“Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng vợ lẻ, lặng lẻ … vào thời LM de Rhodes và những hệ luỵ” (phần 38) – Phần 1

Tác giả bài viết: NGUYỄN CUNG THÔNG1
(1Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc)
email nguyencungthong@gmail.com)

     Phần này bàn về cách dùng đặc biệt “vợ lẻ” từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Cụm danh từ này – cũng như một nhóm từ vựng liên hệ như vợ chính, chính thê, vợ cả, vợ lớn, thiếp, vợ bé, vợ mọn – vợ nhỏ phản ánh truyền thống đa thê của các nước Á Châu từ xa xưa. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ). Không phải ngẫu nhiên mà các giáo sĩ đều ghi nhận quan sát cá nhân và nhận xét của mình về truyền thống này khi sang Á Đông, chỉ ra một cách biệt rất lớn giữa các văn hoá Á Đông và Đạo Thiên Chúa vào TK 17. Ngoài ra, đây cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến việc cấm đạo tại các nước này, nhất là ở VN. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển/Hội Khai Trí Tiến Đức). Các bản Nôm của LM Maiorica là ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), MACC (Mùa Ăn Chay Cả), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông) …v.v…Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).  

     Để hiểu rõ hơn chủ đề bài viết này, ta hãy lượt qua bối cảnh truyền đạo vào đầu TK 17. Nóng hổi từ kết quả của Công Đồng Trentô2 (1545-1563, viết tắt là CĐT), các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông cảm nhận ngay sự khác biệt giữa chế độ hôn nhân của các xã hội bản địa: không có sự chứng nhận của giới chức ‘thẩm quyền’ trong đám cưới (td. phải có mặt người đại diện CG như linh mục theo CĐT) hay hai người chứng (CĐT), và không được lấy hơn một người vợ và không được ly dị khi người phối ngẫu còn sống (tính bất khả phân ly/CĐT). Trung thành với giáo huấn từ CĐT, Dòng Tên (Jesuits) đã thành lập từ năm 1540 (Inhaxiô nhà Loyola/Ignatius of Loyola), bắt đầu có những hoạt động nổi bật3 trong công cuộc truyền đạo ‘rất nhiệt thành’ ngay từ thời đầu tiên. Dòng Tên tổ chức rất quy củ và đã gởi các giáo sĩ đến Việt Nam như Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes, Girolamo Maiorica …v.v… Nên nhắc ở đây là Công Đồng Trentô tái khẳng định bí tích hôn nhân4, một trong 7 bí tích (sacrement): Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối.

1. Chế độ nhiều vợ (đa thê) ở VN

     1.1 Một trong những điều dễ nhận ra khi các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo là chế độ nhiều vợ trong xã hội. Một trong những giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong là LM Cristoforo Borri (1583-1632), xuất thân là một nhà khoa học tự nhiên5, cho nên các nhân xét của ông rất đáng chú ý. Một trong những tài liệu ông viết là “Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina” (222 trang bằng tiếng Ý) xuất bản vào năm 1631 (La Mã), sau đó được dịch ra tiếng Pháp, Đức, Hà Lan, La Tinh và Anh – xem hình chụp bản dịch tiếng Pháp ở trang dưới. LM Borri đã ghi nhận tục đa thê trong chương VI Phần Một trang 79, trích một đoạn liên hệ (tạm dịch/NCT)”… mặc dù những người giàu có thì truyền thống có nhiều thê thiếp để cho thấy đẳng cấp6 của họ, nếu không như vậy thì họ bị cho là hà tiện. Những bà vợ này được gọi là vợ thứ hai, thứ ba, thứ tư tuỳ theo thứ tự của mỗi người – họ đều phải phục tùng người vợ cả – mà theo chúng tôi người vợ cả là người vợ thật đã chọn các bà vợ mọn theo sở thích của chồng mình …“. Không những có các phần viết về tục đa thê như trên, LM Borri còn dành cả một chương sau (chương V Phần Hai trang 151-173) viết về đời sống gia đình và hệ quả khi có một vợ một chồng (theo CG), cho thấy nhiều áp lực đè nặng lên một vị quan lớn: td. ông vừa nói vừa rơi nước mắt “… Làm thế nào mà các bà lại vào đạo CG, các bà muốn bỏ tôi chăng? Sao các bà không biết rằng theo lời giảng của LM đạo CG thì cấm không cho nhiều vợ? Hoặc các bà tìm nơi mới sống hay các bà ở lại đây thì tôi tìm nhà khác để ở…” trích một đoạn từ trang 162 (sđd, tạm dịch/NCT).

     LM Marini trong cuốn “Histoire nouvelle et curieuse des royaumes de Tunquin et de Lao” (sđd) dành 19 trang viết về việc cưới hỏi ở An Nam (từ trang 152 đến trang 170). Hình dưới chụp một đoạn từ trang 157 kể chuyện các giáo sĩ giải thích lợi ích của “một vợ một chồng” cho dân khi muốn vào đạo, các bất lợi của chế độ đa thê … Ông còn ước tính vua Lê có khoảng 500 tới 600 cung phi.

Một đoạn từ trang 157 (Marini, sđd)

     Tài liệu in ra của LM Marini bằng tiếng Pháp (hình chụp bên trên) cho thấy lỗi chính tả như monogamie thì in sai thành monigamie (chế độ đơn phối ngẫu/một vợ một chồng). Điều này cho thấy khả năng in sai, ngay cả trong tiếng Âu Châu, dẫn đến khả năng thợ in sai dấu hỏi và ngã của tiếng Việt trong các tài liệu Tây phuơng thời kì manh nha của chữ quốc ngữ.

Trang đầu và trang 79 bản tường thuật của LM Cristoforo Borri
(bản dịch ra tiếng Pháp năm 1631 của LM Antoine de la Croix cùng Dòng Tên).

     1.2 LM de Rhodes cũng nhắc đến sự giao cấu (đi lại về xác thịt/trai gái ~ giao cảm) thì chỉ có giữa vợ và chồng (hay một vợ một chồng), tuy không nói trực tiếp đến chế độ đa thê trong xã hôi, nhưng ông khuyên là “không nên lấy bạn7 khác” như đoạn này trích từ phần cuối trang 299 Phép Giảng Tám Ngày f Giái thứ ſáu thì cấm mọi viẹc tà dâm, khi chảng phải viẹc ngay, tlao᷄ một bợ một chào᷄ : g vì chưng khi đức Chúa blời định viẹc ếy, cho người ta được con cái, mà nuei nấng cho nên, h viẹc ếy thì khá, khi có du᷄̀ cho được con cái chính, mà thôi : i viẹc naò tà dâm làm ra con cái naò chảng được, thì càng lỗy. k mà ſự giao cảm cho ngay, thì phải có một bợ một chào᷄, l cho nên khi bạn còn ſóu᷄, ai là ai chảng nên lếy bạn khác : m vì ꞗệy đạo thánh đức Chúa blời cấm, dầu lếy nhều ꞗợ, dầu rảy bọ mình, n vì chưng đầu hết chảng có thói ếy, như miệng thánh đức Chúa Ieſu đã dĕạy chúng tôi : o vì chưng đức Chúa blời đầu hết tlao cho ou᷄ Adam, có một bà Eua, làm bạn, p mà ou᷄ Adam ở cu᷄̀ bà ếy, cho đến chết, là chín tlam ba mươi năm“.

     Trong “Dòng Máu Anh Hùng” trang 86-87 (sđd) kể lại chuyện các bà vuơng phi lo cho số phận của mình không còn chỗ dựa nếu chỉ có ‘một vợ một chồng’. Một bà đã sai một quan đến cảnh báo cha Đắc Lộ: “Hỡi các Tây Giang Đạo Trưởng, sao các ngươi lại đến giảng trong nước ta một đạo lý trái với tục đa thê trong nước ta? Các ngươi chỉ cho phép thần dân của ta được có một vợ một chồng khi mà ta muốn có thêm nhiều tôi trung. Từ nay, cấm các ngươi không được truyền bá đạo sai trái ấy nữa. Nếu bất tuân lệnh ta, thì các ngươi phải biết rằng mất đầu thì cái chân không thể đứng vững được, nghĩa là ta sẽ trừ diệt nguyên nhân sâu xa ra khỏi nước ta” (hết trích). Chính các sự than phiền từ vương phi như trên đã góp phần vào lệnh cấm đạo đầu tiên ở Đàng Ngoài (thời Trịnh Tráng, 1629).

     Ngoài các ghi chép từ LM Borri hay de Rhodes, cũng có vài bản tường thuật đề cập đến chế độ đa thê như từ LM Dòng Tên Francisco Cardim (1646), khi ông kể về cuộc tranh luận giữa một giáo dân và một nhà Nho lương dân trước mặt quan trấn thủ ở Đàng Trong “Quan trấn thủ nhìn nhận sự thật và rất mực quý trọng đạo ta, nhưng ông không theo vì ông chưa giải quyết được việc riêng của ông là có số rất đông vợ mọn, nhưng ông để cho bà vợ chính8 thành Kitô hữu nếu bà muốn và thực ra bà đã tin theo đạo ta và chúng tôi hi vọng chồng bà cũng theo cách thức của bà trở lại đạo” (hết trích từ trang 108 Tường Trình Về Đàng Trong, bản dịch của Hồng Nhuệ, sđd).

     Chính vì chế độ nhiều vợ – nhất là từ các quan chức đương thời – mà các giáo sĩ đã phải ‘làm quen’ với một nhóm danh từ liên hệ, phản ánh qua tự điển VBL và PGTN. Để ý là không những là một truyền thống xã hội lâu đời, chế độ đa thê/đa thiếp (nhiều vợ) còn được pháp luật chấp nhận (td. bộ luật Hồng Đức chẳng hạn). Đây là một cấu trúc xã hội bản địa mà các thừa sai cần phải nắm vững để quá trình truyền đạo dễ dàng và hữu hiệu hơn phần nào.

2. Nhóm từ liên hệ đến vợ

     Tự điển VBL và PGTN cho thấy các cách dùng chỉ đẳng cấp trong chế độ đa thê: vợ cả9, vợ thật, vợ chính, chính thê (4 cách gọi vợ chính) so với vợ lẻ, vợ mọn, nàng hầu, thiếp, phi, bá (thiếp của vị quan đứng đầu hay trấn thủ), vợ sau, bà sang (tên gọi thiếp của một vi vua đã chết) (8 cách gọi vợ thứ). Thật là thú vị khi số danh từ chỉ vợ lẽ bằng hai lần số danh từ chỉ vợ chính theo VBL, phản ánh phần nào thực trạng xã hội vào TK 17. Đây là không kể hai từ HV phu (chồng, VBL trang 603) và phụ (vợ, VBL trang 606). Sau này, LM Béhaine (Đàng Trong, 1772/1773) còn thêm vợ gạnh (vợ lẽ), sau đó còn thấy các dạng vợ thiếp (vợ lẽ), vợ thứ, vợ bé, vợ nhỏ, vợ đầu, vợ trước, vợ lớn, bà nhỏ, phòng nhì …v.v… Để ý là có sự lẫn lộn dấu hỏi và dấu ngã của lẻ và lẽ (vợ lẻ – vợ lẽ) đã hiện diện ngay từ thời VBL, tuy nhiên với nét nghĩa lẻ là ít (parum tiếng La Tinh) hay nhỏ, bé, mọn khác với lớn/cả/chính thì giải thích được các cách dùng như vợ mọn, vợ thiếp, vợ (bà) bé, vợ nhỏ (có lúc gọi là vợ nhí/NCT). Vợ lẽ (lẽ dấu ngã) như dạng thường dùng bây giờ không có phù hợp với hoàn cảnh như đã trình bày ở trên (lẽ dấu hỏi), phần sau sẽ tìm hiểu thêm các khả năng vợ lẻ (lẻ dấu hỏi) lại trở thành vợ lẽ (lẽ dấu ngã). Mẫu số chung cho các từ trên là vợ. Thành ra ta nên xem lại chữ vợ (tiếng Mường Bi10 là bỡ) và khả năng liên hệ đến chữ phụ HV.

     2.1 Chữ phụ 婦 (thanh mẫu tịnh 並 vận mẫu vưu 尤 thượng thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

房九切 phòng cửu thiết (TVGT, ĐV)

符九切 phù cửu thiết (NT, TTTH)

房久切 phòng cửu thiết (QV)

扶缶切 phù phữu thiết (TV, LT, VH)

TNAV ghi vận bộ 魚模 ngư mô (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/thượng thanh 阜 婦 負 萯 偩 (phụ)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 附 坿 駙 鮒 祔 柎 胕 賻 父 跗 婦 負 萯 偩 (phụ)

房缶切,音阜 phòng phữu thiết, âm phụ (CV, TVi)

防父切,音附 phòng phụ thiết, âm phụ (CV)

房父切,音附 phòng phụ thiết, âm phụ (TVi)

符遇切,音附 phù ngộ thiết, âm phụ (CTT)

芳尾切,音斐 phương vĩ thiết, âm phỉ (KH)

音斐 âm phỉ (CTT) …v.v…

     Giọng BK bây giờ là fù so với giọng Quảng Đông fu5 và các giọng Mân Nam 客家话:[陆丰腔] fu5 [梅县腔] fu5 fu3 [东莞腔] fu5 [客语拼音字汇] bu1 fu4 [宝安腔] fu3 [客英字典] fu5 [台湾四县腔] fu5 [沙头角腔] fu5 [海陆丰腔] fu6 fu5, giọng Mân Nam/Đài Loan hu7, tiếng Nhật fu và tiếng Hàn pwu. Một dạng âm cổ phục nguyên của phụ là *biəu. Để ý các dạng chữ Nôm cổ dùng âm bị 備 hay 备 để chỉ vợ, phù hợp với khả năng biến âm b > v (phân bua ~ phân vua, bổ ~ vá …). So sánh các tương quan b – v sau đây:

phân bua – phân vua

bổ 補 – vá

bộ 步 – vã (đi bộ)

bộ 捕 – vồ

bố 布 – vải

bả 播 – vãi (gieo)

bổn 本 – vốn

bái 拜 – vái

bích 壁 – vách

     Hay tương quan đồng đại bằm – vằm, bốc – vốc …v.v…

     Tiếng Mường (Bi) vẫn còn bảo lưu phần nào phụ âm đầu b- như bua (~ vua), bai (~ vai), bải (~ vái), biết (~ viết), bừa (~ vừa), bỡi (~ với), bỗi (~ vội), bớ (~ vỡ) …v.v…

     Giáp cốt văn cho thấy chữ phụ là loại chữ hội ý11, gồm có chữ (bộ) nữ 女 và hình khắc cái chổi quét nhà, hàm ý công việc của phụ nữ trong gia đình phong kiến ngày xưa, mở rộng nghĩa chỉ người con gái đã có gia đình (có chồng) – xem lịch sử của chữ phụ bên dưới. Để ý trong Giáp cốt văn, chữ trửu 帚 (cái chổi) có lúc dùng thay cho phụ.

ShangWestern ZhouShuowen Jiezi
(compiled in Han)
Liushutong
(compiled in Ming)
Oracle bone script
Giáp cốt văn
Bronze inscriptions
Chung đỉnh văn
Small seal script
Tiểu triện
Transcribed ancient scripts
Chữ triện cổ < Lục thư thông thời Minh

     Lịch sử cấu tạo chữ phụ (vợ) cho thất phần nào thành kiến về phái nữ đã hiện diện từ lâu đời ở Trung Quốc, so với khuynh hướng trọng nam khinh nữ trong xã hội phong kiến Á Đông. VBL cũng ghi một từ chỉ vợ là thê (mục thê, trang 753) và thiếp (vợ mọn, vợ lẻ – VBL trang 765), hãy xem lại cấu trúc các chữ này theo dòng thời gian cho thấy rõ hơn các mối quan hệ xã hội truyền thống.

     2.2 Chữ thê (thanh mẫu thanh 清 vận mẫu tề 齊 bình/khứ thanh, khai khẩu tứ đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

七稽切 thất kê thiết (TVGT, QV)

千兮切 thiên hề thiết (NT, TTTH)

千西切,音凄 thiên tê/tây thiết, âm thê (TV, VH, LT, CV, TVi)

千咨切,恣平聲 thiên tư thiết, tứ bình thanh (TV)

七計切,音砌 thất kế thiết, âm thế (QV, TV, LT, CV, KH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (dương bình/khứ thanh)

CV ghi cùng vần/bình thanh 妻 雌 萋 淒 凄 悽 霋 緀 (thê thư)

CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 切 砌 墄 𥉻 妻 (*thiết thế) …v.v…

     Giọng BK bây iờ là qī qì (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông cai1 cai3 và các giọng Mân Nam 客家话:[梅县腔] ci1 [台湾四县腔] ci1 ci5 [客英字典] ci1 [客语拼音字汇] qi1 [沙头角腔] ci1 [东莞腔] ci1 [宝安腔] ci1 [陆丰腔] ci1 [海陆丰腔] ci1 ci5 潮州话:ci1, tiếng Nhật sai sei và tiếng Hàn cheo.

     Thê HV chỉ người vợ một cách tổng quát, khác với thiếp HV là nàng hầu, vợ lẽ. Theo TVGT thì chữ thê gồm chữ nữ và hai chữ triệt 屮 và hựu 又 ở trên Chữ hựu tượng hình, chỉ bàn tay của người phụ nữ, đang cầm chổi để quét nhà (hàm ý chức phận của người đàn bà trong gia đình, cũng giống cấu trúc chữ phụ đã viết bên trên). Một cách giải thích khác là một bàn tay nắm tóc12 (hay chải tóc) người phụ nữ hay bắt lấy về làm vợ. Một dạng cổ của chữ thê là chữ nữ ở dưới chữ tiếu 肖, chữ tiếu cũng có nghĩa là cổ hay quý 貴 (giá cao): hàm ý phải mất một giá cao khi lấy vợ (so với nạp tiền cheo cho làng xã bên nhà gái).

Historical forms of the character

Western Zhou

Shuowen Jiezi
(compiled in Han)

Liushutong
(compiled in Ming)

Bronze inscriptions

Chung đỉnh văn

Small seal script

Tiểu triện < thời Hán

Transcribed ancient scripts

Chữ triện cổ < Lục thư thông thời Minh

     2.3 Chữ thiếp (thanh mẫu 清 thanh, vận mẫu 葉 diệp, nhập thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết.

     七接切 thất tiếp thiết (TVGT, NT, QV, TV, VH, LT, TTTH, LTCN 六書正譌, CV, TVi)

     TNAV ghi vận bộ 車遮 xa già (入聲作上聲 nhập thanh tắc thượng thanh)

     CV ghi cùng vần/nhập thanh 妾 唼 緁 (thiếp xiệp)

     七業切 thất nghiệp thiết (CTT) …v.v…

     Giọng BK bây giờ là qiè (theo pinyin) so với giọng Quảng Đông cip3 và các giọng Mân Nam 客家话:[沙头角腔] ciap7 [台湾四县腔] ciap7 [梅县腔] ciap7 [海陆丰腔] ciap7 [客英字典] ciap7 [宝安腔] ciap7 [客语拼音字汇] qiab5 [东莞腔] ciap7 [陆丰腔] ziap7, tiếng Nhật là shō và tiếng Hàn cheop.

     Nghĩa gốc của thiếp là người con gái có tội và là người giúp việc/nàng hầu (thường bị xăm vào người dấu nô lệ). Giáp cốt văn cho thấy chữ thiếp gồm có chữ nữ và chữ khiên 䇂 (chữ cổ không còn dùng nữa, hiện diện trong TVGT nghĩa là tội) hàm ý tội phạm người nữ. Sau này nét nghĩa nữ phạm nhân mở rộng để chỉ nô tì, vợ lẽ …

Historical forms of the character 

Shang

Western Zhou

Shuowen Jiezi
(compiled in Han)

Liushutong
(compiled in Ming
)

Oracle bone script

Giáp cốt văn

Bronze inscriptions

Chung đỉnh văn

Small seal script

Tiểu triện < thời Hán

Transcribed ancient scripts

Chữ triện cổ < Lục thư thông thời Minh

___________
1. Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email  nguyencungthong@gmail.com)

2. Một trong những Công Đồng quan trọng nhất trong lịch sử Giáo Hội La Mã – tham khảo chi tiết trang này chẳng hạn http://www.thecounciloftrent.com/ch24.htm.

3. Các giáo sĩ được huấn luyện kỹ lưỡng về giáo lí, ngôn ngữ văn hoá bản địa từ các chủng viện ở Âu Châu (và Goa) – cũng như các ghi chép/tường thuật định kì về các hoạt động của mình ngay khi tới các địa phương truyền đạo. Các thành quả ban đầu có thể gây khó khăn cho Dòng Tên vì phản ứng của chính quyền bản địa cũng như từ các giáo sĩ và con chiên từ các dòng khác, dẫn đến việc giải thể Dòng Tên vào năm 1773 (Giáo hoàng Clêmentê XIV). Sau đó được tái lập vào năm 1814 (Giáo hoàng Piô VII) tuy vẫn còn lân cấn vào thời gian sau.

4. Td. LM Peter Damian (1007-1073, sau được phong thánh) từng ghi lại 11 bí tích, kể cả việc đăng quang (lên ngôi) của vua chúa. Nhà thần học CG Hugh of Saint Victor (1096- 1141) từng ghi lại khoảng 30 bí tích …v.v…

5. Borri còn là một nhà Toán học và Thiên Văn Học, đặc biệt là nhận ra góc lệch của kim la bàn trên mặt trái đất.

6. Có thể xem vợ lớn/cả (‘nội tướng’) có nhiều vợ mọn thì càng nhiều quân dưới tay, phản ánh cấp bậc như trong quân đội – càng nhiều quân dưới trướng thì đẳng cấp càng cao.

7. bạn là cách nói thanh nhã chỉ vợ hay chồng: td. “Có bạn chăng?” nghĩa là có gia đình chưa (VBL trang 23).

8. tức là công chúa Ngọc Liên (1596-1665) tên thánh là Maria Mađalena, là trưởng nữ của Sãi Vương, là chị của Hoàng tử Kỳ và là mẹ của Công thượng vương (theo sử liệu Nhà Nguyễn). Tham khảo bài viết “Người Chứng Thứ Nhất” của tác giả Phạm Đình Khiêm trên trang này chẳng hạn http://thovanminhson.blogspot.com/2019/07/nguoi-chung-thu-nhat-tac-gia-pham-inh.html

9. Cả là lớn, anh/chị cả là anh/chị lớn nhất (Đàng Ngoài) so với cách gọi anh hai (Đàng Trong). Vợ cả phản ánh tiếng Đàng Ngoài. Trương Vĩnh Ký (sđd) nhận xét cách dùng vợ lẽ là ở Đàng Ngoài (Tonkin).

10. “Từ điển Mường Việt” NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội) sđd.

11. Tham khảo chi tiết về lịch sử cấu tạo chữ phụ trên trang này chẳng hạn https://hanziyuan.net/#%E5%A9%A6

12. Lại có cách giải thích khác là chỉ có người rất thân (td. người chồng) mới được ‘vuốt ve’ tóc phụ nữ (vợ).

     Còn tiếp. Kính mời Quý độc giả đón xem “Tiếng Việt từ TK 17: cách dùng vợ lẻ, lặng lẻ … vào thời LM de Rhodes và những hệ luỵ” (phần 38) – Phần cuối

Nguồn: Tác giả gửi bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com

BAN TU THƯ