Sự thịnh suy của hoạt động ngoại thương ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HUÊ
(Đại Học Văn hoá TP HCM)

     Vùng đất Thuận – Quảng, một trung tâm kinh tế quan trọng của miền Trung, có tài nguyên và nguồn lâm thổ sản phong phú, có những cảng biển nổi tiếng đã từng thu hút thương khách nước ngoài trong nhiều thế kỷ trước đó. Đối với Nguyễn Hoàng, việc tận dụng và phát huy những tiềm năng của xứ Thuận – Quảng để nó có khả năng đảm bảo cho một tương lai chính trị mà thuở ra đi ông đã bắt đầu toan tính là những việc làm tiên quyết. Nhận thấy những hạn chế của điều kiện tự nhiên đối với cư dân nông nghiệp vùng khô, Nguyễn Hoàng và sau đó là Nguyễn Phúc Nguyên đã xác lập một chiến lược phát triển mới với những bước đi và hình thức khác biệt nhằm hòa nhập mạnh mẽ hơn với những bước chuyển biến chung của khu vực. Cách thức lựa chọn con đường phát triển đó đã đưa Đàng Trong hội nhập với mô hình phát triển chung của hầu hết các quốc gia Đông Nam á lúc bấy giờ là hướng ra biển. Phát triển ngoại thương đã trở thành một chiến lược kinh tế liên quan đến sự sống còn của thể chế mà các chúa Nguyễn ra công tạo dựng.

     Với chủ trương trọng thương, các chính sách khuyến khích kinh tế đối ngoại của các chúa Nguyễn đã có tác dụng cổ vũ ngoại thương Đàng Trong. Vào thế kỷ XVII – XVIII, Đàng Trong đã có quan hệ buôn bán với nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia có nền kinh tế hàng hóa phát triển thuộc loại bậc nhất của thế giới. Hầu hết các cường quốc kinh tế lúc bấy giờ, cả ở châu á lẫn châu Âu đều đến và thiết lập quan hệ giao thương với chính quyền Đàng Trong.

Buôn bán với các nước phương Đông

     Trong lịch sử thương mại Đại Việt, chưa bao giờ quan hệ buôn bán với Nhật Bản phát triển thịnh đạt như bốn thập kỷ đầu của thế kỷ XVII. Mặc dù thời đại Châu ấn thuyền ở Đàng Trong không kéo dài, song việc buôn bán của người Nhật tại vùng đất này để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Số lượng Châu ấn thuyền hàng năm đến Đàng Trong luôn đứng đầu danh sách các nước có quan hệ mua bán với Nhật Bản1. Phố Nhật ở Hội An ra đời là do nhu cầu của thương mại, nhưng đồng thời nó cũng là kết quả phát triển của quan hệ thương mại hai nước. Chưa có nơi nào trên đất châu á mà thương điếm của người Nhật có qui mô và năng lực hoạt động có hiệu quả như thương điếm của họ đặt tại Hội An. Buôn bán với người Nhật đóng vai trò quan trọng trong nền thương mại Đàng Trong.

     Cùng với thương nhân Nhật Bản, thương nhân Trung Quốc cũng có mặt khá sớm ở đất Đàng Trong. Từ rất lâu, Trung Quốc đã là một bạn hàng gần gũi của Đại Việt. Tuy nhiên, so với các triều đại trước đó, việc người Hoa đến buôn bán trên đất Đại Việt vào thế kỷ XVII – XVIII phát triển cao hơn nhiều với số lượng tàu thuyền và khối lượng hàng hóa lớn mà hàng năm họ mang tới Phố Hiến ở Đàng Ngoài cũng như Hội An ở Đàng Trong1. Sự xuất hiện phố người Hoa bên cạnh phố người Nhật tại Hội An nói lên sự phát triển quan hệ giao thương giữa hai nước. Khác với người Nhật, người Hoa từ Trung Quốc được phép đến buôn bán với Đàng Trong không chỉ trong buổi đầu nền thống trị của chúa Nguyễn mà còn kéo dài suốt thời kỳ sau đó. Hoạt động ngoại thương giữa Đàng Trong với Trung Quốc có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển nền thương mại ở vùng đất mới mẻ này, nhất là nửa sau thế kỷ XVII và cả thế kỷ XVIII, khi chính phủ Nhật đã thực hiện lệnh tỏa quốc (1636) làm cho hoạt động của Châu ấn thuyền giảm dần vai trò của nó tại Hội An.

Buôn bán với các nước phương Tây

     Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp là những nước phương Tây có tiềm lực kinh tế lớn và có đội hải thương mạnh thuộc vào loại bậc nhất thế giới đã đến Đàng Trong đặt quan hệ thông thương. Thương nhân Bồ Đào Nha đến Đàng Trong sớm hơn Hà Lan, Anh nửa thế kỷ, và sớm hơn Pháp khoảng một thế kỷ. So với thương nhân các nước phương Tây khác, thương nhân Bồ Đào Nha gây được ảnh hưởng lớn trong nền thương mại Đàng Trong. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt bởi thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc và cả với Hà Lan, Anh đang sung sức, lại không lập thương điếm tại Hội An, người Bồ tỏ ra là những lái buôn kiên trì, chịu khó. Họ là những lái buôn phương Tây đến Đàng Trong sớm nhất và rời khỏi Đàng Trong muộn nhất. Hà Lan là nước xông xáo trong quan hệ thương mại tại thị trường châu á. Việc buôn bán của người Hà Lan xem ra thuận lợi hơn khi Nhật Bản thực hiện chính sách tỏa cảng nhưng lại tiếp tục buôn bán với người Hà Lan, xem đó là một cửa ngõ thông thương với bên ngoài. Những ưu ái trong quan hệ Nhật – Hà tạo điều kiện cho công ty Đông ấn Hà Lan thay thế chỗ đứng của thương nhân Nhật tại Hội An. Song trên thực tế, Hà Lan không làm được điều đó, thương điếm của họ vừa mới mở lại không thể đi vào hoạt động. Tại Đàng Trong quan hệ giao thương giữa họ với chính quyền chúa Nguyễn tiến triển không tốt đẹp bởi sự liên minh của họ với chúa Trịnh trong cuộc chiến tranh chống lại chúa Nguyễn. Do vậy, đối với Hà Lan, quan hệ thương mại của họ ở Đại Việt chỉ phát triển mạnh ở Đàng Ngoài.

     Công ty Đông ấn Anh cũng có nhu cầu thâm nhập thị trường Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, đồng thời chính quyền chúa Nguyễn cũng muốn thiết lập quan hệ giao thương với công ty này. Điều đó thể hiện rõ nét qua sự cố gắng của cả hai bên trong suốt gần 200 năm đặt quan hệ buôn bán. Nhưng cả hai bên chẳng đạt được những kết quả như mong muốn với những chuyến buôn qua lại thưa thớt. Người Pháp đến Đại Việt có phần muộn màng hơn với chuyến buôn đầu tiên đến Đàng Ngoài vào năm 1669. Sau một thời gian hoạt động ở Phố Hiến, đến đầu thế kỷ XVIII mới thực sự đến buôn bán với Đàng Trong. So với các nước phương Tây khác, trong quan hệ giao thương của Pháp tại đất Đàng Trong, Hội truyền giáo nước ngoài Paris (MEP) gần như có mặt trong tất cả các hoạt động thương mại. Ngoại thương mang mục đích quân sự là một trong những cản trở chính của việc thiết lập quan hệ buôn bán giữa Đàng Trong với Anh và Pháp.

     Như thế, việc buôn bán của người phương Tây trên đất Đàng Trong không mấy phát đạt. Số lượng thương thuyền của họ hàng năm đến Hội An không đều đặn, khối lượng hàng hóa được lưu thông chưa phải là nhiều. Song sự có mặt của thương nhân các nước phương Tây đã góp phần làm cho thương mại Đàng Trong nhộn nhịp hẳn lên. Hoạt động của các đội thương thuyền Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp còn có ý nghĩa duy trì vai trò trung chuyển hàng hóa của cảng thị Hội An, cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại tại các thương cảng “vệ tinh” của nó. Hội An tồn tại như chức năng là một trung tâm thương mại quốc tế là nhờ lực lượng thương thuyền phương Tây có mặt tại đây. Chính họ là những người thay thế vai trò của thương nhân Nhật Bản trong hệ thống thương mại của khu vực vào cuối thế kỷ XVII và cả thế kỷ XVIII.

     Buôn bán giữa Đàng Trong với một số nước trên thế giới trong hai thế kỷ XVII và XVIII có tầm quan trọng đặc biệt đến độ số tàu thuyền ngoại quốc đến Đàng Trong được xem là tiêu chuẩn để đánh giá thu nhập kinh tế hàng năm cao hay thấp. Trong một lần tiếp Thích Đại Sán, Chúa Nguyễn Phúc Chu nói: “Các năm trước, thuyền ngoại dương đến buôn, một năm chừng 6, 7 chiếc, năm nay (1695) số thuyền lên đến 16, 17 chiếc, trong nước nhờ đó tiêu dùng dư dật1. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Kim thì: “Trong lịch sử Việt Nam (đến thế kỷ XVII – NTH), chưa bao giờ nền kinh tế hải thương lại có quan hệ mở rộng, đa dạng và phát triển hưng thịnh như giai đoạn thế kỷ XVI – XVII. Hầu hết các cường quốc kinh tế lúc bấy giờ, cả ở châu á và châu Âu, đều đến và thiết lập quan hệ trao đổi, buôn bán với Đàng Trong1. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, sự thịnh vượng quốc gia tùy thuộc vào ngoại thương chứ không chỉ riêng nông nghiệp.

     Xem xét thương mại ở các khía cạnh như có những đối tác mới trong quan hệ giao thương, mức độ nhộn nhịp của tàu thuyền, bến cảng, khối lượng hàng hóa tiêu thụ, lợi ích mà kinh tế thương mại mang lại cho chính quyền Đàng Trong… so với các thời kỳ lịch sử trước đó thì rõ ràng, thế kỷ XVII – XVIII được xem là thời kỳ thịnh đạt của thương mại Đàng Trong. Song đi vào chi tiết, cụ thể hơn thì quá trình phát triển này có thể tạm chia làm hai thời kỳ: Thời kỳ phát triển huy hoàng của thương mại Đàng Trong vào thế kỷ XVII, thời kỳ giảm dần và đi đến suy thoái của thương mại Đàng Trong vào thế kỷ XVIII.

     Sau một thời kỳ phát triển sôi động của nền thương mại vào thế kỷ XVII, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố làm cho thương mại Đàng Trong ở thế kỷ XVIII kém dần sự sầm uất vốn có của nó. Sự suy thoái từng bước của thương mại Đàng Trong được biểu hiện ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVIII, khi các quan hệ thương mại của người Đàng Trong đối với phương Tây giảm đi đáng kể và cả hai phía đã đánh mất đi tính hợp pháp có thể có để đảm bảo cho việc thiết lập quan hệ buôn bán thường xuyên. Việc trao đổi được thực hiện một cách đứt đoạn. Số lượng tàu thuyền hàng năm đến đây bị giảm sút rõ rệt nhất là từ giữa thế kỷ XVIII. Nếu như vào những năm 1740 – 1750, có từ 60 đến 80 thuyền buôn cập bến Đàng Trong mỗi năm, thì vào năm 1771 chỉ còn 16 thuyền, năm sau số thuyền giảm xuống còn 12 và năm 1773 chỉ còn 8 chiếc2. Như vậy, vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, Đàng Trong đã thực sự rơi vào tình trạng suy thoái. Mặc dù cho đến thời điểm này, Hội An vẫn giữ được sự phồn thịnh của nó, song quan hệ giao thương với các nước gần như thu hẹp lại, chỉ còn lại Trung Quốc là khá mặn mà. Lê Quý Đôn đã phản ánh hiện trạng này của Hội An trong Phủ biên tạp lục: hàng hóa các nơi (ở Đàng Trong) “đều hội tập về Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều tụ tập ở đây để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được3.

     Sự thịnh – suy của nền thương mại Đàng Trong vào thế kỷ XVII – XVIII chịu sự tác động của những nhân tố sau đây:

     Bối cảnh thế giới và khu vực:

     Chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng như chúa Trịnh ở Đàng Ngoài tỏ ra năng động, kịp thời hội nhập với xu thế thời đại, tạo ra được động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong bối cảnh chính trị xã hội phức tạp của đất nước. Cũng như thế, khi thương mại khu vực giảm dần vai trò kinh tế của nó vào thế kỷ XVIII, thì tác động cùng chiều với Đại Việt tất yếu diễn ra.

     Tác động của các nhân tố trong nước: Trong bối cảnh Đại Việt thế kỷ XVII, cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn được xem như một trong những nhân tố kích thích sự nỗ lực của chính quyền hai bên tìm mọi cách để phát triển hơn nữa quan hệ giao thương với các nước bên ngoài, nhằm tranh thủ sức mạnh quân sự, tăng tiềm lực kinh tế của mình. Ngược lại, các nước bên ngoài cũng lợi dụng tình hình chiến tranh để bán vũ khí và các mặt hàng cần thiết nhằm tăng nhanh lợi nhuận. Sang thế kỷ XVIII, chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã kết thúc, nhân tố chiến tranh không còn có ý nghĩa kích thích sự phát triển của nền thương mại Đại Việt. Chính quyền chúa Nguyễn tỏ ra khắt khe hơn đối với thương nhân phương Tây. Đồng thời, các công ty buôn bán nước ngoài thường chú trọng nhiều đến việc đặt quan hệ thông thương chặt chẽ hơn, xoay sở để có những ký kết buôn bán rành rọt, dứt khoát hơn. Lợi ích thương mại giữa hai bên xem ra không còn theo chiều tỉ lệ thuận.

     Vào thế kỷ XVIII, chủ nghĩa tư bản phát triển cao hơn một bước, việc tranh giành thị trường trở nên quyết liệt hơn. Giao lưu buôn bán với các nước phương Đông không phải chỉ là công việc của các thương nhân phương Tây mà còn là công việc của các nhà nước phương Tây đương thời đang mong muốn xâm nhập lãnh thổ nước ta. Việc buôn bán của các công ty Đông ấn thường kèm theo nhiệm vụ điều tra tỉ mỉ tình hình đất nước, chuẩn bị cho những kế hoạch thôn tính đất đai về sau. Điều đó làm cho chúa Nguyễn phải dè dặt hơn trong việc tiếp xúc và giao lưu buôn bán với các nước phương Tây.

    Trong khi tình hình chính trị thế giới, trong nước vào thế kỷ XVIII tác động không thuận lợi đến sự phát triển thương mại, thì nền kinh tế Đàng Trong đương thời phát triển chưa cao, đã không tạo được cơ sở vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của công thương nghiệp, sản phẩm trao đổi còn mang nặng tính tự nhiên. Giao thương giữa Đàng Trong với bên ngoài có vẻ bị động do không có sự thúc đẩy mạnh mẽ của cơ sở kinh tế bên trong.

     Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn là hệ quả của những chính sách nhằm đối phó với sự khủng hoảng về kinh tế – xã hội của chính quyền Đàng Trong, đồng thời lại là một nhân tố góp phẩn đẩy nhanh sự suy thoái của nền kinh tế nói chung và ngoại thương nói riêng. Thiếu một môi trường hoà bình cho hoạt động buôn bán, hơn nữa nội chiến vào cuối thế kỷ XVIII làm cho các cảng thị, các trung tâm buôn bán bị tàn phá nặng nề. Hội An không còn nguyên vẹn sau cuộc tấn công của quân Trịnh vào năm 1774; Cù Lao Phố bị phá trụi bởi cuộc tấn công của Tây Sơn chống quân Nguyễn vào 1776 – 1777…

     Cũng vào thời điểm xuất hiện nhiều sự kiện bất lợi cho hoạt động giao thương giữa Đàng Trong với các nước bên ngoài thì yếu tố tự nhiên đã từng phát huy lợi thế của nó trong hơn một thế kỷ, nay lại tác động cản trở. Quá trình bồi cạn các cửa sông nơi có cảng thị ở Đàng Trong, đặc biệt là cửa sông đi vào Hội An đã làm cho nó chỉ còn là một thị trấn tách biệt với bên ngoài. Vai trò là một trung tâm thương mại quốc tế giảm dần và biến mất. Tuy nhiên, sự hủy hoại của tự nhiên cũng như bởi cuộc chiến tranh cuối thế kỷ XVIII không phải là những nguyên nhân quan trọng, bởi cảng thị Đà Nẵng, Bến Nghé có khả năng thay thế dần vai trò của nó.

__________
1 Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX, Nxb Sử học, 1961, tr..9 đã dẫn theo Peri trong cuốn Sơ thảo về sự giao thiệp giữa Nhật Bản và Đông Dương vào những thế kỷ XVI và XVII, cho biết, trong 13 năm (từ 1604 đến 1616), có 186 thuyền buôn Nhật đã được cấp châu ấn đến buôn bán với các nước châu á. Trong đó, đến Đàng Ngoài là 11 chiếc, Đàng Trong là 42 chiếc, Champa là 5 chiếc, Campuchia là 25 chiếc, Xiêm là 37 chiếc, Philippin là 34 chiếc, Nam Trung Quốc là 18 chiếc, các nước khác là 18 chiếc Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) cũng cho biết, từ năm 1604 đến 1634, có 162 Châu ấn thuyền đến Đại Việt và Cao Miên. Trong đó, có 35 chiếc đến Đàng Ngoài, 86 chiếc đến Đàng Trong, 41 chiếc đến Cao Miên. (Theo Đô thị cổ Hội An (1991), Hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23-3-1990. Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 184)

1 Li Tana cho biết, từ năm 1647 đến năm 1720, số ghe thuyền Trung Hoa từ các nước Đông Nam á tới Nhật Bản như sau: Đàng Ngoài: 63 chiếc, Đàng Trong: 203 chiếc, Campuchia: 109 chiếc, Xiêm: 138 chiếc, Patani: 49 chiếc, Malacca: 8 chiếc, Jakacta: 90 chiếc, Bantam: 3chiếc. (Dẫn theo Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (Nguyễn Nghị dịch). Nxb Trẻ, tr101.

1 Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự. Dẫn theo Li Tana, Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb Trẻ, 1999, tr134.

1 Nguyễn Văn Kim, Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, Nghiên cứu lịch sử , số 6 – 2006, tr23.

2 Nguyễn Kim (2006), Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, NCLS số 6 – 2006, tr19 – 35).

3 Lê Quý Đôn toàn tập, T.1: Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, 1977, tr234.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Sự thịnh suy của hoạt động ngoại thương ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII (Tác giả: Nguyễn Thị Huê)