Thành phố Việt Trì hướng tới đô thị thông minh
VIET TRI CITY AIMS FOR SMART URBAN
Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG1
(Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ)
TÓM TẮT
Bài báo khái quát về thành phố thông minh trong thời đại công nghệ thông tin, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh trên thế giới và ở Việt Nam, và nêu lên nhu cầu xây dựng Việt Trì theo hướng thành phố thông minh. Đồng thời lựa chọn các lĩnh vực và bước đi để xây dựng Việt Trì trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045.
Từ khóa: Đô thị thông minh, chính quyền điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, đào tạo kỹ năng.
ABSTRACT
The article gives an overview of smart cities in the era of information technology, the experience of building a smart city from many cities around the world and Vietnam, and the need to build Viet Tri towards the smart city. At the same time, the paper selects fields and steps to build Viet Tri to become a smart city in the period of 2020-2030 with a vision to 2045.
Keywords: Smart cities, e-government, biotechnology, information technology, skills training
x
x x
1. Đặt vấn đề
Đô thị là nơi tích lũy các giá trị đổi mới sáng tạo, nơi tích tụ cơ sở vật chất, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa… nên đô thị luôn luôn giữ vai trò trung tâm hạt nhân để phát triển của đất nước, của các vùng miền và của các địa phương. Trong những năm tới đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu. Theo Báo Khoa học và Phát triển [1], đến năm 2050 trên thế giới có khoảng 70% dân số sống trong các đô thị. Đô thị hóa là tất yếu và diễn ra ngày càng nhanh. Vì thế nghiên cứu phát triển thành phố thông minh cũng trở nên cần thiết. Phát triển đô thị Việt Trì theo hướng thành phố thông minh cũng là vấn đề quan trọng đối với tỉnh Phú Thọ. Trước bối cảnh đó, tác giả công bố bài viết mong muốn góp phần làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng để có thêm thông tin tham khảo cho những ai có trách nhiệm và quan tâm đến vấn đề này.
2. Khái quát về thành phố thông minh và kinh nghiệm thực tiễn
Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đang làm thay đổi mọi mặt trong đời sống xã hội trên toàn thế giới. Từ mô hình quản lý quốc gia của Chính phủ điện tử đến xây dựng thành phố thông minh đang có tính thời sự.
Thành phố thông minh là khái niệm chưa có được sự thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản là sự hội tụ 3 yếu tố: Hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường thân thiện, với 6 tiêu chí: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý điều hành thông minh và cuộc sống thông minh.
Sáu tiêu chí là sự tổng hợp các yếu tố, nhưng trên thế giới mỗi thành phố lại xác định một hướng trọng tâm. Ở châu Âu hướng tới đô thị có môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng ứng dụng trong giao thông thông minh. Ở châu Á – Thái Bình Dương lại hướng nhiều hơn về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của chính quyền điện tử, y tế, giao thông, giáo dục, quản lý đô thị… Nhìn chung, thành phố thông minh thường phát triển trong các lĩnh vực như năng lượng và nước, văn hóa và du lịch, môi trường xây dựng, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội. Giáo dục và phát triển các kỹ năng thành phố an toàn, chính quyền điện tử. Các lĩnh vực của một thành phố thông minh được kết nối bởi các yếu tố công nghệ, yếu tố cơ chế, chính sách, yếu tố con người, nguồn lực.
Nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới lựa chọn các lĩnh vực đang là hình mẫu của thành phố thông minh. Atlanta, Mỹ là một trong những thành phố đẹp nhất nước Mỹ với vùng đất xanh, bao phủ cây xanh, rừng trong thành phố, những cánh đồng hoa với môi trường có hệ sinh thái bền vững. Cape Town, Nam Phi là một trong 100 thành phố đẹp nhất thế giới, là thành phố du lịch nổi tiếng với vẻ hoang dã, hiện đại và vẻ đẹp độc đáo của miền đất trù phú nhất châu Phi. Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang là thành phố nổi tiếng và thịnh vượng nhất Trung Quốc với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp thu hút ngành du lịch nông nghiệp phát triển trong điều kiện đồi núi.
Ở nước ta, thành phố thông minh được khởi xướng bắt đầu từ Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tiếp đến Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, tiếp đến là các Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng thành phố thông minh.
Thành phố thông minh ở nước ta chủ yếu lấy chính quyền điện tử làm trọng tâm nhằm đưa lại lợi ích cho 3 chủ thể là người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Từ đó, các thành phố đã lựa chọn các lĩnh vực và tiêu chí xây dựng thành phố thông minh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đà Nẵng áp dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ nhân dân, cung cấp giao thông công cộng để giảm thiểu ách tắc cùng với việc hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử. Hà Nội xây dựng thành phố thông minh và chính quyền điện tử, hiệu quả trong điều hành phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông và phát triển kinh tế trí thức. Thành phố Hồ Chí Minh lại đi vào xây dựng thành phố thông minh bằng thử nghiệm sử dụng các công cụ trong từng lĩnh vực cụ thể như giao thông, hay số hóa những sinh hoạt hàng ngày. Một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang… đã có những hoạt động để xây dựng thành phố thông minh.
3. Nhu cầu xây dựng Việt Trì là thành phố thông minh
Việt Trì là thành phố trực thuộc tỉnh Phú Thọ được thành lập ngày 04/6/1962. Thành phố Việt Trì là trung tâm của các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, là một trong 21 đô thị loại 1 của Việt Nam [2]. Việt Trì là trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Thọ, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và là đô thị động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ và vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ. Việt Trì có diện tích 111,75 km2 và dân số 214.777 người [3, 4].
Việt Trì – Bạch Hạc là một Kinh đô của Nhà nước Văn Lang, là cửa ngõ án ngữ các tuyến đường giao thông thủy, bộ ở phía Bắc Việt Nam nơi giao lưu của ba con sông: sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Sau hòa bình năm 1954, Việt Trì đã bắt đầu xây dựng nhiều nhà máy công nghiệp sản xuất sản phẩm xây dựng, dệt, giấy bìa, hóa chất… Đến nay, đã có các nhà máy chế biến, công nghiệp phụ trợ, áp dụng công nghệ cao, công nghiệp xanh với nhiều khu công nghiệp: Thụy Vân, Bạch Hạc và nhiều làng nghề.
Việt Trì đang xây dựng thành phố Lễ hội, tỷ lệ đô thị hóa trên 65%. Thành phố Việt Trì có 23 đơn vị hành chính gồm 13 phường: Bạch Hạc, Bến Gót, Thanh Miếu, Thọ Sơn, Gia Cẩm, Tiên Cát, Tân Dân, Nông Trang, Vân Cơ, Dữu Lâu, Minh Phương, Minh Nông, Vân Phú và 10 xã: Sông Lô, Trưng Vương, Phượng Lâu, Thụy Vân, Thanh Đình, Chu Hóa, Hy Cương, Kim Đức, Hùng Lô và Tâm Đức [5]. Hệ thống giao thông thành phố Việt Trì đang phát triển thành mạng lưới kết nối vùng với không gian hạ tầng nội đô.
Thành phố đang nâng cấp các đường vành đai, các tuyến phố chính, đường vào các khu dân cư, xây dựng hạ tầng đô thị với 12 phân khu, trọng tâm là xây dựng trục phát triển với trục chính Lễ hội, kết nối không gian đô thị từ cửa ngõ phía Nam thành phố đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hai trục còn lại hướng song song gắn với khai thác tổ chức không gian tuyến đường sắt và nút cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua địa bàn tỉnh. Tiến hành mở rộng đô thị ở vùng ven sông Lô để khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên.
4. Lựa chọn xây dựng thành phố thông minh đối với Việt Trì
Theo quyết định của Thủ tướng định hướng quy hoạch Việt Trì là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm hành chính tổng hợp của tỉnh Phú Thọ, là một trong những trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và là một cực quan trọng trong mô hình phát triển đa cực của vùng Thủ đô Hà Nội. Là thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn với du lịch sinh thái đặc trưng của vùng Tây Bắc. Là đầu mối giao lưu, đô thị cửa ngõ quan trọng về phía Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội; đầu mối giao thông quan trọng nội vùng. Là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng cũng như của cả nước [5]. Tuy chưa nói đến vấn đề phát triển thành phố thông minh nhưng đây là những tư tưởng có tầm chiến lược chỉ đạo xuyên suốt việc phát triển thành phố Việt Trì.
Tác giả cho rằng, Việt Trì là nơi địa linh, Kinh đô của nước Văn Lang do Vua Hùng lựa chọn thời kỳ đầu dựng nước. Đây là vùng đất đẹp, có núi, có sông, ít có một thành phố có vị trí đẹp lại là cội nguồn lịch sử như Việt Trì. Xây dựng thành phố Việt Trì thông minh trong thời đại công nghệ thông tin không thể thiếu vùng đất linh, rừng trong thành phố, sát bờ sông và là thành phố phát triển của ngành công nghiệp điện tử, du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm giáo dục, y tế hiện đại với chính quyền điện tử.
Vấn đề quan trọng để xây dựng thành phố thông minh Việt Trì cần phải có quy hoạch bài bản, mặc dù Việt Trì đã có đề án quy hoạch chung đến năm 2030, nhưng phải điều chỉnh và có tầm nhìn đến năm 2045 hoặc xa hơn. Cần phải có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch [6]. Đà Nẵng đã thành công quy hoạch sử dụng đất đai làm động lực và nguồn vốn xây dựng nhanh thành phố. Nhiều tỉnh, thành khi chia tách đã phát triển nhanh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Do vị trí đặc biệt, việc quy hoạch Việt Trì cần phải có sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương nhất là đội ngũ cán bộ quy hoạch, kiến trúc sư kể cả chuyên gia nước ngoài để có một phương án tối ưu của một thành phố Cố đô.
Điểm lớn nhất trong quy hoạch đô thị là đất đai và chính sách đất đai, cư trú của người dân, hệ thống hạ tầng và không gian đô thị. Việt Trì là thành phố mới hình thành nên cần sớm quy hoạch đất đai tối ưu và có chính sách đất đai hợp lý. Là thành phố Lễ hội, thành phố xanh, Việt Trì cần quy hoạch quảng trường, vườn hoa, cây xanh gắn với khu vực Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ ở Núi Văn và Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa thành một quần thể. Quảng trường, vườn hoa gắn với Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ là di sản Cố đô, cần huy động nguồn đầu tư của các tỉnh, thành trong cả nước để tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc của cả quốc gia.
Cây xanh phải quy hoạch thành rừng, là những cây quý thích hợp với vùng đất Việt Trì. Vườn hoa cũng phải lựa chọn các loại hoa quý từ Đà Lạt, Hà Nội, Hà Lan… phù hợp với khí hậu Việt Trì với quy mô lớn để có thể kinh doanh, xuất khẩu. Việt Trì có lợi thế tự nhiên là vùng đất trung du, đất rừng không bị lũ lụt nên rất thuận lợi phát triển nông nghiệp xanh. Nông nghiệp cần áp dụng công nghệ sinh học theo mô hình Israel để phát triển giống cây trồng, vật nuôi không chỉ cho tỉnh mà cả vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Phát triển nông nghiệp cần gắn với công nghiệp chế biến, kho bãi, logistic.
Cần mời các nhà khoa học từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước vào cuộc. Trước mắt, cần có chính sách tập trung ruộng đất quy mô lớn, cơ giới hóa nông nghiệp, thủy lợi tưới tiêu tự động bằng ống dẫn. Sử dụng bản đồ số giá đất để quản lý đất đai, chuyển lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp tạo sinh kế vững chắc cho người dân từng bước đô thị hóa nông thôn. Từng bước chuyển 10 xã lên phường, chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho nông dân, thực hiện ly nông bất ly hương. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, cho phép nông dân lấy đất góp cổ phần để doanh nghiệp xây dựng vườn cây và công nghiệp chế biến với các nhà máy hiện đại. Thành phố thông minh xanh là thành phố hiện đại, môi trường sạch, trong lành để thu hút du khách trong và ngoài nước đến chiêm nghiệm, nghỉ ngơi, giao lưu văn hóa, nghệ thuật của dân ca hát Xoan cội nguồn văn hóa lễ hội trên đất Hùng Vương.
Việt Trì cần thu hút nhân tài, các đại gia trong và ngoài nước về nghiên cứu đầu tư phát triển thành phố Việt Trì là thành phố thông minh. Một số đặc sản của Phú Thọ cần nghiên cứu để phát triển ở thành phố Việt Trì như chè, dược liệu, bưởi Đoan Hùng, cá Lăng và nhiều sản phẩm đặc trưng khác để xuất khẩu hàng hóa.
Để phát triển các vùng chuyên canh, tỉnh Phú Thọ mà hạt nhân là Việt Trì cần đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh kết nối trong thành phố và các vùng lân cận, đặc biệt là Hà Nội, dọc theo đường Hồ Chí Minh lên Tây Bắc, sang Trung Quốc, vào Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh gắn với hệ thống logistic mà cầu Việt Trì phải là một công trình kiến trúc đẹp, hấp dẫn.
Hệ thống giao thông nội đô phải là hệ thống giao thông thông minh, có hệ thống camera giám sát. Kết nối hệ thống di sản, khách sạn, khu dân cư với các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại. Cần nghiên cứu cách tổ chức giao thông theo ô bàn cờ ở trung tâm thành phố như Paris của Pháp và phải ngầm hóa hệ thống điện, nước, cống rãnh, nước thải. Quy hoạch khu dân cư sống bên bờ sông Lô với mẫu nhà kiến trúc của Pháp ở Paris thì thành phố Việt Trì sẽ trở nên thơ mộng khó có thành phố nào sánh bằng. Cần có ý tưởng xây dựng dân cư Việt Trì các phường, xã không sống theo nhà riêng mà là nhà tầng, biệt thự như các thành phố hiện đại.
Việt Trì cần phát triển du lịch văn hóa lịch sử đa dạng với hệ thống khách sạn thiết kế hiện đại gắn với cây xanh để thu hút du khách. Du lịch Việt Trì cần có nét riêng của lễ hội gắn với du lịch văn hóa và văn hóa dân gian. Việt Trì cần xây dựng một bảo tàng gắn với lịch sử Việt Nam từ thời Vua Hùng dựng nước, thời kỳ đồ đá cũ đến văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, Hạ Long, Đông Sơn… đến thời kỳ giữ nước. Du lịch cũng sẽ là nguồn thu lớn của Việt Trì nếu biết cách gắn kết với các địa phương vùng Trung du Bắc Bộ và đồng bằng để có nhiều sản phẩm đặc sắc về trang phục, món ăn độc đáo dân gian từ cá Anh vũ, cá Lăng, bánh dày, bánh chưng… với chợ đêm sẽ là nguồn thu lớn của du lịch và lễ hội.
Hướng dẫn viên du lịch được đào tạo có chuyên môn, ngoại ngữ giỏi và am hiểu lịch sử của vùng đất Hùng Vương. Văn hóa và du lịch là nhu cầu giải trí tinh thần, tín ngưỡng của công dân thông minh mà thành phố thông minh không thể thiếu. Cần đào tạo kỹ năng để xuất khẩu lao động có ngoại ngữ, tay nghề kể cả lĩnh vực du lịch. Xuất khẩu lao động có trình độ cũng là nguồn thu lớn của Việt Trì.
Giáo dục và chăm sóc sức khỏe là yêu cầu không thể thiếu của thành phố thông minh. Giáo dục và đào tạo phải chuyển sang đào tạo kỹ năng: Kỹ năng tin học, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng nghề và đào tạo công dân toàn cầu. Việt Trì nếu muốn đi đầu về giáo dục và đào tạo cần có cơ chế tuyển chọn đội ngũ giáo viên giỏi từ mầm non, phổ thông, đại học giỏi gửi đi đào tạo ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ. Nguồn tài chính một phần từ ngân sách, một phần do doanh nghiệp tài trợ, một phần do cá nhân đóng góp. Chỉ cần thực hiện một thời gian, thành phố Việt Trì sẽ có một đội ngũ giáo viên giỏi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, cho tỉnh và cả vùng. Phải chuyển giáo dục, đào tạo sang kỹ năng để đào tạo nhân lực là mục tiêu hướng tới của Việt Trì. Trường Đại học Hùng Vương phải phát triển thành một trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hiện đại với thương hiệu Hùng Vương liên thông với một trường đại học danh tiếng quốc tế. Trường phổ thông chuyên Hùng Vương nếu trở thành một cơ sở của trường Amsterdam của Hà Nội hay một trường quốc tế thì giáo dục của Thành phố Việt Trì sẽ nổi danh của thành phố thông minh. Nếu Việt Trì thu hút được cơ sở giáo dục nước ngoài đặt cơ sở 2 ở Việt Trì thì đây là cái nôi đào tạo nhân lực cao, công dân toàn cầu, bước đột phá của địa phương trong thời đại công nghệ thông tin.
Đội ngũ y, bác sỹ cũng cần được ưu tiên đào tạo, cùng với sự đầu tư trang thiết bị hiện đại thì đây là nơi thu hút có thương hiệu của cả vùng. Việt Trì cần phải có một hoặc hai bệnh viện hiện đại, khám chữa bệnh từ xa, có đội ngũ bác sỹ giỏi trong nhiều lĩnh vực. Hệ thống nước sạch, xử lý chất thải để môi trường xanh, sạch đẹp là không thể thiếu trong trường học, bệnh viện và toàn xã hội.
Công nghiệp, nhất là công nghệ thông tin cần được đầu tư phát triển. Thành phố thông minh ra đời là do sự bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, thành phố Việt Trì cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước để tạo dựng cho công nghệ thông tin phát triển, có cơ sở sản xuất đồ dùng học tập, giảng dạy của học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận với công nghệ thông tin của nền kinh tế số và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.
Xây dựng thành phố thông minh có quá nhiều lĩnh vực và nội dung phải làm. Nhưng xây dựng chính quyền điện tử vẫn là nội dung bao trùm, quan trọng, được ưu tiên phát triển đầu tiên. Chính phủ điện tử, đảm bảo quản lý và điều hành mọi hoạt động của xã hội, đặc biệt trong hệ thống Chính phủ điện tử gắn với việc chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội về giáo dục, y tế, an toàn công cộng luôn được đặt ra.
Từng bước phát triển quản trị thông minh. Trên phạm vi cả nước chủ trương xây dựng chính quyền điện tử, thực thi dịch vụ công trực tuyến là việc rất cần thiết nhưng chắc còn phải làm nhiều việc hơn nữa. Trước hết cần tổ chức nghiên cứu chuyển đổi số và khai thác dữ liệu lớn ngay từ khi soạn thảo các chính sách, các quy hoạch, các kế hoạch và chương trình hành động đối với quản lý và điều hành các hoạt động phát triển trên địa bàn thành phố. Việc quản lý nhân lực và hợp tác liên tỉnh, liên các thành phố trong nước và thậm chí cả đối với hợp tác quốc tế cũng phải được hiện đại hóa dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa theo chuẩn mực quốc tế.
Để có chính quyền điện tử, có khả năng quản lý phải có đội ngũ cán bộ có năng lực, kỹ năng điều hành trong cả hệ thống từ thành phố đến phường, xã. Bởi vậy, trước mắt thành phố Việt Trì cần có cơ chế, chính sách thu hút người trẻ có đức, có tài bổ sung dần vào bộ máy chính quyền đảm bảo tinh gọn. Nhưng năng lực, kỹ năng điều hành phải gắn với hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin. Do đó, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, truyền thông cho thành phố thông minh cần được ưu tiên, từ trung tâm dữ liệu, hạ tầng truyền dẫn đến các thiết bị đo đạc, từ mạng cáp quang, hệ thống camera giám sát giao thông, giám sát an ninh công cộng, hệ thống cảm biến…
Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin – truyền thông cần được đầu tư xây dựng đi trước một bước và cần lựa chọn các bước đi cụ thể.
Giai đoạn 2020-2025, thành phố Việt Trì cần chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh Phú Thọ về phát triển đô thị thông minh theo bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0) [7] và theo Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 [8]. Tổ chức tham quan kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh trong và ngoài nước để xây dựng mô hình thành phố thông minh của Việt Trì đến năm 2025. Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tập trung phát triển kinh tế, đào tạo nhân lực, để có vốn xây dựng cơ sở hạ tầng bằng khâu đột phá đổi mới hệ thống quản lý theo mô hình chính quyền điện tử và đặc biệt là có cơ chế tạo động lực để doanh nghiệp, người dân hăng hái phát minh sáng kiến đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, kêu gọi đầu tư của các đại gia trong và ngoài nước đến với Việt Trì, xây dựng Việt Trì Kinh đô của Nhà nước Văn Lang là thành phố văn minh.
5. Kết luận
Việt Trì là thủ phủ của tỉnh Phú Thọ, muốn tỉnh này phú cường nhất thiết phải phát triển Việt Trì thành Trung tâm kinh tế – văn hóa – khoa học công nghệ – đổi mới sáng tạo theo hướng trở thành thành phố thông minh. Để Việt Trì trở thành thành phố thông minh nên bắt đầu từ việc xây dựng quy hoạch thành phố vườn, trung tâm du lịch – vui chơi – giải trí của phía Bắc mà trước hết là của Tây Bắc gắn với vùng Hà Nội. Tiếp theo phải có kế hoạch phát triển cả trước mắt và lâu dài theo hướng hiện đại. Tại Việt Trì có đại diện Vietel cùng sự hiện diện của một số tập đoàn kinh tế lớn của nước ta nên việc huy động họ tham gia xây dựng thành phố thông minh là cần thiết và có ý nghĩa to lớn. Phú Thọ đang còn là tỉnh chưa giàu (GRDP/người mới bằng khoảng 80% mức trung bình của cả nước), khả năng tích lũy đầu tư từ nội bộ nền kinh tế vẫn có hạn trong nhiều năm tới nên không thể làm ồ ạt, cần chọn những việc trọng tâm để triển khai cho các bước đi thích hợp
__________
1 Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Tài liệu tham khảo
[1] Báo Khoa học và Phát triển (2017). Songdo – Thành phố ôm lấy tương lai. Truy cập từ
<https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/songdothanh-pho-om-lay-tuonglai/2017010610435278p1c879.htm>.
[2] Tổng cục Thống kê (2018). Niên giám Thống kê Việt Nam.
[3] Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ (2018). Niên giám Thống kê tỉnh Phú Thọ.
[4] UBND TP. Việt Trì (2011). Báo cáo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội TP. Việt Trì giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2025.
[5] Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 279/QĐ-TTg, ngày 19/02/2020 về Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.
[6] Nguyễn Đình Hương (2016). Chiến lược đô thị hóa theo hướng phát triển bền vững. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[7] Bộ Thông tin và Truyền thông (2019). Công văn số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 về việc công bố chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0).
[8] Thủ tướng Chính phủ (2018). Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ
Trường Đại học Hùng Vương, Tập 20, Số 3 (2020): 3-9
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Thành phố Việt Trì hướng tới đô thị thông minh (Tác giả: Nguyễn Đình Hương) |