Tả – Hữu pháo xưởng. Lịch sử xây dựng và tồn tại

THE TWO OLD HOUSES SHELTERING THE NINE HOLY CANNONS,
THEIR CONSTRUCTION HISTORY AND EXISTENCE

Tác giả bài viết: NGUYỄN TIẾN BÌNH;
NGUYỄN MINH KHÔI*
(*Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng)

TÓM TẮT

     Cửu vị thần công được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012 nhưng hiện đang được bao che tạm bằng 2 nhà khung sắt lợp tôn. Việc phục hồi 2 công trình nhà che là việc làm cấp thiết nhằm tôn vinh xứng đáng bảo vật của đất nước và tăng tính bền vững trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Bài viết này trình bày về lịch sử xây dựng và tồn tại 2 công trình trên để lựa chọn thời điểm phục hồi phù hợp nhất.

ABSTRACT

     This article presents the Nine Holy Cannons recognized as a national treasure in 2012 but currently sheltered temporarily by two iron-framed houses. The restoration of these two shelters is an urgent job to honor the country’s treasures and increase the sustainability in the preservation and promotion of the monuments values. This article also presents their the construction history and existence to choose the most appropriate time of restoration.

x
x x

     Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long cho tập hợp tất cả các binh khí và vật dụng bằng đồng, thu được của nhà Tây Sơn, để đúc thành 09 khẩu súng lớn làm biểu tượng cho chiến thắng. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ, năm Gia Long thứ 2 (1803) [1] viết rằng:

     “Đúc chín khẩu súng lớn bằng đồng, lấy bốn mùa, và năm hành mà đặt tên, cái thứ nhất là Xuân, nặng hơn 17.700 cân, cái thứ hai là Hạ, nặng hơn 17.200 cân, cái thứ ba là Thu, nặng hơn 18.400 cân, cái thứ tư là Đông, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ năm là Mộc, nặng hơn 17.100 cân, cái thứ sáu là Hỏa, nặng hơn 17.200 cân, cái thứ bảy là Thổ, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ tám là Kim, nặng hơn 17.600 cân, cái thứ chín là Thủy, nặng hơn 17.200 cân. Đúc xong, làm bài minh để ghi.

     Bài minh rằng:

     “Năm Giáp Ngọ sang miền Đông, năm Mậu Thân đem quân về Gia Định, năm Tân Dậu, tháng trọng hạ, lấy lại kinh đô, năm Nhâm Tuất, tháng trọng hạ, đại quân ra miền Bắc, đến tháng Bảy thắng trận, năm ấy đem quân về, cáo yết Thái miếu, làm lễ hiến phù, giặc nước quét thanh. Mùa xuân năm Quý Hợi sai nấu những thứ đồng đã thu bắt được đúc chín khẩu súng lớn, đó là từ khẩu thứ nhất đến khẩu thứ chín này, tháng Chạp công thợ hoàn thành, đặc mệnh khắc minh văn này để ghi”. Năm Gia Long thứ 15 (1816) đặt tên súng là Thần oai vô định Thượng tướng quân.”

     Đoạn sử liệu này cho thấy, 09 khẩu thần công được đúc bằng đồng vào năm Gia Long thứ 2. Mỗi khẩu có tên riêng, lấy theo tứ thời và ngũ hành. Đến năm Gia Long thứ 15 được đặt chung một tên là Thần oai vô địch Thượng tướng quân. 09 khẩu súng này thường được gọi là Cửu vị thần công.

     Cửu vị thần công là các tác phẩm nghệ thuật, được trang trí, chạm trổ rất đẹp nhưng hầu như không khác nhau về hình thức, chỉ khác nhau chút ít về trọng lượng như đã được ghi trong sử liệu. Súng hình trụ, loe nòng, thuôn dần từ đuôi đến miệng nòng; thân súng đúc hai quai hình tượng rồng. Trên thân súng có 6 gờ nổi, trong đó 2 gờ ở 2 đầu quai súng được đúc rộng bản như hai vòng đai bao quanh thân súng. Hai bên mỗi đường gờ đều trang trí những dải hoa văn hình hoa lá, được chạm nổi với đường nét mềm mại và tinh xảo. Trên mỗi khẩu súng, ngoài tên gọi, thân súng còn được khắc hướng dẫn sử dụng súng và tước vị của Thần công “Thống lãnh quân đội, uy dũng ngang hàng với thần linh, vô địch tướng quân, niên hiệu Gia Long thứ 15, ngày tốt tháng Bính Tý”. Toàn bộ 09 khẩu súng đều đặt trên bệ, làm bằng gỗ, có gắn 4 bánh xe niềng sắt để di chuyển, và có thể xoay được như pháo hiện đại. Các giá súng đều được chạm trổ cực kỳ công phu và tỉ mỉ. Hình 1, 2 là họa đồ 01 khẩu súng thần công điển hình được vẽ trong tài liệu BAVH [9].

     Theo tài liệu BAVH [9], Cửu vị thần công được xem là vật trấn yểm, là thần linh trấn giữ Kinh thành nên xung quanh các vị có rất nhiều truyền thuyết được thêu dệt. Khi đất nước còn độc lập, kể cả trong thời gian đầu khi mới mất nước (sau 1885), triều đình nghiêm cấm không cho dân thường vào vị trí đặt súng và bất kỳ ai đi qua khu vực này đều phải bỏ mũ nón cúi chào như cách biểu hiện sự kính trọng với những vị thánh thần.

     Cũng theo BAVH [9], thuở ban đầu, triều đình có dự trù ngân sách để thờ cúng Cửu vị thần công. Lễ cúng đủ tam sanh (bò, dê, lợn thui nguyên con) diễn ra tại Đại Nội, trong phòng riêng của hộ vệ, nơi đặt bài vị súng. Đến năm Đồng Khánh thứ nhất, do kinh phí cạn kiệt nên lễ cúng theo lệ của triều đình không còn, nhưng những người bảo vệ súng vẫn tự dùng tiền lương để hương khói vào những ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, và các vị võ quan, khi được thăng chức, vẫn tự mình đến lễ tạ ở Tả Xưởng Tướng quân, nơi đặt bàn thờ Cửu vị.

     Từ những thông tin sử liệu, có thể thấy, vào thuở ban đầu, Cửu vị thần công, ngoài giá trị là quốc bảo của triều đình nhà Nguyễn, là biểu trưng cho chiến thắng về mặt quân sự với nhà Tây Sơn, cho sự thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, còn được xem như là thần linh trấn yểm Kinh thành, là bảo vật trị quốc.

     Vào thời kỳ mất nước, toàn bộ súng thần công trong cả nước bị quân đội Pháp thu giữ và dự định nấu chảy để đúc thành tiền. Triều đình nhà Nguyễn đã đồng ý nhưng cử Khâm sứ (không thấy nêu tên trong sử liệu) đề nghị người Pháp cho giữ lại 09 khẩu Thần oai vô địch Thượng tướng quân để làm quốc bảo với lý do đây là “di tích tiền triều chế ra để giữ nước”. Đến tháng Giêng năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), sử liệu đã ghi nhận “Nước Pháp giao trả 9 khẩu súng đồng Hùng dũng vô địch đại tướng quân. Cho vẫn để ở xưởng Đại tướng quân” [6]. Như vậy, Cửu vị thần công đã bị quân Pháp thu giữ khi Kinh đô Huế thất thủ (1885) cho đến tháng Giêng năm 1888. Sự thu giữ Cửu vị thần công có kèm theo việc chuyển dịch chúng khỏi vị trí hiện hữu ở trước mặt Hoàng thành hay không thì hiện chưa xác định được, chỉ chắc chắn một điều là Cửu vị thần công hiện nay chính là bản nguyên gốc được đúc từ năm Gia Long thứ 2 (1803) đến năm Gia Long thứ 3 (1804).

     Về vị trí và quá trình xây dựng công trình đặt Cửu vị thần công thì sử liệu rất ít nhắc tới, đặc biệt là thời điểm di dời súng và hình thức công trình. Tuy nhiên, trong tài liệu [11], nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã khẳng định Cửu vị thần công đã có 04 lần được di chuyển vị trí. Lần đầu, sau khi được đúc xong vào đầu năm 1804, Cửu vị thần công được chia làm 2 nhóm Tả – Hữu, đặt phía sau Kỳ Đài, trong nhà có mái che, gọi là Pháo xưởng. Hiện chúng tôi chưa tìm được nguồn tư liệu để kiểm chứng thông tin này, nhưng trong tài liệu [2], năm Gia Long thứ 16 (1817), vào tháng 3 âm lịch, tức là sau 01 năm Cửu vị thần công được tấn phong Thần oai vô địch Thượng tướng quân cửu vị có câu ghi “Dựng xưởng súng Tả – Hữu”. Như vậy, có thể ban đầu sau khi đúc, Cửu vị thần công được đặt trực tiếp ngoài trời, cho đến khi được phong thần, vua Gia Long mới quyết định dựng nhà che.

     Trong 02 năm 1832 – 1833, Hoàng thành được vua Minh Mạng quy hoạch lại toàn bộ khu vực mặt trước, từ Điện Thái Hòa đến hồ Kim Thủy. Trong lần quy hoạch này, rất nhiều công trình được xây dựng và điều chỉnh về mặt hình thức và quy mô, từ Điện Thái Hòa được dời vị trí và mở rộng diện tích, đào hồ Thái Dịch, xây mới Đại Cung Môn có tả – hữu hành lang, Điện Càn Nguyên và 2 cửa Tả Đoan và Hữu Đoan được thay bằng Ngọ Môn, phía trên đặt Phụng Lâu; hồ và cầu Kim Thủy được đào mở rộng và xây mới. Thời điểm khởi động việc đào hồ là tháng 8 năm 1832, ghi rõ trong Đại Nam thực lục [4]: “Vua bàn muốn dời Điện Thái Hòa ra chỗ khác và xây cửa Ngọ Môn. Trước hết cho đào ao ở trước mặt Hoàng thành để dời quân xưởng ra phía 2 bên tả hữu bờ phía Nam ao”, còn thời điểm khởi công xây dựng các công trình chính là vào tháng Giêng, ngày Canh Dần, năm Minh Mạng 14 (1832) [5].

     Tả – Hữu Pháo xưởng là 02 công trình thuộc diện quy hoạch đợt này, đã được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí [8] mục Xưởng súng, phần Kinh sư, như sau: “Xưởng tả Đại tướng quân ở ngoài hồ Kim Thủy về phía tả, trước cửa Ngọ Môn, thứ đến Xưởng tả tướng quân; Xưởng hữu Đại tướng quân ở phía hữu trước Ngọ Môn, thứ đến Xưởng hữu tướng quân đều dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833)”. 

     Trước năm Minh Mạng thứ 14 (1833), hiện chúng tôi chưa truy cập được các tài liệu vẽ sơ đồ Hoàng thành và Kinh thành. Tài liệu sơ đồ sớm nhất về Hoàng thành được biết đến là Bản đồ thành phố Huế in trong Hồi ức của Michel Ðức Chaigneau, xuất bản năm 1867 tại Paris [12]. Ở bản đồ này, phía trước Ngọ Môn, Tả – Hữu Pháo xưởng được ký hiệu số 1 và ghi chú là Trại súng, và ở trang 219, pháo xưởng đã được ông mô tả như sau: “Ở mỗi đầu của quảng trường nhỏ, gần với Hoàng thành là hai nhà xưởng chứa khẩu pháo thần công, được bảo dưỡng hết sức kỹ lưỡng…” Như vậy, ít nhất là đến năm 1867, Tả – Hữu Pháo xưởng vẫn giữ được chức năng là nhà đặt súng và được đặt ở 2 bên Ngọ Môn.

     Ngoài chức năng bảo vệ cho các khẩu thần công, trong sử liệu từ thời vua Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái sau này, Pháo xưởng còn nhiều lần được nhắc đến là nơi đón tiếp sứ thần và tổ chức các buổi yến tiệc cho các quan văn – võ cấp thấp, ví dụ như vào năm Minh Mạng thứ 11 (1930), Đại Nam thực lục [3] có ghi: “Ban yến ở xưởng súng Đại tướng quân tả hữu, cho quan văn từ Chánh tứ phẩm đến Thất phẩm, quan võ từ Chánh tứ phẩm đến thực thụ Suất đội cùng quan viên hưu trí, Tri huyện, Huyện thừa ở kinh huyện, Nội các, Tòng thất phẩm trở xuống, cùng thổ ty các trấn, sứ bộ đầu mục các thuộc quốc ngoại biên”.

     Có một thông tin khá lạ, trong tài liệu BAVH [9], được tác giả dè dặt (nguyên văn trong bản dịch) ghi lại “từ miệng những người bảo vệ cũ, đã nghỉ hưu, phục vụ dưới thời vua Tự Đức”, rằng: “Vua Tự Đức cho đúc 9 khẩu súng nhỏ hơn so với cùng mẫu súng thần công thời Gia Long. Các súng ấy đặt ở Tả xưởng tướng quân, vào lúc ấy đất rộng và được dùng vào những ngày hiếu hỉ tại cung đình”. Tài liệu này còn viết tiếp “Dưới thời Gia Long, phía Nam của Kinh thành nằm giữa các lũy thành và hoàng cung là nhiều bãi súng đại bác. Có nhiều nhà ở thời kỳ đấy nhưng nay chỉ còn Hữu xưởng tướng quân chuyển thành trại ngựa và Tả xưởng tướng quân mà ngày nay đặt súng thần công. Tả xưởng Tướng quân là trống rỗng….”

     Và một đoạn khác, cũng trong tài liệu này viết là: “Chín khẩu súng ở bên phải cửa Ngọ Môn đã phân tán đi rồi. Ba khẩu gửi vào Gia Định, ba ở Sơn Trà (Đà Nẵng), ba ở Thuận An. Chỉ còn lại các khẩu đúc từ thời Gia Long là ở lại để phòng thủ Hoàng Cung”.

     Với những đoạn được tài liệu BAVH mô tả, chúng tôi thấy nổi lên rất nhiều điều mâu thuẫn:

     – Mâu thuẫn thứ nhất: Nếu vua Tự Đức có cho đúc thêm 09 khẩu súng thần công nữa thì chắc chắn sử liệu phải nhắc tới không chỉ 01 lần, mà ít nhất phải là 02 lần. Song tất cả các tài liệu lịch sử mà chúng tôi đã truy cập được, ngay cả tài liệu nghiên cứu từ trước đến nay cũng không hề nhắc đến:

      + Lần 1 phải nhắc đến là lần vua cho đúc súng. Đúc vì lý do gì? Tại sao lại đúc theo nguyên mẫu nhưng kích thước nhỏ hơn? Đúc xong thì đặt ở đâu?

     + Lần 2 phải nhắc đến là khi 09 khẩu súng được chuyển đi. Lý do tại sao lại phải chuyển 3 khẩu súng đó đi? Vì lý do trấn giữ thành Gia Định, thành Điện Hải và cửa biển Thuận An trước sự tấn công của quân Pháp hay vì lý do gì khác?

     – Mâu thuẫn thứ 2: 09 khẩu súng đúc thời Tự Đức được đặt ở bên phải hay bên trái Ngọ Môn? Trang 121 của tài liệu viết là “Chín khẩu súng ở bên phải cửa Ngọ Môn đã phân tán đi rồi”. Điều này có nghĩa là 09 khẩu phải đặt bên phải Ngọ Môn. Nhưng tại trang 118, tài liệu lại ghi: “Dưới thời Gia Long… nay chỉ còn Hữu xưởng tướng quân chuyển thành trại ngựa và Tả xưởng tướng quân mà ngày nay đặt súng thần công.

      Tả xưởng Tướng quân là trống rỗng...”

     Điều này rất thiếu logic! Hữu xưởng tướng quân bị chuyển pháo đi, đã trống rỗng, nên nay chuyển thành trại ngựa thì hợp lý. Nhưng Tả xưởng Tướng quân đã bị điều chuyển đi bao giờ đâu mà ngày xưa trống rỗng? Nếu ngày xưa là trống rỗng thì 09 khẩu này nằm ở đâu khi đó? Hay được chuyển từ bên hữu về? Có lẽ, chính vì điều bất hợp lý này mà tác giả đã dùng từ “dè dặt” khi cung cấp thông tin về 09 khẩu thần công được đúc vào thời Tự Đức.

     Nhận định rút ra sau khi phân tích các thông tin được đề cập trong tài liệu BAVH và các thông tin từ sử liệu cho thấy, khả năng lớn là không tồn tại một giai đoạn có 18 khẩu thần công đặt ở 2 công trình Tả – Hữu Pháo xưởng, mỗi bên 09 khẩu, trong đó 09 khẩu đúc thời Gia Long và 09 khẩu đúc thời Tự Đức, mà đã có một sự dịch chuyển súng từ bên phải về bên trái Ngọ Môn, tức là nhập 05 khẩu ngũ hành phía bên phải Ngọ Môn vào 04 khẩu tứ thời phía bên trái Ngọ Môn để tạo thành 09 khẩu xếp liền nhau thành 01 hàng dọc. Lúc này, Hữu Pháo xưởng sẽ trống và biến thành trại ngựa, như tài liệu BAVH đề cập vào năm 1914.

     Hiện chúng tôi chưa tìm được thông tin sử liệu nào đề cập tới thời điểm dịch chuyển súng sau thời Tự Đức, nhưng trong bài viết về Cửu vị thần công của nhà nghiên cứu Phan Thuận An [11], thời điểm nhập 05 khẩu ngũ hành với 04 khẩu tứ thời vào thành một hàng dọc bên trái Ngọ Môn là vào năm 1896. Pháo xưởng giai đoạn này là công trình nhà rường bằng gỗ, mái lợp ngói liệt, gồm 11 gian bít đốc. Gian giữa và 02 gian chái được xây tường ngăn phía sau, còn 08 gian đối xứng nhau từng cặp được để trống. Các thông tin này có thể nhận biết trực quan bằng hình ảnh 04 và 05. Theo Bản đồ ở hình 4, Hữu Pháo xưởng đã chuyển chức năng thành trại ngựa và theo hình 05, 09 khẩu thần công đã được đặt nối liền nhau.

     Đến năm 1917, năm Khải Định thứ 2, Pháo xưởng đã bị triệt giải để chuyển sang vị trí mới, nằm ở 2 bên cửa Thể Nhơn và Quảng Đức, chính là vị trí hiện nay. Đại Nam thực lục, mục 0142 [7] đã viết: “Dời dựng xưởng pháo tướng quân, trước xây ở phía trước Ngọ Môn, gồm 2 dãy 2 bên, trong chứa pháo đồng hạng lớn, tới phía trong các cửa Thể Nhân, Quảng Đức, trong vẫn đặt 9 khẩu pháo đồng”.

     Ảnh tư liệu hình 6, 7, 8, 9 cho thấy vị trí Cửu vị thần công khi được hạ giải để lắp dựng Pháo xưởng (thời Thành Thái); quá trình di chuyển vị trí Cửu vị thần công về cửa Thể Nhơn và Quảng Đức (1917); quá trình lắp dựng và sau khi các công trình đã ổn định vào vị trí mới.

     Sau năm 1917, người Pháp vẫn thường xuyên cho ghi chép lại những thay đổi về mặt kiến trúc của Kinh thành trong các bản đồ theo từng thời kỳ, trong đó điển hình là 2 bản đồ của họa sĩ Nguyễn Thứ, vẽ vào năm 1920 và 1930 (hình 10). Ở tất cả các bản đồ này, vị trí của Tả – Hữu Pháo xưởng đều được xác định rõ nằm 2 bên, phía trong cửa Thể Nhơn và Quảng Đức.

     Ngoài ra, các không ảnh tư liệu cũng được ghi lại rất nhiều trong giai đoạn sau này. Hình 11 là bức không ảnh chụp từ phía bên trái Kỳ Đài về hướng Hoàng thành. Bức ảnh này cho thấy Hữu Pháo xưởng là ngôi nhà 1 tầng được lợp ngói, góc nhà được xây tường.

     Sau năm 1945, 2 công trình Tả – Hữu Pháo xưởng vẫn tồn tại và hầu như không được can thiệp, một phần vì nhà Nguyễn đã không còn, nên kinh phí huy động được chủ yếu dành cho các công trình quan trọng nằm ở trong Hoàng Cung như Điện Thái Hòa, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Hiển Lâm Các… ở các lăng tẩm như Điện Sùng Ân – lăng Minh Mạng, Điện Biểu Đức – lăng Thiệu Trị… hoặc phải là các công trình có tính biểu tượng của Huế như Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình…; một phần nữa vì điều kiện chiến tranh diễn ra rất ác liệt ở Huế, đặc biệt vào các năm 1968 và 1972 đã làm cản trở việc thực hiện công tác tu bổ.

     Các hình ảnh ghi lại được ở thời kỳ này cho thấy 2 công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1969, Hữu Pháo xưởng chỉ còn lại một vài bộ khung gỗ và đến năm 1975, đến Tả Pháo xưởng cũng hoàn toàn bị triệt giải. Hình 12, 13, 14, 15 cho thấy hình ảnh của Tả – Hữu Pháo xưởng trong giai đoạn Việt Nam Cộng hòa.

     Từ 1975 đến 1998, Tả – Hữu Pháo xưởng hoàn toàn bị sụp đổ. Theo thông tin từ ông Nguyễn Thế Sơn – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án di tích Huế, đến năm 1998, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho dựng lên trên nền Tả – Hữu Pháo xưởng nhà che tạm bằng khung sắt lợp tôn, và 02 công trình này đã tồn tại đến ngày nay.

      Qua những thông tin từ sử liệu và ảnh tư liệu xuất hiện từ thời vua Thành Thái đến hết thời vua Bảo Đại, có thể nhận thấy Cửu vị thần công đã trải qua rất nhiều giai đoạn biến động của lịch sử và vị trí của chúng cũng nhiều lần được thay đổi. Với những thông tin xác nhận được thì việc dịch chuyển vị trí Cửu vị thần công ít nhất xảy ra 03 lần: từ 2 bên phía trước Ngọ Môn (thời vua Minh Mạng), sang xếp liền nhau bên trái Ngọ Môn (thời vua Thành Thái) và cuối cùng là về vị trí phía trong 2 bên cửa Thể Nhơn và Quảng Đức (thời vua Khải Định) như hiện nay.

     Cùng với sự dịch chuyển vị trí của Cửu vị thần công, vị trí và hình thức của Pháo xưởng cũng thay đổi theo. Hình 6 cho thấy thời vua Thành Thái, Tả Pháo xưởng là công trình 11 gian, không có chái, tường bít đốc. Còn khi được chuyển về đằng sau cửa Thể Nhơn và Quảng Đức, qua hình 8, 11, 12 và hiện trạng nền 2 công trình, Pháo xưởng được chia làm 2 nửa Tả – Hữu đối xứng, với các thông tin sơ bộ ghi nhận được như sau:

     – Công trình có kết cấu bộ khung bằng gỗ gồm 5 gian, 2 chái theo kiến trúc nhà rường Huế, mái được lợp ngói liệt thường (không men);

     – 04 góc công trình được xây gạch, tô trát vữa và quét vôi màu vàng;

     – Bờ nóc, bờ mái của công trình có cấu tạo đơn giản, không trang trí giao giống (khác hẳn với phong cách kiến trúc thời kỳ vua Khải Định);

     – Nền công trình được lát gạch vồ theo hình chữ Công;

     – Cốt nền của công trình có độ cao hơn cốt sân bên ngoài và có bậc cấp;

     – Các cột công trình được đặt trên 30 chân táng bằng đá Thanh. Tất cả các chân táng này đều được khoét lỗ để tạo liên kết với chân cột.

     Với những thông tin được ghi nhận ở trên, xét ở góc độ bảo tồn, phục dựng Tả – Hữu Pháo xưởng ở vị trí Cửu vị thần công hiện nay là phương án tối ưu nhất vì những lý do sau:

     – Vị trí hiện nay là vị trí tồn tại cuối cùng của công trình trong lịch sử, và vẫn nằm khung thời gian dưới triều Nguyễn (1802 – 1945). Việc phục dựng 2 công trình ở vị trí này hoàn toàn phù hợp với Luật Di sản và các Hiến chương, Công ước quốc tế về trùng tu, bảo tồn di sản kiến trúc;

     – Giai đoạn 1917 – 1945 là giai đoạn có nhiều tư liệu ảnh nhất, đồng thời nền móng công trình hiện vẫn còn tồn tại nên đủ căn cứ để xác định được kích thước bộ khung và các chi tiết hoàn thiện khác, còn ở các vị trí tồn tại từ thời vua Thành Thái trở về trước, vị trí móng cũ rất khó xác định (có thể không còn tồn tại) và nguồn ảnh tư liệu không đủ;

     – Vị trí Cửu vị thần công hiện nay (cùng với nhà che tạm bằng tôn) từ lâu đã trở thành hình ảnh gắn liền với tâm thức người dân xứ Huế nên việc phục dựng lại Tả – Hữu Pháo xưởng ở vị trí này sẽ không làm thay đổi thói quen nhìn nhận của người dân.

     – Năm 2012, Cửu vị thần công đã được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia. Vì vậy, việc phục hồi Pháo xưởng là một việc làm cần thiết nhằm tôn vinh xứng đáng bảo vật của đất nước và tăng tính bền vững trong việc bảo tồn, phát huy giá trị.

Kết luận

     Tả – Hữu Pháo xưởng nằm ở khu vực Ngọ Môn – Kỳ Đài, là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện trọng đại của dân tộc, cả trong lịch sử và cả ở giai đoạn đương đại. Tả Pháo xưởng hiện là điểm tập kết các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm Hoàng Cung từ bến xe Nguyễn Hoàng. Cảm nhận của du khách chắc chắn sẽ tốt hơn khi ngay từ ban đầu đã được tiếp xúc với công trình mang phong cách kiến trúc truyền thống Huế và được nghe thuyết trình về lịch sử Huế, về biểu trưng sức mạnh và ý nghĩa của Cửu vị thần công, so với việc đứng dưới công trình che tạm bằng tôn.

     Hơn 10 năm trở lại đây, di tích Huế đã được trùng tu, phục hồi nhiều, song không ít những công trình trong số đó, có những công trình thực sự chưa đến mức cần thiết phải can thiệp, có thể về mức độ hư hại hoặc có thể về mức độ quan trọng của nó trong điều kiện di tích phục vụ dân sinh như hiện nay. Trong khi đó, Tả – Hữu Pháo xưởng là 02 công trình thật sự cần thiết thì dường như đã bị quên lãng.

     Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến việc chỉnh trang quy hoạch – kiến trúc chung của thành phố Huế, trong đó đặc biệt chú trọng đến cảnh quan di tích. Nhiều hành động quyết liệt đã được thực thi, nhiều vấn đề bức xúc đang được nỗ lực giải quyết, như giải tỏa các hộ dân trên Thượng Thành, như di dời Bảo tàng Cách mạng ra khỏi di tích Quốc Tử Giám, hay trả lại mặt bằng cảnh quan cho di tích Bình An Đường v.v… Cùng với những nỗ lực ấy, nên chăng đặt thêm mục tiêu sớm phục hồi Tả – Hữu Pháo xưởng để hoàn thiện không gian cảnh quan phía trước Hoàng thành, vừa góp phần phát huy du lịch, vừa trả lại cho di tích Huế 02 công trình chứa đầy những ký ức về một giai đoạn trầm buồn của dân tộc Việt Nam trong lịch sử.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ – Thực lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Tập 1. Quyển XX, trang 541-542. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Giáo dục, 3/2002. 

     2. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỷ – Thực lục về Thế Tổ Cao Hoàng Đế. Tập 1. Quyển LV, trang 945. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Giáo dục, 3/2002.

     3. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ – Thực lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế. Tập 3, Quyển LXV, trang 40. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Giáo dục, 3/2002.

     4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ – Thực lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế. Tập 3. Quyển LXXXII, trang 349. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Giáo dục, 3/2002.

     5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ – Thực lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế. Tập 3. Quyển LXXXVIII, trang 460-461. Nxb Giáo dục, 3/2002;

     6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ lục kỷ – Thực lục về Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế. Tập 9. Quyển IX, trang 380. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Công ty CP In và Dịch vụ Quảng Nam, 4/2007.

     7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, Đệ thất kỷ, trang 128, Cao Tự Thanh dịch. Nxb Văn hóa Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.

     8. Đại Nam Nhất Thống Chí. Quyển 1, tiểu mục Xưởng súng, mục Kinh Sư, trang 83. Bản dịch của Viện Sử học. Nxb Xưởng in Ban TT-VH Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, 02/2006.

     9. GS. H. Lebris. “Các súng thần công của Kinh Thành Huế”. Những người bạn Cố đô Huế, năm 1914. Tập 1, trang 114-122. Bản dịch của Đặng Như Tùng. Nxb Thuận Hóa, 10/1997.

     10. Bulletin Des Amis Du Vieux Hué (BAVH), No 1-2, trang 66, xuất bản năm 1933.

     11. Phan Thuận An. (2008). “Cửu vị thần công”. Huế Xưa và nay. Di tích và danh thắng. Trang 67, 68. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội.

      12. Kinh Thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Ðức Chaigneau, trang 215 và 219. Bản dịch của Lê Đức Quang, Trần Đình Hằng. Nxb Thuận Hóa 7/2016.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (160), năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tả – Hữu pháo xưởng. Lịch sử xây dựng và tồn tại (Tác giả: Nguyễn Tiến Bình, Nguyễn Minh Khôi)