Thế giới thực vật trong hệ thống thành ngữ tiếng Việt

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  ĐỖ THỊ THU HƯƠNG

1. Đặt vấn đề

     Là một nước nhiệt đới, khí hậu gió mùa, đất nước Việt Nam có hệ thực vật phong phú, đa dạng. Cây cối quanh năm tươi tốt, hoa trái đủ bốn mùa. Đặc điểm này khiến cho các loài thực vật trở nên gần gũi, gắn bó thiết thân với con người Việt Nam và được sử dụng làm chất liệu biểu trưng trong thành ngữ. Đây cũng là một phương diện thể hiện rõ nét dấu ấn văn hóa nông nghiệp trong thành ngữ tiếng Việt.
     Trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi khảo sát hình ảnh thực vật được sử dụng làm chất liệu biểu trưng trong thành ngữ tiếng Việt. Qua khảo sát và phân tích thành ngữ tiếng Việt có hình ảnh thực vật, một mặt chúng ta hình dung được hệ thực vật phong phú đa dạng của đất nước Việt Nam, mặt khác thấy được những giá trị văn hóa truyền thống được con người Việt Nam gắm thông qua hình ảnh thực vật.

     Để giải quyết vấn đề, chúng tôi vận dụng lí thuyết về thành ngữ tiếng Việt trong cuốn Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt của Đỗ Hữu Châu [1] và Thành ngữ học tiếng Việt của Hoàng Văn Hành [5]. Chúng tôi cũng sử dụng một số cuốn từ điển để khảo sát, thống kê các thành ngữ có chứa hình ảnh thực vật, bao gồm từ điển Thành ngữ tiếng Việt của Nguyễn Lực, Lương Văn Đang [7] và Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào [3]

2. Nội dung

     2.1. Kết quả khảo sát

     Chúng tôi đã tiến hành khảo sát 4354 thành ngữ tiếng Việt trong hai cuốn từ điển nói trên. Kết quả thu được là có 283 thành ngữ có chứa hình ảnh thực vật, chiếm khoảng 6,5% kho tàng thành ngữ tiếng Việt. Tổng số các loài cây mà chúng tôi thu thập được gồm 59 loài. Kết quả thống kê này cho thấy, các loài thực vật xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt khá phong phú, đa dạng, thuộc nhiều loại khác nhau. Bên cạnh đó, không chỉ tên gọi các loài thực vật được sử dụng làm chất liệu biểu trưng mà ngay cả các đặc điểm về màu sắc, hình dáng, thuộc tính của chúng cũng được phản ánh vào thành ngữ tiếng Việt.
Dựa vào vai trò, công dụng của các loài thực vật trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam, chúng tôi phân chia chúng thành 6 nhóm. Nhóm 1: Các loại cây lương thực; nhóm 2: Các loại cây ăn lá; nhóm 3: Các loại cây ăn quả; nhóm 4: các loại cây ăn củ; nhóm 5: các loại trái cây; nhóm 6 là những loài cây xuất hiện lẻ tẻ, không tạo thành hệ thống trong thành ngữ tiếng Việt. Cụ thể, xin xem bảng tổng hợp dưới đây:
Bảng 1. Bảng thống kê các loài thực vật xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt
STT Nhóm Tên gọi thực vật Số lượng thành ngữ TỈ LỆ % Ví dụ
1 Cây lương thực Lúa (thóc, gạo, nếp, tẻ, rơm, rạ, trấu, cám, cơm) 120 43.17 Mỏng như lá lúa, Bắn như vãi trấu, Lép như trấu, Nát như cám; Đỏ như râu ngô; Coi người như rơm; Hiền như củ khoai…
Khoai 6 2.16
Ngô 3 1.08
Cộng 3 129 46.41
2 Rau  ăn lá dưa 5 1.8 Không ưa thì dưa có giòi; Chê rau muống sống lại ôm dưa già; Đểnh đoảng như canh cần nấu suông; cơm sung cháo dền…
Muống 4 1.44
Cần 2 0.72
Rau má 2 0.72
Mồng tơi 1 0.36
Dền 1 0.36
Cộng 6 15 5.4
3 Rau ăn quả Sung 8 2.88 Lòng vả cũng như lòng sung; Cay như ớt; Rách như xơ mướp; Vắt chanh bỏ vỏ…
ớt 5 1.8
Mướp 4 1.44
chanh 4 1.44
Chuối 4 1.44
Khế 3 1.08
3 1.08
Bầu 1 0.36
1 0.36
Vả 1 0.36
Sấu 1 0.36
Cộng 11 35 12.59
4 Rau ăn củ Hành 4 1.44 Lanh chanh như hành không muối; Bẻ hành bẻ tỏi; Đen như củ súng; vàng như nghệ
Hẹ 2 0.72
Tỏi 2 0.72
Môn 2 0.72
Sen 2 0.72
Súng 1 0.36
Gừng 1 0.36
Nghệ 1 0.36
Riềng 1 0.36
Cộng 9 16 5.76
5 Trái cây Quýt, quýt hôi 5 1.8 Thả vỏ quýt, ăn mắm rươi; Ương như ổi; Tròn như hạt mít…
Cam, cam sành 2 0.72
mít 2 0.72
ổi 1 0.36
Mận, đào 1 0.36
Cộng 6 11 3.96
6 Các loại cây khác Liễu 9 3.24 Trâu ta ăn cỏ đồng ta; Măng mọc quá tre; Mía ngọt đánh cả cụm; Nước chảy bèo trôi; Sào sậy chống bè lim; Tím như quả bồ quân; Ngồi như bụt mọc; Rách như tổ đỉa
Tre 8 2.88
Bèo 8 2.88
Đào 6 2.16
Măng 6 2.16
Mía 5 1.8
Sậy 4 1.44
Cau 3 1.08
Bồ hòn 3 1.08
lim 3 1.08
Dâu 2 0.72
Bồ quân 2 0.72
Đa 2 0.72
Bứa 1 0.36
Tam thất 1 0.36
Bụt mọc 1 0.36
Tổ đỉa 1 0.36
Nấm 1 0.36
Bòng bong 1 0.36
Bông 1 0.36
Ngái 1 0.36
Sói 1 0.36
Hòe 1 0.36
Nhài 1 0.36
Cộng 24 72 25.92
Tổng 59 278 100
     Dựa vào bảng thống kê trên, chúng tôi rút ra một số nhận xét như sau:
Trong số các loại cây lương thực, có 4 loại cây tiêu biểu trong đời sống của con người, bao gồm lúa, ngô, khoai, sắn. Tuy nhiên, trong thành ngữ tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy chỉ có 3 loại, đó là lúa, ngô và khoai, không có thành ngữ chứa hình ảnh sắn. Đứng đầu trong nhóm này là lúa và các sản phẩm liên quan đến lúa như thóc, gạo, nếp, tẻ, cám, rơm, rạ, trấu, cơm với 120 thành ngữ, chiếm 46.41%. Cũng dễ lí giải vì sao số lượng thành ngữ tiếng Việt liên quan đến lúa lại chiếm số lượng lớn nhất trong bảng xếp loại là vì lúa là loại cây lương thực chính của người Việt Nam. Cuộc sống lao động, sinh hoạt của người Việt Nam gắn bó mật thiết với cây lúa và những sản phẩm được làm ra từ lúa như thóc, gạo, cơm… Ngô và khoai cũng là hai loại cây lương thực quan trọng đối với người Việt Nam, tuy nhiên số lượng các thành ngữ có chứa các hình ảnh này không nhiều. Ví dụ: đỏ như râu ngô, hiền như củ khoai…
Trong nhóm rau ăn lá, chúng tôi bắt gặp chủ yếu là những loại rau thường gặp trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Có 6 loại rau ăn lá, bao gồm rau dưa, rau muống, rau cần, rau má, mồng tơi, rau dền. Tổng số thành ngữ ở nhóm này là 15 thành ngữ, chiếm 5.4%. Một điểm hơi lạ là, trong bảng thống kê của chúng tôi không thấy xuất hiện các loại rau như rau cải, cải bắp, xu hào, xà lách, mặc dù chúng cũng là những loại rau ăn hàng ngày của người Việt Nam.

Trong nhóm rau ăn quả, chúng tôi thống kê được 11 loại rau ăn quả, đứng đầu là sung với 8 thành ngữ, chiếm 2.88%; ớt 5 thành ngữ, chiếm 1.8%; ngoài ra còn có mướp, chanh, chuối, bầu, bí… Đây cũng là những loại quả rất quen thuộc trong bữa ăn của gia đình người Việt.

Trong nhóm rau ăn củ, chúng tôi thống kê được 9 loại, bao gồm: hành, hẹ, tỏi, môn, súng, gừng, nghệ, riềng. Đây là những loại rau củ được dùng làm gia vị trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Tổng số thành ngữ thuộc nhóm này là 16 thành ngữ, chiếm 5.7%.
Bên cạnh các loại rau, củ, quả, trong thành ngữ tiếng Việt còn xuất hiện một số loại trái cây như cam, quýt, mít, ổi, mận, đào. Tuy nhiên, số lượng thành ngữ thuộc nhóm này không nhiều, chỉ có 11 thành ngữ, chiếm 3.96%.
Ngoài ra, trong bảng thống kê của chúng tôi còn xuất hiện một số loại cây như cỏ, tre, măng, mía, sậy, bèo, dâu, bồ hòn… Những loại cây này vốn rất gần gũi, quen thuộc với đời sống sinh hoạt, lao động của người Việt Nam, tuy nhiên, trong thành ngữ tiếng Việt, những loại cây này xuất hiện lẻ tẻ, không tạo thành nhóm giống 5 trường hợp ở trên. Tổng số các thành ngữ thuộc nhóm này là 72 thành ngữ, chiếm 25.92%.
Có một nhận xét chung là, các loài thực vật xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt chủ yếu là những loài thực vật tiêu biểu, điển hình của một đất nước nông nghiệp. Từ những loài cây quan trọng của nền văn minh lúa nước như cây lúa, hạt gạo, củ khoai cho đến những loài cây dại như cỏ, hay bụt mọc, tổ đỉa, bèo…đều được sử dụng làm chất liệu biểu trưng trong thành ngữ tiếng Việt. Người Việt Nam, bằng sự quan sát chi tiết, tỉ mỉ, đã lựa chọn những đặc điểm tiêu biểu, điển hình của mỗi loài thực vật để phản ánh vào thành ngữ tiếng Việt.

     2.2. Một số bộ phận của thực vật được phản ánh trong thành ngữ tiếng Việt

     Khảo sát thành ngữ tiếng Việt, chúng tôi cũng nhận thấy, người Việt không chỉ sử dụng tên gọi các loài thực vật làm chất liệu biểu trưng mà ngay cả các bộ phận của chúng cũng được phản ánh trong thành ngữ tiếng Việt. Bảng thống kê dưới đây cho thấy, có 13 bộ phận của thực vật được sử dụng làm chất liệu cấu tạo nên thành ngữ tiếng Việt. Đó là hoa, lá, rễ, cành, quả, chồi, hạt, ngọn, nụ, nhị… Trong số các bộ phận của thực vật, hoa là bộ phận xuất hiện nhiều nhất trong thành ngữ tiếng Việt, 24/78 thành ngữ, chiếm 30.77%. Điều này có lẽ xuất phát từ đặc trưng nổi trội của hoa: trong số các bộ phận của thực vật, hoa là bộ phận có màu sắc sặc sỡ nhất, tác động mạnh đến thị giác của con người. Tiếp đó là lá với 15/78 thành ngữ, chiếm 19.23%; rễ với 7/78 thành ngữ, chiếm 8.97. Dưới đây là bảng tổng hợp các bộ phận của cây xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt:
Bảng 2. Bộ phận của thực vật được phản ánh trong thành ngữ tiếng Việt
STT Bộ phận của thực vật Số lượng Tỉ lệ % Ví dụ
1 hoa 24 30.77 Tươi như hoa
2 15 19.23 Mỏng như lá lúa
3 Rễ 7 8.97 Tóc như rễ tre, bén rễ đâm chồi
4 Cành 6 7.69 Ngang cành bứa
5 Quả 5 6.41 Tím như quả bồ quân
6 Chồi 5 6.41 Đâm chồi nảy lộc
7 Ngọn 4 5.13 Đơm đó ngọn tre
8 Hạt 4 5.13 Tròn như hạt mít
9 Củ 3 3.85 đen như củ súng
10 Nụ 2 2.56 Nụ cà hoa mướp
11 Nhị 2 2.56 Hoa tàn nhị rữa
12 Nhánh 1 1.28 Đâm cây mọc nhánh
13 Vỏ 1 1.28 Xanh vỏ đỏ lòng
Tổng 13 78 100

     2.3. Các đặc điểm của thực vật được phản ánh trong thành ngữ tiếng Việt

     Mỗi loài thực vật có những đặc điểm, thuộc tính điển hình. Đặc điểm đó có thể là màu sắc, hình dáng, mùi vị, tính chất hay đặc điểm sinh trưởng. Bằng sự quan sát tinh tường của mình, người Việt đã khai thác những đặc điểm thuộc tính đó của thực vật và chuyển hóa vào thành ngữ tiếng Việt, từ đó tạo nên những cách nói sinh động, giàu hình ảnh. Chẳng hạn, lá của cây lúa có đặc điểm hình dáng dài, mỏng, từ đây người Việt đã lấy đó làm chất liệu để tạo nên thành ngữ mỏng như lá lúa. Hay, bồ hòn với đặc điểm vị rất đắng, đặc điểm mùi vị này được khai thác qua thành ngữ đắng như bồ hòn v.v…
Về màu sắc của thực vật, một số màu sắc đặc trưng của các loài thực vật như đỏ, xanh, vàng, trắng, tím, đen được phản ánh trong thành ngữ tiếng Việt. Nhóm này có 18 thành ngữ, chiếm 23.68%.
Về đặc điểm hình dáng của thực vật, trong bảng thống kê của chúng tôi không có nhiều từ ngữ biểu thị hình dáng của thực vật, chỉ có một số ít từ như mỏng, ngang, tròn. Loại này có 8 thành ngữ, chiếm 11.84%.
Về mùi vị của thực vật, các mùi vị của thực vật mà chúng tôi thu thập được gồm chua, cay, ngọt, đắng, chát. Nhóm này có 17 thành ngữ, chiếm 22.37%.
Về tính chất của thực vật, gồm có nát, rối, chín, ương, già… Có 13 thành ngữ thuộc nhóm này, chiếm 17.11%.
Về đặc điểm sinh trưởng của thực vật, gồm có mọc, đâm, đơm, nảy, rơi, rụng… Nhóm này có 19 thành ngữ, chiếm 25%.
Dưới đây là bảng thống kê về các đặc điểm của thực vật được phản ánh trong thành ngữ tiếng Việt:
Bảng 3. Các đặc điểm của thực vật được phản ánh trong thành ngữ tiếng Việt
STT Đặc điểm của thực vật Từ ngữ biểu thị Số lượng Tỉ lệ Ví dụ
1 Màu sắc Đỏ, xanh, vàng, trắng, tím, đen… 18 23.68 Vàng như nghệ, tím như quả bồ quân
2 Hình dáng Mỏng, ngang, tròn 9 11.84 Ngang cành bứa, mỏng như lá lúa
3 Mùi vị Chua, cay, ngọt, đắng, chát, 17 22.37 Cay như ớt, chát như sung, đắng như ngậm bồ hòn
4 Tính chất Nát, rối, chín, sống, tươi, già, ương, lép 13 17.11 Nát như cám, rối như canh hẹ, chê rau muống sống lại ôm dưa già, ương như ổi…
5 Sinh trưởng Mọc, đâm, đơm, nảy, rụng, tàn, rữa 19 25 Mọc như nấm, rugnj như sung, đâm chổi nảy lộc, đơm hoa kết trái, hoa tàn nhị rữa
Tổng 76 100

      2.4. Ý nghĩa biểu trưng của một số hình ảnh thực vật tiêu biểu trong thành ngữ tiếng Việt

     Xem xét thành ngữ có chứa hình ảnh thực vật, chúng ta không thể bỏ qua đặc điểm ý nghĩa của nhóm thành ngữ này. Bởi lẽ, thông qua hình ảnh thực vật, con người Việt Nam muốn gửi gắm cách nhìn nhận, đánh giá về sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Đây cũng là phương diện thể hiện rõ dấu ấn văn hóa nông nghiệp trong thành ngữ tiếng Việt.
Như trên đã nói, mỗi loài thực vật có những đặc điểm tiêu biểu, điển hình. Đặc điểm đó có thể là màu sắc, hình dáng, mùi vị… Bằng sự liên tưởng sắc bén, người Việt Nam đã sử dụng các đặc điểm đó làm chuẩn so sánh để tạo nên thành ngữ tiếng Việt.
Do khuôn khổ của bài báo, dưới đây chúng tôi chỉ lựa chọn một số loài thực vật tiêu biểu, có tần số xuất hiện cao trong thành ngữ tiếng Việt để phân tích ý nghĩa biểu trưng của chúng. Đây cũng là những loài thực vật khá gần gũi, quen thuộc đối với người Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Loài thực vật điển hình nhất của nền nông nghiệp Việt Nam chính là cây lúa. Từ ngàn đời nay, loài cây này đã gắn bó máu thịt với con người Việt Nam, trở thành một phần tất yếu của nền văn hóa Việt. Từ lúa, bàn tay cần cù, khéo léo của người nông dân đã chế biến thành gạo, cơm, cháo, phở, bánh… Là kết quả của những ngày lao động nặng nhọc, hạt thóc, hạt gạo đã trở thành biểu tượng cho sự giàu có, no đủ: gạo bồ thóc đống, bồ trong bịch ngoài. Chỉ những nơi có điều kiện sống tốt, cha ông ta cũng dùng hình ảnh gạo qua thành ngữ gạo trắng nước trong. Đối lập với đó là cảnh sống khó khăn, nghèo túng cũng được biểu trưng qua hình ảnh gạo: gạo chợ nước sông.
Bèo là loài thực vật sống trôi nổi trên mặt nước, thường làm thức ăn cho lợn hoặc làm phân xanh. Từ những đặc điểm của bèo, người ta đã khai thác chúng và phản ánh vào thành ngữ thuần Việt. Đặc tính của bèo là nhẹ, nổi trên mặt nước, từ đây, bèo được biểu trưng cho cuộc sống trôi nổi, phiêu bạt, vô định: bèo dạt mây trôi; lúc hợp lúc tan: bèo hợp mây tan; bèo còn biểu trưng cho thái độ sống buông xuôi, thụ động, phó mặc cho số phận: nước chảy bèo trôi. Do giá trị kinh tế của bèo rất thấp nên dân gian còn ví rẻ như bèo. Như vậy, chỉ với một loài thực vật, người Việt có thể khai thác những đặc điểm khác nhau của nó để tạo hình ảnh  làm cơ sở cho ‎ý nghĩa biểu trưng của thành ngữ. Có thể dẫn thêm nhiều ví dụ khác để minh chứng cho điều này. Chẳng hạn, đặc điểm xác xơ, nham nhở của cây tổ đỉa là chất liệu tạo nên hình ảnh chuẩn so sánh cho thành ngữ rách như tổ đỉa. Hay đặc tính cành mọc ngang của cây bứa (loài cây có cành mọc chẽ ngang, quả màu vàng) là cơ sở tạo nên chuẩn so sánh cho thành ngữ ngang (như) cành bứa. Rau má là loại cây thân bò, chúng có thể mọc lan rất nhanh, từ đây nó được dùng biểu trưng cho những quan hệ lằng nhằng theo nhiều hướng, thường là quan hệ họ hàng hoặc quan hệ xã hội, qua thành ngữ dây mơ rễ má. Để biểu đạt nội dung tránh điều không may này lại gặp điều không may khác, người Việt dùng hình ảnh vỏ dưa, vỏ dừa trong thành ngữ tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Trong khi đó, cùng biểu đạt nội dung này, người Pháp lại dùng hình ảnh con sói – một hình ảnh quen thuộc trong những câu chuyện dân gian của Pháp: tránh sói đực, gặp sói cái. Người Tày lại ví tránh lợn cỏ, gặp gấu chó. Biểu trưng cho triết lí có thứ này thì rẻ rúng, xem thường thứ khác vốn từng gần gũi, quen thuộc, người Việt dùng hình ảnh khế, chanh trong thành ngữ có khế ế chanh. Cũng nội dung này, người Khơ me lại ví được xoài chê chanh, được bé chê to, được cô gái chê đàn bà.
Nền văn minh nông nghiệp dẫn đến cơ cấu bữa ăn của người Việt chủ yếu là thực vật, trong đó các loại rau là chủ đạo. Do tiếp xúc thường xuyên với các loại rau mà người Việt cũng có những liên tưởng hết sức thú vị. Chê bai những kẻ kén chọn luẩn quẩn, vô ích, có khi gặp phải cái kém hơn, người Việt so sánh với rau muống sống và dưa già: chê rau muống sống lại ôm dưa già. Canh hẹ là thứ canh có mùi rất đặc trưng, không thể trộn lẫn với thứ canh khác, từ đây người Việt liên tưởng đến một sự việc nào đó rất rõ ràng, cụ thể, không giấu giếm được: rành rành như canh nấu hẹ. Cũng vẫn khai thác đặc tính của hẹ khi nấu canh (lá của chúng cuộn rối vào nhau) mà người ta lại so sánh rối như canh hẹ. Do cuộc sống nghèo nàn, kinh tế chủ yếu trông vào cây lúa nên bữa ăn của người Việt thời xưa cũng rất giản dị, đạm bạc, tương cà là gia bản. Từ đây, các món ăn dân dã đời thường như quả sung, quả cà, rau dền, mồng tơi… cũng đi vào thành ngữ và trở thành biểu tượng của cuộc sống nghèo khó, đạm bạc: cơm sung cháo dền, cà chua mắm mặn, bữa rau bữa cháo, nghèo rớt mồng tơi,…

Khảo sát thành ngữ tiếng Việt có chứa hình ảnh thực vật, chúng tôi còn bắt gặp hiện tượng đồng nghĩa biểu trưng, tức là những thành ngữ khác nhau nhưng có ý nghĩa biểu trưng giống nhau. Chẳng hạn, biểu thị tính chất trắng, chúng tôi thu thập được các thành ngữ trắng như ngó cần và trắng như bông. Các thành ngữ này khác nhau về sắc thái ý nghĩa: trắng như ngó cần biểu thị nước da trắng nõn nà; trắng như bông lại biểu thị màu trắng của những vật xốp, trải đều trên diện rộng. Biểu thị tính chất rối, thành ngữ tiếng Việt có hai hình ảnh rối như canh hẹ và rối như mớ bòng bong. Cả hai thành ngữ này đều biểu thị tình trạng rối ren, không có cách giải quyết.

Ngoài hiện tượng đồng nghĩa biểu trưng, trong thành ngữ tiếng Việt có chứa hình ảnh thực vật, chúng tôi còn bắt gặp hiện tượng đa nghĩa biểu trưng, tức là một hình ảnh biểu thị nhiều ý nghĩa biểu trưng khác nhau.
Sung là loại quả quen thuộc với người Việt Nam. Đặc điểm của sung là có vị chát, từ đặc điểm này, người Việt Nam đã ví chát như sung. Sung có đặc điểm mọc thành chùm, khi chín thường rụng lả tả, từ đây, người Việt liên tưởng tạo nên thành ngữ rụng như sung, chết như sung rụng. Cũng khai thác đặc điểm nói trên của sung, nhưng trong cụm từ há miệng chờ sung thì sung lại biểu trưng cho những thứ có sẵn, không phải làm mà có. Sung và vả là hai loại quả cùng họ, chúng giống nhau cả về hình dáng bên ngoài lẫn bên trong, từ đặc điểm này người Việt ví lòng vả cũng như lòng sung để chỉ suy nghĩ, tâm trạng giống nhau, như nhau.

     Trong văn học, liễu là hình ảnh mang nhiều ý nghĩa ước lệ tượng trưng. Cũng tương tự như vậy, trong thành ngữ tiếng Việt, người Việt cũng quan sát khá cụ thể các đặc điểm của liễu để phản ánh vào thành ngữ tiếng Việt. Cây liễu với hình dáng nhỡ, cành mềm mại, rủ xuống, từ đây được liên tưởng tới người con gái với dáng vẻ mảnh mai, yếu đuối qua thành ngữ liễu yếu đào tơ. Lá liễu vốn có hình dáng nhỏ, dài, hơi cong, từ đây được liên tưởng tới đôi lông mày đẹp của người phụ nữ, trong các thành ngữ mày liễu mặt hoamá hồng mày liễu. Cũng vẫn khai thác đặc điểm buông xuống, trông ủ rũ của cây liễu, nhưng trong các thành ngữ ủ liễu phai đào, vùi liễu giập hoa hình ảnh liễu lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Liễu lúc này lại biểu trưng cho sự tàn tạ, nhạt phai nhan sắc của người phụ nữ.

Trong quá hình thành ý nghĩa của các thành ngữ, không thể không kể đến sự chi phối của các quy luật liên tưởng. Đối với nhóm thành ngữ có hình ảnh thực vật, chúng tôi nhận thấy sự chuyển nghĩa trong các thành ngữ nhóm này chủ yếu dựa vào mối quan hệ liên tưởng tương đồng. Từ đây, tạo nên hai phương thức tạo nghĩa cơ bản trong nhóm thành ngữ này là phương thức so sánh và phương thức ẩn dụ.

3. Kết luận

     Có thể khẳng định, thế giới thực vật trong thành ngữ tiếng Việt khá phong phú, đa dạng. Hầu hết các loài thực vật xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt đều là những loài thực vật tiêu biểu, điển hình của một đất nước nông nghiệp. Vì vậy, qua nhóm thành ngữ này, chúng ta càng hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa dân tộc trong thành ngữ tiếng Việt. Đồng thời, cũng thấy được tư duy liên tưởng cụ thể, sắc bén của con người Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Hữu Châu (1997), Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Đỗ Hữu Châu (2000), Tìm hiểu văn hóa qua ngôn ngữ, Ngôn ngữ (10), tr1 – 18.
3. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (2000), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.
4. Nguyễn Thiện Giáp (2009), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Nxb Giáo dục.
5. Hoàng Văn Hành (2008), Thành ngữ học tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội.
6. Đỗ Thị Thu Hương (2017), Thành ngữ thuần Việt: cơ sở hình thành và đặc điểm cấu trúc – ngữ nghĩa, Nxb Khoa học Xã hội.
7. Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1978), Thành ngữ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội.
8. Nguyễn Lực (2005), Thành ngữ đồng nghĩa tiếng Việt, Nxb Thanh niên.
9. Nguyễn Đức Tồn (2010), Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy (tái bản có chỉnh lí và bổ sung), Nxb Từ điển Bách khoa.
10. Nguyễn Như Ý (1998), Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 11/2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)