TẢN VIÊN SƠN THÁNH trong đời sống VĂN HOÁ TÂM LINH CƯ DÂN VIỆT _ MƯỜNG (Phần 2)

NGUYỄN HUY BỈNH
(Tiến sĩ, Viện Văn học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

3. Hình tượng Tản Viên Sơn Thánh trong đời sống tín ngưỡng dân gian Việt – Mường

     Trong tâm thức dân gian của cư dân Việt – Mường, đặc biệt ở vùng núi Tản (Ba Vì), Tản Viên là một vị thần Núi ngự trị và cai quản ngọn núi cao chót vót. Núi Tản là ngọn núi chúa, cao ngất đến tận mây xanh, ngọn núi rủ bóng xuống sông Đà và cả vùng đất xứ Đoài rộng lớn, dân gian còn lưu truyền câu ca dao: Nhất cao là núi Tản Viên/ Nhất sâu là vũng Thuỷ Tiên tuần Vường. Nếu như theo biểu tượng về núi thì núi vừa tượng trưng cho chiều cao, vừa là điểm trung tâm với những đặc điểm: cao, thẳng đứng, gần trời, núi tham gia vào biểu tượng của các siêu tại, siêu phàm với tính cách là trung tâm của những hiện tượng hiển linh trong khí quyển và rất nhiều sự tích thần hiện, núi là biểu tượng của cái bản thể biểu hiện. Núi là nơi trời và đất gặp nhau, là nơi của thánh thần và là điểm cuối của con đường đi lên của con người… thì đó là nơi trú ngụ của thánh thần, là điểm tận cùng của mặt đất 1. Do đó, việc núi Tản được coi như núi chúa, núi chủ và sự tồn tại của một vị sơn thần ngự trị và cai quản ngọn núi ấy là điều dễ hiểu. Sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (người đời Trần) có truyện về núi Tản Viên (Tản Viên Sơn truyện), cho biết: Núi Tản Viên nằm ở phía Tây kinh đô nước Nam Việt. Núi ấy cao chót vót, đỉnh tròn như lọng nên có tên như thế. Núi Tản Viên “sừng sững tráng lệ, ba đỉnh đứng dàn hàng, cao vút như trong bức họa”, liền “lên tận đầu ngọn Vân Mộng mới lấy đó làm nơi cư ngụ”. Trên ngọn núi đó, một vị thần được gọi là vương tức Sơn Tinh, con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã từng theo cha xuống biển, xong lại ngược trở về mà ở lại núi. Đời Đường, Cao Biền từng dùng thuật trấn yểm song chỉ thấy vương “cưỡi ngựa trắng trên chỏm mây, phỉ nhổ rồi bỏ đi”. Cao Biền vì thế than rằng: “Khí thiêng của phương Nam thật khôn lường. Vượng khí của đất này làm sao mà tuyệt diệt được”. Qua ghi chép và qua nhận định trên thì núi Tản là nơi tụ hội khí thiêng trời đất, nơi có thần thiêng, thánh Tản ngự trị. Nơi ấy, các thế lực ngoại bang không thể đụng đến và cũng không thể tiêu diệt được.

     Trong đời sống văn hoá tâm linh của cư dân Việt và Mường, tục thờ Sơn thần tồn tại theo nguyên lí vũ trụ luận nguyên sơ của phương Đông với các cặp tương sinh tương khắc và đối lập với nhau như Sông – Núi, Đất – Nước,… Đó là môi trường sống quen thuộc của con người, đặc biệt là đối với cư dân nông nghiệp lúa nước, họ sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên với họ, đất và nước có vai trò vô cùng quan trọng. Trong hệ tư duy huyền thoại của người dân, họ luôn quan niệm vạn vật có linh hồn, nên họ luôn cầu mong sự phù hộ của các thần tự nhiên; và vị thần núi Tản Viên Sơn Thánh ngự trị trên đỉnh Ba Vì cũng không nằm ngoài dạng thức đó. Nguyên lí của sự ra đời các vị nhiên thần nói chung và thần núi nói riêng là khá đồng nhất. Từ quan niệm bái vật giáo, tô tem giáo của người xưa mà các sự vật, hiện tượng vốn vô tri, vô giác đã được gắn bản tính của thần linh. Con người thời cổ đại đã gắn cho mỗi thực thể tự nhiên với một vị thần sinh ra và cai quản thực thể ấy: đất có thổ thần, sông có thuỷ thần, cây có mộc thần, đá có thạch thần, núi có sơn thần ngự trị. Đề cập đến thần núi Sơn Tinh, tác giả Trần Quốc Vượng cho rằng: “Có một nguyên lí phổ quát của tư tưởng phương Đông: Sơn bất tại cao, hữu thần (tiên) tắc linh (Núi không phải chỉ do cao, cứ có thần tiên là Núi thiêng). Rõ ràng trong tâm thức cộng đồng Việt cổ Kinh – Mường, Ba Vì là ngọn núi Thiêng, núi Chúa trấn ngự cả vùng châu thổ Bắc Bộ” 2. Như vậy, xuất phát từ thuyết vật linh với quan niệm vạn vật có linh hồn, cộng đồng cư dân Việt – Mường đã tồn tại niềm tin về vị thần núi ngự trị trên đỉnh ngọn núi Ba Vì. Chính từ quan niệm ấy ta có thể xác định sự tích về thần núi Tản Viên thuộc về thời kì xa xưa của loài người, đó là thời kì của tư duy huyền thoại.

     Trong thực tiễn, không chỉ ở xứ Đoài tồn tại các truyện kể và thực hành tín ngưỡng về Tản Viên Sơn Thánh, mà ở nhiều vùng đất và địa phương khác ở miền Bắc nước ta cũng khá phổ biến thực hành tín ngưỡng thờ vị thần này và các bộ tướng của Tản Viên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh khi nói về các Sơn thần được thờ là thành hoàng ở Việt Nam đã lí giải: “Sơn thần nước ta thể hiện thành một hệ tương đối thống nhất. Đó là hệ Sơn Tinh tức là hệ Tản Viên” 3. Theo ông thì hệ Sơn Tinh gồm ba vị tương ứng với ba đỉnh của ngọn núi Ba Vì, bên cạnh Tản Viên Sơn Thánh ở ngôi tối cao, còn có Cao Sơn thống lĩnh tả bộ Sơn thần, Quý Minh thống lĩnh hữu bộ sơn thần. Nếu lấy núi Ba Vì làm trung tâm thì Sơn thần phát triển theo hướng tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Nhánh hữu ngạn lại chia làm hai hướng từ Sơn Tây – Hà Đông – Hà Nam – Nam Định – Thái Bình – Ninh Bình, hướng thứ hai từ Sơn Tây – Thanh Hoá – Nghệ An. Nhánh tả ngạn cũng chia làm hai hướng, thứ nhất từ Sơn Tây – Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc, hướng thứ hai từ Sơn Tây – Bắc Ninh – Bắc Giang – Hưng Yên – Lạng Sơn – Cao Bằng – Tuyên Quang. Từ nhận định trên cho thấy, sự lan toả của tín ngưỡng thờ Tản Viên được phổ biến ở những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, địa hình khác biệt, có khi được khuếch tán đến các vùng núi non hiểm trở như Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang; có khi lại được lưu truyền đến các vùng trung du, nửa núi non, nửa đồng bằng; nhưng có một điều đặc biệt là, tại những vùng đất không hề có núi non hiểm trở, thậm chí ở các làng xã thuộc vùng đồng bằng như các vùng đất thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định,… cũng đều thờ cúng thần núi Tản Viên và bộ tướng của ông là Cao Sơn, Quý Minh. Từ góc nhìn địa lí nhân văn có thể lí giải hiện tượng này theo hai hướng khác nhau. Trước hết, việc sùng bái Tản Viên tồn tại và phát triển ở các vùng núi cao và trung du đã biểu hiện niềm tin vật linh đa thần giáo, theo đó trong tâm thức của người dân miền núi và trung du vị thần Tản Viên và các bộ tướng như Cao Sơn, Quý Minh luôn hiện hữu huyền ảo và linh thiêng trên đỉnh những ngọn núi cao; mặt khác, tín ngưỡng này lại phát triển dọc theo sông Hồng đến các vùng đồng bằng là địa bàn cư dân luôn phải chịu tác động khốc liệt của thuỷ tai đã phần nào phản ánh được một bản chất nữa của tín ngưỡng sùng bái Sơn thần, đó là việc trấn át nỗi sợ hãi thuỷ tai “nhất thuỷ nhì hoả” và khát vọng về trị thuỷ của cộng đồng. Nhìn nhận như vậy sẽ giúp ta có cái nhìn rõ hơn cho sức lan toả của tín ngưỡng thờ Tản Viên trong trường văn hoá rộng lớn của nó.

     Tồn tại trong đời sống văn hoá tâm linh người Mường, truyện kể và tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh đã thấm sâu trong niềm tin của tộc người này. Theo khảo sát của tác giả Janne Cuisinier thì trong các tỉnh Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái và ít ra trong những phần đông Sơn La và bắc Hoà Bình, người ta coi núi Tản Viên là trụ sở thường trực của thần núi… Núi Tản Viên là thuộc dãy núi Ba Vì; đó là một mỏm cao riêng biệt, có hình chóp tròn; nhưng người ta thường thường nghe nói về Ba Vì (ba ngọn núi, khi nói đó là tản Viên và ngược lại cũng vậy, mặc dầu vị trí của chúng trong dãy núi cũng như lãnh thổ của chúng không chứng minh cho sự lầm lẫn này)… Tản Viên, tên gọi chính thức của Thánh Tản, đã trở thành tên gọi thông dụng; đây là tên duy nhất sử dụng trong dân chúng những nơi chúng tôi đến thăm, trừ phi họ thích gọi tên Ba Vì hơn tên gọi đó, bởi vì họ cũng dùng hai tên lẫn lộn nhau, nhưng Tản Viên được dùng nhiều hơn 4. Từ tư liệu trên cho biết, hình tượng Tản Viên tồn tại sống động qua bia miệng và trong tâm thức dân gian người Mường, Tản Viên là hiện thân của vị thần núi. Ngoài việc tồn tại qua tên gọi và địa danh ngọn núi Tản, vị thần Tản Viên còn hiện diện trong đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng cư dân Mường qua các hình thức ma thuật và những thực hành nghi lễ: “Cứ ba năm một lần, người ta tổ chức lễ cúng ở đỉnh núi Tản Viên, trong một ngôi miếu ngày nay đã đổ nát và vua An Nam cử tới đó những viên quan lại để cùng với dân thường làm lễ, những người dân cày này sống ở các huyện dưới chân núi, những nơi thuộc tỉnh Sơn Tây có người Mường” 5, tác giả Janne Cuisinier còn cung cấp tư liệu miêu tả rằng vào các dịp lễ cúng ba năm một lần, những người làm lễ thuộc các huyện Tùng Thiện dâng lên thần những lưỡi búa bằng đá và bằng đồng hun, nhặt ở chân núi Thánh, trong những kho đồ tiền sử.

     Như vậy, ngay trong tâm thức cộng đồng cư dân Việt và Mường hình tượng Tản Viên được sùng bái và ngưỡng vọng với một niềm tin là vị thần núi – vị thần hiên ngang, sừng sững như dãy núi Ba Vì, vị thần ấy có thể chiến thắng sức mạnh của những dòng nước lớn và cả thế lực ngoại tộc. Giải thích hiện tượng cả hai tộc người Việt và Mường đều thờ cúng nhân vật Tản Viên với tư cách là một vị thần núi, chúng ta có thể nhìn nhận trên cơ sở môi trường sống và tâm lí của cộng đồng cư dân. Các nhà dân tộc học đã chứng minh giữa người Việt và người Mường cùng có chung một nguồn gốc, đây là quan điểm được đông đảo các nhà nghiên cứu đồng tình như Jenne Cuisinier, Nguyễn Lương Bích, Keith Taylor, Đào Duy Anh, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Từ Chi,… Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng đã tổng kết các quan điểm ấy bằng nhận định rằng: “Giới nhân học Việt Nam và thế giới đều “chúng khẩu đồng từ” thừa nhận trước thời Bắc thuộc (trước Công nguyên) có một cộng đồng Việt Mường chung nói một thứ tiếng Việt Mường chung và chỉ trong thiên niên kỉ đầu Công nguyên mới dần dần có sự phân hoá thành người Kinh sống chủ yếu ở miền châu thổ và người Mường sống chủ yếu ở miền thung – đồi trước núi” 6. Các nhà khoa học theo quan điểm này đều khẳng định, trong quá trình sinh tồn lâu dài của người Mường Việt cổ đã diễn ra quá trình di chuyển từ vùng miền núi xuống vùng ven sông, ven biển để tụ cư và định cư tại các đồng bằng. Một bộ phận di cư sinh tồn tại vùng đồng bằng trở thành người Việt, còn một bộ phận sinh tồn trên địa bàn miền núi gọi là người Mường. Nếu theo quan điểm này, Tản Viên Sơn Thánh vốn có vai trò quan trọng trong đời sống cư dân xứ Đoài nhưng cùng với quá trình di dân, tản cư cho nên dần dần vượt ra khỏi không gian quen thuộc để trở thành một biểu tượng linh thiêng ở nhiều vùng miền.

     Trải qua quá trình lưu truyền, tồn tại ở những vùng đất và các triều đại nước ta, nhân vật Tản Viên Sơn Thánh đã trở thành biểu tượng vĩnh hằng trong đời sống tâm linh người Việt – một nhân vật đứng đầu trong thần điện thờ tứ bất tử. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta có thể nhìn nhận trên ba phương diện: Thứ nhất, có thể căn cứ vào hành trạng của nhân vật Tản Viên Sơn Thánh qua truyện kể, hình tượng Tản Viên Sơn Thánh đã đại diện cho khát vọng lớn lao và chính đáng của con người (như đã trình bày ở phần truyện kể về Tản Viên ở trên); thứ hai, chúng ta có thể viện dẫn đến vai trò của vương quyền qua các triều đại ở Việt Nam, đặc biệt là triều đại nhà Lý. Các vị vua nhà Lý đã có ý thức rất rõ về việc thờ cúng thần linh và đã hành động một cách mạnh mẽ trong việc “nâng cấp” các vị thần địa phương trở thành những vị thần trung ương 7. Về sau, hầu hết vương triều đều dùng thần quyền để phục vụ cho vương quyền, các vị thần ngoài việc bị thay đổi về dung mạo và chức năng còn được chỉ định cho cư dân thờ cúng, thậm chí được đưa về kinh thành để thờ cúng và thực hành nghi lễ nhằm vào mục đích bảo vệ kinh thành như với trường hợp của các vị thần trong Thăng Long tứ trấn; hay trường hợp các vị thần địa phương trở thành bất tử trong đời sống tín ngưỡng dân gian trấn giữ tứ xứ quanh kinh thành như trường hợp của Tản Viên Sơn Thánh ở xứ Đoài, Thánh Gióng ở xứ Bắc, Chử Đồng Tử ở xứ Đông và Liễu Hạnh ở xứ Nam. Như vậy, các vị thánh trong điện thờ tứ bất tử nói chung và Tản Viên Sơn Thánh nói riêng vốn là các thần có vị thế tối cao trong đời sống tinh thần của người dân ở địa phương lại càng được tôn kính và có một sức sống lâu bền trong đời sống tâm linh cộng đồng khi được vương quyền hoá. Thứ ba, không thể không nói đến sự ảnh hưởng yếu tố Đạo giáo đến tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh của người Việt. Khi Đạo giáo vào nước ta và phát triển khá mạnh từ thế kỉ thứ II, III cho đến tận triều Lý – Trần, nhất là ở giai đoạn lịch sử cuối Lê, đầu Nguyễn. Đạo giáo đã tác động đến tục thờ thần ở nước ta và tạo ra chuyển biến lớn về tín ngưỡng thờ thần. Đạo giáo đã đem đến những chân trời mới cho truyện kể dân gian, nó bồi đắp thêm vào đó những yếu tố tôn giáo đặc thù, đồng thời mang đến những diện mạo mới cho vị thần. Khi Đạo giáo được truyền bá và thâm nhập vào tín ngưỡng thờ Tản Viên thì ít nhiều đã làm thay đổi diện mạo ban đầu của nhân vật này. Bởi các yếu tố thần tiên, hoang đường chứa đựng trong Đạo giáo có nhiều nét phù hợp với tư duy sáng tạo bay bổng của cư dân bản địa nên nó dần dần trở thành một yếu tố đắc lực và hữu ích trong việc xây dựng hình tượng nhân vật trong truyện cổ dân gian. Đó là nguyên nhân khiến cho Tản Viên Sơn Thánh vốn là vị nhiên thần đã mang thêm trong mình dáng dấp nhân vật tôn giáo. Và chính điều này góp phần làm cho hành trạng nhân vật Tản Viên Sơn Thánh trong truyện kể dân gian và trong tâm thức dân gian đã có một dung mạo và sức hấp dẫn mới.

4. Kết luận

     Được hun đúc từ trong đời sống tâm linh của người dân từ hàng ngàn năm lịch sử, truyện kể dân gian và tín ngưỡng thờ cúng Tản Viên Sơn Thánh đã in hình khắc bóng trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt và người Mường. Đối với người Việt ở xứ Đoài thì đây có thể được coi là một hiện tượng văn hoá dân gian độc đáo vào bậc nhất của vùng đất này. Tản Viên Sơn Thánh là một vị thần đại diện cho niềm tin và mơ ước của cư dân nhiều vùng đất về một vị thần chống giặc ngoại bang, bảo vệ địa bàn cư trú; một vị thần trị thuỷ, bảo vệ mùa màng; một vị thần sáng tạo văn hoá, mang lại nghề nghiệp cho người dân;… đó đều là những khát vọng lớn lao của con người. Do vậy, Tản Viên Sơn Thánh là hiện thân của một vị phúc thần – vị thần bất tử trong cộng đồng cư dân ở nhiều nơi thờ cúng và tôn sùng vị thần này. Trong đời sống văn hoá tâm linh người Mường, hình tượng Tản Viên Sơn Thánh vừa tồn tại sống động qua bia miệng của người dân vừa hiện hữu qua địa danh thờ cúng và trong thực hành nghi lễ. Trong môi trường diễn xướng văn hoá dân gian hết sức sinh động và gần gũi ấy, hình tượng Tản Viên Sơn Thánh đã chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh vừa cụ thể lại vừa hết sức huyền bí.

__________
1. Jean Chevalier (chủ biên), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới (nhiều tác giả biên dịch ), NXB Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 2002, tr. 699.

2. Trần Quốc Vượng, Việt Nam từ cái nhìn địa – văn hoá, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1998, tr 68.

3. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 107.

4. Janne Cuisinier, Người Mường địa lí nhân văn và xã hội học, NXB Lao động, Hà Nội, 1995, tr. 571-572.

5. Janne Cuisinier, Người Mường địa lí nhân văn và xã hội học, Sđd…, tr. 573.

6. Trần Quốc Vượng, Việt Nam từ cái nhìn địa – văn hoá, Sđd…, tr. 70.

7. Xem Tạ Chí Đại Trường, Thần người và đất Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2006, tr. 97-101.

     Xem lại: TẢN VIÊN SƠN THÁNH trong đời sống VĂN HOÁ TÂM LINH CƯ DÂN VIỆT _ MƯỜNG (Phần 1)