Thần tích, bi ký với sự kiện và nhân vật lịch sử

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  ĐINH KHẮC THUÂN
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

TÓM TẮT

     Thần tích, bi ký (văn bia) là nguồn tư liệu bổ trợ quan trọng cho chính sử. Tuy nhiên, trong những tư liệu này tồn tại không ít vấn đề về văn bản học, gây phức tạp trong việc sử dụng tài liệu này. Bài viết dẫn dụ một vài trường hợp cụ thể để minh chứng cho sự phức tạp của hai loại hình văn bản này khi sử dụng chúng trong việc nghiên cứu một số sự kiện và nhân vật lịch sử cụ thể.

Từ khóa: thần tích; bi ký; sự kiện; nhân vật lịch sử.

ABSTRACT

     Legends and stele are an important supplement documents for official history. However, these documents have many difficulties to use in textology perspective. The paper brings out some examples to demonstrate the complex of two types of documents when we use them to study some historical events and figures.

Key words: Legend; Stele; Historical event; Historical figure.

x
x x

1. Văn bản thần tích với sự kiện và nhân vật lịch sử

     Tuyệt đại đa số thần tích hiện biết đều được ghi là do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám Bách thần Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1736). Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ sở nào xác nhận Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính đã biên soạn những thần tích vào niên hiệu Hồng Phúc, bởi niên hiệu Hồng Phúc chỉ có 2 năm (1572- 1573) và thuộc triều Lê khi còn đang lưu bạt ở Thanh Hóa. Điều chắc chắn là hàng loạt thần tích đã được sao chép bởi Quản giám Bách thần Nguyễn Hiền trong những năm đầu thế kỉ XVIII, mà hiện còn khá nhiều bia thần tích do Nguyễn Hiền sao chép được dựng vào những năm giữa thế kỉ XVIII. Điều này hoàn toàn phù hợp với ghi chép của Lê Quý Đôn là: “Tháng Tư năm Ất Mùi (1715) niên hiệu Vĩnh Thịnh, triều đình lệnh cho quan hai ty các xứ có thần từ tối linh thì sai dân khai sổ, trình bày đủ chứng tích mà nộp đúng kì, để quan duyệt và định thứ loại phong sắc”1. Kể từ đó, việc kê khai sự tích thần được làm thường xuyên ở các địa phương. Và, đương nhiên, sau khi có văn bản thần tích do Nguyễn Hiền sao lục, thì việc kê khai thần làng hẳn đã dựa vào khuôn mẫu này. Vì thế, đa phần văn bản thần tích ở vùng châu thổ Bắc Bộ đều có chung một khuôn mẫu và khắp nơi đều có sự tích thần làng. Do vậy, đến năm 1739, Bộ Lễ phải tiến hành một cuộc tổng đối chiếu các bản thần tích đó.

     Một mốc sao lục thần tích quan trọng nữa là vào năm Gia Long thứ 8 (1809), khi vua Nguyễn tập trung Thành hoàng trong cả nước về kinh đô, dựng miếu Đô Thành hoàng. Sau đó, vào năm 1810, triều đình sai các quan địa phương cho tìm sự tích công thần, rồi đến năm 1814, xem xét sắc phong thần, vị nào có công đức với dân thì phong. Kết quả là hàng loạt thần được ban sắc phong và điển tự thờ cúng. Trong đó, có không ít thần tích được sao lục từ nơi khác về, như trường hợp các di tích ở Phú Lương, Thanh Oai, Hà Tây cũ, được sao chép từ đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh về. Lại nữa, còn có những sự tích thần bị cố ý lập lờ, cốt để được sắc phong của triều đình. Xin trích một đoạn sau chép trong sách Bạch Liên khảo kí2 của làng Cót, tức làng Yên Quyết, xã Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội như sau:

     “Ở làng ta không biết đời trước chất phác quê kệch đến thế nào mà cứ cố chấp, vẫn ôm giữ sự thờ cúng ở đó. Kể ra theo lễ, trong việc thờ cúng chỉ thờ những bậc có công lao với nước, có ơn đức với dân, trừ được tai vạ lớn, chống được hoạn nạn to hay là những thần núi cao, sông lớn và thần Đất (Hậu Thổ), cùng với những người trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh liệt, có khí phách anh linh, có tinh thần trung chính. Còn những loài yêu tinh, quỷ quái dâm tà, có hại cho người sống sao ta lại mê hoặc theo cái tục cổ sùng thượng quỷ thần mà đổ lộn thờ nhảm? Nếu bảo việc thờ cúng này đã từ lâu đời chắc vì Mộc tinh có công đức ngấm ngầm phù hộ. Nhưng bản chức chính mắt đã thấy, những năm Canh Thìn (1820), Tân Tỵ (1821), Đinh Hợi (1827) và Mậu Tý (1828), ở làng ta có dịch lạ, chết đến 500 người, dân làng làm lễ tế mà không được một linh ứng gì cả! Có lẽ câu của người xưa: “Thờ thần gỗ chỉ phí lợn bò, dẫu có cầu đảo cũng chẳng linh ứng gì”, chính là thế chăng? Hơn nữa, khoảng niên hiệu Gia Long (1802- 1819), chức dịch làng ta lên Sơn Tây, là trấn sở thuộc ngày trước khai sự tích về thần này, phần nhiều phải bịa đặt vào trong sự tích, mặc dầu lòng họ vẫn biết là không phải, nên đã đổi lại mà viết là “Mộc đức Tinh quân” để mong được phong sắc”.

     Đây là hiện tượng cổ hóa, nhân vật hóa sự tích thần. Hiện tượng này còn gặp ở trường hợp sự tích thần làng Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Đình làng này thờ Đỗ Năng Tế. Ở chùa làng có văn bia Thiệu Long tự bi, dựng vào năm 1226, năm đầu của nhà Trần. Bia do Đỗ Năng Tế – chức Tiết cấp Nhập nội Thái tử dựng3. Tuy nhiên, thần tích của làng lại chép ông là một tướng thời Hai Bà Trưng, thậm chí còn được truyền ngôn là thày dạy của Hai Bà. Thần tích có đoạn viết:

     “Vào thời thuộc Hán, ở nước ta có một nhà hào phú họ Đỗ Năng, ở làng Đông Cao, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam. Ông giữ chức Trưởng bộ, lấy vợ người trong làng là Trần Thị Dực. Gia đình là nhà hào phú, chăm làm việc thiện, tu nhân tích đức, nói năng trung thực, tính nết hiền hòa, phong tư rạng rỡ. Khi đó, người dân cả vùng tôn bầu ông Đỗ Năng làm Trưởng bộ, làm được ba bốn năm thì phu nhân Trần thị mang thai, sinh được một con trai, đặt tên là Tế. Lớn lên theo học, thông minh hơn người.

     … Hùng Lạc tướng nghe thấy Đỗ Năng Tế đã nổi tiếng anh hùng, lừng lẫy bốn phương, bèn truyền hịch chiêu dụ. Ông Tế bèn cùng với Cẩn Nương phu nhân đem binh mã đến bái yết Hùng Lạc tướng. Thấy ông Tế và Cẩn Nương, Hùng Lạc tướng biết là người có tài, liền thu dùng và phong làm Tiết cấp Trưởng nội các binh sư, và Cẩn nương làm Tham tán quân trung Hoàng tướng phu nhân, thống lĩnh các đạo nữ binh khoảng một ngàn người.

     … Trưng Vương làm vua được ba năm, vào đời Kiến Vũ, nhà Đông Hán sai Thục Ba tướng quân là Mã Viện, chức Phù Lạc hầu, Lưu Lang là phó tướng quân mang đại hùng binh ba mươi vạn quân, hơn 500 chiến thuyền, thủy bộ hai đường kéo đến biênthùy xâm chiếm. Lúc đó, ông Tế chợt thấy trên trời phía Tây có một đám mây đen tựa hình xương cẩu phạm đến Thái âm Tinh quân, ông nghĩ thầm và biết là quốc vận đến lúc suy vong, khó chống được giặc. Cơ trời đã xui, nên anh hùng bao giờ cũng phải lấy lòng trung chính thờ vua, dù cho đến chết cũng chẳng từ nan, chẳng bằng thành bại hưng vong phó hết cho trời đất. Ông Tế liền tâu với Trưng Vương rằng: Thần nay trộm nghĩ lo thầm, Hùng đồ vận mạt, quốc thế lâm nguy, nay nữ vương dẫu một ngày mà thành vương nghiệp thì cũng là bậc thánh nữ của muôn đời. Nay quân Hán lại kéo sang xâm chiếm, muốn đặt ách đô hộ lên người Việt ta, thì dù có thắng hay bại thì cũng là do ở lòng trời đã định. Vua quan một lòng, binh lính đồng tâm, hy sinh quyết chiến, chứ không cam chịu ngồi bó tay chịu chết.

     Ngày 13 tháng Bảy, ông Tế bèn gọi các phụ lão nhân dân lại mà dặn dò. Nói xong, ông ngâm một bài thơ chứa chan tình nghĩa, rồi bỗng hóa. Dân làng, con cháu dựng miếu phụng thờ ông mãi mãi”4.

     Như vậy, cả thần tích và văn bia đều đề cập đến Đỗ Năng Tế. Đây là nhân vật lịch sử ở thời Lý, nhưng qua sao chép vào thần tích thì nhân vật này lại là một danh tướng thời Hai Bà Trưng. Điều đó gây nên không ít phiền phức khi sử dụng các nguồn tư liệu địa phương để viết về lịch sử danh tướng thời Hai Bà Trưng trên vùng ven Hà Nội này. Điều đáng lo ngại hơn, là để tôn sùng Đỗ Năng Tế theo truyền thuyết là nhân vật lịch sử thuộc thời Hai Bà Trưng, nên gần đây, người dân địa phương đã xây bịt tấm bia lại, xem như không có tấm bia này, dẫn đến nguy cơ bia bị hủy hoại, trong khi đó, tấm bia này rất có giá trị, cần được tôn vinh…

2. Vấn đề văn bản bi kí

     Nhìn chung, văn bia đều có xuất xứ, niên đại cụ thể. Tuy nhiên, có không ít văn bia soạn lại và được dựng ở đời sau, ghi sự kiện cũ, nên cũng để lại nhiều vấn đề về văn bản. Chẳng hạn, trường hợp Trịnh Quốc công Bùi Quang Dũng, một nhân vật lịch sử thời nhà Đinh và nhà Lý (thế kỷ thứ X – đầu thế kỷ XI), cách nay đã hơn một nghìn năm. Sự tích nhân vật này được chép trong Gia phả dòng họ Bùi ở Thái Bình. Đây là bản gia phả được sao lục và soạn lại vào niên hiệu Khải Định (thời Nguyễn). Trang đầu có bài kí về việc trùng tu gia phả – “Trùng tu phả kí”, viết vào ngày 18 tháng Hai năm Khải Định thứ 4 (1919) do Hàn lâm viện Cung phụng Bùi Đức Tuyên đời thứ 29 của cụ Trịnh Quốc công viết. Bài kí có chữ kí của Bùi Đức Tuyên và xác nhận của Lý trưởng Chử Văn Lãng.

     Trong mục Sự trạng Thái tổ công, sự trạng của Bùi Quang Dũng được chép lại khá cụ thể, với nội dung vắn tắt sau đây: “Thời 12 sứ quân, biết ông là người mưu lược, nên các sứ quân đã không ít lần sai người đến mời ra giúp sức, nhưng đều bị từ chối. Cuối cùng, ông theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp 12 sứ quân, được Bộ Lĩnh phong chức Anh dực tướng quân sung Điện tiền Đô Chỉ huy sứ kiêm Thiêm sự. Khi xứ Kỳ Bố có loạn, ông được Bộ Lĩnh sai đánh dẹp, ông đã bình được giặc và được phong làm Trấn đông Tiết độ sứ. Sau ông mua đất dựng nhà ở, cho khai khẩn lập ra ấp mới, gọi là ấp Hàm Châu. Khi nhà Đinh mất, ông chống lại Lê Đại Hành, ẩn náu ở vùng Trinh Thạch. Khi nhà Lý lên ngôi, ở Kỳ Bố lại có loạn, vua sai tướng Nguyễn Uy ra đánh, nhưng không thành. Sau phải nhờ đến uy của Bùi Quang Dũng, quân giặc mới được dẹp yên. Ông trở lại thăm quê quán cũ Hàm Châu, được nhân dân vui mừng đón chào. Sau vài năm thì ông mất, được vua Lý phong tặng Trịnh Quốc công, cho nghi thức mai táng theo tước Công và ban chữ bia mộ”.

     Tiếp đó, gia phả sao chép bài văn bia về Bùi Quang Dũng. Văn bia khá dài (khoảng 900 chữ Hán), có tiêu đề là: “Lý triều Thái tổ Hoàng đế ngự chế Bùi gia Thái tổ sự trạng bi văn”, nghĩa là: Văn bia ngự chế của Thái tổ Hoàng đế triều Lý về sự trạng Thái tổ họ Bùi; cùng lạc khoản có niên đại, người soạn, người viết chữ và thợ khắc đá là: “Thuận Thiên cửu niên bát nguyệt thập nhị nhật, ngự chế. Khuông Việt Thái (Đại) sư thần Lý Pháp Chân phụng tả, thạch công Phạm Công Thắng phụng thuyên”, nghĩa là: Ngày 12 tháng Tám năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), ngự chế. Bề tôi là Khuông Việt Thái (Đại) sư Lý Pháp Chân vâng lệnh viết chữ, thợ đá Phạm Công Thắng vâng lệnh khắc bia.

     Nội dung văn bia cũng thuật lại các sự kiện mà hành trạng đã nêu ở trên. Khi mất, vua Lý gia phong mỹ tự là: “Cương nghị, bất khuất, chính trực bất a”.

     Hai tư liệu này được sử dụng trong một số nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp Bùi Quang Dũng, về lịch sử thời Đinh và thời Lý ở Thái Bình, nhất là tác giả bài văn bia này lại được chép là vua Lý Thái Tổ. Nếu đúng như vậy, thì quả là có một không hai về văn bia do nhà vua soạn cho thần dân.

     Tuy nhiên, bài văn bia này có vấn đề về văn bản. Xét về thể loại, thì thông thường văn bia được làm theo thể ký, với tên gọi là “bi ký”, bao gồm bài ký, tức là bài văn ghi lại sự việc, ngợi ca công đức, sau đó là bài minh, là các câu văn vần gồm 4 hoặc 5 chữ tóm lược lại nội dung bài ký trên. Bài văn bia về Bùi Quang Dũng không giống thể thức của loại hình bi kí hay mộ chí thông thường, mà giống thể thức của bài chế. Chế còn gọi là chế thư, chế chiếu, chế cáo, là văn bản của hoàng đế dùng khi ban bố chế độ, hoặc thưởng phạt lớn, ban hoặc miễn chức lớn. Chế văn được quy định rất chặt chẽ về cách viết, buộc phải dùng biền ngẫu, tức là câu chữ đối nhau từng cặp một rất chặt chẽ.

     Tên chức tước cũng có nhầm lẫn như chức tước của Bùi Quang Dũng là: “Anh dực tướng quân sung Điện tiền Đô chỉ huy sứ kiêm Thiêm sự”. Thực ra, hiện tượng có thêm chữ Kiêm đi với Thiêm sự là thừa, vì hai từ này không bao giờ đi với nhau. Chữ Kiêm chỉ dùng khi đã có chức nào đó rồi, kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác, như chức vụ của Lý Thường Kiệt là:… “… Kiểm hiệu Thái úy kiêm Ngự sử Đại phu…”5. Hơn nữa, Thiêm sự là chức phó quan ở Đô ty, thuộc chính quyền địa phương, có từ thời nhà Lê sơ (thế kỷ XV). Đó là Đô Chỉ huy sứ ty Đô Chỉ huy Thiêm sự. Dưới triều tiền Lê, chỉ có chức Điện tiền Chỉ huy sứ, mà không có Thiêm sự. Đây là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô Hoa Lư thời Đinh do Lê Đại Hành đảm nhiệm, thời tiền Lê do Lý Công Uẩn đảm nhiệm. Điện tiền Chỉ huy sứ là chức quan đầu triều, còn Đô Chỉ huy Thiêm sự là chức quan địa phương6.

     Mặt khác, các sự kiện nêu trong văn bia liên quan đến gia thế, cuộc đời của Bùi Quang Dũng khá chi tiết, làm sao một vị vua có thể biết rõ tường tận như vậy mà viết. Trong khi các giấy tờ, văn thư của triều đình đều do viên giúp việc mà cụ thể là do quan Hàn lâm đảm nhiệm, thì hà cớ gì vua phải đích thân lo đọc, chép, tập hợp tư liệu để soạn một bài văn bia công phu và chi li như vậy cho một viên quan mới chỉ có tước Hầu, lại đang đi lánh đời như Bùi Quang Dũng khi đó.

     Thêm nữa, người viết chữ được văn bia ghi là Khuông Việt Thái (Đại) sư Lý Pháp Chân. Xét về chữ Hán, thì chữ Thái và Đại đều có thể viết cùng một chữ, nhưng nếu đọc Thái sư thì chỉ chức quan, còn Đại sư thì chỉ chức danh Thiền sư. Thời Đinh – tiền Lê có vị Đại sư Khuông Việt là Ngô Chân Lưu, là một Thiền sư, một học giả nổi tiếng, có biệt danh là Khuông Việt Đại sư (933 – 1011) đã mất trước khi có văn bia này tới 7 năm – năm Thuận Thiên thứ 9 (1018). Điều đó cho thấy, dòng lạc khoản ghi ở đây cũng là sự hồi cố của đời sau, nên thiếu đi sự xác thực. Hơn thế, lệ dựng bia khắc đá thời Lý như trên đã nêu, thường chỉ ghi tên người soạn ở ngay dòng đầu của nội dung văn bia và ít khi ghi niên đại khắc bia, người viết chữ và thợ khắc đá.

     Có thể vua Lý có ban sắc chỉ cho Bùi Quang Dũng sau khi ông mất, thăng từ tước Hầu lên tước Công và có thể đã ban sắc chỉ tên thụy hiệu khắc trên bia. Dòng bia mộ đó ban đầu có thể có, nhưng chỉ khắc một dòng tên chức tước, thụy hiệu của ông như thường gặp trên các bia mộ khác mà thôi. Sau đó, con cháu đời sau có nhiều người đỗ đạt, thành danh, muốn tôn vinh tiên tổ mình là Bùi Quang Dũng, nên đã sưu tập tư liệu, chế thêm bài văn bia cho đầy đủ như vậy. Câu chữ trong nội dung văn bia cũng là sự sao chép các chế văn do triều đình ban tặng, trong đó có các sắc phong ban cho công thần hay cho thần linh, như các mỹ tự mà nhà vua ban cho của các vị thần làng.

     Bài văn bia được ghi là Lý Công Uẩn soạn này đã được nhiều bài viết ngợi ca hết lời về giá trị văn bia, cũng như vị thế của Bùi Quang Dũng, người được vua soạn văn bia ngợi ca công trạng. Chẳng hạn, bài “Bùi Quang Dũng danh nhân triều Đinh – Lý”, đăng trên Báo Thái Bình, số ngày 29/11/2010 có đoạn viết: “Bùi Quang Dũng mất năm Thuận Thiên thứ 9 (1018) ngày 13 tháng Sáu; thọ 97 tuổi. Được tin ông mất, Lý Thái Tổ cho quan Bộ Lễ về tổ chức an táng và truy phong ông là Trịnh Quốc công. Tháng 8 năm ấy, vua Lý tự tay ngự đề văn bia sự trạng ông. Ngày 12 tháng Tám năm 1018 (tức năm Thuận Thiên thứ 9), vua giao cho Thái sư Khuông Việt chép bản ngự chế vào bia đá”. Đó là sai lầm đáng tiếc khi sử dụng tư liệu mà không xác định tính chân thực của văn bản.

     Cũng là văn bia, còn trường hợp khác cũng cần điểm thêm. Đó là ở thôn Thượng Mạo, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, mấy năm trước đây từng cho rằng, có một bia cổ thờ nghĩa sĩ Hai Bà Trưng vong trận. Bởi ở đây có nhiều tư liệu về Hai Bà Trưng, tương truyền, đây là quê gốc của Hai Bà. Bia này đã mờ hầu hết phần trên, duy chỉ đọc được một phần văn bản ở phía dưới bia, với nhiều họ tên người. Thực chất, đây là bia chùa thời Mạc, khắc họ tên người công đức tham gia xây dựng hoặc trùng tu chùa, chứ không hề liên quan gì đến thời kì Hai Bà Trưng. Sự thực là vào những năm đầu của thế kỉ XX, triều đình cho kiểm kê di tích và chủ trương chỉ cho tôn tạo các di tích liên quan đến anh hùng dân tộc. Vì thế mà vị Chánh tổng ở địa phương này đã cho sao chép tư liệu Hán Nôm tại đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh về phủ lên các di tích ở đây, chỉ với mục đích là được duy trì các di tích này mà thôi, song, việc này đã để lại đến nay quá nhiều phiền toái. Một thực tế nữa, là trong kho tàng văn bia đã có không ít trường hợp giả niên đại, do cố ý và không cố ý tạo ra. Sự không cố ý là chép lại văn bản theo truyền ngôn, như dựng bia thần tích vào thời Nguyễn, nhưng vẫn ghi niên đại là Hồng Phúc nguyên niên (1572) – thời Lê. Sự cố ý là muốn “cổ hóa” văn bản, tự ghép cho một niên đại sớm. Điều này còn gặp trên thác bản bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm do Học viện Viễn Đông bác cổ sưu tập trước đây. Cụ thể là bản dập của văn bia có niên đại thời Nguyễn được ghép cho niên hiệu nhà Lê – Mạc, vì người sưu tập khi đó muốn được thanh toán tiền thù lao với giá cao hơn, như các niên hiệu Tự Đức (1848 – 1883) thành Long Đức (1732 – 1735), Thiệu Trị (1841 – 1847) thành Hưng Trị (1588 – 1590), Thành Thái (1880 – 1907) thành Phúc Thái (1643 – 1649)7… Điều nguy hại là những tư liệu bị làm giả này lại được dùng làm tư liệu gốc để minh chứng cho nhận định khoa học. Chẳng hạn, hai bia Bản đình kí kị bi kí (Kí hiệu thác bản: 2917-8), với niên đại trên bản dập là Quang Hưng 3 (1579) và Kí kị hậu bi kí (N.2921-2), với niên đại là Quang Hưng 5 (1581) ở đình Nguyên Khê (Cẩm Giàng, Hải Dương), vốn là hai bia thời Nguyễn, bởi cả phong cách trang trí và văn bản đều mang đặc trưng điển hình của bi kí kị (gửi giỗ) cuối thời Nguyễn, và, trong văn bản còn có đơn vị hành chính “tỉnh”, mới được thiết lập từ thời Nguyễn. Hai văn bản này từng được dùng như cứ liệu gốc để xác nhận lệ bầu Hậu thần ở đình đã phổ biến từ thế kỉ XVI.

     Về văn bản văn bia thời Lý, Trần, cũng còn nhiều điều phải suy nghĩ. Trong tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (tập 2)8, đã có vài văn bản không phải là bia thời Trần. Tiêu biểu là văn bia A Nậu tự bi không phải là bia thời Trần, bởi có chữ Nam không kiêng húy thời Trần và cũng không phải là bia thời Lê, bởi có chữ Cửu không kiêng húy thời Lê. Thực tế, đây là bia thời Mạc (thế kỉ XVI), với đồ án trang trí dây leo tay mướp, khắc chìm rất điển hình. Bia Thanh Hư động ở Côn Sơn, Hải Dương, được dùng làm minh họa bìa sách Văn khắc Hán Nôm thời Trần và gần đây được công nhận là bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, bia này vốn được dựng vào thời Trần, mặt trước khắc bút tích 3 chữ “Thanh Hư động” của vua Trần Duệ Tông, cùng bốn chữ “Long Khánh ngự thư”; mặt sau khắc bài thơ của vua Trần Nghệ Tông. Nhưng bia đã được khắc lại ở mặt trước vào năm Hoằng Định thứ 4 (1604) – dòng lạc khoản ở đây còn đọc được là Hoằng Định tứ niên. Mặt sau bia khắc năm Hoằng Định thứ 3 (1603), một văn bia mới có tiêu đề là “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”, với lạc khoản là Hoằng Định tam niên.

     Cũng cần bàn thêm đôi chút về niên đại chuông Vân Bản hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Chuông này lần đầu tiên được giới thiệu là chuông thời Lý, hiện nay được giới thiệu là chuông thời Trần. Người có công phát hiện dấu tích văn bản thời Trần trên chuông là cố GS. Tạ Trọng Hiệp, nhà Việt Nam học tại Pháp, khi hợp tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm biên soạn tập sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam thời Lý, Trần (năm 1994, 1995). Đó là chữ Bính viết thay chữ Nam vì kiêng húy thời Trần trên chuông này. Ý tưởng này sau đó được sử dụng trong một số bài viết về chữ húy thời Trần và chuông Vân Bản thời Trần. Tuy nhiên, nay xem kĩ lại văn bản trên chuông, chúng tôi thấy, văn bản này đúng là văn bản thời Trần, nhưng lại là văn khắc lại, bởi còn nhiều chữ mờ chìm sâu ngay các dòng chữ khắc lại này. Mặt khác, quai chuông có 2 đầu rồng nằm ngửa lên chứ không phải xuôi xuống như các đầu rồng của chuông khác, mà trên đó điểm xuyết những hình rồng giun, uốn khúc kiểu thời Lý và đầu Trần. Vì vậy, có thể nghĩ rằng, niên đại chuông này là vào đầu thời Trần (thế kỉ XIII), chứ không thuộc thế kỉ XIV như được giới thiệu hiện nay.

     Tóm lại, tư liệu Hán Nôm, mà cụ thể là tư liệu thần tích và bi ký, có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử – văn hóa, cũng như việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, đã có không ít vấn đề về văn bản, do đó cần thận trọng khi sử dụng các tài liệu này, đặc biệt là nhất thiết phải xác định cho rõ nguồn gốc, tính đích thực của các nguồn tư liệu9./.

     Chú thích:

     1- Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Kiến văn tiểu lục, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1977, tr. 435.

     2- Sách khảo cứu về lịch sử làng Cót, vốn được biết bằng chữ Hán và đã được dịch ra tiếng Việt.

     3-  Tiết cấp Nhập nội Thái tử Đỗ Năng Tế, ký Tế quân Đặng Ngũ Nương thủ mộ điền thổ, lưu dữ tử tôn Đỗ Thị Hậu, Đỗ Thị Tích đẳng thủ khán canh cư, lập thạch. Nghĩa là: “Tiết cấp Nhập nội Thái tử Đỗ Năng Tế cùng Tế quân là Đặng Ngũ Nương coi giữ ruộng đất mộ, giao lại cho con cháu là Đỗ Thị Hậu, Đỗ Thị Tích trông nom cày cấy, dựng bia”.

     4- Dẫn theo Một số truyền thuyết về tướng lĩnh Hai Bà Trưng (1979), tr. 23 – 29.

     5- Văn bia “An Hoạch sơn Báo Ân tự bi kí”, trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1, từ Bắc thuộc đến thời Lý, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1998), H, tr. 83.

     6- Đinh Khắc Thuân (2010), Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb. Khoa học xã hội, H, tr. 125.

     7- Xem thêm Đinh Khắc Thuân, “Đính chính niên đại giả trên thác bản bia tại kho bia Viện Hán Nôm”, Nghiên cứu Hán Nôm, 2/1985, tr. 68 – 77.

     8- Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 2, thời Trần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm & Đại học Trung Chính (Đài Loan) (2002), Gia Nghĩa – Hà Nội.

     9- Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số: VII1.4- 2013.12.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1- Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1, thời Lý, Viện Nghiên cứu Hán Nôm & Học viện Viễn Đông bác cổ Pháp (1998), ParisHà Nội,

     2- Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 2, thời Trần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm & Đại học Trung Chính (Đài Loan) (2002), Gia Nghĩa – Hà Nội.

     3- Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỉ, bản gốc 1697, tập 4, bản dịch của Viện Sử học, H, 1968.

     4- Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, H, Nxb. Khoa học xã hội.

     5- Hà Văn Tấn (1993), Đình Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H.

     6- Đinh Khắc Thuân (2002), Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb. Khoa học xã hội, H.

     7- Đinh Khắc Thuân (1996), Văn bia thời Mạc, Nxb. Khoa học xã hội, tái bản năm 2010.

     8- Đinh Khắc Thuân, “Bài văn bia chùa Thiệu Long thời Trần”, Tạp chí Khảo cổ học, 1984.

     9- Mai Ngọc Hồng, Nghiên cứu và đánh giá văn bản thần tích địa phương Thái Bình, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1997.

Nguồn: Di sản văn hóa, số 2 (55) – 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thần tích, bi ký với sự kiện và nhân vật lịch sử (Tác giả: PGS.TS Đinh Khắc Thuân)