Thái Y viện triều Nguyễn – Đỉnh cao trong lịch sử phòng, chữa bệnh, tổ chức và đào tạo lương y Việt Nam thời quân chủ
ROYAL HOSPITAL UNDER NGUYEN DYNASTY – CULMINATION
IN HISTORY OF DISEASE PREVENTION, TREATMENT, ORGANIZATION,
AND TRAINING OF PHYSICIANS DURING VIETNAM’S FEUDALISM
Tác giả bài viết: ĐỖ BANG
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, 28 Nguyễn Tri Phương, Huế, Việt Nam)
TÓM TẮT
Thái Y viện ở Việt Nam ra đời vào thời vua Lý Thần Tông (1128–1138) và được phát triển qua triều Trần, Hồ, Lê, thời chúa Nguyễn và Tây Sơn. Tuy nhiên, dưới triều Nguyễn, kể từ năm thành lập 1804 đến năm 1945, Thái Y viện đã trở thành một tổ chức Y Dược cho triều đình hoàn chỉnh nhất. Thái Y viện là nơi quy tụ nhiều thầy thuốc giỏi khắp cả nước về Kinh đô Huế để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho hoàng gia và triều thần, là nơi truyền nghề để lại nhiều bài thuốc giá trị, nhiều danh y nổi tiếng mà hậu thế đang kế thừa. Trong quá khứ và hiện nay, Huế, với một vị thế quan trọng trong lịch sử phát triển ngành Y Dược học Việt Nam, xứng đáng là Trung tâm Y tế chuyên sâu của đất nước.
Từ khóa: bài thuốc, danh y, Huế, Thái Y viện, triều Nguyễn.
ABSTRACT
The Royal Hospital in Vietnam was first established in the reign of King Ly Than Tong (1128– 1138) and developed under the Tran, Ho, Le, Nguyen, and Tay Son dynasties. However, under the Nguyen dynasty, from 1804 to 1945, The Royal Hospital became the best medical institution for the court. The Royal Hospital attracted numerous excellent physicians from all over the country to provide medical care for the royal family and courtiers. At the same time, it trained various outstanding physicians and left a large number of valuable remedies. In the past as well as at present, Hue – with a significant position in the history of Vietnam’s Medicine and Pharmacy practices – deserves to be the Specialist Medical Centre for the country.
Keywords: medicine, outstanding physician, Hue, Royal Hospital, Nguyen Dynasty.
x
x x
Tuy đã có một số công bố: Lịch sử Y học Việt Nam (Trần Nhơn, Viện Đại học Huế xuất bản, 1971); Sơ thảo Y học cổ truyền Việt Nam (Lê Trần Đức chủ biên, Nxb. Y học, Hà Nội, 1995); Y học cổ truyền (Trường Đại học Y Hà Nội, Nxb. Y học, Hà Nội, 2008); Vua Minh Mạng và Thái Y viện triều Nguyễn (Lê Nguyễn Lưu, Phan Tấn Tô, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1998)…, nhưng ở đây tôi muốn giới thiệu tổng quan về Thái Y viện dưới thời quân chủ Việt Nam.
Thái Y viện là cơ quan chăm lo sức khỏe, chữa bệnh cho vua, hoàng gia và triều thần dưới các triều đại quân chủ. Ở Việt Nam, ty Thái Y ra đời từ thời Lý (1010–1225) với đội ngũ ngự y chuyên nghiệp và tài năng, có vị danh y nổi tiếng như Từ Đạo Hạnh, đánh dấu sự trưởng thành của y học nước nhà cùng với nền văn hóa dân tộc.
Dưới triều vua Lý Thần Tông (1128–1138) có nhà sư chữa lành bệnh cho vua được tôn làm Quốc sư, đó là Minh Không. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Tha phú dịch cho trăm hộ. (Tục truyền rằng, khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc và thần chú giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không và dặn rằng, sau 20 năm nếu thấy quốc vương bị bệnh nặng thì đến chữa ngay. Tức việc này)”1.
Sự ra đời ty Thái Y và sự xuất hiện nhiều danh y dưới triều Lý là một bước tiến quan trọng của y học dân tộc đối với một đất nước tự chủ sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc mà trước đó, chủ yếu là sự du nhập của thuốc Bắc và thầy thuốc người Trung Hoa cùng phương thức chữa bệnh qua bùa chú, mê tín dị đoan.
Dưới triều Trần (1226–1399), triều đình cho thi tuyển ngự y để làm việc tại ty Thái Y. Năm 1261, dưới triều vua Trần Thánh Tông, “các ty Thái Y, Thái chúc, Khảo thí, người nào tinh thông nghề ấy thì bổ vào chức ấy”2. Triều Trần về sau cho lập Thái Y viện với đội ngũ ngự y giỏi chuyên chăm lo sức khỏe cho nhà vua, triều thần và thần dân. Năm 1362, vua Trần Dụ Tông cùng với quan ngự y đến Thiên Trường, “nhân dân ai có ốm đau thì ban cho thuốc công gọi là Hồng ngọc sương, có thể chữa khỏi bệnh. Người nghèo nghe tin đến xin, cho mỗi người hai viên thuốc, hai tiền và hai thăng gạo”3.
Từ thầy thuốc, vị thuốc, phương thuốc có nguồn gốc từ phương Bắc qua thời Lý đã hình thành ty Thái Y với đội ngũ thầy thuốc chủ yếu là các vị sư đắc đạo trong các chùa chữa bệnh theo Nam dược và pha chế theo phương thức của người Việt. Qua thời Trần, Thái Y viện được thành lập, đội ngũ Ngự y được đào tạo, thi tuyển bổ dụng vào cung để chăm lo sức khỏe cho nhà vua và đình thần, tạo nên một trường phái riêng để chữa bệnh bằng Nam dược. Bởi vậy, một trong những mục tiêu của quân Mông Nguyên đòi nhà Trần cống nộp là thầy thuốc, “kỳ tiến cống ba năm một lần nên chọn nho sĩ, thầy thuốc và người thông âm dương bói toán, các hạng thợ thuyền mỗi loại ba người, cùng là trầm hương, tê giác, đồi mồi, vàng bạc, ngà voi, chén sứ”4.
Dưới triều Hồ, tại triều đình có Thái Y viện. Năm 1403, lập thêm thự Quảng Tế để khám và chữa bệnh cho dân chúng. Đó là trường hợp đối với Nguyễn Đại Năng, “có thuật lấy lửa chích hoặc lấy kim châm để chữa bệnh cho người, Hán Thương bổ làm Quảng Tế thự thừa”5.
Các danh y dưới triều Hồ đã biên soạn nhiều sách thuốc có giá trị như Châm cứu tiệp hiệu diễn ca của Nguyễn Đại Năng, Cúc Đường di thảo của Trần Nguyên Đào, Dược thảo tân biên của Nguyễn Tri Tân… Rất tiếc, quân Minh đã tịch thu mang về nước.
Dưới triều Lê, hành nghề Y Dược được quy định rất chặt chẽ trong bộ luật Hồng Đức ban hành dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460–1497), tại Điều 420: Nghiêm trị kẻ nào chế và bán thuốc độc, cấm bán nem, thịt ôi, thối. Điều 423: Nghiêm trị kẻ bỏ thuốc độc, thuốc mê làm hại người khác. Điều 541: Nghiêm trị thầy thuốc vụ lợi, cố tình chữa bệnh kéo dài để nuôi con bệnh hoặc cho bệnh nhân uống quá liều gây tử vong…
Đối với cơ quan Thái Y viện, triều đình đã có quy định các chức danh phụ trách có quan hàm tương ứng với công việc: Đại sứ có quan hàm Chánh ngũ phẩm, Viện sứ hàm Tòng ngũ phẩm, Ngự Y chính hàm Chánh lục phẩm, Ngự Y phó hàm Tòng lục phẩm, Biện nghiệm hàm Chánh nhất phẩm, Y chính hàm Tòng bát phẩm, Y phó hàm Chánh cửu phẩm, Y học huấn khoa hàm Tòng cửu phẩm6.
Bên cạnh Thái Y viện, triều đình nhà Lê cho đặt thêm các cơ quan Y tế như Sở Thiện Y để chữa bệnh cho hoàng gia, Viện Thái Y tượng trông coi và chữa bệnh cho đàn voi. Tại các địa phương, triều Lê đặt thêm cơ quan Tế sinh đường đứng đầu là Sử tế sinh, giúp việc có Khán khẩn để chữa bệnh cho quan lại và cứu tế, chống dịch bệnh cho nhân dân tại địa hạt. Trong quân đội có Sở Lương y do Chánh và Phó Lương y phụ trách lo việc chữa bệnh cho binh lính. Ngự y và các thầy thuốc dưới triều Lê phần lớn đều được khảo hạch trước khi bổ dụng.
Dưới triều Lê xuất hiện nhiều danh y và y thư, nổi tiếng nhất là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720–1791), người tỉnh Hải Dương. Lê Hữu Trác là một đại danh y Việt Nam về cả hai phương diện y đức và y tài. Ông đã để lại cho đời với công trình Y tông tâm tĩnh sau đổi là Hải Thượng Y tông tâm tĩnh, 28 tập, 66 quyển. Các danh y và danh thư khác có: Nguyễn Trực, Bảo anh lương phương; Chú Doãn Văn, Y học yếu giải tập chú di biên; Hoàng Đôn Hòa, Hoạt nhân toát yếu; Lê Đức Vọng, Nhãn khoa yếu lục; Đào Công Chính, Bảo sinh diên thọ toàn yếu…
Dưới thời các chúa Nguyễn, sử sách không cho biết có cơ quan phụ trách chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của triều đình, nhưng các chúa đều có ngự y riêng, kể cả thầy thuốc người phương Tây, như chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738–1765) đã có Y sĩ sinh tại Prague (Tcheque) tên Jean Koffler, sinh năm 1711, đến Đàng Trong vào năm 1740 và sống 14 năm, trong đó có 7 năm tại đô thành Phú Xuân để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho chúa.
Dưới thời Tây Sơn, tại Kinh đô Phú Xuân, vua Quang Trung đã thành lập Thái Y viện. Chính sử không ghi cơ quan này, nhưng trong gia phả họ Huỳnh Đình làng Long Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi về nhân vật Huỳnh Đình Túc: “Triều liệt hạ đại phu, Thái Y viện thự Bảo Hòa lang Thuyên Đức tử Huỳnh Đình Túc thời vua Quang Trung, Cảnh Thịnh”7.
Dưới thời Tây Sơn đã xuất hiện nhiều danh y và y thư nổi tiếng như Nguyễn Hoành với Lôi công bào chế diễn ca và Nam dược, ghi chép 500 vị thuốc chế biến từ cây cỏ và 130 loại từ động vật (chim cá). Nguyễn Gia Phan tức Nguyễn Thế Lịch có 3 bộ sách Liêu dịch phương pháp toàn tập, Hội nhi phương pháp tống lục, Lý âm phương pháp thông lục. Nguyễn Quảng Tuân có La Khê phương dược, gồm 13 thiên.
Dưới triều Nguyễn, năm 1804, vua Gia Long cho thành lập viện Thái Y, đứng đầu là quan Ngự y, quan hàm chánh ngũ phẩm, có Phó ngự y, tòng ngũ phẩm và các chức danh Y chính, Y phó giúp việc. Hai vị quan phụ trách Thái Y viện đầu tiên dưới triều Nguyễn là Thái Y chính Phạm Khắc Minh và Thái Y phó Nguyễn Đăng Sĩ8. Ở các địa phương, triều đình cho thành lập ty Lương Y để khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh cho dân chúng.
Năm 1810, vua Gia Long cho xây dựng Thái Y viện tại phường Dưỡng Sinh, đến triều Minh Mạng chuyển đến phường Đông Phúc, về phía đông Duyệt Thị đường. Thái Y viện là ngôi nhà rộng 5 gian, nay bị triệt hạ, chỉ còn nền móng. Năm 2002, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khai quật Thái Y viện, địa điểm được xác định cách Duyệt Thị đường 13,6 m về phía đông, đã phát hiện thềm bậc cấp về phía nam nên xác định Duyệt Thị đường quay về hướng nam9.
Quan chức Thái Y viện vào năm 1829 có Viện sứ quan hàm Chánh tứ phẩm, các ngự y có Ngự y chính, Ngự y phó, tả, hữu Viện phán, y sinh10. Đội ngũ quan chức Thái Y viện cuối triều Minh Mạng có 43 người. Thái Y viện xây dựng năm 1840 là tòa nhà 5 gian để các quan làm việc11. Nhiệm vụ Thái Y viện là khám chữa bệnh cho nhà vua, hoàng gia, triều thần và binh sĩ, phòng chống các bệnh dịch; nghiên cứu và soạn thảo sách thuốc; đào tạo y sinh.
Để luôn nâng cao tay nghề và rèn luyện tâm đức nhằm bổ dụng đúng người, đúng việc, các vua triều Nguyễn thường tổ chức sát hạch đội ngũ quan chức làm việc tại Thái Y viện. Năm 1835, vua Minh Mạng giao cho viện Cơ Mật tổ chức sát hạch quan chức Thái Y viện, với kết quả như sau: “Nghề làm thuốc khá thông là Chánh bát phẩm y sinh Đỗ Văn Diệu cho thăng thụ Phó Ngự Y12. Hạng thông vừa là Tòng bát phẩm Y chính Lê Phúc Thụ cho bổ thụ Tả Viện phán trật Tòng lục phẩm, Nguyễn Văn Đường cho bổ thụ Hữu Viện phán trật Tòng lục phẩm. Chánh bát phẩm Y chính Đặng Văn Giảng, Hoàng Đức Hạ cho thăng thụ Tòng bát phẩm Y chính. Tòng bát phẩm Y phó Nguyễn Quang Vĩnh cho thăng thụ Chánh bát phẩm Y chính”13. Để các quan chức Thái Y viện vừa được thăng thụ luôn rèn luyện y đức và không tự mãn, vua Minh Mạng căn dặn: “Lần này được cân nhắc, các ngươi nên cố gắng thế nào, nghề làm thuốc mới giỏi, mới là không khỏi phụ chức vụ. Nếu hơi ra dáng lười biếng, thì tất phải giáng phạt ngay”14.
Hai năm sau, vào năm 1837, vua Minh Mạng lệnh cho Cơ Mật viện và Nội Các tổ chức sát hạch lại, với kết quả: “Hạng thông nghề chữa bệnh có 18 người. Duy chỉ có Y chính Hoàng Đức Hạ là khá hơn. Nguyễn Quang Vinh thứ 2, còn các tên khác tập làm quen theo lối thường mà thôi”15. Sau khi xem xét danh sách khảo hạch do Cơ Mật viện và Nội Các tâu, vua Minh Mạng ban chỉ cho Hoàng Đức Hạ từ chức vụ Y chính trật Tòng thất phẩm làm Tả viện phán trật Chánh ngũ phẩm, tăng bốn bậc quan hàm16. Nguyễn Quang Vinh từ Y phó trật Chánh bát phẩm làm Hữu Viện phán trật Tòng lục phẩm17.
Qua đó chúng ta thấy cơ quan Thái Y viện và quan chức làm việc tại đây được nhà vua và triều đình đặc biệt quan tâm và quan chức với tài năng thực sự sau khi sát hạch có thể thăng từ ba đến bốn cấp quan hàm chỉ trong thời gian hai năm sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và cũng không ngạc nhiên khi thấy triều Minh Mạng đã để lại cho hậu thế nhiều bài thuốc có giá trị. Công việc sát hạch cũng được thực hiện thường xuyên dưới triều Thiệu Trị. Nhiều quan chức được thăng hàm qua mỗi lần sát hạch như Y chánh Nguyễn Văn Hạnh được thăng chức Viện phán, Y sinh Đoàn Văn Khiêm được thăng làm Y phó, Trần Viết Tín được thăng hai cấp với chức vụ mới là Viện sứ, nhưng cũng có người bị giáng chức như Y sinh Hoàng Tăng Từ bị giáng hai cấp18.
Dưới triều Tự Đức, nhà vua giao cho Xứ Thị vệ cùng Cơ Mật viện và Nội Các tổ chức sát hạch quan chức Thái Y viện để tìm ra thầy thuốc giỏi kể cả thầy thuốc đang hành nghề từ các địa phương để bổ sung vào cơ quan Y tế cao nhất của triều đình. Nhà vua ra lệnh: “Người nào thành thuộc tinh thông học rộng thì tâu xin sung bổ, nếu trong Viện đều là người tầm thường, không thể đương nổi chức vụ ấy mà người ngoài Viện lại có tay nghề thuốc giỏi giang, đáng sung chức ấy không ngại gì, cứ thực tâu rõ”19.
Cùng với sát hạch để chọn được các thầy thuốc giỏi, triều Nguyễn đã khích lệ cũng như răn đe bằng chính sách thưởng phạt rất nghiêm đối với quan chức tòng sự tại Thái Y viện.
Phần thưởng dành cho quan chức ở Thái Y viện là thăng quan, tiến chức, nâng phẩm hàm hoặc phẩm vật (phẩm phục, tiền, gạo…).
Năm 1825, Y chính Nguyễn Tăng Long được vua Minh Mạng thăng làm Ngự y phó, thưởng 100 quan tiền, một bộ quần áo vì đã chữa lành bệnh cho nhà vua. Việc ban thưởng còn mở rộng thành phần đối với các quan có liên quan của Cơ Mật viện và Nội Các. Năm 1840, vua Minh Mạng bị bệnh, sau khi quan Phó Ngự y Hoàng Đức Hạ chữa lành bệnh được thăng hai cấp, thưởng một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn và 30 lạng bạc; Tả, Hữu Viện phán, Y chính, Y phó đều thăng một cấp và thưởng chung 100 quan tiền. Đại thần ở Cơ Mật viện, ấn quan ở Nội Các dự việc xét nghiệm vị thuốc đều thưởng tiền vàng Phi Long hạng nhỏ mỗi người một đồng và sai mua sắm lễ vật tế miếu Tiên Y một tuần20 .Tháng 12 năm Canh Tý (24-12-1840–22-01-1841) có lần vua Minh Mạng: “Ngự điện Cần Chánh trăm quan lạy mừng. Khi làm lễ xong thưởng cho các quan có mặt ở sân rồng, tiền đồng lớn nhỏ theo thứ bậc khác nhau. Lại thưởng cho Ngự y Hoàng Đức Hạ kỷ lục một thứ và năm đồng ngân tiền Phi Long hạng lớn. Nhân viên thuộc Viện (Thái y) thưởng chung cho 100 quan tiền”21.
Việc khen thưởng để khích lệ các quan Thái Y viện được các vua Thiệu Trị, Tự Đức luôn chú trọng. Tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 (4-10–2-11-1842), vua Thiệu Trị đưa triều thần đến mừng sức khỏe Thái hoàng Thái hậu tại cung Từ Thọ sau khi quan ngự y Vũ Quỳnh điều trị lành bệnh. Các quan được thưởng: “Vũ Quỳnh làm Thái bộc Tự khanh vẫn kiêm quản Viện Thái Y, Trần Văn Cát làm Ngự Y Chánh, Đặng Văn Chức làm Phó Ngự Y. Lại thưởng cho Quýnh và các Y sinh đồ mặc và tiền theo thứ bậc khác nhau”22.
Không những khen thưởng đối với các quan ngự y chữa lành bệnh cho nhà vua, thái hoàng thái hậu mà ngay đối với các hoàng tử cũng được quan tâm. Đó là trường hợp các quan Thái Y viện được thưởng vào năm 1847, vua Thiệu Trị ban Dụ: “Lần này Hoàng tử lên đậu mùa được chữa tốt lành. Vậy gia ân cho người trước sau trông coi thuốc thang là Y chính Nguyễn Văn Hạnh được thăng thụ Hữu Viện phán viện Thái Y, Đoàn Công Loan cho chuyển bổ làm Tả Viện phán”23.
Cùng với chế độ thưởng cho quan chức Thái Y viện là các hình thức phạt cũng rất nghiêm khắc. Trong quá trình chữa bệnh từ bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, pha chế phải hết sức thận trọng, cần am hiểu bệnh lý và phương thuốc, vì sơ suất là có thể nguy cơ đến tính mạng. Năm 1827, vua Minh Mạng không được khỏe, Thái Y viện dâng thuốc, quan Nội giám phát hiện trong thuốc có mọt, tâu lên nhà vua. Các quan Thái Y viện Đoàn Văn Hòa, Nguyễn Tăng Long bị giáng bốn cấp, Trần Văn Nhiên, Nguyễn Văn Nhuận bị giáng ba cấp. Vua Minh Mạng ra lệnh: “Từ nay về sau, nếu còn không thận trọng, có việc không chu tất nữa, tất phải trị tội nặng, nhất định không được khoan miễn nữa”24.
Mỗi lần vua qua đời là một lần quan phụ trách Thái Y viện phải chịu tội mặc dù không bị sai sót gì trong việc điều trị. Vua Gia Long qua đời vào ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (3-2-1820), thọ 58 tuổi, lập tức các quan Cai bạ hầu thuốc Trần Văn Đại, Y chính Nguyễn Tiến Hậu, Y phó Đoàn Quang Hoàng bị kết tội, giam vào ngục. Ba tháng sau, nhờ các đại thần kêu oan, các quan trên mới được tha về làng. Vua Minh Mạng nói: “Nghề làm thuốc khó tính, khi Tiên đế ốm, bọn Văn Đại hầu thuốc thang, hỏi thì lúc nào cũng nói tất khỏi, sau cùng không có hiệu nghiệm gì, khiến Trẫm đến nay còn giận”25.
Ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý (20-01-1841), vua Minh Mạng qua đời, các quan Thái Y Hoàng Đức Hạ, Đặng Công Tuấn bị giam vào ngục mà lý do được vua Thiệu Trị giải thích: “Khi trước, Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ốm nặng, bọn Hạ chữa thuốc không có công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, đều nói là (bọn Hạ) biết mà không nói, là bất trung, dám tự theo ý mình là bất kính. Tội bất trung và bất kính không gì to bằng”26.
Các quan Thái Y Hoàng Đức Hạ, Đặng Công Tuấn bị kết án trảm giam hậu, sau nhờ các quan can ngăn nên giảm tội đày khổ sai.
Chế độ lương bổng các quan làm việc tại Thái Y viện dưới triều vua Minh Mạng là: Viện sứ lương 80 quan, gạo 60 phương, tiền áo xuân phục 10 quan; Ngự Y chính lương 40 quan, gạo 35 phương, tiền áo xuân phục 9 quan; Ngự Y phó lương 35 quan, gạo 30 phương, tiền áo xuân phục 8 quan; Y chính 22 quan, gạo 20 phương, tiền áo xuân phục 5 quan; Y phó 20 quan, gạo 18 phương, tiền áo xuân phục 4 quan; Y sinh 18 quan, gạo 18 phương, tiền áo xuân phục 4 quan.
Thái Y viện là nơi quy tụ nhiều thầy thuốc giỏi khắp cả nước về Kinh đô Huế để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hoàng gia, triều thần, là nơi truyền nghề để lại nhiều bài thuốc giá trị, nhiều danh y nổi tiếng mà hậu thế đang kế thừa.
Ngày nay, Huế có trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Huế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu, khám và chữa bệnh cùng Bệnh viện Trung ương Huế và nhiều cơ sở Đông, Tây y là sự kế thừa và phát triển xuất sắc của viện Thái Y triều Nguyễn ra đời cách đây hơn 215 năm. Trong quá khứ và hiện nay, Huế với vị thế quan trọng trong lịch sử phát triển ngành Y Dược học Việt Nam, xứng đáng là Trung tâm Y tế chuyên sâu của đất nước.
_________
1. Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tr. 376.
2. Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tr. 475.
3. Sđd., Tr. 646.
4. Ngôi Thì Sĩ (bản dịch 1997), Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 347.
5. Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tr. 738.
6. Đỗ Văn Ninh (2002), Từ điển quan chức Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, Tr. 517.
7. Huỳnh Đình Kết (2018), Họ Hoàng – Huỳnh Thừa Thiên Huế, trong sách Gia đình và dòng họ Thừa Thiên Huế trong lịch sử, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Đỗ Bang (Chủ biên), Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 347.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Tr. 638.
9. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (2003), Khảo cổ học tại di tích cố đô Huế 1999–2002.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 54, 55.
11. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 421.
12. Hàm Tòng ngũ phẩm.
13. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 424.
14. Sđd., Tr. 424.
15. Sđd., Tr. 425.
16. Đó là: Chánh thất phẩm, Tòng và Chánh lục phẩm, Tòng ngũ phẩm.
17. Tăng 3 bậc là Tong và Chánh thất phẩm, Tòng lục phẩm.
18. Mục lục Châu bản triều Nguyễn (1963), Viện Đại học Huế, Triều Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), Tập 40, Tr. 152–155.
19. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 426.
20. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, Nxb. Giáo dục, Tr. 671.
21. Sđd., 870.
22. Sđd., Tập 6, Tr. 413.
23. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 422.
24. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 11, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 381.
25. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Tr. 53.
26. Sđd., Tập 6, Tr. 82.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tr. 376.
2. Sđd., Tr. 475.
3. Sđd., Tr. 646.
4. Ngôi Thì Sĩ (bản dịch 1997), Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 347.
5. Đại Việt sử ký toàn thư (2004) Tập 1, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, Tr. 738.
6. Đỗ Văn Ninh (2002), Từ điển quan chức Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, Tr. 517.
7. Huỳnh Đình Kết (2018), Họ Hoàng– Huỳnh Thừa Thiên Huế, trong sách Gia đình và dòng họ Thừa Thiên Huế trong lịch sử, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Đỗ Bang (Chủ biên), Nxb. Thuận Hóa, Tr. 347.
8. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Tr. 638.
9. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (2003), Khảo cổ học tại di tích cố đô Huế 1999–2002.
10. Quốc Sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 54–55.
11. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sư lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 421.
12. Sđd., Tr. 424.
13. Sđd., Tr. 424.
14. Sđd., Tr. 425.
15. Mục lục Châu bản triều Nguyễn (1963), Viện Đại học Huế, Triều Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), Tập 40, Tr. 152–155.
16. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 426.
17. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, Tr. 671.
18. Sđd., Tr. 870.
19. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 6, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, Tr. 413.
20. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 15, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 422.
21. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 11, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Tr. 381.
22. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Tr. 53.
23. Sđd., Tr. 82.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn;
ISSN 2588-1213; Tập 129, Số 6E, 2020, Tr. 105–113
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Thái Y viện triều Nguyễn – Đỉnh cao trong lịch sử phòng, chữa bệnh, tổ chức và đào tạo lương y Việt Nam thời quân chủ (Tác giả: Đỗ Bang) |