Súng thần công và phong trào Cần Vương của Quảng Bình
Tác giả bài viết: PHAN THỊ HẰNG
(Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình)
Súng thần công là hỏa khí nhằm tiêu diệt quân địch từ xa, loại súng này thường có kích thước lớn, có trọng lượng nặng, lúc đầu được đúc bằng đồng, sau được đúc bằng sắt và gang. Đây là loại vũ khí được sản xuất từ thời nhà Hồ đánh quân Minh, nhưng sang đến thời Nguyễn, các vua đã cho đúc thêm nhiều súng thần công để phòng thủ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, đồng thời còn để biểu trưng cho sức mạnh của vương triều.
Trong các loại vũ khí chiến đấu thời Nguyễn thì súng thần công là vũ khí chiến lược, có vị trí quan trọng trong lực lượng quân đội triều Nguyễn, bởi sức công phá lớn nên được trang bị cho nhiều binh chủng như bộ binh, thủy binh và được bố trí phòng thủ ở những vị trí xung yếu của đất nước. Nhờ có loại vũ khí này mà quân đội triều Nguyễn đã trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương thế kỉ XVIII- XIX, cùng với Xiêm La phân chia ảnh hưởng đối với Chân Lạp. Một số tư liệu đã xác nhận rằng, trong các lần giao tranh với quân Tây Sơn, nhờ sức mạnh của súng thần công mà vua Gia Long đã giành thắng lợi trong các trận đánh lớn. Không những thế, nhờ có loại vũ khí này mà triều đình Hàm Nghi đã lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Quảng Bình đánh trả nhiều đợt tấn công của quân xâm lược Pháp. Chính vì thế, Gia Long đã phong súng là tướng, là thần; thời Minh Mạng xem súng là thống lĩnh quân đội ngang hàng với thần linh. Đạn của súng thần công có hình tròn, chất liệu là sắt và gang, mỗi khi bắn phải luồn dây nòng qua lỗ điểm hỏa ở cuối thân súng, sau đo nhồi thuốc phóng thật chặt vào cuối nòng súng rồi mới nạp đạn vào đầu nòng, khi bắn chỉ cần châm lửa vào ngòi, muốn bắn vào mục tiêu nào thì hướng súng vào mục tiêu đó. Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ thì từ thời Gia Long đến Tự Đức đã cho đúc 1.052 khẩu thần công, trong đó vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) cho phép đặt súng thần công ở thành Đồng Hới để phòng thủ bảo vệ cửa biển Nhật Lệ, bao gồm:
– .. . 4 sở pháo trên mặt thành mỗi sở 19 khẩu, 4 góc mỗi góc 7 cỗ.
– Một sở pháo ở Trường Thành (tức Lũy Thầy) chia đặt 6 cỗ đại bác.
Lại cho đặt ở mặt thành các loại súng các hạng, gồm 36 cỗ… ”
Súng thần công có nhiều loại với nhiều kiểu từ lớn đến nhỏ với 4 cấp từ thấp đến cao: Tướng quân, Trung tướng quân, Thượng tướng quân, Đại tướng quân, với tên gọi được đúc trên thân súng, khi ra trận sát thương được nhiều quân địch sẽ được triều đình phong thêm tước hiệu.
Súng thần công được chia làm 3 loại như sau:
Loại 1: có đường kính nòng từ 5-8cm, độ dài trung bình của súng dưới 100cm, là súng các vị tướng dùng để ra lệnh cho quân sĩ tấn công hay phòng ngự còn gọi là súng lệnh.
Loại 2: Độ dài trung bình của súng dưới 150cm.
Loại 3: Độ dài trung bình của súng trên 200cm.
Cả loại 2 và loại 3 đều được làm bằng gang, sắt, được dùng trong chiến đấu nên có cấu tạo gọn, trang trí trên thân súng đơn giản.
Dựa theo sự phân loại của súng thần công như trên thì 11 khẩu thần công được phát hiện trên địa bàn Quảng Bình và đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh có đủ 3 loại, trong đó có 1 khẩu sung lệnh, 7 khẩu loại 2 và 3 khẩu loại 3.
Đây là vũ khí chiến đấu của triều đình Hàm Nghi và nghĩa quân Cần Vương đánh Pháp trên đất Quảng Bình, địa điểm phát hiện những khẩu súng này là ở Vực Nạ; Khe Ve, từng là căn cứ địa của phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi làm thủ lĩnh và Thượng tướng Nguyễn Phạm Tuân phụ trách cơ quan cần Vương Trung ương; địa điểm Quảng Phương, Nhân Trạch là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Đề đốc do Lê Trực chỉ huy; địa điểm thành cổ Đồng Hới-tuyến phòng thủ, từng bị Nguyễn Phạm Tuân và Lê Trực tấn công, đốt cháy trại lính, phá hủy vũ khí của bọn Pháp.
Súng thần công thường được cố định hay đặt trên những cỗ xe để di chuyển theo quân đội trong từng trận đánh, nhưng 11 khẩu súng thần công được phát hiện tại Quảng Bình không còn cỗ xe nữa. Một số khẩu đã bị rỉ rét, một số khẩu vẫn còn tai, trục quay và thân súng vẫn còn nguyên vẹn. Trong đó có một khẩu loại lớn được đúc bằng đồng có bài minh văn ghi trên thân súng nhắc đến lịch sử ra đời của vị thần súng oai vệ này: “Lập vị bách nhị niên, Trung Tướng quân, phương bình lưu sắc, Gia Long thập ngũ niên tuế, thứ Bính Tý cát nguyệt nhật”, được dịch: Ngày tháng lành năm Bính Tý, năm thứ 15 niên hiệu Gia Long (1817) cho đúc 120 vị súng mang quân hàm Trung Tướng quân tên gọi là Phương Bình lưu sắc. Khẩu thần công này không chỉ là một vũ khí quân sự mà vua Gia Long còn xem nó như là một vị tướng tài giỏi chỉ huy quân đội tránh được đường tên mũi đạn của địch, sớm lập đại công đại thắng quân thù. Với niên đại gần 200 năm cùng với giá trị lịch sử đặc biệt như vậy, vị Trung Tướng quân này xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia. Chỉ ở những vị trí xung yếu của đất nước, triều đình nhà Nguyễn mới bố trí loại súng này để giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc.
Sau khi kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn và chọn vùng núi rừng Khe Ve, Tuyên Hóa, Quảng Bình đóng đại bản doanh. Ngày 20 tháng 9 năm 1885, vua xuống chiếu Cần Vương lân 2 – là văn bản chính thức tuyên chiến của triều đình Hàm Nghi với thực dân Pháp xâm lược. Tại vùng căn cứ, quân của vua đã xây đồn đắp lũy bằng đất cao 2m để làm cứ điểm lâu dài và được nhân dân Tuyên Hóa cung cấp lương thực cũng như tham gia công việc kháng chiến. Việc làm đường quan Sũng Nghệ ở Lệ Sơn vào thời gian này là để quân đội và vua di chuyển vào vùng núi sâu được an toàn. Với thế mạnh là những khẩu thần công được di chuyển trên những cỗ xe có mức sát thương đến 1.200m, nên quân của triều đình Hàm Nghi đã tiêu diệt tên quan hai Cannus và một lực lượng lính thủy đánh bộ cùng lính khố đỏ khi chúng tấn công vào cứ điểm Khe Ve.
Một thời gian sau, quân Pháp do thiếu tá Pellelier quay lại tiếp tục tấn công cứ điểm Khe Ve cũng bị nghĩa quân đánh bật ra. Trong khi các cuộc vây ráp và tảo thanh của quân Pháp vào căn cứ vua Hàm Nghi, thì nhiều ngươi dân khắp nơi trong tỉnh đều hưởng ứng chiếu Cần Vương. Trong đó có Nguyễn Phạm Tuân một tri phủ treo ấn về quê Đông Hới, để chiêu mộ nghĩa quân kéo lên Tuyên Hóa gia nhập vào phong trào cần Vương của vua Hàm Nghi, được nha vua giao cho chức phụ trách cơ quan cần Vương Trung ương để vận động nhân dân ra sức kháng chiến chống Pháp, ông chọn xóm Thác Đài, làng cỗ Liêm để đóng trụ sở. Từ đó, xóm Thác Đài trở thành nơi giao tiếp của triều đình Hàm Nghi dương cao ngọn cờ cứu nước.
Đầu năm 1886, Tôn Thất Thuyết giao toàn quyền chỉ huy quân đội và nội chính cho Nguyễn Phạm Tuân với chức Thượng tướng. Trong suốt năm đó, ông đã cùng nghĩa quân được trang bị súng thần công và vũ khí tự tạo đánh lui được nhiều cuộc tấn công của quân Pháp vào căn cứ Hàm Nghi, mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân ra tận Quảng Trạch, ba lần tấn công vào thành Đồng Hới, làm chủ con đường từ Bố Trạch ra đèo Ngang đi Hà Tĩnh. Trong một lần bị bất ngờ tấn công, ông đã anh dũng hy sinh. Lịch sử vùng đất này luôn nghi nhớ tấm lòng kiên trung bất khuất của một danh tướng đã ngã xuống vì sự nghiệp chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương đất nước.
Sau khi Nguyễn Phạm Tuân hy sinh, căn cứ của vua Hàm Nghi vẫn được giữ vững, đó là do một lực lượng thứ hai ở vùng trung lưu sông Gianh do Đề đốc Lê Trực chỉ huy. Lê Trực là một võ tướng từng giữ chức Đề đốc thành Hà Nội. Hưởng ứng chiếu cần Vương, ông chiêu mộ nghĩa quân lấy chiến khu Trung Thuần làm căn cứ địa án ngự cả huyện Quảng Trạch. Theo con số của người Pháp, ông có một lực lượng quân sự gồm 2.000 binh sĩ, 50 súng tay kiểu mới và 8 khẩu thần công. Nghĩa quân của ông đã nhiều lần đánh thành Đồng Hới, tướng Pháp giữ thành không nỗi phải điện xin quan cứu nguy từ Huế ra.
Ngoài ra, Lê Trực còn liên kết với một cánh quân Cần Vương của lãnh binh Mai Lượng án ngự vùng Rào Nan – phía Nam Quảng Trạch, góp phần bảo vệ triều đình Hàm Nghi, gây cho bọn thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Hỗ trợ cho những cánh quân của vua Hàm Nghi ở Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bô Trạch còn có các lực lượng nghĩa quận ở Quảng Ninh, Lệ Thủy do Hoàng Phúc, Đồ Én, Đồ Chít chỉ huy diệt gọn nhiều lính Pháp và lính khố xanh làm cho chúng vô cùng khó khăn, vất vả trong công cuộc bình định.
Tuy nhiên, từ giữa năm 1887 trở đi, đại bản doanh của phọng trào Cần Vương bị phá vỡ do Pháp thay đổi chiến thuật, đồng thời tăng cường các hoạt động tình báo do thám, ra sức mua chuộc các phần tử giao động, để rồi được sự chỉ điểm của tên phản bội Trương Quang Ngọc, vua Hàm Nghi bị bắt ngày 1/11/1888.
Mặc dù thủ lĩnh phong trào không còn nhưng nghĩa quân Cần Vương ở Quảng Bình không vì thế mà tan rã, cũng như tinh thần yêu nước và ngọn lửa đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc luôn rực cháy trong lòng mỗi người dân.
Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, thực dân Pháp ra sức đàn áp nghĩa quân, đi kèm theo đó là việc khai tử cho các vũ khí của triều đình Hàm Nghi, việc này kéo dài trong nhiều năm mới chấm dứt. Vì thế, súng thần công của phong trào cần Vương ở Quảng Bình phải chịu sự ngược đãi của bọn xâm lược. Việc phá hủy mà thực dân Pháp đã dùng là cho nổ tung và phá nát để lấy đồng, sắt phát mãi cho tư thương. Để bảo vệ những khẩu thần công linh thiêng và oai dũng, đã từng vào sinh ra tử với nhân dân, lãnh binh và quân đội của vị vua yêu nước đánh thắng các trận: Lập Cập, Ma Rai, Khe Ve, ngăn chặn quân Pháp xâm lược. Nghĩa quân Cần Vương trước khi rút lui vào núi đã giấu các vị thần công xuống Vực Nạ, Khe Ve. Sau ngày đất nước giành độc lập năm 1945, nhân dân Minh Hóa đã vớt súng lên.
Với tầm quan trọng là vũ khí chiến lược không chỉ của triều Nguyễn mà còn là của nền quân sự Việt Nam thế in XVIII – XIX, súng thần công còn mang một giá trị đặc biệt thiêng liêng, là nhân chứng bi hùng của mảnh đất Quảng Bình trong thời kỳ Cần Vương đánh Pháp, nhân chứng luôn mang trong mình thông điệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc đến cả mai sau. Theo đanh giá của các nhà nghiên cứu, tiếng súng thần công trong phong trào Cần Vương ở Quảng Bình, dưới sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong diễn trình lịch sử hình thành vùng đất Quảng Bình. Bởi nó đã minh chứng cho tinh thần đấu tranh anh dũng của người dân nơi đây trong công cuộc chống giặc ngoại xâm để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.
Nguồn: 76 Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Quảng Bình – số 4/2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Súng thần công và phong trào Cần Vương của Quảng Bình (Tác giả: Phan Thị Hằng) |