TIẾNG LÓNG (Phần 3)

NGUYỄN MẠNH HÙNG
(PGS TS Sử học)

4. Tiếng lóng xét về mặt đồng đại

     4.1 Từ đây, chúng ta hãy xem xét lại nếu tiếng lóng về mặt “đồng đại” – nghĩa là những diễn biến đang diễn ra trong xã hội như một mặt cắt lát của thớt gỗ lịch sử mà chưa bổ dọc cây cổ thụ lịch sử để xem xét cả chiều dài của sự cấu tạo nên hệ ngôn ngữ chính thống dân tộc.

     Nhiều cách quan sát tiếng lóng – hay ngôn ngữ lóng chúng ta chỉ bố trí cho loại ngôn ngữ này một vai trò thứ cấp, một loại phế phẩm, tàn dư, rác rưỡi, hay gán cho loại ngôn ngữ những giá trị bừa bãi, thô lỗ phản ánh đời sống trên đường phố, trong chợ búa, trong lớp thợ thuyền ít học, trong một bộ phận xã hội sống ngoài vòng pháp luật. Nói chung, một bộ phận công luận cho là “bát nháo”. Chúng ta chưa thể hiện tinh thần thư thái để cố gắng tìm hiểu về quá trình lịch sử phát triển ngôn ngữ lóng khi Việt Nam chưa có chữ viết chính thống (thời tiền sử), hay mặc dù đã có chữ viết chính thống – chữ Hán – sau này lại có chữ Nôm kể cả gần đây (có thể từ thế kỷ 17) bắt đầu có chữ La tinh. Ngôn ngữ lóng vẫn chưa được ghi chép đấy đủ trong công việc của những ngôn ngữ học dân gian. Chính trong thời kỳ có chữ La tinh ra đời một bộ phận công chúng văn học chữ Quốc ngữ (tức là chữ La tinh) được một số nhà văn khởi nghiệp tại Nam kỳ Lục tỉnh đã tập viết văn, viết báo… Lúc ấy một tầng lớp công chúng văn học mới ra đời – được nghe nhiều tiếng lóng từ 3 miền Nam – Trung – Bắc.

     4.2 Tiếng lóng là một nhu cầu trao đổi giao tiếp bằng ngôn ngữ thật sự trong cộng đồng xã hội.

     Trong quá trình đó, các nhóm nhỏ tụ hội lại cùng trao đổi thông tin để cùng thừa hưởng chung các loại ngôn ngữ riêng vì lợi ích chung… Và từ đó phát triển rộng ra trong quá trình hình thành thôn, xóm, làng xã, hay các đô thị, chợ búa…

     Hơn nữa ngôn ngữ Việt Nam hay tiếng lóng Việt Nam không chỉ phát triển tại các địa phương một loại tiếng nói riêng, mà còn tồn tại trong các dân tộc Việt Nam có nhiều nguồn gốc khác nhau mà Nguyễn Bạt Tụy ([9]) trước đây đã từng phân chia thành 6 nhóm lớn (Giao Thái, Mon- Khơme, Nê, Mán Mèo, Miến, Tạng, Hoa)

     Qua đó, khi giao lưu văn hóa trong cộng đồng xã hội Việt Nam – nhiều nhà nghiên cứu cho rằng họ đã nói tiếng lóng – thực chất họ truyền đạt bằng ngôn ngữ của chính dân tộc họ như nhiều dân tộc khác trên thế giới – như Úc, Tân Tây Lan, Mỹ… trong quá trình hình thành đất nước họ.

     4.3 Do đó những nhà Việt Nam tương lai học cần tỏ ra hào hiệp, rộng mở để nhìn nhận tiếng lóng như là một loại ngôn ngữ được hình thành trước hết một lớp vỏ âm truyền tải một thông điệp mang một ngôn ngữ hạn hẹp, có khi trừu tượng, bí ẩn… để hạn chế sự truyền bá thông tin rộng rãi bên ngoài – những tầng lớp xã hội khác không cùng mục đích, một lợi ích, một truyền thống… Do đó chúng ta thử đặt lại vấn đề tiếng lóng – có phải là một loại hình ngôn ngữ công cụ!

     – Chúng ta tạm thời định nghĩa ngôn ngữ công cụ – mà chúng ta đã đề cập là ngôn ngữ dùng trong giao tiếp hàng ngày theo quan niệm của Valéry, Breton, Sartre hay ngay cả trong nhóm Xuân Thu nhã tập (theo Lược khảo Văn học – tập 2 – Văn vần và Văn xuôi – trang 12 – 41)

     Như vậy, ngôn ngữ công cụ – là một lợi ích, một sự cần thiết nhằm thực hiện một mục đích như diễn tả một sự kiện, một ý tưởng, một mênh lệnh, một chỉ thị, một thông tin, một sự bộc lộ tình cảm, ân oán… Người nói (người truyền thông tin) và người nghe (người nhận thông tin) sau khi mục đích thông tin được truyền đạt đã thỏa mãn – Cả hai đối tượng đều có thể quên đi tiếng nói vừa được truyền đạt.

     – Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra một ví dụ như người “qua đò ngang”. Cả hai chỉ chú ý đến mục tiêu được cập bến mà khi được cập bến đã vội quên ngay con đò. Hay như một người đang đi chỉ mong đi được đến nơi mà không hề chú ý đến chính bước chân của mình trên đường. Người đi không phải là một vũ công nên không quan tâm đến vũ điệu của mình đang uốn éo theo dòng nhạc.

     – Ngôn ngữ công cụ Heidegger theo là một lối “chào đời” – để “vào đời” và sau cùng là một sự bày tỏ những “thể cách ở đời”.

     Nếu cho tiếng lóng là một loại ngôn ngữ công cụ – như các loại hình ngôn ngữ khác giao lưu trong cộng đồng xã hội – thì tiếng lóng cần được đối xử bình đẳng hay ít ra không liệt nó vào danh sách ngôn ngữ hạ đẳng, thấp hèn như những nhà ngôn ngữ học của thế kỷ 19 khi xem xét nhiều thổ ngữ của các dân tộc còn sống trong tình trạng bộ lạc đã kết luận – đó là những ngôn ngữ lạc hậu, không có ngữ pháp, cú pháp… gần như ngôn ngữ động vật.

     Tiếng lóng là ngôn ngữ – như ngôn ngữ của người mới lớn cần giao tiếp – hòa đồng với mọi sự vật, cảnh vật chung quanh với cộng đồng xã hội – dù là một cộng đồng nhỏ trong cùng thôn xóm, trong cùng vùng miền, trong cùng tộc người với nhau, trong cùng nghề nghiệp, cùng sở thích, cùng một lợi ích, cùng một tín ngưỡng, hay cũng chỉ cùng một bờ đê, con sông, bến nước, cái ao, cái giếng, cái hàng rào, hay cùng trò chơi chung, cùng nghịch ngợm, hay hơn nữa cùng dòng tộc cùng truyền thống họ hàng, cùng thổ âm, hay cùng tình yêu, thù hận, ganh tị.

     Tiếng lóng có lúc thể hiện như là loại ngôn ngữ chào đời, bày tỏ cách thế ở đời, cùng phản ánh một kinh nghiệm nguyên cũng tiếp xúc với cuộc đời con người, tiếp xúc bằng toàn thân và trên mọi phương diện. Do đó, tiếng lóng ở buổi sơ khai cũng chứa chan tình tự, hình ảnh rung động quan niệm sống.

     – Khi xâm chiếm Việt Nam, Pháp vội đưa ngay vào Việt Nam một loại đồng bạc Mexicana, có in hình con ó biển (eagle) để chi dụng (trả lương, trả bổng lộc, mua chuộc…).

     Con ó biển – ngay ngày đầu – dân Nam kỳ đã đặt tên cho nó bằng tiếng lóng là “con cò” – và gọi đó là đồng bạc con cò. Ngôn ngữ này loan rộng và trở thành một công cụ giao tiếp ngôn ngữ. Từ đó một nền văn hóa đi theo nó để phát triển – trong đó phát triển tư tưởng mới tích cực và tiêu cực trong giai đoạn đầu giao tiếp với thực dân Pháp.

___________
(
[9]) Nguyễn Bạt Tụy – Các ngữ ở Việt Nam – Tạp chí nghiên cứu Việt Nam số 2 – Hè 1966.

 

Người viết tham luận

1. Nguyên giảng viên Khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Tp.HCM (1984 – 1987).

2. Nguyên phó giáo sư Đại học ngoại ngữ Osaka Nhật Bản (1988 – 1992).

3. Phó giáo sư, tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng.

4. Nguyên chủ tịch hội đồng sáng lập Đại học Hồng Bàng (1993 – 1996).

5. Nguyên hiệu trưởng Đại học quốc tế Hồng Bàng (1997 – 2015).

6. Chủ tịch trang website: http://thanhdiavietnamhoc.com

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)