THỜ CÚNG TỔ TIÊN – Sự tiếp biến văn hoá công giáo với văn hoá bản địa và những vấn đề cần nghiên cứu

1. Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ XVI. Trong quá trình hình thành và phát triển ở Việt Nam, đạo Công giáo đã có những xung đột với văn hoá bản địa, đặc biệt là vấn đề thờ cúng tổ tiên. Vấn đề này đã được giới học giả trong và ngoài Công giáo nghiên cứu. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác trong quá trình tiếp biến của văn hoá Công giáo với văn hoá bản địa cần được nghiên cứu. Trong tham luận này chúng tôi đề cập đến vấn đề thờ cúng tổ tiên trong cộng đồng người Công giáo để thấy được quá trình tiếp biến của văn hoá Công giáo với văn hoá truyền thống bản địa. Qua đó, chúng tôi sẽ nêu lên một số những vấn đề cần quan tâm mở rộng nghiên cứu về mặt văn hoá dưới góc độ tôn giáo – tín ngưỡng.

2. Quan điểm và thái độ ứng xử của đạo Công giáo với vấn đề thờ cúng tổ tiên

     2.1. Thái độ ứng xử của Toà thánh La Mã

     Vấn đề thờ cúng tổ tiên của Công giáo tại Việt Nam nói riêng, ở phương Đông mà chủ yếu là Trung Quốc kéo theo sự quan tâm của hơn chục vị Giáo hoàng trên nhiều ngả với những cuộc tranh luận giữa các thừa sai thuộc các dòng truyền giáo khác nhau. Trong khi các linh mục dòng Tên ở Trung Quốc không lên án cúng tế Khổng Tử và ông bà ông vải, thì các thừa sai Pháp ở Việt Nam lại phản đối quyết liệt vì cho rằng nghi lễ ấy là rối đạo không khác gì lễ nghi thờ Bụt, thờ Thần. [3, tr. 202]

     Giáo hoàng Clemente XI (1700 – 1721) tổ chức một hội nghị gồm các giám mục để bàn về vấn đề này và sau đó chấp nhận bản nghị quyết của Toà Điều tra trong Tông hiến đề ngày 20-11-1704. Theo đó Giáo hoàng buộc các giám mục, linh mục của tất cả các dòng truyền giáo đều phải tuân theo Toà thánh trong việc bác bỏ thờ cúng tổ tiên. Không chấp nhận bất kể sự khiếu nại nào. Giáo hoàng Clemente XI còn ban hành Tông chiếu Exilladie đề ngày 19-3-1715, nhắc lại hai Tông hiến 1704 và 1710 và Sắc lệnh Nam Kinh 1707 phạt vạ tuyệt thông những ai không tuân phục Toà thánh La Mã về những lễ nghi đã bị bác bỏ, buộc các thừa sai ở phương Đông (trong đó có Việt Nam) phải tuyên thệ trung thành với Toà thánh La Mã trong vấn đề này.

     Giáo hoàng Benedicto XIV (1740 – 1758) ban hành Tông chiếu Exquo đề ngày 11-7-1742 truyền phải tuân theo Tông chiếu Exilladie (1715), phạt vạ tuyệt thông tất cả những ai bất tuân. Đến lúc đó cuộc tranh luận thờ cúng tổ tiên tạm chấm dứt.

     Vấn đề thờ cúng tổ tiên được bàn trở lại nửa đầu thế kỉ XX với Huấn dụ Plane Compertn est của Thánh bộ Truyền giáo La Mã, được Giáo hoàng Piô XII chấp thuận ngày 7-12-1939. Huấn dụ bác bỏ hai Tông chiếu Exquo (1742) và Exilladie (1715). Tiếp theo giáo hoàng ra sắc lệnh Summi Portificantus công nhận những nghi lễ thờ cúng tổ tiên không phải là những nghi lễ đích danh tôn giáo, mà chỉ là những biểu thị lòng sùng bái chính đáng đối với những bậc tài đức trong nước cũng như lòng hiếu thảo đối với người quá cố.

     Vấn đề thờ cúng tổ tiên được tái khẳng định trong Công đồng Vatican II (1962-1965), trong đó nhấn mạnh đến sự hiệp thông với người đã mất như sau: Tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh thần, đều họp thành một giáo hội duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài (Ep 4,16). Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa người còn sống dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Nhận biết đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, giáo hội lữ hành hết lòng kính nhớ dâng lời cầu cho người đã chết. Vì “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành Thánh” (2 – Macabê 12, 46) (GH 49 – 50).

     2.2. Thái độ ứng xử từ các đoàn truyền giáo với vấn đề thờ cúng tổ tiên tại Việt Nam

     Dòng Đa Minh: Dòng Đa Minh là một trong những dòng truyền giáo có mặt đầu tiên tại Việt Nam. Năm 1679, Toà thánh La Mã chia địa phận Đàng Ngoài thành hai: địa phận Tây và Đông Đàng Ngoài. Địa phận Đông Đàng Ngoài được giao cho dòng Đa Minh cai quản. Có thể nói, trong các dòng truyền giáo ở Việt Nam thì dòng Đa Minh có thái độ tiêu cực nhất đối với vấn đề thờ cúng tổ tiên.

     Ngày 7-6-1759, Pater lui Huy bề trên cả đại diện tông toà coi địa phận Đông ra thư gửi cho các giáo sĩ và giáo dân địa phận nói về 36 “sự rối nước An Nam, Đức Thánh Pha Pha đã đoán phi”, trong đó có nhiều “sự rối” về thờ cúng tổ tiên 1. Năm 1796, Đức thầy Phê ra thư gửi bổn đạo địa phận Đông nhắc lại việc cấm làm nhà táng, khi đưa xác không được đi kiệu ông thánh nọ, bà thánh kia 2. Dòng Đa Minh có đưa ra một số lễ thức cho việc “đưa xác” người qua đời, chấp nhận một số phong tục như nhận câu đối phúng viếng của gia quyến trong tang ma. Tuy nhiên các câu đối đó phải đảm bảo nguyên tắc “không có điều gì phạm sự đạo”.

     Hội truyền giáo Paris (MEP): Về tổng thể thì quan điểm vẫn là nghiêm cấm giáo dân thực hành thờ cúng tổ tiên. Tại Huế, trong một thời gian dài, các thừa sai hội Truyền giáo Paris và các thừa sai dòng Tên bất đồng với nhau về cách nhìn nhận và ứng xử với thờ cúng tổ tiên. Tư liệu lịch sử cho biết một số địa phận đặt dưới quyền cai quản của hội Truyền giáo Paris, giáo dân được phép thực hiện hình thức cúng hậu. Thời điểm cuối thế kỉ XIX ngày càng nhiều người nộp tiền của, đất đai vào nhà thờ để xin lễ hậu. Người xin cúng hậu gồm cả người có con trai và người không có con trai nối dõi. Đôi khi con trai của người nào đó đem ruộng đất, hương hoả của cha mẹ để lại cúng hậu vào nhà thờ để hàng năm nhà thờ lo cầu nguyện linh hồn cho bố, mẹ (hoặc có khi cả ông bà) dịp ngày giỗ. Dần dần, cúng hậu đã trở thành một vấn đề mà không chỉ linh mục, giám mục mà cả Toà thánh La Mã quan tâm. Năm 1905, Toà thánh La Mã ban sắc truyền về cúng hậu.

     Trong việc tưởng nhớ người qua đời, giáo hội Công giáo lấy ngày 2-11 hàng năm để cầu cho các tín hữu đã qua đời và cầu cho các đẳng hoặc cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục. Đây là dịp để các tín hữu cầu cho các linh hồn của người thân đã quá cố được nhẹ tội và có thể lên Thiên đàng.

__________
1. Những thư chọn trong các thư chung…Q1, In tại Kẻ Sặt, 1903, tr. 11-19.

2. Những thư chọn trong các thư chung…Q1, In tại Kẻ Sặt, 1903, tr. 46.

3. Thờ cúng tổ tiên – một đạo hiếu truyền thống của người Việt

     Thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam, tục thờ cúng tổ tiên đã thực sự ăn sâu trong đời sống xã hội và tâm thức dân tộc Việt Nam. Trong mọi gia đình người Việt Nam từ lâu tín ngưỡng này đã trở thành đạo lí “uống nước nhớ nguồn” trên nền của “đạo hiếu”. Thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam ngày càng được củng cố, mở rộng thêm khi mà các nền văn hoá Đông, Tây du nhập vào. Với sự giao thoa các yếu tố văn hoá từ bên ngoài, có những quan điểm khác nhau về thờ cúng tổ tiên ở những giai đoạn lịch sử, ở những luồng tư tưởng khác nhau như tư tưởng của Nho giáo, tư tưởng của Phật giáo, Công giáo.

     Người Việt quan niệm rằng, con người có hồn và xác, xác thì có chết nhưng hồn thì tồn tại mãi ở thế giới khác, mà hồn mới là yếu tố cao quý của một con người. Hồn và xác liên kết nhau tạo nên sinh vật hoạt động được. Linh hồn chỉ thoát ra khỏi thể xác khi thực sự đã chết 1. Người Việt quan niệm “dương sao âm vậy”, con người sau khi chết còn có một cuộc sống nơi suối vàng giống như cuộc sống nơi trần thế với những nhu cầu tất yếu như ăn, mặc, chi tiêu và cả tích luỹ phòng khi bất trắc. Do vậy, những người thân cần cúng giỗ để tổ tiên không bị thiếu thốn nơi âm gian, nơi chín suối. Người Việt cho rằng “chín suối” là nơi sinh tồn của linh hồn tổ tiên sau khi thác, giống như cõi Niết Bàn trong quan niệm của Phật giáo, nơi Thiên Đàng của Công giáo.

_________
1. Về vấn đề liên quan đến hồn và xác xem thêm chương V trong Những bí ẩn sau cõi chết, tác giả Đoàn Văn Thông, Nguồn sống xuất bản năm 1994, các chương III, V và VIII.

     Với quan niệm như vậy, người Việt coi việc cúng giỗ là một đạo hiếu và họ không bao giờ bỏ cúng giỗ ông bà cha mẹ, cúng giỗ tổ tiên của mình. Việc cúng giỗ là biểu hiện mối dây liên kết mật thiết giữa tổ tiên – những người đã khuất – với con cháu – những người còn sống. Hay chính là biểu hiện mối quan hệ giữa hai thế giới của người sống và người đã thác. Mặt khác, thờ cúng tổ tiên chính là việc con cháu thể hiện sự biết ơn của mình đối với công giáo dưỡng của cha mẹ. Chính vì vậy việc cúng giỗ càng chu toàn bao nhiêu thì lòng con cháu càng an tâm thanh thản bấy nhiêu. Từ lòng tôn kính, sự mong muốn báo đáp cho tổ tiên ở nơi “chín suối”, từ niềm tin vào linh hồn tổ tiên sau khi thác, con cháu tìm cách báo hiếu với tổ tiên bằng việc cúng giỗ, thắp hương tưởng niệm, cẩn báo với tổ tiên mỗi dịp lễ tết, mỗi khi có việc trọng đại như hôn nhân hay tang lễ,… Đây cũng là những dịp người lớn muốn nhắc nhở cho con cháu về cội nguồn của dòng họ và ghi nhớ việc báo hiếu với tiên tổ. Trong các cuộc điều tra về tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo tiến hành từ 1995 đến nay thì người Việt thực hiện việc thờ cúng tổ tiên chiếm tỉ lệ trung bình là 98%. 1

     Thờ cúng tổ tiên mang tính chất phổ quát nhưng đồng thời cũng mang tính khu biệt trong các hình thức thể hiện với từng nhóm xã hội – tôn giáo cụ thể. Điều đó còn tuỳ thuộc vào niềm tin và quan niệm cụ thể của mỗi nhóm xã hội – tôn giáo này. Chính những đặc tính khu biệt của những hình thức thể hiện việc báo hiếu tổ tiên đã tạo nên sự phong phú, đa dạng và khởi sắc của việc thờ cúng tổ tiên. Điểm đầu tiên tạo nên sự khu biệt đặc thù ở các tôn giáo và các nhóm xã hội là quan niệm về hồn và nơi ở của hồn sau khi chết. Người vô thần thì không tin có linh hồn và cuộc sống sau khi chết, họ quan niệm “chết là hết”. Người Phật tử thì quan niệm đời sống con người gắn chặt với kiếp. Sau khi chết nếu hồn chưa thoát được nghiệp chướng sẽ vẫn còn bị vướng vào vòng luân hồi để quay trở lại một kiếp nào đó tương xứng với những gì mình đã làm trong kiếp trước. Do vậy, Phật giáo chủ trương không sát sinh vì có thể động vật ấy là một sinh linh đầu thai từ kiếp trước. Với quan niệm này việc báo hiếu tổ tiên được thực hiện bằng những nghi lễ cầu siêu theo phương thức nhà Phật, nhà có tang ma sẽ mời sư thầy đến tụng kinh cho người chết mau siêu độ; đến ngày lễ Vu Lan con cháu đến chùa dâng lễ cúng Phật cầu cho cha mẹ. Lễ Vu Lan theo quan niệm Phật giáo là ngày Phật đại xá, những việc lành con cháu làm trong ngày này thì cha mẹ được hưởng phúc.

     Người Công giáo có một quan niệm riêng về sự tồn tại của linh hồn và thể xác, về nơi mà hồn sẽ “cư ngụ” sau khi chết – đó là Thiên Đàng, địa ngục hay nơi luyện ngục. Người Công giáo quan niệm chết không phải là hết. Họ tin rằng: những người sống đẹp lòng Thiên Chúa, không mắc tội sẽ được lên Thiên đàng và được gọi là các Thánh. Những người còn mang tội thì tuỳ thuộc vào tội nặng hay nhẹ mà phải xuống luyện ngục hay hoả ngục để đền bù tội lỗi mình đã làm khi còn sống và được gọi là các linh hồn. Quan niệm về sự chết, về sự sống, về phần hồn, phần xác là những tín điều mà mọi giáo dân đều phải tin theo mặc dù việc giải thích những điều này chưa có những luận cứ rõ ràng. Điều chính yếu là ở niềm tin của người giáo dân. Trong niềm tin Công giáo, người giáo dân luôn hướng đến sự sống đời sau, mọi cố gắng ở hiện tại là nhằm mang lại những điều tốt đẹp cho đời sau của mỗi người. Giáo dân Công giáo cũng tin rằng giữa những người đang sống và những người khuất (các Thánh và các linh hồn) vẫn có mối liên hệ qua lại. Mối quan hệ qua lại giữa người sống với các Thánh, các linh hồn và Thiên Chúa chính là cơ sở niềm tin của sự chuyển giao công trạng. Người sống thờ kính những người đã khuất để bày tỏ lòng biết ơn của mình với họ vì những gì họ đã làm cho con cháu khi còn sống và cả những điều họ sẽ cầu bầu cùng Chúa cho con cháu sau khi chết. Kết quả điều tra tại một xứ đạo Công giáo vùng đồng bằng Bắc Bộ cho thấy mục đích của việc thờ kính tổ tiên là để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên chiếm 97,5% 2.

___________
1. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo năm 1995, 1998, 2001, 2003, 2005, 2007, 2008, Tư liệu Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

2. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo tại xứ đạo Tử Nê (Bắc Ninh) tháng 3/2008.

4. Giao thoa văn hoá bản địa qua các nghi thức thờ kính tổ tiên của giáo dân

     Công giáo

     Trước Công đồng Vatican II (1962-1965) người giáo dân Công giáo không được phép thờ cúng tổ tiên. Tư liệu lịch sử cho thấy nhiều gia đình Công giáo phải gửi bát nhang, di ảnh của cha mẹ sang những gia đình không Công giáo hoặc phải lén lút cất giấu trong hòm kín, bồ thóc,… Việc thờ kính tổ tiên không được công khai thực hiện. Đến sau Công đồng Vatican II, vấn đề thờ cúng tổ tiên được Toà thánh Vatican cởi bỏ, người giáo dân Công giáo được tự do thờ kính tổ tiên của mình với nhiều hình thức phong phú và đa dạng.

     Trong chu kì một năm, người giáo dân Công giáo thực hiện việc thờ kính tổ tiên vào các dịp như Tết Nguyên đán, lễ các đẳng, đám tang, giỗ chạp, cưới xin,… Thờ cúng tổ tiên của người Công giáo được thể hiện rõ ràng và đậm nhất qua các nghi thức tang ma và giỗ chạp.

     Người Công giáo trước hết là người Việt Nam, vì vậy nhiều nội dung tang phục, tang chế,… đối với người qua đời là tín đồ Công giáo được thực hành tương tự như người không theo Công giáo. Song về mặt tang lễ thì có nhiều điều khác biệt, thể hiện rõ đặc thù do Giáo hội quy định. Tang ma, giỗ chạp của người Công giáo vừa theo quy định của Giáo hội, vừa theo tập tục truyền thống đã thể hiện sự giao thoa văn hoá Công giáo và văn hoá bản địa. Người Công giáo trong quá trình giao thoa và hội nhập với văn hoá truyền thống đã dần xuất hiện các loại kinh cầu nguyện liên quan đến người qua đời và tôn kính tổ tiên như: kinh cầu cho bệnh nhân; kinh cầu cho người hấp hối; kinh cầu cho người vừa tắt thở; kinh cầu nguyện lúc tẩm liệm; kinh cầu cho các linh hồn;… [3]. Tuy không thực hành nghi lễ cúng theo nghi lễ truyền thống của người Việt, tín đồ Công giáo vẫn có những hình thức tôn kính tổ tiên dựa trên tập tục cổ truyền, nhưng đưa nội dung Công giáo vào, như 3 ngày: đi thăm mộ, cầu kinh; 49 ngày: lễ và đọc kinh cầu nguyện; 100 ngày: lễ và đọc kinh cầu nguyện; giỗ đầu (tiểu tường): đọc kinh cầu nguyện; giỗ hết (đại tường): đọc kinh cầu nguyện. Kết quả điều tra xã hội học ở nhiều xứ đạo Công giáo cho thấy tất cả các hình thức trên đều được thực hiện trong cộng đồng giáo dân Công giáo 1.

     Hàng năm đến ngày giỗ – được coi là dịp thực hiện những nghi thức thờ kính tổ tiên quan trọng nhất – gia đình người Công giáo thường có hai hình thức tưởng niệm chính: xin lễ bàn thờ hoặc xin lễ mồ. Trong các ngày giỗ, người giáo dân Công giáo xin lễ, đọc kinh, thăm mộ và tổ chức bữa cơm gia đình mà người ta cũng gọi là ăn cỗ. Ngoài những ngày giỗ, niên lịch Công giáo còn dành riêng ngày 2/11 để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, đó là ngày lễ các đẳng hay còn gọi là lễ Cầu hồn. Tháng 11 dương lịch hằng năm được gọi là tháng Cầu hồn. Vào dịp này giáo dân thường lo tu sửa lại Vườn Thánh, tu sửa mộ chí thân nhân, linh mục, tu sĩ. Buổi chiều ngày 2-11, một thánh lễ được diễn ra trong nhà thờ để cầu nguyện cho các linh hồn. Việc thờ kính tổ tiên cũng được người Công giáo chú trọng vào dịp cuối năm, biểu hiện rõ nhất ở những nghi thức diễn ra trong hai ngày: ngày cuối năm và ngày mồng 2 Tết Nguyên đán 2.

___________
1. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo tại Tử Nê (Bắc Ninh), tháng 3 năm 2008; Lê Đức Hạnh, Kết quả điều tra xã hội học tại giáo họ Nỗ Lực (Phú Thọ) năm 2009.

2. Từ rất lâu đời, ngày 2 Tết Nguyên đán là ngày giáo hội Công giáo Việt Nam chọn là ngày kính nhớ ông bà tổ tiên với một thánh lễ. Tuỳ theo từng giáo xứ, họ đạo mà tổ chức thánh lễ cho ngày kính nhớ ông bà tổ tiên.

     Ngoài ra, việc tôn kính tổ tiên của giáo dân Công giáo còn được thực hiện vào các dịp khác trong năm như cưới xin, hay khi gia đình có việc trọng đại nào đó như khi đi làm ăn xa,… Kết quả điều tra xã hội học tại một xứ đạo Công giáo cho thấy người Công giáo thực hiện thờ kính tổ tiên vào dịp lễ tết chiếm 87,5%, khi tổ chức đám tang và giỗ là 96,3%, đám cưới là 53,7%, lúc gia đình có việc vui, trọng đại như con cái đỗ đạt, hay có người nhà đi làm ăn xa là 65% vào ngày lễ các đẳng là 83,8%, tôn kính tổ tiên trong các giờ cầu nguyện chiếm 61,3% và trong các thánh lễ là 87,6% 1. Đối với việc tôn kính tổ tiên trong các lễ cưới, kết quả điều tra tại điểm nghiên cứu trên cho thấy có 86,3% số giáo dân đồng tình với việc cô dâu, chú rể phải bái lạy tổ tiên hai bên gia đình. Điều này cho thấy ý thức sâu sắc của giáo dân về ông bà tổ tiên. Chính ý thức về cội nguồn, về ơn nghĩa sinh thành là động lực và là lời răn dạy sâu sắc cho những thành viên mới bước vào đời sống hôn nhân.

___________
1. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết quả điều tra xã hội học tôn giáo tại Tử Nê (Bắc Ninh), tháng 3 năm 2008.

5. Một số nhận xét – kết luận

     Qua những trình bày ở trên cho thấy sự tiếp biến của văn hoá Công giáo với văn hoá bản địa. Việc báo hiếu tổ tiên dù thể hiện dưới dạng thức nào chăng nữa thì cũng để chỉ mối tương quan gắn bó giữa người sống và người chết, để chỉ mối liên kết giữa cuộc sống trần thế với thế giới sau khi con người qua đời. Tuỳ theo quan niệm về linh hồn tổ tiên tồn tại như thế nào, cuộc sống sau khi con người qua đời thể hiện ra sao mà có các hình thức thể hiện của người sống cho phù hợp với quan niệm của mỗi nhóm xã hội – tôn giáo đó. Bởi vậy, còn nhiều các vấn đề cần quan tâm nghiên cứu như: quan niệm về sự sống và chết của các nhóm tộc người khác nhau khi họ trở thành người Công giáo. Liệu có sự đan xen trong quan niệm của người dân tộc thiểu số khi họ theo Công giáo không? Các quan niệm về hồn, vía, về nơi cư ngụ của hồn,… ở mỗi tộc người là khác nhau thì khi gia nhập đạo Công giáo, các quan niệm này được chuyển hoá như thế nào trong niềm tin Công giáo. Đây là vấn đề còn đang bỏ ngỏ, chưa có các nghiên cứu mở rộng.

     Từ vấn đề quan niệm về vấn đề linh hồn tồn tại như thế nào sau khi chết sẽ thể hiện các hình thức thờ cúng tổ tiên của người sống ở mỗi tộc người là khác nhau. Người Ba-Na, người Vân Kiều, người Giẻ-Triêng,… sẽ có quan niệm và cách thể hiện về thờ cúng tổ tiên khác với với người Việt, người Hmông, người Dao, Tày, Nùng,… Vậy giữa các nhóm tộc người này có những điểm gì giống nhau, điểm gì khác biệt trong vấn đề thờ cúng tổ tiên cũng chưa được chỉ ra, đang cần những nhà nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng tìm hiểu.

     Việc thờ cúng tổ tiên được thực hiện trong chu kì 1 năm với những dịp báo hiếu như ngày giỗ, ngày tết, khi gia đình có đám cưới, khi có tang ma,… sẽ thể hiện sự phong phú, đa dạng, khác biệt giữa các nhóm tộc người cư trú trên các địa bàn khác nhau. Như vậy, các hình thức báo hiếu trong các thời điểm thực hiện cũng sẽ khác nhau. Vấn đề này cũng cần có những nghiên cứu rộng mở, chuyên sâu để thấy được sự đa dạng, phong phú của văn hoá, tín ngưỡng giữa các tộc người.

     Một vấn đề nữa cho thấy, qua quan điểm về sự tồn tại của linh hồn ở thế giới sau khi chết của các nhóm xã hội, nhóm tôn giáo đặt ra vấn đề cần nghiên cứu sự tương đồng và khác biệt về niềm tin tôn giáo (nhóm Công giáo, nhóm Phật giáo, nhóm không tôn giáo,…), về cách thực hiện sự thờ cúng tổ tiên của các nhóm này như thế nào cũng cần được quan tâm nghiên cứu.

      Trên đây là những gợi mở, các hướng nghiên cứu cần được quan tâm nghiên cứu mở rộng và chuyên sâu hơn nữa để thấy rõ hơn tính đa dạng, phong phú của văn hoá – tôn giáo – tín ngưỡng trên mảnh đất Việt Nam. Với những hướng nghiên cứu mở rộng này sẽ cho thấy sự tiếp biến, giao thoa giữa văn hoá – tôn giáo ngoại nhập với văn hoá – tôn giáo – tín ngưỡng bản địa.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Cadière, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1997.

2. Các giám mục Việt Nam, Các thư chung, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005.

3. Nguyễn Hồng Dương, Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hoá Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.

4. Hội đồng Giám mục Việt Nam: Sống đạo theo cung cách Việt Nam. Tài liệu hội thảo mùa phục sinh.

5. Đỗ Quang Hưng, Thờ cúng tổ tiên trong lịch sử truyền giáo, Tham luận tại Toạ đàm về Tôn kính tổ tiên, Huế, 1999.

6. Kinh Thánh, Cựu ước và Tân ước, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003.

7. Sơn Nam, Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1997.

8. Gioan Phaolô II, Tông huấn đời sống gia đình, 2003.

9. Đoàn Văn Thông, Những bí ẩn sau cõi chết, Nguồn sống, 1994.

10. Toà Tổng giám mục Việt Nam, Niên giám Công giáo Việt Nam năm 2005, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2005.

11. Tư liệu điền dã của tác giả tại các xứ, họ đạo Công giáo.

12. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.

13. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Kết quả điều tra xã hội học, 1995, 1998, 2003, 2005, 2007, 2008, 2009.

14. Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003.

LÊ ĐỨC HẠNH 1

___________
1. Tiến sĩ