THẰNG BÉ ngồi bên ĐẦU CẦU HIỀN LƯƠNG
Nhân ngày đầu năm học mới, Ban Biên tập chúng tôi đã chọn TS. Nguyễn Mạnh Hùng – để ông viết về cuộc đời nhà giáo của ông khi trở thành một Phó Giáo sư vào ngày 12/11/2011 tại Văn Miếu Hà Nội.
Chúng tôi nghĩ rằng ông sẽ viết về những chuỗi công trình, về những chuỗi ngày dạy họchay những luận văn mà ông đã bảo trợ cho các Thạc sĩ, Tiến sĩ trong và ngoài nước. Nhưng ông lại viết về “Thằng bé ngồi ở chân đầu cầu Hiền Lương” có liên quan đến một ông Đốc của trường làng- thời chế độ thực dân Pháp.
Ban biên tập chúng tôi kính mong độc giả thông cảm và thưởng thức một bài viết lạ chưa hề được công bố trong chuỗi ngày thơ ấu của thầy.
Chúng tôi xin cám ơn thầy và mong thầy cứ viết nhiều hơn nữa để không phụ lòng những độc giả của thầy đang theo các hoạt động thầy.
x
x x
Tiếng trống vừa đánh thùng thùng! Ông Đốc trường làng bèn đứng lên khỏi ghế để thu xếp một số giấy tờ. Ông bước đến cái móc áo bên tường, lấy chiếc nón cối đội lên đầu. Rồi ông mở cửa phòng để đi ra. Trước mặt ông, một cậu học trò mặc chiếc quần sọt,trong tay kẹp một chiếc cặp đứng chờ dưới sân trường. Thấy ông, cậu bé cúi đầu lễ phép – “Con kính chào ông Đốc”.
– Con đứng đây làm gì ?
– Con chờ ông Đốc.
– Con chờ có việc gì? Thưa ông Đốc, cho con được đi dự trại hè ở Huế!
– Con học ở lớp nào?
– Dạ! Lớp nhất A1.
– Con có được lớp chọn không?
– Dạ, được.
– Như vậy trường ta có 3 lớp nhất, chọn được 3 đại biểu. Nhưng trường chỉ được phép cử 1 mà thôi! Vậy phải chọn ai trong số đó!
Ông Đốc đã trả lời, nhưng thằng bé vẫn cứ đứng đợi. Nó nhìn ông không chớp mắt- trông như nó đang cầu khẩn một điều gì.
– Thôi! Con vào đây!
Ông Đốc trở vào phòng làm việc, ngồi vào ghế! Cậu bé theo sau, đứng khép nép nhưng ngay ngắn.
– Con tên gì?
– Thưa con tên H.
– Con họ gì? Dạ! họ Nguyễn.
Ông nhìn vào cái tủ gỗ, lấy ra 1 quyển sổ rồi nhìn vào đó.
– Cha con tên gì?
– Cha con tên K.
– Cha con thế nào?
– Cha con chết rồi!
– Con có biết tại sao chết không?
– Dạ không!
– Ai nói cho con là cha con chết rồi!
– Mẹ con!
Ông Đốc im lặng, mắt vẫn nhìn thằng bé như để đắn đo một điều gì.
– Con có biết chuyến nghỉ hè này do chính thể quốc gia tổ chức cho đi thăm cầu Hiền Lương hay không?
– Dạ, thầy con có nói.
– Nhưng con có biết chiếc cầu ấy như thế nào?.
– Dạ! thầy con dạy rằng- chiếc cầu ấy ngăn đôi đất nước.
Nói xong, thằng bé im lặng. Đôi mắt vẫn nhìn ông chăm chú.
– Thôi con về đi! Chiều rồi! Để ông Đốc xem lại.
x
x x
Tuần lễ sau, nhà trường thông báo chính thức tuyển chọn cậu học trò chiều hôm ấy được tham dự một trại hè lớn nhất để vận động một công cuộc chính trị – kể từ sau khi đất nước được chia đôi theo hiệp định Genève. Từ vĩ tuyến 17 trở ra- là của lực lượng Việt Minh – thuộc về thế giới cộng sản. Còn bên đây- thuộc về “thế giới Tự do”. Một bên tập kết ra Bắc. Một bên lên tàu há mồm vào Nam. Thế giới đã chia cắt làm hai thái cực, lấy vĩ tuyến 17 Việt Nam làm đường ranh biên giới – tạo ra một cuộc di cư lớn thứ hai trong lịch sử loài người.
Đoàn học sinh của thế giới tự do thuộc phía Nam, được đưa ra chiếc cầu lịch sử ở phía bên đây để hướng mắt nhìn qua phía bên kia. Nơi ấy, thấp thoáng 1 cây cột cao có lá cờ đang bay phấp phới. Bên đây, một lá cờ cũng đang vỗ nhẹ trong làn gió. Đoàn học sinh giờ này đã đến tận đầu cầu. Người lính gác đứng bắt chéo chân nở “nụ cười tự do” trông thật hạnh phúc như đang thừa hưởng một cảnh thanh bình, tuyệt vời sau bao năm chiến tranh mà không ai có thể tưởng tượng được rằng nó đã đến!.
– Các cháu có thể lên cầu chơi được nhưng đừng chạy qua đầu bên kia, mà đặt chân xuống đất là bị xem như vượt tuyến.
Bọn trẻ đồng thanh “Dạ!”, có đứa vọt miệng hỏi.
– Bên kia như thế nào chú!
– Thì cũng như bên đây.
– Cũng có bọn chăn trâu chứ!
– Cũng có chứ!
– Tụi nó có chạy chơi như bên đây không?
– Cũng chạy chơi, cũng vui đùa, nhảy nhót.
– Làm sao chú biết được!
– Chú có qua đầu cầu bên kia quan sát!
– Chú có nói chuyện với chú lính bên kia không?
– Cũng có nói bình thường.
– Chú bên kia có qua bên đây không?
– Cũng có qua, tới đầu bên này nhưng không đặt chân xuống.
– Bên kia là gì vậy chú?
– Là thế giới cộng sản đấy! Là những người Việt Minh vô sản.
– Còn bên đây – là thế giới tự do.
– Thế giới tự do là gì chú?
– Là muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, muốn ở đâu thì ở…
Cái thằng nhỏ ban đầu đặt câu hỏi lại tiếp tục.
– Bên kia cũng có tự do chứ chú?
Người lính im lặng không giải thích.
Tuy lời nói đầy “hoa mỹ” ấy của người lính gác vẫn chưa làm cho nhiều đứa hiểu được tự do là gì!? Mà khi một chiếc cầu lạnh lẽo này lại không được tự do qua lại!
Giờ này trời đã trưa. Tiếng còi tập họp vang lên in ỏi!. Bọn trẻ léo nhéo gọi nhau lên xe ra về. Nhưng còn một cậu học trò vẫn ngồi lì ở đầu cầu. Hai cánh tay cậu ôm chặt lấy 2 chân của mình. Nó úp mặt xuống đất.
Người lính gác đến gần.
– Cháu sao vậy! Không ra xe về với các bạn sao? Có đau ốm gì không?
Người lính xốc nó đứng lên, nhìn vào gương mặt nó – hình như nó khóc.
Cậu bé không nói. Người lính lại cứ gạn hỏi.
– Cháu nói đi! Cháu đau chân à!. Dạ! Không. Nhưng sao cháu lại ngồi ôm chân như vậy?.
Thằng bé vẫn im lặng.
– Cháu cứ nói.
– Xin chú đừng nói cho các bạn cháu biết!.
– Chú hứa! Cháu cứ nói, chú sẽ giữ kín.
– Dạ! Cháu ôm hai chân lại để không chạy qua bên kia.
– Cháu chạy qua bên kia làm gì?
– Cháu tìm ba cháu.
– Ba cháu ở bên đó à!.
– Mẹ cháu nói khi sinh cháu ra thì ba cháu đi theo Việt Minh và không trở về nữa.
– Nhưng cháu có nói cho mẹ cháu biết là cháu sẽ chạy qua bên kia không?.
– Dạ! Không.
– Như vậy là không được rồi! Cháu đã khóc vì muốn đi tìm ba cháu! Còn mẹ cháu ở lại đây sẽ khóc nhiều hơn vì phải đi tìm cháu. Cháu đừng đổi những giọt nước mắt của mình để lấy những dòng nước mắt của mẹ cháu vì bà đã phải mong ngóng cả hai người!!!
x
x x
Vài ngày sau khi đoàn trở về. Ông Đốc cho gọi mẹ con thằng bé đến. Sau khi mời mẹ con thằng bé vào ngồi ngay ngắn. Ông không quên rót 2 tách nước trà – trông như là những người khách quý. Ông có vẻ tự hào về cách tiếp đón ân cần của mình theo lời chỉ thị của cấp trên để thể hiện một đường lối đấu tranh tuyệt vời theo “chủ thuyết nhân vị” hòng giành giựt con người về với thế giới tự do của mình. Rồi! Ông bắt đầu nhỏ nhẹ từng lời một cách trịnh trọng.
– Thưa bà, khi tôi tiếp xúc với thằng bé đây, tôi thấy nó tự tin vào lời cầu khẩn của nó. Tôi cho rằng nó có lý do để đòi hỏi được vui chơi trại hè tốn kém này để bù đắp cho nỗ lực học tập của nó. “Chính phủ Quốc Gia” đã nghỉ ra cách giải thích lập trường chính trị của mình- ngay đối với các cháu học sinh bé nhỏ để hiểu được rằng các cháu đang sống trong một “thế giới tự do” thật sự khi đất nước đã được chia cắt làm hai. Nhưng khi tôi xem giấy khai sinh của nó, thoáng thấy lý do của nó khác hơn tôi nghĩ. Hình như nó muốn đi tìm cái gì đã mất còn quý giá hơn thế nữa trong đời nó. Tôi đã vội suy nghĩ ra điều đó và tôi đã tự đánh cuộc để theo dõi. Nhưng, thưa bà, vì thế tôi đã tìm cách cho nó một đặc ân để nó thổ lộ cảm xúc đặc biệt trong đời thơ ấu của nó bằng cách thử cho nó được tham dự trại hè đầu tiên này. Và tôi chờ đợi kết quả.
Cảm xúc ấy của nó thật mãnh liệt và ngây ngô khi khai báo chân thật với người lính gác ở phía bên đây những thầm kín trong lòng nó. Thật bất ngờ!, nhưng còn người lính gác – anh ta đã không giữ lời hứa của mình. Người lính ấy phải báo cáo với cấp trên-theo nhiệm vụ- về hiện tượng kỳ lạ này! Bây giờ tôi đã được lệnh hãy canh chừng nó và giữ chặt nó ở trong “thế giới tự do” này để đào tạo nó thành người quay lưng về phía bên kia. Nhưng làm sao được! Tôi có thể theo dõi bước chân của nó, nhưng tôi không thể theo dõi nhịp đập của trái tim nó để giam cầm cái thế giới tự do ẩn náu trong lòng nó vì một mối tình thiêng liêng cao cả riêng của nó. Ở đó có hình bóng của người sinh ra nó trong hoàn cảnh đất nước đang bị phân đôi này!
Nguyễn Mạnh Hùng
Ảnh minh họa: Trúc Sơn
Truyện đã đăng trên Chuyên đề Giáo dục & Thời đại – Số 733 (30/11/2011), Trang 42 ~ 46.