Tiếp tục luận giải về các hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng

CONTINUING MAKING INTERPRETATIONS ON THE QUEENS
OF DINH TIEN HOANG

Tác giả bài viết: HOÀNG THỊ HỒNG THẮM
(Nghiên cứu sinh Khóa 35, ngành Văn học dân gian,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
)

TÓM TẮT

     Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu với các tên hiệu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông. Trong số các hoàng hậu của vua Đinh có Dương hậu – nhân vật mà người đời quen gọi là Dương Vân Nga, sau trở thành Dương Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Bà cũng là người đã trao ngôi nhà Đinh cho Lê Hoàn và trở thành hoàng hậu của ông. Việc lập hoàng hậu của vua Đinh và một số vị đế vương khác ở thế kỉ X đã trở thành đề tài bàn luận của các nhà chép sử phong kiến cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại từ những góc độ khác nhau. Bài báo của tác giả hướng vào việc tìm hiểu tên hiệu năm vị hoàng hậu của vua Đinh và bước đầu lý giải hiện tượng lập nhiều hoàng hậu của các bậc đế vương ở thời kỳ này.

Từ khóa: Dương Vân Nga; Đinh Tiên Hoàng; hoàng hậu; lịch sử; sứ quân.

ABSTRACT

     After becoming an emperor, Dinh Bo Linh married five wives called: Dan Gia, Trinh Minh, Kieu Quoc, Co Quoc and Ca Ong. One of his wife was Duong Hau or Duong Van Nga, who later became the queen. She also handed over the Dinh dynasty to Le Hoan and became his queen. The marriage with a lot of wives of Dinh emperor and other emperors in the tenth century has been discussed by feudal historians and history researchers in different views. In this article, we have made a study of official name of the emperors’ wives and initially explained the marriages of emperors at this period.

Key words: Duong Van Nga; Dinh Tien Hoang; queen; history; warlords.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Sau khi đánh dẹp được các thế lực cát cứ, thu đất nước về một mối, vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (gọi là Đinh Tiên Hoàng), lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Về nội bộ hoàng gia, năm 969, ông lập 5 hoàng hậu, trong đó Dương hậu, nhân vật lịch sử đã chứng kiến và tham gia vào những sự kiện trọng đại của hai triều Đinh – Lê. Chuyện lập nhiều hoàng hậu của vua Đinh đã được các sách sử như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ) … ghi chép và bình luận. Sau này, một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Danh Phiệt, Tạ Chí Đại Trường, Đinh Văn Đạt… cũng lý giải vấn đề này từ những góc độ khác nhau.

2. Kết quả nghiên cứu và khảo sát

     2.1. Việc lập hoàng hậu ở thế kỉ X

     Nếu như vị vua tiền triều Ngô vương khi lên ngôi chỉ lập một hoàng hậu (Dương thị – Dương Thị Như Ngọc, con gái Dương Đình Nghệ) thì đến các đời vua từ thế kỉ X kéo dài đến thế kỉ XII, mà trước hết là Đinh Tiên Hoàng lại lập đến năm hoàng hậu. Việc làm này của ông đã bị nhiều nhà viết sử phong kiến phê bình (riêng tác giả cuốn sử đầu tiên của nước ta là Đại Việt sử lược chỉ chép ngắn gọn: “Vua lập vương hậu năm bà” [3, tr. 92] mà không nhận xét gì thêm). Theo Ngô Sĩ Liên, sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu đã bình luận về điều này như sau: “Từ xưa chỉ lập (hoàng hậu) một người để chủ nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến năm hoàng hậu. Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập năm hoàng hậu. Sau đến hai triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy” [6, tr. 205]. Còn Ngô Thì Sĩ, một nhà sử học ở thế kỉ XVIII, dựa vào cái gốc âm dương để bàn chuyện lập hoàng hậu của vua Đinh: “Một âm một dương gọi là đạo. Các bà hoàng hậu dựng nên nhà Hạ, giúp đỡ nhà Chu không nghe có đến hai hoàng hậu, huống chi lại có năm hoàng hậu ư? Từ năm Thiên Nguyên nước Chu lập năm hoàng hậu, bài sách văn phong hoàng hậu có câu rằng: “Đức ví với khôn nghi, ngũ hành là số 5”, đó là lấy một câu kinh để che lỗi của mình. Vua Đinh Hoàng không đọc sách, theo ý riêng mà làm càn, đúng như chuyện nước Chu; lỗi đó hai bên cũng như nhau” [9, tr. 34] …

     Trong khi các sử gia phong kiến hầu hết đều lên tiếng chỉ trích chuyện lập hậu của vua Đinh thì các nhà nghiên cứu hiện đại lại nhìn nhận vấn đề từ góc độ văn hóa của nó. Tác giả Nguyễn Danh Phiệt phỏng đoán việc lập hoàng hậu của vua Đinh “phải chăng là một tín hiệu cho hay tàn dư của sinh hoạt cộng đồng muốn có một sự bình quân theo truyền thống, mặc dù sự phát triển khách quan của xã hội đã vượt qua?” [8, tr. 101]. Ông khẳng định tình trạng này còn kéo dài đến thế kỉ XI – XII dưới triều Tiền Lê, Lý. Ông liên tưởng con số 5 hoàng hậu với văn hóa Khơ-me, cụ thể là trong tổ chức hoàng gia Khơ-me, nó tượng trưng cho thế lực bốn phương cùng hướng về trung tâm, quy tụ quanh bộ máy vương triều. Song khi bắt gặp thực tế lập hoàng hậu của vua chúa thời kỳ này (Lê Long Đĩnh lập bốn hoàng hậu, Lý Thái Tổ lập sáu hoàng hậu, Lý Thái Tông lập bảy hoàng hậu…), ông lại nhận thấy rằng con số 5 hoặc 4, 6, 7 hoàng hậu không theo mô hình nào cả. Ông Đinh Văn Đạt cũng lý giải con số 5 hoàng hậu của vua Đinh và sau này là 5 vương phi của Đinh Liễn, 5 hoàng hậu của Lê Đại Hành dựa trên quan điểm âm dương ngũ hành, tính theo quy luật “tương sinh tương khắc”, “vợ tượng trưng cho âm, chồng tượng trưng cho dương, là hai mặt của thế giới con người” [4, tr. 2]. Tác giả cho rằng cách lý giải con số 5 của ông Đinh Văn Đạt chưa thực sự thỏa đáng bởi Nho giáo tuy đã được truyền bá vào nước ta từ thế kỉ III nhưng đến thế kỉ X, cụ thể là trong bộ máy triều Đinh, nó vẫn chưa tìm được chỗ đứng cho mình: “Điểm lại đội ngũ quan chức của nhà Đinh, cho đến nay được biết hoàn toàn vắng bóng nho sĩ” [8, tr. 99]. Nếu Đinh Tiên Hoàng theo quan niệm của đạo Nho thì chắc chắn ông không lập cùng lúc năm hoàng hậu, bởi “Theo cái gọi là “đạo thường” của Nho giáo, một ông vua có thể có nhiều phi tần nhưng hoàng hậu chỉ có một” [8, tr. 101]. Để lý giải chuyện lập nhiều hoàng hậu của các bậc quân vương thế kỉ X, tác giả thiết nghĩ nên xuất phát từ cái phông văn hóa đương thời – vấn đề này sẽ được bàn kĩ hơn ở phần sau của bài báo.

     2.2. Tên hiệu các hoàng hậu của vua Đinh

     Như đã nói ở trên, sau khi lên ngôi, vào năm 969, vua Đinh lập năm hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông. Sử sách (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lý tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục…) đều chép sự kiện này nhưng không giải thích rõ tên tuổi, xuất thân của từng bà ra sao. Tác giả Nguyễn Danh Phiệt cho rằng việc đặt những tên hiệu ấy “biểu thị một thái độ, tình cảm, một niềm tin, một nguyện vọng nhất định”. Điều đó hẳn “có ý nghĩa đối với các tên hiệu: Đại Cồ Việt, Thái Bình, Thiên Phúc…” [8, tr. 101]. Theo tác giả Tạ Chí Đại Trường, trong năm hoàng hậu của vua Đinh có ba bà là Kiểu Quốc, Cồ Quốc, Ca Ông mang tên “chẳng văn hoa chút nào”, nghe như âm hưởng vần K trước tên một số dân tộc ở Tây Nguyên. “Tên Cồ Quốc giống như đã mở rộng từ phạm vi gia đình thống trị lan qua phạm vi đất nước để chen vào tên nước Đại Cồ Việt lưu truyền đến quá nửa thế kỉ sau” [12, tr. 156-157]. Song chính cái sự không “văn hoa” ấy cùng với vạc dầu, cọp nuôi trong cũi, cung điện “có dáng như một ngôi nhà tù trưởng”… đã cho thấy bức tranh sinh hoạt triều đình nhà Đinh còn hết sức thô phác, mộc mạc, mang dấu ấn của văn hóa Việt – Mường.

     Người kì công tìm hiểu về thân thế của năm bà hoàng hậu nhà Đinh là ông Đinh Văn Đạt, một hậu duệ của dòng họ vua Đinh. Vào năm 2013, ông đã hoàn thành cuốn Các hoàng hậu và thảm án vua Đinh. Với dòng chú thích “Tủ sách Bên lề chính sử” ở ngoài bìa, có thể hiểu tác giả coi công trình của mình chỉ là dã sử. Theo ông Đinh Văn Đạt, thứ tự năm bà hoàng hậu (tính theo trình tự thời gian kết hôn với vua Đinh) của vua Đinh Tiên Hoàng như sau: người vợ thứ nhất tên là Trần Thị Bảo Nương (Đan Gia hoàng hậu), con gái duy nhất của Phó sứ nhà Ngô là Trần Lãm, kém Đinh Bộ Lĩnh 2 tuổi, lấy ông năm 942. Bà sinh ra Nam Việt vương Đinh Liễn. Người vợ thứ hai là Hoàng Thị Thi (Cồ Quốc hoàng hậu), người cùng làng với Đinh Bộ Lĩnh, kém chồng 5 tuổi, lấy ông cuối năm 951. Bà là mẹ của công chúa Minh Châu (Minh Châu sau là vợ của Trần Thăng1, em Trần Lãm) và công chúa Phất Ngân (vợ của tướng Lý Công Uẩn). Người vợ thứ ba là công chúa nước Chiêm Thành (Kiểu Quốc hoàng hậu), hiện chưa rõ tên bà là gì, chỉ biết rằng sứ thần nước Chiêm nghe tin chủ tướng Hoa Lư – Đinh Bộ Lĩnh chiến thắng năm vạn quân của anh em vua Ngô năm Tân Hợi 951 thì đến năm Nhâm Tý đã gả công chúa cho ông. Lúc đó bà 18 tuổi. Bà sinh ra công chúa Phất Kim – người sau này là vợ sứ quân Ngô Nhật Khánh. Người vợ thứ tư là Đinh Thị Tỉnh Nương (Trinh Minh hoàng hậu), kém Đinh Bộ Lĩnh 23 tuổi, là một nữ tướng, có tài kiếm thuật và cưỡi ngựa bắn cung điêu luyện, được Đinh Bộ Lĩnh phong làm chủ tướng Lữ đội kị binh. Bà sinh ra thái tử Hạng Lang. Người thứ năm là Dương Thị Ngọc Vân (Ca Ông hoàng hậu) – tức Dương Vân Nga, kém vua Đinh 4 tuổi, người sinh ra Đinh Toàn.

     Trước đó, trong kỉ yếu Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước, ông Đinh Văn Đạt cũng đã đề cập đến năm bà hoàng hậu của vua Đinh với những dòng vắn tắt như sau: “Vua Đinh có 5 bà hoàng hậu: Đan Gia (mẹ của Đinh Liễn), Trinh Minh (mẹ của Hạng Lang), Kiểu Quốc (mẹ của Đinh Tuệ), Cồ Quốc (chỉ sinh con gái) và Ca Ông (mẹ của Đinh Toàn, ngày nay gọi là Dương Vân Nga). Các con của vua Đinh, các sách chép như sau:

– Con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn

– Hoàng Thái tử Hạng Lang, bị Đinh Liễn giết năm 979

– Đinh Tuệ, sau chạy về Hòa Bình

– Vệ vương Đinh Toàn…” [7, tr. 227].

     Theo những điều tác giả đã dẫn ở trên thì vua Đinh có bốn người con trai, trong đó Đinh Toàn với Đinh Tuệ là hai người khác nhau. Dựa vào sự kiện vua Đinh sắc phong cho các hoàng tử – theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đinh Liễn được phong là Nam Việt vương, Hạng Lang làm hoàng thái tử, Đinh Toàn làm Vệ vương, ta có thể khẳng định vua Đinh chỉ có ba người con trai là Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn. Riêng Đinh Toàn có những tên gọi khác nhau như Đinh Tuệ [2, tr. 70] hay Đinh Truyền [10]. Như vậy, thông tin về các hoàng tử con vua Đinh mà ông Đinh Văn Đạt đưa ra trong cuốn kỉ yếu Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước là chưa chính xác.

     Dựa trên một số tài liệu đã sưu tầm, tác giả lập một bảng thông tin về năm bà hoàng hậu của vua Đinh như Bảng 1.

Bảng 1. Bảng thông tin khái quát về năm vị hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng

STTHoàng hậuTên thật, xuất thân,đặc điểmNguồn dẫn
1Đan Gia

– Trần Bảo Nương, con gái Trần Lãm (mẹ Đinh Liễn)
– Dương Vân Nga (con gái Dương Tam Kha), mẹ của Hạng Lang và Đinh Toàn
– Theo Đinh Văn Đạt
– Theo Ngô Viết Trọng, Dương Vân Nga, non cao và vực thẳm
2Trinh Minh– Đinh Thị Tỉnh Nương (mẹ Hạng
Lang). Bà là nữ tướng.
– Đinh Thị Tỉnh Nương (sinh hoàng tử). Bà tinh thông võ nghệ
– Trịnh Thị, em Trịnh Tú, mẹ của Minh Châu
– Dương Vân Nga
– Theo Đinh Văn Đạt và Trương Đình Tưởng
– Theo ngọc phả, thần phả đền Thánh Mẫu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
– Theo Ngô Viết Trọng, Dương Vân Nga, non cao và vực thẳm
– Theo Hoài Anh, Chuyện tình Dương Vân Nga
3 Kiểu Quốc
– Công chúa nước Chiêm Thành (mẹ Phất Kim)
– Kiều Nương, em gái của Kiều Công Hãn, cháu nội của Kiều Công Tiễn
– Theo Đinh Văn Đạt
– Theo Ngô Viết Trọng, Dương Vân Nga, non cao và vực thẳm
4Cồ Quốc
– Hoàng Thị Thi (mẹ Minh Châu, Phất Ngân)
– Nguyễn Thị Sen (bà tổ nghề may), là tứ phi hoàng hậu.
– Hoàng Thị, mẹ của Ngô Nhật Khánh
– Theo Đinh Văn Đạt
– Theo thần tích đền thờ tổ nghề ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội
– Theo Ngô Viết Trọng, Dương Vân Nga, non cao và vực thẳm
5

Ca Ông

– Dương Thị Ngọc Vân (mẹ Đinh Toàn)
– Là con gái một tù trưởng nổi tiếng người Mường
– Mẹ của Hạng Lang
– Theo Đinh Văn Đạt
– Theo Ngô Viết Trọng, Dương Vân Nga, non cao và vực thẳm
– Theo Hoài Anh, Chuyện tình Dương Vân Nga

Bảng 2. Bảng thông tin về tên hiệu của Dương Vân Nga

STTTên hiệuHoàng hậu Dương Vân NgaNguồn dẫn
1Đan Gia– Dương Vân Nga (con gái Dương Tam Kha), mẹ của Hạng Lang và Đinh Toàn– Theo Ngô Viết Trọng, Dương Vân Nga, non cao và vực thẳm, tiểu thuyết
lịch sử,
https://www.wattpad.com.
2Trinh Minh– Dương Vân Nga– Theo Hoài Anh (2004), Chuyện tình Dương Vân Nga, tiểu thuyết lịch sử,
Nxb Thanh niên.
3Ca Ông– Dương Thị Ngọc Vân (mẹ Đinh Toàn)– Theo Đinh Văn Đạt, Các hoàng hậu và thảm án vua Đinh, bản đánh máy, lưu tại đình Mĩ Hạ, Gia Thủy, Nho Quan, Ninh Bình.

     Mục đích của tác giả khi xác minh thân thế năm hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng là nhằm tìm hiểu rõ hơn về tên hiệu của bà Dương hậu – Dương Vân Nga, một trong năm hoàng hậu của vua Đinh, bởi lẽ chính sử không giải thích tên hiệu cụ thể của từng hoàng hậu. Nếu tìm đọc tất cả các cuốn sử liệu của Việt Nam, ta sẽ không thấy bất cứ một bà hoàng hậu nào có tên là Dương Vân Nga ở triều đại nhà Đinh. Các nhà nghiên cứu hiện đại đều nói rằng Dương Vân Nga là một cái tên “văn nghệ” đã được người đời sau thêm vào cho bà Dương hậu, đặc biệt là sau vở chèo Thái hậu Dương Vân Nga (năm 1978) của Trúc Đường. Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cũng ghi nhận có đến ba bà Dương hậu (hoàng hậu của Ngô Quyền, hoàng hậu của vua Đinh – vua Lê và hoàng hậu của vua Lý Thánh Tông). Do sự phức tạp như vậy nên tác giả sử dụng tên gọi Dương Vân Nga – vốn đã trở nên quen thuộc trong dân gian (thậm chí đã được gắn với pho tượng thờ tự bà ở cố đô Hoa Lư và một số đền thờ khác) nhằm hướng đến một sự thống nhất về mặt danh xưng cho nhân vật đặc biệt này.

     Trong 5 hoàng hậu của vua Đinh, chỉ có hai bà được sử sách ghi chép, đó là Dương thị và Ngô phu nhân. Dương thị là mẹ của Đinh Toàn, sau biến cố vua Đinh và Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại, Đinh Toàn lên ngôi, bà trở thành Dương Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Còn Ngô phu nhân là mẹ của sứ quân Ngô Nhật Khánh (theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Nhật Khánh thuộc dòng dõi của Ngô Quyền), sau khi dẹp các sứ quân, Tiên Hoàng lấy mẹ của Ngô Nhật Khánh làm hoàng hậu.

     Có ba ý kiến khác nhau về tên hiệu của Dương Vân Nga, đó là Ca Ông (theo Đinh Văn Đạt), Trinh Minh (theo Hoài Anh) hoặc Đan Gia (theo Ngô Viết Trọng) (Bảng 2). Tuy nhiên, để xác định được bà là ai trong ba, thậm chí trong năm hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng là điều không hề dễ dàng bởi thời đại của bà cách chúng ta đã hơn 1.000 năm, trong khi trong thực tế chúng ta chưa có đủ minh chứng lịch sử để khẳng định hay bác bỏ các thông tin trên. Thực tế ấy đã cho thấy các tài liệu liên quan đến bà “không im lìm”, tĩnh tại mà đã có “đờisống chắp nối”, mang cái nhìn chủ quan của người chấp bút. Chúng “đến với ta khác đi qua lời kể của Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên…, chưa kể những chắp nối bây giờ” [12, tr. 136]. Dẫu vậy, qua thông tin về xuất thân của các hoàng hậu của vua Đinh (cả chính sử và dã sử) có thể đi đến kết luận bước đầu rằng việc lập hoàng hậu của vua Đinh chủ yếu mang tính chất chính trị: kết hôn để củng cố sức mạnh về lực lượng và vị thế của ông trên vũ đài chính trị.

3. Bàn luận

     Theo tác giả, hiện tượng một vua – nhiều hoàng hậu khá phổ biến ở thế kỉ X khiến người đời sau không khỏi ngạc nhiên và có những tranh luận trái chiều, trước hết là do ảnh hưởng của văn hóa mẫu quyền, nó là một minh chứng rằng ở thời kỳ này, “phụ quyền chưa lấn đoạt mẫu quyền” [12, tr. 154]. Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành đều lập năm bà hoàng hậu. Lê Long Đĩnh lập bốn hoàng hậu. Lý Thái Tổ lập sáu hoàng hậu. Lý Thái Tông lập bảy hoàng hậu… Chúng ta biết rằng người Việt đã trải qua chế độ mẫu quyền trong lịch sử phát triển của mình. Đó là thời đại mà quyền hành trong gia đình và ngoài xã hội đều do người phụ nữ nắm giữ. Dấu ấn văn hóa xã hội đó còn để lại khá đậm trong văn hóa của người Việt: từ “cái” (mẹ) thường gắn liền với những sự vật to lớn, quan trọng: đường cái, ngón cái, sông cái, cột cái…; vai trò, trọng trách của người mẹ được đề cao trong gia đình: Phúc đức tại mẫu, Con dại cái mang, Mẹ ngoảnh đi con dại, mẹ ngoảnh lại con khôn… Ở thế kỉ X, dấu ấn văn hóa này vẫn còn khá đậm nét. Tác giả Tạ Chí Đại Trường đã có những lý giải khá lý thú và thuyết phục khi đưa ra những minh chứng lịch sử để khẳng định dấu ấn mẫu hệ này. Ông dẫn chuyện Ngô Quyền trăng trối nhờ Dương Tam Kha giúp đỡ các con sau khi ông qua đời để chứng minh rằng “vai trò của người cậu trong một gia đình mẫu hệ là vai trò điều khiển, quyết định, vai trò người nuôi nấng kẻ nối dõi dòng họ” [12, tr. 152], hoặc biểu hiện của mẫu quyền, cụ thể là “vai trò phù trợ phía vợ” còn thể hiện ở việc vua Lý Thái Tông phong cho các nhạc phụ của mình những cái tên có ý nghĩa như An Quốc, Phụ Quốc, Khang Quốc. Cũng chính vì tác động của văn hóa trọng mẫu mà ở thời kỳ đầu của chế độ phong kiến, nguyên tắc truyền ngôi cho con trưởng chưa thực sự được thiết lập một cách vững chắc (Đinh Tiên Hoàng chuyển ngôi thái tử của Đinh Liễn sang cho Hạng Lang, Lê Đại Hành lúc đầu có ý lập con thứ là Long Đĩnh làm thái tử, sau nghe theo lời nghị bàn của quần thần mới phong thái tử cho con trưởng là Long Việt). Như vậy, có thể thấy hiện tượng nhiều hoàng hậu trong một vương triều ở thế kỉ X có cội rễ từ văn hóa trọng mẫu của người Việt, là “dấu vết của các gia đình theo dòng mẹ”.

     Bên cạnh văn hóa trọng mẫu, sự phóng khoáng, hồn nhiên và cởi mở của văn hóa, văn nghệ dân gian cũng tác động không nhỏ đến tư tưởng và cung cách sống của các bậc đế vương thời kỳ này. Đinh Tiên Hoàng đưa hát chèo vào quân đội và phong cho nghệ nhân hát chèo chức Ưu bà để chuyên dạy múa hát trong quân ngũ. Tương truyền, khi diệt trừ yêu quái Xương Cuồng, nhà vua cũng nhờ đến sự hỗ trợ của một đoàn tạp kĩ (đi trên dây, đánh đu, trồng cây chuối). Đến thời Lê, vua Lê Đại Hành tiếp đón sứ giả phương Bắc bằng màn trình diễn tự múa và hát, tổ chức hội đua thuyền vào ngày rằm tháng bảy… Vua xem dân chài kéo lưới, thậm chí đi chân đất, lội nước câu cá… Chuyện đời vua sau là Ngọa Triều cho quần thần ăn thịt mèo, gỏi thạch sùng, trêu chọc thực khách trong yến tiệc, cho mấy tên hầu cận pha trò vui khi thiết triều… xét ở một phương diện nào đó cho thấy sinh hoạt chốn cung đình vẫn còn mang nét dân dã, đời thường. Bên cạnh đó, đời sống xã hội ở thời kỳ này cũng chưa bị chi phối bởi những quan niệm khắt khe, khuôn mẫu của đạo Nho. Trong thực tế, Nho giáo tuy đã du nhập vào nước ta từ đầu thời Bắc thuộc (vào thế kỉ III, Sĩ Nhiếp đã tích cực thu nạp nho sĩ và truyền bá Nho học) nhưng đến thế kỉ X, những quan niệm chính danh định phận theo “tam cương, ngũ thường”, đạo “quân thần – phụ tử – phu phụ” vẫn chưa có vị trí trong xã hội triều Đinh – Lê. Theo tác giả Nguyễn Danh Phiệt, trong đội ngũ quan chức của nhà Đinh không có nho sĩ [8, tr. 99]. Như vậy, xét từ những góc độ văn hóa trên đây, ta thấy hiện tượng một vị vua có nhiều hoàng hậu là điều bình thường ở xã hội Đại Cồ Việt lúc bấy giờ. Vì thế, các sử quan đời sau đứng từ quan điểm của Nho giáo để chê trách việc lập hậu của vua Đinh rõ ràng chưa đúng với tinh thần của thời đại ông. Không phải ông không biết “kê cứu cổ học” hay không có người “giúp sửa cho đúng” mà đúng hơn là thời đại ông chưa bị ràng buộc bởi tư tưởng của đạo Khổng, “chưa coi Nho là học thuyết trị nước” với “nguyên tắc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” [8, tr. 102] và bởi nó vẫn được bao bọc và thấm đượm bầu không khí của văn hóa dân gian.

     Từ bối cảnh văn hóa của thế kỉ X như đã phân tích ở trên, ta sẽ có một cái nhìn khác với các sử gia phong kiến khi bàn về sự kiện Lê Hoàn lập Dương hậu nhà Đinh làm hoàng hậu của mình (thậm chí còn lấy danh hiệu của tiên vương để đặt cho Dương hậu). Tác giả cho rằng sự kiện này phần nào biểu hiện cho văn hóa trọng mẫu, nói như nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường là “sự nối tiếp truyền thống thông qua họ mẹ” [12, tr. 152]. Tạ Chí Đại Trường còn đi xa hơn khi bình luận rằng việc Lê Hoàn lấy hiệu Đại thắng minh2 của Đinh Tiên Hoàng để đặt cho Dương hậu thể hiện “khuôn phép truyền thống đó” [12, tr. 152]. Nhận định này của ông hoàn toàn khác với cách nhìn nhận của các sử gia phong kiến trước sự kiện Lê Hoàn lập hoàng hậu tiền triều làm hoàng hậu của mình. Sử gia Ngô Sĩ Liên chê trách Lê Hoàn rất nặng nề: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?” [6, tr. 218]. Cuốn sử của triều Nguyễn – Khâm định Việt sử thông giám cương mục chỉ trích Lê Hoàn đã cậy quyền ỷ thế và có mưu đồ thoán đoạt ngôi nhà Đinh của ông: “Nhà vua nối ngôi, mới lên sáu tuổi. Bọn Nguyễn Bặc đều là đại thần phụ chính; còn Lê Hoàn trong tay giữ cả binh quyền, tự do ra vào nơi cung cấm. Thái hậu phải lòng Hoàn, rồi cùng nhau tư thông, cho Hoàn quyền tạm làm công việc thay vua như Chu Công khi trước. Lê Hoàn cậy có Thái hậu cưng yêu, không kiêng sợ chi cả” [5, tr. 244] … “Dương thị, trước kia lấy Đinh Tiên Hoàng, sinh ra Vệ Vương Toàn. Toàn nối ngôi, hãy còn nhỏ tuổi. Thái hậu tư thông với nhà vua, mưu việc chuyển dời ngôi nhà Đinh. Đến đây lập Dương thị làm Đại Thắng Minh hoàng hậu” [5, tr. 253]. Cương mục còn dẫn lời bình gay gắt của Ngô Thì Sĩ về việc Lê Đại Hành lấy hiệu vua Đinh để đặt hiệu cho Dương Thái hậu: “Đại Thắng Minh là tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng. Đại Hành lấy hiệu vua cũ đặt cho vợ mình. Thật là không còn kiêng nể chút gì cả! Sử sách ghi chép, để cười nghìn thu!” [5, tr. 253]. Có thể thấy các sử quan, sử gia phong kiến đều có cái nhìn thiếu thiện cảm với cả hai nhân vật lịch sử nổi tiếng này, với Lê Hoàn, đó là sự lạm quyền, có ý đồ thoán đoạt ngôi nhà Đinh; với Dương hậu, đó là tư tình, là thông dâm với quan thập đạo… Có thể thấy, các nhà chép sử đã bị giới hạn bởi tư tưởng thời đại khi đánh giá họ. Thiết nghĩ, sự kiện Dương Vân Nga trao ngôi nhà Đinh cho Lê Hoàn và sau trở thành hoàng hậu của ông nên được nhìn nhận, đánh giá từ góc độ văn hóa cũng như bối cảnh lịch sử rộng và hẹp của nó. Về vấn đề này, tác giả xin bàn vào một dịp khác.

4. Kết luận

     Thế kỉ X có tính chất như thế kỉ bản lề khép lại thời kỳ bị phương Bắc đô hộ, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ trong lịch sử dân tộc ta. Hạt nhân tư tưởng của văn hóa thế kỉ này là tinh thần dân tộc tự chủ, đạo đức và tín ngưỡng dân gian kết hợp với Phật giáo đã được dân gian hóa. Văn hóa của thời kỳ này chưa đi vào quỹ đạo của lễ giáo phong kiến nên nó vẫn mang hơi thở của văn hóa dân gian. Vì thế, những hiện tượng như vua Đinh lập năm hoàng hậu, Dương Vân Nga trao ngôi báu cho Lê Hoàn, Lê Hoàn lấy hoàng hậu của tiền triều… nên được lý giải chủ yếu từ cội nguồn ấy nhằm đi đến những kết luận phù hợp với bản chất của hiện tượng, đây là điều mà các nhà chép sử đã bỏ qua khi đưa ra những lời bàn về các nhân vật lịch sử của thời kỳ này như Dương Tam Kha, Lê Hoàn…, đặc biệt là Dương Vân Nga – vị hoàng hậu của hai vua.

_________
1. Điều này trùng với chính sử (theo Đại Việt sử ký toàn thư, tr.206).

2. Tạ Chí Đại Trường gọi tên hiệu của Đinh Tiên Hoàng là Đại thánh minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Hoài Anh, Chuyện tình Dương Vân Nga, Tiểu thuyết lịch sử, NXB Thanh Niên, 2004.

     [2] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh Niên, 2001.

     [3] Đại Việt sử lược, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993.

     [4] Đinh Văn Đạt, Các hoàng hậu và thảm án vua Đinh, bản thảo đánh máy, lưu tại đình Mỹ Hạ, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, 2014.

     [5] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, NXB Giáo dục, 1998.

     [6] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983.

     [7] Nhiều tác giả, Nhà Đinh với sự nghiệp thống nhất và phát triển đất nước, NXB Lao động, 2012.

     [8] Nguyễn Danh Phiệt, Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, NXB Khoa học Xã hội, 1990.

     [9] Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, http://elib.tdmu.edu.vn.

     [10] Lê Tắc, An Nam chí lược, NXB Thuận Hóa, 2002.

     [11] Ngô Viết Trọng, Dương Vân Nga, non cao và vực thẳm, tiểu thuyết lịch sử,
https://www.wattpad.com.

     [12] Tạ Chí Đại Trường, Những bài dã sử Việt, NXB Tri thức, 2016.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng,
ISSN 1859-1531 – số 2(123), 2018

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tiếp tục luận giải về các hoàng hậu của vua Đinh Tiên Hoàng (Tác giả: Hoàng Thị Hồng Thắm)