Sự tác động của khu vực và quốc tế đối với văn học vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII
THE REGIONAL AND INTERNATIONAL IMPACT ON THUAN QUANG’S
LITERATURE IN THE 17TH AND 18TH CENTURIES
Tác giả bài viết: PHAN THẠNH
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội)
TÓM TẮT
Vùng Thuận Quảng có một vai trò và ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử, tư tưởng, văn hóa và văn học Việt Nam. Nằm ở vị trí của sự giao lưu quốc tế, Thuận Quảng trở thành cửa ngõ tiếp thu những tư tưởng của thời đại, tiếp nhận và lựa chọn những tư tưởng phù hợp để làm phong phú nền văn hóa, tư tưởng của dân tộc Việt, đặc biệt là tạo nền tảng cho sự hình thành loại hình tác giả và thể loại mới tiên phong trong nền văn học Việt Nam. Bài viết này đánh giá sự tác động của khu vực và quốc tế đến hệ tư tưởng vùng Thuận Quảng cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học Việt Nam.
Từ khóa: ảnh hưởng, khu vực, quốc tế, Thuận Quảng, văn học.
ABSTRACT
The Thuan Quang region plays an important role and significance in developing Vietnam’s history, ideology, culture, and literature. In the position of international exchange, Thuan Quang became a gateway to absorb the ideas of the era, received, and selected the appropriate ideas to enrich the culture and ideology of the Vietnamese people. Significantly, this area created a foundation for forming the author type and new pioneering genre in Vietnamese literature. This article reviews the regional and international impact on the ideology of the Thuan Quang region and the impact on the development of Vietnamese literature.
Keywords: influence, region, international, Thuan Quang, literature.
x
x x
1. Mở đầu
Năm 1558, được sự cho phép của vua Lê chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng đã vào trấn nhậm vùng Thuận Hóa, sau đó kiêm quản vùng Quảng Nam. Bằng những chính sách hợp lý, Nguyễn Hoàng đã đưa Thuận Quảng từ một vùng khó khăn trở thành một vùng phát triển mạnh mẽ. Sau lần trở lại năm 1600, Nguyễn Hoàng chính thức ly khai khỏi chính quyền Lê Trịnh, tạo lập một chính quyền riêng biệt tại xứ Đàng Trong.
Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII có thể chia thành ba vùng văn hóa, gồm: vùng Thuận Quảng, vùng Gia Định và vùng Hà Tiên. Trong đó, vùng Thuận Quảng có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển thống nhất tư tưởng, văn hóa, văn học Việt. Nằm ở vị trí thuận lợi trong cung đường giao thương quốc tế, Thuận Quảng đã trở thành trung tâm kinh tế sầm uất, là nơi hội tụ buôn bán, trao đổi hàng hóa quốc tế rất nhộn nhịp. Thuận Quảng đã chịu sự tác động của khu vực và quốc tế, sớm hình thành đời sống đô thị, tiếp nhận những nguồn tư tưởng, văn hóa và văn học từ nhiều phía.
2. Nội dung
2.1. Sự tác động của khu vực và quốc tế đến hệ tư tưởng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVIIXVIII
2.1.1. Sự tác động của khu vực
Sau khi Nguyễn Hoàng định hình ranh giới lãnh thổ với Đàng Ngoài thì vùng Đàng Trong là một vùng đất mới, có sự tiếp biến văn hóa rõ rệt, là nơi giao lưu nhiều hệ tư tưởng. “Tiến xuống phía Nam, người Việt ở Đàng Trong đã tiếp xúc chặt chẽ với các dân tộc địa phương thuộc các nền văn hóa khác biệt. Đứng đầu trong số các dân tộc này là người Chăm. Các di dân người Việt đã tiếp nhận và thích nghi một cách thoải mái nhiều yếu tố của nền văn hóa Chăm trong một quá trình dài vay mượn có chọn lọc cái mới và loại bỏ cái cũ không còn phù hợp nơi vùng đất mới” [5, tr. 220].
Không chỉ có người Chăm mà tại vùng Thuận Quảng còn có các tộc người Thủy Xá, Hỏa Xá ở Tây Nguyên. Chúa Nguyễn đã có những chính sách mềm dẻo đối với những vùng này bởi ít nhiều họ Nguyễn ý thức được rằng người Việt Nam không chiếm đa số khi đặt chân đến đây. “Người Việt, đặc biệt là vào thời kỳ đầu của lịch sử Đàng Trong, chỉ là một trong số những dân tộc chính tại đây và lại định cư trên một vùng đất trước đây có người khác sinh sống. Phải đương đầu với họ Trịnh ở phía Bắc, họ Nguyễn hẳn không thể gây thêm kẻ thù để sẽ phải bị tấn công từ phía hông hoặc từ phía sau” [5, tr. 197]. Chính sách ngoại giao của chúa Nguyễn đã tạo ra một sự giao lưu giữa các nền văn hóa trong khu vực, hình thành nên sắc thái tư tưởng văn hóa của Thuận Quảng. Chính văn hóa tư tưởng của cư dân tiền trú – bản địa là nhân tố đầu tiên ảnh hưởng đến tư tưởng của vùng đất này.
Tác động thứ hai ảnh hưởng đến vùng Thuận Quảng chính là Phật giáo của Đại Việt từ Đàng Ngoài. Những lưu dân Việt đi đến đâu lập chùa đến đó nhằm cầu mong sự gia hộ của Phật, Bồ tát giúp họ vượt qua những khó khăn nơi vùng đất mới. Ngoài Phật giáo Chăm, Phật giáo Việt, cụ thể là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã có mặt từ rất sớm trên vùng Thuận Quảng. Năm 1301, chính Trần Nhân Tông, người khai khởi dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đã có mặt tại Chăm để sau đó đặt vấn đề gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Trong Ô Châu cận Lục, Dương Văn An đã kể ra nhiều ngôi chùa tại xứ này như chùa Kính Thiên, chùa Đại Phúc ở huyện Lệ Thủy, chùa Sùng Hóa ở làng Lại Ân huyện Tư Vinh, chùa Thiên Mụ ở Thuận Hóa… Những tư tưởng của thiền phái này đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của vùng Thuận Quảng.
Tác động thứ ba đến tư tưởng vùng Thuận Quảng chính là những tư tưởng của Nho giáo. Ngay từ đầu, Nho giáo không phải là khuôn mẫu để chính quyền chúa Nguyễn áp dụng trong quản lý vùng Thuận Quảng. Bởi lẽ, 1) Khuôn mẫu quy phạm của Nho giáo không cho phép chúa Nguyễn ly khai khỏi vương triều nhà Lê, trong khi Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn về sau đã tự xây dựng riêng cho mình một giang sơn riêng biệt. Điều này sẽ là cái cớ để cho các thế lực khác chống/chiến với chúa Nguyễn. 2) Khi họ đến với vùng đất mới này – vùng rừng thiêng nước độc, đầy rẫy nguy hiểm đến mức “con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”, những di dân mang theo trong mình niềm tin ở sự gia hộ độ trì của Đức Phật. 3) Dân cư vùng này là những lưu dân, trình độ học thức chưa cao, đa số vẫn là những người nông dân lao động, khai hoang khai khẩn lo làm ăn kinh tế. Họ vẫn chưa quen với “đạo lý thánh hiền”. Thêm vào đó, Nho giáo là một học thuyết vô cùng xa lạ với người Chăm. Mặc dù Nho giáo không được dùng làm nền tảng tư tưởng cho cư dân vùng đất mới nhưng Nho giáo đã theo chân những người trí thức Đàng Ngoài vào vùng Thuận Quảng này. Khi không chọn được cho mình một “minh chủ” để phục vụ, họ sẵn sàng tìm đến “đất dụng võ” để thể hiện tài kinh bang tế thế, tìm kiếm công danh. Đào Duy Từ chính là mẫu người trí thức tiêu biểu từ Đàng Ngoài vào Thuận Quảng. Ông cũng chính là người mang vai trò hoạch định nên một bước ngoặt cho vùng văn học Thuận Quảng – Đàng Trong. Năm 1646, chúa Nguyễn mở kỳ thi đầu tiên, cho thấy từ đây mới thật sự dùng đến Nho học, tuyển chọn người có học để phục vụ vào trong bộ máy quản lý chính quyền.
Mặc dù Nho học được dùng trong hành chính nhưng vai trò của Phật giáo ở Đàng Trong vẫn không hề suy giảm. Bằng chứng là các chúa cho thỉnh mời các vị danh tăng từ Trung Hoa vào để hoằng pháp. Bản thân các chúa là những Phật tử thuần thành, hộ trì Phật pháp hưng thịnh. Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này chính là tư tưởng “cư Nho mộ Thích”, được các chúa khởi xướng, chứng tỏ một sự giao hòa không thể bỏ qua của các hệ tư tưởng Phật Nho Đạo. Nói như Nguyễn Huệ Chi khi ông bàn luận về Tam giáo thời Lý Trần rằng: “Trong khi hình ảnh ông Phật đã chuyển hóa thành ông Bụt, một nhân vật quen thuộc của truyện cổ chúng ta từ rất lâu rồi, thì người sáng lập Nho giáo là Khổng Tử, tuy rất được nhà Nho tôn sùng, vẫn không sao trở thành nhân vật của truyện cổ Việt Nam, cũng như sau này, đức Chúa Trời của đạo Thiên chúa vậy. Cái gì đã góp phần quyết định sự chọn lọc tự nhiên kia nếu không là vấn đề tâm lý dân tộc, tâm lý xã hội?” [1, tr. 880].
Chúa Nguyễn đã nắm bắt được tâm lý xã hội, tâm thức văn hóa của dân chúng mình cai trị nên có chính sách hợp với lòng dân. Các chúa hiểu rõ từ thời Lý Trần, “Phật giáo ngó chừng đã qua được thử thách đó, còn đạo Nho thì vẫn còn trầy trật, dù rằng nó có cả một chế độ thống trị đầy tính chất “lưỡi lê” nâng đỡ ở sau lưng” [1, tr. 881]. Thế nên trong những sự lựa chọn ban đầu cho vùng đất này, Phật giáo là điều tiên quyết. Những chính sách của chúa Nguyễn đối với vùng đất mới đã dành cơ hội cho cả người Việt lẫn người Chăm. Đó là sự hòa nhập cùng chung sống, cùng sinh hoạt tư tưởng. Những người Chăm ở lại và người Việt đi tới tạo nên một cộng đồng người có sự giao thoa, dung hòa về tư tưởng. Người Chăm có bề dày của một nền văn hóa Ấn Độ hóa. Người Việt di dân mang tôn giáo của mình là Phật giáo Việt. Có thể nói rằng cái cốt của hai nền văn hóa này chính là Phật giáo. Phật giáo trở thành quy điểm chung tạo nền tảng cho tư tưởng của vùng lãnh thổ này trong những ngày đầu.
2.1.2. Sự tác động của quốc tế
Để xây dựng một vùng lãnh thổ vững mạnh đủ sức đối đầu với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã có rất nhiều chính sách. Một mặt đẩy mạnh công cuộc Nam tiến, mở rộng cương giới lãnh thổ về phía Nam, tạo ra một hậu phương vững chắc. Mặt khác lại tranh thủ tạo mối quan hệ quốc tế, mở cửa giao thương buôn bán với nước ngoài. Phan Khoang nhận xét rằng: “một đặc sắc của chính sách các chúa Nguyễn ở Nam Hà là đi đôi với việc khai thác đất đai ở phương Nam, mở cửa tiếp xúc với các nước khác, Á cũng như Âu, giao thiệp buôn bán với họ để thu dụng những tài năng, những phẩm vật, những gì mới lạ về kỹ thuật và khoa học” [3, tr. 414]. Chính nhờ sự giao thương buôn bán này mà hình thành nên những thương cảng lớn nổi tiếng như cảng Thanh Hà ở Thuận Hóa, cảng Hội An ở Quảng Nam… Những thương cảng này là nơi giao lưu với ngoại quốc và là nơi đô hội buôn bán sôi động nhất thời bấy giờ. “Vai trò nổi bật của các thương gia và trung gian người Nhật, người Hoa vào thời kỳ này có khuynh hướng lấn át sự hiện diện của các thương gia người Việt Nam […]. Đàng Trong cũng đã mở rộng các mối quan hệ thương mại của mình với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Đối với người Chăm thì không có gì mới mẻ cả, nhưng đối với người Việt Nam thì đây là một hiện tượng mới và là một nhân tố nữa làm cho thế kỷ 17 trở thành một trong những thời kỳ buôn bán phồn thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam” [5, tr. 131]. Các thương cảng phát triển kéo theo một tầng lớp cư dân mới xuất hiện, tầng lớp thị dân.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tư tưởng vùng Thuận Quảng, đó chính là các đợt di dân của người Hoa, Minh Hương. Người Hoa kiều là những thương nhân, họ chỉ tập trung sinh sống tại các cảng thị để tiện buôn bán; còn người Minh Hương sau khi nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ đã trốn khỏi đất Trung Hoa để tị nạn chính trị. Đàng Trong đã tiếp nhận một lượng lớn những di dân tị nạn này. Hai đợt di dân mang tính lịch sử, đánh dấu bằng hai sự kiện quan trọng diễn ra gần như cùng thời điểm, đó là sự thành lập xứ Hà Tiên với vai trò nổi bật của Mạc Cửu và cuộc di cư đến Đàng Trong của Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch. Năm 1679, Trần Thượng Xuyên và Phó tướng là Trần An Bình cùng với Dương Ngạn Địch có Phó tướng là Hoàng Tiến dẫn 3000 quân binh, trên 50 chiến thuyền cùng đến Đàng Trong xin đầu phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đã tiếp nhận và đưa họ vào khai phá những vùng đất mới ở phía Nam. Còn Mạc Cửu đã tập hợp được những thương nhân Minh Hương tụ làng sinh sống ngày một đông và vững mạnh, sau đó dâng lên chúa Nguyễn và được chúa ban cho Tổng trấn Hà Tiên. “Hai đoàn di dân đi vỡ đất, phá rừng, cất phố, lập chợ, từ đó thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Dương, Đồ Bà qua lại tấp nập. Và cũng từ đó, phong hóa Trung Quốc thấm dần vào xứ này” [3, tr. 316]. Có thể thấy rằng, bức tranh văn hóa Đàng Trong là” một cộng đồng đa dân tộc có đời sống xã hội mang màu sắc phức hợp Đông Nam Á, khác hẳn với xã hội Đàng Ngoài” [8, tr. 39].
Trong số người ngoại quốc nhập cư có rất nhiều Tăng sĩ. Ngay từ ban đầu, các chúa Nguyễn đã có những chính sách ủng hộ Phật giáo. Chính vì thế đã có nhiều vị cao tăng khắp nơi quy tụ về Thuận Quảng để thực hiện công việc hoằng hóa. Những vị danh tăng ban đầu có thể kể đến là các thiền sư Viên Khoan, Viên Cảnh, Nguyên Thiều… Đặc biệt các chúa còn cho người sang Trung Hoa để mời các vị các tăng khác như chúa Nguyễn Phúc Chu cho thỉnh mời thiền sư Thạch Liêm Thích Đại Sán sang mở đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm. Trong đợt này xuất hiện nhiều cao tăng Trung Hoa sang Thuận Quảng. Chính sự giao lưu này mà Phật giáo Thuận Quảng về sau phát tích hai dòng thiền lớn là dòng Liễu Quán và dòng Chúc Thánh. Kinh sách, tượng, Pháp khí… được thỉnh mua từ Trung Hoa giúp cho Phật giáo Thuận Quảng có nhiều thay đổi, dung hòa với Phật giáo Đại Việt từ Đàng Ngoài và Phật giáo Chăm tạo nên một Phật giáo gần gũi, đa sắc, có thể đáp ứng trọn vẹn những nhu cầu của xã hội.
Một tác động quan trọng đến tư tưởng của vùng Thuận Quảng là sự du nhập của Thiên chúa giáo. Thiên chúa giáo truyền vào Đàng Trong bắt đầu từ năm 1550 nhưng không đạt được kết quả nào. Mãi đến năm 1615, được sự cho phép của chúa Sãi trong việc truyền đạo, giảng đường đầu tiên mới được lập nên, rồi sau đó đến Faifo. Ít lâu sau, chúa Sãi ra lệnh cấm tụ họp. Chúa Thượng cấm đạo nghiệt hơn. Tuy nhiên các giáo sĩ vẫn lén lút truyền đạo. Mặc dù truyền vào từ thế kỷ XVI nhưng phải đến thế kỷ XVII, giáo sĩ dòng Tên đến đông, lập lên giáo hội Đàng Trong, giáo hội Đàng Ngoài, nhiều giảng đường, rồi từ đó về sau hạt giống Thiên chúa giáo mới nảy nở dần ra.
Những ảnh hưởng của khu vực và quốc tế đã tạo cho vùng Thuận Quảng một văn hóa nổi bật, văn hóa đa sắc tộc. Trong khi miền Bắc – Đàng Ngoài bị chi phối bởi đời sống văn hóa xã hội tương đối khép kín với các thiết chế, tổ chức và quan hệ kiểu Á Đông truyền thống thì Thuận Quảng – Đàng Trong lại là một vùng đất liên tục tiếp nhận những nhóm người có nguồn gốc khác nhau. Mỗi nhóm cư dân này đem đến một sắc diện mới cho vùng Thuận Quảng. “Người Việt Nam ở Đàng Trong còn đi xa hơn nữa khi chấp nhận một mức độ hợp giáo và thu nhận tất cả các tập tục và tín ngưỡng của địa phương có thể giúp họ tồn tại và phát triển giữa thần linh mới tại vùng đất phía nam” [5, tr. 247]. Điều này tạo nên một sự hỗn dung văn hóa.
Những yếu tố cơ bản trên đã tác động đến hệ tư tưởng của vùng Thuận Quảng, tạo nên nhiều dấu ấn biệt sắc. Với điểm xuất phát như thế, ý thức hệ của cư dân Thuận Quảng trở nên phóng khoáng hơn, không bị gò bó trong khuôn khổ thuần Nho giáo cũng như những tư tưởng khác. Điều này giúp cho văn học Thuận Quảng phát triển theo một hướng mới, mang những biệt sắc về cả ngôn ngữ, thể loại, thi pháp.
2.2. Ảnh hưởng đến văn học Thuận Quảng
2.2.1. Khoáng đạt trong quan niệm thi học
Trên phương diện văn học, những lưu dân từ Đàng Ngoài đến Thuận Quảng – Đàng Trong đã mang theo truyền thống học phong đến với vùng đất mới. Trong số đó phải kể đến vai trò của Đào Duy Từ. Ông được xem là người đóng vai trò hoạch định cho sự phát triển của văn học Đàng Trong. Trước khi Đào Duy Từ đến Thuận Quảng, văn học ở khu vực này dường như chưa thực sự hình thành. Qua ghi chép của mình, Dương Văn An cho biết có 24 người lưu tên tuổi sáng tác thơ văn. Tuy nhiên, ngoài Trần Hoằng Củ và Phạm Phi Diệu, đa số tác phẩm của họ hầu như không được lưu lại dù chỉ là tên tác phẩm. Sau khi Đào Duy Từ từ Đàng Ngoài vào đã sáng tác Tư Dung vãn và Ngọa Long cương vãn, đánh dấu một sự thay đổi trong bức tranh văn học Thuận Quảng. Những nhân vật nổi lên như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến. Đây là những nhân vật chủ chốt trong đội ngũ trí thức từ Đàng Ngoài vào. Chính những trí thức từ Đàng Ngoài vào Thuận Quảng đã tạo nên một học phong tiếp nối truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên đây không phải là hiện tượng “di thực”, bứng trồng mà là sự luân chuyển và hội nhập dần dần theo thời gian. Mặc dù được hun đúc từ truyền thống Đàng Ngoài nhưng khi vào sống trong xã hội với sắc diện thực tiễn của văn hóa nơi đây, các tác giả đã lựa chọn và phát triển theo một chiều hướng mới, tạo ra sự khác biệt so với văn học Đàng Ngoài.
Như ta biết, mặc dù có nhu cầu mở rộng lãnh thổ, xây dựng chính quyền, cần lực lượng nhân sĩ trí thức phục vụ lâu dài nhưng trên thực tế chính quyền Chúa Nguyễn vẫn chưa mở được các khoa thi để tuyển chọn người tài. Đến năm 1646, chúa Nguyễn mới mở khoa thi đầu tiên gọi là khoa Chính đồ và Hoa văn. Tiếp đến, gần hai mươi năm sau (1674) mới mở tiếp khoa thi gọi là khoa Thám phỏng. Như vậy cho thấy rằng, việc tuyển chọn người tài ở vùng Thuận Quảng – Đàng Trong không chú trọng đến vấn đề khoa cử. Tất nhiên việc hạn chế áp dụng khoa cử Nho giáo vào việc giáo dục, thi cử và cai quản ở vùng đất này cũng có lý do riêng của nó. Ở đây chúng tôi điểm qua vấn đề khoa cử Nho giáo tại vùng này để từ đó thấy rằng, khuôn khổ Nho giáo ở đây chưa/không được gò bó nghiêm ngặt như vùng đất Đàng Ngoài. Điều này có tác dụng rất lớn trong việc hình thành nên học phong của Đàng Trong. Hoàng Xuân Hãn nhận xét rằng: “Dân gian và nho sĩ vẫn chuộng hay sáng tác văn phẩm bằng quốc âm. Sự ít có khoa thi cử đã không thúc đẩy sĩ phu chuyên học từ chương cử nghiệp. Đó cũng làm thuận lợi cho quốc văn” [2, tr. 8].
Chính vì không trọng khoa cử nên người trí thức không cần phải gò bó mình học những khuôn mẫu văn chương để thi cử. Văn chương cử nghiệp quy định rất chặt chẽ về thể chế văn bài, buộc thí sinh phải tuân thủ nên sĩ tử muốn đỗ đạt thì phải gò bó vào khuôn sáo, tinh thần sáng tạo hầu như không được đề cao. Văn chương cử tử, tuy khô khan, dùng theo khuôn phép định sẵn, viết về những nội dung kinh điển nhưng lại tự cho là văn chương chính đạo, được xã hội coi là tác phẩm nghệ thuật cao quý. Ngược lại, những thể loại mang tính sáng tạo nghệ thuật như truyền kỳ, tiểu thuyết, ca kịch (ở Trung Quốc) và truyện Nôm, Ngâm khúc, Hát nói (ở Việt Nam) là những thể loại phi chính thống, thậm chí có thời từng không được coi là văn học. Nói vậy để thấy cái học phong không chuộng từ chương cử nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với quan niệm về thi học cùng sự phát triển của văn học chữ Nôm ở Thuận Quảng.
Nguyễn Thanh Tùng, trong khi tìm hiểu Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, đã chú ý đến cuộc đối thoại giữa Hào Đức Hầu và Thích Đại Sán. Qua việc phân tích, Nguyễn Thanh Tùng nhận xét rằng: “Tinh thần này được Hào Đức Hầu dùng để thanh minh cho việc dùng từ một cách tự do của mình. Nó cũng phản ánh việc tiếp thu tư tưởng Thiền tông khá phóng khoáng của trí thức Đàng Trong. Đặc biệt cần lưu ý nữa là quan niệm Thiền học này được vận dụng trong việc làm thơ, lấy thiền để nói thơ (dĩ thiền dụ thi). Điều đó cho thấy một trình độ nhận thức cao về mối liên hệ giữa tôn giáo và nghệ thuật […] Theo ông làm thơ là tuân theo sự chân thành của cảm xúc, tuân theo trực giác và cảm hứng toàn vẹn, không câu nệ hay suy tính tiểu tiết, phân biệt này kia một cách quá lý trí” [4, tr. 533-536]. Không phải Hào Đức Hầu không sành thi học mà vì ở không – thời gian tại vùng đất mới này, quan điểm thi học đã vượt ra ngoài khuôn sáo. Không chỉ Hào Đức Hầu mà ngay chính Nguyễn Cư Trinh cũng rất phóng khoáng trong quan niệm về thi học, thiền học. Chính quan niệm thi học phóng khoáng đã ảnh hưởng đến văn học, giúp văn học phát triển theo một hướng mới mang nhiều màu sắc hơn.
Ngoài xuất phát điểm thành phần cư dân trên một vùng lãnh thổ mới thì việc giao lưu thương mại với các nước khác cũng chính là yếu tố tạo nên sự phóng khoáng trong đời sống cũng nhưng văn học. Riêng tại Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII nổi bật lên hai thương cảng lớn đó là thương cảng Thanh Hà tại Thuận Hóa và thương cảng Hội An tại Quảng Nam. Hai thương cảng này đã thay đổi diện mạo kinh tế đương thời. Sự tiếp xúc, giao lưu buôn bán đã tạo nên một tầng lớp mới, tầng lớp thị dân – đô thị. Cao Tự Thanh nhận xét rằng: “Có thể nói, đến thế kỷ XVII – XVIII, văn hóa Việt Nam đã có một sự chuyển biến về chất, nội dung và nhịp điệu của sự chuyển biến này gần như trùng khít với quá trình mở rộng về phía Nam của bản đồ Đại Việt, và là khu vực chủ yếu, trình hiện sự chuyển biến ấy, Đàng Trong cũng là địa bàn hội tụ của bốn động thái lịch sử lớn về tư tưởng, xã hội, ngôn ngữ và nghệ thuật với nhiều yếu tố tác động tới văn học viết” [6, tr. 291]. Tư tưởng của trí thức Đàng Trong không bị gò bó trong khuôn mẫu Nho giáo như Đàng Ngoài, lại được thỏa sức thỏa chí khai phá một vùng đất mới, tâm thế phục vụ cho một đấng minh quân, một kẻ sĩ mang tài kinh bang tế thế được trọng dụng và yếu tố giao lưu quốc tế tại các thương cảng đã hình thành nên tính cách, tư tưởng phóng khoáng của trí thức Đàng Trong. Từ đó, văn học Thuận Quảng – Đàng Trong bên cạnh những thể loại truyền thống tiếp chuyển từ Đàng Ngoài vào đã hình thành nên thể loại mới, mang phong vị mới, góp phần quan trọng trong việc phát triển thể loại của văn học Việt Nam.
2.2.2. Hình thành thể loại văn học mới
Văn học Trung Quốc cũng là nhân tố ảnh hưởng lớn đến văn học Thuận Quảng. Sự ảnh hưởng trong giai đoạn này mang một vị thế mới tạo ra nét đặc sắc. Nhìn chung, văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc từ rất sớm chứ không phải đợi đến thế kỷ XVIIXVIII. Trong khi ở Đàng Ngoài giai đoạn này và trước đó chỉ là sự giao lưu mang tính chất quan phương, chủ yếu thông qua con đường đi sứ và tất nhiên những tác phẩm văn học truyền vào Việt Nam sẽ là những tác phẩm được chọn lọc theo nhãn quan của các vị Quan lại (tư tưởng Nho gia sẽ áp chế cách nhìn nhận tác phẩm) thuộc tầng lớp trên của xã hội. Ngược lại tại Đàng Trong, sự giao lưu giữa người Việt và Hoa lại diễn ra ở tầng thấp hơn. Các tác phẩm văn chương của Trung Hoa theo bước chân của những đợt di dân người Hoa tị nạn chính trị vào Đàng Trong. Có thể nói rằng, sự có mặt của lớp người di dân Minh Hương đã tạo ra một xã hội rất nhộn nhịp ở Đàng Trong. Họ chính là những người trực tiếp mang tác phẩm, sản phẩm văn hóa văn học cũng như chuyển tải các giá trị văn hóa văn học Trung Hoa vào Đàng Trong. Đồng thời, họ là người tạo ra một xã hội thị dân mới trên vùng đất Đàng Trong. Sự xuất hiện của cơ chế buôn bán trao đổi ở các phố cảng thị tạo nên một xã hội thương nghiệp đô thị thị dân mang tính năng động, linh hoạt, thoát khỏi sự gò bó như xã hội Đàng Ngoài. Đời sống xã hội thị dân tạo ra thị hiếu thẩm mỹ khác biệt và mới mẻ. Sự tiếp xúc văn học này đã góp phần hình thành nên thể loại mới cho văn học Việt Nam mà vị trí xuất hiện lại chính là ở vùng Thuận Quảng. Đó là thể loại tiểu thuyết chương hồi với tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm và truyện Nôm Song Tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào. Sự xuất hiện hai thể loại này đã tạo nên nét nổi bật của văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII.
Nam triều công nghiệp diễn chí gồm có 30 hồi được soạn vào năm 1719. Tác phẩm này ra đời sau Hoan Châu ký của dòng họ Nguyễn Cảnh ở vùng Nghệ An chừng 20 năm nhưng lại được xem là tác phẩm tiểu thuyết chương hồi đầu tiên ở Việt Nam bởi cách xác định đây là thể loại “diễn chí” – là viết văn chứ không phải viết sử như Hoan Châu ký – vừa là tiểu thuyết chương hồi vừa là tập phổ ký của một dòng họ. Nam triều công nghiệp diễn chí chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung – một trong tứ đại kỳ thư của văn học Trung Quốc. Sự kiện lịch sử cát cứ, xây dựng và mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn là mạch nguồn xuyên suốt tác phẩm. Tác phẩm này ảnh hưởng dạng thoại bản của Trung Hoa từ lối mở đầu bằng hai câu đăng đối tới lối kết thúc một hồi bằng công thức: “Vị trí tính mệnh như hà, thả thính hạ hồi phân giải” (Chưa biết tính mệnh ra sao, hãy xem hồi sau phân giải) hoặc “Bất tri thắng bại như hà, thả thính hạ hồi phân giải” (chưa biết thắng bại ra sao, xin xem hồi sau phân giải).
Ở đây, chúng tôi chú trọng nhiều hơn tác phẩm Nôm Song Tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào để thấy sự tác động của sự giao thương cùng đặc điểm vùng đất mới trong văn học Thuận Quảng. Song Tinh bất dạ được Nguyễn Hữu Hào dựa trên tiểu thuyết Định tình nhân của Trung Quốc, một tiểu thuyết trong dòng văn học nổi bật thời Minh Thanh. Song Tinh bất dạ được xem là truyện Nôm bác học đầu tiên của Việt Nam. Đây là truyện Nôm tài tử giai nhân, mang đậm yếu tố tài và tình. Trần Thanh Thủy, khi phân tích Song Tinh bất dạ, đã khẳng định rằng: “Song Tinh bất dạ đậm đặc chất “tình” nhưng không phải là thứ “tình trong lễ”, tình trong trắng, của buổi ban sơ, khi “tình trong như đã” nhưng mặt ngoài vẫn còn e, mà là một thứ “tình” gắn liền với chữ “dục”, với thú vui ân ái xác thịt rất trần tục của con người. Cũng là “dục” nhưng lại không phải là thứ “dục” cuồng loạn, xuất phát từ cái “tính” của con người, mà là chữ “dục” gắn liền với cái “tình” của người nam và nữ” [7, tr. 90]. So với những truyện Nôm bình dân và bác học ở Đàng Ngoài trước và sau Song Tinh bất dạ, có lẽ chỉ có Nguyễn Hữu Hào là người sử dụng ngôn ngữ tính/tình dục “bạo” như thế. Tuy “bạo” nhưng không hề thô thiển, trần tục. Điều này thể hiện ở tài năng, mỹ cảm và bản lĩnh của tác giả. Trần Thanh Thủy cho rằng: “bản lĩnh sáng tạo, là sự miêu tả yếu tố sắc dục một cách táo bạo, mà theo nhiều người, khi đặt trong bối cảnh sáng tác lúc ấy là khá “liều lĩnh”. Chưa có, và nói đúng hơn là không có, một tác phẩm truyện Nôm nào, bất kể bình dân hay bác học, lại đề cập đến vấn đề sắc dục nhiều như vậy. Có lúc, chuyện phòng the được tác giả trực tiếp miêu tả bằng những lời trang nhã mà không kém phần sống động, tác động trực tiếp đến thế giới liên tưởng của người đọc. Có lúc, tác giả để cho nhân vật đàm đạo về những chuyện cấm kỵ ấy; mà điều lý thú là dù nhân vật nói, gián tiếp hay trực tiếp, cũng không gợi cảm giác thô tục, ngượng ngùng [7, tr. 149]”.
Qua đó cho thấy Nguyễn Hữu Hào không còn bị gò bó trong khuôn khổ của một nhà Nho thuần túy. Chính vùng văn hóa mà những tác động từ khu vực và quốc tế một cách sôi động đã tạo nên những cuộc thoát vòng khuôn mẫu sáo rỗng của Nho gia. Vùng Thuận Quảng – Đàng Trong nằm trong vùng văn hóa Đông Nam Á, chú trọng thương nghiệp hình thành nên những đặc điểm mới tác động trực tiếp đến văn học vùng này. Dòng văn học định tình thỏa mãn những trạng thái tâm hồn, trạng huống cá nhân xuất hiện phục vụ nhu cầu thực tiễn. “Xu hướng vượt thoát ra khỏi xã hội nông nghiệp – nông thôn – nông dân để hướng đến xã hội thương nghiệp – đô thị – thị dân là một động thái xã hội quan trọng có tác động rất mạnh tới văn học Đàng Trong mà kết quả trực tiếp là sự ra đời sớm của loại truyện Nôm bác học đậm sắc thái dục tình. Cùng với sự xuất hiện của những tư tưởng mới, nhu cầu tâm lý mới, trong thời đại mới, ở hoàn cảnh và một vùng đất hoàn toàn mới, thị hiếu thẩm mỹ, mà cụ thể là nhu cầu thưởng thức văn chương của một bộ phận người cũng thay đổi. Văn chương, theo đó cũng phải hướng đến những động thái tâm hồn của con người, thỏa mãn những trạng huống cá nhân. Và sự xuất hiện của dòng văn chương tình dục, có lẽ, cũng không nằm ngoài quy luật vận động ấy của xã hội và nhân sinh” [7, tr. 124].
Sự tác động của khu vực và quốc tế cũng đã góp phần hình thành nên hình tượng người anh hùng thời loạn, thoát ngoài cương tỏa, tự do khám phá trong văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII. Sự giao lưu văn hóa tư tưởng khu vực và quốc tế còn ảnh hưởng đến một bộ phận văn học Thuận Quảng, dòng văn học tôn giáo. Văn học Phật giáo Thuận Quảng thế kỷ XVIIXVIII có nhiều biệt sắc góp phần lớn trong diện mạo và đặc điểm của văn học Thuận Quảng nói riêng và văn học Phật giáo Việt Nam nói chung. Riêng bộ phận văn học Thiên chúa giáo rõ ràng xuất hiện gắn liền với sự giao lưu tại các thương cảng. Tuy nhiên, như nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh cho rằng đây là “thành viên của một cộng đồng thường xuyên đối diện với nguy cơ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật” nên “gần như bị hoàn toàn xóa tên trong văn học sử Việt Nam” [6, tr. 349]. Điều này cho thấy bộ phận văn học Thiên Chúa giáo giai đoạn này chưa góp phần nhiều cho văn học vùng Thuận Quảng.
3. Kết luận
Sự hình thành vùng Thuận Quảng có ý nghĩa và vị trí vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam. Nằm ở vị trí thuận lợi, là cửa ngõ giao lưu từ các vùng miền, Thuận Quảng trở thành địa điểm giao lưu sôi động của khu vực Đông Nam Á. Các thương cảng lớn hình thành không những là nơi buôn bán trao đổi kinh tế mà còn là nơi giao lưu tiếp nhận các tư tưởng văn hóa khác nhau. Các nhân tố khu vực và quốc tế tác động trực tiếp đến sự phát triển mọi mặt của vùng Thuận Quảng – Đàng Trong, trong đó có văn học. Nhờ sự giao lưu trao đổi này mà văn học Thuận Quảng đã có quan niệm thi học phóng khoáng, từ đó hình thành nên hai thể loại mới, đặt nền móng tiên khởi trong việc phát triển văn học Việt Nam. Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm và Song Tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào là một trong những đặc điểm để khẳng định vị trí của vùng văn học Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII trong nền văn học Việt Nam. Dưới góc nhìn địa văn hóa, Thuận Quảng đã tạo nên những biệt sắc, góp phần tạo nên sự đa dạng của tư tưởng, văn hóa, văn học Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Huệ Chi (2013), Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, Nxb Giáo dục Việt Nam.
2. Nguyễn Hữu Hào (1987), Truyện Song Tinh, Hoàng Xuân Hãn giới thiệu, Nxb Văn học.
3. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học,
4. Nguyễn Công Lý- Đoàn Lê Giang chủ biên (2016), Văn học Phật giáo Việt Nam: Thành tựu và định hướng nghiên cứu mới, Nxb Khoa học xã hội.
5. Li Tana (2016), Xứ Đàng trong- lịch sử, kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ 17- 18 (tái bản lần 3), Nxb Trẻ.
6. Cao Tự Thanh (2015), “Văn học Đàng Trong”, Văn học Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XIX- Những vấn đề lý luận và lịch sử, Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội.
7. Trần Thanh Thủy (2009), “Song Tinh bất dạ và bước khởi đầu của truyện Nôm bác học”, Luận văn thạc sĩ văn học, trường Đại học KHXH và NV, Hà Nội.
8. Trần Thanh Thủy (2017), Văn học Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc, Luận án Tiến sĩ văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà nội.
Nguồn: Jos.hueuni.edu.vn; tập 129, số 6D, 2020
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Sự tác động của khu vực và quốc tế đối với văn học vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII (Tác giả: Phan Thạnh) |