Súng thần công thời Nguyễn
Tác giả bài viết: LÊ THỊ TOÁN
Súng thần công là trọng pháo, loại vũ khí rất quan trọng tạo nên sức mạnh cho quân đội dưới thời quân chủ. Các triều đại phong kiến Việt Nam biết sử dụng trọng pháo vào thời điểm nào chưa có tư liệu chính xác cho biết, nhưng theo đại việt sử ký toàn thư thì khoảng thế kỷ XIV khi Chămpa tấn công Việt Nam, vua Chăm là Chế Bồng Nga đã chết vì đạn trọng pháo của Việt Nam (năm 1390). Đến thế kỷ XVII, dưới thời Nguyễn, hỏa lực của trọng pháo đóng một vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của quân đội, lúc này trọng pháo được người Việt gọi là súng thần công.
Súng thần công thời chúa Nguyễn
Thời các chúa Nguyễn, hỏa lực của đại bác hay trọng pháo đóng vai trò chủ chốt đối với quân đội Đàng Trong. Trọng pháo của chúa Nguyễn chủ yếu do Ma Cao, Đài Loan, Bồ Đào Nha cung cấp, ngoài ra chúa Nguyễn còn sử dụng người Bồ Đào Nha để có kỷ thuật áp dụng mở lò đúc súng tại chỗ. Năm 1631, chúa Nguyễn đã cho lập một xưởng đúc đại bác ở tại Phường Đúc (Huế).
Việc đúc đại bác được Đại Nam thực lục, Tiền biên cho biết: “Đặt ty Nội pháo tượng và hai đội Tả Hữu pháo tượng. Lấy dân hai xã Phan Xá, Hoàng Giang (thuộc huyện Phong Lộc) lành nghề đúc súng bổ sung vào (ty Nội pháo tượng 1 thủ họp, 1 ty quan, 38 người thợ; hai đội Tả Hữu pháo tượng thì 12 ty quan, 48 người thợ). Việc đúc đại bác, mỗi khẩu dùng 15 khối sắt, 10 cân gang, tiền than 3 quan 5 tiền”(1).
Với việc gởi đồng sang Ma Cao và nhờ người Bồ Đào Nha hướng dẫn kỹ thuật đúc đại bác tại chỗ, chúa Nguyễn đã có một số lượng súng đại bác đáng nể vào thời bấy giờ như Borri cho biết: “Nhà vua có một ngàn hai trăm khẩu đại bác, tất cả đều bằng đồng, trong số này người ta thấy có nhiều khẩu có kích thước khác nhau, mang huy hiệu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng đặc biệt, có bốn khẩu đại bác nặng, dài khoảng 6m, mang huy hiệu Đàng Trong, trông thật đẹp. Niên đại các khẩu đại bác này được đúc từ 1650 đến 1660”(2).
Số lượng súng đại bác (súng thần công) nhiều như vậy nên được trang bị đầy đủ trên các chiến thuyền, các thành lũy quân sự phòng thủ với chúa Trịnh. Năm 1631, sau khi đắp xong trường lũy Nhật Lệ (Quảng Bình) dài hơn 3.000 trượng, “mỗi trượng đặt một khẩu súng Quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nồng lớn. Thuốc đạn chứa như núi”(3).
Vũ khí đại bác của quân đội Đàng Trong phát huy được hiệu quả cao nhất và luôn chiến thắng trong các cuộc đối đầu với họ Trịnh là nhờ các tay súng biết sử dụng tốt nhất loại hỏa lực này.
Như Borri cho biết, quân đội Đàng Trong rất thành thạo trong việc sử dụng đại bác: “Người Đàng Trong bây giờ đã thành thạo trong việc sử dụng chúng đến độ họ đã vượt cả người Châu Âu chúng ta: Hàng ngày họ tập bắn bia và rồi họ trở nên hung hãn và dễ sợ và tự cao đến độ khi thấy có tàu của châu Âu chúng ta tiến vào cảng của họ, những người pháo xa của nhà vương dàn quân với thái độ thách thức…”(4).
Để được một người phương Tây nhận xét như vậy, chứng tỏ vũ khí đại bác thời các chúa Nguyễn đã thực sụ rất lợi hại, không chỉ là nỗi lo đối với họ Trịnh ở Đàng Ngoài mà còn dám thách thức, đương đầu với quân đội các nước lân bang nhằm bảo vệ chủ quyền của Đàng Trong.
Hiện nay, tại Huế có một khẩu súng thần công bằng đồng nhỏ được một ngư dân vạn đò trục vớt dưới đáy sông Hương vào ngày 5-7-2008 và đã hiến tặng cho Bảo tàng. Súng dài 77cm, đường kính nòng 7,8cm, khẩu kính nòng 3,8cm, nòng súng hơi loe, quai súng bằng đồng, ngoài có niền thép và chốt thép để gắn vào bệ thuyền. Hai bên mặt quai súng có khắc chữ Hán, một bên đọc được dòng chữ Tứ thập cân (40 cân – tương đương 24kg)(5).
Căn cứ vào phong cách đúc súng có thể biết đây là loại súng thần công nhỏ được đúc vào thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII). Loại súng thần công này dùng để trang bị cho các chiến thuyền hạng nhỏ. Cho đến nay, ngoài các loại súng lệnh thì đây là khẩu súng thần công bằng đồng có kích cỡ nhỏ nhất được phát hiện tại khu vực Huế.
Có thế nói chúa Nguyễn đã phát triển trọng pháo trở thành một loại vũ khí có hiệu lực thực sụ đế tạo ưu thế về quân sự chống lại Đàng Ngoài giúp bảo vệ chủ quyền của Đàng Trong.
Súng thần công thời vua Nguyễn
Sau khi trở lại Phú Xuân và xưng vương (1802), vua Gia Long tiếp tục xây dựng binh chủng pháo binh vững mạnh. Đời vua tiếp theo là Minh Mạng còn áp dụng kỹ thuật quân sự phương Tây để chế tạo vũ khí súng thần công, thuốc đạn theo kiểu Tây dương. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ cho biết: Số đại bác bằng đồng, gang được sản xuất là 1903 khẩu. Trong 6 năm (1817-1822), nhà nước đã cho đúc ít nhất là 500 khâu đại bác(6).
Nhiều xưởng sản xuất vũ khí được thành lập, năm 1825, Bộ Binh lập thêm 6 xưởng đúc súng tại Huế. Những năm cuối triều Minh Mạng, thợ quân giới đã đúc được 15 khẩu đại pháo Xung Tiêu bằng đồng. Sau đó triều đình lại cho đúc thêm 30 khẩu Chấn Hải bằng đồng nhằm trang bị hỏa lực cho các vị trí phòng thủ quan trọng. Không chỉ có các xưởng đúc súng tại Kinh đô mà ở các tỉnh cũng được lập, năm Tự Đức thứ 14 (1833) vua “sai tỉnh Nghệ An đúc 500 cỗ súng thần công và 2.000 súng điểu thương”(7). Năm 1839, theo kiểm kê của Bộ Công, cả nước có 392 xưởng pháo, 24 kho thuốc súng.
Triều đình Huế cho đúc nhiều súng thần công không chỉ trang cấp cho quân đội, mà còn cấp cho mỗi tỉnh từ 22 đến 50 khẩu súng thần công các hạng để giữ thành tỉnh(8), các đồn báo phòng thủ, các quân thứ thì tùy theo đó mà điều động cấp súng thần công phù họp. Với các tỉnh lớn như Hà Nội, số súng thần công được cấp nhiều hơn, năm Tự Đức thứ 22 (1869) vua cho “chuyển vận súng thần công (350 khẩu), đạn (105.000 viên), thuốc súng (7.000 cân) …đến Hà Nội để cấp cho các quân”(9). Năm Minh Mạng thứ 14 (1833) vua sai Thừa Thiên điều động 80 khẩu súng thần công và đạn đuợc chuyển vận đến quân thứ Biên Hòa.
Năm Tự Đưc thứ 28 (1875) vua còn “chuẩn cho Nghệ An đúc thêm 100 khẩu súng thần công ngắn cất đi để dùng. (Vì súng ấy nhẹ và nhạy, tiện cho việc đánh trận, năm trước trên 400 khẩu, giao cho các tỉnh hết cả)”(10). Súng thần công ngoài việc cấp cho các tỉnh đặt trên các thành lũy phòng thủ, còn trang bị cho các chiến thuyền của thủy binh. Các tàu lớn như Thụy Long, Phấn Bằng, Thanh Loan mỗi chiếc phải có đủ 100 thủy binh trang bị 100 súng điểu thương, 10 đại bác…(11).
Việc đặt súng thần công trên các tàu thuyền cũng được quy định rất chặt chẽ: Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) chuẩn y, chọn 72 cỗ súng các hạng bằng đồng, gang cùng với thuốc đạn chia đặt vào 4 thuyền lớn: Thụy Long, An Dương, An Ba nhất hiệu, Bình Ba nhị hiệu để vượt sang Hạ Châu (Malaysia). Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), quy định đặt súng thần công trên các thuyền hiệu được phái đi ngoại quốc làm việc công đều chiếu hạng theo lệ mà làm(12).
Đối với các thành, đài, việc đặt các hạng súng thần công cũng được vua ban sắc: năm Minh Mạng thứ 5 (1824) chuẩn cho chọn các hạng súng bằng đồng, gang đặt ở các sở trên 4 mặt Kinh thành, gồm 217 cỗ và vật kiện kèm theo súng và giao cho các hạng đạn gang 10.850 hòn. Lại đặt thêm 47 cỗ mới đúc, để đủ số mỗi đài 2 cỗ. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), vua cũng chuẩn cho đặt các hạng súng thần công bằng đồng, gang đặt ở các đài phòng thủ cửa biển như đài Trấn Hải (Thuận An), đài Điện Hải, An Hải (Đà Nẵng), các đồn, bảo phòng thủ ở các địa phương như đồn Hưng Bình, Du Mộc(13).
Điều đó cho thấy, dưới thời các vua Nguyễn, súng thần công là loại vũ khí quan trọng bậc nhất, được trang bị cho tất cả các vị trí phòng thủ quan trọng của đất nước. Loại súng này không chỉ được trang bị cho thuyền chiến, thành lũy, dùng trong trận mạc mà còn được vua yêu cầu Bộ Binh cấp cho biền binh thiện xạ ở các đội Hộ Vệ, Cảnh Tất, Thần Cơ đến các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, đất nhiều rừng rậm, thường có ác thú ẩn hiện làm ngăn trở người qua lại, dùng súng thần công bắn để bắt hết nhằm trả lại sự bình yên cho dân chúng(14).
Súng thần công dưới thời các vua Nguyễn với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo kích thước. Súng đồng lớn có đường kính nòng súng 5 tấc trở lên gọi là “Tướng quân” (Đại luân xa Thảo Nghịch tướng quân, Hùng Uy tướng quân, Bình Ngụy tướng quân, Thắng Uy tướng quân…). Một số súng bằng đồng loại nhỏ gọi là Quá Sơn, Thần Công, Thần Cơ, Xung Tiêu. Súng đúc bằng gang gọi là súng Hồng Y (hay Oanh Sơn), Tích Sơn, Chấn Hải, Phách Sơn.
Hình dáng súng thần công về cơ bản vẫn là hình ống tròn dài giống các thời trước, có phần nạp thuốc súng và phần nạp đạn, được đúc bằng đồng hoặc gang, chỉ là kích thước to nhỏ khác nhau nên được đặt tên gọi khác nhau để phân biệt. Đồng thời định lệ việc sử dụng thuốc súng căn cứ vào kích thước của các hạng súng lớn hay nhỏ. Ngoài các xưởng đúc vũ khí, triều đình Huế cũng có các xưởng sản xuất thuốc súng lớn và chất lượng cao, được Bộ Binh phúc tấu vào năm 1858 “đã thí nghiệm tốt không khác thuốc súng của Tây Âu”(15).
Đại Nam thực lục ghi nhận: “Súng lớn Chấn Uy theo lệ dùng thuốc súng 10 cân, nay thí nghiệm chỉ dùng có 8 cân, mà tiếng nổ đã thấy dữ dội, thì thứ thuốc mới chế này xem ra mãnh liệt hơn trước nhiều”(16). Vì thế triều đình chuẩn định cân lạng số thuôc súng dùng cho các hạng súng ở Kinh và ngoài tùy theo đường kính nòng súng(17).
Đạn của súng thần công có hình cầu tròn với nhiều loại, kích cỡ to nhỏ khác nhau tùy theo đường kính nồng súng, đạn chủ yếu được chế tác từ gang, chì và sắt được nung ở nhiệt độ cao, khi bắn dùng thuốc nổ đẩy viên đạn đi với sức công phá lớn so với nhiều loại vũ khí khác lúc bấy giờ. Các loại đạn thường dùng cho súng thần công gồm đạn chì, đồng và gang.
Cách thức nạp thuốc súng và sử dụng cũng được khắc trên Cửu vị thần công rất rõ ràng: “Lần bắn thử thứ nhất dùng 30 cân thuốc súng, 90 cân đất. Lần bắn thứ thứ hai dùng 35 cân thuốc súng, 105 cân đất. Lần bắn thứ ba dùng 40 cân thuốc súng, 120 cân đất. Thành phần chính xác thuốc súng cần để bắn chi 20 cân, bắn xa thêm 3 cân hoặc 5 cân, nhiều lắm không quá 10 cân. Tổng số thuốc súng và phần phụ thêm tính ra số lượng hạn trong 30 cân. Với thuốc súng bình thường có thể dựa theo số lượng đó, nếu thuốc súng tốt số lượng chỉ cần 20 cân, nhất thiết không thể tăng thêm thuốc.
Lòng súng 5 tấc 2 phân, chỉ dùng đạn 5 tấc. Đạn chì nặng 92 cân (55,2kg), đạn đồng nặng 74 cân (44,4kg), đạn gang nặng 52 cân 8 lạng (31,68kg). Bắn thường chỉ dùng đạn gang”(18).
Việc bắn súng phức tạp như vậy nên mỗi khẩu pháo (loại có khẩu kính 105 ly) có một khẩu đội gồm 5 người: pháo thủ 1: mang đạn, pháo thủ 2: mang thuốc, pháo thủ 3: nhồi thuốc, pháo thủ 4: đánh lửa, pháo thủ 5: châm ngòi. Toàn bộ khẩu đội đặt dưới sự chỉ huy của khẩu đội trưởng.
Súng thần công thường được gia cố trên các cỗ xe để dễ dàng di chuyển, nếu là súng đặt trên các thành lũy thì được gắn trên các bệ đỡ cố định ở các vị trí pháo nhãn của thành để dễ dàng bắn khi bị địch tấn công. Súng thần công đã chứng tỏ được sức mạnh trong chiến tranh, tuy nhiên đến thế kỷ XIX khi đối đầu với phương Tây với vũ khí hiện đại, loại trọng pháo này của triều Nguyễn đã không thể hiện được sự chính xác khi bắn và không gây được sự nguy hiểm lớn cho đối phương.
Súng thần công dưới thời các vua Nguyễn không chỉ là một loại vũ khí thể hiện sức mạnh trong chiến tranh mà còn là một vật linh biểu tượng cho sức mạnh chiến thắng và là một vị thần bảo vệ cho Kinh đô Huế.
Với ý nghĩa đó, sau khi xưng vương vào năm 1802, vua Gia Long cho tập trung tất cả chiến lợi phẩm bằng đồng thu được của Tây Sơn để đúc 9 khấu súng thần công (Cửu vị thần công) vào năm 1803 và hoàn thành năm 1804 cũng với mong muốn dâng chiến thắng lên tổ tiên, cửu vị thần công ban đầu được đặt ở phía ngoài Kinh thành, đến đầu thế kỷ XX được chuyển vào đặt hai bên tả hữu Ngọ môn, phía sau cửa Thể Nhân và Quảng Đức. Bốn khẩu từ 1 đến 4 đặt tên theo bốn mùa khắc ở phần cuối súng là Xuân, Hạ, Thu, Đông để bên tả phía sau cửa Thể Nhân; năm khẩu từ 5 đến 9 đặt tên theo ngũ hành tương sinh, khởi đầu là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy để bên hữu phía sau cửa Quảng Đức.
Do Cửu vị thần công được đúc chỉ để trưng bày mang tính biểu tượng cho sức mạnh quyền uy và chiến thắng của vương triều Nguyễn nên được phong là “Thần uy (oai) vô địch thượng tướng quân” vào năm Gia Long thứ 15 (1816). Các khẩu súng đều được chạm trổ công phu và tỉ mĩ kể cả giá và bệ súng bằng gỗ. Mỗi khẩu dài 5,lm, đường kính nồng 0,23m, dày 0,034m, khẩu nhẹ nhất là khẩu Mộc (Thần uy vô địch thượng tướng quân cửu vị đệ ngũ) nặng 17.100 cân, nặng nhất là khẩu Đông (Thần uy vô địch thượng tướng quân cửu vị đệ tứ) và khẩu Thô (Thần uy vô địch thượng tướng quân cửu vị đệ thất) đều với trọng lượng 17.800 cân. Bài ký, tên và trọng lượng các khẩu đều được khắc bằng chữ Hán trên thần súng cùng các hoa văn, hình rồng chạm khắc tinh xảo, tạo nền một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng rất có giá trị, trở thành một trong những bảo vật của Kinh đô Huế xưa và cố đô Huế ngày nay.
Cửu vị thần công dưới thời Nguyễn thường xuyên có quân lính canh gác như là một bảo vật quốc gia, đồng thời được cúng tế như một vị thần bảo vệ cho Kinh đô Huế. Hàng năm triều đình phải tiến hành cúng cửu vị thần công, lễ vật được vua ban sắc gồm cả “tam sanh” (trâu, heo, dê) như các đại lễ khác. Tuy nhiên, đến năm Đồng Khánh nguyên niên (1886) lệ này được bãi bỏ do quá tốn kém, chỉ làm lễ cúng ở miếu Hỏa thần.
Để tỏ lòng kính trọng đối với vị thần bảo vệ Kinh đô, khách bộ hành đi qua trước Cửu vị thần công đều phải “khuynh cái hạ mã” (nghiêng lọng, xuống ngựa), lệ này bãi bỏ từ năm Khải Định thứ 8 (1923). Hiện nay Cửu vị thần công vẫn ở vị trí cũ và luôn nhận được sự ngưỡng mộ của du khách gần xa không chỉ với hồn thiêng “oai hùng” của nó năm xưa, mà còn bởi giá trị nghệ thuật đúc đồng và chạm khắc trên súng của thế hệ ông cha đã làm được.
Với việc đầu tư cho ngành sản xuất súng theo kỹ thuật phương Tây, vua Minh Mạng đã cho thấy bản thân ông đánh giá rất cao sức mạnh của đại pháo trong công cuộc phòng thủ, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, các đời vua kế tiếp đã không tiếp tục thực hiện việc áp dụng khoa học kỹ thuật quân sự của phương Tây vào sản xuất vũ khí, nên súng đại bác thời Nguyễn hiệu quả vẫn còn cách biệt rất xa với vũ khí của thế giới đương thời.
Hiện nay, tại thành phô Huế còn lưu giữ gần 60 khẩu súng thần công với nhiều kích thước khác nhau, những cổ vật vũ khí bằng đồng, gang minh chứng cho một thời oanh liệt của nhà Nguyễn, đã từng bảo vệ được chủ quyển đất nước, phát triển kinh tế, thương mại vào thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX.
Chú thích:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tiền biên,I, Bản dịch, H, Nxb. Sử Học, 1962, tr.62.
2. Dẫn theo LiTana, Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế-Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, HCM, Nxb. Trẻ, 1999, tr.62-63.
3. Đại Nam thực lục, Tiền biên, Sđd, T.l, tr.61.
4. Dẫn theo LiTana, Sđd, tr.62.
5. Đơn vị cân thơi Nguyễn tương đương 0,6kg.
6. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ,15, bản dịch, Huế, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr.286.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Chính biên, 7, Bản dịch, H, Giáo Dục, 2005, tr. 1.358.
8. Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Sđd, T.15, tr.290-303.
9. Đại Nam thực lục, Chính biên, Sđd, T.7, tr.1198.
10. Đại Nam thực lục, Chính biên, Sđd, T.3, tr.628.
11. Đại Nam thực lục, Chính biên, Sđd, T.8, tr.138.
12. Quốc sử quán triều Nguyền, Minh Mệnh chính yếu, III, Huế, Nxb. Thuận Hóa, 1994, tr.275.
13. Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Sđd, T.15, tr.303.
14. Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Sđd, T.15, tr.285-286.
15. Đại Nam thực lục, Chính biên, Sđd, T.5, tr.568-569.
16. Nguyễn Văn Đăng, Quan xưởng ở kinh đô Huế từ 1802-1884, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.117.
17. Đại Nam thực lục, Chính biên, Sđd, T.5, tr.776.
18. Xem thêm Đại Nam thực lục, Chính biên, Sđd, T.5, tr.776-777.
19. Nội dung dịch trong bảng đồng khắc trên Cửu vị thần công đặt truớc Hoàng thành Huế hiện nay.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 472, tháng 6, năm 2016
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Súng thần công thời Nguyễn (Tác giả: Lê Thị Toán) |