Bước vào tìm hiểu về CON NGƯỜI LƯỠNG TÍNH
Lời toà soạn
Sau hai mẫu chuyện ngắn- “Người gõ cửa hoàng hôn” và “Tia chớp ái tình” được đăng trên tạp chí Thanh niên (Số 16 Kỳ 4 tháng 4-2013) của tác giả Lê Phong – PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng. Ngoài ra, tác giả còn viết hai mẫu chuyện khác có tựa đề là “Người dòm lỗ khóa” và “Nước mắt bão tố” được đăng trên tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu (Số tháng 5-2013).
Các mẫu chuyện đã đăng tải trên đã kết nối thành những mẫu chuyện rời rạc nằm trong loạt chuyện viết về Chiến tranh và hòa bình Việt Nam – mà tác giả đặt tên cho quyển tiểu thuyết của mình là “Viên sỏi đen”. Cả hai tờ báo Thanh Niên và Doanh nghiệp và Thương hiệu đều đang chờ đợi những mẫu chuyện rời rạc tiếp sau để cuối cùng kết nối thành bộ tiểu thuyết về một mối tình lãng mạn kết thúc bi thảm trong bối cảnh lịch sử Việt Nam – mà nhiều người trong chúng ta – thuộc hai thế hệ sau đó – một thế hệ từ sau 1945 và một thế hệ từ sau 1975.
x x x
Từ TÌNH YÊU ĐỒNG PHÁI đến CON NGƯỜI LƯỠNG TÍNH
1. Theo cách giải thích của nhiều nhà triết học cổ sơ, trong thực tế, phái tính (nam hay nữ) không bao giờ phát triển đến mức tối đa của mình và hủy diệt hết tiềm năng của phái tính đối lập. Trong phái tính nam luôn tồn tại yếu tố nữ ít ỏi trong đó. Ngược lại, trong phái tính nữ luôn có nam tính ẩn nấp bên trong. Do đó, việc phát sinh là tình yêu đồng phái là một thực tế hấp dẫn ngay bên trong nó.
Qua quá trình lịch sử, người ta nghiệm rằng tình yêu đồng phái chỉ dễ nẩy sinh ra trong cộng đồng khép kín của thanh thiếu niên đồng phái (các dòng tu, các trường học chỉ thuần nam hay thuần nữ …)
Khi ấy, họ không tìm được những khoảng cách lớn lao do sự phân cực nam cho ra nam rạch ròi, nữ cho ra nữ không pha trộn. Nên người đồng phái bằng lòng với khoảng cách ngắn ngủi hơn, gần gũi hơn, cạnh kề hơn giữa hai người đồng phái mà hình dáng cũng như tính tình, cương và nhu, mạnh và yếu … có thể bù đắp cho nhau để được đầy đủ hơn.
Như vậy, sự hiện hữu của tình yêu đồng phái cho thấy tính cách mềm dẽo của thuyết âm dương. Âm hay dương không phải là một ý niệm tuyệt đối ở một vị trí nhất định mà chỉ là tương đối với chung quanh.
Trên cùng một dòng điện, cùng một điểm thì đối với trên tuy là âm mà đối với dưới lại là dương, cũng như không thể chỉ có âm một mình hay chỉ có dương một mình.
Sự phân cực âm dương gây nên sự hấp dẫn và thúc đẩy hòa hợp nhau.
x x x
2. Lịch sử tiến hóa của nhân loại là nhằm phát triển mạnh mẽ những nền tảng tư duy, những ý thức, những quan niệm để xây dựng đời sống văn minh, văn hóa vật chất, tinh thần, tâm linh … của con người.
Đối với vấn đề liên hệ đến đời sống sinh lý của con người – một sinh vật hoàn chỉnh so với nhiều sinh vật khác – thì lại bị xem như là một điều cấm kỵ (triết học phương Đông), hay coi nó như một loại “xa xí phẩm”, một phương tiện cơ hội để bảo tồn nòi giống. Gần đây, từ vài thế kỷ nay, ngành tính dục học (sexologie) đã dần hình thành để xây dựng một hệ thống tư duy, coi trọng nó là một nhu cầu của đời sống, thiếu nó như thiếu thực phẩm cơ bản của loài người (cơm gạo, bánh mì …)
Chắc hẳn vấn đề tính dục học sẽ gây nhức nhối không chỉ đối với tầng lớp trí thức mang truyền thống Nho giáo mà còn đối với một bộ phận có nếp sống truyền thống độc thân trong các tu viện để thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội – càng ngày càng trở nên đông đúc và phức tạp trong giao tiếp, ứng xử – chúng tôi thử đọc lại và ghi chép từ một số nguồn tư liệu để tìm hiểu về con người lưỡng tính và vấn đề tính dục để độc giả xem qua và góp ý.
Trong khi chờ đợi các nhà khoa học thực nghiệm của khối ngành sức khỏe, chúng tôi cố gắng ghi chép ra đây những huyền thoại ra đời từ thời kỳ sơ sử. Huyền thoại đã tác động đến tư duy của Freud (1) và Jung (2), những nhà phân tâm học (Psychanalyse) có công tìm hiểu về vô thức khi dựa vào tâm bệnh và huyền thoại.
Hiện nay, vấn đề hôn nhân của một bộ phận người có biểu hiện đồng tính luyến ái đã làm cho chúng ta suy nghĩ. Do đó, tôi cũng xin góp phần suy nghĩ riêng tư của mình thông qua những sách vở mà tôi đã đọc và chép từ khi còn là sinh viên trước 1975 tại Sài Gòn.
CON NGƯỜI LƯỠNG TÍNH
Các nhà phân tâm học nói trên cho rằng con người cổ sơ sống theo bản năng và cũng sống theo tư duy huyền thoại về vũ trụ và cuộc đời. Do đó, theo những nhà phân tâm học nói trên, nếu chịu khó truy tìm những huyền thoại nguyên thủy có tính cách sâu xa và phổ biến vào thời kỳ nguyên thủy thì có thể mở cánh cửa bước vào tình trạng vô thức tập thể tiềm ẩn trong hệ não bộ của loài người.
Ở đây, chúng ta đang quan tâm đến các huyền thoại nhằm nhắc lại những cảm nghĩ và ước mơ của tiên tổ đã cấu tạo nên những tầng lớp vô thức sâu xa và gieo trồng những ý thức trong tâm tư, tình cảm của chúng ta ngày nay. Tính dục của loài người không thể thoát ly khỏi các khái niệm nhập tâm từ các huyền thoại ấy.
Từ trước công nguyên, loài người bắt đầu giải thích hành vi tính dục bằng huyền thoại về con người lưỡng tính (androgyne). Nhà hiền triết Platon (3) (hình) đưa ra những khái niệm về con người lưỡng tính này khi ông nhắc đến trong cuốn Bữa tiệc. Ông đã khéo dùng miệng của Aristophane (4) (hình) để dẫn vào truyện “Thuở ban đầu, loài người khác với bây giờ họ có 3 phái tính: nam tính, nữ tính và lưỡng tính (bán nam, bán nữ). Đàn ông do mặt trời sinh ra. Đàn bà thì do đất. Còn con người lưỡng tính do mặt trăng mà ra”.
Các phái tính ấy choán cả đời sống con người. Từ những nền tảng sâu xa, thuộc về tâm lý cho đến những chức vụ ngoại diện thuộc về hành vi, từ những phạm vi về sinh lý cho đến những địa hạt tâm linh, tư tưởng … Bắt đầu bằng sinh lý, nếu nhìn về quá trình phái tính hóa (nam nữ, lưỡng tính) của phôi của những động vật thượng đẳng – mà điển hình nhất là ở con người – chúng ta thấy một quá trình tiến hóa từ tế bào cho đến tổ chức phôi.
Cái phôi này được trù liệu để trở nên là một người mang phái nam hay nữ tách riêng hoàn toàn. Nhưng trạng thái ban đầu của phôi lại mang cả tính chất của hai phái nam hay nữ mà chưa hoàn toàn xác định rõ là nam hay là nữ. Khi phôi tăng trưởng – do tác động bên ngoài và môi trường xã hội – có thể đã làm định hình cái xu hướng nói trên lẽ ra là nam thì là nữ và nữ thì lại là nam. Các nhà khoa học cho rằng phôi ẩn chứa tiềm năng kép cho cả nam lẫn nữ. Như vậy phôi chứa đựng con người lưỡng tính – như huyền thoại đã suy tưởng – mà không phải chứa đựng con người trung tính (con người vô phái tính) bao giờ. Nếu khi tăng trưởng trong một “môi trường xã hội” chưa đủ sức tác động để phôi biến thành nam hẳn hay thành nữ hẳn thì nó tỏ ra “còn lưỡng lự” mà cho ra đời “con người lưỡng tính”?!
Sự có mặt trong xã hội loài người về tình yêu đồng phái đã chứng tỏ là thuyết âm dương cần phải mềm dẽo. Âm hay dương không phải là một ý niệm tuyệt đối mà chỉ tương đối. Phái tính không bao giờ phát triển đến mức tối đa của mình và hủy diệt hết tiềm năng của phái tính đối lập. Ở người đàn ông bao giờ cũng còn ít nhiều yếu tố đàn bà, và ngược lại, ở đàn bà cũng có yếu tố đàn ông.
Sự hấp dẫn tình yêu giữa người đồng phái nếu nó đòi hỏi nhục dục mà muốn thụ tinh, là điều không thể thực hiện được. Do về mặt giải phẩu, hai người đồng phái không có gì khác nhau cả.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng sự phân tính nêu trên hoàn toàn không có nghĩa chỉ là vấn đề thụ tinh (fécondation). Tất cả cơ thể của sinh vật không nhằm quy hướng về sự bảo tồn nòi giống. Hơn nữa lại càng không phải tất cả loài người đều được làm nên vì mục đích ấy! Do đó con người đồng phái sống chung với nhau không vì mục đích thụ tinh để có con nối dòng theo Đạo Đức Khổng Tử.
Sự “nối dòng” của loài tôm cua và giun … vốn sinh sản bằng sự phân đôi mà không phải do thụ tinh từ tiểu noãn.
J.Loeb (hình) áp dụng phương pháp nhân tạo ở noãn một con gấu là một động vật thượng đẳng.
Ông kết luận vì thế mà trinh nữ có thể sinh con và con nàng sẽ thuộc về một phái tính hẳn hoi. Như vậy hôn nhân đồng tính luyến ái cũng có thể sinh con nối dòng theo cách nói trên hay sao? Câu hỏi này của chúng ta gởi đến các nhà y học hiện đại. Rõ ràng trong thời gian qua, nhiều cháu bé được sinh ra đời cũng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nào đó, hay mượn bụng dạ của người nữ nào khác để sinh con.
Như vậy, khoa học có thể phát triển một số ngành học như hình thể học về phân tính. Riêng về phân tính, còn có cả những chuyên ngành về hóa học tổ chức, phôi sinh học và tâm lý học giới tính (6).
Trở lại với Bữa tiệc của Platon, qua lời kể của Aristophane, chúng ta được biết thêm loài người khi ấy rất khỏe mạnh và muốn lên trời để tấn công các thần (câu chuyện này thuộc loại mô-típ gần với truyện “Tề thiên đại thánh”, con khỉ – người ấy sinh ra và muốn “Đại náo thiên cung”. Thượng đế lấy làm giận dữ mà muốn giết đi, nhưng suy nghĩ lại: Nếu giết hết thì lấy ai để phụng sự cho bản thân mình bằng những lời ca tụng và thực hiện các nghi lễ. Nên Thượng đế bèn nghĩ cách khác làm cho chúng nó suy yếu đi bằng biện pháp “cắt mỗi người thành 2 nửa và xoay mặt chúng về phía cắt”, đó là phía bụng. Khi đó chúng sẽ thấy nhờ hình phạt này mà tâm tính sẽ hiền hòa hơn(7). Sau này, do bị chia cắt như thế mà hai nửa của họ sẽ tìm kiếm nhau để kết dính vào nhau (8).
Khi con người lưỡng tính bị cắt làm đôi thì cơ quan sinh dục vẫn còn nằm ở vị trí sau lưng (?), nên khi hai nửa dính phần bụng lại với nhau thì họ không thể giao hợp và sinh con. Giống người ấy sẽ chết dần mòn. Đáng thương quá! Thượng đế bèn xoay cơ quan sinh dục về phía bụng. Kể từ đó họ đẻ vào trong nhau. Kết quả này trái ngược với trước đó, bấy giờ họ chỉ đẻ vào trong đất trông giống như loài ve sầu (!)
Cuối cùng về hai loại người nam tìm nam và nữ tìm nữ nói trên – theo Platon – đó là tình yêu đồng phái (ngôn ngữ hiện đại gọi là đồng tính luyến ái (homosexualité). Platon đi xa hơn để mô tả theo cách suy gẫm của ông – ông bộc lộ tinh thần trọng nam khinh nữ – nên chỉ ca tụng thứ tình nam yêu nam là thứ tình mang tính triết lý hơn là mang tính nhục dục. Còn thứ tình yêu nam nữ, theo ông là thứ tình yêu của cảm giác và của thể xác. Đó là thứ tình đê tiện, hèn hạ, xấu xa (?!). Để tô điểm cho quan niệm của mình ông thêm thắt vào huyền thoại về nguồn gốc phái giống và sinh hóa(9).
Để mở rộng tầm nhìn, chúng ta cần truy tìm thêm trong những pho sách mô tả các huyền thoại chính thống – khi nói về nguồn gốc loài người – vì đó chỉ là con người lưỡng tính mà thôi. Kinh thánh Do Thái giáo, qua huyền thoại, cũng mô tả cùng một khái niệm về con người lưỡng tính. Khi được phân chia thì đối với con người lưỡng tính sẽ thành 2 cái một nửa phân cực. Hai cái một nửa này chính là của con người lưỡng tính chứ không phải của con người đơn tính.
Như vậy theo ý kiến của Eryximaque thì:“Tình yêu là sự hợp nhất của những cái tương phản nhau”. Từ chỗ chia cắt, con người lưỡng tính hấp dẫn nhau nhằm bổ túc cho hợp khít với nhau để trở về cùng một thịt với nhau.
Trong cuốn Upanisad cổ được sáng tác từ nhiều thế kỷ trước công nguyên cũng viết về con người lưỡng tính của huyền thoại Ba Tư khi tiến về phía Tây.
Nguyễn Mạnh Hùng
(1) Freud: Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud; 6 tháng 5, 1856 – 23 tháng 9, 1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học. Cho đến ngày nay mặc dù lý thuyết về phân tâm học của ông còn gây nhiều tranh cãi và người ta còn đang so sánh hiệu quả của các phương pháp phân tâm học của ông với các phương pháp điều trị khác, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20. (theo vi.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud)
(2) Jung: Là một bác sĩ tâm thần, một nhà tâm lý học Thụy Sĩ. Jung được coi là nhà tâm lí học hiện đại đầu tiên cho rằng: Tinh thần của con người là nền tảng của mọi tôn giáo. Tuy không phải là người đầu tiên nghiên cứu về giấc mơ nhưng chính những phát kiến lớn lao trong lĩnh vực này của ông đã làm nên tên tuổi của Carl Gustav Jung. Tư tưởng của ông gây ảnh hưởng lớn lên nhiều nhà tâm lý học và các phòng trào tâm linh hiện đại như phong trào New Age, Psychoanalysis, Adam Philips, Jackson Pollock, Northrop Frye, Oxford Group, Alcoholics Anonymous, Barbara Hannah. Theo (vi.wikipedia.org/wiki/Carl_Jung).
(3) Platon, khoảng 427 – 347 TCN, là một nhà triết học cổ đại Hy Lạp được xem là thiên tài trên nhiều lĩnh vực, có nhiều người coi ông là triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại cùng với Socrates là thầy ông. Platon sinh ra ở Athen, ông được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt vời từ gia đình, ông tỏ ra nổi bật trên mọi lĩnh vực nghệ thuật và đặc biệt là triết học, ngành học mà ông chuyên tâm theo đuổi từ khi gặp Socrates.
(4) Aristophanes, theo một số tài liệu thì ông sinh vào năm 445 TCN tại thành bang Athen, là một nhà soạn hài kịch nổi tiếng của Hi Lạp cổ đại. Các tác phẩm của ông mang tính châm biếm, đả kích chính trị, phê bình văn học, …
(6) Theo Payot – La sexologic (tính dục học) 1967 – trang 35
(7) Chúng tôi đã thử minh họa bằng vết cắt đôi con người lưỡng tính (hình) nhưng không thể lắp ráp các bộ phận sinh dục mà miệng của Aristophane đã nói ra.
(8) Hai nửa này (một nửa của chàng rể và một nửa của cô dâu) tìm thấy nhau và kết dính nhau được nhắc đến trong nhiều lễ cưới hiện đại mà các M.C đã mượn để mở đầu cho ngày kết hôn.
(9) Theo Hoàng Sĩ Quý – Le mythe indien l’homme cosmique dans son contexte culturel et dans son évolution Annales du Musée Guinet – Paris 1969.