Tìm hiểu một số phong tục dân gian Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay
KOREAN FOLK CUSTOMS NOWADAYS
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG
(Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông,
Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM)
TÓM TẮT
Hàn Quốc ngày nay được biết đến là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, người Hàn Quốc vẫn giữ gìn được nhiều phong tục truyền thống trong đó có những phong tục có những nét giống với phong tục của Việt Nam. Việc tìm hiểu các phong tục dân gian của Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết cho việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Bài viết xoay quanh một số phong tục dân gian được người Hàn Quốc gìn giữ và giới thiệu nhiều trong các giáo trình dạy tiếng Hàn cho người nước ngoài và kiều dân Hàn Quốc.
Từ khóa: phong tục dân gian, Hàn Quốc, giáo trình.
ABSTRACT
Korea is one of the top economic growing countries in Asia. Apart from its economic development, the Korean people have been still retaining many folk customs, which are similar to Vietnamese folk customs also. Finding out current Korean folk customs is urgently needed for teaching the Korean language and culture. This issue revolves around some folk customs that Koreans have kept and introduced in the Korean curriculums that teach the Korean language to foreigners and overseas Koreans.
Keywords: folk customs, Korean, curriculums.
x
x x
Hàn Quốc ngày nay được biết đến là một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu Châu Á. Tuy nhiên, người Hàn Quốc vẫn giữ gìn được nhiều phong tục truyền thống mà mỗi một phong tục đó đều chứa đựng tầng ý nghĩa sâu xa; trong đó có những phong tục có nét giống với phong tục của Việt Nam hay cũng có những phong tục đang dần mất đi theo nhịp điệu hối hả của xã hội công nghiệp hiện đại. Nhằm phát huy và giữ gìn những phong tục vốn có của dân tộc, người Hàn Quốc đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như tổ chức lễ hội văn hóa dân gian, tái hiện phong tục tập quán và nhất là đề cao giáo dục văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Hiện nay, trong các giáo trình dạy tiếng Hàn Quốc, nhiều phong tục tập quán cũng được người Hàn lồng ghép vào các bài giảng về văn hóa để mang nét độc đáo của dân tộc mình giới thiệu cho người nước ngoài và các thế hệ Hàn kiều sinh ra và lớn lên ở nước ngoài hay các gia đình đa văn hóa. Tuy nhiên, mục đích chính của các giáo trình này là dạy tiếng Hàn nên những phong tục được giới thiệu một cách khái quát, chưa thành hệ thống. Cũng có những phong tục có nguồn gốc xa xưa, có ý nghĩa và được diễn đạt bằng tiếng Hàn cổ nên rất khó hiểu. Điều đó đặt ra cho người dạy và người học tiếng Hàn phải tốn nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu mới có thể nắm bắt được nội dung bài giảng.
Bài viết tập hợp một số phong tục của người Hàn Quốc được giới thiệu trong các sách dạy tiếng Hàn và sách hướng dẫn về văn hóa Hàn Quốc nhằm phát triển tài liệu giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Bài viết được thực hiện bằng phương pháp thống kê và diễn dịch với mục tiêu giúp người dạy và người học giảm tải thời gian tra cứu mà vẫn đạt được hiệu quả học thuật.
1. Phong tục và phân loại phong tục
Theo từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, phong tục là thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo [1, tr.1004].
Trần Ngọc Thêm cũng nhận định: “Gắn liền với tín ngưỡng đó là phong tục. Đó là những thói quen ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đại đa số mọi người thừa nhận và làm theo (phong: gió, tục: thói quen; phong tục: thói quen lan rộng). Phong tục có trong mọi mặt đời sống” [9, tr.143].
Theo Park Young Su, tác giả của quyển Từ điển phong tục văn hóa Hàn Quốc dành cho trẻ em thì “phong tục là nét văn hóa được hình thành trong xã hội từ xưa” (풍속이란 옛날부터 ㄱ사회에서 꾸려 온 문화를 일컫는말입니다) [4, tr.5]. Tác giả đã chia văn hóa phong tục thành 5 phần gồm: (i) Phong tục về lối sống (생활관습), (ii). Phong tục về quan, hôn, tang, tế (관혼상제), (iii) Phong tục về ăn, mặc, ở (의식주), (iv) Phong tục theo mùa và theo tiết trời (세시풍속), (v) Trò chơi truyền thống (놀이문화).
Bên cạnh đó, sách dạy tiếng Hàn thỉnh thoảng cũng nói về việc ăn canh rong biển vào ngày sinh nhật, tặng nhẫn vàng cho em bé vào ngày thôi nôi, chia bánh teok sau khi dọn nhà [5], [6]… một cách sơ lược. Vì vậy, bài viết này sẽ hệ thống lại phong tục của người Hàn Quốc được giới thiệu trong các sách dạy tiếng Hàn và sách hướng dẫn về văn hóa Hàn Quốc đang được sử dụng trong các trường đại học, các trung tâm tiếng Hàn… hiện nay, một phần dựa trên cách phân loại của Park Yeong Su, theo trật tự từ vựng tiếng Hàn có liên quan đến phong tục, đối tượng của hành động và mục đích, ý nghĩa.
Như vậy có thể hiểu, phong tục là những thói quen được hình thành từ xưa trong đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo. Tuy nhiên, phong tục không phải là luật pháp. Phong tục không có tính bắt buộc như luật pháp nên phong tục có thể bị thay đổi và mất đi. Phong tục đôi khi có tính phổ quát trong cả cộng động, dân tộc nhưng đôi khi lại chỉ giới hạn trong phạm vi làng xã, gia tộc. Theo thời gian, những phong tục cũ, lạc hậu sẽ dần bị thay thế bởi những phong tục mới, hợp thời hơn.
2. Một số phong tục dân gian Hàn Quốc
A. (생활관습 – Seng hwal kwan seup)
Xã hội Hàn Quốc được tổ chức theo gia đình và dòng họ. Các thành viên trong gia đình có quan hệ gắn bó với nhau không chỉ về huyết thống mà cả về trách nhiệm xã hội. Dòng họ là nguồn cội, gia đình là trung tâm, là nơi người ta hướng đến để nỗ lực sống và tìm về mỗi khi gặp khó khăn. Vì vậy, có nhiều phong tục gắn liền với gia đình và dòng họ.
Do chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo (유교 – yu kyo), ở Hàn Quốc từ xưa đã có tư tưởng trọng nam khinh nữ, và tư tưởng về giai cấp rất nặng nề. Xã hội truyền thống thời Choseon chia làm 4 giai tầng, đứng đầu là lưỡng ban (양반 – Yangban = vua, quan, quí tộc), trung nhân (중인 – chungin = quan lại cấp thấp, thợ thủ công có kỹ thuật), thường dân (상민 – sangmin = nông dân, dân thường, thủ công nghiệp) và tiện dân (천민 – tiện dân = nô lệ, đồ tể, kỹ nữ, pháp sư, hát rong). Theo quan hệ xã hội thì những người ở tầng lớp dưới cùng dù có năng lực xuất chúng hay cố gắng vượt bậc cũng không thể thay đổi vị trí của mình trong xã hội. Trong gia đình, mọi quyền lực tập trung vào người con trai trưởng và con của vợ cả; con của vợ thứ bị đối xử như người ở và không có chút địa vị nào cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội.
Ngày nay, xã hội Hàn Quốc lại chịu ảnh hướng của một tầng lớp mới được gọi là chebeol (tài phiệt). Đó là những gia đình làm chủ những tập đoàn kinh tế lớn, có sức ảnh hưởng về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Mặc dù không chính thức thừa nhận nhưng người Hàn Quốc cũng không thể chối bỏ những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực gây ra bởi các chebeol này.
Sau cùng, trong gia đình, vị trí của người con trai trưởng vẫn là độc tôn. Mặc dù có nhiều cuộc vận động xã hội kêu gọi bình đẳng giới, bình đẳng trong cả việc sở hữu tài sản và chăm sóc cha mẹ, con cái… nhưng vẫn chưa đạt được kết quả tích cực. Phần lớn phụ nữ Hàn Quốc sau khi kết hôn thường phải nghỉ làm, ở nhà và chăm sóc gia đình dẫn đến việc số người không muốn kết hôn ngày một tăng. Hậu quả là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các gia đình đa văn hóa.
Theo thời gian, các gia đình đa thế hệ (대가족 – daegajok) ở Hàn Quốc đang giảm dần. Người trẻ không muốn sống chung với bố mẹ, một số dọn ra ngoài sau khi kết hôn hình thành nên những gia đình hạt nhân (핵가족 – heck gajok) chỉ gồm bố mẹ và con cái. Dự đoán đến năm 2035, số lượng gia đình một nhân khẩu (1 인가구 – irin gagu) sẽ chiếm khoảng 34% do số người không muốn kết hôn đang ngày một tăng lên [5, tr.19].
Trong giao tiếp thông thường, người Hàn Quốc thường cúi đầu chào nhau tùy theo mối quan hệ. Các góc cúi chào lần lượt là 15 độ, 30 độ và 45 độ. Các câu chào cũng thay đổi linh hoạt tùy theo tình huống nên đôi khi cũng gây ra nhầm lẫn do khác biệt văn hóa. Có thể thấy ở một số trường hợp sau:
– Chào lúc gặp nhau lần đầu có thể nói: 안녕하세요 (xin chào), 어서 오세요 (mời vào), 반가워요 (rất vui), 만나서 반갑습니다 (rất vui được gặp).
– Chào lúc gặp nhau có thể nói: 안녕하세요 (xin chào), 잘 지냈어요? (bạn sống tốt chứ?) 점심 먹었어요? (đã ăn trưa chưa?) 들어 오세요 (vào đi).
– Chào tạm biệt có thể nói: 안녕히 가세요 (tạm biệt, đi vui nhé), 안녕히 계세요 (tạm biệt, ở lại vui nhé), 다녀오세요 (đi rồi về nhé), 또 만나요 (hẹn gặp lại), 다음에 봐요 (lần sau gặp nhau nhé).
Trong lối sống hằng ngày, người Hàn có một phong tục như sau:
– Biểu hiện “chúng tôi” và “của chúng tôi” (우리- uri). Khi nói với người khác về gia đình của mình, người Hàn Quốc thường dùng từ (của) chúng tôi (우리- uri) thay vì (của) tôi (나- na) như “các con (của) chúng tôi” (우리 애들 – uri e tưl), “mẹ (của) chúng tôi” (우리 엄마 – uri omma), ba (của) chúng tôi” (우리 아빠 – uri aba), “chồng (của) chúng tôi” (우리 남편 – uri nam pyeon)…
– Cách biểu hiện kết hợp giữa tôi (나) và anh/ chị (당신) (나와 당신 – na wa tăng sin) mang ý nghĩa người mà cùng tôi (나- na) trò chuyện là gia đình của tôi và chứa đựng suy nghĩa tôi muốn trở nên gần gũi hơn với anh/ chị (당신 – tăng sin).
– Gọi các thành viên trong gia đình là “miệng ăn” (식구 – sikku). Khi nói về gia đình (가족 – kajok) người Hàn Quốc cũng hay dùng từ “miệng ăn” (식구 – sikku) để thay thế. Vì thế, người Hàn Quốc thường nói “lúc nào đó hãy ăn cơm với nhau nha” (언제 한번 밥 같이 먹자 – on je han beon manaja) khi gặp và định nói chuyện với ai đó, điều này thể hiện mong muốn trở nên thân thiết với nhau như người trong gia đình.
Người Hàn Quốc xưa tin rằng trong nhà cũng có nhiều vị thần (신 – shin) đang giữ nhà. Seong ju shin là thần cai quản tất cả các việc trong nhà và phù hộ cho chủ nhà trở nên giàu có. Thần Samshin (삼신) sống ở Anbang (안방 nơi ở của phụ nữ và trẻ nhỏ trong nhà hanok) là vị thần chăm sóc trẻ nhỏ từ lúc sinh ra cho đến lúc lớn lên khỏe mạnh. Vì ngày xưa y học chưa phát triển nên trẻ con thường chết sớm, người ta tin rằng nếu sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh thì phải cảm ơn thần Samshin và giao đứa trẻ cho bà chăm sóc vì vậy người ta đặt tượng thần Samshin ở Anbang. Ngoài ra, trong bếp thì có thần Chowangshin (조왕신), nhà vệ sinh có thần Cheukshin (측신), đất trống (집터) thì có thần Theo ju shin (터주신)… Việc giẫm chân lên ngưỡng cửa (문지방 밟는 것 – munjibang balmun keot) sẽ làm phúc lộc đi mất vì đó là nơi cư ngụ của thần.
Ở Hàn Quốc, khi khai trương cửa hàng mới hay khai máy quay phim, người ta thường bày mâm cúng (고사를지내다- kosarul chineda) dâng lễ lên các thần, xin xua đi vận xấu và mang vận may đến. Lễ vật dâng cúng thường là thức ăn, hoa quả và nhất định phải có đầu heo (돼지대가리 – toechi daekari) vì tin rằng heo đóng vai trò chuyển mong muốn của con người đến các thần. Và vì heo là loài vật đẻ nhiều con nên cúng đầu heo còn có ý nghĩa mong ước việc làm ăn sẽ kiếm được nhiều tiền. Khi cúng, người ta thường quỳ lạy và đặt một số tiền lớn vào miệng heo (돼지주둥이 – toechichutungi) để cầu mong công việc thành công và kiếm được nhiều tiền.
Việc khen một đứa bé dễ thương, xinh đẹp sẽ khiến ma quỷ chú ý và làm hại đứa bé. Do đó, người Hàn hay nói “đứa bé này xấu xí quá” (고놈 참밉다 – konom chammipda) để đánh lừa ma quỷ, bảo vệ cho đứa bé được bình an, khỏe mạnh.
Ngày 4 mỗi tháng là ngày kiểm tra an toàn (안전점검의 날 – an jeon jeom keom e nal). Người Hàn Quốc vẫn cho rằng số 4 là con số đen đủi, không may mắn. Để loại bỏ suy nghĩa mang tính mê tính này và nâng cao ý thức đề phòng tai nạn bất ngờ trong mọi lĩnh vực, từ năm 1996, ngày 4 mỗi tháng được chỉ định là ngày kiểm tra an toàn. Người ta đang nỗ lực để đưa việc mỗi tháng kiểm tra an toàn dù chỉ một lần trở thành thói quen trong cuộc sống.
Người Hàn Quốc vẫn dùng lịch âm (음력 – eum lyeok) để tính ngày sinh nhật nên người ta thường cộng thêm một tuổi kể từ ngày sinh. Tuy nhiên, việc tính tuổi theo âm lịch hay dương lịch ngày nay phụ thuộc vào lựa chọn của cá nhân. Khi dọn nhà hay kết hôn, người Hàn thường có xu hướng chọn ngày “không có ma quỷ” (손 없는 날 – son obnun nal). Theo truyền thống thì đó là những ngày 9 và 10, 19 và 20, 29 hoặc 30 âm lịch mỗi tháng.
고수레 (kosure) – việc sẻ một ít thức ăn vung lên với ý nghĩa dâng cúng cho quỷ thần trước, khi ăn thức ăn ở trên núi hay ngoài đồng, hoặc khi pháp sư cúng lên đồng (cúng 굿- gut).
품앗이 (pumati) – ở nông thôn những người hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau trong việc nhà nông. Người lao động trong mỗi gia đình sẽ thay nhau giúp đỡ hàng xóm làm việc như trồng trọt hay thu hoạch nông sản. Và đến lượt gia đình mình họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ hàng xóm. Cách làm này giống như việc làm vần công ở nông thôn Việt Nam.
두레 (dure) – có thể xem là tổ chức nông hội đầu tiên của người Hàn Quốc, xuất hiện vào khoảng thế kỉ 15 ở miền bắc và lan dần xuống cả nước. Tham gia tổ chức này là những người nông dân trồng lúa, tính theo đơn vị làng. Những người đứng đầu dure có nhiệm vụ quản lí các hội viên, phân chia nông sản và việc làm vần công. Các thành viên trong dure có nhiệm vụ cày cấy trên mảnh đất của mình, giúp đỡ người khác và hưởng lợi theo công sức bỏ ra.
계 (kye – chơi hụi) – rất giống với hình thức chơi hụi (hội) ở Việt Nam.
용왕제 (yong wang je – cúng long vương) – những người dân sống ở vùng biển hoặc làm nghề đi biển cúng long vương (thần biển) để cầu an bình và không bị lật thuyền hay vỡ thuyền. Cúng long vương có một kiêng kị là không cúng cá biển.
서낭당 (seonyangdang – miếu thành hoàng) – Đó là nơi cư ngụ của thần thánh và mang tính linh thiêng. Khi đi qua đây, người dân phải dừng lại để bái lạy và để lại bất cứ thứ gì như hòn đá, cây gỗ, vải ngũ sắc…Không được lấy đi đồ vật ở nơi này hay tùy tiện phá bỏ. Miếu thành hoàng có thể được nhận biết qua hình dạng của một đống đá dưới gốc cây, trên cây có treo nhiều dây vải ngũ sắc hoặc dây rơm cột quanh đống đá.
B. Phong tục về gia lễ
Park Young Su phân loại phong tục theo quan, hôn, tang, tế (관혼상제 – kwan hon sang je) gồm nghi lễ trưởng thành, hôn lễ, tang lễ và tế lễ. Theo chúng tôi thì chưa thể hiện hết các nội dung của phong tục trong cuộc sống, do đó phần này được gọi là phong tục về gia lễ. Gồm các nghi lễ vòng đời được thực hiện trong phạm vi gia tộc và gia đình từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành và mất đi. Ngoài 4 lễ trên thì còn có mừng 100 ngày, thôi nôi, hoàn giáp (60 tuổi), thượng thọ… Sau đây là những từ ngữ liên quan đến gia lễ và nghi lễ vòng đời.
금줄 (keum chul – dây rơm): khi một đứa trẻ được sinh ra, người ta sẽ làm một dây bện bằng rơm hoặc vỏ cây treo trước cổng nhà. Nếu là bé trai thì sẽ cột than củi và quả ớt trên sợi dây; nếu là bé gái thì sẽ cột than củi và những nhúm lá thông. Hành động này vừa mang ý nghĩa chúc mừng về sự ra đời của một đứa bé; vừa thông báo trong vòng 21 ngày kế tiếp chỉ có người nhà của sản phụ mới được ra vào nhà, không tiếp khách; đồng thời vòng dây còn có tác dụng ngăn ngừa ma quỷ và những thứ xấu xa có thể xâm nhập vào nhà làm hại đứa bé.
삼신 할머니 (Samshin halmoni = mẹ sinh mẹ độ): sau khi đứa bé chào đời, người ta sẽ làm một mâm cúng để cúng thần Samshin – một người phụ nữ chuyên lo việc sinh sản và chăm sóc em bé. Người ta còn gọi bà là bà Samshin.
백일 (baekil): có nghĩa là 100 ngày tính từ ngày đứa bè được sinh ra. Gia đình sẽ bày mâm cúng thần Samshin và làm một buổi lễ để chúc mừng cho đứa bé được khỏe mạnh. Bánh gao tteok (떡) màu trắng hoặc đỏ được bày lên bàn tiệc. Mỗi màu bánh có ý nghĩa riêng. Màu trắng thể hiện sự tinh khôi của em bé, còn màu đỏ có nghĩa xua đuổi linh hồn ma quỷ. Sau khi cúng, gia chủ sẽ đem chia bánh tteok cho bà con và hàng xóm. Những gia đình nhận bánh teok sẽ đặt vào bát (đĩa) đã dùng để mang bánh tteok sang biếu cuộn chỉ, gạo, hoặc tiền. Cuộn chỉ có nghĩa chúc bé khỏe mạnh và sống lâu, gạo và tiền có nghĩa hãy trở nên giàu có.
돌 (tol = thôi nôi): cũng như ở Việt Nam, người Hàn Quốc cũng coi sinh nhật lần thứ nhất của các em bé là một cột mốc quan trọng trong đời người bởi thời xa xưa bệnh dịch và nghèo đói đã cướp đi sinh mạng của vô số trẻ sơ sinh khi các em còn chưa tròn một tuổi. Vào ngày na y, ba mẹ sẽ mời người thân của gia đình và bạn bè tham dự tiệc 돌잔치 (tolchanji = tiệc thôi nôi). Các em bé sẽ được mặc trang phục sặc sỡ gọi là dolbok (돌복), trên thắt lưng có đeo các túi phúc gọi là bokchumoni (복주머니). Ngày nay, người ta thường tổ chức tiệc buffet ở nhà hàng, cùng nhau ăn tolteok (돌떡) và các món ăn khác. Khách dự tiệc sẽ tặng quà là những chiếc nhẫn vàng (금반지 – keumbanji) cho em bé với lời cầu chúc cho bé khỏe mạnh, lớn lên thành người giàu có. Sau đó khách cũng nhận quà đáp lễ (답례품 – daplyepum) là khăn tay, chậu hoa hay bánh teok.
Trong lễ thôi nôi, người Việt có phong tục đặt vào chiếc mâm những đồ vật quen thộc như bút, thước, gương, lược… hoặc một nắm xôi, tiền… cho em bé bốc để tiên đoán vận mệnh hay nghề nghiệp tương lai. Nghi thức này ở Hàn Quốc gọi là 돌잡이 (toljabi). Em bé được đặt trước rất nhiều đồ vật như cuộn chỉ (실 – shil), bút chì (연필 – yeonpil) hay tiền (돈 – tôn). Nếu chọn cuộn chỉ thì sẽ sống lâu, khỏe mạnh; bút chì thì thông minh học giỏi; tiền sẽ có một tương lai giàu có, sung túc. Cùng với sự thay đổi của thời gian, ngày nay các loại đồ vật để em bé lựa chọn ngày càng trở nên đa dạng hơn, nhằm bắt kịp với những thay đổi trong nhận thức về sự thành công của xã hội. Người ta cho vào mâm lễ những thứ mang tính thiết thực hơn như micro, ống nghe hay máy tính….
미역국 (mi yeok kuk – canh rong biển) là món ăn người ta cho sản phụ ăn để hồi phục sức khỏe sau khi sinh. Vì vậy, người Hàn Quốc có phong tục ăn canh rong biển vào ngày sinh nhật để nhớ đến công ơn của người mẹ.
언제 국수를 먹게 해줄 거야? (= eon che kuksurul meok ke he chul keoya?) có nghĩa “khi nào thì tôi được cho ăn kuksu đây?”. Kuksu (국수) là món món mì sợi thường được đãi khách trong tiệc cưới, có ý nghĩa chúc cô dâu chú rể sống hạnh phúc lâu dài bên nhau. Người Hàn thường nói câu này ngụ ý hỏi khi nào thì anh/ chị cưới. Ngày nay, người ta thay món kuksu bằng món seollyongtang (설렁탕 – canh sườn bò hầm ăn cùng với mì sợi hoặc cơm) nhiều thịt và chất dinh dưỡng hơn nhưng cũng mang ý nghĩa tương tự.
청첩장 (jeongjeopjang – thiệp mời đám cưới) giống như thiệp cưới ở Việt nam, trên thiệp cưới của Hàn Quốc có trình bày đầy đủ thông tin về gia đình hai họ, ngày giờ, nơi tổ chức lễ cưới và tổ chức tiệc. Tuy nhiên, người Hàn Quốc thường chỉ làm thiệp cưới màu trắng, không làm các màu hồng, đỏ…
결혼식 (kyeol hon shik – lễ cưới), thời Choson, người ta kết hôn từ rất sớm. Độ tuổi kết hôn thường là từ 12- 15 đối với nữ giới và 14 đối với nam giới. Vì kết hôn sớm nên đôi bên thường không có thời gian tìm hiểu về nhau mà phải thông qua mai mối hay lệnh của cha mẹ. Lễ cưới thời Choson có tên là đại lễ (대례 – taerye), được tiến hành theo 8 bước gồm:
– 사주단자 (sajudanji – 四柱單子:柱單) xem tuổi
Người Hàn sẽ đem Tứ trụ bát tự (사주팔자를 보다 – sajupalcharul boda – tám chữ chỉ thời gian và ngày tháng năm sinh của một người) của đôi nam nữ nhờ người hiểu biết xem giúp (có thể là nhà sư hoặc thầy đồ). Nếu hợp thì họ sẽ cưới nhau, không hợp thì có thể phải chia tay và lễ cưới sẽ không được tổ chức.
– 택일 (teak il – 擇日) – 주단 (judan 柱單) nhà trai chọn ngày rồi gửi thư cho nhà gái.
– 의양단자 (uiyangdanja – 衣樣單子) nhà gái gửi thư trả lời nếu đồng ý với ngày mà nhà trai đã chọn.
– 납폐 (nappye – 納幣) nhà trai mang sính lễ tới nhà gái.
Trước lễ cưới ít ngày, gia đình nhà trai thường gửi một cái tráp (함) đựng quà tặng hay còn gọi là yemul (예물) cho cô dâu. Những quà tặng này thông thường là những thước vải đỏ và xanh để may y phục truyền thống cùng đồ trang sức. Trước đây, chiếc tráp này thường do một người hầu cầm đến, nhưng ngày nay người đảm nhận công việc đó thường là bạn bè của cô dâu, chú rể.
Chiếc tráp này được giao cho cô dâu vào ban đêm và khi đến gần nhà cô dâu thì người mang quà, với bộ mặt vui vẻ cười nói, có thể kêu to “Mua tráp đi!” (함 사세요. – ham sa se yo!). Người mang tráp bôi đen mặt bằng than củi hoặc đeo một cái mặt nạ bằng khô mực trên mặt vì màu đen hay mùi tanh của mực có tác dụng xua đuổi ma quỷ.
Chiếc tráp đó sẽ chỉ đưa cho bố mẹ cô dâu khi nào người mang tráp (함진아비 – hamjinabi) được tặng đồ ăn, rượu và nhận được một khoản tiền. Trong khi những người đàn ông khoản đãi người mang tráp thì mẹ của cô dâu sẽ mở tráp ra và kiểm tra những thứ bên trong.
– 고사당 (kosadang – 告祀堂) sau đính hôn và trước nappye (납폐), người nhà hai họ sẽ đến từ đường bày lễ kosa (고 사 – 告辭) để xin phép tổ chức lễ cưới.
– 초례 (cholye – 醮禮) vào ngày cưới, chú rể đến nhà cô dâu trình sính lễ và hành lễ trong 3 ngày. Nếu hai nhà gần nhau thì chú rể có thể đến về nhà trong ngày rồi trở lại vào hôm sau; nhưng nghi lễ phải được thực hiện trong 3 ngày để bày biện tân phòng.
– 현구고례 (hyeon ku ko lye – 見舅姑禮) đây là lễ để cô dâu ra mắt bố mẹ chồng và hồi đáp của hồi môn.
– 해현례 (hae hyeon lye – 解見禮) chú rể rước cô dâu về nhà chồng và làm lễ hợp phòng.
Tuy nhiên, ngày nay, những nghi lễ trong đám cưới truyền thống đã bị giản lược bớt. Cô dâu chú rể đưa nhau đến làm lễ ở thánh đường, nhà thờ hay chỉ đăng kí kết hôn ở tòa thị chính. Người chứng kiến hôn lễ ngoài họ hàng thì chỉ có một số bạn bè thân thiết. Nghi thức lễ cưới cũng diễn ra đơn giản bằng việc trao lời thề của đôi nam nữ dưới sự chứng giám của người chủ hôn và quan khách. Chiếc áo sorie trắng thay cho chiếc áo hanbok truyền thống.
Sau lễ cưới, trong khi họ hàng và bạn bè hai bên vẫn còn đang dùng tiệc mừng (피로연 – piloyeon), thì bên trong lễ đường, cô dâu chú rể phải thay trang phục truyền thống để làm lễ 폐백 (pyebaek). Tại nghi lễ, cô dâu và chú rể, trong bộ trang phục cưới truyền thống, sẽ cúi lạy cha mẹ hai bên. Sau đó, người phụ nữ lớn tuổi trong nhà (có thể là bà của chú rể) sẽ ném hạt dẻ, táo tàu vào váy của cô dâu. Cô dâu ngồi trên thảm trải dưới đất, phải cố gắng dùng váy trước (앞치마 – ap chima) của chiếc hanbok để bắt được chúng. Số lượng hạt dẻ cô dâu bắt được được tin rằng tương ứng với số con cái mà hai người sẽ có sau này. Và người Hàn tin rằng nếu trong lúc hành lễ mà cô dâu cười với chú rễ thì con đầu lòng của họ sẽ là con gái.
축의금 (chukikeum – tiền mừng cưới): Bên cạnh tặng quà, người thân và bạn bè của cô dâu chú rể sẽ cho từ 30.000 đến 50.000 won vào bao thư trắng, có viết tên để chúc mừng. Số tiền cho vào thường là số lẽ như 357. Bên cạnh việc tặng tiền thì khách mời cũng có thể tặng quà cho cô dâu chú rể.
행복하게 잘 사세요 (heng bok ha kae chal sa se yo) co ngh a “Hãy sống với nhau thật hạnh phúc nhé” được xem là lời chúc thường nghe nhất ở trong ngày cưới của người Hàn Quốc.
Ngày nay, việc kết hôn qua mai mối vẫn còn tồn tại, nhất là trong xã hội công nghiệp hiện đại, thời gian dành cho yêu đương hẹn hò dần trở nên xa xỉ. Các cặp đôi thường đến với nhau bằng hai cách: yonea (연애) và chungmae (중매). Yonea được hiểu là mối quan hệ yêu đương lành mạnh và đặt cảm xúc của con người lên hàng đầu. Hai người gặp nhau, tán tỉnh, hò hẹn và đến với nhau một cách tự nguyện. Chungmae nghĩa là “mai mối” hoặc “coi mắt”.
환갑 (hwangap – hoàn giáp) là sinh nhật lần thứ 60 của một người. Người ta cho rằng tuổi thọ bình quân rất ngắn nên dù chỉ sống đến khi hoàn giáp cũng là phúc lớn. Vì vậy khi bố mẹ đến tuổi hoàn giáp thì các con thường mở tiệc hoàn giáp (환갑잔치 – hwan gap chanji). Tuy nhiên, ngày nay khi tuổi thọ đã tăng lên thì so với tiệc hoàn giáp người Hàn tổ chức tiệc thất tuần (칠순 잔치 – chil sun chanji) còn lớn hơn thế.
장례식 (janglye – tang lễ), khi viếng tang (문상) người Hàn thường mặc trang phục màu đen và gửi tiền phúng viếng (조의금 – cho ưi keum) để an ủi gia dình của người đã khuất. Tiền phúng viếng còn gọi là 부의금 (bu ưi keum) hay 조위금 (cho wi keum) được đặt trong một cái bao thư màu trắng. Ở nơi gửi tiền này còn có danh sách viếng tang (방명록 – bang myeong lock) là nơi người đến viếng tang ( 문상객 – mun sang keak) viết tên mình vào.
Một số lưu ý khi đi viếng đám tang ở Hàn Quốc:
– Mặc trang phục màu đen để đi viếng tang.
– Gửi tiền phúng viếng ở lối vào của tang lễ rồi cởi giày mới bước vào nơi tổ chức tang lễ.
– Đứng trước linh ảnh (영정 – young jeong) để thắp hương rồi cắm vào bát hương hay là cắm hoa cúc trắng (được chuẩn bị sẵn ở lối vào) vào ban thờ (제단 – jedan).
– Hướng về linh ảnh mà bái lạy, nếu là nam thì 2 lạy, nữ thì 4 lạy. Người theo cơ đốc giáo thì không lạy mà hướng về linh ảnh rồi cầu nguyện.
– Bái lạy và thăm hỏi với tang chủ. Câu chia buồn người Hàn Quốc thường nói là “Cầu cho linh hồn người quá cố được yên nghỉ (삼가 고인의 명복을 빕니다 – samka koine myeongbokul bimnida).
제사 (jaesa – đám giỗ) là nghi lễ tưởng nhớ người đã mất, thường được tiến hành sau 1 năm kể từ ngày mất.
Ngày trước, người ta thường làm thức ăn ngon, bày mâm cúng từ 1 đến 2 giờ sáng. Người con trai trưởng sẽ đứng ra đại diện làm lễ cúng. Tuy nhiên việc chuẩn bị thức ăn và cúng trong đêm rất vất vả nên ngày nay người Hàn có xu hướng cúng từ lúc sáng sớm. Việc cúng giỗ đúng ngày đã mất sẽ kéo dài đến đời thứ năm, sau đó sẽ chỉ được cúng vào ngày Chusok (추석 – tết trung thu) hay một ngày đẹp đã được chọn cùng với nhiều đời tổ tiên trước đó. Thức ăn sau khi cúng không bỏ đi mà mọi người sẽ chia nhau cùng ăn rồi cùng nhau đi viếng mộ người đã mất.
C. Phong tục về ăn , mặc, ở (의식주)
Sự đa dạng và độc đáo của văn hóa Hàn Quốc thể hiện rõ nét từ trong phong tục ăn, mặc và ở. Có một thời kì, người ta nhận thấy văn hóa Hàn Quốc có nét giống với văn hóa Trung Quốc hay phảng phất nét văn hóa Nhật Bản. Nhưng khi đi vào tìm hiểu, người ta càng khẳng định nét đặc trưng tiêu biểu của quốc gia này không lẫn vào đâu được.
1. Phong tục về ăn
Từ ngày xưa, gạo đã xuất hiện trên bán đảo Hàn và trở thành nguồn thực phẩm chính. Bữa ăn hàng ngày của người Hàn gồm có cơm (gạo trắng hoặc ngũ cốc), một món ăn chính đặt ở giữa bàn và rất nhiều món ăn phụ gọi chung là banjan (반잔) như là kimchi, đậu phụ rán, trứng tráng, rau luộc… Mặc dù món ăn chính đặt ở giữa bàn và mỗi người đều có một phần banjan gần vị trí ngồi của mình nhưng người Hàn vẫn thích dùng đũa gắp thức ăn cho nhau hay dùng tay gói cơm, rau, cá cho người ăn cùng để bày tỏ sự quan tâm, thân mật.
Người Hàn thường dùng muỗng để ăn cơm, đũa để ăn mì và các món ăn khác. Tay phải luôn dùng để cầm muỗng và đũa để ăn thức ăn. Tay trái đặt xuống dưới. Khi ăn, bát cơm phải để trên bàn, không được dùng tay cầm bát cơm lên. Hành động cầm bát cơm bị cho là vô lễ, tham ăn kiểu ăn mày. Lý do khác dễ chấp nhận hơn là vì bát cơm của Hàn Quốc làm bằng kim loại (thường là đồng hay inox), cơm lại nóng nên dễ gây bỏng.
Hàn Quốc là một nước có 4 mùa rõ rệt, mỗi mùa đi qua để lại dấu ấn riêng trong phong tục nhất là phong tục về ăn uống, trong đó có uống rượu. Nói đến rượu Hàn Quốc, người ta nghĩ ngay đến rượu soju như là quốc tửu. Soju là loại rượu gạo, trong suốt không màu, có độ cồn khoảng 25 độ. Ngày nay, rượu soju được bày bán đại trà trong những chai thủy tinh màu xanh lá. Tuy là loại rượu bình dân nhưng lại rất được người Hàn Quốc yêu thích. Người Hàn thích uống rượu nhưng ít khi uống một mình. Họ không có thói quen hâm nóng bình rượu rồi mới uống như người Nhật hay ủ lạnh như kiểu của người phương Tây. Người Hàn uống rượu khi có bạn rượu. Không phân biệt địa vị hay tuổi tác, người uống không tự rót rượu cho mình, những người uống rượu cùng nhau sẽ lần lượt rót rượu cho nhau. Khi uống, họ sẽ dùng tay phải nâng ly rượu, tay trái che ngang ly rồi quay mặt đi uống cạn để bày tỏ sự nể trọng với bạn rượu.
Về thức uống, chữ trà – 차 (cha) trong văn hóa Hàn Quốc không phải chỉ riêng một loại nước uống làm từ trà mà chỉ chung các loại nước uống có nguồn gốc từ thực vật. Nếu có người nói “오늘 내가 차 값을 낼게” có nghĩa “Hôm nay tôi sẽ trả tiền trà” thầm hiểu họ sẽ mời người nghe uống nước. Cha (차) vừa là nước giải khát vừa là thuốc. Bên cạnh đó còn có nước gạo rang (숭늉 – sungnyung), nước gạo ngọt lên men (식혜 – sikkye), nước quế gừng ngọt (수정과 – sujeongkwa) … cũng rất được yêu thích.
2. Phong tục về mặc
Hanbok (한복) là trang phục truyền thống của người Hàn Quốc. Theo nhiều giả thuyết, bộ trang phục mà ngày nay người Hàn Quốc xem là quốc phục chỉ mới xuất hiện vào thời Choseon. Đương thời, trang phục của các tiểu thư con nhà quyền quý thì may bằng lụa, có nhiều màu sắc đậm, nhạt tương phản; trang phục của kỹ nữ phá cách, quyến rũ với áo ngoài cắt cao tới nách; trang phục của dân nghèo làm bằng vải thô nhăn nhúm, màu sắc nhợt nhạt. Theo thời gian, bộ hanbok đã được cách điệu và biến tấu để đạt được hình dạng, kiểu dáng như ngày nay. Màu sắc của hanbok rất đa dạng nhưng vẫn dựa trên nguyên lí âm dương ngũ hành với 5 màu cơ bản là trắng, đỏ, vàng, xanh và đen. Nếu như ngày xưa, hanbok là trang phục thường ngày; thời thuộc địa, hanbok từng trở thành đồng phục nữ sinh với chiếc áo màu trắng tinh và váy xanh đen thì ngày nay, người Hàn chỉ mặc hanbok vào những dịp đặc biệt như giỗ chạp, cưới hỏi hay vào tết trung thu và tết cổ truyền. Màu trắng là màu được ưa chuộng nhất (người Hàn từ xưa vốn được gọi là bạch y dân tộc (백의민족) bởi nó thể hiện tính thuần khiết, sự chính trực và nét đơn giản của người Hàn Quốc. Theo Choi Nam Seon thì từ xưa, người Hàn đã tin rằng mình là con cháu của thần mặt trời – Thái dương (태양 – tae yang) và họ cũng gọi mặt trời là ông trời (하느님- hanunim). Sự quang minh của thái dương biểu thị bằng ý nghĩa của ánh sáng thần thánh nên việc mặc áo màu trắng sau đó đã hình thành nên phong tục đáng tự hào của dân tộc. Còn theo Yanaki Muneyoshi (người Nhật) thì bản tính hay xấu hổ và kinh nghiệm đau khổ do chiến tranh đã hình thành nên việc mặc áo màu trắng. Tóm lại ngày thường cô đơn thì mặc áo màu trắng, khi đến yến tiệc náo nhiệt thì mặc áo hoa lệ. Từ hai cách giải thích trên thì có thể thấy, phong tục này thể hiện ý thức sùng bái Thái dương (태양숭배 의식 – taeyangsungbae eui sik), cảm giác cô đơn (쓸쓸한 감정 – seul seul han kamjeong) và tinh thần thuần khiết (정신적 순결 – jeongshincheok sunkeuyl) [4, tr.84].
3. Phong tục về ở
Hanok (한옥) là một kiểu nhà truyền thống của người Hàn Quốc. Qua nhiều thế hệ, người Hàn Quốc đã xây và sống trong những ngôi nhà hanok với chất liệu xây dựng và thiết kế kiến trúc gần như không đổi. Nhà có nền đất, sàn gỗ, dầm và cột làm bằng gỗ, vách tường bằng đất hoặc đá có khung gỗ dán giấy hanji (한지) để lấy ánh sáng và thoáng gió. … Vị trí lí tưởng để xây nhà hanok là khu đất mà đằng sau là núi để chắn gió lạnh và phía trước là sông hoặc suối để dễ lấy nước (집앞에 물맥이나 강을 흘르고 집뒤에는 산이 있다. 그게 명땅이다 = trước nhà có mạch nước hay là sông, sau nhà là núi, đó là đất tốt).
Bên trong nhà hanok, ngay dưới nền nhà chứa đựng một giá trị văn hóa truyền thống độc đáo đó chính là hệ thống sưởi ondol (온돌). Khi xây dựng ngôi nhà, người Hàn Quốc xưa đã khéo léo thiết lập một hệ thống thông gió gồm các ống đồng, đá hoa cương và đất cát. Khi mùa đông đến, hệ thống sưởi ấm nay sẽ được kích hoạt từ việc nấu bếp của chủ nhà. Hơi nóng sẽ thông qua hệ thống ống đồng lan tỏa khắp ngôi nhà làm cho cả hệ thống sàn gỗ ấm lên. Do phần lớn sinh hoạt của người Hàn ngày xưa diễn ra ngay trên mặt sàn nên một cái sàn nhà ấm vào mùa đông là vô cùng lí tưởng. Khi không cần dùng đến, một tấm chắn sẽ được hạ xuống để cho hơi nóng thoát ra ngoài theo đường ống khói. Do đó, nhà hanok được nhận định là một thiết kế kiến trúc khoa học vì đã đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là đông ấm, hè mát.
Ngoài ra, nhà hanok của Hàn Quốc còn mang giá trị nhận diện qua việc trang trí các rường cột trên mái nhà. Các màu sắc và hình dạng trang trí này được gọi chung là dangjeong (단청) khởi điểm là 2 màu đỏ và xanh, sau đó phát triển thành nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau tùy theo chủ đề, vị trí và vai trò của kiến trúc.
Ngày nay, do quá trình đô thị hóa, người Hàn chuyển dần vào sống ở những căn hộ cao cấp nhưng nhà hanok vẫn giữ nguyên giá trị. Những ngôi làng hanok được thành lập để bảo tồn giá trị truyển thống này.
D. Phong tục theo mùa và theo tiết trời (세시풍속 – sesipungsok)
Hàn Quốc là một đất nước có 4 mùa rõ rệt. Con người sống gần gũi và có quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Nhiều phong tục trong năm được hình thành phụ thuộc vào sự biến đổi của thời tiết, để đối phó với khí hậu thay đổi còn truyền đến ngày nay. Văn hóa Hàn Quốc mang tính triết lý phương Đông sâu sắc. Cuộc sống gia đình được tôn trọng và bảo vệ. Cũng giống ở Việt Nam, các phong tục tập quán của người Hàn Quốc cũng tính theo lịch âm. Trong một năm có nhiều ngày lễ (명절 – myeongcheol) theo thời gian như Seollal (설날- tết âm lịch), rằm tháng giêng (대보름 – dae bo rưm), tết đoan ngọ (단오– dano), tết trung thu (추석 – chuseok) … Ngày nay, phong tục của ngày đoan ngọ chỉ còn phổ biến ở một số địa phương nên bài viết sẽ không đề cập đến.
Seollal (설날) hay còn gọi là Kujeong (구정) là ngày đầu năm mới, cũng là ngày lễ âm lịch lớn nhất trong năm.
Vào ngày này, người Hàn sẽ làm một số việc như sau:
– Cúng ông bà tổ tiên (차례를 지낸다 – chalyerul chineda). Sáng ngày 1 tháng 1 âm lịch, người Hàn sẽ làm mâm cúng thịnh soạn để cúng ông bà tổ tiên. Trên mâm cúng thường có canh bánh gạo (떡국 – teok kuk) và món hầm(탕 – thang), trái cây, rượu, khô (포– pô), nước gạo (식혜– sikkye), …
– Sau khi cúng ông bà tổ tiên, mọi người sẽ cùng nhau dùng bữa gồm rất nhiều các món ăn ngon trong đó có món canh bánh gạo (떡국 – tteokkuk). Người ta dùng dao cắt sợi karae tteok (가래떡) vừa dài vừa trắng thành từng miếng bánh hình tròn vừa miệng rồi cho vào nước hầm xương để nấu thành món canh bánh tteok. Sợi karae tteok (가래떡) vừa trắng vừa dài tượng trưng cho sự thanh khiết, trường thọ. Tteokkuk tròn tròn, nhỏ xinh tượng trưng cho may mắn, đầy đủ, sung túc. Vì vậy, ăn tteokkuk vào ngày đầu năm mới đã trở thành một phong tục phổ biến ở Hàn Quốc. Người ta hỏi nhau: “Bạn đã ăn bao nhiêu bát canh tteokkuk rồi?” (너 떡국 몇 그릇 먹었어? – 떡국을 몇 그릇 드셨나요?) nghĩa là họ đang muốn hỏi số tuổi của bạn.
Sau khi ăn sáng với món teokkuk, cả nhà sẽ cùng nhau đi viếng mộ (성묘 – seong mo) rồi trở về nhà và chơi trò chơi truyền thống (설날 전통 놀이 – seolla jeontong nori) với nhau.
– Mừng tuổi (세배를 한다 sebearul handa). Nghĩa Hán – Hàn của từ ngày là bái tuế. Con cháu sẽ lạy mừng tuổi ông bà, nhận lời chúc tốt lành (덕담– deokdam) và nhận tiền lì xì (sebetton) từ ông bà. Lời mừng tuổi (세배 인사말– sebe mal) có tính qui tắc mà người nhỏ nói với bề trên khi lạy mừng tuổi là “năm mới nhận được nhiều phúc” (새해 복 많이 받으십시오 – se he bok mani batu se yo!).
Ngày rằm tháng giêng (15 tháng 1 âm lịch) (정월대보름 – jeongwon daeboreum) được xem là ngày rằm lớn nhất trong năm. Vào ngày này, khi thức dậy vào buổi sáng, người Hàn sẽ hỏi tên người đầu tiên mình gặp rồi la lớn “hãy mua cái nóng của tôi” (내 더위를 사가라) để bán đi cái nóng (더위– to wi). Vì vậy mới có câu: bán cái nóng vào ngày rằm tháng giêng (정월대보름에는 더위를 팔아요). Người ta tin là nếu làm như vậy thì sẽ de dàng chiến thắng được cái nóng của mùa hè. Vào ngày này người ta ăn cơm ngũ cốc (오곡밥) và làm vỡ các loại hạt cứng (보럼) như hồ đào, hạt dẻ và đậu phộng … phát ra tiếng “tách”(딱) khi ăn vì tin là sẽ không bị bệnh về da và làm cho răng trở nên cứng chắc.
Tết trung thu (추석 – chuseok) cũng là một ngày lễ lớn của Hàn Quốc, ngày này còn được gọi là rằm tháng tám (한가위 – hangawi). Đây là lúc kết thúc một năm nông vụ nên thực phẩm rất phong phú và thời tiết cũng rất đẹp. Vì vậy mới có câu: Không hơn không kém mà hãy như rằm tháng tám (더도 말고 덜도 말고 한가위만 같아라 – teodo malko hankawiman kachara). Vào ngày trung thu, người Hàn sẽ dùng ngũ cốc mới, gạo mới, hoa quả mới thu hoạch làm thức ăn dâng cúng tổ tiên. Sau đó, họ cùng nhau đi viếng mộ.
Songpyeon (송편) là món ăn tiêu biểu của ngày trung thu. Người ta sẽ dùng gạo nếp mới và các loại hạt làm bánh có hình mặt trăng. Đây cũng là thời điểm trăng tròn và đẹp nhất trong năm nên theo truyền thống, người ta cùng nhau ngắm trăng rằm và nhảy điệu vòng tròn ( 강강술래 – kangkangsulle) dưới ánh trăng.
Sau cùng, vào ngày cuối năm, người Hàn Quốc sẽ tổng vệ sinh nhà cửa như để xua đuổi những điều không tốt, sẵn sàng chờ đón năm mới với tâm hồn sạch sẽ. Họ cũng có phong tục thức trắng đêm (세수 풍속 – sesu phung sok) để đón chào năm mới. Giống như người Việt, người Hàn tin rằng từ nga y 25 đe n 30 tha ng Cha p thì thần bếp (조왕신chowangshin) sẽ về trời để báo cáo việc nhân gian cho nhà trời. Khi đó, ma quỷ sẽ thừa cơ để lộng hành nên từ trong ra ngoài, người ta phải thắp sáng tất cả mọi thứ, nhất là ngọn lửa trong nhà bếp. Trong đêm giao thừa (석달그믐날 – seok tal keumeumnal) nếu ngủ thì chân mày sẽ bị bạc trắng (밤에 잠을 자면 눈썹이 희어진다 – bame jamul jamyeon nun seopi hieojinda) nên cả gia đình sẽ thức cùng nhau, cùng chơi yutnori (윷놀이 một loại cờ) hay kể chuyện ngày xưa để giúp cho trẻ nhỏ không bị buồn ngủ. Tuy nhiên, nếu em bé ngủ thiếp đi thì người lớn sẽ lấy bột mì trắng bôi lên chân mày của đứa bé để sang sáng ngày mùng 1 (이튿날 – itheunnal) khi đứa bé thức dậy sẽ trêu ghẹo nó để các bé sợ mà năm sau không ngủ nửa và trong nhà vang tiếng cười đùa.
E. Phong tục trò chơi tryền thống (놀이문화 – norimunhwa)
Trong tiếng Hàn, từ nori (놀이) có nghĩa là trò chơi và nó thật sự được dùng để chỉ phần lớn các hoạt động vui chơi của người Hàn. Ngoại trừ pungmulnori (풍물놀이), samulnori (사물놀이) và talchumnori (탈춤놀이) là những hình thức biểu diễn khác nhau của nông nhạc (농악 – nongak), phần còn lại của bài viết sẽ nói về những trò chơi – nori gắn với những phong tục ngày lễ và mang ý nghĩa đặc biệt.
줄다기 (jultaki – chơi kéo co) thường được chơi vào ngày rằm tháng Giêng. Ý nghĩa cầu mưa. Lí do chơi: Sợi dây trong trò chơi tượng trưng cho mưa từ trên trời rơi xuống nên người ta chơi kéo co trong những buổi lễ cầu mưa.
널뛰기 (neoltuyki – chơi bập bênh) thường được chơi vào ngày lễ, tết. Ý nghĩa: tự do. Lí do chơi: ngày xưa, các cô gái phải ở trong nhà, khuê môn bất xuất. Khi chơi bập bênh, nhờ nhảy lên tấm ván (널빤지 neolbanji) mà họ có nhìn qua những bức tường để thấy được thế giới bên ngoài.
윷 (yut – chơi cờ yut ) thường được chơi vào ngày tết âm lịch. Lí do chơi: giữ cho con người tỉnh táo trong đêm giao thừa và giống như một kiểu coi bói, bốc quẻ xem ai sẽ có nhiều đất trong năm mới.
팽이 (pengi – đánh con quay) còn được gọi là pei (패이), pengdoli (팽돌이), bengdoli (뺑돌이), bonge (봉애).
Thường được chơi vào giữa mùa đông (한겨울 – hankyeoul), bất chấp lạnh giá, một nhóm 56 người sẽ dùng kĩ thuật đánh quay xem con quay của ai quay lâu nhất thì chiến thắng. Lí do chơi: đây là trò chơi luyện thể lực và sức nhẫn nại rất tốt.
그네뛰기 (kunetuyki – chơi đánh đu) thường được chơi vào ngày tết đoan ngọ. Ý nghĩa: giúp phụ nữ được giải phóng khỏi bốn bức tường nhà, được phép tìm chơi đánh đu dưới bầu trời trong xanh cao vút.
씨름 (ssireum – chơi đấu vật) thường được chơi vào ngày tết đoan ngọ. Lí do chơi: nam giới sẽ khẳng định sức mạnh của mình. Sân thi đấu là một vòng tròn lớn chứa đầy cát được gọi là bàn cát (모래판 – mo rae pan) hoặc thảm cát (매트 – me thư) Hai đối thủ ôm ghì lấy nhau, tay nắm chặt satba (샅바 một loại thắt lưng truyền thống) của đối thủ. Người nào có thể làm cho đối phương chạm bất kì bộ phận nào trên cơ thể – trừ bàn chân – xuống đất sẽ giành chiến thắng. Người thắng cuộc sẽ được nhận phần thưởng là một con bò to khỏe hoặc một món tiền lớn.
연날리기 (yeonnalriki – chơi thả diều) thường được chơi vào ngày tháng Giêng. Ý nghĩa con diều bay cao, bay xa sẽ mang đi tất cả những điều không hay, không may mắn.
강강술래 (kangkangsulle – múa vòng tròn) là một trò chơi dân gian của người dân vùng Cheonlanamdo (전라남도) thường được chơi vào ngày tết trung thu. Vào đêm trăng tròn, nhiều phụ nữ sẽ mặc hanbok, nối tay nhau nhảy thành vòng tròn dưới ánh trăng. Vừa nhảy vừa hát kangkangsulle.
Kết quả nghiên cứu
Qua bài nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng người Hàn Quốc có rất nhiều phong tục dân gian nhưng do thời gian và sự thay đổi của xã hội mà một số lớn các phong tục đã mất đi và nhiều phong tục mới đang dần thay thế. Tuy nhiên, khi dạy và học tiếng Hàn, nếu né tránh không học vì cho rằng quá khó thì sẽ không thể đạt được mục đích cao nhất là hiểu rõ về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Tìm hiểu phong tục là tìm hiểu về cội nguồn suy nghĩ của người Hàn Quốc từ đó suy ngẫm cách sống, cách ứng xử của người Hàn Quốc ngày nay. Với những gì mà bài viết đã gạn lọc, hy vọng sẽ giúp người học tiếng Hàn và nghiên cứu Hàn Quốc có thêm tài liệu tham khảo, tra cứu hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa, Viện ngôn ngữ, 1521p, 2010.
[2]. 권현숙, 이길현, 재외국민교육을 위한 새 교육과정에 따른 한국의 문화, 국제교육진흥원, 173 p, 2000.
[3]. 김미옥, 전현옥, 설기영, 박연경, 김종인, 송미현, 연세한국어 읽기 3, 연세대학교 한국어학당 편,연세대학교풀판부, 239p, 2012.
[4]. 박영수, 우리 민족의 다양한 생활 풍속을 재미있고 쉽게 살펴보는 어린이 사전 한국의 문화 어린이를 위한풍속 사전, 아선미디어, 192p, 1999.
[5]. 사회통합프로그램 [KIIP]을 위한 한국사회이해 (기본), 법무부 출입국, 외국인정책본부, 도서출판한국이민재단, 224p, 2017.
[6]. 이정희, 김종섭, 조현용, 김지혜, 안도연, 김에스터, 경희한국어 읽기 2, Hawoo Publishing Inc, 108p, 2016.
[7]. 임경순, 한국어문화교육을 위한 한국문화의 이해, 한국외국어대학교 출판부, 477p, 2009.
[8]. 전성운, 손대정, 문화로 배우는 한국어 2, 순천향대학교 한국어교육원, 보고사, 172p, 2008.
[9]. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, 2012.
[10]. Youngha Joo, Phạm Gia Tường (dịch), Lịch sử Hàn Quốc trên bàn ăn, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 539p. 2016.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM,
(HUFLIT Journal of Science), Tập 6, Số 2 (2020)
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tìm hiểu một số phong tục dân gian Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Minh Phương) |