Sự tương đồng và những biệt sắc trong nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam (Phần 1)
Tác giả: Thạc sĩ LƯ THỊ THANH LÊ*, ĐOÀN NGỌC CHUNG**
(*,** Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Hầu đồng là một nghi lễ phổ biến trên thế giới và ở nhiều tộc người khác nhau của Việt Nam. Hầu đồng là di sản văn hóa tinh thần của nhiều tộc người, trong đó Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt mới được công nhận là: “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại“. Hầu đồng của các dân tộc ở Việt Nam là một trong những nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng, mặc dù đã hình thành từ xa xưa nhưng vẫn còn tồn tại, thậm chí còn phát triển trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của sinh hoạt văn hóa dân gian này luôn phụ thuộc vào bối cảnh xã hội, có nơi điều kiện xã hội thuận lợi thúc đẩy chúng phát triển thành một tín ngưỡng hay tôn giáo của một dân tộc, nhưng có nơi chúng chỉ tồn tại như là những sinh hoạt tín ngưỡng của cá nhân hay nhóm người.
Trên thực tế, hầu đồng không chỉ tồn tại riêng biệt mà còn có tác động rất lớn đến đời sống xã hội của con người. Tùy theo mỗi cộng đồng tộc người, nghi lễ hầu đồng có những giá trị đa dạng để thỏa mãn các nhu cầu về tâm linh trong đời sống. Có nơi việc hầu đồng được sử dụng để chữa bệnh, có nơi ngoài yếu tố chữa bệnh nó còn có nhiều giá trị khác như: thỏa mãn nhu về cầu tài, cầu lộc, cầu giải hạn, cầu bình an,… của con người. Hơn nữa, thông qua nghi lễ hầu đồng mà những giá trị văn hóa, bản sắc của các tộc người được thể hiện một cách rõ nét và phong phú. Điều này có thể thấy rõ qua các dạng thức hầu đồng đặc trưng của mỗi tộc người như: nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Kinh, nghi lễ Mo của người Mường hay nghi lễ Then của người Tày. Bên cạnh những điểm chung, thì mỗi tộc người lại có những nét khác biệt riêng trong việc thực hành nghi lễ hầu đồng. Có thể nói, hầu đồng là một thành tố văn hóa của mỗi một tộc người.
1. Giới thuyết về nghi lễ hầu đồng và các dạng thức hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam
Khái niệm “hầu đồng” được sử dụng trong nghiên cứu này được hiểu theo nghĩa là sự thực hành văn hóa của một nhóm người với mục đích giao tiếp với những linh hồn ở thế giới bên kia. Trong tiếng Anh, hầu đồng thường được nhắc đến với các thuật ngữ như mediumship, spiritual possession,… William John Kaspari trong cuốn The Galilean Pendulum: A New Science Reveals an Unseen World (213) cho rằng: “Mediumship is defined as the practice of certain people known as mediums – to mediate communication between spirits and other hum an being” (William John Kaspari, 2013, tr.179). (Mediumship được định nghĩa là thực hành của một số người cụ thể – được gọi là ông đồng (bà đồng) – để làm trung gian giao tiếp giữa các linh hồn và con người).
Nhà nghiên cứu tôn giáo người Nga X.A Tocarev cho rằng: Lên đồng được coi là một cách giao tiếp cùng thần linh, gồm hai cách: hoặc thần linh nhập vào người thầy pháp, hoặc ngược lại hồn thầy pháp chu du lên xứ sở thần linh (trích dẫn bởi Nguyễn Thị Yên, 2007, tr. 117.
Ở Việt Nam nói chung và đặc biệt ở Bắc Bộ nói riêng, “Hầu đồng” hay “Hầu bóng”, “Lên đồng” là những thuật ngữ khá quen thuộc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Kinh. Hầu đồng là hành trình của thần linh từ cõi hư vô trở về tái sinh trên thân xác của các ông đồng, bà đồng trong nghi lễ. Trong nghi lễ hầu đồng, người trung gian (medium) là người có khả năng giao tiếp với thần linh hay ma quỷ. Ở đây, người trung gian có vai trò: chuyển lời đối thoại của các vong linh, vong hồn, thần thánh, ma quỷ đến những người trần tục (người không có khả năng giao tiếp với thế giới bên kia). Người trung gian có khả năng đặc biệt có thể nghe, chuyển lời nhắn hoặc có thể chuyển lời nói chuyện trực tiếp của các thế lực siêu nhiên, vong linh, ma quỷ… tới người trần gian. Đặc biệt hơn, họ còn có thể cho vong linh “nhập hồn” (trance) để nói chuyện với người trần gian ngồi hầu (sitters) và điều thú vị là người trung gian đó không biết, không nhớ những gì mà mình vừa nói, bởi vì đó là những lời nói của thần linh, của những “thế lực siêu nhiên” nhập hồn vào họ.
Hầu đồng (mediumship) là một hiện tượng phổ biến và thường xuất hiện trong các nghi lễ tâm linh của loài người trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, với bản chất là sự giao tiếp của những nhà ngoại cảm với thần linh, vong linh. Ở Việt Nam nó được tồn tại qua những dạng thức khác nhau mang nhiều dấu ấn riêng đặc trưng của từng tộc người. Ví dụ như: lên đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Kinh, nghi lễ Mo của người Mường, nghi lễ Then của người Tày,…
2. Những nét tương đồng trong nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam
Do cùng xuất phát từ quan niệm hầu đồng là sự giao tiếp của con người với các thế lực siêu nhiên thông qua một chủ thể thực hành nghi lễ để thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của con người. Và với một cơ chế bắt buộc đó là sự xuất thần và nhập hóa nên các nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam có những nét tương đồng về mục đích thực hiện, hệ thống thần linh mà nghi lễ hướng đến, thành phần tham gia và cách thức thực hiện nghi lễ.
Các dạng thức hầu đồng được thực hiện nhằm đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của con người về cầu tài lộc, bình an… và đặc biệt là chữa bệnh. Thần linh, tín ngưỡng chính là những chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con người trong xã hội xưa, khi mà khoa học, kĩ thuật chưa có sự phát triển cao, chưa có nhiều phương thuốc (như Tây y) để cứu chữa bệnh. Nhưng đến khi xã hội đã phát triển, khoa học kĩ thuật đã có những bước phát triển vượt bậc, thì việc thực hành các nghi lễ hầu đồng để chữa bệnh vẫn xảy ra ở các tộc người. Việc chữa bệnh bằng hầu đồng đã ăn sâu vào trong tâm thức và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người trên dải đất hình chữ S này. Chữa bệnh bằng hầu đồng không phải là việc làm “quay lưng” lại với khoa học kĩ thuật mà là bên cạnh khoa học, kĩ thuật con người còn có thêm một con đường khác để trị bệnh.
Không chỉ có sự tương đồng về mục đích thực hiện mà ngay cả những quan niệm về thế giới và hệ thống thần linh được tôn thờ trong các nghi lễ cũng có nét gần gũi. Tín đồ của các nghi lễ đều có quan niệm về thế giới đa tầng, hệ thống thần linh mang tính chất đa thần và thường hướng đến thờ cúng nhiều thế lực siêu nhiên. Những thế lực siêu nhiên đó có thể là các danh nhân trong lịch sử, có thể là các vị thần quen thuộc trong cuộc sống của con người như: Thổ địa, Táo quân, Thành Hoàng… nhưng nổi bật nhất vẫn là các thần tự nhiên như: mây, mưa, sấm, chớp, thần Rừng, thần Sông, thần Núi… và đặc biệt hơn cả là Trời – một vị thần có mặt trong tất cả các hệ thống điện thần của các tín ngưỡng. Những thế lực siêu nhiên đó có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người. Do cuộc sống của các tộc người ở nước ta thường xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp, lấy trồng trọt chăn nuôi là nguồn thu kinh tế chủ yếu nên đời sống của con người phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Từ mối quan hệ gắn bó mật thiết với thiên nhiên, các tộc người ở Việt Nam đã thờ cúng các thế lực thiên nhiên, để mong muốn những điều tốt lành cho cuộc sống.
Trong mỗi nghi lễ hầu đồng, không thể không kể đến thành phần tham gia nghi lễ như: chủ thể thực hành nghi lễ và người tham dự: Chủ thể thực hành nghi lễ phải là những con người có khả năng đặc biệt, họ tin rằng họ đều là những con người được thần linh lựa chọn, có nhân duyên với thần linh và được thần linh tin tưởng để nhập vào thân xác và sau đó thực hiện hàng loạt các nghi lễ tâm linh. Bên cạnh chủ thể thực hành nghi lễ phải kể đến những người tham dự, họ có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, làng xóm của chủ thể thực hành nghi lễ và họ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên không khí của buổi lễ.
Các nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam còn có sự tương đồng về cách thức thực hiện (lễ vật, trang phục, lời hát và âm nhạc, diễn trình nghi lễ). Lễ vật dâng cúng thần linh là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ tâm linh, đặc biệt là trong nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam. Lễ vật có thể đơn sơ đạm bạc, cũng có thể nguy nga tố hảo tùy thuộc vào khả năng kinh tế cũng như phong tục của mỗi vùng. Trong các nghi lễ hầu đồng của các tộc người mà chúng tôi khảo sát thường có những lễ vật cơ bản sau: thịt, gạo (xôi nếp), rượu, vàng mã… đó là những vật phẩm thường dùng của con người trong đời sống hằng ngày. Có lẽ xuất phát từ quan niệm “trần sao âm vậy”, thần thánh cũng như con người, nên những tín đồ của các tín ngưỡng dâng lên thần linh của mình nhưng món đồ như vậy. Chưa nói về giá trị vật chất, nhưng xét riêng về mặt giá trị tinh thần, thì đó đều là những lễ vật “sạch sẽ” nhất, “thanh tịnh” nhất, được con người lựa chọn để dâng cúng các vị thần linh, ngoài những mâm lễ chung họ còn có thể chuẩn bị thêm những mâm lễ đặc trưng để dâng riêng các vị thần đặc biệt, nhằm cầu mong cho họ có được cuộc sống được ấm no, hạnh phúc, bình an. Trang phục của các vị chủ lễ được sử dụng trong các nghi lễ phải được may vá, thêu thùa một cách cầu kì, tinh xảo với những đường kim, mũi chỉ vô cùng khéo léo. Âu đây cũng là một cách để thể hiện lòng cung kính của họ đối với các vị thần linh. Những trang phục này thường mang màu sắc đậm, mạnh như: đỏ, xanh, vàng, trắng… điều đó có một ý nghĩa quan trọng trong việc “kích thích” sự hưng phấn, vui tươi của buổi lễ, đồng thời nó củng là một trong những yếu tố tạo lên một không gian thích hợp để những thầy Shaman dễ nhập đồng. Bên cạnh những bộ y phục cần thiết, thì những chủ thể thực hiện nghi lễ còn sử dụng đến rất nhiều những đạo cụ như: quạt, trang sức, kiếm… Kế đến, các hình thức hầu đồng của các tộc người ở Việt Nam mà chúng tôi khảo sát đều sử dụng triệt để âm nhạc nhằm hỗ trợ cho sự giao tiếp giữa thần linh và con người. Nó có thể phát triển rực rỡ để trở thành một dòng nhạc tín ngưỡng hoặc cũng có thể chỉ được duy trì trong các nghi lễ tâm linh, nhưng tựu chung lại, ngoài việc biểu đạt những nội dung nhất định của nghi lễ như: kể lại sự tích, thân thế, ca ngợi vẻ đẹp của các vị thần linh, hay những lời an ủi, động viên người bệnh, khuyên răn ma quỷ… thì lời hát và âm nhạc trong các nghi lễ còn tạo ra một môi trường thúc đẩy con người hòa nhập và thông quan với thần linh, nó củng góp phần thúc đẩy và là một trong những yếu tố làm cho chủ thể nghi lễ trở nên hưng phấn để dễ xuất thần và nhập hóa, tạo cho buổi lễ không khí thiêng liêng, huyền ảo. Cuối cùng, nghi lễ hầu đồng của các tộc người đều có nét tương đồng về diễn trình thực hiện cụ thể như sau: Đầu tiên là thỉnh thần linh nhập vào chủ thể thực hành nghi lễ. Kế đến, thần linh thông qua thân xác người phàm thực hiện các nghi lễ tâm linh như: chữa bệnh, ban lộc, phán truyền, khuyên bảo… Sau đó, thần linh thoát hồn khỏi thân xác người hành lễ (hay còn gọi cách khác là thánh “thăng”).
Sơ đồ 1. Diễn trình của nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Mời xem thêm: Phần 2: Những nét biệt sắc trong nghi lễ hầu đồng của một số tộc người ở Việt Nam (Tác giả: ThS. Lư Thị Thanh Lê, Đoàn Ngọc Chung) |