Tìm hiểu triết lý cơ bản của Phật giáo qua ngôn ngữ biểu tượng (Phần 1)
THE BASIC PHILOSOPHY OF BUDDHISM
THROUGH THE VIEW OF SYMBOL STUDIES
Tác giả bài viết: Nghiên cứu sinh ĐẶNG VINH DỰ
(Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế)
TÓM TẮT
Phật giáo với 2.600 năm tồn tại đã được đông đảo cộng đồng cư dân, đặc biệt ở Châu Á, nhắc đến là tôn giáo tìm ra nguyên nhân của sự khổ và con đường giảm trừ khổđau. Trong tư tưởng, triết lý của tôn giáo này, vũ trụ quan, nhân sinh quan,… đã được tín đồ, Phật tử đón nhận thông qua hệ thống kinh văn cũng như ngôn ngữ biểu tượng. Với đặc tính cô đọng và hàm súc của ngôn ngữ biểu tượng, những nội dung vi diệu của hệ thống triết lý Phật giáo đã được chuyển tải một cách đơn giản nhất. Tuy nhiên, vì biểu tượng có tính cô đọng nên nhiều người không hiểu hết những ẩn ý của biểu tượng. Bài viết này lý giải một số triết lý của Phật giáo qua ngôn ngữ biểu tượng. Từ khóa: Triết lý, Phật giáo, ngôn ngữ biểu tượng.
ABSTRACT
Buddhism has existed for 2,600 years. Many inhabitants communities, particularly in Asia, considered it as a religion which found out the cause of the sufferings and the path of reduction them. Its ideology, philosophy, worldview, view of human life, etc., has been received by the Buddhists through the scriptures as well as the symbolic language. The conciseness of the symbolic language and the miraculous content of the Buddhist philosophy was conveyed in the most simple way. However, for symbol’ conciseness, it is difficult for everybody to have a knowledge of symbolic implications. The contribution explains some basic philosophy of Buddhism through its symbolic representation.
Keywords: Buddhism; philosophy; symbolic language.
1. Dẫn nhập
Triết lý cốt lõi của Phật giáo nằm ở việc tìm ra nguyên nhân của sựkhổ và con đường giảm trừ khổđau. Trong Tứ diệu đế, Đức Phật đã chỉ ra mọi sự khổđều có nguyên do của nó và Bát chánh đạo là con đường giúp những con người “là Phật sẽ thành” tìm được chân lý. Tìm hiểu và nghiên cứu về triết lý thâm sâu của vấn đề này đã được nhiều ngành, lĩnh vực đề cập đến từ ngày Đức Phật nhập diệt. Các lĩnh vực văn học, lịch sử, tôn giáo, triết học,… đều không ngừng kiến giải những vấn đề trên với nhiều kết quảđáng ghi nhận. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến những triết thuyết vi diệu trong Phật giáo qua góc nhìn của ngôn ngữ biểu tượng, một phương tiện truyền đạt hàm súc nhưng phổ dụng tại các cộng đồng văn hóa và những người mến mộ Phật giáo.
2. Ngôn ngữ biểu tượng
“Ngôn ngữ biểu tượng là loại ngôn ngữ mang tính tượng trưng được chuyên môn hóa ở mức độ cao. Loại ngôn ngữ này sử dụng các biểu tượng và ý nghĩa của chúng để giải mã các ngôn ngữ thông thường”1. Trong khi ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết cho phép con người giao tiếp với nhau bằng khả năng tri nhận trực tiếp của các giác quan thì ngôn ngữ biểu tượng cho phép con người ở nhiều nền văn minh khác nhau, nhiều vùng văn hóa khác nhau, thậm chí ở nhiều thời gian và không gian khác nhau hiểu được nhau nhờ vào đặc tính căn bản của nó là thông tin và giao tiếp thông qua hệ thống ký hiệu của nó. Nhờ có ngôn ngữ biểu tượng mà con người có khả năng giao tiếp vượt thời gian và không gian để hiểu được con người sống ở các nền văn minh cổ xưa cách chúng ta hàng nghìn năm thông qua những di vật văn hóa mà họ để lại. Trong xã hội hiện đại, ngôn ngữ biểu tượng giúp con người giao tiếp và hòa nhập với nhau mà không nhất thiết phải nói chung một thứ tiếng2. E. Fromm từng nhấn mạnh ngôn ngữ biểu tượng “là ngôn ngữ mang tính toàn cầu duy nhất mà con người từng biết. Nó là ngôn ngữ được sử dụng trong những câu chuyện thần thoại đã có 5.000 năm tuổi và trong những giấc mơ của con người hiện đại. Cho dù ở Ấn Độ hay Trung Quốc, ở New York hoặc Paris, ngôn ngữ biểu tượng đều giống nhau”3. Đối với Nhân học, đặc biệt là Nhân học nghiên cứu biểu tượng, Nhân học nghiên cứu tôn giáo, ngôn ngữ biểu tượng là một phần hết sức quan trọng trong các ngôn ngữ biểu hiện của văn hóa. Trên thực tế, nó đóng một vai trò có tính quyết định cho sự tồn tại ý nghĩa của các thành tố văn hóa. Bởi nếu không có bộ phận này thì các sản phẩm do con người tạo ra chỉ là những sự vật và hiện tượng vô nghĩa hoặc những đồ vật “vô tri vô giác” mà thôi. Edmund Leach nhận định rằng: “Đối với nhà nhân học, ngôn ngữ là một phần của văn hóa, chứ không phải là một đối tượng nghiên cứu tự thân. Hầu hết các vấn đề của nhà nhân học liên quan đến việc giao tiếp của con người. Ngôn ngữ là một phương tiện, nhưng những hành vi thông thường cũng là phương tiện giao tiếp,…”4. Việc sử dụng các biểu tượng trong đời sống như một loại ngôn ngữ đặc thù của văn hóa đã được con người thực hiện từ lâu nhưng lý thuyết đề cập đến loại hình công việc này mới chỉ ra đời cách ngày nay khoảng một thế kỷ. Ngôn ngữ biểu tượng là một thành tố văn hóa do con người tạo ra để sử dụng như một loại công cụ thông tin và giao tiếp có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống văn hóa của con người. Vì vậy, việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng chính là tìm hiểu đời sống văn hóa và xã hội loài người5.
3. Ngôn ngữ biểu tượng trong Phật giáo
Đối với Phật giáo, ngôn ngữ biểu tượng có mục đích là làm nhớ lại, hỗ trợ và củng cố những chân lý bất diệt của tôn giáo bên cạnh việc xây dựng nên những hình tượng được lý tưởng hóa cao, tinh tế gấp vạn lần những hình tượng cụ thể trong kiếp sống trần tục. Dựa vào một số sự kiện quan yếu hoặc “những giáo huấn”, biểu tượng Phật giáo trợ giúp tín đồ trong việc quán tưởng đạo pháp lắm lúc phức tạp. Những biểu tượng ấy có thể là các di tích, chùa tháp hay nhỏ hơn là bình bát khất thực, phù đồ (stupa), cây Bồ đề,… và cũng có thể là “các bản kinh, vô số các dụng cụ nghi lễ và nhiều công trình kiến trúc khác nhau,… cuối cùng là vô số tượng, các bức họa và các bản sao của những sự kiện và các nơi chốn quan trọng”6. Ngôn ngữ biểu tượng trong Phật giáo đã thể hiện một cách công phu hình tượng từ một người giảng đạo bình thường, những bậc cứu độ chúng sinh đầy tự tin cho đến các đấng thần linh dữ dằn và phát triển rộng tới các hình tượng bí hiểm cũng như những trì vật cực kỳ phức tạp. Bên cạnh đó, trong hệ thống biểu tượng Phật giáo, các Thiên thần, Hộ pháp,… cũng là đối tượng trang trí xuất hiện nhiều tại các công trình kiến trúc Phật giáo. Có “thiên hình vạn trạng” các loại hình tượng và tưng ứng chừng ấy những Phật thoại, câu chuyện lý giải về nguồn gốc của các vị. Do đó, để dễ dàng hơn trong việc nhận biết, phân biệt, mỗi pho tượng sẽ được trang trí kèm theo một pháp khí, trì vật đặc trưng của từng vị bên cạnh những tư thế, cử chỉ, thủ ấn,….
Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ biểu tượng Phật giáo đã có những bước đi từ trừu tượng đến cụ thể. Từ các biểu trưng sơ khai là tháp, những trụ cột, cây cối, ngai tọa, bánh xe, động vật cho đến hình tượng người dâng lễ đầy sung mãn và cuối cùng là hình tượng của Đức Phật. Nói một cách khác, thời kỳ của tháp, trụ cột, câu cối, ngai tọa,… được gọi là thời kỳ Vô tượng diễn ra tại Ấn Độ. Trong giai đoạn này, để chuyển tải triết lý của Phật, ngoài kinh sách, về mặt biểu tượng chỉ có những hình ảnh gợi ý về lời dạy của Phật hơn là hình tượng miêu tả Ngài trong hình dáng con người. Tiêu biểu đó là Stupa, biểu tượng thiêng liêng tượng trưng cho Đức Phật, thường được ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một bức tường, trên đó có nhiều họa tiết tượng trưng cho các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời Phật. Tiếp đến là các ký hiệu, đồ tượng biểu hiện như dấu chân Phật (Túc tích) biểu thị việc du hóa của Ngài; bệ ngồi (đài tọa) để án thị Đức Phật; hoa sen (liên hoa) biểu trưng cho việc Thế Tôn đản sinh; cây Bồ đề (Bồ đề thụ) biểu trưng cho việc Đức Phật thành đạo; bánh xe pháp (pháp luân) biểu trưng cho việc thuyết pháp và tháp Phật biểu trưng cho việc Phật nhập Niết Bàn7. Việc tuân thủ các biểu tượng này kéo dài từ thời Phật Thích Ca còn tại thế đến suốt 500 – 600 năm sau. Mãi đến thế kỷ I Công nguyên, hình tượng Đức Phật mới ra đời8. Ở Gandhara xuất hiện hình ảnh chư Phật và chư Bồ tát với nét mặt người Châu Âu, tóc xoăn và râu mép, mặc áo choàng giống áo Toga của người La Mã, biểu lộ ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách nghệ thuật Hy Lạp – La Mã. Tuy nhiên, ở Mathura lại có một phong cách tạc tượng mang tính Ấn Độ với trang phục Ấn Độ và nét mặt tròn trịa, tươi cười9. Nhưng để hình ảnh Thích Ca, Bồ Tát linh thiêng và mang tính siêu việt thì nghi quy về 32 tướng tốt10 và 80 vẻ đẹp làm chuẩn mực cho nghệ thuật tạo tượng đã xuất hiện. Trong nghệ thuật tạo hình Phật tượng còn bao quát luôn cả thủ ấn, tư thế, khí sắc cùng tất cả đồ tôn tạo trang nghiêm như tòa sen, pháp khí, hào quang, bệ đài, bao lam thân vọng và sắc màu vàng son,…. Ngôn ngữ biểu tượng trong nghệ thuật trang trí Phật giáo đạt đến thời kỳ hoàng kim dưới triều đại Gupta (thế kỷ IV và V) khi hình tượng của Đức Phật và chư vị Bồ Tát được chạm khắc vào đá một cách duyên dáng theo phong cách Ấn Độ thực sự. Phong cách này cuối cùng du hành khỏi biên giới Ấn Độ và ảnh hưởng đến nghệ thuật Phật giáo ở các vùng khác. Cũng từ đây, hệ thống Phật tượng thể hiện giáo lý Phật giáo phát triển đa dạng về phong cách và ý nghĩa.
Bên cạnh đó, trong hệ thống ngôn ngữ biểu tượng văn hóa Phật giáo, các Thiên thần, Hộ pháp, Dạ xoa,… cũng là đối tượng trang trí bắt đầu xuất hiện nhiều tại các công trình kiến trúc Phật giáo. Có “thiên hình vạn trạng” các loại hình tượng và tưng ứng chừng ấy những Phật thoại, câu chuyện lý giải về nguồn gốc của các vị. Do đó, những pho tượng còn thường được trang trí kèm theo một pháp khí, trì vật đặc trưng của từng vị bên cạnh những tư thế và cử chỉ, thủ ấn. Điều đó, giúp sự phân biệt được dễ dàng hơn.
Trong lịch sử phát triển ở Châu Á, điều đáng chú ý là biểu tượng Phật giáo có sự phân chia rõ ràng theo hai khu vực. Ở các vùng phía Bắc Châu Á, phần lớn biểu tượng tập trung mô tả sự phân cực giữa sự trọng thưởng thiên giới và sự đày đọa khổ ải cá nhân. Trong khi đó biểu tượng ở khu vực các nước Đông Nam Á chú trọng về những đề tài cổ xưa và có tính truyền thống, nhất là các đề tài liên quan đến Đức Phật và những lời giáo huấn của Ngài. Cụ thể hơn, đó là sự khác nhau cơ bản trong nội dung biểu tượng giữa hệ phái Bắc truyền/Bắc tông và Nam truyền/Nam tông. Trong khi Phật giáo Nam truyền xem trọng hình tượng Thích Ca Mâu Ni và những tiền kiếp cũng như các thời kỳ lịch sử trong cuộc đời của Ngài như một nét đặc trưng thì Phật giáo Bắc truyền ngoài hình tượng Phật Thích Ca còn có Chư thiên, Bồ Tát, A La hán,…. Bên cạnh đó, Phật giáo Bắc truyền quan niệm vai trò của đấng Thích Ca Mâu Ni theo cách thức trừu tượng và cùng với tất cả mọi việc và muôn loài, xem Ngài như một hiện thân của một năng lực cao cấp và siêu phàm hơn11. Các hình tượng siêu việt trong nghệ thuật Phật giáo Bắc truyền là sự biểu đạt một Đức Phật đặt cách xa thực tại trần gian và gần với thượng giới. Sự khác biệt này được nhấn mạnh bởi khung cảnh, gồm các cung điện xây dựng theo phong cách Phật giáo Bắc truyền, với nhiều kẻ hầu hạ và các thiên thần, tạo ra một khung cảnh tráng lệ ở thượng giới. Trong khi đó, Phật giáo Nam truyền lại thích các hình tượng đơn độc, chú trọng tới những phẩm hạnh tham thiền, kham nhẫn. Bên cạnh đó, trong hình tượng Đức Phật, ngoài sự giống nhau khi mô tả các tướng tốt như bạch hào mi, những ngón tay có màng da, dấu hiệu hoa sen và bánh xe bên trên các gót chân thì nhục kế (Ushnisha) tiêu biểu cho tuệ năng cao cấp là dấu hiệu khác biệt dễ nhận thấy. Nghệ thuật Phật giáo Bắc truyền chỉ thể hiện chi tiết này vừa đủ để nhận thấy thì Phật giáo Nam truyền lại nhấn mạnh hơn bằng hình ảnh giúp nó nhô cao.
Có thể thấy sự mênh mông và phong phú của hệ thống ngôn ngữ biểu tượng trong Phật giáo. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi vùng đất đều có những yếu tố mang đặc trưng riêng dù ý nghĩa cốt yếu gần như tương đồng. Michael Jordan từng nhận định: “Tính biểu tượng giữ một vai trò then chốt trong Phật giáo hơn cả trong Ấn giáo, biểu thị những niềm tin cùng được san sẻ; chúng kết nối con người lại với nhau trong cùng một niềm tin nhưng chúng cùng được trừu tượng hóa đủ để cho phép mỗi cá nhân giải thích chúng theo một biên độ giao động khá rộng cho từng bản sắc riêng”12. Cũng vì vậy, có nhiều cách để lý giải cho sự thích nghi và chuyển hóa bên trong các nền văn hóa khác nhau, hòa mình trong niềm tin của các cộng đồng dân tộc mà Phật giáo đã làm được. Sự giao thoa hài hòa với các tập tục có trước, có chung một nguồn gốc với các thần linh bản xứ là những yếu tố cần thiết để tạo nên tính đa sắc trong biểu tượng văn hóa Phật giáo.
Còn tiếp. Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp
Tìm hiểu triết lý cơ bản của Phật giáo qua ngôn ngữ biểu tượng (Phần 2)
Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11&12 – 2016
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)