Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển Du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh, Huế (Phần 2)

Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐOÀN HẠNH DUNG,
TRƯƠNG THỊ THU HÀ

     Về năng lực tiếp cận du khách

     Nhân tố này được cấu thành từ 2 biến hỏi về khả năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ để tiếp cận và phục vụ du khách của CĐĐP và được đáp viên tự đánh giá ở mức không tốt với giá trị trung bình thấp nhất trong các nhân tố (2,30). Kết quả này có thể là do hầu hết công tác xúc tiến du lịch đều được BQL HTX cùng chính quyền địa phương đảm nhận. Hơn nữa, độ tuổi trung bình của người dân địa phương tham gia vào du lịch là khá cao nên họ hầu như ít có cơ hội tiếp cận du khách thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, website, phần mềm trên các thiết bị di động, v.v. Thông tin phỏng vấn sâu các bên liên quan cũng cho thấy trình độ giao tiếp bằng ngoại ngữ của người dân còn hạn chế; họ thường giao tiếp với du khách quốc tế thông qua bên thứ ba là các hướng dẫn viên du lịch hoặc các cán bộ địa phương; hơn nữa, các khóa học ngắn hạn về ngoại ngữ cũng chỉ dành cho một số trưởng nhóm và thành viên HTX nên năng lực này của người dân chưa có cơ hội được rèn luyện và phát triển.

     Như vậy, qua những phân tích trên có thể thấy CĐĐP của làng Thanh Thủy Chánh đã có sự chủ động nhất định trong việc tham gia vào quá trình thực hiện và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch địa phương; tuy nhiên, tiến trình tham gia của cộng đồng trong việc ra quyết định vẫn được thực hiện theo chiều từ trên xuống, người dân chỉ đơn thuần làm theo các quyết định đã được phê chuẩn của chính quyền địa phương hoặc bởi các cơ quan, tổ chức bên ngoài. Hơn nữa, hiện vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn khiến sự tin tưởng của CĐĐP đối với các bên liên quan và chiều ngược lại là chưa cao, do đó, việc người dân có thể cùng tham gia ra quyết định về phát triển du lịch vẫn còn rất hạn chế. Những dấu hiệu này cho thấy mức độ tham gia của CĐĐP tại làng Thanh Thủy Chánh hiện tương ứng với mức “tham gia thụ động” theo thang phân loại của Tosun [10] đã đề cập ở trên.

4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia của người dân vào phát triển du lịch

     Để tìm hiểu về quyết định tham gia của người dân làng Thanh Thủy Chánh vào phát triển du lịch địa phương, tác giả đã thiết kế các biến hỏi dựa trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu của Zhang [11], Phạm Minh Hương [7] và Thammajinda [8]. Tiến hành kiểm định độ tin cậy và phân tích nhân tố khám phá với 7 biến quan sát cho kết quả: thang đo là tốt với hệ số Cronbach’s alpha là 0,936; tất cả các biến quan sát đều đảm bảo hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,35 và không có biến nào làm giảm độ tin cậy của thang đo; kết quả của phép xoay cho một nhân tố được rút trích thỏa mãn tất cả các điều kiện thống kê như ở Bảng 3. Nhân tố này được đặt tên là “Quyết định tham gia vào phát triển du lịch địa phương” và cũng là biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu lý thuyết đã xây dựng.

     Giá trị trung bình của nhân tố “Quyết định tham gia vào phát triển du lịch địa phương” đạt 3,58 – tương đương với mức ý nghĩa “đồng ý” với các nhận định đưa ra – cho thấy các đáp viên có xu hướng quyết định tiếp tục tham gia tích cực vào phát triển du lịch của làng.

Bảng 3. Phân tích nhân tố về quyết định tham gia vào phát triển du lịch của người dân

     Ghi chú: Phương pháp rút trích: phân tích thành phần chính; Phép xoay: Varimax; QDTG: Quyết định tham gia vào phát triển du lịch địa phương.

Nguồn: Số liệu điều tra, 2018

     Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm người dân có trình độ học vấn, mức thu nhập và vai trò tham gia khác nhau trong quyết định này: người dân có trình độ học vấn hoặc mức thu nhập càng cao hay giữ vai trò càng quan trọng thì họ có mức độ nhất trí lớn hơn với quyết định cam kết tham gia tích cực của mình (như số liệu thể hiện ở Bảng 4). Điều này một lần nữa chứng minh tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức cho người dân và đảm bảo các lợi ích về kinh tế (thu nhập) lẫn lợi ích về xã hội (vai trò tham gia) trong tăng cường sự tham gia của CĐĐP vào du lịch.

Bảng 4. So sánh quyết định tham gia vào phát triển du lịch địa phương của người dân

      Ghi chú: Sử dụng One-way Anova; **: có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê cao giữa các nhóm.

Nguồn: Số liệu điều tra, 2018

     Để làm rõ mức độ ảnh hưởng của các yếu tố về sự tham gia hiện tại đến quyết định tham gia của CĐĐP vào phát triển du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh, nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy đa biến. Phương trình hồi quy tổng thể (với hệ số hồi quy chuẩn hóa) được xây dựng:

     Tiến hành phân tích tương quan Pearson để kiểm tra mối quan hệ giữa các cặp biến. Kết quả cho thấy có sự tương quan giữa các biến độc lập với biến phụ thuộc là “Quyết định tham gia vào phát triển du lịch địa phương” nên có thể tiến hành phân tích hồi quy.

Bảng 5. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính về quyết định tham gia
của người dân vào phát triển du lịch địa phương

     Ghi chú: Thực hiện theo phương pháp Enter.

Nguồn: Số liệu điều tra, 2018

     Ở kết quả phân tích hồi quy, giá trị kiểm định F = 177,479 với mức ý nghĩa Sig. < 0,05 chứng tỏ rằng mô hình hồi quy xây dựng là phù hợp. Giá trị R2 hiệu chỉnh của mô hình hồi quy là 89,4% cho thấy 6 biến độc lập giải thích được 89,4% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 10,6% là ảnh hưởng các các yếu tố khác ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên.

     Kết quả xử lý số liệu cho giá trị thống kê Durbin-Watson là 2,363 (>DU tra bảng) cho phép kết luận mô hình không có hiện tượng tự tương quan. Hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến độc lập đưa vào mô hình đều bé hơn 10 do đó có thể kết luận không có hiện tượng đa cộng tuyến. Vậy, giữa các biến độc lập không có sự tự tương quan với nhau.

     Từ hệ số hồi quy chuẩn hóa nhận được, phương trình hồi quy được viết lại như sau:

     Phương trình trên cho thấy mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến quyết định tham gia vào du lịch của người dân địa phương theo thứ tự thấp dần là: hiểu biết về du lịch địa phương (0,282), thái độ đối với phát triển du lịch (0,261), năng lực phục vụ du lịch (0,251), khả năng ra quyết định (0,239), sự tin tưởng với các bên liên quan (0,203) và cuối cùng là năng lực tiếp cận du khách (0,087). Kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu của Zhang [11] và nhiều nghiên cứu khác của Kayat [2], Nguyễn Thị Mỹ Hạnh [4], Phạm Minh Hương [7], Tosun và Timothy [9] khi các yếu tố nhận thức, thái độ và năng lực phục vụ du lịch lần lượt có mức ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định tham gia vào du lịch của CĐĐP. Hơn nữa, phương trình hồi quy trên đã cho thấy tính mới của nghiên cứu này so với các nghiên cứu trước đây qua việc đo lường được mức độ ảnh hưởng của cả 6 nhân tố về đặc điểm tham gia hiện tại của CĐĐP vào hoạt động du lịch đến biến phụ thuộc, trong đó phải kể đến việc phát hiện 2 nhân tố mới là “Sự tin tưởng với các bên liên quan” và “Năng lực tiếp cận du khách”.

     Bên cạnh đó, cả 6 biến độc lập trong mô hình nghiên cứu đều có sự tương quan cùng chiều với biến phụ thuộc với độ tin cậy 0,95%. Vì vậy, để tăng cường sự tham gia của người dân vào phát triển du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh cần có các giải pháp thúc đẩy trực tiếp đến 6 nhân tố nêu trên theo thứ tự ưu tiên có thể cân nhắc dựa vào mức độ ảnh hưởng của chúng.

     Cùng với kết quả phân tích số liệu, tác giả cũng nhận được những góp ý của các chuyên gia ở chính phủ và NGO tham gia hỗ trợ cho CĐĐP làng Thanh Thủy Chánh. Họ đều nhắc đến việc thúc đẩy các yếu tố nêu trên để tăng cường sự tham gia của CĐĐP vào du lịch. Trong đó, vấn đề mà các chuyên gia bày tỏ trăn trở nhiều nhất là với việc xây dựng niềm tin để thúc đẩy sự đồng thuận của CĐĐP và trao quyền quyết định cho CĐĐP. Họ cho rằng để thực hiện điều này thì trước hết, người lãnh đạo CĐĐP làm du lịch phải do chính cộng đồng nhất trí bầu cử và có đủ năng lực cũng như tầm nhìn chiến lược để dẫn dắt người dân phát triển du lịch. Cùng với đó, việc truyền thông nội bộ qua các cuộc họp bàn hay các kênh thông tin chính thống của làng xã cũng rất cần thiết để người dân kịp thời nắm bắt đúng về phát triển du lịch địa phương.

5. Kết luận và kiến nghị

     Sự tham gia của CĐĐP vào phát triển du lịch là một phạm trù đa diện chịu ảnh hưởng bởi tổ hợp nhiều nhân tố phức tạp. Kế thừa từ các nghiên cứu tiền nhiệm, nghiên cứu này đã xây dựng bộ thang đo về đặc điểm tham gia hiện tại của CĐĐP vào du lịch và rút trích được 6 nhân tố, trong đó có 2 nhân tố mới là “Sự tin tưởng với các bên liên quan” và “Năng lực tiếp cận du khách”. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ tham gia của đa số người dân làng Thanh Thủy Chánh hiện tương ứng với mức tham gia thụ động và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm cộng đồng có trình độ học vấn, mức thu nhập, nơi thường trú, thời gian tham gia cũng như vai trò tham gia khác nhau. Phương trình hồi quy được xây dựng phản ánh rằng cả 6 nhân tố về đặc điểm tham gia hiện tại của CĐĐP đều ảnh hưởng cùng chiều đến quyết định tham gia của họ vào phát triển du lịch, được sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng từ cao đến thấp là: hiểu biết về du lịch địa phương, thái độ đối với phát triển du lịch, năng lực phục vụ du lịch, khả năng ra quyết định, sự tin tưởng với các bên liên quan, năng lực tiếp cận du khách. Tuy vậy, khả năng ra quyết định và sự tin tưởng với các bên liên quan trong quá trình tham gia của người dân làng Thanh Thủy Chánh vẫn còn hạn chế.

     Dựa trên kết quả nghiên cứu cùng các văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước, tác giả đề xuất 6 giải pháp cần được thực hiện nhằm tăng cường sự đồng thuận và tham gia tích cực/ chủ động của cộng đồng trong hoạt động du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh bao gồm: 1) nâng cao nhận thức và năng lực phục vụ du lịch cho cộng đồng; 2) tăng cường hoạt động đối thoại và gắn kết các bên liên quan là cộng đồng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch và TO/TAs cùng các tổ chức phi chính phủ ngay từ lúc xây dựng kế hoạch cho đến toàn bộ quá trình triển khai thực hiện các chương trình hành động; 3) nâng cao vai trò tham vấn, quản lý và kiểm soát của cộng đồng bằng cách áp dụng cơ chế tự do trong tiếp cận thông tin và đồng thuận cộng đồng, từng bước trao quyền quyết định cho cộng đồng; 4) hoàn thiện chính sách quản lý (như quy chế phân phối lợi ích), hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng tham gia phục vụ du lịch (như cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi); 5) phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn; và 6) tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương (thông qua việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng du lịch, cải thiện kênh truyền thông qua Internet và mạng xã hội, đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội du lịch – lữ hành, các doanh nghiệp du lịch, v.v.) nhằm thu hút du khách để tạo cơ hội tham gia phục vụ du lịch cho người dân.

     Nghiên cứu này sử dụng phân tích hồi quy tuyến tính để xác định mức ảnh hưởng của các biến độc lập đối với biến phụ thuộc “Quyết định tham gia vào phát triển du lịch”của CĐĐP làng Thanh Thủy Chánh, Huế. Các nghiên cứu tiếp theo có thể thực hiện với các địa điểm tương đồng hoặc với quy mô và giai đoạn phát triển khác nhau để kiểm định mô hình nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hair, J., Anderson, R., Tatham, R. and Black, W. (1998), Multivariate data analysis, 5th Edition, Prentice Hall, New Jersey.

2. Kayat, K. (2002), Power, Social Exchangs and Tourism in Langkawi: Rethinking Resident Perceptions, International Journal of Tourism Research, 4, 171–191.

3. Mai Lệ Quyên (2017), Các nhân tố tác động đến sự tham gia của người dân địa phương trong phát triển các dịch vụ du lịch bổ sung tại các điểm di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Quảng Trị, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, 126(5D), 95–106.

4. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2016), Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi: Nghiên cứu điển hình tại Sapa, Lào Cai, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

5. Paul S. (1987), Community participation in development projects, The World Bank Experience, World Bank discussion papers (6), 2.

6. Perdue, R. et al. (1990), Resident support for tourism development, Annals of Tourism Research, 17(4), 586–599.

7. Phạm Minh Hương (2013), Local residents’ attitudes and participation in tourism development in Ba Be National Park, Vietnam, Master thesis, Daegu University.

8. Thammajinda, R. (2013), Community participation and social capital in tourism planning and management in a Thai context, Doctor of Philosophy thesis, Lincoln University, New Zealand.

9. Tosun, C. and Timothy, D. J. (2003), Arguments for community participation in the tourism development process, Journal of Tourism Studies, 14(2), 2–15.

10. Tosun, C. (2006), Expected nature of community participation in tourism development, Tourism Management, 27(3), 493–504.

11. Zhang, Y. (2010), Personal factors that influence residents’ preferences about community involvement in tourism planning, Master of Physical Education and Recreation thesis, Indiana University, India.

COMMUNITY PARTICIPATION IN TOURISM
DEVELOPMENT AT THANH THUY CHANH VILLAGE, HUE

ABSTRACT

     The local community participation in decision-making, operating, and benefit-sharing from tourism is considered as a key element for sustainable tourism development in that locality. The survey data with 133 local people and in-depth interview data with 25 respondents representing different stakeholders show that the majority of people at Thanh Thuy Chanh village are currently engaged in tourism at the level of “induced participation” according to Tosun’s (2006) typology of community participation. Besides socio-demographic characteristics, the decision of local people to continue working in tourism is influenced by 6 factors with descending importance as follows: understanding of local tourism, attitude towards tourism development, service capability, decision-making ability, trust with stakeholders, and tourist access capacity. This result shows that the participation of the local community at Thanh Thuy Chanh village is promising if appropriate solutions and policies are implemented to raise awareness, capacity, and role of community participation and to enhance cooperation among stakeholders.

Keywords: community participation, community-based tourism, sustainable tourism development.

Trích dẫn tệp PDF từ: https://www.researchgate.net/
Nguồn: Tạp chí Khoa học – Đại học Huế: Khoa học Xã hội Nhân văn,
ISSN 2588–1213, Tập 128, Số 6D, 2019, Tr. 101–119

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển Du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh, Huế (Tác giả: Nguyễn Đoàn Hạnh Dung, Trương Thị Thu Hà)