“TIẾNG VIỆT từ thế kỷ thứ 17 (Phần 42): các cách dùng TRỐNG MỘT, GIỮ/CẦM CANH, NHÀ ĐIẾM/DỎ, TRẮC ẢNH, THÌ GIỜ” – Phần 1
NGUYỄN CUNG THÔNG
Phần này bàn về các cách dùng trống một, trống hai, giữ canh, cầm canh, nhà điếm, tuần điếm từ thời LM DE RHODES và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo, cũng như các cách nói liên hê như đêm năm canh. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Phần sau bàn thêm về chữ thì và các dạng biến âm đã có từ TK 17 như giờ, giây …
Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chữ Nôm của LM MAIORICA, các bản chép tay của LM PHILIPPHÊ BỈNH (sđd) và bốn tác phẩm của LM DE RHODES soạn :
(a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN),
(b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC),
(c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646, và
(d) Từ điển Annam-LusitanLatinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang Google Books.
Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), TQ (Trung Quốc), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức), TNNL (Thiên Nam Ngữ Lục) …v.v… Kí viết là ký (tên người, tên sách) và trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt cổ hay Hán cổ). Ngược dòng thời gian ở phương Tây thời xưa thường dựa vào mặt trời và mặt trăng (ánh sáng thiên nhiên) để xác định thời gian, sau đó lại dựa vào âm thanh (tiếng chuông nhà thờ từ ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo chẳng hạn, tiếng gà gáy) để biết giờ hành lễ, đi làm. Vào TK 13 thì ở vài thành phố Ý đã dùng tiếng chuông nhà thờ để biết giờ, cho đến TK 15 thì ‘chuông canh‘ đã rất phổ thông ở Âu châu. Ngay cả khi bắt đầu có đồng hồ bằng máy thì rất ít người sở hữu nên vẫn phải tuỳ thuộc vào tiếng chuông để biết giờ đi làm, đi học hay đi lễ …v.v… Tuy cũng dựa vào sự vận hành của mặt trời và mặt trăng, ở phương Đông thì thường dựa vào âm thanh của tiếng trống (canh), thanh la2, tiếng gà gáy/chim hót hay đồng hồ nước (lâu khắc), td. VBL đã ghi lại cách tính giờ này trong các mục khác nhau như trống, canh, giờ, trắc ảnh, gà cầm giờ/cầm canh, … Giao thoa giữa văn hoá, tư duy và thời gian không chỉ thể hiện qua phương pháp xác định thời gian3, nhưng còn có những kết quả rất thâm trầm mà ít người nhận ra được, nhưng các vấn đề này không nằm trong phạm vi trong Bài viết (Phần 42) này. Ảnh hưởng của mặt trăng phản ánh qua cách gọi 12 tháng, còn gọi là tháng âm lịch (‘tháng mặt trăng’), cùng các tên gọi đặc biệt cho giờ của ban đêm (canh một, trống một, …), ngày 15 trong tháng (ngày rằm), ngày đầu năm (ngày tết4). Phần này chỉ giới hạn trong một số cách dùng trên từng được ghi lại trong VBL, td. Nông lịch là một chủ đề mở rộng và liên hệ, rất đáng chú ý nhưng không nằm trong phạm vi Bài 42 này.
1. Nhà điếm, điếm tuần, chòi, nhà dỏ (VBL)
1.1 Nhà điếm hầu như mang một nghĩa tiêu cực trong tiếng Việt hiện đại như trong các cách dùng ổ điếm, con điếm, điếm đàng – có lẽ do ảnh hưởng từ nghĩa của từ điếm HV 玷(điếm nhục – đồng âm dị nghĩa). Tuy nhiên vào thời VBL thì nhà điếm là điếm canh – xem hình vẽ một điếm canh vào đầu TK 20 (trích từ Quốc văn Giáo khoa thư). Có lẽ để cho rõ nghĩa hơn nên VBL còn ghi thêm điếm tuần ~ nhà điếm (tuần HV 巡 là xem xét) cũng như là nhà dỏ (VBL trang 175) – dỏ (chữ Nôm5 dùng đỗ 杜, biến âm đ–d), dỏ làng là chòi canh của làng (HUỲNH TỊNH CỦA /GÉNIBREL). Hình vẽ bên dưới cho thấy ba người nam có trang bị vũ khí, đặc biệt là các dụng cụ báo động như trống … Ngoài ra, điếm canh đặt ở một nơi không có nhà cửa dân chúng và có thể quan sát nhiều nơi (td. như gần cổng làng, trên đường cái …). Điều này cho thấy điếm canh có nhiều nhiệm vụ như bảo đảm an toàn cho địa phương, thông tin thời gian hay vấn đề nào quan trọng cho công chúng…v.v… Ta cũng không ngạc nhiên khi trống canh lại thường được liệt kê trong phần binh khí như trong Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (Pháp khí bộ nhị thập cửu) hay Đại Nam Quốc Ngữ (Binh khí môn đệ nhị thập bát).
VBL ghi nhà điếm hay điếm tuần, ngoài ra dựa vào định nghĩa phần tiếng Bồ caza de vigia thì cũng là chòi, hay caza de vigia no caminho ~ nhà dỏ ~ nhà điếm ~ điếm tuần~chòi.
VBL trang 221
VBL/tr. 112
VBL trang 175
Nhà điếm vào cuối TK 19 mang nét nghĩa là nhà đĩ, nhà thổ: td. tự điển Bonet6 vào năm 1899 ghi nhà điếm là maison de prostitution. Không nên ngạc nhiên về khuynh hướng thay đổi nghĩa từ thời VBL, có thể thấy trong các cách dùng như nhà xe (nhà tang, bây giờ là nhà chứa xe /garage), mực tàu (dụng cụ/dây-mực vẽ đường thẳng, bây giờ thường hiểu là mực của người Tàu), bơm (tóc bù xù, bây giờ thường hiểu là máy bơm), nhà điếm (chòi canh /điếm canh, bây giờ thường hiểu là nhà thổ), sinh thì /sinh thời (chết, bây giờ thường hiểu là khi còn sống)…, v.v… Dỏ hay nhà dỏ (VBL), điếm dỏ, canh dỏ (BÉHAINE /1772-1773) thì không còn thấy dùng trong tiếng Việt hiện nay nữa. Điều thú vị là khi chép tay lại phần Việt và Bồ của VBL, LM PHILIPHÊ BỈNH7 đã đổi nhà điếm (VBL) thành cái điếm, phản ánh khuynh hướng thay đổi cách dùng vào thời này (cùng thời với LM Béhaine ở Đàng Trong) :
Tự điển Việt Bồ chép tay của LM PHILIPHÊ BỈNH có hai chữ cần được xem lại từ thời VBL như ghi nhận ở trên: điếm và dỏ.
1.1 Chữ điếm 店 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu liêm tiêm 廉 纖 khứ thanh) có các cách đọc theo phiên thiết :
都 念 切, 音 墊 đô niệm thiết, âm điếm (TVGT, QV, TV, LT, VH, CV, TVi) QV/TV ghi khứ thanh. QV/TV/LT có ghi thêm cách đọc của 坫 là 知 林 切 tri lâm thiết (*trâm) bình thanh.
都 念 反 đô niệm phản (LKTG),
丁 念 翻 đinh niệm phiên (BH 佩 觿),
丁 念 切 đinh niệm thiết (NT – Nguyên khan bản, TTTH),
TNAV ghi vận bộ liêm tiêm/khứ thanh,
CV ghi cùng vần /khứ thanh 店 坫 墊 阽 玷 (điếm điếm /diêm),
都 見 切 đồ kiến thiết (CTT) thời CTT thì phụ âm cuối -m đã trở thành -n (nói cách khác là hai phụ âm cuối -m và -n nhập thành một).
Giọng BK bây giờ là diàn so với giọng Quảng Đông dim3 và các giọng Mân Nam 客家 话 [客 英 字 典] diam5 [沙 头 角 腔] diam5 [梅 县 腔] diam5 [台 湾 四 县 腔] diam5 [客 语 拼 音 字 汇] diam4 [东 莞 腔] diam5 [海 陆 腔] diam5 [宝 安 腔] diam5 [陆 丰 腔] diam, tiếng Nhật ten tiếng Hàn jeom …, v.v…
Để ý BÉHAINE (1772 /1773) và TABERD (1838) ghi điếm8 là 坫 bộ thổ so với 店 bộ nghiễm – cách dùng tương đương này còn được TVGT ghi về chữ 店 là 或 作 坫 (hoặc tác điếm).
Điểm đáng chú ý ở đây là điếm còn có một nét nghĩa tiêu cực (điếm HV 玷 là vết trong viên ngọc > điếm nhục 玷 辱) và nét nghĩa này hầu như lấn áp phạm trù nghĩa khá rộng của âm điếm: td. con điếm, gái điếm, thằng điếm, nhà điếm, ổ điếm, đĩ điếm, đàng điếm, điếm đàng, mèo đàng chó điếm, điếm thúi, …v.v… Chỉ cách đây 15 thập niên, người Việt còn nói “ăn mặc điếm lắm” hàm ý ăn mặc lịch sự lắm (tích cực, THEUREL /1877 sđd) hay “ăn mặc điếm” (Việt Nam Tự Điển /1931): các câu này hầu như mang nghĩa rất tiêu cực trong tiếng Việt hiện đại.
Một dạng biến âm của điếm là tiệm (tiệm rượu, tiệm thuốc … cuối TK 19) bắt đầu trở nên phổ thông ở Đàng Trong cho đến ngày nay so với Đàng Ngoài dùng hàng, quán.
1.3 Chữ đỗ /đổ 杜 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu ngư mô 魚 模 thượng/bình/khứ thanh) có các cách đọc theo phiên thiết :
徒 古 切 đồ cổ thiết (TVGT, NT, QV, TTTH, CV, TVi),
動 五 切 động ngũ thiết (ĐV, TV, LT, VH, CV),
董 五 切, 音 睹 đổng ngũ thiết, âm đổ (TV, LT) TV ghi thượng thanh,
同 都 切, 音 徒 đồng đô thiết, âm đồ (TV, LT, TViB) TV ghi bình thanh,
動 玉 切 động ngọc thiết (TV) TV ghi thượng thanh;
TNAV ghi vận bộ ngư mô 魚 模 (khứ thanh),
CV ghi cùng vần /thượng thanh 杜 𢾅 土 荰 肚 (đỗ thổ)…, v.v…
Giọng BK bây giờ là dù (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông dou6 và các giọng Mân Nam 客 家 话 [梅 县 腔] tu5 [海 陆 腔] tu6 [客 英 字 典] tu5 [陆 丰 腔] tu6 [客语 拼 音 字 汇] tu4 [台 湾 四 县 腔] tu5 [东 莞 腔] tu5 [宝 安 腔] tu5, tiếng Nhật to tiếng Hàn du /tu.
Âm đỗ hay đổ (TV, LT) có khả năng rất cao để trở thành dạng dỏ bởi vì :
a) nguyêm âm ô trở thành o: độc > đọc, khốc > khóc, độ > đọ, đo, khổ > khó …;
b) phụ âm đầu đ trở thành d: đa > da (cây da/VBL), đao – dao, kín đáo – kín dáo (VBL), động – dộng, (thợ) đào -dào, đã – dã (giã, rã) – đã bệnh là hết bệnh …
Nét nghĩa rất cổ của đỗ /đổ là ngăn chận, đóng (không mở ~ bế tắc) đã được bảo lưu trong cách dùng dỏ /nhà dỏ (VBL) hay là nơi chận lại để kiểm soát sự qua lại9 :
杜,塞 也 [小 爾 雅·廣 詁],
Đổ, tắc dã [Tiểu Nhĩ Nhã ·Quảng cổ],
犯 令 陵 政 則 杜 之。 [Tiểu Nhĩ Nhã ·Quảng cổ] [周 禮·大 司 馬]。註: “杜 塞 使 不 得 與 鄰 國 交 通”,
“Phạm linh lăng chính tắc đỗ chi”. [Tiểu Nhĩ Nhã ·Quảng cổ] [Chu lễ ·Đại tư mã ]. Chú: “đỗ tắc sử bất đắc dữ lân quốc giao thông” …, v.v…
2. Trống một trống hai, cầm /giữ canh, giờ, giây, phút
VBL trang 86
VBL trang 814
Canh HV 更 có một nét nghĩa cổ đại là trống báo hiệu thời gian: VBL đã ghi khá chính xác cầm canh hay giữ canh là coi giữ trống canh, trống là phiên canh cho một đêm. Đêm có 5 canh và trống một là canh thứ nhất, trống hai là canh thứ hai… Thời cổ đại chia đêm làm 5 canh: lấy giờ Tuất làm canh 1 (từ 7 giờ đến 9 giờ tối – thường thì vào khoảng 7 giờ thì mặt trời bắt đầu lặn10 khởi đầu ban đêm). Canh một đánh một tiếng (trống một), canh hai đánh hai tiếng (trống hai), …, v.v… Người Việt còn chia một canh gồm đầu canh, giữa canh và cuối canh (VALLOT, sđd) so với Trung Hoa chia một canh thành 5 điểm 点 hay 24 phút. Đặc biệt cho ban đêm thì còn có cách gọi khác là ngũ canh, ngũ cổ 五 鼓 (năm thì trống) hay năm canh (thành ngữ “đêm năm canh”) tương ứng với một khoảng thời gian là 10 giờ (từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau) :
+ canh 1 hay giờ Tuất (từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối) ~ trống một (VBL) ~ nhất canh, nhất cổ;
+ canh 2 hay giờ Hợi (9 đến 11 giờ tối) ~ trống hai (VBL);
+ canh 3 hay giờ Tí (11 giờ khuya đến 1 giờ sáng) ~ trống ba;
+ canh 4 hay giờ Sửu (1 đến 3 giờ sáng) ~ trống tư;
+ canh 5 hay giờ Dần (3 đến 5 giờ sáng) ~ trống năm.
Vào đầu TK 19, NGUYỄN DU trong Truyện Kiều cũng dùng trống ba để chỉ canh ba :
吝 𦖑 更 㐌 𠬠 分 𪔠 𠀧
Lần nghe canh đã một phần trống ba (câu 2026 – bản Kiều 1872).
Trong bản Nôm “Các Thánh Truyện” /CTTr Tháng Hai (MAIORICA) có đoạn “Đến canh năm, vua dạy hai người các quan đam xác người xuống bỏ dưới biển“; “vì chẳng biết chủ về trống một hay là nửa đêm, hay là trống năm gần sáng, phải giữ canh liên kẻo mất lòng thầy mình dạy giữ nhà” ĐCGS quyển chi cửu /chi thập – trang 144.
Cách dùng canh có vẻ ổn định vào TK 17 khi VBL ghi là một đêm có năm trống (mục trống, VBL trang 814) hay chính là năm canh, tuy VBL không ghi thành ngữ “đêm năm canh” như BÉHAINE (1772 /1773) hay TABERD (1838), HUỲNH TỊNH CỦA (1895). Một đơn vị thời gian khác là khắc, hiện diện trong cách dùng “đêm năm canh, ngày sáu khắc“, có phạm trù nghĩa phức tạp hơn vì giá trị thời gian của khắc có thể thay đổi theo dòng lịch sử và tuỳ thuộc cách dùng địa phương. Khắc ở Nhật Bản có giá trị thời gian khác hơn ở Trung Hoa, tuy là đã nhập hệ thống này từ tiếng Hán. Việt Nam cũng cho thấy khuynh hướng tương tự; cũng nên nhắc ở đây một điểm quan trọng là khắc cũng thay đổi theo thời đại bên Trung Hoa. VBL không có mục khắc, nhưng từ thời BÉHAINE (1772 /1773) đã ghi khắc là một phần tư giờ. Khắc chỉ giờ trong ngày từng xuất hiện trong Hồng Đức Quốc âm Thi tập :
𤐝 泣 頭 𦙫 連 𨆝 臘 率 徐 没 刻 忍 𠄼 更
Soi khắp đầu Giêng liền cuối Chạp. Suốt từ một khắc nhẫn năm canh. (Hồng Đức, 5a)
Cách chia giờ theo VBL (trang 286, 288), mà LM DE RHODES ghi là gọi theo ‘tên loài vật‘ và một ‘giờ ta’ tương đương với hai ‘giờ Tây phương’. Một ngày 11 gồm có 12 giờ (ta) – tên gọi dựa vào tên thập can và thập nhị chi – VBL không viết hoa như ngày nay :
+ giờ Dần: từ 3 đến 5 giờ sáng (giờ Dần, biểu tượng là con hồm ~ hùm ~ hổ/NCT);
+ giờ Mẹo: từ 5 đến 7 giờ sáng (con mèo – VBL không ghi loại từ con/NCT);
+ giờ Thìn: từ 7 đến 9 giờ sáng (con rồng);
+ giờ Tị: từ 9 đến 11 giờ sáng (con rắn);
+ giờ Ngọ: từ 11 đến 1 giờ trưa (con ngựa); VBL ghi thêm chính ngọ là giữa trưa;
+ giờ Mùi: từ 1 đến 3 giờ trưa (con dê);
+ giờ Thân: từ 3 đến 5 giờ chiều (con khỉ);
+ giờ Dậu: từ 5 đến 7 giờ tối (con gà);
+ giờ Tuất: từ 7 đến 9 giờ tối (con chó);
+ giờ Hợi: từ 9 đến 11 giờ khuya (con lợn);
+ giờ Tí: từ 11 đến 1 giờ sáng (con chuột); VBL ghi thêm chính tí là giữa đêm;
+ giờ Sửu: từ 1 đến 3 giờ sáng (con trâu).
Cách tính giờ như trên là từ thời Đường trở về trước, so với Trung Hoa từ đời Tống thì giờ Tí lại bắt đầu từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng12, giờ Sửu từ 2 đến 4 giờ sáng, …
Nếu dựa vào thành ngữ đêm năm canh ngày sáu khắc thì sáu khắc bằng 14 giờ đồng hồ, hay mỗi khắc bằng 14/6 ~ 2 giờ 20 phút. Do đó :
+ khắc 1 là từ 5 giờ đến 7 giờ 20 sáng;
+ khắc 2 là từ 7 giờ 20 đến 9 giờ 40 sáng;
+ khắc 3 là từ 9 giờ 40 đến 12 giờ trưa;
+ khắc 4 là từ 12 giờ đến 14 giờ 20 đầu giờ chiều;
+ khắc 5 là từ 14 giờ 20 đến 16 giờ 40 chiều;
+ khắc 6 là từ 16 giờ 40 đến 20 giờ chiều tối.
Tuy nhiên lại có thành ngữ một giờ bốn khắc, hay một khắc bằng 60/4 = 15 phút. So với cách tính khắc13 刻 thời Hán cho đến năm 1628 là 1/100 của một giờ hay 1/100 x 24 x 60 = 14 phút 24 giây (gần bằng 15 phút hay khắc của Việt Nam). Ngoài ra, VBL ghi thêm các cụm danh từ giáp dần/bính dần, đinh mẹo, mậu thìn (không thấy ghi ất theo đúng thứ tự), kỉ tị, canh ngọ, … quí dậu, giáp tuất, ất hợi, ất sửu. Đây là sự kết hợp của 1 trong 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý viết hoa trong tiếng Việt hiện đại) và 1 trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão /Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi /Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) theo đặc tính âm và dương. 5 can Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm (dương) kết hợp với 6 chi Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất (âm) – và 5 can còn lại Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quí (âm) thì kết hợp với 6 chi Sửu, Mão, Tị, Mùi, Dậu, Hợi (dương) để cho ra 60 năm âm lịch, thành ra không có các năm Giáp Mùi, Quí Ngọ, … Có thể đây là ý của cách giải thích của VBL trong mục giờ: không được rõ ràng cho lắm vì gồm cả phép tính năm vào giờ. Mục giờ của VBL chiếm khoảng hơn hai trang /cột cho thấy sự chú ý đặc biệt14 của LM DE RHODES vào phép tính giờ bản địa – so với mục tiền chiếm hơn ba trang. Điều này không ngạc nhiên vì LM DE RHODES từng đến chầu TRỊNH TRÁNG vào năm 1627, đã tặng cho nhà Chúa quyển Kỉ Hà Nguyên Bản (sách toán hình học theo cách hiểu hiện đại). Chính trong thời gian này, ông còn tặng cho nhà Chúa một chiếc đồng hồ cát và một chiếc đồng cơ báo thức, khiến TRỊNH TRÁNG vô cùng thích thú. Sự quan tâm của các giáo sĩ Dòng Tên đến khoa học và kỹ thuật phản ánh quá trình học tập khi tu học ở các trường Dòng Tên, cũng như LM RICCI cũng từng tặng hoàng đế Minh Thần Tông một chiếc đồng hồ rung chuông năm 1601. Không những thời gian do con người định đoạt và quản lý, loài vật cũng góp phần vào việc cầm canh như tiếng gà gáy sáng chẳng hạn. Hiện tượng này được VBL ghi nhận trong mục gà qua các cách dùng gà cầm giờ, cầm canh ngay sau mục gà gáy :
VBL trang 253
Dựa vào nhịp sinh học (circadian rhythm/A) của loài gà, con người cũng có thể xác định thời gian cũng như trống canh: gà thường gáy khoảng 4 giờ sáng (khi rạng đông) hay có một sự cố xẩy ra như tiếng ồn, lửa cháy ảnh hưởng đến nhịp sinh học… Tiếng Việt còn ghi lại kinh nghiệm dân gian về gà trong câu15 “gà gáy canh một hỏa tai, gà gáy canh hai đạo tặc (gà gáy sai canh báo hiệu có điềm xấu)“. Thời gian và hoạt động của động vật như gà là một chủ đề thú vị nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này16. Người đọc có thể tham khảo thêm chi tiết trong Bài viết “Tản mạn về năm Dậu – *rơ(ka) – Gà” cùng tác giả (NCT) trên trang Sách Hiếm.
VBL cũng ghi các cách dùng giây (gêy) và phút (một phút) đều chỉ một thời gian rất ngắn, chứ không có nghĩa như một giây (bằng 1 phần 60 của một phút) hay một phút (bằng 1 phần 60 của một giờ) như trong tiếng Việt hiện đại. Cụm danh từ giây phút cũng chỉ dùng để chỉ một khoảnh khắc nhỏ của thời gian mà thôi (momentum temporis/L – BÉHAINE /TABERD). Giây chữ Nôm thường ghi bằng chi HV 之, điều này còn có thể liên hệ đến thì HV 時 (~ giờ tiếng Việt) – phần 3 sẽ đi sâu hơn về tương quan giữa các âm thì, giờ, giây, chừ, …
Chữ Nôm giờ có một dạng là bộ nhật 日 hợp với chữ dư 余, gần với âm đọc giờ giọng Nam hiện nay. Giờ còn có một dạng chữ Nôm cổ hơn viết là trừ HV 除 :
悲 除 些 呐 仍 事 伤 庫 欺 吒 末 昆
Bây giờ ta nói những sự thương khó khi cha mất con.
(Các Thánh Truyện – Tháng Giêng trang 29).
Một điểm nên nhắc ở đây là tiếng Việt dùng thập nhị chi và thiên can để chỉ giờ, năm – nhưng để chỉ ngày và tháng theo âm lịch – VBL cho ta biết thêm là tiếng Việt lại dùng số đếm (một, hai, ba) sau danh từ tháng hay mồng như :
+ ngày mồng một, mồng hai, …, ngày rằm (ngày 15);
+ tháng giêng (tháng 1), tháng hai, tháng ba, tháng tư, …
Như vậy là vào TK 17, tiếng Việt đã không dùng tên thập nhị chi để chỉ tháng âm lịch như trong tiếng Hán; thay vào đó là tháng hai, tháng ba theo số đếm tiếng Việt ngoại trừ tháng chạp (tháng 12) và tháng giêng (tháng 1 – xem hình chụp bên dưới) :
Tháng mặt trăng (blăng) – tháng giêng (Sách sổ sang chép các việc – PHILIPHÊ BỈNH).
___________
1: Nhà nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@gmail.com.
2: Thành ngữ bốn chữ Hán: 晨 鍾 暮 鼓 ~ 朝 鐘 暮 鼓 ~ 夕 鼓 晨 鐘 thần chung mộ cổ, triêu chung mộ cổ, tịch cổ thần chung đều gợi ý dùng chuông và trống để báo hiệu, cảnh tỉnh…
3: Tham khảo thêm Bài viết “Vài suy nghĩ về thời gian trong văn hoá” cùng tác giả (NCT), đăc biệt về tư duy tổng hợp (Việt Nam) so với tư duy phân tích (Tây phương) trên mạng như trang Block CDV.
4: Các ngôn ngữ Tây phương không có danh từ đặc biệt chỉ ngày đầu một năm mới: td. New year’s day /A ~ Jour de l’an /P; nhưng ngày 25 tháng 12 lại có tên riêng như Nativity, Noel, Christmas day /A ~ le jour de Noël /P (đây mới là truyền thống ngày ‘tết’ của Âu Châu thời trước, cho thấy ảnh hưởng của đạo Thiên Chúa).
5: BÉHAINE (1772 /1773) còn ghi các cách dùng dỏ ~ điếm dỏ (điếm canh), canh dỏ (canh điếm), TABERD (1838) chỉ ghi hai mục dỏ và điếm dỏ so với THEUREL không thấy dùng dạng này (chỉ ghi ở phần Phụ Lục). Vào thời VBL, dỏ cũng đọc như nhỏ – thành ra nhà dỏ có thể là nhà nhỏ (cũng gần nghĩa) so với chòi, tuy khả năng khá thấp vì nhỏ (không lớn) chữ Nôm viết là nhũ HV 乳 hay 𡮈 (thêm chữ tiểu vào cho rõ nghĩa) so với dỏ (nhà điếm) chữ Nôm là đỗ /đổ HV 杜. Không thấy dùng dỏ, nhà dỏ trong tiếng Việt hiện đại.
6: “Dictionnaire annamite-français: langue officielle et langue vulgaire” Tome Premier A-M: tác giả JEAN BONET, NXB Imprimerie Nationale (Paris, 1899).
7: Hình chụp lại từ Bản điện tử /Thư viện Toà thánh La Mã – mã số: borg.tonch8.
8: Cụ HUỲNH TỊNH CỦA cũng ghi điếm (tiệm, quán) là 店 so với điếm (chỗ canh giờ) là 坫 (ĐNQATV).
9: Có thể vết tích của dỏ là cách dùng dòm dỏ (dòm giỏ /ĐNQATV) như trong Truyền Kỳ Mạn Lục – tuy nhiên dỏ chữ Nôm viết là 諸 có khác với chữ đỗ /đổ 杜 nên cần phải tìm hiểu thêm nữa.
10: Td. đầu tháng 1 năm 2024, mặt trời lặn trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến khoảng 7 giờ tối trên Biển Đông (‘South China Sea’). Như vậy là canh 1 còn phù hợp với sự vận hành của mặt trời cho đến nay.
11: HOÀI NAM TỬ thời Tây Tấn còn ghi một thuyết cho rằng một ngày gồm 15 giờ (thời thần).
12: Theo Bài viết rất chi tiết so sánh phép tính thời giờ ở Trung Hoa và Nhật Bản thời trước: “Units of Time in Ancient China and Japan” các tác giả SOMA, MITSURU; Kawabata, Kin-aki; Tanikawa, Kiyotaka (25/10/2004) – tham khảo trên trang OXFORD ACADEMIC.
13: Gọi là khắc vì sau một khắc thì cắt (khắc, chạm) dấu vào trắc ảnh (nhật quỹ) hay lâu khắc (đồng hồ nước).
14: Phản ánh phần nào tư duy /truyền thống Tây phương “thời giờ là tiền bạc” (time is money /A).
15: Tục ngữ Trung Hoa còn có câu :
一 更 人,二 更 鑼,三 更 鬼,四 更 賊,五 更 雞
“nhất canh nhân, nhị canh la, tam canh quỷ, tứ canh tặc, ngũ canh kê”
– đại ý là canh một: con người sửa soạn hoàn tất công việc; canh hai: tiếng thanh la cho biết giờ ngủ; canh ba: là thời hắc ám của ma quỷ ra mặt; canh tư: là khi đạo tặc ra mặt (khi con người đã yên giấc ngủ); canh năm: là khi gà gáy đánh thức người ta bắt đầu ngày mới. Ta thấy con người có đóng góp trong hoạt động cầm /giữ canh (đánh thanh la) cũng như loài vật (gà gáy).
16: Tham khảo Bài viết và kết quả thí nghiệm “Circadian clock determines the timing of rooster crowing” các tác giả TSUYOSHI SHIMMURA /TAKASHI YOSHIMURA thuộc Đại học Nagoya (2013), chẳng hạn trên trang Science Direct.
MỜI XEM :
◊ “TIẾNG VIỆT từ thế kỷ thứ 17 (Phần 42): các cách dùng TRỐNG MÔT, GIỮ /CẦM CANH, NHÀ ĐIẾM /ĐỎ, TRẮC ẢNH, THÌ-GIỜ” – Phần 2.
GHI CHÚ :
◊ Nguồn: Tác giỉa NCT gửi Bài viết trực tiếp đến Ban Tu Thư qua email.
◊ Các chữ màu, chữ in và “ít biên tập nhẹ” do Ban Tu Thư thực hiện.
BAN TU THƯ
thanhdiavietnamhoc.com
Cập nhật, 7 /2024