Tích hợp văn hóa trong dạy học văn học nước ngoài ở nhà trường phổ thông
CULTURE INTEGRATION IN TEACHING FOREIGN LITERATURE
IN HIGH SCHOOL
Tác giả: NGUYỄN HOÀN ANH
(Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu – An Giang)
TRẦN HỮU PHONG
(Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế)
TÓM TẮT
Tích hợp văn hóa được xem là một yêu cầu, một mục đích trong hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản văn học nước ngoài. Tích hợp văn hóa trong dạy học văn học nước ngoài sẽ giúp học sinh tiếp nhận đầy đủ vẻ đẹp của tác phẩm văn học nước ngoài vốn được phôi thai từ một nền văn hóa khác biệt. Bài báo này tập trung trình bày một số nội dung có liên quan đến vấn đề tích hợp văn hoá trong dạy học tác phẩm văn học nước ngoài ở nhà trường phổ thông.
Từ khóa: tích hợp, văn hóa, văn học, văn học nước ngoài, trường phổ thông.
ABSTRACT
Cultural integration is considered as a request, a purpose in teaching of reading and comprehending of foreign literature documents. Cultural integration in teaching foreign literature will help students to completely feel the beauty of foreign literature that derives from another distinctive culture. The article focuses on presenting some problems related to culture integration in teaching foreign literature in high school.
Keywords: integration, culture, literature, foreign literature, high school.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Văn hóa và văn học là hai phạm trù khác nhau nhưng có mối quan hệ rất chặt chẽ, biện chứng. Bất cứ nhà văn nào cũng sống, trưởng thành từ một hay một số nền văn hóa nhất định và vì thế, đứa con tinh thần của họ cũng ít nhiều mang dấu ấn của nền văn hoá đó. Nhận định của Aleksandr Solzhenitsyn “văn chương trở thành ký ức sống động của một quốc gia” cũng đã khẳng định rõ hơn điều này. Về phương diện tiếp nhận, người đọc nếu muốn khám phá, giải mã và đánh giá tác phẩm cũng cần phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử văn hoá mà nhà văn sáng tác. Cho nên, trong nghiên cứu, phê bình văn học, người ta thường lựa chọn văn hoá như một điểm tựa vững chắc để đánh giá tác phẩm. Càng am hiểu về môi trường văn hoá mà nhà văn sống, về những dấu ấn văn hoá được nhà văn đề cập trong tác phẩm bao nhiêu thì người nghiên cứu càng đưa ra được nhận định xác đáng bấy nhiêu.
Dạy học đọc hiểu văn bản thực chất là quá trình hướng dẫn, tổ chức để học sinh phân tích, khám phá vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của văn bản, nhận ra thông điệp được nhà văn gửi gắm và từ đó tự “thanh lọc tâm hồn”. Vì thế, việc tích hợp văn hóa trong dạy học đọc hiểu văn bản được xem là một trong những chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Hơn thế nữa, tác phẩm văn học nước ngoài lại được phôi thai từ một nền văn hoá khác mà học sinh chưa được tiếp cận một cách đầy đủ nên việc tích hợp trong dạy học những tác phẩm này lại càng trở nên cấp thiết.
2. Nội dung
1. Văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất, tinh thần mà con người tạo ra trong quá trình tác động vào thực tiễn. Văn học là một loại hình nghệ thuật-nghệ thuật ngôn từ, là một hình thái ý thức xã hội đặc thù nhưng bản thân nó được xem là một bộ phận, một thành tố của văn hoá và cũng là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị một cách tự nhiên và lâu bền nhất: “Văn học là sự tự ý thức văn hóa. Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa” [1]. Có thể nói, trong mối quan hệ này, văn học không chỉ là bộ phận, là sự biểu hiện đơn thuần của văn hoá mà còn có những giá trị đặc thù của nó. Nếu văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần đã được xác lập một cách tương đối rõ ràng, ổn định thì văn học không ngừng mở ra những giá trị văn hoá mới, văn học có thể phản ánh những giá trị văn hoá vật chất nhưng mục đích mà nó hướng tới lại là những giá trị văn hoá tinh thần. Nhận thức điều này để tránh việc đơn giản, dung tục hoá việc phân tích, giải mã, tiếp nhận và dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường. Nghĩa là, chỉ nên xem văn hoá như là xuất phát điểm, là nền tảng để tiếp nhận tác phẩm được sâu sắc và toàn diện hơn chứ không phải tìm kiếm các chi tiết, sự kiện để chứng minh cho một giá trị văn hoá nào đó.
2. Những lí giải về mối quan hệ giữa văn hoá và văn học, nhất là sự chi phối của văn hoá tới việc tiếp nhận, cảm thụ văn chương đã tạo ra những tiền đề lí luận hết sức quan trọng cho việc dạy học đọc hiểu tác phẩm văn học nước ngoài theo hướng tích hợp văn hoá. Dạy học tích hợp là sự kết hợp, phối kết các tri thức, kĩ năng của các môn học hoặc các phân môn khác nhau khi các môn học hoặc các phân môn này có nét tương đồng. “Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học” [5] nhằm mục tiêu hình thành một hệ thống năng lực cụ thể cho học sinh. Việc dạy học tích hợp cũng được tiến hành bằng hai phương thức chủ đạo là tích hợp ngang và tích hợp dọc. Quan điểm dạy học này không chỉ chi phối việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa hiện nay mà còn được vận dụng vào quá trình tổ chức dạy học nói chung và dạy học đọc hiểu văn bản nói riêng. Tuy nhiên, tích hợp văn hoá vẫn còn là một khái niệm cần tiếp tục được làm sáng tỏ trước khi vận dụng vào thực tế dạy học. Một số câu hỏi được đặt ra là: tích hợp văn hoá trong dạy học đọc hiểu là gì? Tích hợp văn hoá trong dạy học đọc hiểu cần đảm bảo những yêu cầu và nguyên tắc nào? Dựa vào khái niệm tích hợp nói chung, chúng tôi cho rằng tích hợp văn hoá về bản chất là phương thức tích hợp ngang, sử dụng phối hợp có hiệu quả các tri thức về văn hoá trong giờ đọc hiểu để học sinh có thể cảm thụ, tiếp nhận tác phẩm một cách sâu sắc, đầy đủ và chiếm lĩnh được các giá trị văn hoá chứa đựng trong nó. Khái niệm này tự nó đã đặt ra hai yêu cầu đối với việc tích hợp văn hoá trong dạy học đọc hiểu: sử dụng văn hoá như tiền đề, phương tiện để triển khai hoạt động đọc hiểu và xem văn hoá là một trong những mục đích cần hướng tới của hoạt động đọc hiểu. Nói cách khác, tích hợp văn hoá đòi hỏi phải xem văn hoá vừa là yêu cầu vừa là mục tiêu hướng tới của việc đọc hiểu.
Xem văn hoá là yêu cầu, giáo viên cần phải xác định được những tri thức văn hoá có liên quan đến nhà văn, nhà thơ và những sự kiện, tình huống xuất hiện trong tác phẩm như hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, quan niệm và thị hiếu nghệ thuật, chính trị, tôn giáo…. Những tri thức này cần được sử dụng kết hợp một cách hợp lí, hài hoà sao cho không làm mất đi đặc trưng của giờ đọc hiểu. Xem văn hoá là mục đích, giáo viên cần giúp học sinh không những hiểu được nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, hình thành cảm xúc thẩm mĩ mà còn góp phần để học sinh nhận ra được những vẻ đẹp văn hoá vật chất và tinh thần được nhà văn tái hiện trong đó.
3. Từ góc độ chương trình dạy học, có thể nói, các tác phẩm văn học nước ngoài được lựa chọn giới thiệu trong chương trình là những tác phẩm hay, tiêu biểu cho các nền văn học lớn của thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả dạy học đọc hiểu các tác phẩm này trong nhà trường vẫn chưa tương xứng với vị trí, tầm vóc của nó. Hiệu quả dạy học chưa cao, học sinh tỏ ra thờ ơ, không hứng thú với các tác phẩm văn học này, nhiều giáo viên chưa chú ý, đầu tư các tiết dạy một cách đúng mức. Ngoài những nguyên nhân khách quan như các tác phẩm văn học nước ngoài không nằm trong nội dung thi đại học, một số giáo viên còn xem nhẹ nội dung này… thì một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng dạy học đọc hiểu tác phẩm văn học nước ngoài như hiện nay là do nét đặc thù của nó. Những tác phẩm văn học nước ngoài trong chương trình Ngữ văn phổ thông hiện nay được sáng tác ở những thời điểm và là sự kết tinh của những môi trường văn hoá rất khác biệt so với thời đại và không gian văn hoá mà học sinh đang sống và trải nghiệm. Nói cách khác, giữa học sinh và tác phẩm văn học nước ngoài tồn tại một khoảng cách thẩm mĩ rất lớn. Không gian tác phẩm ra đời, bối cảnh được nhắc đến trong tác phẩm là ở một đất nước khác, thậm chí một châu lục, một phương trời khác mà học sinh chưa từng biết, chưa từng đặt chân tới. Hơn nữa, với học sinh, tác phẩm văn học nước ngoài không chỉ có sự khác biệt về thời gian, không gian văn hóa mà còn rất “lạ hoá” về phong cách nghệ thuật và phương pháp sáng tác… Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến thị hiếu nghệ thuật và nhất là “tầm đón nhận” của “bạn đọc học sinh”.
4. Từ những vấn đề lí luận và thực tiễn nói trên, chúng ta cần phải chú trọng sử dụng các biện pháp tích hợp hợp văn hoá nhằm nâng cao hiệu quả dạy học tác phẩm văn nước ngoài cho học sinh Trung học phổ thông hiện nay. Các phương thức và biện pháp này vừa phải đảm bảo những yêu cầu như đã nêu ở mục 2 vừa phải hướng tới mục tiêu nâng cao tầm đón nhận cho học sinh. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi đề xuất một số biện pháp tích hợp như sau:
– Tích hợp ở khâu chuẩn bị của giáo viên và học sinh.
+ Giáo viên thiết kế giáo án theo hướng tích hợp văn hóa: Việc tích hợp văn hóa trong giờ dạy học văn học nước ngoài phải được thể hiện ngay từ khâu thiết kế dạy học: xác định mục tiêu, lựa chọn nội dung cơ bản và dự kiến phương pháp. Chẳng hạn, thiết kế bài học Ông già và biển cả, giáo viên cần xác định được mục tiêu về tri thức là: giúp học sinh hiểu được đặc điểm văn hóa Phương Tây, biết trân trọng những khát khao chinh phục và sức mạnh tinh thần của con người khi khai thác thông điệp của tác phẩm: “Con người sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”.
Tiếp đến, giáo viên cần lựa chọn, sắp xếp các kiến thức cơ bản về văn học, văn hóa theo định hướng dạy học sao cho vừa đạt mục tiêu đề ra, vừa đảm bảo dung lượng kiến thức cần thiết đồng thời không vượt quá thời lượng cho phép của tiết học. Chẳng hạn, dạy bài Hồi trống cổ thành (Trích Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung); giáo viên lựa chọn các kiến thức cơ bản về văn học sau đây để khai thác: Kiến thức chung về tác giả, tác phẩm; vẻ đẹp của các nhân vật Trương Phi, Quan Công; nghệ thuật kể chuyện. Song song đó, giáo viên cũng định hướng nội dung văn hóa được tích hợp để làm nền tảng giúp học sinh cảm thụ tác phẩm như: bối cảnh lịch sử xã hội cát cứ phân tranh thời Tam quốc; học thuyết Nho gia đề cao tam cương, ngũ thường, tình nghĩa. Nghĩa là, giáo viên không đi sâu giảng dạy kiến thức văn hóa, xã hội mà chỉ chọn lựa phối kết những tri thức văn hóa phù hợp để học sinh hiểu về hoàn cảnh sinh thành tác phẩm và lý giải, đánh giá được vẻ đẹp của các nhân vật đặt trong bối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời.
Giáo viên cũng cần dự kiến các phương pháp dạy học theo hướng tích hợp văn hoá: Tích hợp văn hóa trong giờ đọc hiểu không phải là dạy thêm kiến thức văn hóa trong giờ dạy văn học mà là lồng ghép, phối kết kiến thức văn hóa, văn học để làm sáng tỏ vẻ đẹp của tác phẩm văn học. Do vậy, việc lựa chọn phương pháp dạy học thế nào để việc kết hợp kiến thức diễn ra thuận lợi nhất là yêu cầu lớn đặt ra với người giáo viên. Chúng tôi đề xuất một số phương pháp dạy học tích cực có thể sử dụng trong dạy học tích hợp văn hóa, văn học như: phương pháp dạy học theo nhóm, phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp hỏi đáp linh hoạt. Chẳng hạn, Dạy bài Thuốc của Lỗ Tấn, giáo viên đặt ra bốn vấn đề tích hợp văn hóa, văn học và giao cho các nhóm như sau:
Nhóm 1: Tìm hiểu phần Tiểu dẫn, giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm. Vì sao Lỗ Tấn lại muốn trở thành nhà văn? Mục đích viết tác phẩm Thuốc? (Dữ liệu văn hóa ở phần này là nạn mê tín dị đoạn, lối tư duy u mê lạc hậu, căn bệnh tinh thần của dân tộc Trung Quốc đầu thế kỉ XX; Lỗ Tấn muốn trở thành nhà văn để chữa căn bệnh về tinh thần của người Trung Quốc, tác phẩm Thuốc ra đời như một khát vọng tìm lấy phương thuốc chữa căn bệnh u mê, đớn hèn của dân tộc Trung Hoa lúc bấy giờ).
Nhóm 2: Tìm hiểu câu chuyện ở quán trà của gia đình Hoa Thuyên. Ở quán trà đã xảy ra những chuyện gì? Vì sao người ta tin rằng bánh bao tẩm máu lại có thể chữa được bách bệnh? Thái độ của mọi người đối với người chiến sĩ cách mạng Hạ Du vừa bị xử tử như thế nào? (Dữ liệu văn hóa ở phần này là sự lạc hậu trong suy nghĩ về y học, sự u mê về chính trị của người Trung Hoa, họ tin rằng bánh bao tẩm máu có thể chữa bách bệnh; họ gọi người cách mạng là giặc, hả hê trước cái chết của người đã chiến đấu hy sinh cho dân tộc, thậm chí dùng máu người cách mạng để chữa bệnh…)
Nhóm 3: Tìm hiểu câu chuyện ở nghĩa địa giữa Bà Hoa và bà Hạ. Câu chuyện ở nghĩa địa diễn ra như thế nào? Ý nghĩa của các hình ảnh: những ngôi mộ dày khít như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ; con đường mòn chia tách khu nghĩa địa dành cho người nghèo và người chết vì tù tội; vòng hoa trên mộ Hạ Du; con quạ bay vút lên bầu trời? Đoạn cuối tác phẩm, bà Hoa bước qua con đường mòn đến bên bà Hạ, chi tiết đó có ý nghĩa gì? Vì sao tác giả lại chọn họ Hoa, Hạ để đặt cho nhân vật? (Dữ liệu văn hóa ở phần này là: sự chết chóc, điêu tàn đẫy rẫy xã hội Trung Quốc; tư tưởng kì thị, tự chia tách của người Trung Hoa, tên gọi xa xưa của dân tộc Trung Hoa là Hoa Hạ… để học sinh thấy được dụng ý nghệ thuật, chiều sâu tư tưởng mà tác giả gửi gắm.)
Nhóm 4: Tìm hiểu đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Chú ý các hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ; không gian, thời gian nghệ thuật của tác phẩm. (Dữ liệu văn hóa trong phần này là cảm quan văn học của người Trung Quốc, cảm quan văn học của người phương Đông).
Nhóm 5: Nhóm chuyên gia (bao gồm một số học sinh giỏi, khá ở lớp): Điều khiển tiến trình thảo luận, tổng hợp các ý kiến, đưa ra nhận xét ban đầu.
+ Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài theo hướng tích hợp: Giáo viên căn cứ vào mục tiêu cụ thể của mỗi bài học để yêu cầu học sinh chuẩn bị bài theo hướng tích hợp. Bên cạnh nhiệm vụ tìm hiểu nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm hiểu các tri thức có liên quan đến hoàn cảnh lịch sử văn hoá ra đời tác phẩm, những giá trị văn hoá (phong tục, tôn giáo, địa danh) được đề cập đến trong văn bản… Chẳng hạn ở bài Uy-lít-xơ trở về giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm hiểu các vấn đề như:
a) Nhận xét về cuộc đấu trí của Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp?
b) Thử giải thích vì sao người Hy Lạp cổ lại đề cao trí tuệ?…
– Tích hợp trong tiến trình lên lớp
+ Tích hợp tri thức văn hóa khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu phần Tiểu dẫn, Chú thích: Ở các phần này, giáo viên yêu cầu học sinh đọc kĩ các nội dung Tiểu dẫn, Chú thích và yêu cầu học sinh tìm hiểu những nét khái quát về tác giả, tác phẩm và các thành tố văn hoá có liên quan đến tác giả và tác phẩm. Sau khi học sinh trả lời, giáo viên diễn giảng, khắc sâu các kiến thức cơ bản theo mục tiêu, nội dung bài học, trong đó phần kiến thức văn hóa sẽ được nhấn mạnh để làm cơ sở lý giải phần kiến thức văn học. Chẳng hạn, dạy học tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn, giáo viên yêu cầu học sinh đọc phần Tiểu dẫn sách giáo khoa đặt câu hỏi:
a) Cho biết hoàn cảnh ra đời của tác phẩm?
b) Bối cảnh đó đã chi phối thế nào đến mục đích sáng tác của tác giả và nội dung của tác phẩm?
Cơ sở văn hóa để trả lời các câu hỏi này là đặc điểm chính trị- kinh tế- xã hội Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là lối tư duy lầm lạc của người Trung Quốc, những hủ tục, sự mê tín dị đoan, sự xa rời quần chúng của một bộ phận người làm cách mạng dẫn đến những bi kịch lịch sử…
+ Tích hợp tri thức văn hóa khi tổ chức cho học sinh khai thác nội dung, nghệ thuật của tác phẩm: Hướng dẫn học sinh khai thác nội dung, nghệ thuật của tác phẩm là khâu then chốt trong dạy học tác phẩm văn chương, chiếm nhiều thời lượng nhất trong tiết học. Giáo viên cần chú ý tích hợp tri thức văn hóa khi hướng dẫn học sinh khai thác nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Bởi nội dung, nghệ thuật của tác phẩm chính là nơi sự kết hợp văn hóa, văn học hiện ra rõ nét nhất.
Tuy nhiên, không phải trong toàn bộ tác phẩm đều chứa đựng dữ liệu văn hóa để có thể triển khai việc tích hợp. Do đó, giáo viên có thể chọn một điểm hoặc một vài điểm nổi bật – nơi bộc lộ bản chất nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm để triển khai vấn đề tích hợp. Nói một cách khác, giáo viên phải chọn được một điểm trong tác phẩm mà ở đó vấn đề văn hóa và văn học hòa quyện vào nhau để hướng dẫn học sinh khai thác nhằm làm sáng tỏ giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Chẳng hạn, trong quá trình phân tích nhân vật Rama trong đoạn trích Rama buộc tội, giáo viên có thể cho học sinh làm việc cá nhân hoặc làm việc theo nhóm nhỏ để trả lời các câu hỏi:
a) Tìm những chi tiết miêu tả lời nói, thái độ của Rama khi buộc tội Xi ta?
b) Vì sao thái độ của Rama đau đớn, bi thương (cúi gầm mặt xuống đất, mặt chàng nom như thần chết) nhưng miệng chàng vẫn nói ra những lời buộc tội cứng rắn, xua đuổi Xita trước bao nhiêu người? Thái độ đó nói lên nét đẹp gì của con người ấn độ?
Cơ sở văn hóa để lý giải vấn đề ở đây là tâm lý trọng bổn phận, danh dự, đạo đức, thái độ coi trọng cộng đồng của người Ấn Độ. Đó là nét văn hóa riêng của Ấn Độ cũng là nét đẹp của nhân vật Rama.
Hoặc dạy bài Ông già và biển cả của nhà văn Hê-minh-uê, giáo viên có thể chọn cuộc chiến đấu của ông lão và con cá kiếm làm điểm nút để triển khai việc tích hợp văn học, văn hóa nhằm làm bật lên vẻ đẹp của tác phẩm qua hệ thống các câu hỏi như sau:
a) Tìm những chi tiết miêu tả con cá kiếm trong cuộc chiến đấu với ông lão (ngoại hình, sức mạnh)? Thái độ của ông lão đối với con cá kiếm? Từ đó, anh/chị hãy chỉ ra ý nghĩa của hình tượng con cá kiếm.
b) Tìm những chi tiết miêu tả nhân vật ông lão Xăng-tin-a-gô trong cuộc chiến đấu với con cá kiếm (Hành động, lời nói, nghị lực)? Vì sao ông lão yêu quý con cá kiếm nhưng vẫn quyết tâm giết nó? Từ đó, anh/chị nhận xét gì về tính cách của nhân vật?
c) Thử rút ra thông điệp mà tác giả gửi gắm qua việc miêu tả cuộc chiến đấu của ông lão và con cá kiếm.
Tri thức văn hóa được tích hợp ở đây là tính cách của con người phương Tây luôn khát khao chinh phục và chế ngự thiên nhiên, điểm này hoàn toàn khác biệt với tính cách phương Đông thường ôn hòa, chung sống với thiên nhiên, xem thiên nhiên là bầu bạn. Có hiểu được đặc điểm văn hóa này mới lý giải được vì sao nhân vật Xăng-ti-a-gô quyết giết cho bằng được con cá kiếm dù hết sức trân quý nó. Đó là cơ sở để học sinh cảm thụ được vẻ đẹp của con người trước biển cả mênh mông, trước sức mạnh kỳ diệu của thiên nhiên và sức mạnh của khát vọng mà con người ấp ủ.
– Tích hợp tri thức văn hóa ở khâu tổng kết, ôn tập
Khi tổng kết, củng cố bài học, bên cạnh việc khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; giáo viên có thể hướng dẫn học sinh đúc kết cả những kiến thức văn học và văn hóa. Chẳng hạn, khi dạy học bài Thơ Haiku: giáo viên hướng dẫn học sinh khái quát nội dung, nghệ thuật của các bài thơ; từ đó, khẳng định vẻ đẹp của thơ Haiku và văn hóa Thiền, vẻ đẹp trong lối tư duy của người Nhật Bản.
Trong giờ ôn tập về văn học nước ngoài, giáo viên cũng cần thực hiện theo hướng tích hợp văn hóa, văn học. Việc làm này sẽ giúp học sinh hệ thống hóa các tri thức đã học, giúp các em vừa khắc sâu tri thức văn học, vừa củng cố tri thức văn hóa đồng thời trang bị cho học sinh nhiều năng lực để vận dụng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn, ở bài Ôn tập phần văn học nước ngoài trong chương trình Ngữ văn 12, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tóm tắt thành bảng biểu như sau:
TT |
Tác phẩm |
Dữ liệu văn hóa trong tác phẩm |
Nội dung |
Nghệ thuật |
1 |
Thuốc (Lỗ Tấn) |
Xã hội Trung Quốc những năm đầu TK XX; lối tư duy lầm lạc của người Trung Quốc (những hủ tục, sự mê tín dị đoan, sự xa rời quần chúng của một bộ phận người làm cách mạng) |
Tình trạng lạc hậu của người dân, nỗi đau của người cách mạng Trung Quốc thời kì trước cách mạng Tân Hợi Thái độ vừa phê phán vừa xót thương của tác giả trước thực trạng ấy. Thông điệp “Cần phải tìm ra một phương thuốc để chữa căn bệnh tinh thần cho người Trung Hoa.” |
Nghệ thuật tự sự hiện đại thể hiện ở kết cấu và cách miêu tả, sử dụng hình ảnh tượng trưng. |
2 |
Ông già và biển cả (Hê-minh-uê) |
Xã hội phương Tây với sự phát triển mạnh mẽ sau 2 cuộc thế chiến; tâm lý thích chinh phục, làm chủ, khát vọng vươn xa của con người phương Tây |
Niềm tin, ý chí, nghị lực của con người Thông điệp “Con người sinh ra không phải để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại” |
Đối thoại, độc thoại nội tâm. Cách viết theo nguyên lý tảng băng trôi |
3 |
Số phận con người (Sô-lô-khốp) |
Xã hội Nga sau thế chiến: nỗi đau mà chiến tranh để lại; tâm lý cô đơn khổ đau của con người sau nhiều mất mát; những giá trị nhân văn và sức mạnh vươn lên mà người Nga tôn sùng |
Số phận con người trong và sau chiến tranh. Khát vọng vươn lên làm chủ số phận. Thông điệp “Lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, nghị lực sẽ nâng đỡ con người vượt qua số phận”. |
Nghệ thuật kể chuyện độc đáo, hấp dẫn. Xây dựng hình tượng nhân vật điển hình. |
– Kiểm tra đánh giá theo hướng tích hợp văn hoá
Kiểm tra, đánh giá đóng vai trò quan trọng, giúp giáo viên đánh giá được năng lực của học sinh và là cơ sở để điều chỉnh quá trình dạy – học hiệu quả, phù hợp hơn. Dạy học văn học nước ngoài theo hướng tích hợp văn hóa cũng cần được chú trọng ở khâu kiểm tra đánh giá. Nghĩa là giáo viên không chỉ kiểm tra kiến thức về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm mà còn cần phải kiểm tra khả năng chiếm lĩnh các giá trị văn hóa có liên quan đến tác phẩm Giáo viên có thể chọn nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá như: kiểm tra miệng, kiểm tra bằng bài tập, kiểm tra bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan, kiểm tra viết…
Kiểm tra miệng về tác phẩm Người trong bao của Sê-khốp, giáo viên có thể đặt câu hỏi:
a) Cho biết hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn Người trong bao?
b) Hoàn cảnh ấy chi phối như thế nào đến nội dung tác phẩm?
c) Từ đó hãy rút ra thông điệp của tác phẩm?
Cơ sở văn hóa ở đây là đặc điểm xã hội Nga cuối thế kỷ XIX: không khí ngột ngạt, lối tư duy bó buộc trong các thông tư, chỉ thị cùng với lối sống co cụm, tính cách hèn nhát của một bộ phận không nhỏ trí thức Nga; đó là một thời kì đen tối với nhiều biểu hiện lạc hậu của nền văn hóa Nga. Tất cả những đặc điểm này được phản ánh trọn vẹn qua hình tượng nhân vật Bê-licốp. Từ đó, nhà văn Sê-khốp gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh con người: “Không thể sống mãi như thế này được”.
-Tích hợp trong giai đoạn hậu tiếp nhận tác phẩm
Tích hợp văn hóa không chỉ diễn ra trong quá trình giáo viên hướng dẫn học sinh tiếp nhận tác phẩm mà còn phải hướng dẫn học sinh cách thức tích hợp ở giai đoạn hậu tiếp nhận. Trước bất cứ một tác phẩm văn học nào, đặc biệt là tác phẩm văn học nước ngoài, học sinh cũng cần có ý thức tìm ra những dữ liệu văn hóa trong đó và biết cách sử dụng dữ liệu văn hóa ấy làm cơ sở để hiểu, cảm thụ tác phẩm. Việc làm này làm cho học sinh vừa thấy rõ hơn mối quan hệ bền chặt giữa văn hoá với văn học vừa có ý thức trân trọng những giá trị văn hóa, văn học của nhân loại. Cũng từ đây, các em sẽ đọc tác phẩm văn học nước ngoài một cách tự giác và hứng thú hơn, sẽ cảm thấy thú vị hơn khi khám phá được những giá trị văn hoá đặc sắc, những tính cách độc đáo và những tâm hồn cao thượng của con người ở những vùng đất khác nhau trên thế giới. Chẳng hạn, giáo viên giới thiệu cho học sinh đọc một hoặc một vài tác phẩm văn học nước ngoài ở nhà và tìm những nét đặc sắc về tính cách, tâm hồn, lối sống hoặc nét đẹp phong tục, tập quán của đất nước, con người được nhà văn tái hiện trong tác phẩm. Đó là một trong những cách để học sinh tiếp cận với những giá trị văn hóa, văn học nước ngoài để góp phần bồi đắp vốn tri thức, vốn sống và vẻ đẹp tâm hồn của học sinh.
3. Kết luận
Tích hợp văn hóa trong dạy học đọc hiểu nói chung và dạy học đọc hiểu tác phẩm văn học nước ngoài nói riêng ở trường phổ thông là một hướng dạy học cần thiết và hứa hẹn sẽ mang lại kết quả cao. Hướng dạy học này không chỉ có cơ sở từ mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hoá và văn học mà còn xuất phát từ đặc điểm của hoạt động tiếp nhận và thực trạng dạy học tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường phổ thông hiện nay. Việc tích hợp văn hoá vừa là con đường để học sinh khai mở, tiếp nhận tác phẩm vừa gián tiếp bổ sung vốn hiểu biết về phong tục, tập quán và nhiều giá trị văn hoá khác của nhiều quốc gia trên thế giới. Cũng từ đây, “tầm đón nhận” của học sinh sẽ được nâng cao hơn và nó sẽ là hành trang vô cùng quý giá cho các em trong quá trình khám phá, tiếp nhận và tiếp biến những giá trị văn hoá, tinh thần nói chung và giá trị văn học nói riêng của nhân loại. Để thực hiện có hiệu quả hướng dạy học này, giáo viên cần phải nắm được những yêu cầu có tính quyên tắc của việc dạy học theo hướng tích hợp, nhất là phải đảm bảo đặc trưng của một giờ đọc hiểu. Điều này sẽ làm cho giờ đọc hiểu không rơi vào “dung tục hoá”, chỉ đơn thuần là sự minh hoạ cho các giá trị văn hoá định sẵn mà trở nên thú vị, hấp dẫn hơn đối với học sinh. Mặt khác, tích hợp văn hoá là một quá trình, diễn ra theo nhiều giai đoạn với những yêu cầu khác nhau. Vì thế, giáo viên nên tiến hành việc tích hợp văn hoá trong nhiều giai đoạn từ tiền tiếp nhận, tiếp nhận cho đến hậu tiếp nhận, trong đó đặc biệt chú ý đến giai đoạn tiếp nhận trong giờ đọc hiểu tại lớp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Lê Bảo (2000). Giải mã văn học từ mã văn hóa, NXB ĐHQG Hà Nội.
[2] Lê Huy Bắc (2008). Dạy học văn học nước ngoài Ngữ văn 10, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3] Lê Huy Bắc (2008). Dạy học văn học nước ngoài Ngữ văn 11, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[4] Lê Huy Bắc (2008). Dạy học văn học nước ngoài Ngữ văn 12, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[5] Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Nguyễn Văn Tảo (2001). Từ điển Giáo dục học, NXB Từ điển Bách khoa liên kết với viện Nghiên cứu và phổ biến kiến thức bách khoa.
[6] Trần Hữu Phong (2009). Dạy học Ngữ văn ở trung học phổ thông theo các định hướng đổi mới, Tài liệu giảng dạy, Đại học Sư phạm Huế, Thừa Thiên Huế.
Nguồn: Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế,
ISSN 1859-1612, Số 01(41)/2017: tr. 45-52
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tích hợp văn hóa trong dạy học văn học nước ngoài ở nhà trường phổ thông (Tác giả: Nguyễn Hoàn Anh, Trần Hữu Phong) |