Tìm hiểu khái niệm năng lực và tư duy phản biện trong dạy học

ThS. NGUYỄN HỮU ANH*
(Tổ Giáo dục chính trị, Khoa Lý luận cơ bản)

TÓM TẮT

     Xu hướng dạy học hiện đại đã chuyển từ định hướng chương trình sang định hướng năng lực (competency). Năng lực là một khái niệm rộng với nhiều nội hàm. Tuy nhiên theo cách hiểu thông thường thì năng lực là sự kết hợp của tư duy, kĩ năng và thái độ. Cùng với khái niệm năng lực là khái niệm “năng lực cốt lõi” bao gồm những kĩ năng cơ bản như: đọc hiểu, tính toán, giao tiếp, phản biện… Bài viết này bước đầu tiếp cận và làm rõ khái niệm năng lực và tư duy phản biện như là một kết cấu cơ bản trong dạy học theo xu hướng hiện đại.

Từ khóa: năng lực, tư duy phản biện.

1. Đặt vấn đề

     Thực tế việc dạy và học ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây vẫn chú trọng giáo dục chương trình, nặng về kiến thức và thiếu nhiều về thực hành cũng như trang bị các kĩ năng nhằm đáp ứng và theo đuổi kịp xu thế giáo dục trên thế giới. Ở các trường Đại học và Cao đẳng, thực tế này càng thấy rõ khi hầu hết sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu công việc của các doanh nghiệp và cơ sở tuyển dụng. Việc dạy học theo định hướng năng lực hiện cũng đang là xu hướng chung của các nước phát triển trên thế giới. Nhằm bắt kịp với giáo dục thế giới, đáp ứng được đòi hỏi của thực tế công việc đối với sinh viên, giáo dục và đào tạo ở Việt Nam cũng đang trên con đường định hướng giáo dục và đào tạo theo năng lực. Tuy nhiên để dạy học theo định hướng năng lực thành công cần phải có những nghiên cứu cụ thể, nghiêm túc về vấn đề này. Do đó, nghiên cứu này bước đầu sẽ tập trung làm rõ hai khái niệm năng lực (NL) và tư duy phản biện (TDPB).

2. Nội dung

     2.1. Năng lực

     Hiện nay có rất nhiều quan điểm và cách hiểu về NL cả trên thế giới và ở Việt Nam.

     * Các tài liệu ở nước ngoài:

     + Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Thế giới (OECD) cho rằng NL là khả năng đáp ứng một cách hiệu quả những yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể.

     + Chương trình Giáo dục Trung học bang Québec, Canada năm 2004 xem NL là một khả năng hành động hiệu quả bằng sự cố gắng dựa trên nhiều nguồn lực.

     + Denyse Tremblay cho rằng NL là khả năng hành động, thành công và tiến bộ dựa vào việc huy động và sử dụng hiệu quả tổng hợp các nguồn lực để đối mặt với các tình huống trong cuộc sống.

     + Còn theo F.E.Weinert, NL là tổng hợp các khả năng và kĩ năng sẵn có hoặc học được cũng như sự sẵn sàng của HS nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh và hành động một cách có trách nhiệm, có sự phê phán để đi đến giải pháp.

     Nhìn chung, hầu hết các quan điểm ở trên đều quy NL vào phạm trù khả năng hoặc kĩ năng. Khả năng hay kĩ năng trong tiếng Việt có nghĩa tương đương với một số từ trong tiếng Anh như: competence, ability, capability, skill… Tuy nhiên nếu hiểu NL như hiểu kỉ năng hay khả năng thì có phần chưa toàn diện.

     * Ở Việt Nam, với xu hướng giáo dục như đã nói ở trên thì vấn đề NL cũng được nhiều người quan tâm và nghiên cứu. Chẳng hạn như:

     + Trong lĩnh vực tâm lý, người ta cho rằng NL là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lí của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao. Và chia NL thành năng NL chung, NL cốt lõi và NL chuyên môn.

     + Tài liệu hội thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể trong CT GDPT mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp NL vào phạm trù hoạt động và giải thích: NL là sự huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí… để thực hiện một loại công việc trong một bối cảnh nhất định.

     + Trần Khánh Đức, trong “Nghiên cứu nhu cầu và xây dựng mô hình đào tạo theo năng lực trong lĩnh vực giáo dục” đã nêu rõ năng lực là khả năng tiếp nhận và vận dụng tổng hợp, có hiệu quả mọi tiềm năng của con người (tri thức, kĩ năng, thái độ, thể lực, niềm tin…) để thực hiện công việc hoặc đối phó với một tình huống, trạng thái nào đó trong cuộc sống và lao động nghề nghiệp.

     + Theo cách hiểu của Trần Trọng Thủy và Nguyễn Quang Uẩn thì cho rằng NL là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy.

     + Trong một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu châu Âu về việc làm và lao động năm 2005, các tác giả đã phân tích rõ mối liên quan giữa các khái niệm năng lực (competence), kĩ năng (skills) và kiến thức (knowledge). Báo cáo này đã tổng hợp các định nghĩa chính về NL trong đó nêu rõ NL là tổ hợp những phẩm chất về thể chất và trí tuệ giúp ích cho việc hoàn thành một công việc với mức độ chính xác nào đó.

     Như vậy, cho dù khó định nghĩa năng lực một cách chính xác nhất nhưng các nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới đã có cách hiểu tương tự nhau về khái niệm này. Tựu chung lại, năng lực được coi là sự kết hợp của các khả năng, phẩm chất, thái độ của một cá nhân hoặc tổ chức để thực hiện một nhiệm vụ có hiệu quả. Bên cạnh đó, tuy có một số quan điểm không cơ bản khác nhau về NL nhưng các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đều gặp nhau ở qua điểm cho rằng, NL là sự kết hợp của các khả năng, phẩm chất, thái độ của một cá nhân hoặc tổ chức để thực hiện một nhiệm vụ có hiệu quả. Và được bộc lộ thông qua các hoạt động (hành động, công việc…).

     * Quan điểm của tác giả, dựa vào những quan điểm và cách hiểu về NL của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có thể thấy NL là một khái niệm rộng, với nhiều cách hiểu và được nhìn nhận trên nhiều lĩnh vực. Có thể thấy rằng, NL dù trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều có ba đặc trưng cơ bản, đó là: được bộc lộ ở hoạt động; tính “hiệu quả” của NL, nghĩa là “thành công” hoặc “chất lượng cao” của hoạt động; “sự phối hợp (tổng hợp, huy động) nhiều nguồn lực”.

     Tóm lại, có thể hiểu NL là sự thực hiện đạt hiệu quả cao một hoạt động (công việc) cụ thể trong một lĩnh vực cụ thể, NL được hình thành dựa vào tố chất sẵn có của cá nhân. Thông qua quá trình rèn luyện, học tập và thực hành NL ngày càng phát triển, hoàn thiện đảm bảo cho cá nhân đạt được hiệu quả cao trong một lĩnh vực cụ thể tương ứng với NL mà mình có.

     2.2. Tư duy phản biện

     * Cách hiểu về phản biện:

     Trong lịch sử loài người, cùng với quá trình phát triển của mình về mọi mặt thì tư duy phản biện (critical) cũng đồng thời theo đó hình thành. Tư duy phản biện được hình thành từ rất sớm vào cách đây hơn 2500 năm và nó được thể hiện rất rõ trong triết học Hy Lạp, đặc biệt là triết học Socrat (469 – 399 TCN) về những chất vấn đặt ra đối với nhà cầm quyền trong tính đúng đắn của các chính sách. Socrat cũng được xem là người đặt nền móng cho thuật hùng biện (biểu hiện của kỉ năng phản biện bằng ngôn ngữ) trong việc đưa ra các chất vấn. Ở Phương Đông, tư duy phản biện cũng được tìm thấy trong kinh của Phật giáo, chủ yếu là kinh Vệ đà và kinh A-tì-đạt-ma.

     Xét về mặt nguồn gốc thuật ngữ, thì phản biện theo quan điểm của người Hy Lạp cũng có nghĩa là cốt yếu. Điều này được hiểu là ý kiến liên quan đến những tiêu chi cốt lõi hay tiêu chuẩn. Một nghĩa khác nữa của phản biện là xuất phát bởi từ Kriticos, có nghĩa là những nhận đinh sâu sắc, sáng suốt. Tư duy phản biện của người Hy Lạp từ đó hình thành một bộ khung chuẩn đã được triết gia người Đức là Jurgen Habermas (1929) đưa vào áp dụng trong thập niên 70 của thế kỷ XX với chủ nghĩa phê phán và chủ nghĩa thực dụng.

     Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể nhận thấy phản biện là một hoạt động diễn ra thường xuyên và hầu khắp mọi lĩnh vực, bởi đó không chỉ là cách thức và biểu hiện tiến bộ để tìm ra sự đúng đắn nhất mà còn là một nhu cầu của cuộc sống. Trong khoa học, phản biện cũng là một các thức để các nhà khoa học tiệm cận đến gần hơn với chân lý, loại bỏ những cái sai hay điều chưa hợp lý. Đối với một xã hội dân chủ, phản biện và tự do ngôn luận là biểu hiện của một xã hội tiến bộ và là thước đo cho dân chủ thực sự.

     Trong hoạt động dạy học, tư duy phản biện hình thành cho người học khả năng hiểu sâu các vấn đề với những câu hỏi vì sao, như thế nào. Bên cạnh đó, phản biện cũng giúp hoạt động dạy và học trở nên dân chủ và có không khí giao tiếp, tác động nhiều chiều hơn là không khí dạy học kiểu một chiều như lâu nay. Phát triển được tư duy phản biện và khuyến khích người học phản biện là một cách thức để đổi mới phương pháp dạy học trong xu hướng dạy học tiếp cận năng lực. Ở đây cũng cần phải hiểu, tư duy phản biện và kĩ năng phản biện là hai khái niệm không trùng khớp hoàn toàn với nhau. Tư duy phản biện là suy nghĩ về những vấn đề, hình thành những lý lẽ và quan điểm trong não bộ (có thể ở dạng tiềm năng chưa bộc lộ) mà chưa được bộc lộ ra ngoài bằng ngôn ngữ hay hay hành động; Kĩ năng phản biện là bộc lộ, trình bày hay triển khai các vấn đề, lý lẽ, quan điểm để giải phóng tư duy đó. Nghĩa là nếu không có tư duy phản biện thì rất khó có kĩ năng phản biện, và kĩ năng phản biện cụ thể hóa tư duy phản biện để vấn đề phản biện được hoàn thành.

     Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì phản biện là việc đưa ra những suy nghĩ, quan điểm và lý lẽ về một điều gì đó để chứng minh sự đúng đắn hay sai lầm của điều đó (sự vật, hiện tượng, chủ trương, quan điểm, công thức…). Phản biện đồng thời cũng được xem là tư duy về tư duy. Trong lĩnh vực chính trị xã hội, phản biện được xem là việc đưa ra các quan điểm, lý lẽ để tìm kiếm hoặc lựa chọn những giải pháp tốt nhất cho các chính sách của Nhà nước hay đảng phái nắm quyền trong quản lí xã hội. Ở quốc gia nào, môi trường nào mà có không khí dân chủ thực sự thì phản biện cũng vì vậy mà được phát triển và có hiệu quả, đồng thời với đó là hiệu quả trong công việc và những kiến tạo trong xã hội.

     Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rằng phản biện không phải lúc nào cũng đúng nếu không có sự chuẩn bị và đặc biệt là không có kiến thức. Trong một cách hiểu nhất định của bài viết này, phản biện không được xem là cách thức để chống đối lại các quan điểm hay chủ trương chính sách của một tổ chức hay cá nhân, nghĩa là phản biện không có nghĩa là phản đối hay phá hoại. Phản biện là biểu hiện của sự tiến bộ, vì vậy nó cần có đội ngũ trí thức để hình thành tư duy phản biện và bộc lộ nó bằng kĩ năng. Phản biện không phải là phá hoại, càng không phải là phản động. Cho nên phản biện cần được hiều là cách thức để đưa ra và nhằm tìm cách giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

     * Khái niệm tư duy phản biện:

     Bàn về khái niệm này, kể từ từ Socrat trở đi có nhiều quan điểm về tư duy phản biện (Critical thinking). Chẳng hạn như, John Dewey – nhà triết học, tâm lý học, giáo dục học người Mỹ cho rằng tư duy phản biện là “reflective thinking” (suy nghĩ sâu sắc) và định nghĩa là: “Sự suy xét chủ động, liên tục, cẩn trọng về một niềm tin, một giả định khoa học có xét đến những lý lẽ bảo vệ nó và những kết luận xa hơn được nhắm đến”. Edward Glaser, đồng tác giả của một trắc nghiệm tư duy phản biện được sử dụng rộng rãi nhất thế giới là Watson- Glaser CriticalThinking Appraisal phát biểu về tư duy phản biện như sau: là thái độ sẵn lòng quan tâm suy nghĩ chu đáo về những vấn đề và chủ đề xuất hiện trong cuộc sống cá nhân; là sự hiểu biết về phương pháp điều tra và suy luận có lý; và là một số kỹ năng trong việc áp dụng các phương pháp đó. Tư duy phản biện đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ để khảo sát niềm tin hay giả thuyết bất kỳ có xem xét đến các bằng chứng khẳng định nó và những kết luận xa hơn được nhắm đến.

     Richard Paul phát biểu về tư duy phản biện từ một góc nhìn khác biệt so với các tác giả trước ông: Tư duy phản biện là một mô hình tư duy – về một chủ đề, một vấn đề, một nội dung bất kỳ – trong đó chủ thể tư duy cải tiến chất lượng tư duy của mình bằng việc điều khiển một cách thành thạo các cấu trúc nền tảng có sẵn của tư duy và áp đặt các tiêu chuẩn của hành động trí tuệ lên quá trình tư duy của mình. Michael Scriven thì cho rằng tư duy phản biện là một năng lực học vấn cơ bản, tương tự như là đọc và viết vậy, và phát biểu như sau: Tư duy phản biện là khả năng, hành động để thấu hiểu và đánh giá được những dữ liệu thu thập được thông qua quan sát, giao tiếp, truyền thông, và tranh luận. Diane F. Halpern lại cho rằng: tư duy phản biện là một phạm trù chỉ sự suy luận theo lối mở, không bị hạn chế, số lượng các giải pháp là không giới hạn, bao hàm cả việc xây dựng các điều kiện, các quan điểm và ý tưởng đúng đắn để đi đến kết luận vấn đề.

     Như vậy, có thể thấy hầu hết các quan điểm ở trên đều đề cập đến tính chủ động, tính liên tục, kĩ năng tư duy và năng lực ra quyết định là những yếu tố cơ bản của tư duy phản biện. Từ những nhận thức đó, chúng tôi cho rằng, tư duy phản biện là quá trình hình thành các câu hỏi liên quan đến vấn đề phản biện, dự trên nền tảng là kỉ năng tư duy và năng lực ra quyết định để khẳng định vấn đề được phản biện đúng hay chưa đúng. Tư duy phản biện không phải là quá trình hình thành các quan điểm trái ngược, chống đối hay phá hoại vấn đề được phản biện, mà đó là quá trình nhằm tìm kiếm các căn cứ khoa học để làm sáng tỏ các vấn đề, tìm ra chân lí của vấn đề.

     * Quy trình của tư duy phản biện:

     Tư duy phản biện có quy trình như sau:

     + Nhận ra vấn đề, tìm ra được những phương tiện khả thi để đáp ứng cho việc giải quyết những vấn đề đó.

     + Hiểu tầm quan trọng của ưu tiên hóa và trật tự ưu tiên trong việc giải quyết vấn đề.

     + Thu thập những thông tin thiết yếu và sắp xếp theo một trật tự nhất định.

     + Nhận ra những giả định và giá trị không được nêu rõ.

     + Lĩnh hội thấu đáo và dùng ngôn ngữ một cách rõ ràng, chính xác, sáng suốt.

     + Diễn giải các dữ liệu nhằm đánh giá các minh chứng và luận điểm.

     + Nhận thức được sự tồn tại (hay không tồn tại) của những mối quan hệ logic giữa các ý kiến, nhận định.

     + Rút ra những kết luận và khái quát hóa được đảm bảo.

     + Đưa những kết luận và khái quát hóa ấy ra kiểm nghiệm.

     + Xây dựng lại mô hình niềm tin của mình trên cơ sở những trải nghiệm rộng hơn.

     + Đưa ra những nhận định, đánh giá xác đáng về những điều cụ thể trong đời sống hàng ngày.

     * Các kĩ năng của tư duy phản biện:

     Các kỹ năng cốt lõi của tư duy phản biện là quan sát, diễn giải, phân tích, suy luận, đánh giá, giải thích, và tri nhận tổng hợp. Tuy nhiên, một cá nhân hay một nhóm người có năng lực tư duy phản biện thì họ thường chú trọng tới các điểm sau: Minh chứng qua quan sát; Bối cảnh; Những tiêu chí quan yếu và thiết thực để có một nhận định đúng; Những phương pháp có thể áp dụng được hay kỹ thuật xây dựng nhận định; Những cơ cấu lý thuyết có thể áp dụng được để hiểu những vấn đề và câu hỏi trong tầm tay. Ngoài ra, muốn hoạt động phản biện diễn ra hiệu quả, người phản biện cần phải chuẩn bị để sẵn sàng gắn việc giải quyết những vấn đề nêu ra với những kĩ năng tương ứng. Tư duy phản biện vận dụng không chỉ tri thức về logic mà còn những tiêu chí trí tuệ khác như sự rõ ràng, đáng tin cậy, sự xác đáng, sự sâu sắc, tính thiết thực, chiều sâu và tầm rộng, cũng như sự quan yếu và tính công bằng.

     Tóm lại, có thể hiểu tư duy phản biện là một nỗ lực nhất quán nhằm xem xét bất cứ niềm tin nào hay bất cứ hình thức tri thức nào dưới ánh sáng của các minh chứng hỗ trợ cho nó và những kết luận xa hơn mà nó nhắm tới.

     2.3. Dạy học định hướng năng lực

     Dạy học định hướng năng lực là quan điểm và cách thức dạy học mới ở Việt Nam. Điều này có nghĩa là, cách dạy học thông thường lâu nay chỉ chú trọng việc giảng dạy kiến thức và đánh giá nhận thức của người học thông qua các bài kiểm tra (nói hoặc viết). Thì dạy học định hướng năng lực tập trung vào việc phát triển các năng lực cần thiết để người học có thể thành công trong cuộc sống cũng như công việc.

     Trong những thập kỉ gần đây với sự phát triển mạnh của khoa học kĩ thuật cũng như tri thức, giáo dục nếu chỉ hướng tới việc nắm vững kiến thức là không đủ, bởi kiến thức hôm qua còn mới, hôm nay đã trở thành lạc hậu. Do đó nhiều hệ thống giáo dục đã hướng tới việc giáo dục để người học có đủ khả năng làm chủ kiến thức và sử dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong khoa học cũng như trong thực tế. Khi mục tiêu và hình thái giáo dục chuyển đổi thì phương pháp giảng dạy và đánh giá cũng thay đổi theo. Các hệ thống giáo dục tiên tiến đã áp dụng phương pháp giảng dạy theo năng lực thay vì giảng dạy theo nội dung, kiến thức. Giảng dạy theo năng lực là hướng tiếp cận tập trung vào đầu ra của quá trình dạy và học, trong đó nhấn mạnh người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một chương trình giáo dục. Nói cách khác, chất lượng đầu ra đóng vai trò quan trọng nhất đối với giảng dạy theo năng lực. Điều này có nghĩa là để chương trình giảng dạy theo năng lực có hiệu quả, cần phải bắt đầu với bức tranh rõ ràng về năng lực quan trọng mà người học cần phải đạt được, tiếp đến là xây dựng và phát triển chương trình dạy và học, sau đó giảng dạy và xây dựng các phương pháp đánh giá nhằm đảm bảo rằng mục đích của giáo dục theo năng lực đạt được mục tiêu đề ra. Có thể thấy, yếu tố quan trọng của giáo dục năng lực là xây dựng được các tiêu chuẩn đầu ra rõ ràng thể hiện rõ mục tiêu của giáo dục, thiết lập được các điều kiện và cơ hội để khuyến khích người học có thể đạt được các mục tiêu ấy.

     Để việc dạy học định hướng theo năng lực có hiểu qua, người giảng viên cần thực hiện các bước cơ bản sau: bước đầu tiên trong việc thiết kế chương trình giáo dục theo năng lực là xác định các năng lực cơ bản học sinh cần phải đạt được khi kết thúc khóa học. Lưu ý là chỉ xác định một số năng lực cơ bản cần thiết nhất, phản ánh được mục tiêu của chương trình giáo dục. Tiếp theo là phát triển các năng lực thành phần của năng lực cơ bản, phù hợp với mục tiêu của chương trình hoặc bậc học cụ thể. Các năng lực thành phần này phải được tuyên bố rõ ràng, có thể đo lường được và phải mô tả chính xác học sinh có thể làm được gì sau khi kết thúc chương trình hoặc bậc học. Một số đặc tính mà các nhà nghiên cứu lưu ý khi xây dựng chương trình giáo dục theo năng lực như các phương pháp và phương tiện giảng dạy phải đa dạng; các tài liệu, tư liệu, dụng cụ dạy học phải đầy đủ đáp ứng được yêu cầu của chương trình giảng dạy; học sinh phải được thông báo trước về các năng lực cần đạt được và được phản hồi liên tục về sự tiến bộ trong học tập nhằm có những hành động phù hợp để cải tiến hoặc nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

     Tóm lại, chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục theo năng lực là hình thức chuyển đổi từ việc nhấn mạnh việc giảng viên tin là học sinh cần phải biết gì sang việc học sinh phải nắm rõ mình cần biết gì và có thể làm gì trong các tình huống và bối cảnh khác nhau. Do đó, giảng dạy theo năng lực là lấy học sinh làm trung tâm và giảng viên giữ vai trò như người hướng dẫn. Phương pháp này giúp học sinh chủ động hơn trong việc đạt được năng lực cần phải có theo yêu cầu đặt ra phù hợp với từng điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân. Giảng dạy theo năng lực là một hình thái giáo dục có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực và bối cảnh. Chính vì thế, giáo dục theo năng lực tập trung vào đầu ra gắn liền với nhu cầu của thị trường lao động và xã hội, hoặc cấp học trên.

     Đối với tư duy phản biện trong dạy học, có thể nói một chương trình đào tạo nhằm vào việc xây dựng kỹ năng tư duy sẽ có lợi không chỉ cho người học mà là cho cả cộng đồng và toàn xã hội. Điểm mấu chốt để thấy tầm quan trọng của tư duy phản biện trong khoa học là hiểu rõ tầm quan trọng lớn lao của tư duy phản biện trong việc học tập. Có hai ý nghĩa đối với việc học tập. Ý nghĩa thứ nhất xuất hiện khi người học lần đầu tiên xây dựng trong tâm trí mình những ý tưởng cơ bản, những nguyên tắc và lý thuyết cố hữu về nội dung. Đây là quá trình nội tại hóa. Ý nghĩa thứ hai nảy sinh khi người học sử dụng những ý tưởng, nguyên tắc và lý thuyết ấy một cách hữu hiệu vì nó đã trở thành thiết yếu trong đời họ. Đó là quá trình ứng dụng.

     Thầy giáo giỏi sẽ nuôi dưỡng tư duy phản biện cho học sinh trong mọi giai đoạn của việc học kể cả giai đoạn bắt đầu. Điều quan trọng ở đây là, người thầy vun đắp tư duy phản biện cho học sinh bằng cách đưa ra những câu hỏi kích thích tư duy, là điều cốt lõi trong việc kiến tạo tri thức. Đối với học sinh, để học được nội dung kiến thức, thì sự gắn kết trí tuệ là điều vô cùng cốt yếu. Mọi học sinh đều phải tự mình tư duy bằng cái đầu của chính mình, tự mình kiến tạo nên tri thức cho bản thân. Người thầy giáo giỏi nhận thức được điều này và tập trung vào những câu hỏi, bài đọc và những hoạt động kích thích suy nghĩ để học sinh tự mình làm chủ những khái niệm cốt lõi và những nguyên tắc ẩn dưới sự vật hay sự việc.

3. Kết luận

     Dạy học định hướng năng lực đang là xu thế và yêu cầu cơ bản của giáo dục Việt Nam. Đây không chỉ là sự thay đổi cách thức và phương pháp dạy học mà còn là sự thay đổi hình thái dạy học để theo kịp và đáp ứng được đòi hỏi của thời đại, và thực tế xã hội. Năng lực là khái niệm rộng và được cấu thành bởi nhiều kĩ năng khác nhau. Trong dạy học năng lực được hiểu là các tiêu chí được đề ra ngay từ đầu để nhằm phục vụ quá trình giáo dục hướng người học (yêu cầu) đạt được sau khi hoàn thành quá trình giáo dục. Theo cách hiểu đó, tư duy phản biển cũng được xem là một kĩ năng để phát huy năng lực chủ động, sáng tạo của học sinh. Đó cũng là cách thức để người giáo viên tạo ra không khí giao tiếp dân chủ trong quá trình dạy học.

     Dạy học định hướng theo năng lực là một quá trình, vì vậy để thực hiện được cần có sự động bộ, nhất quán trong tất cả các khâu để đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng chuyên môn cho giáo viên thì việc hình thành và đưa ra các khung năng lực cụ thể cho từng cấp học cũng là công việc yêu cầu được thực hiện song song.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Tài liệu hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, tháng 3-2015.

[2]. Hoàng Hòa Bình “Năng lực và đánh giá theo năng lực”, Tạp chí khoa học – ĐHSP TP.HCM, số 6 (71) 2015.

[3]. Đặng Thành Hưng (2012), “Năng lực và giáo dục theo tiếp cận năng lực”, Tạp chí Quản lí Giáo dục, (43), tháng 12-2012.

[4]. Nguyễn Lan Phương (2015), Đánh giá năng lực người học, Báo cáo khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục phổ thông, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tháng 01- 2015.

[5]. Lương Việt Thái (chủ nhiệm đề tài), Nguyễn Hồng Thuận, Phạm Thanh Tâm… (2011), Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học, Đề tài nghiên cứu khoa học, Mã số: B2008-37-52 TĐ, Hà Nội.

[6]. Nguyễn Trần Bạt “Phản biện xã hội” http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/ phan_bien_xa_hoi.html, 12-1-2014.

Trích dẫn: Trường Đại học Khánh Hòa

    Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)