SỨC MẠNH MỀM VIỆT NAM: từ TRUYỀN THỐNG đến HIỆN ĐẠI

GS.TS NGUYỄN HÙNG HẬU
(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

     Kế thừa kinh nghiệm của cha ông và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển sức mạnh mềm của Việt Nam lên tầm cao mới. Trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, việc khơi dậy và tận dụng sức mạnh mềm là vấn đề cấp bách để đưa đất nước phát triển bền vững.

x
x x

     Sức mạnh có thể hiểu là khả năng điều khiển, kiểm soát người khác, khiến người khác phải phục tùng, làm theo mệnh lệnh của người nắm giữ sức mạnh. Sức mạnh của quốc gia bao gồm các nhân tố: vật chất (phần cứng – sức mạnh cứng); tinh thần và ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế (phần mềm – sức mạnh mềm). Hai sức mạnh này là sức mạnh tổng hợp, tạo thành sức mạnh thông minh.

     Sức mạnh cứng của một quốc gia có thể nhận biết rõ ràng, thông qua những số liệu về tiềm lực quân sự (số lượng và chất lượng quân đội; năng lực chỉ huy; trình độ lý luận quân sự và trang thiết bị, khí tài quân sự, đặc biệt là những vũ khí có sức hủy diệt lớn), thực lực kinh tế (quy mô kinh tế, GDP và cơ cấu kinh tế)… Tuy nhiên, còn một nguồn sức mạnh khác cũng có thể nâng cao địa vị quốc tế của một nước, đó là sức mạnh mềm.

     Khái niệm sức mạnh mềm, quyền lực mềm ( Soft Power) được Giáo sư người Mỹ Joseph Samuel Ney, Jr. (nguyên Hiệu trưởng Trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, Hoa Kỳ),  đưa ra lần đầu tiên trong cuốn sách: Bound to Lead: The Changing Nature of American Power (1990). Theo Joseph Nye, sức mạnh, quyền lực mềm “là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, do đó họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không phải ép buộc hoặc mua chuộc”. “Quyền lực mềm là kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hóa và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi hay chế độ do mình định ra để hành xử theo ý tưởng của mình. Quyền lực mềm dựa vào sức thuyết phục của thông tin ở mức độ rất lớn”. “Quyền lực mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép bức hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước”. Tính chất cốt lõi của quyền lực mềm là tính hấp dẫn.

     Như vậy, quyền lực mềm của một quốc gia là tất cả những gì có thể tạo nên sức hấp dẫn, thu hút được sự ngưỡng mộ, kính phục của cộng đồng thế giới dành cho quốc gia đó.

1. Cơ sở hình thành và những biểu hiện sức mạnh mềm Việt Nam

     Cơ sở kinh tế – xã hội

     Xã hội Việt Nam truyền thống là xã hội nông nghiệp trồng lúa nước. Chính yếu tố này hình thành nên những đặc trưng trong văn hóa xã hội Việt Nam.Con người trồng lúa nước có nhiều đặc tính nhu giống như nước, như lối sống trọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng phụnữ; lối sống ưa chừng mực, quân bình, ổn định, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Để chỉ Tổ quốc, người Việt Nam chỉ cần từ “nước” là đủ. Học giả Cao Xuân Huy cho rằng, tinh thần lập quốc của chúng ta chính là cái tinh thần “nhu đạo”, bởi lẽ dân tộc ta có đặc tính mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động như nước.

     Nhìn chung người dân Việt Nam chú trọng nhiều đến quá trình, bao quát mọi mặt, mọi khả năng của hiện thực, không đứng thiên lệch về một phía. Việc quyết định đứng về phía nào, chọn khả năng nào là do đòi hỏi của tình thế, hoàn cảnh; chứ không xuất phát từ những giáo điều, mô hình có sẵn định trước áp đặt cho hiện thực. Phần lớn người Việt Nam không có chủ kiến có sẵn được định trước cho mọi khả năng, tình thế, hoàn cảnh; mà là chủ kiến được đề ra từ những đòi hỏi của tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Như vậy, người bình dân trong một số trường hợp là người không định ra được phẩm chất theo nghĩa không có phẩm chất như là một thuộc tính cố hữu, bản chất, bất biến định trước; mà có phẩm chất này hay phẩm chất khác là do đòi hỏi của tình thế, hoàn cảnh. Như vậy, tâm thế ở người bình dân là tâm thế luôn sẵn sàng, nhạy bén với mọi sự thay đổi của hoàn cảnh và không bị áp đặt bởi một sự quy định trước, cụ thể. Điều này thể hiện rất rõ trong võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đó là một trong những nguồn gốc sức mạnh mềm mà ít người nhận ra.

     Những tư tưởng của Nho, Phật, Lão giáo

     Đạo Phật với tư tưởng dĩ oán báo oán, oán oán chồng chất; dĩ ân báo oán, oán oán tự diệt. Theo Phật giáo, hận thù không diệt trừ được hận thù, lấy chiến tranh báo đáp chiến tranh thì chiến tranh sẽ không bao giờ dứt. Từ đó Phật giáo đề cao tự thắng mình, đề cao chữ “nhẫn”. Như vậy, theo một nghĩa nào đó, Phật đã rất đề cao sức mạnh mềm.

     Các quan niệm của Lão Tử cho rằng, cái gì cương cứng thì gắn với chết; còn cái gì nhu, mềm thì gắn với sống. Ông đưa ra rất nhiều thí dụ minh chứng cho luận điểm này. Từ đó ông đi đến kết luận: nhu thắng cương, nhược thắng cường, nhu nhược thắng cương cường (nhu nhược ở đây không phải  là thiếu ý chí, ai bảo sao theo vậy, mà có nghĩa là đừng cưỡng lại quy luật tự nhiên, của tạo hóa, là thuận theo đạo). Nhu và cương không tách rời nhau mà với mỗi tình huống, hoàn cảnh cụ thể, có thể sử dụng linh hoạt “nhu” hoặc “cương” cho phù hợp. Như vậy, theo một nghĩa nào đó, Lão Tử đã tuyệt đối hóa sức mạnh mềm.

     Nho giáo với quan điểm của Khổng Tử cho rằng nếu lấy pháp mà trị thì dân không dám làm nhưng không biết hổ thẹn khi phạm tội; còn lấy đức mà hướng đạo, lấy lễ mà trị thì dân không những biết hổ thẹn mà còn không dám làm. Như vậy ông cũng đã khá đề cao sức mạnh mềm.

     Những biểu hiện sức mạnh mềm Việt Nam trong lịch sử

     Quốc tộ – Bài thơ đầu tiên ở Việt Nam của nhà sư Pháp Thuận (mất năm 990), đã thể hiện một tuyên ngôn về sức mạnh mềm của Việt Nam:

Vô vi cư điện các (Vô vi trên điện gác)

Xứ xứ tức đao binh (Chốn chốn tắt đao binh)

     Vô vi nhi vô bất vi, nghĩa là không làm nhưng không có gì là không làm. Làm một cách vô vi, tức làm mà không có chủ ý, ý đồ, mục đích, làm một cách tự nhiên, hợp với quy luật của tự nhiên.

     Trong thời kỳ chiến tranh vệ quốc, với bản chất chính nghĩa, Việt Nam đã kêu gọi được sự ủng hộ rộng rãi của phong trào yêu chuộng hòa bình trên thế giới, từ đó tạo sức mạnh ngoại giao quan trọng, tác động đến cuộc chiến. Đó là nhân tố quan trọng, góp phần để Việt Nam đi đến kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.

     Trong lịch sử dân tộc, sức mạnh mềm của Việt Nam đã được vận dụng khéo léo trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Tác phẩm Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi là bản tuyên ngôn đã thể hiện “sức mạnh mềm” khi chủ trương “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Khi dâng lên Lê Lợi Bình Ngô Sách trình bày sách lược đánh đuổi quân Minh, Nguyễn Trãi đã vạch ra nền tảng tư tưởng cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn bằng chiến lược: Ta bày kế đánh vào lòng người, không xông trận mà vẫn khuất phục được đối phương (Ngã mưu phạt nhi công tâm, bất chiến tự khuất). Sáng tạo này của Nguyễn Trãi có giá trị làm phong phú kho tàng khoa học và nghệ thuật quân sự của cha ông, một sức mạnh mềm mà các thế hệ sau đã kế thừa và phát huy trong công cuộc giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

     Ngoài ra sức mạnh mềm của Việt Nam trong truyền thống còn được thể hiện rõ ở đường lối ngoại giao của cha ông hết sức khôn khéo, uyển chuyển, chẳng hạn như trong xưng đế, ngoài xưng vương; tha cho hàng binh để kết mối giao hòa; đánh tan quân xâm lược lại sang cầu hòa hiếu; …

     Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển sức mạnh mềm của Việt Nam lên tầm cao mới

     Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa, phát triển, nâng tầm sức mạnh mềm Việt Nam truyền thống mà còn kết hợp uyển chuyển, nhuần nhuyễn, biện chứng sức mạnh mềm với sức mạnh cứng tạo nên sức mạnh thông minh. Điều này thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 20-12-1946: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Những quan điểm, chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cách mạng như: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; lấy sức dân làm lợi cho dân; nước lấy dân làm gốc; chủ trương đại đoàn kết; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; chủ trương về giáo dục, trồng người; giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên; … là những minh chứng cụ thể cho điều đó.

2. Sức mạnh mềm của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay

     Là một đất nước hiếu khách, có nền văn hóa đa dạng, ổn định về chính trị và đường lối đối ngoại rộng mở, Việt Nam có giá trị nền tảng tạo ra sức hút đối với bên ngoài. Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Việt Nam đã hoàn thành việc đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trở thành một mắt xích quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á – Âu. Theo Bộ Ngoại giao, trong quá trình hội nhập quốc tế, đã nâng tầm đối ngoại đa phương từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam, đồng thời thể hiện vai trò “thành viên có trách nhiệm” tại ASEAN, Liên Hợp quốc, APEC, ASEM, hợp tác tiểu vùng Mê Công…

     Vị thế của đất nước được nâng lên với việc chúng ta đăng cai thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132, APEC 25 (2017) và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế của Liên Hợp quốc như: Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế xã hội (ECOSOC), UNESCO, … Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 đã đúc kết những bài học kinh nghiệm lớn trong  hoạt động đối ngoại, tăng cường sức mạnh mềm của Việt Nam. Đáng chú ý là bài học kiên trì về nguyên tắc độc lập dân tộc và CNXH; linh hoạt trong sách lược điều chỉnh tùy theo vấn đề, tùy từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”.

     Trước những vấn đề phức tạp trên Biển Đông, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, trên tất cả các diễn đàn song phương và đa phương, khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ với đối ngoại quốc phòng – an ninh, với đối ngoại nhân dân, nhằm kiểm soát bất đồng, đồng thời tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho mọi tranh chấp.

     Phát biểu tại Hội nghị ngoại giao 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thành bại của ngoại giao tùy thuộc vào thực lực và vị thế. Thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong “sức mạnh mềm”. Đó là tính chính nghĩa trong sự nghiệp của chúng ta; là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình, công lý trên thế giới. Đó còn là việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại một cách khôn khéo như một nghệ thuật theo những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động trực tiếp lẫn nhau nên phải được thường xuyên xác định là ưu tiên cao, là điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là tư tưởng của ông cha ta: “giữ nước từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

     Bên cạnh những thành tựu, chúng ta còn có nhiều sức mạnh mềm chưa được phát huy. Đó là lực lượng lao động trẻ thông minh và chăm chỉ nhưng do hệ thống giáo dục của Việt Nam còn nhiều yếu kém, bất cập so với thế giới nên hậu quả là ưu thế nguồn nhân lực hiện tại đang gặp nhiều thử thách, không còn là lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Trong khi đó, chính sách trọng dụng nhân tài còn nhiều hạn chế.

     Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, là con đường ngắn nhất để thế giới cảm nhận một cách đầy đủ các giá trị bền vững của một dân tộc. Chúng ta có những Nhã nhạc cung đình, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và nhiều giá trị văn hóa khác, nhưng chúng ta lại chưa có một chiến lược lâu dài để quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam có bề dày văn hóa ra thế giới. Những tinh túy của dân tộc chưa truyền được vào trong các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. Hay văn hóa ẩm thực, từ ẩm thực cung đình quy tụ tinh hoa khắp mọi miền đất nước đến ẩm thực dân gian vừa độc đáo vừa hấp dẫn nhưng vẫn chưa được thế giới chú ý đến. Rõ ràng rất cần thiết sớm xây dựng một chương trình đồng bộ mang tính quốc gia để quảng bá văn hóa đặc trưng của đất nước.

     Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa cần được đặc biệt chú trọng phát triển bởi nó đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước. Để làm tốt điều này, các nguồn lực cấu thành cơ bản của sức mạnh mềm là văn hóa quốc gia, hệ giá trị và chính sách quốc gia rất cần được bồi đắp, trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

NguồnLý luận Chính trị

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)