Thiết chế XÃ HỘI CỔ TRUYỀN của NGƯỜI MÔNG ở các tỉnh MIỀN NÚI phía BẮC với vấn đề XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CƠ SỞ
BÙI THANH THỦY
(TS, Trưởng khoa Gia đình và Công tác Xã hội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)
TÓM TẮT
Với người Mông, các thiết chế gia đình, dòng họ, làng bản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa. Vì vậy, muốn tạo dựng được đời sống văn hóa cơ sở ở vùng đồng bào Mông sinh sống, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, phát huy những yếu tố tích cực trong cơ chế vận hành của các thiết chế xã hội truyền thống; đồng thời hạn chế những yếu tố lạc hậu, không phù hợp. Việc xác định rõ tiêu chí gia đình văn hóa, bản văn hóa dựa theo nguyên tắc trên là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cho cộng đồng người Mông mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Từ khóa: Thiết chế xã hội, người Mông, đời sống văn hóa.
ABSTRACT
To the Hmong people, their families and villages play a very important role in economic, social and cultural life. Therefore, in order to create the basic cultural life of the Hmong people, it is necessary to study and bring into play the positive factors in the operation mechanism of such social institutions as well as limit the backward, inappropriate factors at the same time. Well defining criteria of cultural families and cultural villages are key tasks in implementing the strategic objectives of the socioeconomic development that the Party and State have set.
Keywords: social institutions, Hmong, cultural life.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Người Mông thuộc nhóm ngôn ngữ Mông – Dao, có nguồn gốc từ phương Bắc, di chuyển vào Việt Nam cách đây khoảng hơn 300 năm. Cộng đồng tộc người này sống tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc Việt Nam, nhiều nhất là các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, trên những sơn nguyên có sự chia cắt bởi các khe núi, với độ cao từ 800m đến 1.700m. Để duy trì được cuộc sống lâu dài trên những vùng núi cao, người Mông đã sớm thích nghi với từng vùng sinh thái. Họ xác lập cho mình một hệ thống nông nghiệp hoàn chỉnh bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nguồn lợi tự nhiên, làm nghề phụ (trồng lanh, dệt vải, làm giấy, rèn, đúc, chạm bạc, mộc) và trao đổi hàng hóa. Để bảo vệ, duy trì sự ổn định, tồn tại của cộng đồng, họ đã xây dựng một hệ thống thiết chế xã hội riêng biệt. Đó là hệ thống thiết chế xã hội nhỏ nhưng bền vững với quan hệ gia đình, dòng họ và làng bản, thích ứng với điều kiện phải cư trú phân tán, không còn lãnh thổ tộc người.
Cho đến nay, thiết chế xã hội đó vẫn là một sự kết nối, ràng buộc chặt chẽ, điều hành cuộc sống của cộng đồng người Mông và là một trong những vấn đề cần được xem xét nghiên cứu nghiêm túc để vận dụng trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
2. Đặc điểm thiết chế xã hội cổ truyền của người Mông
Trong xã hội các dân tộc nói chung và người Mông nói riêng, gia đình, dòng họ, bản làng là những cơ sở quan trọng hàng đầu của sự phát triển tộc người.
Gia đình là tế bào của xã hội, đối với các dân tộc, nó còn mang tính truyền thống đậm nét. Nó đã và đang thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, có tác động đến sự phát triển và ý thức tộc người. Tuy nhiên, cơ cấu gia đình ở các tộc người có những nét khác nhau. Điều này phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế – xã hội, các quan hệ xã hội và đặc điểm cư trú của từng tộc người, từng vùng.
Gia đình người Mông là loại gia đình phụ hệ lớn (gia đình không phân chia, gia đình mở rộng) mà thành phần của nó gồm vài thế hệ với vài cặp vợ chồng và con cái cùng chung sống dưới một mái nhà, có kinh tế chung (làm chung, ăn chung, chi tiêu chung).
Đặc điểm tiêu biểu của gia đình người Mông là tính chất phụ quyền thể hiện khá rõ trong đời sống hằng ngày. Cho đến nay, phong tục tập quán của họ vẫn thể hiện rõ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tư tưởng này thể hiện đậm nét qua các nguyên tắc ứng xử, sơ đồ mặt bằng sinh hoạt trong gia đình…và được lưu lại qua hệ thống tục ngữ:
“Con gái chỉ giúp nhà một thời
Con trai mới giúp nhà cả đời”
Hay
“Đẻ con gái như gáo nước đổ đi rồi không lấy lại được” (1).
Tuy nhiên, sự hòa thuận trong gia đình vẫn được đề cao: vợ chồng ít chửi mắng nhau, bố mẹ ít đánh con cái, ông bà được tôn trọng, sinh hoạt gia đình có nề nếp, kỷ cương.
Một đặc điểm nữa trong gia đình của người Mông là rất đông con. Quy mô trung bình của mỗi gia đình từ 8 đến 10 người. Hiện tượng một cặp vợ chồng người Mông khoảng 30 – 35 tuổi đã có 6 hay 7 con là chuyện bình thường. Đáng chú ý là tuổi kết hôn quá sớm, thông thường là 13, 14 tuổi. Người vợ thường nhiều hơn chồng 5 đến 6 tuổi. Có tới gần 70% phụ nữ Mông kết hôn khi chưa đến tuổi trưởng thành.
Cái lý “cha mẹ lấy vợ cho con trai, con trai phải có nghĩa vụ giết trâu làm ma cho cha mẹ” vẫn ngự trị ở người Mông. Điều này gây ra những hủ tục, tập quán nặng nề, tốn kém mà người dân phải gánh chịu.
Sở dĩ gia đình người Mông đông con và có tình trạng kết hôn sớmvì cho đến nay gia đình vẫn là đơn vị kinh tế cơ bản. Mọi hoạt động sản xuất của gia đình hầu như vẫn dựa chủ yếu vào sức lao động và sự cần cù của con người. Chính nhu cầu muốn có nhiều nhân lực tham gia lao động sản xuất đã góp phần hạ thấp tuổi kết hôn và tăng tỷ lệ sinh đẻ trong các gia đình người Mông. Hơn nữa, với phương thức sản xuất nương rẫy, đi rừng và cư trú ở vùng khí hậu, môi trường khắc nghiệt, tình trạng “hữu sinh vô dưỡng” thường xuyên xảy ra, nên việc đẻ nhiều cũng là một vấn đề tất yếu để đảm bảo duy trì nòi giống.
Mặt khác, truyền thống văn hóa của người Mông cũng có những tác động nhất định, chi phối quan niệm về số con trong gia đình. Cộng đồng người Mông lưu truyền quan niệm: Hạnh phúc của người phụ nữ được thể hiện qua khả năng sinh nở; điều bất hạnh đối với các cặp vợ chồng là không có con. Thêm vào đó, vì theo chế độ phụ hệ, ngoài mong muốn đông con nhiều cháu, họ nhất thiết phải có con trai. Người Mông quan niệm con trai là trụ cột của gia đình, vì vậy, khi sinh con trai, nhau thai sẽ được chôn dưới cột chính của ngôi nhà.
Ngoài việc tái sản xuất dân số, duy trì nòi giống và có nhân lực làm việc, gia đình người Mông còn có chức năng tái sản xuất/ trao truyền văn hóa tộc người. Gia đình duy trì và truyền dạy các truyền thống văn hóa tộc người thông qua quá trình xã hội hóa cá nhân, hình thành nhân cách các thành viên trẻ từ nhiều bình diện. Các thiếu nữ, chàng trai người Mông, khi bước vào tuổi trưởng thành, thường được những người phụ nữ, đàn ông đi trước dạy học hát dân ca, đánh trống, thổi khèn, thêu thùa, may vá… Ông bà bảo ban các cháu, bố mẹ bảo ban con cái về kiến thức văn hóa, cách thức thờ cúng tổ tiên, tiến hành các nghi lễ tôn giáo liên quan đến đời sống, ứng xử trong giao tiếp và vốn văn nghệ truyền thống. Vậy nên, chính gia đình đã đặt nền tảng văn hóa cho các thế hệ người Mông để họ trở thành những người có tri thức, kinh nghiệm sống, kỹ năng nghề nghiệp và biết cách giữ gìn, phát triển những yếu tố đó. Thực tế cho thấy cách dựng nhà, dệt vải, nấu nướng, thêu thùa, những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như nghề rèn, chạm bạc, dệt thổ cẩm, đan lát… tồn tại ở các làng bản, trước hết từ trong các gia đình.
Thiết chế dòng họ ở người Mông tồn tại khá đậm nét. Người Mông gọi dòng họ là Xênh, đó là anh em cùng tổ tiên, cùng huyết thống (tính theo hệ cha) và quan trọng hơn là phải cùng phong tục tập quán, đặc biệt có các nghi lễ thờ cúng gia đình giống nhau. Theo thống kê, hiện người Mông có khoảng 18 họ. Mỗi họ có tên gọi riêng, liên quan đến các con vật, cây, đồ vật hay màu sắc. Người Mông có những dấu hiệu riêng để nhận họ: Các thành viên trong dòng họ vì một lý do nào đó phải chia tay nhau, người ta thường trao cho nhau những vật làm tin như cái trống, thanh kiếm, mảnh đá… để sau này nhận lại họ của mình.
Đặc trưng cơ bản của dòng họ người Mông là tập đoàn ngoại hôn. Người trong họ lấy nhau bị coi là vi phạm phong tục/ tập quán pháp. Trước đây mỗi dòng họ thường cư trú trong một phạm vi đất đai nhất định do trưởng họ và chủ các gia đình trong họ khai phá, sau này có thêm nhiều dòng họ cư trú, nhưng mỗi họ vẫn ở thành cụm gần nhau.
Như vậy, đặc điểm cư trú của người Mông là gia đình cư trú theo cùng dòng họ, không cư trú đan xen với người khác tộc. Chính vì thế, các thành viên của dòng họ mang tính cố kết sâu sắc (yêu thương, đùm bọc, quan tâm, giúp đỡ nhau trong đời sống hằng ngày). Người Mông thường nói “Sống là người của dòng họ, chết là ma của dòng họ. Sống phải bảo vệ nhau, chết phải chôn cất cho nhau”. Đặc biệt, mối quan hệ này đã được nêu lên thành luật tục/quy ước. “Ý thức dòng họ, cộng đồng còn biểu hiện khá sâu sắc ở việc bảo vệ tính mạng cho nhau, bảo vệ sự sinh tồn và phát triển của dòng họ. Mối quan hệ, tính cố kết trong dòng họ của người Mông không phụ thuộc vào ranh giới hành chính quốc gia và
ở mức độ nào đó, còn độc lập với hệ thống tổ chức, chính quyền cấp cơ sở hiện nay” (2).
Mỗi dòng họ của người Mông thường có người đứng đầu gọi là hố pẩu (cái gốc) hay chủ súng (chủ họ). Trưởng họ phải là người có đạo đức, am hiểu các tục lệ, các bài cúng của dòng họ mình, rộng hơn là hiểu biết phong tục tập quán của tộc người Mông, có tài ứng xử, lý lẽ giỏi, thuyết phục được mọi người nghe theo. Ngoài ra, họ là người biết tổ chức và có khả năng lao động, có phẩm chất trung thực, biết quan tâm, chăm sóc người cùng họ và được các thành viên họ mạc tin cậy, tiếng nói của trưởng họ đóng vai trò quyết định đối với nhiều việc trong họ. Khi nào trưởng họ chết thì người đạt các tiêu chuẩn trên sẽ được suy tôn làm kế nhiệm, không theo kiểu cha truyền con nối. Trưởng họ có thể bị thay thế nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những đặc điểm mang tính riêng biệt của thiết chế dòng họ người Mông rất cần được xem xét, vận dụng trong quá trình biên soạn tiêu chí đánh giá để chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thiết chế làng/ bản của người Mông có thể coi là điển hình cho cấu trúc cư trú của các tộc người vùng núi cao phía Bắc. Đặc điểm nổi bật là bản của người Mông thường độc lập, ít xen kẽ với các tộc người khác. Các ngôi nhà tập trung chủ yếu trên những vùng núi cao với những sườn dốc lớn. Bản (tiếng Mông: giào, dò) là không gian sinh tồn của một cộng đồng người mà ranh giới của nó đã được vạch định và được cộng đồng các làng/bản khác thừa nhận. Trong không gian sinh tồn đó, những ngôi nhà được xây dựng theo quy cách riêng. Bản có đất đai canh tác, gồm ruộng, rẫy, những khoảng rừng dự phòng, rừng cấm, rừng đầu nguồn (nơi con người có thể săn bắn, hái lượm, khai thác lâm thổ sản), có bãi tha ma, bãi chăn thả gia súc, sông suối để đánh bắt cá… Tất cả những cái đó thuộc quyền sở hữu của toàn dân trong bản.
Số lượng cư dân trong mỗi bản của người Mông có thể lớn, nhỏ khác nhau, nhưng đều thuộc về những gia đình có mối quan hệ huyết thống hay láng giềng. Thường trong mỗi bản có từ 2 đến 3 họ; bản lớn có từ 6 đến 7 họ, trong đó đều có dòng họ lớn (họ gốc), người đứng đầu dòng họ nhiều khi cũng là trưởng bản. Họ hợp thành một cộng đồng xã hội tự quản, vận hành theo nguyên tắc luật tục/ tập quán pháp, gọi là “kế Mông kế li” hay “cái lý của người Mông” trong đó tính cộng đồng là nguyên tắc ứng xử vàquan hệ xã hội nền tảng. Tập quán pháp này buộc mọi cư dân dù ở bất cứ bản nào hay dòng họ nào cũng phải tuân theo.Tập quán pháp còn là cơ sở để các bản người Mông xây dựng quy ước nhằm giải quyết các vấn đề thiết yếu như: bảo vệ an ninh; trồng và bảo vệ rừng chung, rừng thiêng; nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau… Tập quán pháp là sợi dây vô hình nhưng bền chặt cố kết các thành viên trong bản.
Bản người Mông còn là một cộng đồng về văn hóa với những nghi lễ, tín ngưỡng và các sinh hoạt văn hóa chung khác như hát giao duyên,lễ cưới, lễ tang,hội gầu tào, chợ phiên…
Là tổ chức xã hội tự quản, bản của người Mông có bộ máy điều hành do dân lựa chọn, đứng đầu là trưởng bản (Mã phải, Seo phải), tham gia là một số già làng và chủ (đại diện) các gia đình để giúp việc trong các lĩnh vực. Chức năng của tổ chức tự quản này là điều hành các quan hệ xã hội, giữ gìn lễ nghi, phong tục và đại diện cộng đồng quan hệ với bên ngoài.
Nhìn chung, do sống ở vùng núi cao, xa nguồn nước, canh tác nương rẫy nên người Mông quy tụ thành các bản phân tán, quy mô tập trung dân cư không lớn như những bản của tộc người khác ở vùng thấp và thung lũng. Điều kiện này đã tạo sự liên kết không chặt chẽ của dân cư trên một địa bàn lãnh thổ, tạo nên một trong những nét đặc trưng riêng biệt của kết cấu làng bản. Thay vào đó, mối quan hệ huyết thống lại mạnh mẽ, tổ chức dòng họ chặt chẽ đã chi phối nhiều mặt của đời sống cư dân trong bản và ngoài bản. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho việc thự chiện, triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đến với người dân một cách hiệu quả.
3. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở các vùng người Mông sinh sống hiện nay
Xã hội nông thôn của người Mông hiện nay, tuy đã có nhiều biến đổi do tác động nội tại cũng như từ bên ngoài nhưng về cơ bản vẫn còn ở tình trạng xã hội cổ truyền tiền công nghiệp. Bởi vậy, những thiết chế xã hội cổ truyền vẫn tiếp tục chi phối nhiều mặt của đời sống tộc người. Trong tình trạng như vậy, nhiều yếu tố còn phù hợp, tạo nên sự ổn định và phát triển xã hội nhưng cũng có những yếu tố, những phương diện đã trở thành lỗi thời và đang là lực cản cho sự phát triển, cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội. Vì vậy, việc nhận biết vai trò,đặc điểm của thiết chế xã hội người Mông để từ đó chọn lọc, kế thừa và sử dụng những truyền thống tốt, phù hợp, nhằm xây dựng đời sống văn hóa sao cho sát thực, hiệu quả là một vấn đề hết sức cần thiết.
Thực tế, gia đình, dòng họ, làng bản người Mông hiện nay vẫn tồn tại như một hệ thống thiết chế xã hội độc lập, thực hiện nhiều chức năng, nhất là các chức năng kinh tế, văn hóa. Tuy nhiên, không phải toàn bộ đặc trưng của gia đình truyền thống, quy ước của dòng họ, tập quán pháp đều có tác động tích cực,thúc đẩy quá trình phát triển. Tình trạng kết hôn sớm (tảo hôn), tổ chức ăn uống linh đình, địa vị thấp kém của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, số trẻ em được đi học thấp, cách thức cư trú biệt lập… là những hiện thực cần phải được thay đổi trong đời sống hiện nay.
Hình thức gia đình lớn của người Mông cũng đang dần không phù hợp với cách thức tổ chức và quản lý sản xuất hiện tại, không phát huy được thế mạnh của mỗi cá nhân. Ngày nay, kinh tế hộ nông dân, kinh tế trang trại và dịch vụ đóng vai trò cơ bản. Các mô hình kinh tế này sẽ dẫn tới sự thay đổi về quy mô,tổ chức gia đình, tác động đến quan niệm sinh đẻ cũng như các vấn đề văn hóa, giáo dục và đào tạo.Vì vậy, cần phải tính tới những biện pháp điều chỉnh văn hóa sao cho vừa phù hợp với tình hình mới, vừa bảo lưu được các giá trị truyền thống.
Làng bản là một thiết chế xã hội bền vững, là môi trường sinh tồn, sản xuất, sinh hoạt xã hội và văn hóa của cộng đồng người Mông. Xưa kia cũng như hiện nay, nó đóng vai trò là đơn vị xã hội cơ sở ở nông thôn. Bởi vậy, việc củng cố cơ cấu làng bản, coi đó như là tổ chức xã hội cơ sở còn phù hợp và là nhân tố ổn định trong quá trình phát triển nông thôn hiện nay là cần thiết.
Làng bản chính là môi trường sáng tạo, lưu giữ, duy trì, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời làng cũng là cơ sở cho việc chấn hưng văn hóa và xây dựng nền tảng văn hóa mới.
Ngày nay, khi vấn đề bảo vệ rừng và môi trường sống đặt ra gay gắt thì việc sở hữu công cộng của làng bản người Mông trên phạm vi đất đai, sông suối (sau khi xóa bỏ được tập quán đốt rừng làm nương rẫy) có ý nghĩa khẳng định chủ nhân, tránh tình trạng đất vô chủ, hạn chế phá rừng, tăng cường giữ gìn và phát triển tài nguyên.
Tuy nhiên, làng bản người Mông và các quan hệ làng bản vẫn bộc lộ những hạn chế trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đổi mới bộ mặt nông thôn hiện nay. Tính chất khép kín (tính biệt lập), các quan hệ ràng buộc chung còn phổ biến, tập quán pháp vẫn là cơ sở vận hành xã hội… đã và đang tạo thành lực cản cho việc hòa hợp của người Mông với các cộng đồng tộc người khác ở xung quanh. Mặt khác, tư tưởng bình quân, tâm lý cào bằng trong môi trường làng bản cũng ảnh hưởng đến việc giải phóng cá nhân, phát huy sáng tạo trong lao động sản xuất, hoạt động xã hội của mỗi thành viên trong cộng đồng. Bởi vậy phải có những biện pháp đặc biệt nhằm phát triển kinh tế, giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức cho người dân. Việc xây dựng bản văn hóa là chìa khóa để thúc đẩy quá trình mở cửa và hòa nhập của người Mông. Các cơ quan quản lý cần xây dựng các tiêu chí, các quy định sao cho có sự kết hợp hài hòa, vừa kế thừa được những điều hay của tập quán pháp, quy ước dòng họ, vừa đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật. Ví dụ, khi xây dựng các tiêu chí gia đình văn hóa, bản văn hóa, một mặt cần dựa trên đặc điểm thiết chế xã hội truyền thống của người Mông, song mặt khác, cũng cần đưa ra những tiêu chí nhằm hạn chế ở mức độ vừa phải những mặt tiêu cực của đời sống tộc người như: thực hiện định canh định cư; kế hoạch hóa gia đình (mức sinh của người Mông từ 3 đến 4 con là có thể chấp nhận được); không có hiện tượng tảo hôn; không có trẻ em thất học; không có hiện tượng mê tín dị đoan, tổ chức cưới xin,ma chay tốn kém; không có tệ nạn hút thuốc phiện.
Việc biên soạn, điều chỉnh các tiêu chí gia đình văn hóa, bản văn hóa, ngoài đội ngũ am hiểu luật pháp, am tường về phong tục tập quán, cần huy động sự hỗ trợ của các đoàn thể quần chúng, những người có uy tín trong bản, trong dòng họ. Người dân phải được thảo luận, đưa ý kiến nói “không” hay “đồng ý” với các tiêu chí, quy ước để họ có ý thức thực hiện, thấy được lợi ích đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Đặc biệt, các cán bộ lãnh đạo địa phương cần phối hợp với cộng đồng, các đoàn thể, người quản lý bản, dòng họ để điều chỉnh tập quán pháp thành quy ước làng văn hóa. Có chỉnh sửa, tập quán pháp mới phù hợp với thời đại mới, không lệch hoặc không đối kháng với luật pháp chung. Do trình độ dân trí thấp, hầu hết đồng bào người Mông vẫn chưa xây dựng được lối sống theo pháp luật. Họ không coi trọng pháp luật mà chỉ coi trọng tập quán pháp cùng các quy ước do bản/dòng họ xây dựng.Vì vậy, việc điều chỉnh tập quán pháp sẽ tạo hiệu quả cao cho quá trình thực thi các quy định, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện được những điều nêu trên, cần phải làm từng bước và trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Vai trò của các trưởng bản, già làng, trưởng họ, thầy cúng… cần được hết sức coi trọng vì tiếng nói của họ tác động rất mạnh đến người dân. Bởi vậy, cần tạo nên sự hài hòa giữa các thiết chế xã hội truyền thống với các tổ chức chính quyền, đoàn thể, lấy cách thức quản lý dòng họ, làng bản làm nòng cốt để dễ dàng tập hợp và vận động quần chúng, triển khai các hoạt động chung, giải quyết các mâu thuẫn, tạo mối quan hệ xã hội ổn định. Phương thức tuyên truyền tốt nhất là tuyên truyền trực tiếp, thông qua chính các trưởng bản, già làng, trưởng họ; thông qua các thanh, thiếu niên người Mông được đi học ở trình độ phổ thông trung học. Các đối tượng này cần biết trước và hiểu rõ mục đích, nội dung, ý nghĩa các chương trình xây dựng đời sống văn hóa.
Một ưu điểm của thiết chế xã hội truyền thống là ý thức cộng đồng bản, dòng họ ở người Mông vẫn tồn tại đậm nét, tạo điều kiện cho văn hóa dân gian được bảo tồn và phát triển. Người Mông rất thích hát dân ca, múa khèn, thổi kèn lá… Tham gia các hoạt động này, họ thấy được sự bình đẳng, thấy được sức mạnh cộng đồng, hơn nữa, lại được trực tiếp thể hiện bản thân mình… Vì vậy, văn hóa dân gian nhận được sự hưởng ứng của đồng bào Mông nhiều hơn văn hóa mới. Điều này rất cần thiết cho mục tiêu bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian truyền thống theo định hướng chiến lược phát triển văn hóa đất nước.
Hằng ngày, cuộc sống người Mông rất bận rộn và vất vả do điều kiện sống và phương thức sản xuất. Họ làm việc từ sáng đến tối với các công việc: nương rẫy, chăn nuôi, se lanh, dệt vải…Trừ khi có phiên chợ, ít khi họ có thời gian rỗi hàng ngày. Do đó, các loại hình văn hóa mới như xem phim, hoạt động nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ phù hợp với nhu cầu thời gian rỗi không thu hút được họ. Ngược lại, họ có thời gian nghỉ ngơi theo mùa vụ (thời điểm nông nhàn sau khi thu hoạch, trong khoảng từ 2 đến 3 tháng). Thời gian này họ tổ chức nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian như các lễ thức, lễ hội, hát giao duyên… Mặt khác, việc tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian cũng đơn giản và ít tốt kém hơn so với tổ chức các hoạt động văn hóa mới.Khi văn hóa dân gian được khơi nguồn, gìn giữ và phát huy thì sẽ nhận được sự tham gia chủ động, tự giác, tích cực của cộng đồng.
Như vậy, cơ chế vận hành của đời sống văn hóa người Mông ở miền núi phía Bắc là cơ chế dân gian trong một thiết chế xã hội tương đối chặt chẽ. Với cơ chế này, người dân không chỉ có nhu cầu hưởng thụ văn hóa mà còn luôn trực tiếp tham gia vào việc tạo ra và giới thiệu các sản phẩm văn hóa… Cơ chế vận hành này cần được vận dụng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở cho phù hợp.
Các nhà quản lý muốn tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa nơi đồng bào người Mông sinh sống, cần chú ý đến thời gian rỗi của bà con, lựa chọn loại hình nghệ thuật dân gian mà bà con yêu thích để thu hút được đông đảo người dân đến tham dự. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cũng phải được tính toán kỹ, bởi dù đưa các thiết chế như thư viện, nhà văn hóa; các trang thiết bị như đầu máy video, loa, đài… cũng chưa thể làm cho người dân có được một đời sống văn hóa đích thực nếu như ở đó thiếu những sinh hoạt văn hóa văn nghệ tự thân của họ (những buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt hội lễ, những buổi trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian…) vốn diễn ra một cách tự nhiên bên bếp lửa gia đình.
Bên cạnh việc phát huy những yếu tố tích cực của thiết chế xã hội truyền thống, chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng người Mông, xóa bỏ phương thức canh tác “chặt, đốt” (phá) rừng làm nương rẫy, chuyển sang cơ cấu kinh tế trang trại, dịch vụ với những phương thức kỹ thuật mới như phát triển vùng trồng cây nông sản, trồng thảo quả, chè, cây ăn quả, cây dược liệu; hình thành mô hình trang trại du lịch, các điểm du lịch cộng đồng, phát triển các dịch vụ du lịch; khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống, hướng tới sản xuất hàng xuất khẩu, hàng lưu niệm phục vụ du lịch. Đây là giải pháp quan trọng, gốc rễ, giúp giải quyết được các vấn đề gia đình như kết hôn sớm, sinh đẻ nhiều, thất học; vai trò người phụ nữ trong gia đình và vấn đề bình đẳng giới trong xã hội người Mông.
Tóm lại, việc kế thừa các yếu tố tích cực, hạn chế những yếu tố lạc hậu trong thiết chế xã hội truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là vấn đề quan trọng, cấp bách đối với các vùng, địa phương có đồng bào người Mông cư trú hiện nay.
B.T.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Văn Bính (chủ biên, 2004), Văn hóa các dân tộc Tây Bắc: Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Cư Hòa Vần, Hoàng Nam (1994), Dân tộc H’môngở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
3. Viện Dân tộc học (1978), Các dân tộc ít người ở Việt Nam, Tập 1 (các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. http://www.đtcp.org.vn.
Nguồn: Nghiên cứu Văn hóa, Số 19 – Tháng 3 – 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)