Thiết kế đồ họa quảng bá cụm di tích Kiên Thái Vương – Đồng Khánh – Ngưng Hy

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  PHAN KHÁNH TRANG
(Khoa Mỹ thuật Ứng dụng)

1. Thực trạng quảng bá du lịch tại Huế hiện nay

     Huế là một thành phố du lịch với các di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận, là nơi duy nhất ở nước ta mà các di tích thời phong kiến vẫn còn lại khá nguyên vẹn. Đây cũng chính là điểm thu hút du khách tới tham quan, là một nguồn lợi kinh tế quan trọng của tỉnh TT Huế. Tuy vậy tiềm năng này lại chưa được đầu tư quảng bá hiệu quả, một số tour lữ hành ở Huế chưa có cách thức giới thiệu và tổ chức có sức thu hút. Dù thế mạnh của Huế là du lịch văn hóa nhưng phần hình ảnh quảng cáo hiệu quả nhất hiện nay lại là du lịch nghỉ dưỡng, mà đa phần là của các công ty tư nhân như khách sạn, resort quảng bá cho riêng mình. Các tour hầu như cũng không đầu tư về phần hình ảnh và quảng bá thực sự cho tour của mình cũng như các điểm đến của tour.

     Khi tham khảo một số tour du lịch về lăng tẩm Huế, chúng ta dễ nhận thấy các công ty lữ hành chỉ chủ yếu liệt kê các hoạt động để du khách hình dung lộ trình, chủ yếu là được thực hiện bằng văn bản chữ, nếu có chăng chỉ là một vài hình ảnh sơ sài về điểm đến. Quả thực điều này đã làm giảm bớt phần nào hứng thú tìm hiểu và sự lôi cuốn cũng như thiếu tính thuyết phục du khách. Việc quảng bá cho các điểm đến du lịch ở Huế hầu như chỉ có tính thông tin và minh họa sơ sài. Đối với cụm di tích lăng hoàng tử Kiên Thái Vương, lăng Đồng Khánh, điện Ngưng Hy (KTV-ĐK-NH) dù đã có những hoạt động tour đáng kể và mật độ ngày càng tăng, nhưng chưa có quảng bá gì đáng kể về hình ảnh mỹ thuật cũng như các thiết kế, quảng bá đồ hoạ khác.

2. Thiết kế đồ hoạ quảng bá cho tour cụm di tích lăng Kiên Thái vương, lăng Đồng Khánh, điện Ngưng Hy.

     2.1 Nhận diện

     Cụm thiết kế dự kiến gồm có các thành phần : Biểu trưng cho tour du lịch, Poster quảng bá tour, Brochue giới thiệu chi tiết cấu trúc tour. Một số phụ kiện khác: Đồng phục của du khách tham gia tour, vé tour, đĩa CD … Nét đặc sắc của lăng Kiên Thái Vương là câu chuyện lịch sử một nhà sinh được 3 vua. Cũng từ nét đặc trưng này đã hình thành cho chúng tôi ý tưởng thiết kế cho tuyến tour trong liên kết với lăng Đồng Khánh và điện Ngưng Hy.

     Quần thể di tích gồm 3 thành phần riêng biệt: Lăng hoàng tử Kiên Thái Vương, lăng Đồng Khánh, điện Ngưng Hy – nơi thờ cúng 2 người là hoàng tử Kiên Thái Vương và vua Đồng Khánh nhưng không khỏi làm ta liên tưởng đến 2 người còn lại con của Kiên Thái Vương là Kiến Phúc và Hàm Nghi. Đó là một phần tạo nên sự thú vị của câu chuyện lịch sử đặc biệt, góp phần làm nên nét đặc sắc, huyền bí đầy âm vọng của khu di tích này. Quần thể cụm di tích KTVĐK-NH là sự hiện hữu gợi ra những điều sâu kín, hoài vọng quá khứ mà ta khó có thể nắm bắt từ cái nhìn hiện tại nhưng lại thấy đầy day dứt, xao động bởi thời gian. Cái thực và ảo của cụm di tích KTV-ĐK-NH là những yếu tố tâm linh, mỹ cảm mà người ta có thể cảm nhận được khi đến đây. Cái ảo đó chính là sự đồng vọng, vọng về những người đã khuất, vọng về một triều đại đã mất, vọng về những điều không thể thấy lại trong thực tại mà chỉ cảm nhận qua những dấu tích đang hiện hữu và còn mãi với thời gian, với sự liên tưởng xa xăm và huyền bí. Đó là những ý nghĩa đồng vọng hàm chứa sâu sắc tinh thần nhân văn và những câu chuyện kỳ bí mà người đời sau vẫn mãi suy ngẫm, động lòng trắc ẩn.

     Từ tính chất trên hình thức của toàn bộ thiết kế sẽ tạo nên bởi sự đan xen giữa thực và ảo, những hình ảnh đồ họa có thể là ảnh thực đôi khi chỉ là những hình tượng gợi sự tưởng tượng của người xem.Vì quần thể cụm di tích KTV-ĐK-HN là câu chuyện không thể tách rời giữa một người cha và ba người con làm vua trong những thời điểm éo le, đầy bi kịch của lịch sử.

     2.2 Phương án logo

     Logo là hình đầu rồng được cách điệu vì con rồng chính là biểu tượng cho vương quyền, cho hoàng tộc. Logo sử dụng một màu tím đơn sắc. Nếu trong dân gian coi màu tím là sự bình dị, chân thành, màu của người dân lao động thuần phác, thì ở tầng lớp thị dân, màu tím vẫn được coi là màu sắc quý phái, trang nhã, là sắc màu của tâm linh huyền bí. 

     Ngoài ra bản thân màu tím cũng mang lại cảm giác tâm linh, một sự hoài niệm về quá khứ, rất hợp với đề tài lăng tẩm và sự hoài niệm.

     2.3 Phương án brochure

     Phương án brochure với hình thức gấp gồm 3 phần, với cách gấp này người xem sẽ mở và xem từ chính giữa rồi toả ra 2 bên, khơi gợi cách mở các cuốn thư xưa. Phần trình bày gồm: Tờ bìa 1 và 2 sử dụng hình ảnh cánh cổng gỗ sơn đỏ son và đỏ gạch, một hình ảnh quen thuộc thường thấy ở mỗi khu di tích Huế, nhất là tại khu vực lăng tẩm. Đây là hình ảnh ngụ ý cho sự ấp ủ, khơi gợi người xem khám phá. Tờ bìa 3, mặt sau brochure là hình ảnh tấm bản đồ, đây là sự tiện ích mà du khách có được khi lưu giữ brochue trong hành trình. Hình ảnh này nằm chìm trên một mảng tường rêu phong, lại một gợi nhắc về tính chất cổ kính, xưa cũ của điểm tham quan cụm di tích văn hoá lịch sử và mỹ thuật KTVĐK-HN.

     Tờ ruột được chia làm 4 phần theo thứ tự : Phần tổng quát quần thể di tích – Phần chi tiết các khu vực: Lăng Đồng Khánh – lăng Kiên Thái Vương – điện Ngưng Hy. Phần chi tiết các khu vực được thể hiện bằng những hình ảnh nổi bật, đặc sắc mang dấu ấn riêng của nó như hình ảnh khảm sứ ở lăng Kiên thái Vương, Hình ảnh phù điêu đất nung ở điện ngưng Hy, hình ảnh trang trí nề vữa đắp nổi lăng Đồng Khánh.

     2.4 Phương án Poster

     Hình ảnh của 3 khu vực trong cụm di tích lăng hoàng tử Kiên Thái vương, lăng Đồng Khánh, điện Ngưng Hy đều xuất hiện, đưa đến cho người xem sự hình dung khái quát nhất về quần thể di tích này. Các hình ảnh sử dụng trong poster lấy phần mái của cổng Tam quan, cổng Bửu thành hoặc cổng Tam quan điện Ngưng Hy. Đồng thời chính phần mái này cũng được chọn lọc mang các hình ảnh rất đặc trưng của từng khu vực: Gốm đất nung của điện Ngưng Hy, khảm sứ của lăng Kiên Thái Vương, trang trí nề vữa và nhà bia của lăng Đồng Khánh.

     Trong nhiều thành phần kiến trúc của lăng Kiên Thái Vương, cổng Bửu Thành là một thành tố kiến trúc nổi bật. Nhìn chung khối thể kiến trúc toát lên một nét đẹp gồ ghề, va đập, với những khối lồi lõm âm dương đan xen phảng phất nét đặc trưng của những tháp Chàm xưa kia. Sự ảnh hưởng kiến trúc Chàm trong mỹ thuật thời Nguyễn là điều dễ hiểu vì nguyên vùng đất này là của người Chàm trong 10 thế kỷ trước. Cổng Bửu thành là một trong những công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn còn giữ được màu cam chàm trong vòng cổng, đó là sắc màu biểu thị ranh giới ước lệ giữa tâm linh và cuộc đời. Cổng Bửu thành lăng Kiên Thái Vương trở thành hình ảnh đặc trưng tiêu biểu cho kiến trúc của lăng Kiên Thái Vương.

     Với ý đồ cát cứ lâu dài, xây dựng thế lực chính trị mới ở Đàng Trong, từ thời các chúa Nguyễn, kiến trúc Đàng Trong đã có những nét khác biệt so với Đàng Ngoài. Dẫu vậy, thi thoảng cũng tìm thấy bóng dáng của kiến trúc đình chùa Bắc trong kiến trúc thời các vua Nguyễn, một trong những công trình đó là Tam quan điện Ngưng Hy, với những cột gỗ to lớn với 2 tầng mái và tường bao có nét tương đồng và gợi nhớ sâu sắc về hình ảnh ngôi đình miền Bắc, những hình ảnh quen thuộc trong tâm thức và mỹ cảm của người Việt. Nét duyên dáng, trữ tình, gần gũi của Tam quan điện Ngưng Hy vừa là cái riêng và là cái chung của sự hài hoà trong công trình kiến trúc.

     Được làm vào thời Khải Định, vì thế kiến trúc của lăng Đồng Khánh có nét tương đồng với kiến trúc lăng Khải Định, rõ nét nhất là ở các trụ biểu và mái nhà bia do vậy nhà bia vừa có nét phương Đông ở hoa văn trang trí ở bờ mái, nhưng lại cũng có những nét phương Tây mạnh mẽ ở vòm cuốn cột giả. Hai yếu tố văn hoá Đông Tây đan xen làm cho nhà bia lăng Đồng Khánh có những nét u nhã, huyền bí như những Stupa Ấn Độ, nhà bia nổi bật giữa không gian tĩnh lặng của lăng tạo nên sự trầm lắng hoài cổ.

     2.5 Một số phương án phụ kiện

    Áo: Áo pull là một thành phần quà tặng của tuyến tour đối với du khách, tạo nên sự khác biệt của các nhóm du khách trong tour với những nhóm tour khác, đồng thời đây sẽ là một vật kỹ niệm đại chúng về chuyến đi sau khi hành trình tham quan kết thúc. Áo được thiết kế đơn giản với hình ảnh logo phía mặt trước, do đó có thể phù hợp với mọi thành phần đối tượng.

     Vé ra vào khu vực di tích : Đây là thành phần quan trọng trong một tuyến tour nhằm quản lý lượng du khách tham quan, nhưng đồng thời cũng tạo nên ấn tượng ban đầu về địa điểm mà du khách sẽ tham quan. Chiếc vé được thiết kế theo hình dạng của một chiếc thẻ kim bài, một dạng có giá trị như giấy thông hành, dùng để ra vào nơi cung cấm thời xưa. Cơ sở của việc nghiên cứu giá trị nghệ thuật, thiết kế cụm đồ hoạ quảng bá cho cụm di tích là tư tưởng bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Những hình ảnh có tính đồ hoạ quảng bá về kiến trúc nghệ thuật của cụm di tích với tư cách là một bộ phận cấu thành của thẩm mỹ kiến trúc cung đình Nguyễn. Từ đó có sức lôi cuốn, thu hút sự chú ý của mọi người về tour du lịch di sản này.

     Thiết kế đã coi trọng sự chắt chiu từng hình ảnh cho phù hợp với mục tiêu quảng bá tuyến tour với những công trình, địa điểm xác định, trong poster chính, chất liệu của mỗi khu vực trong di tích đã được thể hiện bằng những mảng màu đặc trưng, nên trên poster, các công trình kiến trúc của cụm di tích lăng hoàng tử Kiên Thái vương, lăng Đồng Khánh, điện Ngưng Hy mang màu sắc đặc trưng cho di tích đó : màu đỏ (điện thờ sơn son thếp vàng) của điện Ngưng Hy, màu xanh lam (khảm sành sứ) của lăng Kiên Thái Vương, màu xám (nề vữa) của lăng Đồng Khánh. Hiệu quả thiết kế quảng bá nghệ thuật cho cụm di tích KTVĐK-NH sẽ tạo ra và dẫn dắt du khách đến với những giá trị di sản văn hoá đích thực khác, mỗi hình ảnh thiết kế như vòm cổng, cột, bờ mái … là điểm nhấn quan trọng, làm nổi bật đặc trưng văn hoá của cụm di tích và tạo nên sự khác lạ, đặc sắc của tour mở rộng này. Từ đó, mỗi poster được thiết kế tốt sẽ góp phần quảng bá cho tour và khẳng định được điểm nhấn độc đáo của tour mở rộng.

     Tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển mạnh về du lịch, phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra đón gần 3 triệu lượt du khách, trong đó có gần 50% là khách du lịch quốc tế trong năm 2014. Trong tình hình như vậy, hy vọng việc thiết kế quảng bá tour mới với cụm di tích lăng Kiên Thái Vươnglăng Đồng Khánh và điện Ngưng Hy sẽ góp phần quảng bá du lịch di sản, có thêm tiếng nói trong việc bảo tồn giá trị văn hoá Huế như lời của ông A. M. Mbaw (Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO) từng phát biểu: “Huế phải được cứu vãn cho Việt Nam, mà Huế là một cao điểm thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, và cứu vãn cho thế giới, vì Huế cũng là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa loài người”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Phan Thanh Bình (2007). Tính khác biệt và độc đáo trong khảm sứ trang trí lăng Kiên Thái Vương. Tạp chí Mỹ thuật, số 168 (trang 7-11).

     2. Chu Quang Trứ (2000) Văn hoá mỹ thuật Huế, Nxb Mỹ thuật. Hà Nội.

     3. Nhiều tác giả(2003). Sông Hương dòng chảy văn hoá. Nxb VH-TT. Hà Nội.

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02.2014

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thiết kế đồ họa quảng bá cụm di tích Kiên Thái Vương – Đồng Khánh –
Ngưng Hy (Tác giả: ThS. Phan Khánh Trang)