Thiền Trúc Lâm đương đại tại Nam Bộ

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  ĐỖ HƯƠNG GIANG
(Viện KHXH vùng Nam bộ)

TÓM TẮT

     Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương khôi phục Thiền phái Trúc Lâm thời Trần tạo nên Thiền Trúc Lâm đương đại. Phương pháp tu tập ở các Thiền viện của Thiền phái Trúc Lâm đương đại nhất quán theo phương châm: Vừa giữ gìn, phát huy tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, vừa uyển chuyển, ứng dụng phù hợp với điều kiện hiện thực của xã hội hiện đại nên đã tạo điều kiện cho thiền sinh thấy được giá trị cốt lõi của việc tu Thiền. Đã có hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử thực hành theo phương pháp này và đạt được những bước tiến nhất định. Thông qua việc phát triển hệ thống thiền viện cũng như hoạt động hoằng pháp, Thiền Trúc Lâm đương đại đã cho thấy vai trò không nhỏ đối với đời sống xã hội vùng Nam bộ như: Góp phần phát triển kinh tế địa phương; Góp phần xây dựng lối sống hướng thiện, tích cực; Hoạt động từ thiện…

Từ khóa: Thiền, Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, Thích Thanh Từ, Thiền Trúc Lâm đương đại.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng không chỉ là tôn giáo với những triết lý tâm linh sâu sắc mà còn chứa đựng những phương pháp thực tiễn để giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Có lẽ đó là một trong những lý do để nhà khoa học thiên tài Albert Einstein đi đến khẳng định: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”1.

     Thiền ở Việt Nam trở thành tông phái bắt đầu từ Vinitaruci. Thiền phái này hình thành năm 580, khi Vinitaruci sang Việt Nam và kéo dài cho đến cuối thời Lý, đầu thời Trần, tức tồn tại trong vòng sáu thế kỷ gồm 19 thế hệ và 28 vị thiền sư còn ghi lại được trong Thiền uyển tập anh (khuyết lục 24 người).

     Không thỏa mãn với thiền phái Vinitaruci mang sắc thái Ấn Độ, thiền phái Vô Ngôn Thông mang sắc thái Trung Hoa, Lý Thánh Tông đã đi theo khuynh hướng tổng hợp. Chính vì vậy mà Thiền phái Thảo Đường ra đời.

     Vào đầu thế kỷ XIII, ba thiền phái Vinitaruci, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần dần nhập lại thành một. Do ảnh hưởng lớn lao của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, sự sáp nhập của ba thiền phái trên đây vào nhau đã đưa tới sự phát triển lớn của Thiền phái Yên Tử thành Thiền phái Trúc Lâm – Thiền phái duy nhất thời Trần2. Người trực tiếp sáng lập Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là Thượng hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Năm 1308, Pháp Loa (1284-1330) được Nhân Tông trao y bát, trở thành vị Tổ thứ hai của dòng Thiền Trúc Lâm. Năm 1330, Pháp Loa mất, Huyền Quang (1257-1334) nhận nhiệm vụ Tổ thứ ba của phái Trúc Lâm.

     Thiền tông Việt Nam mà cụ thể là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã từng gắn với triều đại nhà Trần, nhưng từ cuối thời Trần, Thiền tông Việt Nam dần dần mờ nhạt. Tuy nhiên gần đây, Thiền tông Việt Nam có xu hướng hồi sinh và trở thành hiện tượng đáng quan tâm trong xã hội hiện đại. Sự hồi sinh và phát triển của Thiền tông Việt Nam phù hợp với xu hướng coi trọng sinh hoạt thiền trên thế giới hiện nay. Khi con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ của cuộc sống, người ta chọn Thiền như một phương thức giúp cân bằng cuộc sống, lấy lại những giá trị nhân bản tích cực.3

     Thiền tông hiện nay đã có sự biến đổi và phát huy chức năng phù hợp với đời sống xã hội hiện tại. Sự ảnh hưởng của Thiền tông trong đời sống xã hội cũng vì thế mà thay đổi. Sự biến đổi của Thiền tông được biểu hiện thông qua sinh hoạt văn hóa và tác động không nhỏ đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

     Điều đặc biệt là, tuy cái nôi của Thiền tông Việt Nam là ở Bắc bộ (Yên Tử), nhưng Thiền tông Việt Nam lại được phục hưng bắt đầu từ Nam bộ. Số lượng các Thiền viện và Đạo tràng của Thiền tông Việt Nam phát triển mạnh ở Nam bộ, bởi vì người có công trong việc phục hưng Thiền tông Việt Nam chính là người Nam bộ – Hòa thượng Thích Thanh Từ.

     Do bối cảnh lịch sử cùng với hoàn cảnh cá nhân, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã chủ trương khôi phục Thiền phái Trúc Lâm thời Trần tạo nên Thiền Trúc Lâm đương đại vừa tiếp thu tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, vừa thổi vào đó luồng sinh khí của thời đại mình sống.

2. Vài nét về hòa thượng thiền sư Thích Thanh Từ

     Hòa thượng Thích Thanh Từ tên thật là Trần Hữu Phước, sinh ngày 24/7/1924 tại Tích Thiện, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long trong một gia đình mộ Phật. Thời trẻ, ngài đã từng lập gia đình và có một người con trai. Vợ và con ngài mất trong chiến tranh.

     Ngài là đệ tử chân truyền của ngài Thích Thiện Hoa, nguyên Đệ nhất Phó Viện trưởng (1964-1966) rồi Viện trưởng Viện Hóa đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong mấy nhiệm kỳ từ 1966 đến khi viên tịch vào năm 1973. Ngài xuất gia vào năm 28 tuổi, lấy pháp danh Thích Thanh Từ. Ngài đã theo học các lớp Phật học từ sơ đẳng, trung đẳng, đến cao đẳng tại các Phật học đường như Phật học đường Phật Quang, Phật học đường Nam Việt… Từ năm 1960 đến năm 1966, Hòa thượng Thanh Từ từng giữ một số trọng trách trong Ban Hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo như Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Phật học vụ; Quản viện kiêm Giáo sư Phật học viện Huệ Nghiêm; Giảng sư các Phật học đường Dược Sư, Từ Nghiêm; Giảng sư Viện Đại học Vạn Hạnh. Vào tháng 11 năm 2017, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, ngài đã được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

     Trong quá trình nghiên cứu Thiền học, Thiền sư Thích Thanh Từ đã có duyên tìm về các chốn Tổ của nhiều Thiền phái lớn ở nước ta tại miền Bắc và miền Trung. Ngài đã đến núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh, nơi phát tích dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Cuộc viếng thăm này đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần dân tộc của Ngài. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy Ngài quyết tâm khôi phục Thiền phái Trúc Lâm đời Trần.

     Khi thành lập ngôi Thiền viện tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào năm 1993, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đặt tên là Thiền Viện Trúc Lâm với hai ngụ ý: Một là nhắc đến ngôi Tịnh xá đầu tiên do Đức Phật lập ra ở Ấn Độ mang tên Trúc Lâm, hai là Thiền phái Trúc Lâm của nước ta thời nhà Trần do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ngài khẳng định: “Tôi phải dùng Trúc Lâm Yên Tử làm mục tiêu chúng ta nhắm để thực hiện theo tinh thần đó, ứng dụng tu và ứng dụng truyền bá để cho người Việt Nam được tự tín rằng trên đất nước Việt Nam vẫn có những người từng tu theo đạo Phật, từng tu theo Thiền tông, đã chứng ngộ, đã tự tại ra đi và đã thấy được chân lý, tiếp tục truyền nối mãi tới ngày nay không mất”.4

     Có thể nói, Hòa thượng Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về Thiền tông, người được xem là phục hưng và phát triển dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử trong thời hiện đại. Trong số các tác phẩm nói về Thiền học Việt nam, có thể kể một số tác phẩm tiêu biểu như: 1) Thiền sư Việt Nam5 được Thiền sư Thích Thanh Từ biên soạn và xuất bản vào đầu thập niên 1990. Tác phẩm này khái quát cuộc đời của các vị thiền sư người Việt Nam hoặc người nước ngoài qua Việt Nam truyền đạo từ những năm đầu công nguyên cho đến thế kỷ XX; 2) Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX6. Tác phẩm này dẫn giải nhiều tích truyện của các vị thiền sư, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, và có sự đối chiếu giữa thiền với kinh luận Phật giáo. Đồng thời, thông qua tác phẩm này, hòa thượng khẳng định đường lối tu thiền ở các thiền viện. Đó là, bên cạnh việc xiển dương Thiền phái Trúc Lâm, Ngài còn dung hợp tư tưởng thiền của Sơ Tổ Trần Nhân Tông với các thiền sư Trung Quốc như: Nhị Tổ Huệ Khả, Lục Tổ Huệ Năng.

     Suốt cuộc đời tu tập và hoằng pháp của mình, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã cho xuất bản đến mấy trăm đầu sách về kinh và luận. Gần đây, các đệ tử của Hòa thượng tập hợp sách và các bài giảng của ngài lại thành Tổng tập và cho tái bản thành Thích Thanh Từ toàn tập với dung lượng 43 tập, mấy chục ngàn trang in khổ lớn 20×28.

3. Thiền Trúc Lâm đương đại tại Nam Bộ hiện nay

     3.1. Hệ thống Thiền viện

     Kể từ khi thành lập ngôi Thiền viện đầu tiên ở Bà Rịa – Vũng Tàu là Thiền viện Chơn Không (1966), Thiền sư Thích Thanh Từ đã đưa ra năm mục đích là: 1) Có chỗ cho chư Tăng tu tập ; 2) Cứu vãn sự tu sai lạc và giảm thiểu am cốc ; 3) Muốn cho Phật pháp được miên viễn; 4) Làm sáng tỏ pháp môn tu; 5) Làm sống lại Thiền tông Việt Nam. Căn cứ trên mục đích đó, cùng với nhu cầu tu học của Tăng Ni, Phật tử ngày càng tăng, Hòa thượng đã cùng với các đệ tử tiếp tục thành lập hàng chục thiền viện từ thập niên 1970 đến 1990. Đặc biệt, sau khi Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt ra đời vào năm 1993, Thiền sư Thích Thanh Từ chính thức khẳng định tâm nguyện khôi phục Thiền phái Trúc Lâm. Kể từ đó, liên tiếp các Thiền viện ở khắp nơi được khôi phục, từ các Tổ đình của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, cho đến các Thiền viện ở khắp cả ba miền đất nước.

     Tính đến năm 2020, số lượng các Thiền viện trực thuộc Thiền phái Trúc Lâm đương đại đã lên đến gần 100 ngôi, bao gồm cả Thiền viện mới thành lập lẫn Tự viện do chư Tăng Ni thuộc Thiền phái Trúc Lâm tiếp quản, trùng tu. Cụ thể ở Nam bộ như sau:

     Khu vực Miền Đông Nam bộ: Tỉnh Đồng Nai: Chùa Tăng gồm: Thiền viện Thường Chiếu, Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, Thiện viện Đạo Huệ, Thiền viện Hiện Quang, Thiền viện Toàn Giác, Thiền tự Đông Quang, Thiền tự Đông Giác ở tỉnh Đồng Nai. Chùa Ni gồm: Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức, Thiền viện Viên Chiếu, Thiền viện Linh Chiếu, Thiền viện Liễu Đức, Thiền viện Hương Hải, Thiền viện An Lạc, Thiền viện Trúc Lâm Chân Pháp, Thiền viện Tuệ Thông, Thiền tự Nhật Quang. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Chùa Tăng gồm: Thiền viện Chơn Không, Thiền tự Dưỡng Chân, Thiền tự Quảng Nghiêm, Thiền tự Trúc Lâm Phật Đăng, Thiền viện Chân Nguyên. Chùa Ni gồm: Thiền viện Chơn Không, Thiền viện Huệ Chiếu, Thiền viện Chơn Chiếu, Thiền viện Bảo Hải, Thiền viện Phổ Chiếu, Thiền viện Tịch Chiếu. Tỉnh Bình Dương: Chùa Tăng gồm: Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, Chùa Bửu Nghiêm. Chùa Ni gồm: Thiền viện Phúc Trường. TP. Hồ Chí Minh: Thiền viện Tuệ Quang.

     Khu vực Miền Tây Nam bộ gồm: Tỉnh Long An: Thiền viện Bửu Minh (chùa Ni). Tỉnh Tiền Giang: Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Thiền tự Từ Minh. Tỉnh Bến Tre: Chùa Linh Quang. Thành phố Cần Thơ: Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Tỉnh Hậu Giang: Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang. Tỉnh An Giang: Thiền Viện Trúc Lâm An Giang, Chùa Phước Hải. Kiên Giang: Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc. Tỉnh Đồng Tháp: Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười. Tỉnh Bạc Liêu: Thiền tự Phước Hưng, Thiền tự Vạn Phúc, Thiền tự Vạn Thiện, Thiền tự Vạn Thành, Thiền tự Vạn Thông, Thiền tự Vạn An. Tỉnh Cà Mau: Thiền viện Trúc Lâm Cà Mau.

     Cùng với sự phát triển của Thiền viện, các Đạo tràng tu học trực thuộc các Thiền viện cũng được mở ra cho đồng bào địa phương và Phật tử thập phương về tu học. Tính đến năm 2020, Thiền phái Trúc Lâm đã thành lập được hàng trăm đạo tràng sinh hoạt ổn định, trải dài khắp cả nước dành cho những ai muốn tìm hiểu và thực hành theo tông phái này có điều kiện tiếp cận một cách dễ dàng.7

     3.2. Đường lối tu hành

     Khẳng định quyết tâm khôi phục Thiền phái Trúc Lâm, trong cuốn Nền tảng của đạo Phật trọn một đời tôi, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã viết: “Tôi phải dùng Trúc Lâm Yên Tử làm mục tiêu chúng ta nhắm để thực hiện theo tinh thần đó, ứng dụng tu và ứng dụng truyền bá để cho người Việt Nam được tự tín rằng trên đất nước Việt Nam vẫn có những người từng tu theo đạo Phật, từng tu theo Thiền tông, đã chứng ngộ, đã tự tại ra đi và đã thấy được chân lý, tiếp tục truyền nối mãi tới ngày nay không mất”.8

     Phương pháp tu tập ở các thiền viện của Thiền phái Trúc Lâm đương đại nhất quán theo phương châm: Vừa giữ gìn, phát huy tinh hoa của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, vừa uyển chuyển, ứng dụng phù hợp với điều kiện hiện thực của xã hội hiện đại. Hòa thượng Thích Thanh Từ chỉ ra điểm cốt lõi của sự tu tập ở các Thiền viện là:

1) Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo;

2) Đối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ;

3) Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật;

4) Hằng sống với cái chân thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.9

     Dựa trên nền tảng của thiền là tĩnh tâm, lắng trong tâm ý, mang lại bình an, hỷ lạc, giác ngộ, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đề ra trình tự tu tập gồm bốn giai đoạn từ thấp đến cao là: Sổ tức, tùy tức, tri vọng, biết có chân tâm.

     – Trước hết là Sổ tức, là phương pháp đếm hơi thở. Theo phương pháp này, thiền sinh sẽ cột tâm vào việc đếm số từ một đến mười và điều hòa nhịp thở của mình từ mạnh đến nhẹ, từ thô đến tế. Việc đếm hơi thở đặc biệt cần thiết đối với người sơ cơ, tâm còn nhiều loạn động. Nó giúp cho tâm quy về một chỗ thông qua đếm số, bởi vì, “Tâm không thể nghĩ một lúc hai việc. Nếu nhớ hơi thở, nhớ số thì không nhớ chuyện thế gian. Vừa nhớ chuyện thế gian thì quên số, quên hơi thở”.10 Trải qua một thời gian thực hành phương pháp này, tâm thiền sinh sẽ được nhẹ nhàng, bình an, thuần thục.

     – Giai đoạn thứ hai là Tùy tức, là theo dõi hơi thở. Bước vào giai đoạn này, thiền sinh không còn đếm số nữa, mà chỉ chuyên tâm vào hơi thở, dài ngắn đến đâu biết rõ đến đó như Hòa thượng Thích Thanh Từ hướng dẫn: “Thời gian sau thuần thục, chỉ nhớ hơi thở và nhớ số thôi, không nhớ chuyện thế gian nữa … Nhớ như vậy tới bao giờ ngồi nửa tiếng đồng hồ chỉ nhớ hơi thở, không bao giờ quên thì đó là thành công chặng thứ hai”.11

     – Giai đoạn thứ ba là Tri vọng, nghĩa là biết có vọng tưởng. Đây là giai đoạn mang tính chất chuyên sâu. Khi thiền sinh đã định tâm, biết rõ hơi thở vào ra không loạn động, thì bước tiếp theo là sống với tâm định tĩnh đó. Hễ lúc nào thấy tâm mình khởi niệm, suy nghĩ lăng xăng, thì biết rõ đó là vọng tưởng, không chạy theo và buông xả. Ngay cả khi tâm mình yên tĩnh, không suy nghĩ bất cứ điều gì, thì cũng biết rõ ràng là tâm mình đang trong lặng, không có niệm khởi, vẫn tỉnh thức, sáng suốt. Ứng dụng được pháp tu này, thiền sinh sẽ phát huy nếp sống tỉnh thức đối với chính mình không chỉ khi hành thiền mà tỉnh thức trong mọi sinh hoạt hàng ngày.

     – Biết có Chân tâm là giai đoạn thứ tư của quá trình hành thiền theo Thiền Trúc Lâm đương đại. Biết có Chân tâm nghĩa là nhận biết được Phật tính, tức chân tâm thanh tịnh và sống với nó trong từng phút giây. Giai đoạn này dành cho người chuyên tu, thường là giới Tăng Ni, Phật tử thuần thành, lâu năm, quyết chí tu tập giác ngộ, giải thoát.

     Ngoài ra, trong quá trình tu học, các Tăng Ni, Phật tử thuộc phái Thiền Trúc Lâm đương đại phải giữ gìn quy củ Thiền môn được quy định chặt chẽ trong các bản Thanh quy do Hòa thượng Thích Thanh Từ biên soạn. Bản Thanh quy đầu tiên do Hòa thượng Thích Thanh Từ biên soạn vào năm 1971 khi mở khóa tu thiền tại Thiền viện Chơn Không, đó là Chơn Không tu viện thanh quy. Sau khi thành lập Thiền viện Thường Chiếu, số lượng chư Tăng tu học mỗi ngày một đông, Hòa thượng tiến hành bổ sung một số điều mục trong Chơn Không tu viện thanh quy, chỉnh sửa thành Thường Chiếu thanh quy. Đến năm 1994 khánh thành Thiền viện Trúc Lâm, bản Thanh quy của Thiền viện Thường Chiếu tiếp tục được hoàn thiện trở thành Trúc Lâm thanh quy.12 Từ đó về sau Trúc Lâm thanh quy được dùng làm quy ước chung cho tất cả các thiền viện trực thuộc hệ thống Thiền Trúc Lâm đương đại.

     Như vậy, phái Thiền Trúc Lâm đương đại đã đề ra phương pháp tu tập phù hợp với căn cơ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong thời đại mới, tạo điều kiện cho thiền sinh thấy được giá trị cốt lõi của việc tu thiền. Đã có hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử thực hành theo phương pháp này và đạt được những bước tiến nhất định. Những cách thực tập mà Thiền sư Thích Thanh Từ và hàng đệ tử đưa ra giúp mọi người trở về soi sáng lại chính mình để sống an lạc, tỉnh thức ngay trong hiện tại, chứ không tìm cầu bình an ở một phương trời xa xôi nào, rất phù hợp với chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Quay về soi sáng lại chính mình, là việc làm bổn phận, không tìm cầu từ nơi khác)13.

     3.3. Vai trò của Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ

     Trong quá trình hoằng pháp và phát triển hệ thống thiền viện, Thiền Trúc Lâm đương đại đã tạo ra nhiều giá trị ảnh hưởng tích cực tới đời sống xã hội vùng Nam bộ. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số vai trò tiêu biểu như: Góp phần phát triển kinh tế địa phương; Góp phần xây dựng lối sống hướng thiện, tích cực; Hoạt động từ thiện.

     Góp phần phát triển kinh tế địa phương:Thông qua việc xây dựng hệ thống thiền viện cũng như hoạt động của thiền viện và của chư Tăng, Ni, Thiền Trúc Lâm đương đại đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết nạn thất nghiệp, tạo nguồn thu nhập cho người dân.

     Ví dụ trường hợp xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, vốn là vùng sâu vùng xa, đất phèn, không có đường, cầu, điện, giếng nên dân ở đây rất nghèo. Nhưng sau khi Đại đức Thích Thông Kim theo lời của Hòa thượng Thích Thanh Từ đến miền Tây xây dựng thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác thì vùng đất này đã được khoác chiếc áo mới. Sự sống dần dần được bắt đầu: Từ đất phèn không trồng được cây xanh thì ngày nay cây xanh, cây đa, cây xiên, cây xộp, kể cả những cây ăn quả… đã trồng được hết. Sau đó, các thầy làm con đường, làm một cây cầu, bơm cát đắp bờ đê ngăn chặn nước phèn, chặn ngập, khoan giếng để lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày, lấy nước ngoài sông cải tạo để có nước trồng cây14. Từ khi có thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, việc thuê nhân công phục vụ trong thiền viện cũng góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, tạo thu nhập cho người dân như các công việc thợ hồ, thợ mộc, thợ đá, chăm sóc cây kiểng… Ngoài ra, người dân ở đây còn có nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch tới tham quan Thiền viện.

     Có thể nói, các hoạt động của Thiền Trúc Lâm đương đại, từ việc đi lại để tham gia các sinh hoạt liên quan tôn giáo, hoạt động truyền thông tôn giáo và tổ chức các sự kiện tôn giáo, đến việc xây dựng các cơ sở tôn giáo… đều làm gia tăng các giao dịch kinh tế, kích cầu, tạo thêm việc làm trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương của vùng Nam bộ.

     Góp phần xây dựng lối sống hướng thiện, tích cực: Phương pháp của Thiền rất giản dị, nhưng đưa đến những kết quả rất lớn về mặt giáo dục tâm lý, tình cảm, hoàn bị tinh thần giáo dục tự trị, tự chủ, tự tín, trách nhiệm cá nhân. Về mặt tình cảm, Thiền đưa con người vào trạng thái phấn khởi, hân hoan, hỷ lạc, an tịnh, buông xả. Về mặt tâm lý, Thiền là quá trình chuyển đổi từ tâm lý thụ động sang tích cực, từ tham, sân, si qua vô tham, vô sân, vô si, từ thất niệm qua tỉnh giác. Thiền là quá trình đưa vào các cảm thọ lạc, hạnh phúc và khắc phục các cảm thọ khổ của Thân và Tâm. Thiền còn giúp tăng khả năng tập trung, nên giúp thiền sinh tiếp thu tri thức tốt. Đồng thời, giúp họ loại bỏ các tâm lý mệt mỏi, thụ động, chán nản, sầu muộn, dao động.

     Các thiền viện của phái Thiền Trúc Lâm đương đại không chỉ là nơi tu tập dành cho Tăng, Ni mà còn là nơi tu tập của Phật tử (bao gồm nhiều thành phần khác nhau trong xã hội), cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, xã hội khác. Quá trình khôi phục Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, Hòa thượng Thích Thanh Từ chủ trương, không bó hẹp ở việc truyền giảng lý thuyết mà phải làm sao để vận dụng được lý thuyết, chuyển tải lý thuyết thành những hành động cụ thể. Thông qua đó, hình thành lối sống tích cực.

     Các khóa tu Thiền tại các thiền viện cũng như các hoạt động do các thiền viện thuộc phái Thiền Trúc Lâm đương đại khởi xướng luôn thu hút được sự quan tâm của một bộ phận không nhỏ tầng lớp nhân dân: “Nói về việc tham gia các khóa tu thiền thì tôi thấy đa dạng lắm, học sinh sinh viên cũng có mà công nhân người lao động tự do cũng có, viên chức hay trí thức cũng có, mà thường nữ đông hơn nam. Bởi vậy các thiền viện rất tâm lý khi tổ chức các khóa tu Thiền trong năm vào ngày Chủ nhật cho Phật tử dễ sắp xếp công việc riêng mà tham gia15.

     Thiền Trúc Lâm giúp con người suy nghĩ và sống tích cực, có trách nhiệm với hành động của bản thân. Điều chỉnh các hành vi một cách hợp lý, sống gần gũi, hòa nhập và tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống: “Đối với người tri thức, có nhận thức thì thấy Thiền phái Trúc Lâm rất thực tế ở con người, từ hành động, ý nghĩ, lời nói thì mình biết được sai lầm để thay đổi, biết được thì không làm đau khổ người khác từ đó soi sáng cho mình hành động. Đó là cái đặc sắc và cốt lõi nhất16.

     Sinh hoạt thiền giúp thiền sinh tránh xa tệ nạn xã hội, có nếp sống kỷ luật, nền nếp, tôn trọng lẫn nhau, thay đổi lối sống và thói quen chưa tốt để sống lành mạnh, hữu ích hơn: “Đi theo đạo thì tất nhiên phải có sự thay đổi tốt hơn mình mới theo. Thành thật mà nói là quá tốt. Chuyện chú nói là thứ nhất là nếu mình không lên chùa thì ở nhà rảnh thì làm gì? Theo như bọn chú thì cà phê, thuốc lá, tán dóc, tán gẫu, mà mình gọi là bà tám đó, hoặc bạn bè thì ngồi nói nhau ông này bà nọ. Nhưng mình lên chùa thì tránh được những thứ đó, là tránh được nghiệp17.

     Nhìn chung, những người tham gia tu tập và học thiền thường hướng đến tâm thiện và luôn giữ tâm hồn thanh thản: “Như chúng tôi là đi chùa, đi Thiền viện về thì phải sống an lành và sống tốt, điều đó nó lan tỏa cho người thân gia đình mình, xung quanh mình, với đồng nghiệp. Ngày xưa thì cạnh tranh, giờ thì có nhiều cách để giúp nhau hỗ trợ, mình làm sao để từng người trở nên tốt hơn”18.

     Còn đây là đánh giá của vị trụ trì một thiền viện về sự thay đổi sau khi tiếp cận với đời sống thiền của một số Phật tử: “Như nhiều người trước thì bản tính của họ hay nóng nảy, hay hơn thua như mọi người nhưng qua thời gian học tu tập là họ tự sửa đổi … và tự tập luyện nhẫn nhịn và đối xử ôn hòa, ít hơn thua nhau hơn”19.

     Các thiền viện Trúc Lâm còn đều đặn tổ chức các khóa tu Thiền cho thanh, thiếu niên với mục đích giáo dục thái độ sống để làm sao cho các em hướng đến điều lành, xây dựng một đời sống lành mạnh có ích cho gia đình và xã hội: “Hiệu quả nhất là trong việc giáo dục các em học sinh, sinh viên, vì các em đang ở độ tuổi dễ hướng dẫn và uốn nắn. Có nhiều em sau khi tham gia khóa thiền về thì có thể định hướng con đường cho bản thân nên chọn điều gì và phải làm sao20.

     Hoạt động từ thiện: Tư tưởng Thiền tông thể hiện rõ tinh thần từ bi, hướng thiện, đoàn kết, hòa hợp, khuyến khích tinh thần tham gia hợp tác xã hội và hoạt động có tính cộng đồng. Lòng từ bi cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ… Thêm vào đó, những không gian của các tự viện, thiền viện luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm để chiêm nghiệm và cảm nhận. Tất cả những điều đó tạo nên những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo hóa con người, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng. Hơn nữa, việc phát huy tinh thần “Nhập thế tích cực” của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần cũng như quan điểm “Cư trần lạc đạo” của Sơ Tổ Trúc Lâm đã góp phần xây dựng lối sống thanh cao tự tại, không bám lấy lợi ích vật chất, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

     Qua khảo sát, chúng tôi thấy, các Tăng Ni, Phật tử của Thiền Trúc Lâm đương đại rất tích cực hưởng ứng các hoạt động gắn liền với đời sống cộng đồng như: Từ thiện nhân đạo, tham gia xóa đói, giảm nghèo. Những hoạt động này đã gắn kết giáo lý Thiền tông Việt Nam với những vấn đề của cuộc sống. Thiền Trúc Lâm đương đại không còn hạn chế hoạt động của mình trong chùa, thiền viện mà đang tích cực tham gia công tác xã hội: “Đạo Phật là đạo Từ bi nên việc chia sẻ với con người và đóng góp cho xã hội là chuyện đương nhiên làm. Mà xuất phát từ tình thương chứ không phải lôi kéo ai hết, chỉ muốn giúp đỡ người khác, có thầy phó dẫn người ta đi, Phật tử thì không tự đi được nên phải có Thầy hay Ni đưa đi. Như là đi cứu trợ bão lũ lụt ở miền Tây, miền Trung thì có người dẫn đi, đóng góp vào công việc như làm đường, làm cầu ở thôn quê. Mình tu thì không có làm ngơ, mình ủng hộ tài chính thôi chứ không trực tiếp làm được. Nhưng mà như là phóng sinh hay cứu trợ đồng bào thiên tai lũ lụt thì đích thân đi. Có khi cũng nhờ chính quyền hỗ trợ cho nơi đó21.

    Còn đây là nhận xét của chuyên viên phụ trách Phật giáo tỉnh Đồng Nai về hoạt động thiện nguyện của Thiền Trúc Lâm đương đại: “Thiền phái Trúc Lâm có rất nhiều chương trình từ thiện xã hội, trong năm qua theo tổng kết sơ bộ công tác từ thiện cũng đã trên 10 tỷ rồi, để thấy rằng họ rất nhiệt tình trong hoạt động tham gia từ thiện. chương trình xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa, xây cầu, hỗ trợ quỹ khuyến học địa phương, phát quà, phát gạo cho những gia đình nghèo, giúp đỡ đồng bào có đời sống khó khăn, tặng bảo hiểm cho một số đối tượng, mùa mưa bão thì có chương trình cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ… Nói chung là rất nhiều chương trình. Bên Thiền phái Trúc Lâm khá mạnh về các chương trình thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng trong nhiều năm qua, đây là điều đáng ghi nhận và hoan nghênh22.

     Theo tổng hợp sơ lược của sư trụ trì thì trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi (2015), Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam kết hợp với Công ty Xi măng bê tông Tây Đô (Cần Thơ) tổ chức lễ vui xuân đón Tết và phát quà cho hộ gia đình nghèo ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Tất cả là 500 phần quà, mỗi phần quà trị giá 250.000đ với tổng số tiền giúp hộ nghèo đón Tết là 125.000.000đ. Tuy giá trị mỗi phần quà không lớn nhưng thực tế đã đem đến cho người nghèo một niềm vui và cảm nhận được tấm lòng nhân ái rất đáng quý trong cộng đồng23.

     Có thể nói, công tác từ thiện xã hội là hoạt động thường xuyên của các Thiền viện Trúc Lâm ở Nam bộ. Nhiều Thiền viện mới được xây dựng, nên hoạt động vẫn còn có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, các Thiền viện đã cố gắng vận động và phối hợp với các Mạnh Thường quân để tạo nguồn kinh phí cho công tác này. Do đó, đã thu được những kết quả bước đầu khá tốt, góp phần cùng địa phương thực hiện xóa đói giảm nghèo và từ thiện nhân đạo.

4. Kết luận

     Tóm lại, hệ thống Thiền viện Trúc Lâm hiện nay do Hòa thượng Thích Thanh Từ phục dựng đã kế thừa, phát huy tinh thần nhập thế, hộ quốc an dân của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, đồng thời có cải biên cho phù hợp với thời đại mới. Thiền viện Trúc Lâm ở Nam bộ có một vai trò khá quan trọng đối với đời sống người dân ở Nam bộ. Các Thiền viện được xây dựng và đi vào hoạt động đã đáp ứng được nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử. Tổ chức Phật giáo có một cơ sở hành đạo khang trang, một nơi đào tạo tu sĩ đúng yêu cầu của tông phái Trúc Lâm Yên Tử. Tín đồ Phật tử có một không gian thiêng để nuôi dưỡng tinh thần. Các thiền viện từ khi hoạt động đến nay đã phát huy tốt truyền thống kết hợp Đạo và Đời của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Công tác Phật sự của Thiền viện gắn chặt với hoạt động từ thiện xã hội. Vì vậy, tuy thời gian hoạt động ngắn, nhưng Thiền viện đã giải quyết được một số vấn đề thiết thực trong đời sống của cư dân địa phương, nhất là người nghèo. Thiền viện không chỉ là nơi đáp ứng đời sống tâm linh của nhân dân, mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất Nam bộ. Việc khôi phục và hoằng pháp Thiền phái Trúc Lâm thời Trần của Hòa thượng Thích Thanh Từ có ý nghĩa hết sức thiết thực. Hướng dẫn Tăng, Ni và Phật tử tu học theo đúng Chánh đạo, thực hành Thập thiện theo chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm đã, đang và sẽ góp phần làm cho xã hội trờ nên an bình, hạnh phúc.

__________
     1. Lâm Linh (2018), Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein nghĩ gì về giáo lý Đạo Phật?,
https://phatgiao.org.vn/nha-khoa-hoc-thien-tai-albert-einstein-nghi-gi-ve-giao-ly-dao-phat-d32630.html, truy cập ngày 29/11/2020.

     2. Thích Nữ Như Tâm (2016), Đánh giá của các Nhà Sử học về Trần Thái Tông,
https://phatan.org/p190a2850/danh-gia-cua-cac-nha-su-hoc-ve-tran-thai-tong, truy cập ngày 29/11/2020.

     3. Dương Thị Thu Hà (2016), Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, tr. 6.

     4. Thích Thanh Từ (2000), Nền tảng của đạo Phật trọn một đời tôi. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM, tr. 75-76.

     5. Thích Thanh Từ (2004), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

     6. Thích Thanh Từ (2014), Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tp. HCM.

     7. Thích Tuệ Nhật (2017), Thiền phái Trúc Lâm thời hiện đại. Luận văn Thạc sĩ Phật học, Tp.HCM, tr. 95-99.

     8. Thích Thanh Từ (2000), Nền tảng của đạo Phật trọn một đời tôi. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM, tr. 75-76.

     9. Thích Thanh Từ (2014), Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tp. HCM, tr. 71-72.

     10. Thích Thanh Từ (2001), Hoa vô ưu, tập 3, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 35.

     11. Thích Thanh Từ (2001), Hoa vô ưu, tập 3, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 35-36.

     12. Thiền Viện Trúc Lâm (1993), Thanh quy, Lưu hành nội bộ, Lâm Đồng.

     13. “Phản quan tự kỷ” là một trong những chủ trương chính của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, bắt nguồn từ cuộc đối đáp giữa Trần Nhân Tông với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi được hỏi về yếu chỉ cốt lõi của Thiền tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã chỉ dạy: “phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Nhờ câu nói này, Trần Nhân Tông giác ngộ, thấy rõ đường vào đạo.

     14. Ghi theo nội dung phỏng vấn tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     15. PVS chuyên viên phụ trách Phật giáo tỉnh Đồng Nai vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     16. PVS Thầy trụ trì, Thiền viện Chơn Không vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     17. PVS nam cư sĩ, 66 tuổi vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     18. PVS nam cư sĩ, trình độ Tiến sĩ vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019- 2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     19. PVS Thầy trụ trì, Thiền viện Chơn Không vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     20. PVS, chuyên viên phụ trách Phật giáo tỉnh Đồng Nai vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS. TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     21. PVS đại diện tăng, Thiền viện Chơn Không vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     22. PVS chuyên viên phụ trách Phật giáo tỉnh Đồng Nai vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS. TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

     23. Kết quả phỏng vấn vào tháng 12/2019 trong khuôn khổ nhiệm vụ cấp bộ 2019-2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay” do PGS.TS. Đỗ Hương Giang làm chủ nhiệm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Dương Thị Thu Hà (2016), Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học.

     Đỗ Hương Giang (2017), Triết học Phật giáo Việt Nam thời Trần, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

     Đỗ Hương Giang (2020), Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ cấp bộ 2019- 2010 “Thiền Trúc Lâm đương đại với đời sống xã hội vùng Nam bộ hiện nay”, Tp.HCM.

     Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên) (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập II – quyển Thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     Thích Tuệ Nhật (2017), Thiền phái Trúc Lâm thời hiện đại. Luận văn Thạc sĩ Phật học, Tp.HCM.

     Thích Thanh Từ (2000), Nền tảng của đạo Phật trọn một đời tôi. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. HCM.

     Thích Thanh Từ (2001), Hoa vô ưu, tập 3, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

     Thích Thanh Từ (2004), Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

     Thích Thanh Từ (2014), Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Tp. HCM.

     Thiền Viện Trúc Lâm (1993), Thanh quy, Lưu hành nội bộ, Lâm Đồng.

Nguồn: Các hệ phái phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam Bộ,
Nxb Hồng Đức,Chủ biên: Thích Nhật Từ 

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thiền Trúc Lâm đương đại tại Nam Bộ (Tác giả: PGS.TS Đỗ Hương Giang)