Thủ công nghiệp Đàng trong (thế kỷ XVII- XVIII) dưới chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HẢI
(Viện Sử học)

TÓM TẮT

     Thủ công nghiệp Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn(1) mặc dù chưa phát triển toàn diện và mang lại hiệu quả kinh tế cao, song đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của Đàng Trong trong hai thế kỷ XVII – XVIII. Từ một nền kinh tế mang tính tự cung tự cấp, ở Đàng Trong đã xuất hiện những làng nghề lớn sản xuất hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Sự phát triển của thủ công nghiệp Đàng Trong dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của các chúa Nguyễn đóng vai trò quan trọng. Bài viết dưới đây nhằm làm rõ hơn vấn đề này.

Từ khóa: thủ công nghiệp, Đàng Trong, chúa Nguyễn.

x
x x

1. Bối cảnh thương mại thế giới và những chính sách hội nhập thương mại quốc tế của chúa Nguyễn

     Bước sang thế kỷ XVI, các nước Châu Âu đã có sự phát triển mạnh mẽ. Sau các cuộc cách mạng tư sản, hầu hết Châu Âu đều chuyển nhanh sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa với nền sản xuất công nghiệp. Nhu cầu về nguyên liệu, lao động, thị trường đã thôi thúc người Châu Âu tìm đến những vùng đất mới. Những cuộc phát kiến địa lý được mở ra. Hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đi đầu trong việc tìm đến Châu Á, “vùng đất vàng và gia vị” (2) và bắt đầu đặt thương điếm ở đây từ những năm đầu thế kỷ XVI (năm 1505 người Bồ Đào Nha đến Ceylon, năm 1510 đặt thương điếm ở Goa, năm 1514 đặt cơ sở ở Ma Cao). Người Bồ Đào Nha đến Nhật Bản vào năm 1543. Người Tây Ban Nha mở mối quan hệ thương mại với Nhật Bản vào năm 1592. Cùng lúc đó các giáo hội phương Tây có nhu cầu mạnh mẽ về việc mở rộng lãnh địa tôn giáo. Do đó, các đoàn thuyền đến Châu Á ngày một nhiều với sự đầu tư của cả thương nhân, nhà nước và giáo hội. Thương nhân phương Tây đã thu được mối lợi lớn từ việc mua bán nguyên liệu và thương phẩm ở Châu Á phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của các nước tư bản Âu – Mỹ, trong đó lớn nhất là mặt hàng tơ lụa. Hàng năm một số lượng lớn tàu thuyền Hà Lan, Bồ Đào Nha và Nhật Bản thu mua tơ lụa trực tiếp từ Trung Quốc hoặc qua thương cảng Malaca về Nhật Bản, từ đây các công ty lại đưa đến các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ, đồng thời vận chuyển đến nước này bạc nén và nguyên liệu bạc (Hoàng Anh Tuấn 2016: 174). Tuy nhiên, đến thế kỷ XVII do không nhận được đầu tư từ Công ty Đông Ấn, kèm theo đó là những thất bại của Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh trong việc thiết lập mối quan hệ buôn bán với Trung Quốc lục địa, nên lượng tơ lụa nhập khẩu cho cả thị trường Nhật Bản và Châu Âu bị thiếu hụt.

     Trung Quốc vốn là nước sớm có nền thương nghiệp phát triển mạnh mẽ với con đường tơ lụa nổi tiếng nối liền Châu Á với Châu Âu. Song đến thế kỷ XIV, Trung Quốc phải đối mặt với nạn cướp biển hoành hành (Wako) khiến tình hình an ninh không ổn định. Để đối phó, vào năm 1381, hoàng đế Minh Thái Tổ (1368-1399) đã thực hiện chính sách “cấm dân không được tự tiện xuất hải trao đổi buôn bán với nước ngoài” (Dương Văn Huy 2008: 152). Chính sách này kéo dài gần 200 năm đã khiến cho hoạt động giao thương truyền thống giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước phương Tây bị ngưng trệ. Đến năm 1567, chính sách này được nới rộng hơn khi nhà nước cho phép các thương nhân trong nước được phép buôn bán với các nước Đông Nam Á, song vẫn hạn chế thuyền buôn nước ngoài đến Trung Quốc. Do đó thương thuyền Nhật Bản và các nước Châu Âu phải tìm mua các mặt hàng này ở các nước khác như Ấn Độ, Đại Việt, Xiêm La,… để thay thế hoặc dùng hải cảng của các nước này làm điểm trung chuyển hàng hóa mà thuyền buôn Trung Hoa ghé tới. Khi nhà Thanh thay thế nhà Minh (1644), các chính sách hải cấm càng được thi hành triệt để hơn. Ngoài ra, một số thương nhân và gia đình tướng sĩ vốn là bề tôi nhà Minh vì không khuất phục nhà Thanh đã trốn ra nước ngoài (Quốc sử quán triều Nguyễn 2004: 91), trong đó có nhóm Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên đến Đàng Trong (Đại Việt) vào năm 1679, Mạc Cửu đến năm 1680… cùng rất nhiều Hoa thương khác. Họ đã ‘‘vỡ đất khai hoang, dựng phố xá”, sản xuất các mặt hàng thủ công và xây dựng những khu phố sầm uất ở Đàng Trong. Cùng thời gian này, dưới thời Tokugawa (1600-1868)(3) ở Nhật Bản cũng thực hiện chính sách tỏa quốc triệt để từ năm 1635 đến 1639, theo đó tất cả người Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đều bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Nhật. Chính sách của chính quyền Tokugawa cùng với chính sách đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản được nhà Minh thi hành đã khiến thương nhân Nhật Bản trở nên điêu đứng, bởi tơ lụa Trung Quốc là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao nhất. Người Nhật muốn mua hàng của Trung Quốc buộc phải qua trạm trung chuyển hàng hóa ở Đông Nam Á mà Đàng Trong Việt Nam được xem là “trung tâm vùng”, ”trung tâm liên vùng” hay “trung tâm liên thế giới” (Nguyễn Văn Kim 2000: 126). Mặc dù đưa ra chính sách tỏa quốc nhằm hạn chế ảnh hưởng của các thương nhân và giáo sĩ phương Tây tại Nhật Bản, song chính quyền Tokugawa vẫn khuyến khích thương nhân giàu có hoạt động ngoại thương ở khu vực Châu Á. Vì thế, trong thời kỳ Châu Ấn thuyền (1600-1635) thuyền buôn Nhật Bản đã đến nhiều nước Châu Á (331 chiếc), trong đó số thuyền đến Việt Nam là 130 chiếc, chiếm 39,27% số thuyền đến Châu Á và số thuyền đến Hội An là 86 chiếc, chiếm 66,15% số thuyền vào Đại Việt (Nguyễn Văn Kim 2000: 121). Cùng với các thương nhân Nhật Bản, các nhà truyền giáo và thương nhân phương Tây cũng lần lượt thiết lập quan hệ với Đàng Trong.

     Tại Đại Việt, sau khi chiến tranh Nam – Bắc triều kết thúc, đất nước lại tiếp tục rơi vào khủng hoảng bởi những mâu thuẫn giữa họ Nguyễn và họ Trịnh (hai dòng họ có vai trò khôi phục triều Lê Trung Hưng) từ nửa sau thế kỷ XVI. Sau 7 lần nội chiến (từ năm 1627 đến năm 1672) cục diện chính trị mới được hình thành, nước Đại Việt bị phân chia làm hai: Đàng Ngoài dưới sự quản lý của chúa Trịnh và Đàng Trong của chúa Nguyễn. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn cũng được xem là một trong những nhân tố kích thích sự nỗ lực của Đàng Trong và Đàng Ngoài trong phát triển quan hệ giao thương với các nước bên ngoài để tăng cường sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế của mình. Cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều nhận thấy những mối lợi từ thương nghiệp mang lại, nhất là ngoại thương. Thuế thương nghiệp là một nguồn lợi không nhỏ về tài chính. Các thương nhân cũng mang đến vũ khí và kim loại, nhất là đồng là nguyên liệu mà Đàng Trong rất khan hiếm. Lãnh thổ Đàng Trong mới được thiết lập nên Chúa Nguyễn càng cần phát triển kinh tế, quân sự vững mạnh để đối trọng với Đàng Ngoài của chúa Trịnh. Vì thế các tuyến thương mại nội Á phát triển và các đoàn thuyền buôn đến “tận cửa” Đại Việt là yếu tố thiên thời, địa lợi cho Đàng Trong vươn lên.

     Chúa Nguyễn Hoàng, người khởi nghiệp cho dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong, đã nhanh chóng bắt nhịp với thời đại mới bằng việc chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài đến buôn bán với Đàng Trong. Giáo sĩ C. Borri cho biết: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa với một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả mọi người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một quốc gia nào trên thế giới” (C. Borri 1998: 148). Không chỉ các thương nhân phương Tây như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp được phép đến buôn bán ở Đàng Trong, mà người Nhật, người Hoa cũng được phép nhập cư và được xem “là những đồng bào quý hóa” (Chenchingho 1960), được phép xây dựng những khu phố riêng, bên cạnh những khu phố của người Kinh, người Chăm. Cùng với việc mời gọi thương nhân vào buôn bán, các chúa Nguyễn đã có những chính sách phát triển sản xuất, tạo ra nguồn hàng hóa trao đổi. Đó là chính sách mở rộng khẩn hoang, phát triển kinh tế nông nghiệp và khai thác các lâm thổ sản đặc trưng của mỗi vùng; khuyến khích sản xuất hàng thủ công nghiệp phục vụ buôn bán, trong đó đáng chú ý là sự thay đổi về chính sách thuế khóa và chính sách phát triển các làng nghề (như miễn thuế trong thời gian đầu, cho tự ý chọn đất làm nơi cư trú và lập nghề, thành lập các công xưởng mới với quy mô lớn); thành lập các chợ và trung tâm buôn bán để có đầu mối phân phối các sản phẩm, hàng hóa. Chỉ tính riêng ở Đàng Trong đã có 29 chợ phủ(4), ngoài ra còn có chợ huyện, chợ làng (Lê Quý Đôn 1977: 218-220).

     Những chính sách phát triển sản xuất và thương nghiệp của các chúa Nguyễn cùng với những thay đổi của tuyến thương mại thế giới đã tác động mạnh đến thủ công nghiệp ở Đàng Trong.

2. Tác động của chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế đến thủ công nghiệp

     Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An, được viết vào khoảng giữa thế kỷ XVI có nhắc đến một số nghề thủ công ở vùng Thuận Hóa như sau: nghề dệt vải sợi nhỏ ở làng Thư Chí, dệt lụa sợi thô ở làng Niệm Phù, dệt lụa nhiều hồ ở làng Phù Nam (các làng này thuộc huyện Đan Điền, Phủ Triệu Phong nay là huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), hay nghề dệt lưới ở xã Thụy Lôi, nặn gốm ở làng Dũng Cảm thuộc huyện Kim Trà (sau là huyện Hương Trà), nghề làm mực, làm giấy, rèn sắt ở huyện Tư Vinh (nay là huyện Phú Vang – Thừa Thiên Huế) (Dương Văn An 1997: 45-50). Tuy nhiên, các làng nghề này có thể mới ở qui mô nhỏ và sản phẩm làm ra chỉ đủ đáp ứng nhu cầu gia đình và phục vụ một lượng nhỏ cư dân quanh vùng, mà chưa có sự trao đổi mua bán giữa các vùng, miền.

     Sau khi các chúa Nguyễn vào cai trị ở vùng Thuận Quảng (từ năm 1558) và Nam Bộ (từ năm 1698), thủ công nghiệp Đàng trong có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Điều này được thể hiện qua các mặt sau:

     Sự tăng nhanh về số lượng các làng nghề và lực lượng lao động trong các nghề thủ công

     Chính sách mở cửa, khuyến khích và bảo trợ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thu hút được một số lượng lớn lao động thủ công lành nghề của Đại Việt đến Đàng Trong sinh sống và lập nghiệp. Hầu hết trong các gia phả và những ghi chép về tổ nghề của các làng nghề ở Đàng Trong đều cho biết các làng nghề nơi đây ít có nguồn gốc bản địa mà chủ yếu là du nhập từ các lưu dân gốc Thanh-Nghệ ở Đàng Ngoài vào. Chẳng hạn nghề dệt chiếu ở Cẩm Nê được du nhập từ làng chiếu nổi tiếng Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Nghề đúc đồng Phước Kiều cũng được du nhập từ Thanh Hóa mà tiên tổ có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc(5) (Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng 2012: 63)

     Nghề rèn và luyện sắt ở làng Phú Bài và Hiền Lương (Huế): tổ tiên của họ là vùng Thanh-Nghệ; gia phả và những ghi chép trong nhà thờ của làng có ghi rõ: làng có ba họ lớn là Ngô, Nguyễn, Lê, được ghi nhận là người có công đầu trong việc khai phá mở rộng làng và gây dựng nghề sắt ở đây từ năm 1600(6).

     Làng gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay): theo gia phả dòng họ Hoàng (dòng họ khai canh của làng) còn lưu giữ được tại địa phương thì những người dân làng Cảm Quyết (Nghệ An) di cư vào đã mang theo nghề làm gốm từ quê cũ, gây dựng phát triển trên vùng đất gọi là xứ Cồn Dương, sau này là làng Phước Tích.

     Nghề dệt sợi tơ và làm đèn lồng có nguồn gốc Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII. Những người Hoa (chủ yếu từ vùng Phúc Kiến) di cư sang Đàng Trong đã được các chúa Nguyễn cưu mang và cho phép khai hoang lập làng, đến năm 1698 cho thành lập và công nhận là những làng Minh Hương(7), được sinh sống như những làng của người Việt trong vùng đất mới. Chính sách cởi mở của chúa Nguyễn đã khiến những người Hoa hết lòng với các nghĩa vụ của mình và truyền dạy nghề cho người Việt, người Chăm. Họ luôn đóng thuế đầy đủ cho chúa Nguyễn, xây dựng các cảng thị sầm uất ở Hội An, Cù Lao Phố, Hà Tiên, giúp chính quyền Đàng Trong quản lý tàu thuyền trong các cảng thị và dạy cho cư dân Đàng Trong các nghề như nghề dệt lụa trơn hoặc có hoa, nghề làm thuốc bắc, nghề luyện vàng bạc, làm đèn lồng…

     Các thương nhân phương Tây cũng được các chúa Nguyễn trọng dụng trong các công xưởng hay trong phủ chúa. Sự xuất hiện của thương nhân Bồ Đào Nha – Joan da Cruz trong xưởng đúc, hay các nhà truyền giáo trong phủ chúa đã mang đến những nghề mới, mà sau này cũng thu hút một lượng lớn lao động tham gia như nghề làm đồng hồ theo lối phương Tây hay nghề đúc súng.

     Bên cạnh những làng nghề có nguồn gốc từ đất Bắc hay được du nhập từ các nước bên ngoài vào Đàng Trong, thì các nghề truyền thống tại chỗ đã có từ các thế kỷ trước cũng có cơ hội được phục hồi. Chẳng hạn như nghề đóng ghe bầu, nghề làm mắm, nghề làm đường cát, đường phèn từ mía, chế biến các loại hương liệu từ rừng như trầm hương, kỳ nam hương (của người Chăm), hay dệt vải thô (của người Khmer)… (Lê Quý Đôn 1977: 325-335).

     Nếu như đầu thế kỷ XVI, số dân ở vùng Thuận Hóa ước tính là 378.400 người, ở Quảng Nam là 29.040 người thì đến thế kỷ XVII con số tương ứng đã lên tới 789.800 người và 86.680 người, tốc độ tăng bình quân từ 0,15% đến 0,78%/năm (Li Tana 2013: 57-59). Các làng nghề ra đời đã lôi kéo một số lượng lớn lao động tập trung vào các quan xưởng, các tổ nghề, làng nghề hay sản xuất tại gia đình. Chẳng hạn, riêng xưởng đóng tàu Hà Mật (nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) mỗi năm cần đến 4.000 lao động. Làng rèn Phú Bài (huyện Phú Vang), Huyền Lương (huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, nay là xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thu hút lực lượng lao động gần như là cả làng, chỉ một số ít làm ruộng khi đến vụ. Hay như huyện Khang Lộc (thuộc phủ Triệu Phong, nay thuộc tỉnh Quảng Bình) cả huyện đều dệt vải. Ở huyện Hương Trà mỗi nhà có đến 15 người thợ dệt hàng tơ và nhiều làng làm nghề dệt mũ mã vĩ. Các xã Bình Xá, Võ Xá huyện Lệ Thủy thì đều làm nghề dệt lụa, chỉ một vài xã hay vài gia đình không làm mà thôi (Lê Quý Đôn 1977: 331-334). Căn cứ trên số thuế sản vật mà các địa phương phải nộp, được Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục, có thể thấy hầu hết các xã, các huyện ở các phủ đều có nghề thủ công nghiệp: như phủ Thăng Hoa, phủ Điện Bàn, phủ Quảng Ngãi, đều có nghề dệt tơ, lụa và vải… Ngoài ra còn phải kể đến một lượng lớn thợ thủ công trong các công xưởng nhà nước (hay còn gọi là các tượng cục). Được cho là có khoảng 1.000 lính thợ được trưng tập làm việc liên tục trong 37 tượng cục để rèn, đúc vũ khí, đóng thuyền, nung ngói… (Nguyễn Văn Đăng 2010: 65).

     Các làng nghề phát triển đã thúc đẩy sự trao đổi hàng hóa giữa người ở đồng bằng với người vùng cao. Sách Phủ biên tạp lục cho biết: các làng nghề vùng Thuận Hóa theo sông Phú Xuân đi ngược dòng lên đầu nguồn Tả Trạch, Hữu Trạch rồi lên sách làng của người Man, sách Hà Vãn, phường Hà Lạc, phường Ma Ra, “dọc đường các lái buôn đem các thứ muối, mắm, trâu, đồ nông cụ, thanh la đổi lấy các thứ mây sắt, mây trắng, sáp ong, mật ong”. Các thuyền buôn và dân Man thường đến xứ Bãi Đinh Cây bông để đổi chác hóa vật (Lê Quý Đôn 1977: 115).

     Nhiều sản phẩm thủ công được thương nhân nước ngoài ưa chuộng

     Chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn ra đời khi Trung Quốc quy định cấm xuất khẩu len, dạ và tơ lụa ra nước ngoài, đồng thời chúa Trịnh ở Đàng Ngoài trong giai đoạn đầu cũng khắt khe với các thuyền buôn phương Tây (phải đến những năm 20, 30 của thế kỷ XVII mới thiết lập quan hệ), và cấm các thuyền buôn trong xứ chở lụa vào Đàng Trong. Vì vậy, mặc dù Đàng Ngoài có nhiều tơ lụa với các làng nghề đã có từ trước đó, song cơ hội lại đến với Đàng Trong khi các thuyền buôn Nhật Bản và các nước phương Tây đã cập bến tại đây để thu mua các sản phẩm của nghề dệt, nghề gốm, mía đường… Đó là điều kiện cho nhiều làng nghề ở Đàng Trong phát triển mạnh mẽ.

     Lụa, vóc, lĩnh đoạn có hoa và màu sắc đẹp ở Thăng Hoa, Điện Bàn trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chính ở Đàng Trong sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu ngay từ những năm đầu thế kỷ XVII. Các làng nghề dệt nổi tiếng ở Đàng Trong là ở huyện Hương Trà có phường làm nghề hàng tơ ở sau phủ Cam, thuộc địa phận ba xã Sơn Điền, Dương Xuân, Vạn Xuân, chia làm 3 ấp, mỗi ấp 10 nhà, mỗi nhà 15 người thợ dệt (Lê Quý Đôn 1977: 332); các hàng vóc, sa, lĩnh, gấm, trừu cải hoa được dệt rất khéo léo. Ở Thuận Hóa có thợ dệt gấm; dinh Quảng Nam có thợ dệt lãnh bóng; huyện Phú Vang sản xuất vải nhỏ, lụa vàng, lụa trắng; huyện Khang Lộc dệt vải (Lê Quý Đôn 1977: 333).

     Tơ (nguyên liệu của nghề dệt) là mặt hàng được thương nhân nước ngoài hết sức ưa chuộng. Poivre (thương nhân người Pháp) đã nhận xét: “tơ lụa Đàng Trong so với tơ Trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và về tinh tế. Tơ đẹp nhất là của tỉnh Quảng Ngãi. Người Trung Quốc mua rất nhiều và kiếm lãi được từ 10 đến 15 phần trăm” (dẫn theo Thành Thế Vỹ 1961: 238).

     Cùng với tơ lụa, gốm là mặt hàng được Châu Âu và Nhật Bản ưa chuộng. Trong đó Nhật Bản là nước có nhu cầu nhiều về đồ gốm sứ. Theo tác giả Hasebe thì “đã có tư liệu quý có thể xác định con đường đưa đồ sứ Việt Nam vào Nhật Bản. Vào hồi đầu thương thuyền shuinsen buôn bán thịnh vượng, nhiều người Nhật đã đến Hội An nhiều lần và đã ở lại một thời gian, trong đó có gia đình thương nhân Osawa Shirozaemon hiện nay vẫn còn giữ mấy loại đồ sứ Việt Nam” (Hasebe Gakuji 1991: 83-84). Tác giả Đỗ Bang (1996: 78-79) cũng cho biết: “trong các mặt hàng mua ở Hội An của thương nhân Nhật Bản có cả đồ gốm được sản xuất tại chỗ (tức gốm Thanh Hà)”. Bên cạnh đó ngành sản xuất mía đường xuất khẩu cần nhiều lon vại cũng kích thích các làng gốm mở rộng hoạt động.

     Một sản phẩm thủ công nghiệp khác của Đàng Trong được các thuyền buôn ưa chuộng là đường. Đường phổi được người Nhật rất thích dùng và hàng năm Đàng Trong cung cấp một khối lượng lớn sang thị trường này (xem Bảng 1).

Bảng 1. Đường nhập vào Nhật Bản năm 1663
(Tính theo Jin/1jin = 0,2kg)

Xuất xứSố gheĐường trắngĐường phổiĐường phèn
Xiêm3142.00045.400
Cao Miên312.30071.4002.200
Quảng Nam430.260122.000150
Đàng Ngoài142.00023.000900
Đài Loan350.80037.0001.700

 

     Không chỉ thuyền buôn Nhật Bản mà các thương nhân Trung Quốc cũng rất thích loại đường này, vì đường ở Đàng Trong không chỉ nhiều mà còn rẻ, mang lại lợi nhuận lớn cho các thuyền buôn. Pierre Poivre đến Đàng Trong vào thời gian năm 1749-1750 đã cho biết: chính là ở tỉnh Chàm (tức Quảng Nam) trên bờ sông Faifo có nhiều lò đường được dựng lên. Các lò đường này xuất hiện khi các lái buôn Trung Quốc tiêu thụ một lượng đường lớn mang lên các tàu buôn của họ. Người Đàng Trong sản xuất không chỉ đáp ứng tiêu dùng mà còn sản xuất phục vụ cho các tàu buôn, ước tính họ có thể sản xuất đủ hàng cho 80 chiếc thuyền cất chở đi (Thành Thế Vỹ 1961: 239-240).

     Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công

     Chính sách mở cửa buôn bán đã tạo ra sự đa dạng trong các sản phẩm thủ công nghiệp ở Đàng Trong. Sản phẩm thủ công nơi đây không chỉ là của một vùng, của một dân tộc mà đó là kết quả của sự giao thoa văn hóa. Sự kết hợp này thể hiện rõ nhất trong nghề mộc. Nghề mộc: được xem là nghề phát triển nhất ở Đàng Trong và là thành quả rõ nhất của quá trình cộng cư giữa các tộc người Hoa, người Nhật, người Kinh và người Chăm. Người Trung Quốc và Nhật Bản đã sống ở Hội An từ rất sớm và do được thành lập các khu phố riêng nên họ đã xây dựng ở đây nhiều công trình kiến trúc như nhà cửa, chùa chiền, hội quán… Sự tinh xảo trong các sản phẩm đó ảnh hưởng không nhỏ đến nghề mộc ở Đàng Trong. Ngày nay xem xét những bức tranh của các thương nhân vẽ lại hoặc qua kiến trúc của nhà và đình chùa ở Đàng Trong, mà chủ yếu là ở Hội An có thể cho thấy “tại đây đã hình thành một sự kết hợp và thấm nhận các phương pháp xây dựng, cấu trúc kiến trúc, trang trí nội thất của cư dân đô thị cổ Hội An” (Kazimien Kwiatkowski 1988). Đó là sự kết hợp của nghệ thuật truyền thống của người Việt với nghệ thuật của người Hoa, người Chăm và người Nhật. Trong khảo cứu của hai chuyên gia khảo cổ là Chu Quang và Trứ Trịnh Cao Tưởng: Hội An nhìn từ góc độ mỹ thuật và kiến trúc đều cho thấy, lối chạm khắc, hoa văn, kết cấu vì kèo và hình dáng nhà ở Đàng Trong mang đậm dấu ấn Hoa và có ảnh hưởng của văn hóa Nhật ở cách tạo màu (Chu Quang Trứ 1991: 309; Trịnh Cao Tưởng 1991: 320). Yếu tố Chăm trong nghề mộc được thể hiện rõ trong các ngôi nhà trên cọc để tránh mùa nước lũ, giống nhà sàn ở Bắc nhưng lại mang hình dáng như những cái am. Những dụng cụ phục vụ cho nông nghiệp như cái cày, bồ đựng thóc… cũng là sự kết hợp giữa kỹ thuật của người Chăm và người Việt. Ngày nay tên gọi các bộ phận trên cây cày đều gọi theo tiếng Chăm như Pah lingal (lưỡi xới), iku (tay cầm), thru (lưỡi cày) và có thêm phần bổ sung của người Việt là các nang như to nang, tế nang (Li Tana 2013: 228-229). Người Việt ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn đã sản xuất một khối lượng lớn ghe thuyền trên cơ sở tiếp thu, cải tiến từ ghe thuyền của người Chăm, người Hoa và của phương Tây. Căn cứ vào đặc điểm hình dáng và cấu trúc của ghe bầu so với hình thuyền Chăm ở phù điêu Ăng Co, tháp B6 Mỹ Sơn, có thể nói “ghe bầu là kết quả trực tiếp của quá trình giao lưu Việt – Chăm, của sự kết hợp giữa kỹ thuật đóng thuyền cổ truyền Việt và kỹ thuật đóng thuyền Champa với yếu tố đặc trưng cơ bản Mã Lai – Nam Đảo – Champa – Việt Nam (Nguyễn Bội Liên 1991: 141-144). Ghi chép của Barrow về ghe thuyền ở vùng đất Turon còn cho thấy: nhiều kiểu thuyền “giống như các Sampan của người Hoa có phên phủ… có cái giống như các Proas thông thường của người Mã Lai, về thân ghe lẫn chằng néo các cột buồm” (Li Tana 2013: 229). Tuy nhiên loại thuyền này chủ yếu được dùng đường sông và đường biển gần bờ. Còn thuyền chiến và thuyền vận tải xa bờ lại có sự kết hợp với kỹ thuật phương Tây. Một số không ít những ghi chép của các thủy thủ và thương nhân phương Tây khi đến Đàng Trong vào thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và thời đầu nhà Nguyễn đã mô tả: các tàu chiến ở Đàng Trong đã được cải thiện nhiều hơn về kích thước (chiều rộng và chiều cao), cột buồm, cũng như cách trang trí (Nguyễn Thanh Nhã 2013: 191-197).

     Nghề đúc kim loại với sản phẩm chính là đúc đồng cũng có cơ hội phát triển hơn. Một khối lượng lớn đồng đã được nhập vào Đàng Trong thời gian này thông qua các thuyền buôn Nhật Bản, Hà Lan và Trung Quốc mang theo tiền đồng của Nhật nhập vào. Việc nhập khẩu tiền đồng không chỉ giúp các công xưởng của chúa Nguyễn có đủ nguyên liệu đúc súng và đúc các sản phẩm vật dụng hàng ngày, mà còn làm thay đổi hình dạng tiền; sau này khi mở xưởng đúc tiền năm 1746, những đồng tiền này có hình dáng giống với các đồng tiền thời Đường, Tống (Lê Quý Đôn 1977: 221). Bên cạnh đó, nhờ có sự trợ giúp của hai cha con người Bồ Đào Nha là Joan da Cruz và Clément de la Croix (Nguyễn Văn Đăng 2010: 67) đến định cư và phụ trách kỹ thuật ở xưởng đúc súng, chúa Nguyễn đã sản xuất được những khẩu đại bác lớn, một vũ khí chiến lược của Đàng Trong.

3. Nhận xét

     1. Quá trình hình thành các làng thủ công nghiệp ở Đàng Trong chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài mà trong đó sự thay đổi của các tuyến thương mại nội Á là điều hết sức quan trọng. Nếu như không có sự cấm vận của Trung Quốc và Nhật Bản cũng như của Đàng Ngoài trong giai đoạn đầu thì thủ công nghiệp Đàng Trong khó có điều kiện để phát triển như vậy. Các thuyền buôn phương Tây cũng như phương Đông đã tìm thấy điểm trung chuyển hợp lý là Đàng Trong trên tuyến đường thương mại trên biển giữa Châu Âu và Châu Á. Đó là cơ hội quan trọng cho các làng nghề thủ công Đàng Trong nhanh chóng hình thành và phát triển mạnh mẽ, đóng góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng của vương quốc Đàng Trong.

     2. Các chúa Nguyễn đã có những chính sách kinh tế hết sức thiết thực, nắm bắt được cơ hội quốc tế để phát triển mạnh mẽ nhiều ngành nghề thủ công nghiệp. Một số nghề của Đàng Trong thời kỳ này đã có thị trường tiêu thụ rộng lớn ở trong và ngoài nước và được đánh giá cao như: nghề dệt, nghề nấu đường, nghề khai thác vàng và nghề khai thác, chế biến yến sào… mang lại nguồn thu lớn cho Đàng Trong. Bên cạnh đó chính sách nhân hòa, trọng dụng mọi tầng lớp cư dân vào khai phá vùng đất mới, cũng giúp cho thủ công nghiệp Đàng Trong có những khác biệt quan trọng so với các nghề thủ công truyền thống ở đất Bắc. Thủ công nghiệp ở đây đã có sự kết hợp văn hóa giữa người Chăm, người Hoa, người Khmer, người Kinh và các tộc người khác tạo nên sự phong phú, đa dạng và chất lượng của các sản phẩm thủ công nghiệp ở Đàng Trong. Tuy nhiên, sau này khi chính quyền chúa Nguyễn suy yếu, sự quan tâm đến thủ công nghiệp và các ngành kinh tế khác của các chúa Nguyễn (đặc biệt dưới thời Nguyễn Phúc Thuần) không còn như trước, thủ công nghiệp Đàng Trong nhanh chóng đi vào lụi tàn.

     Chú thích:

     (1) Danh xưng Đàng Trong được các giáo sĩ phương Tây sử dụng trước tiên, dùng để chỉ vùng đất từ phía Nam sông Gianh của tỉnh Quảng Bình đến trấn Hà Tiên thuộc Kiên Giang, Cà Mau ngày nay. Danh xưng này tồn tại trong giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, khoảng thế kỷ XVII-XVIII.

     (2) Đây là tên gọi của tấm bản đồ mà Thư viện Quốc gia Singapore đã đặt cho bức tranh khu vực Đông Nam Á. Dẫn theo Vũ Ninh, Gió mậu dịch – từ quá khứ tới hiện tại, đăng trên https://nghiencuuxuquang.com/co-trung-dai/gio-mau-dich-tu-qua-khu-toi-hien-tai-123.html

     (3) Tokugawa là dòng họ nắm quyền thống trị ở Nhật Bản từ năm 1600 đến 1868. Mặc dù không thể tránh khỏi những hạn chế, nhưng Tokugawa là thời kỳ mà chế độ phong kiến
Nhật Bản phát triển đến đỉnh cao với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội. Tokugawa Leyasu và những người kế nghiệp ông đã chọn thành Edo (Tokyo ngày nay) làm trung tâm chính trị của Nhật Bản suốt 267 năm, nên thời kỳ thống trị của Mạc Phủ Tokugawa còn được gọi là thời kỳ Edo.

      (4) Các chợ được phân bố như sau:

     – Xứ Thuận Hóa có 5 chợ: chợ Dinh, chợ Sãi, chợ Cam Lộ, chợ Phả Lại, chợ Phú Xuân.

     – Phủ Thăng Hoa (Quảng Nam – Đà Nẵng) có 6 chợ: chợ Hội An, chợ Khánh Thọ, chợ Chiên Đàn, chợ Phú Trạm, chợ Tân An, chợ Khẩu Đáy.

     – Phủ Điện Bàn: chợ Thẩm Lĩnh.

     – Phủ Quy Nhơn (Bình Định) có 5 chợ: chợ Yên Khang, chợ Tiên Yên, chợ Phúc Sơn, chợ Kiền Dương, chợ Phúc Yên.

     – Phủ Bình Khang có 4 chợ: chợ Tân An, chợ An Lương, chợ Man Giả (hay Vạn Giả), chợ Dinh Bình Khang.

     – Phủ Diên Khánh (Khánh Hòa) có 3 chợ: chợ Dinh Nha Trang, chợ Vĩnh An, chợ Phú Vinh.

     – Phủ Gia Định (Sài Gòn) có 5 chợ: chợ Rạch Cát, chợ Đồng Nai, chợ Dinh Cũ, chợ Sài Gòn, chợ Bình An.

     (5) Chúng tôi đã có buổi khảo sát và làm việc với các bậc lão thành trong làng đúc đồng Phước Kiều. Rất tiếc là hiện nay ngoài ngôi đình làng, nhà thờ tổ nghề và một số hiện vật như chuông đồng, văn bia được lập dưới thời Nguyễn, thì làng và các gia đình không còn giữ được gia phả hay các sắc phong ngày xưa.

     (6) Xem bản phiên âm và dịch nghĩa văn bản “chúc từ” trong Bùi Thị Tân, Về hai làng nghề truyền thống Phú Bài và Hiền Lương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1999, tr. 245-249. Trong đó, họ Ngô – ông tổ là Ngô Thù là người có công đầu mang nghề luyện sắt từ vùng Sơn Tây vào Nghệ An dưới thời Mạc, sau đó mới cùng với họ Lê là Lê Trại và họ Nguyễn vào Huế lập nghiệp vào năm 1600.

     (7) Minh Hương là tên gọi những người Hoa sống và có quan hệ huyết thống với người Việt ở Đàng Trong, chẳng hạn lấy chồng hoặc vợ người Việt, sinh con và sống trên đất Đàng Trong.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

     1. Borri, C. Xứ Đàng Trong năm 1621. TPHCM: Nxb. Tổng hợp TPHCM.

     2. Bùi Thị Tân. 1999. Về hai làng nghề truyền thống Phú Bài và Hiền Lương. Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     3. Chenchingho. 1960. “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và cổ tích tại Hội An”. Việt Nam Khảo cứu tập san, số 1.

     4. Chu Đạt Quan. 2011. Chân Lạp phong thổ ký, bản dịch Hà Văn Tấn. Hà Nội: Nxb. Thế giới.

     5. Chu Quang Trứ. 1991. “Hội An nhìn từ mỹ thuật”, in trong Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     6. Dương Văn An. 1997. Ô Châu cận lục, Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên dịch và chú thích. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     7. Dương Văn Huy. 2008. “Nhìn lại chính sách ‘Hải Cấm’ của nhà Minh Trung Quốc”, in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại Châu Á thế kỷ XVI-XVII. Hà Nội: Nxb. Thế giới.

     8. Đỗ Bang. 1996. Phố cảng vùng Thuận Quảng. Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     9. Hasebe Gakuji. 1991. Tìm hiểu mối quan hệ Nhật – Việt qua đồ gốm sứ, in trong Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     10. Hoàng Anh Tuấn. 2016. Thương mại thế giới và hội nhập của Việt Nam thế kỷ XVI – XVIII. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia.

     11. Kazimien Kwiatkowski. 1988. “Hội An, một di sản kiến trúc đô thị cổ”. Tạp chí Văn nghệ Hội An.

     12. Lê Quý Đôn. 1977. Toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

    13. Li Tana. 2013. Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, bản dịch của Nguyễn Nghị. TPHCM: Nxb. Trẻ.

     14. Nguyễn Bội Liên, Trần Văn An, Nguyễn Văn Phi. 1991. “Ghe bầu Hội An – Xứ Quảng”, in trong Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     15. Nguyễn Thanh Nhã. 2013. Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, bản dịch của Nguyễn Nghị. Hà Nội: Nxb. Tri thức.

     16. Nguyễn Văn Đăng. 2010. “Vài nét về quan xưởng ở Phú Xuân thời các chúa Nguyễn”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1.

     17. Nguyễn Văn Kim. 2000. Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời kỳ Tokugawa, Nguyên nhân và hệ quả. Hà Nội: Nxb. Thế giới.

     18. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục, tập 1. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

     19. Thích Đại Sán. 1963. Hải ngoại kỷ sự. Huế: Ủy ban Phiên dịch sử liệu Viện Đại học Huế xuất bản.

     20. Thành Thế Vỹ. 1961. Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu XIX. Hà Nội: Nxb. Sử học.

     21. Trịnh Cao Tưởng. 1991. “Tiếp xúc văn hóa ở Hội An – nhìn từ góc độ kiến trúc”, in trong Đô thị cổ Hội An. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     22. Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng (chủ biên). 2012. Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 4 (224), 2017

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thủ công nghiệp Đàng trong (thế kỷ XVII- XVIII) dưới chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn (Tác giả: Nguyễn Thị Hải)