 1 đến cấp 3), Lịch sử và Địa lý Việt Nam (ở cấp 2 và cấp 3). Từ nửa sau thế kỉ XIX với việc chế độ khoa cử bị bãi bỏ, phong trào kháng chiến do các sỹ phu lần lượt thất bại, nhà cầm quyền liên tục ban hành các nghị định buộc dùng chữ Quốc ngữ trong các giấy tờ hành chính, khuyến khích bằng tiền, miễn thuế cho việc sử dụng và dạy loại văn tự này thì nền Nho học Nam Kỳ đã không duy trì được. Năm 1886, ưu thế về số lượng học sinh vẫn nghiêng về các trường Nho học nhưng nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ đã được định hình, tiến dần đến sự ổn định, hoàn chỉnh.

     Từ năm 1886, khi bộ máy hành chính Liên bang Đông Dương chính thức được thiết lập ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Tổng Trú sứ Paul Bert đã tiến hành củng cố và mở rộng bộ máy cai trị, chú trọng nhiều hơn đến phương diện văn hóa, giáo dục. Với cách làm khôn khéo, êm dịu, Paul Bert chủ trương vừa phát triển mở rộng trường lớp, phổ cập chữ Pháp, chữ Quốc ngữ, nhưng vẫn duy trì nền giáo dục cũ, cải tổ dần để đi đến thủ tiêu hoàn toàn. Từ tháng 2/1897 – 3/1902, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đẩy mạnh cải cách giáo dục hơn nữa, quyết định trong chương trình kỳ thi hương phải có môn Quốc ngữ và chữ Pháp nhưng chưa bắt buộc. Năm 1905, người Pháp thành lập Nha Học chính Đông Dương nhưng quy định chưa thật rõ ràng và phù hợp nên giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đến đây, hệ thống giáo dục Việt Nam tồn tại dưới 3 hình thức khác nhau ở 3 kỳ: Ở Nam Kỳ, đa số các tổng, xã đều có trường tiểu học Pháp-Việt dạy chữ Pháp và Quốc ngữ. Chữ Hán xóa bỏ gần như hoàn toàn; Ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ (nhất là Trung Kỳ), số trường dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ còn rất ít, các trường chữ Hán vẫn tồn tại khắp nơi. Do sự khác nhau đó mà người Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi và chỉ đạo, tạo tiền đề cho hai cuộc cải cách giáo dục lớn vào đầu thế kỉ XX, hình thành nền giáo dục Việt Nam mang dấu ấn giáo dục Pháp rõ nét (Xem Báu, 1994, tr. 54-59).

     Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất là doToàn quyền Paul Beau thực hiệnvào năm 1906 đã tác động trực tiếp đến hệ thống giáo dục, thi cử Nho học và hệ thống các trường Pháp-Việt. Theo đó, trường dạy chữ Hán nằm trong nền giáo dục Nho giáo được chia làm 3 bậc: Ấu học, tiểu học và trung học. Ấu học có 3 loại trường: trường 1 năm cho những làng xa xôi, hẻo lánh, chỉ dạy chữ Quốc ngữ và Pháp, không dạy chữ Hán; trường 2 năm dạy Quốc ngữ và Pháp; trường 3 năm dạy cả chữ Hán, Quốc ngữ và Pháp (Pháp bắt buộc). Kết thúc ấu học sẽ có kỳ thi Hạch tuyển, nếu đậu được cấp bằng tuyển sinh. Tiểu học học 2 năm, mở ở các phủ huyện do các giáo thụ, huấn đạo chịu trách nhiệm; chủ yếu các môn: toán, luận, cách trí, sử, địa, vệ sinh, luân lý… bằng cả 3 thứ tiếng, chữ Quốc ngữ nhiều giờ hơn (15,5 giờ/tuần). Chữ Hán giữ vị trí quan trọng, học 10 giờ/ tuần với các sách: Tứ thư (trừ Trung dung) đã được soạn định lại, thêm các sách Chính biên toát yếu, Pháp lan tây sử lược, Nam quốc địa dư, Đông Dương chính trị… Chữ Pháp mỗi tuần chiếm gần 10 giờ, chủ yếu tập trung vào tập làm văn và tập đối thoại. Cuối năm có thi Hạch khóa để lấy bằng khóa sinh; người đậu được miễn sưu dịch 3 năm và được học lên trung học. Trung học học 3 năm, thường mở ở các tỉnh lỵ, học sinh được cấp học bổng, học bằng 3 thứ chữ: Quốc ngữ, Hán và Pháp (chữ Hán chỉ được dạy ít hơn). Hết trung học, có kỳ thi Thí sinh hạch để lấy bằng Thí sinh, người đỗ sẽ được miễn sưu dịch 1 năm, được thi Hương. Nội dung kì thi thi Hương cũng được thêm vào phần thi chữ Pháp. Trường Nhất: văn sách viết bằng chữ Hán gồm 5 đầu bài; trường Nhì: luận chữ Việt; trường tam: dịch một bài chữ Pháp ra Quốc ngữ và một bài chữ Hán sang Pháp; Kỳ Phúc hạch để chọn cử nhân, thí sinh phải làm một bài luận chữ Hán, một bài luận chữ Việt và một bài dịch chữ Pháp sang Hán. Tùy theo số điểm cao thấp mà định cử nhân hay tú tài.

     Về tài liệu học tập, thời kỳ đầu người Pháp phải cho học sinh dùng tờ Gia Định Báo làm sách tập đọc, sau đó lại mang sách dịch từ Pháp sang nhưng do không phù hợp với trình độ học sinh nên kết quả hạn chế. Đến những năm 1880, Trương Vĩnh Ký và một số người Pháp trong cơ quan học chính Nam Kỳ biên soạn được một số sách giáo khoa để dạy trong các trường tiểu học. Ngoài ra còn một số sách như Cai trị lễ pháp, Ấu học luân lý (Trần Văn Thông, Đỗ Thận biên soạn) hoặc một số sách dịch từ tiếng Pháp: Ấu học bị thể (LeBris), Nông học tập đọc (Breamer), Vô cơ vật loại (Gourdon)… (Báu, 1994, tr. 69-70).

     Với cải cách giáo dục lần thứ nhất, người Pháp dự định bổ sung vào các sách Quốc ngữ một số môn như tập đọc, toán, cách trí, vệ sinh… Sách chữ Hán có Ấu học giáo khoa thư, Ấu học luận ngữ, Mạnh Tử chính văn… Sách chữ Pháp chủ yếu là những cuốn đã dùng ở Nam Kỳ từ trước như Conversation francaises et annamites (Đàm thoại tiếng Pháp và tiếng Annam), Petit cours de géographie de la Basse Cochinchine (Sơ lược về địa dư xứ Hạ Nam Kỳ) của Trương Vĩnh Ký… (Báu, 1994, tr. 70).

     Bên cạnh sự thay đổi của hệ thống trường theo Nho học, toàn quyền Paul Beau cũng cho tổ chức lại hệ thống trường Pháp-Việt với hai bậc học Tiểu họcTrung học. Tiểu học gồm những trường có 4 lớp: lớp tư, lớp ba, lớp hai và lớp nhất; cuối bậc có kỳ thi lấy bằng tiểu học Pháp-Việt. Chương trình học hầu hết bằng tiếng Pháp, chữ Hán chỉ mang nội dung luân lý, không dạy khoa học. Trung học dạy học sinh tốt nghiệp tiểu học và có thể vượt qua kỳ thi tuyển, dạy trong 5 năm, chia làm 2 cấp: trung học đệ nhất (4 năm) và trung học đệ nhị (1năm). Trung học gồm hai ban: Ban văn học, học thêm một ít chương trình năm thứ nhất của tú tài Pháp (chủ yếu là văn học Pháp), ngoài ra còn tiếng Việt và chữ Hán; Ban khoa học chia làm 3 ngành: nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp, đào tạo nhân viên cho các ngành kinh tế (Học sinh ban khoa học có thể thi vào sư phạm hoặc pháp chính).

     Như vậy, với cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất năm 1906, “nền giáo dục của thực dân đã xâm nhập mạnh mẽ hơn vào nền giáo dục Nho giáo cổ truyền, sẽ tạo điều kiện để xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục này khi cần thiết” (Báu, 2008, tr. 15).

     Tuy vậy, cuộc cải cách giáo dục lần này chưa thực sự triệt để và đáp ứng hoàn toàn mong muốn của nhà cầm quyền, nên vào năm 1917, khi nhậm chức Toàn quyền Đông Dương lần thứ 2, Albert Sarraut đã thực hiện dứt khóat những chính sách nhằm xác lập nền giáo dục Pháp-Việt ở Việt Nam. Trước tiên, ông ban hành Nghị định số 904 ngày 6/4/1917 quy định những loại giáo trình được đưa vào giảng dạy tại các trường học tại Đông Dương. Theo đó, những tài liệu này để được lưu hành trong giáo dục cần có sự đồng ý và phê duyệt của Toàn quyền, Chánh Nha Học chính. Điều này giúp việc quản lý tài liệu giảng dạy được quy củ hơn và không còn phân biệt giữa xứ bảo hộ với thuộc địa. Sau đó, Nghị định ngày 21/12/1917 của Toàn quyền Sarraut ban hành Học chính Tổng quy (Règlement génégal de l’instruction publique) gồm 558 điều, 7 thiên với nhiều mục, tiết, chia giáo dục công tại Đông Dương thành hai hệ thống: giáo dục phổ thông và dạy nghề.

    Đối với giáo dục phổ thông, trong đệ nhất cấp, Học chính Tổng quy quy định mỗi xã phải mở ít nhất một trường công bậc tiểu học; cơ sở vật chất dùng làm trường học phải đáp ứng quy định về xây dựng cũng như điều kiện vệ sinh môi trường quy định cho từng xứ Đông Dương. Học sinh ngồi trên ghế dài, bàn học đủ tiêu chuẩn để đọc và viết thuận lợi. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh phải có một trường toàn cấp cho nữ giới, thể thức như trường cho nam sinh. Các tỉnh chưa có trường riêng có thể cho nam nữ học chung trường, chung thầy nhưng phải riêng lớp, trừ đồng ấu. Giáo viên các trường tiểu học là người có bằng tốt nghiệp trường sư phạm tiểu học hay bằng Tiểu học sơ đẳng hoặc trung học. Chương trình học gồm các môn: đạo đức, giáo dục thể chất, ngôn ngữ bản địa, tiếng Pháp, số học và hệ mét, hình học, kiến thức phổ thông, địa lý, lịch sử, vẽ, thủ công,… Chữ Hán không bắt buộc, nếu học, dạy vào thứ 5 hằng tuần và hiệu trưởng phải có mặt tại trường, không để giáo viên chữ Hán lên lớp một mình.

     Đệ nhị cấp (Trung học) được chia làm 2 hệ: cao đẳng tiểu học và trung học. Cao đẳng tiểu học 4 năm: đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Cuối năm thứ 4 học sinh có thể đi thi lấy bằng cao đẳng tiểu học (còn gọi là bằng Thành chung hay Đíp lôm). Kết thúc trung học 2 năm là kỳ thi lấy bằng tú tài bản xứ. Hệ này dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp, tiếng Việt chỉ mỗi tuần một giờ.

    Đối với giáo dục nghề: Học nghề ở đệ nhất cấp (bậc tiểu học) gồm những trường dạy nghề như trường tập nghề, gia chánh, canh nông, kỹ nghệ, Mĩ nghệ và các lớp dạy thợ. Ở bậc trung học có các trường thực nghiệm bị thể, nghĩa là dạy toàn khóa chứ không dạy sơ lược như ở cấp đệ nhất cấp; đồng thời dạy lịch sử, khoa học, công nghệ, ứng dụng thực nghiệm trong thương nghiệp; học sinh được ăn ở không mất tiền; khi tốt nghiệp được ưu tiên làm việc trong các nhà máy, công xưởng của nhà nước. Giáo viên giảng dạy là người Pháp và người bản xứ được tuyển dụng theo hợp đồng.

     Hệ cao đẳng: về nguyên tắc tổ chức, các trường cao đẳng Đông Dương sẽ họp lại  hành Đại học Đông Dương nhưng vì các trường cao đẳng chưa mở hết nên trong học quy này chỉ đề cập đến các nội dung khái quát. Trường cao đẳng tiếp nhận sinh viên cấp học bổng số lượng do Toàn quyền quyết định dựa trên kỳ thi tuyển sinh ở từng trường và sinh viên tự do. Điều kiện đối với sinh viên là công dân Pháp, được chính quyền Pháp bảo hộ hoặc Á kiều công dân Pháp, tuổi từ 18-25, có bằng tú tài hoặc bằng bổ túc, hoặc cao đẳng tiểu học; hạnh kiểm tốt.

     Về ngôn ngữ dạy học, ở các trường tiểu học bị thể (toàn cấp) từ lớp 3 trở đi, bắt đầu dạy chữ Pháp, còn những trường sơ học chỉ dạy Quốc ngữ. Việc dạy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ có liên quan mật thiết với nhau và cùng hướng tới những nội dung phục vụ cho lợi ích của người Pháp. Chữ Hán vẫn được dành một thời lượng nhất định trong chương trình học của Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp nhưng đi kèm theo đó là rất nhiều quy định chặt chẽ đối với các trường Tiểu học được nêu ra trong Học chính Tổng quy (Báu, 2008, tr. 15).

     Sau các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình vào các năm 1915 (Bắc Kỳ), 1918 (Trung Kỳ), đến năm 1919, hoàng đế Khải Định ký Dụ bãi bỏ tất cả các trường học chữ Hán cùng hệ thống quản lý triều đình từ Trung ương đến cơ sở, chỉ còn lại hai trường Hậu bổ và Quốc Tử Giám nhưng chỉ vài năm sau cũng bãi bỏ. Đến đây, chính quyền thực dân Pháp đã thực hiện được mục tiêu xóa bỏ nền giáo dục Nho học, thiết lập ở Việt Nam một nền giáo dục thống nhất phục vụ cho công việc khai thác thuộc địa.

3. Kết luận

     Tiếp nhận từ Trung Hoa, hệ tư tưởng Nho giáo với các nguyên lý Khổng – Mạnh đã trở thành nền tảng triết lý giáo dục của Việt Nam trong suốt hàng nghìn năm cho đến đầu thế kỉ XX. Đối với một dân tộc đang trong quá trình xác lập vị thế của chế độ quân chủ, nền giáo dục Nho học đã thể hiện được tính tính cực trong việc thiết lập trật tự xã hội, tạo dựng được tầng lớp Nho sỹ giàu tinh thần dân tộc, hiếu học… Tuy nhiên, càng về sau, nền giáo dục này ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, không chỉ trong nội dung giảng dạy, mục tiêu giáo dục, tài liệu phục vụ cho dạy và học, trong phương pháp học tập mà còn trong cả những quy chế ngặt nghèo của việc học và thi. Những hạn chế đó của nền giáo dục Nho học đã khiến cho sự phát triển của giáo dục nói riêng, của kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam nói chung từ cuối thế kỉ XIX đã không theo kịp xu hướng phát triển của thời đại, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Điều này đặt ra nhu cầu tiếp thu, tiếp nhận một nền giáo dục hiện đại hơn và tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục Pháp nhanh chóng ảnh hưởng đến giáo dục Việt Nam giai đoạn này. Cùng với việc áp đặt chính sách kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa nhằm mục tiêu biến nước ta thành thuộc địa, Pháp đã thực hiện các cuộc cải cách giáo dục làm thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam về cả nội dung, chương trình và tổ chức giáo dục. Sự ảnh hưởng của giáo dục Nho học mờ nhạt dần, thay vào đó là dấu ấn của nền giáo dục Pháp. Dù rằng mục đích của nền giáo dục này ban đầu là phục vụ cho chính quyền thực dân để thống trị xứ thuộc địa nhưng người Việt đã tiếp thu những tư tưởng hiện đại, tinh thần nhân văn của văn hóa, giáo dục Pháp trên nền tảng giá trị nội sinh với khát vọng canh tân, khai dân trí, chấn dân khí, từ đó tạo nên sức mạnh để có thể đánh đổ ách thống trị thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Báu, P.T. (1994). Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     2. Báu, P.T. (2008). Nhìn lại hai cuộc cải cách giáo dục (1906 và 1917) ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (số 3).

     3. Doãn, P.Đ. (Chủ biên). (1999). Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

     4. Giàu, T.V. (1993). Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 2. Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

     5. Hậu, V.T.P. (2014). Chính sách văn hóa triều Nguyễn (1802-1884). Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.

     6. Khánh, N.V. (1999). Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858-1945). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia.

     7. Loan, P.T. (2019). Quá trình du nhập của Nho giáo vào Việt Nam từ đầu Công nguyên đến thế kỉ XIX. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật.

     8. Ngọc, P. (2001). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn học.

     9. Thắng, L.S. (chủ biên). (1994). Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 2. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX,
Nhà xuất bản Đại học Huế, năm 2021
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du XIXÈ – début du XXÈ siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự suy tàn của nền giáo dục Nho học Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX (Tác giả: TS Phạm Thị Loan)