THÀNH NGỮ VIỆT và VĂN HOÁ VIỆT qua TRUYỆN NGẮN của NGUYÊN HỒNG (Phần 2)

LÊ THANH HƯƠNG
(Thạc sĩ, Viện Ngôn ngữ học)

     3.2. Đặc điểm văn hoá

     Tác giả Nguyễn Xuân Hoà cho rằng “Thành ngữ tiếng Việt vừa là một đơn vị ngôn ngữ đặc trưng vừa là một thực thể văn hoá, nghĩa là trong cơ cấu thành ngữ Việt có chứa đựng yếu tố văn hoá – dân tộc liên quan đến khế ước xã hội cộng đồng người Việt”. [7; 610]

     Tác giả Nguyễn Công Đức có viết như sau: “Có thể nói thành ngữ là phương tiện phản ánh đắc dụng trong văn phong nghệ thuật và văn phong chính luận và còn thể hiện trí thông minh, sự tài hoa, chỗ thân tình và cởi mở của văn phong hội thoại trong đời sống hàng ngày. Vì thế, việc hiểu đúng và biết cách dùng đúng thành ngữ là một nhu cầu tự nhiên của người Việt Nam. Bên cạnh các đặc điểm chung như các đơn vị từ vựng khác, thì thành ngữ lại có những nét riêng có tính đặc thù về cấu tạo và ngữ nghĩa, mang nặng những dấu ấn về văn hoá và tư duy dân tộc”. [3; 6]

     Tác giả Nguyễn Công Đức có đưa ra các đặc điểm văn hoá của thành ngữ tiếng Việt như sau:

– Đặc điểm của đời sống sinh hoạt nông nghiệp;

– Đặc điểm lịch sử dân tộc;

– Đặc điểm của quan niệm sống, lối tư duy dân tộc.

     Trong các đặc điểm trên, thành ngữ trong truyện ngắn của Nguyên Hồng nổi bật với dấu ấn của một đơn vị văn hoá liên quan đến đời sống sinh hoạt nông nghiệp, đặc điểm của nền nông nghiệp lúa nước và đặc điểm của quan niệm sống, lối tư duy dân tộc của người Việt Nam.

     Nhìn vào thế giới nhân vật trong truyện ngắn, Nguyên Hồng xứng đáng được gọi là nhà văn của những người cùng khổ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em thuộc các tầng lớp bị áp bức bóc lột trong xã hội cũ. Đây chính là tầng lớp xuất hiện nhiều nhất trên các trang viết và cũng là tầng lớp có ảnh hưởng lớn nhất đến các sáng tác của ông. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyên Hồng là tiêu biểu cho lớp người nghèo mà cụ thể là: những người làm phu phen, tạp dịch nặng nề (Đây bóng tối, Người mẹ không con, Những mầm sống, Một trưa nắng, Người đàn bà tàu, Hai dòng sữa, Hơi thở tàn); những người đàn bà dân nghèo (Nhà bố Nấu, Hàng cơm đêm, Đây bóng tối, Những ngày thơ ấu, Người con gái); những trẻ em nghèo, lang thang, đói rách, thiếu thốn tình cảm (Những ngày thơ ấu, Cuộc sống, Hơi thở tàn, Những mầm non, Giọt máu, Những giọt sữa),… Tuy nhiên, ông được mệnh danh là nhà văn của những người cùng khổ không chỉ bởi vì ông viết nhiều về họ mà điều quan trọng hơn là ông đã dành cho họ những dòng tâm huyết, cảm thông và trân trọng nhất.

     Từ cuộc đời nhiều bất hạnh đến con đường đầy gian khổ khi đến với văn chương, ông phải tích luỹ kiến thức bằng tự học một cách miệt mài, quyết liệt. Khao khát văn hoá, cần cù học hỏi cũng là một nét quan trọng của cá tính Nguyên Hồng. Ngoài ra, chất dân nghèo, chất lao động khi gắn bó cuộc đời và những trang viết với những con người cùng khổ đã đem đến cho Nguyên Hồng một đặc điểm khác hết sức độc đáo. Đó chính là đặc điểm của chất liệu dân gian được sử dụng một cách tinh tế và sâu sắc.

     Nguyên Hồng sử dụng thành ngữ có 2 dụng ý. Thứ nhất, là sự lặp lại nhiều lần của một số thành ngữ theo hệ thống cùng về một chủ đề nhằm nhấn mạnh tư tưởng của tác giả, nội dung của truyện, khắc hoạ sinh động hình tượng nhân vật. Thứ hai, là sử dụng có chọn lọc một số thành ngữ trong những trường hợp riêng biệt nhằm thể hiện lối tư duy mang những nét đột phá của tác giả.

     Phần lớn thành ngữ được sử dụng trong truyện ngắn của Nguyên Hồng đều thấy thấp thoáng bóng dáng của sự lo toan, vất vả, nghèo túng trong đời sống sinh hoạt nông nghiệp của người dân nghèo Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 1936 – 1945, chẳng hạn: đầu tắt mặt tối, bôi gio trát trấu, cắm đầu cắm cổ, cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, dãi dầu mưa nắng, đất khách quê người, đầu hôm sớm mai, đầu trâu mặt ngựa, đồng chua nước mặn, hai sương một nắng, lặn ngòi ngoi nước, lôi thôi lếch thếch, mưa dầu nắng lửa, mồ hôi nước mắt, nay đây mai đó, no dồn đói góp, no ăn ấm cật, nghèo rớt mồng tơi, ngày một ngày hai, sống dở chết dở, sống gửi chết nhờ, sưu cao thuế nặng, trao xương gửi thịt, thấp cổ bé họng, thân tàn ma dại,…

     Thành ngữ mang dấu ấn của lối tư duy trong cách nghĩ của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Có thể nói, đây là đặc trưng hết sức thú vị trong thành ngữ tiếng Việt. Trong lối tư duy dân tộc, có những đặc điểm đã in đậm nét, trở thành quan niệm thường dễ nhận thấy nhất, chẳng hạn quan niệm về vai trò của những người bố, người mẹ, những người có trách nhiệm trong gia đình thường gắn với sự hi sinh, gánh vác, lo toan như các thành ngữ: đầu tắt mặt tối, buôn thúng bán bưng, buôn đầu chợ bán cuối chợ, chân lấm tay bùn, dầm mưa dãi nắng, đầu tắt mặt tối, thắt lưng buộc bụng, tay xách nách mang,…

     Hệ thống thành ngữ mang đậm dấu ấn của cư dân nền nông nghiệp lúa nước như: cày sâu cuốc bẫm, cày thuê cuốc mướn, chân lấm tay bùn, dầm mưa dãi gió, dãi dầu mưa nắng, đầu trâu mặt ngựa, đồng chua nước mặn, hai sương một nắng, lặn ngòi ngoi nước, lạ nước lạ cái, mưa to gió lớn, mưa dầu nắng lửa, no dồn đói góp, nghèo rớt mồng tơi, ruộng sâu trâu nái, sơn cùng thuỷ tận, thẳng cánh cò bay, còn nước còn tát,…

     Tuy nhiên, những dấu ấn tư duy không phải bao giờ cũng thành hệ thống. Trong các thành ngữ, lối tư duy còn thể hiện ở những trường hợp riêng lẻ cũng không phải là ít. Chẳng hạn như khi sử dụng thành ngữ Mẹ tròn con vuông nhà văn muốn cầu chúc, mong muốn cho sản phụ là một nữ tù nhân có được một ca sinh nở dễ dàng, thuận lợi: “Nàng chỉ còn có thể trông cậy vào quyền pháp của Đấng cao siêu phù hộ cho nàng cho qua khỏi nỗi gieo neo, cho nàng tới kì sinh nở ở nơi tù ngục được mẹ tròn con vuông [2; 88]. Khi lí giải về thành ngữ này, theo cách nghĩ dân gian, các cụ quan niệm trời tròn, đất vuông. Nhưng, cách biểu trưng này có liên quan gì đến người sản phụ? Đáp án “vuông tròn” là nói tới lẽ thuận với trời đất, cầu mong thuận ý trời đất để mẹ tròn con vuông, để đứa trẻ sinh ra khoẻ mạnh. Thành ngữ Chôn rau cắt rốn được sử dụng trong truyện ngắn của Nguyên Hồng nhằm nhấn mạnh về nơi sinh ra và gắn bó máu thịt với bố con Láng: “Con sống có, con chết có ở cái nơi chôn rau cắt rốn mình và có mồ mả tổ tiên mình này, cho con Tị đã cất được một cái nhà tre” [2; 489]. Giải thích thành ngữ này, dân gian đã có sự liên tưởng đến rau là một bộ phận đặc biệt để nuôi dưỡng bào thai trong bụng mẹ. Còn rốn là một ống dài, có tác dụng dẫn chất dinh dưỡng. Khi em bé lọt lòng, rau hết chức năng và lọt ra ngoài, còn rốn vẫn còn nguyên ở bụng, người đỡ phải cắt rốn cho đứa bé. Người nhà của sản phụ và đứa bé lấy rau chôn vào trong lòng đất. Vậy là chôn rau và cắt rốn là hai việc đầu tiên phải làm gắn liền với sự ra đời của một con người. Thành ngữ Chôn rau cắt rốn cũng hình thành từ thực tế đó. Thành ngữ Lời ong tiếng ve trong ví dụ “Thấy bà còn trẻ đẹp, lại tươi tắn và dễ thân mật, họ hàng nhà chồng nghi ngay bà có ngoại tình. Trước những lời ong tiếng ve, bà chỉ cười” [2; 320] cho thấy cách ứng xử của người đàn bà trước sự bàn tán chê bai của mọi người. Thành ngữ này được dân gian lí giải như sau: Ong và ve là con ong và con ve. Đặc điểm của con ong và con ve là hay châm chích khi chúng di chuyển. Hai giống côn trùng này liên tục phát ra những tiếng kêu vo ve rất khó chịu nên người ta đã nhân cách hoá để nói về chuyện đàm tiếu của con người.

     Thông qua việc sử dụng hàng loạt các thành ngữ theo hệ thống liên tưởng hay chỉ là những trường hợp riêng lẻ, Nguyên Hồng cũng đã góp phần đưa văn hoá của người Việt Nam vào trong tác phẩm của mình. Mỗi thành ngữ đều có những cách lí giải rất riêng, cách liên tưởng bóng bẩy nhằm thể hiện đặc điểm của tư duy và văn hoá của người dân Việt Nam.

     Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy thành ngữ được sử dụng trong truyện ngắn của Nguyên Hồng dù ở kiểu loại nào thì nghĩa của chúng vẫn là cái tiềm ẩn bên trong lớp vỏ bên ngoài. Nghĩa của thành ngữ thuộc tầng thứ hai, sau khi bóc tầng nghĩa thứ nhất. Đó là tầng nghĩa không được biểu hiện hiển ngôn. Những cái hiển ngôn chỉ là cơ sở có tính chất gợi mở để từ đó nghĩa của thành ngữ được tạo lập với những liên tưởng, những cách lập ý, lập tứ mang bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng người.

     3.3. Những kết cấu gần giống thành ngữ

     Truyện ngắn của Nguyên Hồng có sử dụng những kết cấu rất đặc biệt. Hình thức của những kết cấu này gần giống với kết cấu của thành ngữ. Cách sử dụng độc đáo này cũng đem đến những thành công nhất định cho truyện ngắn của Nguyên Hồng, đồng thời, cũng góp phần làm nổi bật hình ảnh về những người dân lao động nghèo khổ. Thông qua các kết cấu độc đáo này, chúng ta có thể nhìn thấy được một phần dấu ấn của đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc được phản ánh qua ngôn ngữ.

     Có 102 kết cấu tương tự thành ngữ. Trong đó, có 61 kết cấu có yếu tố lặp lại (chiếm 59,8%) và 41 kết cấu không có yếu tố lặp lại (chiếm 40,2%). Chúng ta có thể hình dung trong biểu đồ sau:

     Biểu đồ thể hiện sự lặp lại và không lặp lại của các kết cấu gần giống thành ngữ

     Các kết cấu có yếu tố lặp lại như: nên vợ nên chồng, hủi cùn hủi cụt, khóc nức khóc nở, vật đi vật lại, vừa đi vừa về, vừa thịt vừa mỡ, đứng đường đứng chợ, chúi mắt chúi mũi, cắm đầu cắm cổ, bán thân bán xác, rụt đầu rụt cổ, ở nhờ ở vả, nghe chúng nghe bạn, cướp công cướp của, Sài Gòn Sài chéo, xin dấm xin dúi, ăn mày ăn nhặt, từng li từng tí, hàng xay hàng xáo, hút máu hút mủ, chết vạ chết vật, dỡ của dỡ nhà, ăn đầu ăn đuôi, chết khốn chết nạn, phơi sương phơi nắng, học khổ học sở,… Yếu tố phụ vốn là lặp lại của một yếu tố có vị trí ở đầu và ở giữa kết cấu. Hai yếu tố chính vốn là một yếu tố được tách ra. Chẳng hạn: vợ chồng (nên vợ nên chồng); thân xác (bán thân bán xác); nhờ vả (ở nhờ ở vả); dấm dúi (xin dấm xin dúi); vạ vật (chết vạ chết vật),…

     Kết cấu không có yếu tố lặp lại như: lê la lạy lục, giời rét chết cò, mọc mũi sủi tăm, mòn mỏi héo hắt, no đời mãn kiếp, nóng tai đỏ mặt vàng nanh đỏ mỏ, voi giầy quạ mổ, cất đầu mở mặt, ăn chắt để dành, bê tha rạc rài, ăn tây ở riêng, sông mê biển khổ, phanh thây xé xác, quanh năm suốt tháng, sinh sôi nảy nở, ngày tư phiên chính, thuỷ chung hiếu nghĩa, rát cổ bỏng họng, tiền chục bạc trăm, trêu gan chọc tiết, róc xương lột xác,… Có thể thấy các yếu tố kết hợp trong những kết cấu dạng này thường có ý nghĩa gần nhau. Chẳng hạn: năm và tháng (quanh năm suốt tháng); thây và xác (phanh thây xé xác); đời và kiếp (no đời mãn kiếp; gan và tiết (trêu gan chọc tiết); ma và quái (yêu ma tác quái); chục và trăm (tiền chục bạc trăm); giầy và mổ (voi giầy quạ mổ),…

     Để các kết cấu trên được sử dụng một cách sinh động và hài hoà trong truyện ngắn, có thể nói Nguyên Hồng đã bắt gặp các cách sử dụng này trong đời sống của mình hay chính nhà văn đã tạo ra chúng. Nhưng cần nhận thấy rằng chúng chắc chắn được hình thành nhờ vào sự quan sát các sự vật hiện tượng trong tự nhiên, xã hội với một quá trình lâu dài được định hình trong tư duy làm nảy sinh những cách kết hợp thân thuộc và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người dân lao động. Vì vậy, khi sử dụng các kết hợp này, Nguyên Hồng đã đồng thời mang theo cả yếu tố văn hoá dân tộc vào trong câu chữ của mình.

     Trong truyện ngắn của Nguyên Hồng, những thành ngữ có cấu tạo như trên thường có tính chất nhấn mạnh đến hoàn cảnh sống của con người và có lẽ đều lấy ý tưởng từ các yếu tố chân thực nhất trong đời sống hàng ngày. Có thể nói Nguyên Hồng là người am hiểu và sử dụng khá thành thạo các yếu tố dân gian vào truyện ngắn. Từ nhỏ, ông đã được tiếp xúc và sống gần những người dân lao động, được nghe tiếng hát ru, câu vè, câu đố, điệu hò, tiếng hát trong các trò chơi dân gian, những câu ca than thân,… tất cả đã được Nguyên Hồng khắc ghi và vận dụng trong tác phẩm của mình. Hơn nữa, ông đã biết sáng tạo với những yếu tố quen thuộc trong đời sống hàng ngày tạo thành những kết cấu 4 âm tiết rất vần và xuôi tai.

     Những kết cấu này ngoài giúp cho câu văn của Nguyên Hồng sinh động và giàu giá trị biểu cảm, nó còn giúp ý tưởng của ông được truyền tải đến người đọc chân thực và trọn vẹn hơn. Dùng ý tưởng dân gian trong đời sống xã hội để phản ánh hiện thực xã hội là một sáng tạo độc đáo và thông minh của Nguyên Hồng. Nó giúp khẳng định phong cách Nguyên Hồng, khẳng định sự thuỷ chung trọn đời của ông với cuộc sống nghèo khổ của người dân lao động, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, cách vận dụng các kết cấu gần giống thành ngữ còn thể hiện sự ứng biến linh hoạt của tác giả với vốn từ tiếng Việt và sự hiểu biết sâu rộng của Nguyên Hồng với nền văn hoá của dân tộc.

4. Kết luận

     Việc sử dụng một cách linh hoạt và hiệu quả thành ngữ tiếng Việt đã góp phần vào thành công trong truyện ngắn của Nguyên Hồng, đồng thời đưa truyện ngắn của ông đến gần gũi hơn với người đọc. Vì vậy, thành ngữ chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp ông thể hiện nội dung sâu sắc và chân thực nhất trên từng trang viết.

     Thành ngữ giúp câu văn của Nguyên Hồng hài hoà hơn, vì vậy, nhiều lúc có cảm giác như ông đang làm thơ vậy. Mỗi thành ngữ đều ẩn chứa những ý nghĩa riêng có vai trò quan trọng trong việc phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống của người dân nghèo khổ. Vì vậy, thành ngữ tiếng Việt không những là một đơn vị ngôn ngữ đặc trưng mà còn là một thực thể văn hoá – dân tộc. Từ đó, thành ngữ đã giúp Nguyên Hồng phản ánh chính xác hơn cả cuộc sống của những người lao động nghèo khổ mà không bút pháp nào miêu tả và truyền tải chân thực hơn.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Việt Chương, Từ điển thành ngữ – tục ngữ – ca dao Việt Nam, NXB Đồng Nai, 1995.

2. Phan Cự Đệ, Nguyên Hồng toàn tập, NXB Văn học, 2008.

3. Nguyễn Công Đức, Bình diện cấu trúc hình thái – ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Việt, LA Phó tiến sĩ Ngôn ngữ học, 1995.

4. Nguyễn Thiện Giáp, Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB Giáo dục, 1995.

5. Hoàng Văn Hành (chủ biên) , Kể chuyện thành ngữ tục ngữ, NXB Khoa học Xã hội, 2002.

6. Hoàng Văn Hành, Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, 2004.

7. Nguyễn Xuân Hoà, Đối chiếu ngôn ngữ nhìn từ góc độ ngôn ngữ văn hoá, Hội thảo Quốc tế Ngôn ngữ học Liên Á lần thứ 4, NXB Khoa học Xã hội, 2005.

8. Nguyễn Thế Lịch, Các yếu tố và cấu trúc so sánh nghệ thuật, Ngôn ngữ, số 1, 1988 số phụ.

9. Phạm Văn Tình, Lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kì 1853-1945, Ngôn ngữ và đời sống, số 6, 2003.

10. Phạm Văn Tình, Tiếng Việt từ chữ đến nghĩa, NXB Từ điển Bách khoa, 2005.

11. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1995.

12. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa, 2010.

Ảnh đại diện do Ban Tu thư thiết lập.
Nguồn ảnh: infographics.vn