Tìm hiểu sự giống – khác nhau giữa lễ hội dân gian của người Khmer An Giang và người Khmer Sóc Trăng
INVESTIGATING DIFFERENCES BETWEEN TRADITIONAL FOLK FESTIVALS OF THE AN GIANG KHMERS AND THOSE OF THE SOC TRANG ONES
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ HOÀNG PHƯỢNG
(Trường Đại học An Giang)
TÓM TẮT
Người Khmer đến Đồng bằng sông Cửu Long sinh sống từ rất lâu đời nên được gọi là “người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long”. Địa hình ở Đồng bằng sông Cửu Long có đồi núi, đồng bằng, ven biển, dẫn đến đời sống văn hoá của người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long ngoài những đặc điểm chung, lại có điểm riêng đặc trưng của từng vùng. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến nguồn gốc và điểm giống – khác nhau trong lễ hội dân gian của các nhóm người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long tiêu biểu là nhóm người Khmer An Giang (người Khmer vùng đồi núi) và nhóm người Khmer Sóc Trăng (người Khmer vùng ven biển).
Từ khóa: Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer An Giang, người Khmer vùng miền núi, người Khmer Sóc Trăng, người Khmer vùng ven biển.
SUMMARY
The Khmer people have lived in the Mekong Delta for so long that they are called “Mekong Delta Khmers”. The Mekong Delta is of mountains, plains, and coastal areas. This makes Mekong Delta Khmers, apart from their common characteristics, culturally distinctive subject to areal features. Within the scope of this article, we discuss “the origin, similarities and differences in traditional folk festivals of Mekong Delta Khmer groups”, typically the Khmers in An Giang (of the mountainous area) , and those in Soc Trang (of the coastal area).
Keywords: Mekong Delta Khmers, An Giang Khmers, Khmers in mountainous areas, Soc Trang Khmers, Khmers in coastal areas.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là đồng bằng lớn nhất ở Việt Nam, có diện tích 40.548,2 km² với nhiều tộc người sinh sống như Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Theo kết quả điều tra dân số ngày 01/4/2011, dân số vùng ĐBSCL là 17.325.167 người, người Kinh chiếm 90%, người Khmer khoảng 6%, người Hoa khoảng 2%, số còn lại là người Chăm” [7, tr.1]. Khi nhắc đến cư dân ĐBSCL, chúng ta không thể không nhắc đến văn hoá truyền thống của các cư dân ở đây, đặc biệt văn hoá truyền thống của người Khmer. Do ĐBSCL có địa hình đồi núi, đồng bằng, ven biển nên đời sống văn hoá của người Khmer ở đây phong phú, đa dạng. Ngoài các điểm chung, các nhóm Khmer còn có những nét riêng thể hiện đặc trưng từng vùng, miền thuộc ĐBSCL.
2. Nguồn gốc người Khmer ĐBSCL
Vùng đất ĐBSCL trước đây từng là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam. Vào thế kỷ thứ VII, Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính, Chân Lạp trước đây là một thuộc quốc của Phù Nam. Sau khi thôn tính Phù Nam, năm 707, do đặc điểm địa hình Chân Lạp chia 2 phần: phía Bắc là vùng cao, có nhiều đồi núi, gọi Lục Chân Lạp; phía Nam đất thấp, nước ngập đọng quanh năm, gọi Thủy Chân Lạp.
Có thể nói, toàn diện địa hình của Thủy Chân Lạp tương ứng với phần đất của miền Nam Việt Nam (nói theo ngày nay). Dần về sau, do nhiều tác động khách quan (biển tiến, biển thoái, xâm thực và sự dịch chuyển dòng chảy), phần hạ lưu sông Mê Kông kiến tạo thành vùng châu thổ rộng lớn, nay gọi là ĐBSCL. Địa hình tùy từng nơi có độ cao thấp khác nhau, rõ nét nhất là hai vùng trũng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên biên độ thường chênh nhau khoảng 1,5m – 2,0m (so giữa vùng đất giồng dọc theo hai bên bờ sông và vùng hậu bối), và những vùng ven duyên hải (các cửa sông đem phù sa bồi lắng, hình thành rừng sác, lấn biển). Về cao trình, ĐBSCL có khuynh hướng thấp dần về hướng biển. Nói chung, nơi nào cao ráo, nước không ngập đọng quanh năm thì thuận lợi cho việc cư trú, trồng trọt, dân cư ngày càng đông đúc và ngược lại.
Cũng trong thời gian này, nạn ngập lụt triền miên do quá trình biển tiến đã làm vùng ĐBSCL (phần đất phía Nam – Thủy Chân Lạp) trở nên hoang phế rồi bị bỏ hoang. Đến thế kỷ thứ X trở đi biển rút dần, từ đây xuất hiện những giồng đất nổi lên rất màu mỡ thuận lợi cho việc cư trú và sản xuất, những giồng đất nổi đó hiện nay điển hình là Sóc Trăng, Trà Cú, Đồng Tháp Mười, Giồng Riềng… “Từ thế kỷ XII, những người nông dân Khmer nghèo, trốn chạy sự bốc lột hà khắc, nạn lao dịch nặng nề của giai cấp phong kiến và các triều đại Ăngkor, đã tìm cách di cư đến vùng ĐBSCL. Từ thế kỷ XV, khi đế chế Ăngkor sụp đổ, người dân thuộc đế chế này càng rơi vào cảnh đói nghèo và bị đàn áp nặng nề bởi bọn phong kiến ngoại tộc, người Khmer (kể cả quan lại, sư sãi và trí thức Khmer đương thời) đã tìm đến ĐBSCL này ngày một đông” [2, tr. 12].
Căn cứ vào giả thuyết trên, người Khmer ĐBSCL và người Khmer ở Campuchia là những người đồng tộc có chung ngôn ngữ, tôn giáo và những đặc trưng tộc người.
Theo một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí “Science et Vie” ở Pháp bàn về nguồn gốc của người Khmer ĐBSCL. Tác giả (Pierre Rossion) đã đề cập về một nghiên cứu thành công của khoa huyết chủng học. Qua nghiên cứu này, giáo sư Ruffi é và một số nhà nghiên cứu đã đưa đến kết luận: “Người Khmer ở vùng ĐBSCL gốc vốn là tộc người Văh Năh (Phù Nam) mà từ cuối thế kỷ VI trở đi đã bị tộc người Chenla (Campuchia hoặc Chân Lạp) thống trị và đồng hóa dần dần trong vòng 12 thế kỷ (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVIII) và giờ đây, đương nhiên đã trở thành một thành viên quan trọng trong cộng đồng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [5, tr. 26].
Như vậy, hai tác giả của hai nghiên cứu trên kết luận về nguồn gốc của người Khmer ở ĐBSCL khác nhau. Một học giả cho nguồn gốc của người Khmer ĐBSCL là “Người Campuchia (Chân Lạp)”; học giả còn lại cho nguồn gốc của người Khmer ĐBSCL là “Người Phù Nam”.
Tuy nhiên, qua cuộc tiếp xúc riêng với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp, ông cho rằng: Người Khmer ĐBSCL có hai nguồn gốc, người Khmer sống ở vùng đồi núi có nguồn gốc từ người Khmer Campuchia (Chân Lạp); người Khmer sống ở vùng đồng bằng, ven biển có nguồn gốc từ người Phù Nam. Ở đây ông chọn người Khmer An Giang (đại diện Khmer vùng núi), người Khmer Sóc Trăng (đại diện Khmer vùng biển). Để minh chứng điều mình nói, ông lý giải như sau:
Thứ nhất, người Khmer An Giang có nguồn gốc từ người Khmer Campuchia (Chân Lạp). Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, sau khi chiếm Phù Nam, đến thế kỷ VIII lãnh thổ Chân Lạp chia làm hai vùng: Phía Bắc nhiều núi đồi và thung lũng gọi là Lục Chân Lạp; phía Nam giáp biển có nhiều ao hồ gọi là Thủy Chân Lạp. Có ý kiến cho rằng, lãnh thổ của Thủy Chân Lạp gồm có khu vực sông Mê Kông và miền Nam (Nam Bộ) Việt Nam ngày nay. Do xuất phát từ địa bàn sinh sống và truyền thống cách thức làm ăn lâu đời của người Khmer Campuchia (Chân Lạp) là vùng đất cao, đồi núi. Vì vậy, sau khi thôn tính Phù Nam, người Khmer Campuchia (Chân Lạp) chỉ tập trung sinh sống ở vùng đất cao, đồi núi.
Thứ hai, người Khmer Sóc Trăng có nguồn gốc từ người Phù Nam. Sau khi vương quốc Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính, ai chống đối (người Phù Nam) tất nhiên sẽ bị lực lượng mới (Chân Lạp) tiêu diệt. Tuy nhiên, họ không bị giết sạch mà vẫn có một bộ phận người Phù Nam thoát khỏi sự thảm sát như: tù binh, trẻ con và người dân thường là thành phần chỉ biết cui cút làm ăn nên không nằm trong tầm ngắm của kẻ thắng trận. Nước mất nhà tan, nhưng còn con người tức dân tộc Phù Nam đâu? (Liên hệ trường hợp tương tự: Chiêm Thành mất nước, nhưng người Chăm vẫn tồn tại). Chúng ta biết, từ Lục Chân Lạp, người Campuchia tràn xuống Thủy Chân Lạp, khiến người dân Phù Nam phải chạy dồn lần xuống vùng đồng bằng ven biển. Trong thâm tâm, họ nghĩ rằng dịch chuyển càng xa thì càng an toàn, vì đã “khuất mắt” kẻ thù, đồng thời cũng dễ bề dong thuyền ra khơi trốn chạy nếu vẫn bị truy đuổi. Nói chung là vì lẽ sinh tồn, họ không muốn sống cộng cư chung với người Chân Lạp.
Hiện nay, người ta đều gọi hai nhóm người ở hai khu vực ấy là người Khmer Nam Bộ hay người Khmer ĐBSCL, nhưng xét về góc độ nào đó có khi họ không phải là một (cũng giống như ta vẫn gọi “người dân tộc” ở Ninh Thuận, Bình Thuận và ở An Giang thống nhất là người Chăm. Suy cho cùng, chắc chắn là không đơn giản; bởi vì trước năm 1975 người dân ở An Giang có phân biệt rõ: người Chà (hay Chà Và, tức Java – dân tộc đến từ một đảo lớn ở Indonesia; hoặc Chà Và Ku – lai với người Khmer), người Chàm (gốc từ miền Ninh Thuận, Bình Thuận), người Chăm, Đồ Bà (gốc từ Campuchia đến).
Qua thời gian cộng cư và giao thoa văn hóa cùng các dân tộc anh em sống trên địa bàn ĐBSCL, người Khmer ở vùng núi, vùng đồng bằng ven biển thuộc ĐBSCL được gọi chung là “người Khmer ĐBSCL”.
Trên đây là một số ý kiến lý giải về nguồn gốc của người Khmer ở ĐBSCL. Những ý kiến trên góp phần thêm phong phú cho việc nghiên cứu tìm hiểu về nguồn gốc của người Khmer ở ĐBSCL.
3. Điểm giống và khác nhau ở lễ hội dân gian của người Khmer An Giang và người Khmer Sóc Trăng
Như đã trình bày nguồn gốc người Khmer ĐBSCL hiện nay vẫn còn có nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, xét về mặt yếu tố địa lý, chúng ta thấy người Khmer ĐBSCL sinh sống cả vùng đồi núi lẫn đồng bằng, ven biển. Đặc điểm địa lý ĐBSCL dẫn đến văn hoá lễ hội dân gian ở từng vùng, miền (đồi núi, đồng bằng, ven biển) của người Khmer ngoài những nét chung có những nét riêng.
Ở đây chúng tôi chọn người Khmer An Giang (đại diện vùng núi), người Khmer Sóc Trăng (đại diện vùng ven biển) để nói lên sự giống và khác trong lễ hội dân gian của người Khmer ĐBSCL.
An Giang là một tỉnh biên giới miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực ĐBSCL. “Năm 2016, dân số toàn tỉnh An Giang có 2.155.323 người (trong đó dân tộc Khmer có 91.138 người, chiếm 4,19% dân số toàn tỉnh; dân tộc Chăm có 14.358 người, chiếm 0,66%; dân tộc Hoa có 8.282 người, chiếm 0,37%” [1, tr. 1].
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL. “Năm 2015 toàn tỉnh có 1.310.700 người (trong đó người Kinh chiếm 65% dân số toàn tỉnh, người Khmer chiếm 28%, người Hoa chiếm khoảng 7%)’’ [6, tr. 1].
3.1. Điểm giống nhau ở lễ hội dân gian của người Khmer An Giang và người Khmer Sóc Trăng
Lễ hội dân gian của người Khmer ĐBSCL trong năm thường có 03 lễ lớn: Lễ mừng năm mới (Pithi Chol Chnam Thmay); lễ cúng ông bà (Pithi sen Dolta); lễ cúng trăng (Ok om bok).
3.1.1. Lễ vào năm mới (Pi thi Chol Chnam Thmay)
Lễ Pithi Chol Chnam Thmay được xem là lễ lớn nhất trong năm của người Khmer ĐBSCL. Hàng năm lễ được tổ chức vào khoảng tháng 4 Dương lịch. Thông thường lễ diễn ra trong 03 ngày, tuy nhiên vào năm nhuận lễ diễn ra trong 04 ngày.
Ngày đầu của năm bình thường được tính chính xác là ngày đầu tiên của năm mới gọi là ngày “Chol Sankran Thmay”.
Ngày giữa gọi là “Wonbot” (năm nhuận thì Wonbot hai ngày),
Ngày cuối gọi là “Lơm sak”.
Ba ngày lễ chính thức được tiến hành như sau:
Ngày thứ nhất: Sáng sớm, theo phong tục “đón quyển đại lịch” còn gọi rước đầu Thần bốn mặt (Maha Prum), người Khmer mang nhang đèn lễ vật đi chùa để làm lễ. Dưới sự chủ trì của một vị Acha, mọi người đứng xếp hàng rồi đi vòng quanh chính điện ba lần. Lễ rước đầu Thần bốn mặt (Maha Prum) là theo một huyền thoại nói về sự chiến thắng của Phật giáo đối với Balamon giáo.
Thomabal (đại diện Phật giáo) đã chiến thắng trong một cuộc đấu lý với Kabil Maha Prum (đại diện Balamon giáo). Thua cuộc Kabil Maha Prum tự chặt đầu mình, trước khi chặt đầu ông có căn dặn 7 người con gái để đầu ông trên một khay vàng và đặt tại hang thủy tinh Thamamialy nơi núi Kailas trong dãy núi Hi Mã Lạp Sơn. Hàng năm đúng ngày thần tự sát, 7 cô gái xuống trần, bưng mâm đầu lâu của cha đến núi Tudi đi vòng quanh chân núi ba lần. Xuất phát từ sự tích trên, nên hàng năm vào ngày đầu năm mới người Khmer rước Kabil Maha Prum đi vòng quanh chính điện ba lần.
Sau khi làm lễ rước Maha Sangkran xong thì các vị sư và phật tử tiến hành làm lễ Phật. Ở ngày này vào ban đêm các phật tử có tuổi thường đến chùa nghe các vị sư thuyết pháp.
Ngày thứ hai: Sáng và trưa người Khmer mang cơm đến chùa dâng cho các vị sư. Trước khi ăn, các sư làm lễ tạ ơn những người tạo ra thực vật và cũng không quên làm lễ đưa thực vật đến mời những người quá cố. Khi ăn xong, các sư làm lễ chúc phúc cho các thí chủ.
Buổi chiều người ta tổ chức lễ đắp núi cát, núi lúa ở chùa. Tập tục này cũng theo một sự tích nói về một người làm nghề săn bắn. Do biết mình hành nghề tạo nghiệp xấu, chính vì vậy ông đến gặp một nhà sư và được nhà sư hướng dẫn để chuộc lại tội bằng cách là đắp núi cát trong một ngôi chùa. Đến khi đau yếu, trong giấc ngủ ông luôn thấy muông thú đến đòi trả mạng. Do tích đức, từng đắp khá nhiều núi cát nên ông kêu chúng hãy đi đếm hết những hạt cát mà ông đã đắp được rồi đến ông trả mạng. Bọn thú đồng ý và đi đến những núi cát mà ông đắp để đếm, tuy nhiên, chúng không tài nào đếm hết. Thế là chúng bỏ cuộc, không đến đòi mạng và lúc bấy giờ người thợ săn cũng hết bệnh. Từ đó, người thợ săn luôn làm nhiều việc thiện, sau khi chết ông được lên thiên đường. Vì vậy, tập tục đắp núi cát, núi lúa của người Khmer bắt nguồn từ câu chuyện trên.
Ngày thứ ba: Sau khi các vị sư dùng cơm sáng và trưa xong các phật tử Khmer vào chùa tham gia nghi lễ tắm tượng Phật, tắm các vị sư cao niên và nghe tụng kinh cầu siêu. Đối với những gia đình dư giả, người ta sẽ tổ chức lễ tắm và thay trang phục mới cho ông bà, cha mẹ tại nhà để tỏ lòng hiếu thảo.
Trong ba ngày tết, tại các sân chùa có tổ chức sân khấu ca nhạc cổ truyền, các trò vui chơi giải trí hay tổ chức hội thi giọng hát hay, thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tổ chức các giải bóng đá cho thanh niên Khmer…
3.1.2. Lễ cúng ông bà (Pithi sen Dolta)
Lễ cúng ông bà được xem là lễ lớn thứ hai của đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL. Hàng năm, lễ tổ chức trong ba ngày từ ngày 29/8 đến ngày 1/9 Âm lịch. Lễ mang ý nghĩa cầu siêu, cầu phước cho linh hồn ông bà, cha mẹ và người thân đã quá cố.
Ngày thứ nhất: Tất cả gia đình người Khmer dọn dẹp, sửa sang bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên (nếu có) và chuẩn bị chiếu, mùng, mền, gối, quần áo mới, trà, rượu, bánh, hoa quả để đón người thân quá cố về nhà. Sau đó, mỗi gia đình nấu mâm cơm khá thịnh soạn và mời bà con hàng xóm đến cùng khấn vái, mời linh hồn những người trong dòng họ đã quá vãng về nhà ăn uống nghỉ ngơi. Buổi chiều, sau khi cúng linh hồn ông bà, cha mẹ, người thân xong tại nhà, người Khmer mời linh hồn ông bà, cha mẹ, người thân vào chùa, nghe sư sãi tụng kinh.
Ngày thứ hai: Qua một đêm ở chùa, đến chiều ngày thứ hai người Khmer mời linh hồn ông bà, cha mẹ, người thân về nhà. Sau khi làm cơm cúng linh hồn ông bà, cha mẹ, người thân xong, họ lại mời ông bà, cha mẹ, người thân ở lại chơi với họ thêm một đêm nữa.
Ngày thứ ba: Gia đình người Khmer làm cơm như ngày thứ nhất, mời bà con hàng xóm đến cúng vái. Sau khi khấn vái xong, họ múc đồ ăn cho vào xuồng hay tàu buồm (xuồng, tàu buồm làm bằng bẹ chuối, bẹ cau), đem thả xuồng hay tàu buồm trên sông hoặc mương rạch gần nhà. Mục đích của việc làm này là lo sợ trên đường về chốn cũ xa xôi, linh hồn ông bà, cha mẹ, người thân của họ sẽ đói nên họ mang theo những thức ăn để cho ông bà, cha mẹ, người thân dùng.
3.1.3. Lễ cúng trăng (Ok om bok)
Hàng năm lễ tổ chức vào đêm 15 tháng 10 Âm lịch. Lễ này có ý nghĩa “tống tiễn mùa mưa để đón chào mùa khô”.
Vào đêm 15/10, trước khi mặt trăng lên đỉnh đầu, mọi người tập trung lại khuôn viên chùa hoặc từng nhà hoặc nhiều nhà họp lại chọn một địa điểm để làm lễ cúng mặt trăng. Các vật cúng được trưng bày lên bàn như dừa, chuối, khoai lang, khoai mì, khoai môn… Sau đó, mọi người ngồi chắp tay quay về hướng mặt trăng để làm lễ. Ở đây có một cụ già chủ trì, cụ khấn vái và nói lên lòng biết ơn của mọi người đối với mặt trăng trong năm qua và xin mặt trăng ban phước cho mọi người trong thời gian tới sức khỏe dồi dào, thời tiết mưa thuận gió hòa để thu được nhiều thành quả trong lao động. Cúng xong, cụ gọi các em nhỏ đến gần rồi lấy cớm dẹp cùng với các thức cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng các em nhỏ. Kế đó, họ mời mọi người dùng các thức cúng, còn các em nhỏ múa hát, vui chơi cho tới khuya mới chấm dứt. Ngoài ra, trong lễ cúng trăng có tục thả đèn nước, đèn giấy rất náo nhiệt.
Đèn nước được làm bằng thân và bẹ chuối có trang trí hoa lá. Đầu đèn người ta treo cờ phướng (cờ Phật giáo), chung quanh cấm đèn cầy và nhang, bên trong bày các thức cúng như trái cây, bánh kẹo, gạo muối.. Đèn gió làm bằng giấy, bọc theo các sườn tre hình ống tròn hay vuông, bên trong để cái đèn dầu lửa nhỏ. Nhờ khói bóc lên nên đèn bay lơ lửng đến khi hết dầu mới rớt.
Lễ cúng trăng ngoài ý nghĩa “tống tiễn mùa mưa để đón chào mùa khô”, còn nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của Rái, Khỉ, Chó đặc biệt là Thỏ trong một truyền thuyết dân gian.
Thỏ, Khỉ, Rái, Chó là bạn thân với nhau. Một hôm bốn con vật này cùng hứa: “Ngày trăng tròn thì nhịn đói, ngồi thiền, giữ thân thể sạch sẽ và lòng không bợn nhơ”. Tuy nhiên, chỉ có Thỏ thực hiện như lời đã hứa, còn Khỉ, Rái, Chó thực hiện chưa trọn vẹn (do cả ba đều đi kiếm mồi. Rái đem về 5 con cá; Chó đem về một vò sữa, một hũ bơ, một gói cơm; Khỉ thì đem về vài trái xoan chín). Thấy bốn con vật có lòng thành, thần Sekra bèn giả làm người ăn xin xuống trần thử lòng 4 con vật. Khi người ăn xin đến xin Rái, Chó và Khỉ thì cả ba con vật đều mời người ăn xin dùng thức ăn mà mình có sẵn. Riêng đối với Thỏ, khi người ăn xin đến xin, do không có gì để mời, Thỏ đốt lửa lên, sau đó nhảy vào lửa và nói: “Mời Người dùng thịt này”.
Cảm động trước lời mời của bốn con vật, người ăn mày biến mất và hiện thân ra thần Sekra và ngợi khen cử chỉ cao đẹp của bốn con vật nhất là Thỏ. Để tưởng thưởng lòng hy sinh cao đẹp của Thỏ, thần Sekra vẽ hình Thỏ lên mặt trăng nhằm nhắc nhở thế gian đời đời kiếp kiếp nhớ mãi việc làm cao quý của Thỏ.
3.2. Điểm khác nhau ở lễ hội dân gian của người Khmer An Giang và người Khmer Sóc Trăng ở ĐBSCL
3.2.1. Tết Chol Chnam Thmay
Ở tết Chol Chnam Thmay của người Khmer ĐBSCL có tục lễ đắp núi. Trong lễ đắp núi này, người Khmer An Giang thường đắp núi lúa ít khi đắp núi cát, còn người Khmer Sóc Trăng thường đắp núi cát ít đắp núi lúa.
3.2.2. Lễ cúng ông bà (Pithi sen Dolta)
Đối với người Khmer An Giang trong dịp lễ Pithi sen Dolta thì lễ hội đua bò cũng được kết hợp trong dịp này. Lễ hội đua bò được xem là lễ hội truyền thống chỉ diễn ra ở Khmer An Giang mà người Khmer nơi khác không có.
Về Lễ hội đua bò: Do địa hình cư trú đồi núi cao, ruộng trên, không có sông lớn, người Khmer An Giang dùng bò để di chuyển và cày bừa. Vì vậy, bò trở thành “chủ thể” trong hoạt động vật chất và tinh thần của bà con Khmer An Giang. Lễ hội đua bò là lễ hội nông nghiệp có nét đặc thù riêng của người Khmer An Giang ở vùng Bảy Núi. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer An Giang.
Có ý kiến cho rằng, nguồn gốc ra đời của lễ hội đua bò ở An Giang có từ xa xưa. Do lễ Sen Dolta ở An Giang diễn ra thường trùng khớp vào dịp xuống giống vụ lúa Thu Đông, vì vậy, trong phum, sóc nhà nào có bò đều mang đến bừa cho thửa ruộng ngôi chùa trong phum, sóc gọi là “bừa công quả”. Nhằm tạo không khí vui chơi để quên mệt mỏi, các chủ bò thi đua nhau xem đôi bò nào khoẻ, bừa nhanh. Để động viên trong lao động, Sải cả sẽ trao phần thưởng cho đôi bò thắng cuộc, đó là sợi dây “Cà tha”. Trên sợi dây này có lục lạc đeo ở cổ bò.
Giá trị vật chất ở lễ hội đó là “danh dự” của đôi bò ở phum này đối với phum khác và phần thưởng là dây cà tha được chính Sải cả ban cho. Ngoài ra, lễ hội còn mang ý nghĩa giá trị tinh thần là đem lại niềm tin cày cấy thuận lợi cho vụ mùa mới…
Hiện nay, mỗi năm lễ hội đua bò ở An Giang diễn ra một lần với hai địa điểm thường luân phiên là khoảng đất rộng nơi sân chùa xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) và xã Lương Phi (huyện Tri Tôn). Xưa kia người ta tổ chức đua bò bằng hình thức bò kéo xe, ngày nay đua bò bằng kéo bừa điều khiển. Lễ hội đua bò Bảy Núi đã lôi cuốn nhiều đội đua bò của các huyện trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh, cả một số đội bò ở nước bạn giáp ranh với biên giới tỉnh An Giang tham dự, cùng nhiều du khách trong nước và ngoài nước.
3.2.3. Khác trong lễ hội cúng trăng (Ok om bok)
Lễ cúng trăng ở người Khmer Sóc Trăng được tổ chức long trọng hơn ở người Khmer An Giang. Trong dịp lễ cúng trăng, người Khmer Sóc Trăng ngoài việc thả đèn gió, đèn nước còn kết hợp lễ đua ghe. Còn người Khmer An Giang ngoài những nghi thức trong lễ cúng trăng thì tập tục thả đèn nước vẫn còn nhưng thả đèn gió bị hạn chế (do sống ở vùng rừng núi nên thả đèn gió sợ dẫn đến nguy cơ cháy rừng).
Về Lễ đua ghe ngo (Um tuk): Lễ đua ghe thường được kết hợp vào lễ cúng trăng. Có nhiều truyền thuyết nói về đua ghe ngo: Đua ghe ngo xuất phát từ biểu dương tinh thần thượng võ mà triều đình đế quốc Khmer tổ chức vào thế kỷ thứ XIII; đua ghe ngo là tưởng nhớ đến các dấu vết của Đức Phật đã để lại ở bờ cát trên sông Nimota thuộc xứ Yonol… Trong đó, có thuyết đề cập đến sư sãi và chùa chiền, đây là thuyết gần gũi nhất đối với đồng bào Khmer sống ở vùng ven biển. Ở thuyết này được kể như sau:
Vào một ngày trong tháng các nhà sư phải rời chùa đi khất thực, lúc ra đi tiết trời trong sáng, khi về mưa to, gió lớn, vì vậy nước ngập mênh mông. Để về được chùa các nhà sư không có cách nào khác ngoài việc phải đi bằng xuồng hay bè. Thấy thế, bà con Khmer trong làng đốn cây làm bè để đưa các sư về. Với quan niệm, ai chở được nhiều sư về chùa thì người ấy có phước lớn nên mọi người đua nhau đốn cây làm bè tranh nhau chở sư. Do đó, hội đua ghe ngo xuất phát từ đây.
Ghe ngo có hình dáng như con thoi, đầu và đuôi cong lên, không mui, dài khoảng 22 đến 24 mét, có từ 20 đến 24 khoang chứa từ 43 đến 52 quân chèo ngồi. Ghe thường làm bằng thân cây sao nguyên vẹn khoét ruột do dân và chùa cùng làm. Ghe ngo là ghe của nhà chùa, được xem như một vật thiêng và chỉ được dùng trong cuộc đua. Cuộc đua được tiến hành theo ba bước: bước đầu thi để loại trừ; bước hai vào chung kết; bước ba kết thúc để phân thứ hạng. Các ghe thắng ở vòng đầu sẽ được vào chung kết cho đến khi chỉ còn 4 ghe vào kết cuộc. Hai ghe thắng lại đua với nhau để phân nhất và nhì; hai ghe thua cũng đua với nhau để phân hạng ba, tư.
Theo quan niệm của đồng bào Khmer, hội đua ghe hàng năm là một hoạt động rước nước và nếu hoạt động này được tổ chức đều đặn thì công việc làm ăn, trồng trọt, cấy hái sẽ thuận lợi, may mắn. Vì vậy, phần thưởng trong cuộc thi đối với họ không quan trọng mà cái mong muốn của họ là sau khi ngày hội kết thúc, tất cả mọi người quay về nhà tiếp tục công việc làm ăn trong tinh thần phấn khởi.
Hiện nay, ở tỉnh Sóc Trăng hàng năm vào dịp lễ cúng trăng đều diễn ra hội đua ghe ngo. Cuộc thi không chỉ dừng lại ở phạm vi trong tỉnh mà cả các tỉnh bạn đều tham gia như Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… và thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham dự.
4. Kết luận
Dân tộc Khmer là một trong 54 dân tộc sống tại Việt Nam. Dân tộc Khmer đến ĐBSCL rất lâu đời, trong quá trình sinh sống tại ĐBSCL, người Khmer đã xây dựng riêng cho mình một nền văn hoá truyền thống, được thể hiện qua lễ hội, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… diễn ra trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, địa hình ĐBSCL có đồng bằng, ven biển, và đồi núi, vì vậy để thích nghi với địa bàn sinh sống, ngoài nền văn hoá truyền thống, người Khmer ở từng vùng, miền có một vài đặc điểm văn hoá riêng. Điều này thể hiện qua lễ hội dân gian giữa người Khmer An Giang (vùng núi) và người Khmer Sóc Trăng (vùng biển). Điều lưu ý là, lễ hội dân gian của người Khmer An Giang, người Khmer Sóc Trăng cũng giống như người Khmer ĐBSCL hàng năm có 03 lễ hội chính: Lễ mừng năm mới (Pithi Chol Chnam Thmay); lễ cúng ông bà (Pithi sen Dolta); lễ cúng trăng (Ok om bok). Tuy nhiên, tuỳ vào địa hình ở mỗi vùng mà các lễ hội diễn ra có những đặc điểm giống và khác nhau, cũng giống như Đảng ta đã từng khẳng định khi nói về nền văn hoá Việt Nam: “Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” [3, tr. 7]./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Ban Dân tộc tỉnh An Giang (2016), Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI) về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, Số 34/BC-BDT.
[2]. Trần Văn Bính (2004), Văn hoá các dân tộc Tây Nam Bộ thực trạng và những vấn đề đặt ra, NXB Chính trị Quốc gia.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), “Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1988 Hội nghị lần thứ năm BCHTW Đảng (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”,
http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/nghi-quyet-bch-trung-uong/khoa-viii/doc-5925201510233446.html.
[4]. Lê Hương (1969), “Người việt gốc Miên”, Sài Gòn, 4.
[5]. Trường Lưu (1993), Văn hoá người Khmer ĐBSCL, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.
[6]. Tổng cục Du lịch Việt Nam, (2015), “Đơn vị hành chính Sóc Trăng”,
http://www.vietnamtourism.com/index.php/about/provinces/8479.
[7]. Mạnh Tráng, (2013), “Thông tin về dân cư và văn hóa vùng miền vùng ĐBSCL”,
http://ptit.edu.vn/wps/portal/nongthonvn/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3hLizBHd1cfIwN_MyM3A08vc2cXVx83Y49AY_2CbEdFAO8ydjg!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/nongthonvn/nongthonvn/vungnongthon/dongbangsongcuulong/7ab52b80404c2ce6a5e2ff9171cb7767.
[8]. Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang (2013), Địa chí An Giang, Ban Tuyên giáo tỉnh An Giang.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đồng Tháp, số 36 (02-2019)
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tìm hiểu sự giống – khác nhau giữa lễ hội dân gian của người Khmer An Giang và người Khmer Sóc Trăng (Tác giả: Nguyễn Thị Hoàng Phượng) |