Tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm tại bán đảo Sơn Trà – thành phố Đà Nẵng

Development potential of experiential
tourism in Son Tra peninsula – Da Nang City

TRẦN DUY MINHPHẠM ĐỨC THIỆN
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM)

TÓM TẮT

     Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một nhu cầu thiết thực tại bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng nhằm gia tăng tính hấp dẫn đối với du khách và phát huy một cách hiệu quả những tiềm năng du lịch tại đây. Trong những phương cách có thể áp dụng để hiện thực hóa mục tiêu này, việc phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm cho du khách có khá nhiều ưu thế thuận lợi. Dựa trên việc tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản của hình thức du lịch này kết hợp với những đánh giá các điều kiện trong thực tế, bài viết đề xuất một số nội dung cụ thể trong việc triển khai du lịch trải nghiệm về tự nhiên và văn hóa xã hội cho du khách tại bán đảo Sơn Trà. Như một trường hợp điển hình, mô hình triển khai này có thể áp dụng cho nhiều địa phương khác tại Việt Nam có những tiềm năng và điều kiện tương tự.

Từ khóa: du lịch, du lịch trải nghiệm, bán đảo Sơn Trà.

ABSTRACT

     Tourism product diversification is an essential need aiming to increase the attractiveness and effectively promote tourism potential for Son Tra peninsula, Da Nang City. In can-be-applied methods, the development of experiential tourism forms has numerous favorable advantages. Based on the understanding of the basic principles of the mentioned-above tourism forms, combining with the evaluation of the conditions in practice, the paper proposes some specific contents to implement experiential tourism in terms of nature and social culture for visitors to Son Tra peninsula. As a typical case, this deployment model can be applied to many other destinations in Vietnam where similar potentials and conditions are found.

Keywords: tourism, experiential tourism, Son Tra peninsula.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Bán đảo Sơn Trà tuy là một điểm đến du lịch nổi bật của thành phố Đà Nẵng song hoạt động du lịch trong thời gian qua vẫn chưa thực sự phát huy được hết các giá trị tiềm năng vốn có nơi đây. Bởi đó, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch bằng cách khai thác tối ưu các nguồn lực là một nhu cầu rất thiết thực. Trong những phương cách có thể áp dụng để hiện thực hóa mục tiêu này, việc phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm cho du khách được xem là có khá nhiều ưu thế thuận lợi. Nhằm làm rõ hơn khả năng phát triển loại hình du lịch này tại Sơn Trà, nhóm tác giả đã tiến hành tổng hợp một cách khái quát đặc điểm và yêu cầu của du lịch trải nghiệm. Từ đó tiến hành phân tích tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm tại Sơn Trà trên cơ sở xem xét, đối chiếu với các đặc trưng của tài nguyên du lịch tại đây. Đồng thời bằng những kinh nghiệm thực tế, nhóm tác giả mạnh dạn đề xuất một số hình thức cụ thể để có thể triển khai cách hiệu quả nhất hình thức du lịch này. Không chỉ là minh chứng cho tính khả thi của việc triển khai hoạt động du lịch trải nghiệm tại Sơn Trà mà những đề xuất này là định hướng rất cụ thể để các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có thể triển khai thành các sản phẩm du lịch trong thực tế.

2. Khái quát về Du lịch trải nghiệm

     Du lịch ngày nay đã trở nên như một trong những hoạt động phổ biến của con người trong xã hội khi những điều kiện về vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch quốc tế trong thời gian qua đã tăng lên nhanh chóng từ con số 25 triệu vào năm 1950 lên đến 1,133 tỉ khách trong năm 20141. Bên cạnh sự tăng trưởng nhanh về số lượng, nhu cầu và thị hiếu của du khách cũng ngày càng đa dạng hơn nhiều. Mục đích du lịch không chỉ đơn thuần là tham quan, giải trí mà còn nhằm tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa – xã hội tại địa phương hay nhiều mục đích khác tùy theo nhu cầu của từng nhóm đối tượng cụ thể. Đặc biệt trong những năm gần đây các hình thức giúp du khách có cơ hội trải nghiệm thực tế cuộc sống trong những môi trường mới ngày càng trở nên phổ biến.

     Trong lĩnh vực du lịch, thuật ngữ “trải nghiệm” gần như được dùng khá phổ biến và thường gắn với hàm nghĩa đơn giản là quá trình sử dụng và cảm nhận về một sản phẩm cụ thể nào đó. Tuy nhiên, khi tiếp cận trên phương diện một hình thức tổ chức du lịch, du khách tham gia trong một chương trình mang tính trải nghiệm trọn vẹn sẽ được yêu cầu nhiều hơn cũng như thụ hưởng được nhiều giá trị hơn thế.

     Du lịch trải nghiệm khích lệ du khách hòa mình vào thực tế cuộc sống tại các điểm đến du lịch không chỉ thông qua việc tìm hiểu thông tin cách cặn kẽ, chi tiết mà còn tham gia vào các hoạt động cụ thể trong vai trò là những thành viên trực tiếp của môi trường và cộng đồng bản địa. Thông qua những hoạt động đó, du khách sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống nơi những môi trường mới khác biệt với cuộc sống thường ngày, cũng như tích lũy thêm cho mình những tri thức và kinh nghiệm thực tế về thiên nhiên, văn hóa – xã hội nhờ việc tham gia vào các hoạt động cụ thể cùng với cộng đồng tại địa phương.

     Du lịch trải nghiệm đòi hỏi nhiều hơn ở du khách khi tham gia vào các chương trình theo hình thức này bởi nếu muốn đạt được mục tiêu một trải nghiệm trọn vẹn và ấn tượng thì buộc khách tham gia phải đáp ứng nhiều yêu cầu hơn. Không như những hình thức du lịch đại chúng, du khách chỉ đơn thuần đi để nhìn ngắm, chụp ảnh hoặc tìm hiểu những thông tin rất cơ bản về các đối tượng hấp dẫn – tài nguyên du lịch. Tham gia du lịch trải nghiệm, du khách phải là người thực sự đam mê tìm hiểu và khám phá, có khả năng thích nghi và hòa nhập với môi trường mới, có thái độ tôn trọng những giá trị riêng biệt tại điểm đến, có khi phải tốn những khoản chi phí cao hơn nhiều lần so với du lịch thông thường. Đổi lại, du khách cũng sẽ nhận được về cho mình rất nhiều điều thông qua những trải nghiệm từ sự độc đáo của tự nhiên và xã hội tại các điểm đến trong chương trình.

     Với cách hiểu đó, du lịch trải nghiệm không chỉ là một loại hình du lịch cụ thể, riêng biệt mà là một hình thức bao quát hay một nhóm “định hướng” cho nhiều loại hình hiện đã và đang hình thành trên thị trường. Trên thực tế của hoạt động du lịch hiện nay, đã có nhiều loại hình du lịch hiện thực hóa những mục tiêu của du lịch trải nghiệm như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thiên nhiên, du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch học tập (nghiên cứu)… Những loại hình này cho dù có sự khác biệt với nhau về nội dung và phương thức tổ chức song đều có trong đó mục tiêu đem đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ về vùng đất và con người nơi họ đến tham quan, từ đó làm giàu thêm tri thức và kinh nghiệm sống cho họ.

     Du lịch trải nghiệm mang đầy đủ những đặc tính của hoạt động du lịch thông thường song lại có thêm những tiêu chuẩn riêng khi triển khai, tùy thuộc vào loại hình cụ thể. Nhưng cho dù chỉ là hành trình của một cá nhân hay là một chương trình được tổ chức bài bản thì các hình thức du lịch trải nghiệm đều hướng đến đảm bảo tiêu chuẩn quan trọng là làm giàu tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng sống cho du khách nhờ quá trình tiếp cận và hội nhập cách tích cực nhất. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo tất cả các hoạt động luôn trong sự kiểm soát và ít gây tác động nhất đối với điểm đến.

     Theo nhận định của Skift – một đơn vị truyền thông chuyên nghiên cứu xu hướng du lịch toàn cầu – khi dựa trên các kết quả khảo sát thị trường du lịch được thực hiện năm 2014 thì xu hướng du lịch trải nghiệm hiện nay đang ngày càng gia tăng cùng với sự thay đổi về nhu cầu của du khách2. Điều này cũng khá tương đồng với nhiều báo cáo khác về diễn biến và xu hướng du lịch thế giới trong thời gian gần đây. Bởi đó có thể thấy rằng, du lịch trải nghiệm đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ du khách. Việc đầu tư phát triển các hình thức này như là một điều tất yếu mở ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của các địa phương.

3. Tài nguyên du lịch tại bán đảo Sơn Trà

     Bán đảo Sơn Trà có ưu thế sở hữu nhiều yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và văn hóa xã hội có thể phục vụ phát triển du lịch. Dựa trên việc khai thác những ưu thế nổi bật đó mà trong thời gian qua, hoạt động du lịch tại Sơn Trà đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, lượng khách đến tham quan du lịch tại Sơn Trà ngày càng tăng trong những năm gần đây. Cụ thể trong năm 2010, ước tính có khoảng 160.960 lượt khách, qua các năm sau thì con số này đã dần tăng lên nhanh chóng đạt mức 512.600 lượt trong năm 2014. Đặc biệt trong năm 2015, tổng lượng du khách đến tham quan du lịch trên tất cả các tuyến của Sơn Trà đã tăng lên đáng kể đạt mức 1.174.000 lượt và chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2016 thì tổng lượng khách đã là 826.800 lượt3. Điều đó cho thấy Sơn Trà ngày càng trở nên một điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

     Trước hết, nguồn tài nguyên có giá trị mà Sơn Trà đang sở hữu, đó là diện tích rừng tự nhiên khá lớn được duy trì giữa lòng thành phố Đà Nẵng – một đô thị phát triển hàng đầu khu vực miền trung. Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có tổng diện tích tự nhiên là 4.439ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 4.180ha, được bao phủ bởi kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới. Thực vật rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đa dạng với 985 loài thực vật, trong đó 22 loài quý hiếm được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật Sơn Trà có 287 loài gồm 36 loài thú, 106 loài chim, 23 loài bò sát, 9 loài ếch nhái và 113 loài côn trùng; trong đó 15 loài động vật quý hiếm cần chú trọng bảo tồn.

     Đặc biệt ghi nhận sự tồn tại của loài Vọoc chà vá chân đỏ Pygrathrix nemaeus – một loài đặc hữu Đông Dương với bộ lông ngũ sắc, được mệnh danh là “Giác hoàng – Nữ hoàng của các loài Voọc”4. Với đặc thù một bán đảo ven biển, Sơn Trà có hệ sinh thái ven bờ khá đa dạng và có giá trị. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, rạn san hô vùng ven bờ Đà Nẵng ước tính vào khoảng 104,6ha, trong đó 2ha còn trong tình trạng rất tốt; 8,1ha trong điều kiện tốt; 9,2ha trung bình với chủ yếu 191 loài san hô cứng tạo rạn và 3 giống san hô mềm tập trung chủ yếu ở khu vực Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hục Lỡ và Vũng Đá. Thảm cỏ biển cùng với rạn san hô ven bờ Đà Nẵng cung cấp môi trường sống cho 162 loài cá, 81 loài sinh vật đáy kích thước lớn trên rạn5. Sự phong phú và đa dạng của các chủng loại sinh vật ở đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch lặn ngắm san hô, cá cảnh rạn san hô và hệ sinh thái biển. Dẫu quy mô diện tích nhỏ (4.439ha)6 và phần lớn được bao phủ bởi hệ thống rừng tự nhiên thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, song tài nguyên du lịch nhân văn trên bán đảo và khu vực lân cận không vì thế mà kém phần phong phú. Có thể kể đến các công trình nhân tạo có quy mô và giá trị thẩm mỹ đã được tạo dựng trên bán đảo, trở thành những điểm đến đầy thú vị cho du lịch Sơn Trà.

     Công trình chùa Linh Ứng – Bãi Bụt tọa lạc trên diện tích khoảng 12ha, tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, hiện được xem là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng cả về quy mô cũng như kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, tại đây có tượng Phật Quan Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam (cao 67m, đường kính tòa sen 35m, tương đương tòa nhà 30 tầng). Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt không chỉ là nơi chiêm bái và sinh hoạt của tăng ni, phật tử mà đồng thời còn là nơi ngoạn cảnh của du khách bốn phương, một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn của Đà Nẵng.

     Khi du ngoạn trên bán đảo Sơn Trà, du khách có thể dừng chân tại Đỉnh Bàn cờ tiên – nơi có độ cao 650m so với mặt nước biển với cảnh sắc phóng khoáng và hoang sơ. Tại vị trí này, du khách có thể phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Đà Nẵng và xa xa là khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Những điểm dừng lý thú khác trên hành trình khám phá bán đảo có thể là Bảo tàng Đồng Đình – một khu vườn ký ức tái hiện lại những nét cổ xưa với sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn không gian sinh thái rừng và hiện vật đến từ các nền văn hóa khác nhau của dân tộc; cội đa ngàn năm được vinh danh là Cây di sản Việt Nam – một điểm nhấn đặc sắc cho hành trình du ngoạn “không gian xanh” trên bán đảo. Bên cạnh đó còn có các khu nghỉ dưỡng, các bãi biển được đầu tư xây dựng với không gian đẹp và thân thiện, hài hòa với môi trường tự nhiên xung quanh.

     Là một địa phương ven biển nên Đà Nẵng nói chung và Sơn Trà nói riêng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của vùng duyên hải Trung Trung Bộ. Lễ hội cầu ngư là một trong những sinh hoạt văn hoá mang đậm yếu tố tâm linh của ngư dân vùng biển Sơn Trà, được ngư dân làng nghề Thọ Quang, Mân Thái tổ chức vào đầu tháng 4 dương lịch hàng năm. Trong lễ Cầu Ngư, phần lễ gồm có: Lễ vọng, Lễ Nghinh Ông, đại tế, xây chầu hát lễ; phần hội có tổ chức các cuộc thi truyền thống như: đua ghe, bơi lội, lắc thúng, kéo co, hát tuồng… Đây là một lễ hội hoành tráng, đầy tính trang trọng thiêng liêng song cũng rất dân dã, thể hiện vẻ đẹp truyền thống của cư dân vùng biển.

     Hơn thế nữa, trong đời sống cư dân bán đảo nói riêng và toàn quận Sơn Trà nói chung hiện vẫn đang bảo lưu nhiều nét văn hóa đặc trưng khác của miền duyên hải. Có thể kể ra đây như: các điệu hò, điệu lý mộc mạc được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng, được cất lên trong những lúc lao động hay khi rỗi rãi cùng hàn huyên với nhau về cuộc sống sau những giờ làm việc. Là cư dân miền biển, cuộc sống mưu sinh của khá nhiều hộ dân tại đây gắn liền với công việc khai thác các nguồn lợi từ biển. Hình ảnh những đoàn thuyền ra khơi và trở về với những mẻ lưới trĩu nặng hay những ánh đèn điện của những chiếc thuyền đánh cá, thuyền câu mực lung linh huyền ảo giữa màn đêm tĩnh lặng của vùng biển Sơn Trà luôn là điều hấp dẫn đối với du khách.

     Cùng với đó, người dân trong khu vực ngày nay còn lưu giữ khá nhiều cách thức độc đáo trong chế biến các sản vật đánh bắt được từ biển như: làm nước mắm, sản xuất các sản phẩm từ ruốc, tôm, cá… Những quy trình và phương pháp chế biến truyền thống luôn là điều hấp dẫn cho những ai thích tìm hiểu và trải nghiệm về văn hóa. Bên cạnh đó, Sơn Trà còn nổi danh về ẩm thực với những các món Mỳ Quảng, bánh canh Ruộng, bánh canh Vũng Thùng có tiếng từ lâu hay các món ăn được chế biến từ nguồn thủy hải sản phong phú của địa phương, là những món ăn hấp dẫn và có giá trị dinh dưỡng cao, thỏa lòng những vị khách có mong muốn trải nghiệm về tính phong phú của ẩm thực.

     Với sự đa dạng và hấp dẫn của nguồn tài nguyên du lịch cộng với điều kiện về hạ tầng hoàn chỉnh mà thành phố Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng trong thời gian qua, du lịch tại bán đảo Sơn Trà sẽ có nhiều thuận lợi để khai thác phát triển. Đặc biệt, chính những đặc thù riêng có của tài nguyên nơi đây là chất liệu rất tốt để xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm đem đến cho du khách nhiều thú vị khi tham gia các hình thức này.

4. Một số hình thức khai thác du lịch trải nghiệm tại bán đảo Sơn Trà

     Tour lặn ngắm san hô xuất phát từ các bãi biển du lịch phía Bắc hoặc phía Nam bán đảo và diễn ra tại một số điểm ngắm tập trung gần Bãi Đa (Mũi Súng). Tham gia các chương trình này, du khách có cơ hội khám phá và tìm hiểu hệ sinh thái đa dạng và đặc trưng của vùng biển Đà Nẵng; thêm vào đó còn được nhìn ngắm phong cảnh bán đảo Sơn Trà từ phía biển cũng như những hoạt động thường nhật của ngư dân địa phương. Hoạt động này không chỉ đem đến một trải nghiệm thú vị cho du khách khi được hòa mình vào không gian mới mẻ đầy quyến rũ mà còn giúp mở mang thêm vốn hiểu biết về môi trường biển. Đồng thời, hoạt động này có thể được xem như một phương cách hữu hiệu giúp gia tăng thêm nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của du khách. Tuy thế, để triển khai chương trình này có hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần phải có những tính toán khoa học về mặt tổ chức, kiểm soát các tác động và các biện pháp bảo vệ để duy trì sự phát triển ổn định của hệ sinh thái san hô nơi đây.

     Với hệ sinh thái rừng đa dạng và độc đáo, bán đảo Sơn Trà sở hữu những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các hoạt động du lịch gắn với sinh thái rừng như tìm hiểu sinh cảnh rừng, diễn thế sinh thái các loài thực vật rừng, quan sát các loài động vật ngoài môi trường tự nhiên, giáo dục môi trường, trekking xuyên rừng,… Đặc biệt, quần thể Vọoc chà vá chân đỏ có số lượng tương đối lớn và phân bố rộng trên địa bàn bán đảo, là điều kiện để tạo sự thu hút và phát triển chương trình quan sát, tìm hiểu đời sống các loài linh trưởng ngoài môi trường tự nhiên. Sẽ rất nhiều bài học hữu ích về tự nhiên từ “không gian xanh” Sơn Trà mà du khách có thể tiếp nhận khi tham gia vào các chương trình này.

     Một hoạt động khác cũng thú vị không kém, có thể đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch là hoạt động đánh bắt và khai thác thủy sản vào ban đêm của ngư dân địa phương. Bán đảo Sơn Trà về đêm cũng mang nhiều vẻ đẹp với những nét riêng khác biệt với ban ngày như: vẻ đẹp của chùa Linh Ứng, hải đăng Sơn Trà, các khu resort ven biển; vẻ đẹp của hàng trăm ngàn ánh đèn từ những con đường vòng quanh bán đảo, từ các thuyền câu cá, câu mực đêm trong vùng biển ven bờ quanh bán đảo. Đặc biệt vào những ngày trời trong và sáng trăng, cảnh sắc như càng thêm lung linh và huyền ảo hơn hẳn trong sự cảm nhận của du khách. Trong bối cảnh này, sự trải nghiệm sẽ là việc tham gia trực tiếp hoạt động trên các thuyền của ngư dân, du khách vừa có cơ hội giao lưu tiếp xúc với với người dân vừa tham gia trực tiếp vào các hoạt động đánh bắt hải sản. Thành quả có được sẽ không chỉ là những sản vật tươi rói từ biển mà hơn thế, đó là những hiểu biết về văn hóa, cuộc sống miền biển, kỹ thuật đánh bắt và nghĩa tình đến từ những người ngư dân hiền hòa, mến khách. Sự thú vị càng gia tăng, khi du khách được tự tay chế biến các món hải sản trên thuyền để vừa thưởng thức những hương vị tuyệt hảo mà thiên nhiên dành tặng vừa chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây.

     Một trải nghiệm khác thích hợp với giới trẻ là chương trình du lịch học tập – rèn luyện kỹ năng, hướng tới đối tượng là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Tham gia chương trình này tại Sơn Trà, các bạn trẻ sẽ có thời gian để học tập, tìm hiểu thêm về văn hóa lịch sử của địa phương, tiếp cận và tìm hiểu môi trường tự nhiên, hệ sinh thái nơi đây; thông qua đó nâng cao hiểu biết, ý thức và trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn có cơ hội rèn luyện thể lực, các kỹ năng cắm trại, kỹ năng sinh tồn giữa môi trường thiên nhiên hoang dã, tinh thần đồng đội, tính kỷ luật trong môi trường tập thể…

     Trải nghiệm về văn hóa cũng được xem là một hình thức thú vị khi đến du lịch tại Sơn Trà. Không phải những chương trình chuyên đề mang nặng tính học thuật mà chỉ đơn giản là những khoảng thời gian đến cùng với những hộ gia đình tại địa phương, tham gia cùng các hoạt động sản xuất với những nghề thủ công truyền thống tại địa phương. Những công việc có thể rất đỗi bình dị nhưng thường khá xa lạ với những vị khách phương xa vốn sống trong những môi trường khác biệt, sẽ mang đến cho họ nhiều những trải nghiệm và hiểu biết mới về con người và cuộc sống nơi đây.

     Một điều hấp dẫn khác mà khu vực Sơn Trà cũng như bao vùng đất khác của Việt Nam đem đến cho du khách là phong vị ẩm thực đa dạng và đặc sắc. Không chỉ có thưởng thức mà chính việc tự tay tham gia chế biến các món ăn sẽ tạo nên cho thực khách những ấn tượng sâu đậm không những bởi hương vị mà còn là các giá trị về dinh dưỡng và văn hóa kết tinh trong đó. Bên cạnh đó, thời gian diễn ra lễ hội Nghinh Ông hàng năm của nhân dân trong vùng càng là một cơ hội tuyệt vời cho du khách tìm hiểu và trải nghiệm những nét đẹp trong bản sắc văn hóa của cư dân miền biển. Việc nâng cấp lễ hội Nghinh Ông tại Sơn Trà thành lễ hội thành phố và tổ chức thường xuyên lễ hội này, sẽ góp phần kéo dài mùa du lịch tại thành phố Đà Nẵng đồng thời là một sự kiện đầy ý nghĩa đối với khách du lịch trải nghiệm.

5. Kết luận

     Du lịch trải nghiệm đã không còn là hình thức mới lạ mà đang dần trở nên lựa chọn ưu tiên hàng đầu của du khách trong xu hướng du lịch hiện nay. Du hành đến những vùng đất mới, trải nghiệm những điều thú vị về tự nhiên và văn hóa một cách trọn vẹn là giá trị hoàn hảo mà du khách có thể nhận được khi tham gia các hình thức du lịch trải nghiệm.

     Với những điều kiện thuận lợi sẵn có, bán đảo Sơn Trà – thành phố Đà Nẵng là một điểm đến lý tưởng để triển khai các hình thức du lịch này. Trải nghiệm một chuỗi các giá trị từ hệ sinh thái tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương thông qua những chương trình du lịch cụ thể, sẽ làm giàu thêm vốn sống cho du khách cũng như để lại trong họ một ký ức đẹp và ấn tượng về vùng đất và con người nơi đây.

     Để phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm tại Việt Nam thì không chỉ riêng Sơn Trà là điểm đến lý tưởng mà nhiều địa phương khác trên cả nước cũng có những lợi thế phát triển tương tự. Nếu chú trọng đón đầu xu hướng mới bằng sự đầu tư khai thác tốt, đưa ra các sản phẩm trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn, chắc chắn cơ hội phát triển du lịch của địa phương sẽ rất lớn, đem lại lợi ích về nhiều mặt cho xã hội và góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam.

__________
1 Tổ chức Du lịch Thế giới, UNWTO Tourism Highlights 2015.

2 SKIFT (2014), The Rise of Experiential Travel, Skift Report 2014.

3 Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (2016), Tổng hợp số liệu thống kê du khách tại bán đảo Sơn Trà.

4 Đinh Thị Phương Anh (1997), Điều tra khu hệ động – thực vật và nhân tố ảnh hưởng, đề xuất phương án bảo tồn sử dụng hợp lý KBTTN Bán đảo Sơn Trà.

5 Nguyễn Văn Long (2006), Điều tra, nghiên cứu rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà.

6 Đinh Thị Phương Anh (1997), Điều tra khu hệ động – thực vật và nhân tố ảnh hưởng, đề xuất phương án bảo tồn sử dụng hợp lý KBTTN Bán đảo Sơn Trà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng, Sổ tay du lịch Sơn Trà, http://sontra.danang.vn/default.asp?idTL=123 (truy cập tháng 8/2016).

[2]. Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng (2016), Tổng hợp số liệu thống kê du khách tại bán đảo Sơn Trà.

[3]. Đinh Thị Phương Anh (1997), Điều tra khu hệ động – thực vật và nhân tố ảnh hưởng, đề xuất phương án bảo tồn sử dụng hợp lý KBTTN bán đảo Sơn Trà, Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

[4]. Nguyễn Văn Long (2006), Điều tra, nghiên cứu rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà, Viện Hải dương học Nha Trang.

[5]. Nature & Outdoor Tourism Ontario (NOTO), Experiential Tourism, http://noto.ca/info_for_your_business/experiential_tourism, (truy cập tháng 8/2016).

[6]. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà nẵng, Son Tra ecotourist peninsula http://www.cst.danang.gov.vn/chitiet?articleId=60832, (truy cập tháng 8/2016).

[7]. SKIFT (2014), The Rise of Experiential Travel, Skift Report 2014.

[8]. The Canadian Tourism Commission (2004), Defining Tomorrow’s Tourism Product: Packaging Experiences.

[9]. World Tourism Organization (2015), UNWTO Tourism Highlights 2015.

Nguồn: Tạp chí Phát Triển Kh&CN, tập 19, số x5-2016

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)