Tín ngưỡng của người H’mông ở Việt Nam (Phần 1)

NGUYỄN THỊ SONG HÀ1 , VÕ THỊ MAI PHƯƠNG2
(1 Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
2 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Người H’mông là một trong 54 tộc người ở Việt Nam. Văn hóa của người H’mông ở Việt Nam có nhiều đặc điểm tương đồng với các tộc người khác, song cũng có khá nhiều điểm khác biệt mang bản sắc riêng. Trong tín ngưỡng truyền thống của người H’mông có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ các loại ma, tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ đời người, tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp, tín ngưỡng liên quan đến lễ hội… Các tín ngưỡng truyền thống này có nhiều giá trị văn hóa, nhưng cũng có một số phong tục lạc hậu. Hiện nay, một bộ phận người H’mông đã thay đổi về đời sống tín ngưỡng truyền thống để thích ứng với điều kiện sống mới.

Từ khóa: Người H’mông, tín ngưỡng, truyền thống.

Phân loại ngành: Dân tộc học.

ABSTRACT

     The Hmong is one of the 54 ethnic groups in Vietnam. Their culture bears multiple similarities with other ethnic groups, but also possesses many traits with its own identity. Their traditional beliefs include those of worshiping ancestors, “ghosts” (deities), and those related to the cycle of life, to the agricultural worship, and to festivals, etc. Such traditional beliefs bear many cultural values but some of them are backward customs. Today, a part of the Hmong people have changed their religious activities to adapt to new living conditions.

Key words: The Hmong, beliefs, traditions.

Subject classification: Ethnology.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Người H’mông là một tộc người thiểu số ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ H’mông – Dao. Người H’mông chia thành 6 nhóm: H’mông Hoa, H’mông Xanh, H’mông Trắng, H’mông Đen, H’mông Đỏ, Na Miểu [7]. Hiện nay, người H’mông ở Việt Nam cư trú chủ yếu trên vùng núi cao của các tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang), một số tỉnh miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An…) và Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông…). Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người H’mông ở Việt Nam có dân số 1.068.189 người, đứng hàng thứ 8 trong bảng danh sách các dân tộc ở Việt Nam, cư trú tại 62 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người H’mông cư trú tập trung đông tại các tỉnh như: Hà Giang (231.464 người), Điện Biên (170.648 người), Sơn La (157.253 người), Lào Cai (146.147 người), Lai Châu (83.324 người), Yên Bái (81.921 người), Cao Bằng (51.373 người), Nghệ An (28.992 người), Đắk Lắk (22.760 người), Đắk Nông (21.952 người), Bắc Kạn (17.470 người), Tuyên Quang (16.974 người), Thanh Hóa (14.799 người)… Bài viết 3 trình bày tín ngưỡng truyền thống của người H’mông; phân tích và chỉ ra những điểm khác biệt giữa tín ngưỡng truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo (đạo Tin Lành) của người H’mông ngày nay.

2. Khái quát về tín ngưỡng truyền thống của người H’mông

     Người H’mông có nền văn hóa phong phú và đa dạng thể hiện rõ bản sắc văn hóa của tộc người này. Trong văn hóa của người H’mông có nhiều đặc điểm tương đồng với các tộc người khác, song cũng có khá nhiều điểm khác biệt mang bản sắc, đặc trưng riêng. Điều đó được thể hiện rõ qua các giá trị văn hóa tinh thần, đời sống tín ngưỡng, nghi lễ và phong tục tập quán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, do chuyển đổi tín ngưỡng của một bộ phận người H’mông, cùng với đó, do sự thay đổi về môi trường cư trú, do tập quán du canh du cư, sự giao thoa và tiếp nhận văn hóa của các cộng đồng tộc người thiểu số ở những nơi mà người H’mông sinh sống, nên văn hóa (trong đó có tín ngưỡng) của người H’mông đang có nhiều biến đổi để thích ứng với điều kiện sống mới. Điều này làm cho văn hóa của người H’mông trở nên phong phú và ngày càng đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện đại, song cũng đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc lựa chọn, bảo lưu và gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người này.

     Người H’mông có đời sống văn hóa, tín ngưỡng truyền thống vô cùng phong phú. Những quan niệm về vũ trụ, về linh hồn, về con người, về vạn vật, và đặc biệt về “thế giới ma” (đăk/đa) của người H’mông là những tín ngưỡng đã tồn tại từ rất lâu và được bảo lưu cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, trong quá trình biến đổi, tiếp nhận các giá trị văn hóa mới, nên hiện nay, một bộ phận người H’mông theo phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống và bộ phận người H’mông theo đạo Tin Lành. Do sự tồn tại của hai bộ phận này, nên niềm tin, quá trình thực hành các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo của họ có sự khác nhau.

     Người H’mông quan niệm vũ trụ có ba tầng; đó là: tầng trên cao là trời (nơi trú ngụ của các thần của tổ tiên); tầng giữa là mặt đất, là thế giới; tầng dưới mặt đất là âm phủ. Thế giới đó ra đời là do một cặp “Cha – Mẹ” (là ông Trày và bà Trày) [4, tr.125-126] [10, tr.80]. Hai cặp đối lập Cha – Mẹ, Trời – Đất là hai hình thái sinh sản đồng nhất. Mẹ đồng nghĩa với Đất, Cha đồng nghĩa với Trời, đó chính là sự thể hiện đầu tiên về sự ảnh hưởng của triết lý âm – dương đối với người H’mông. Theo tín ngưỡng của người H’mông, trong quá trình hình thành vũ trụ, con gà trống giúp cho con người phân định rõ ngày và đêm, cõi sống và cõi chết. Vì vậy, trong các nghi thức cúng của người H’mông bao giờ cũng phải có gà trống làm lễ vật [8, tr.16-20].

     Người H’mông có một niềm tin khá mãnh liệt về thế giới tâm linh, về vũ trụ, linh hồn và các loại ma, nên trong cuộc sống, họ có cách thức ứng xử khá cụ thể cho niềm tin đó. Chẳng hạn, người H’mông cho rằng, con người có 3 linh hồn (đăk/đa) ngự trị ở 3 nơi khác nhau trong cơ thể. Hồn thứ nhất ở đỉnh đầu. Trong đời sống hàng ngày, người H’mông kiêng xoa đầu, nhất là đầu trẻ em, vì hồn trẻ em còn yếu, xoa đầu hồn sẽ bỏ đi, khiến đứa trẻ đau ốm. Hồn thứ hai ở vùng ngực. Người H’mông cho rằng, hồn này ít bỏ đi lang thang, nhưng khi đã bỏ đi thì bệnh sẽ rất nặng, nhất là ở trẻ nhỏ, phụ nữ, vì thế họ thường đeo vòng cổ bảo vệ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vòng này tượng trưng chiếc chìa khóa được thầy cúng phù phép ngăn cản hồn đi chơi. Hồn thứ ba ở vùng rốn. Hồn này cai quản thân thể và các bộ phận nội tạng.

     Người H’mông tin rằng, con người là sự kết hợp của linh hồn và thể xác. Khi con người khỏe mạnh, linh hồn và thể xác đang chung sống thuận hòa. Khi con người ốm đau, linh hồn đã rời khỏi cơ thể. Người H’mông quan niệm rằng, hồn thường rời khỏi cơ thể trong một số tình huống (như: bị ngã, bị người khác dọa, đi rừng đi suối bị ma rừng ma suối bắt mất hồn, gặp điều gì đó làm con người thất kinh, sợ hãi…). Khi nhà có người ốm, trẻ con bị ngã, toát mồ hôi, biếng ăn, thì có thể một số linh hồn đã đi mất, cần phải gọi vía. Đó chính là lý do vì sao lễ gọi vía rất phổ biến trong cộng đồng người mông.

     Theo văn hóa của H’mông, tín ngưỡng truyền thống gắn bó mật thiết với các quan niệm và ứng xử với thế giới tổ tiên, hệ thống ma nhà, vật linh giáo, saman giáo, các lễ thức dân gian. Các dạng thức tín ngưỡng chủ yếu của người H’mông là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ các loại ma, tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ đời người, tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp, tín ngưỡng liên quan đến lễ hội.

3. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

     Trong thế giới tâm linh của người H’mông, thờ cúng tổ tiên có một ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thể hiện niềm tin, mà còn là những hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thiêng liêng. Tín ngưỡng này có vai trò to lớn để người H’mông nhớ đến cội nguồn và văn hóa dân tộc. Người H’mông quan niệm rằng, tổ tiên là những người đã chết trong 3 đời trở lại (cha, ông, cụ). Do đó, trong các dịp lễ Tết của mình, người H’mông thường cúng gọi tên tuổi những người thuộc 3 thế hệ đã khuất của dòng họ mình trở về ăn Tết, phù hộ cho con cháu. Trong lễ cúng năm mới, theo quy định của văn hóa cộng đồng vốn đã hình thành và tồn tại lâu đời, người H’mông bao giờ cũng phải làm 3 chiếc bánh dày tượng trưng cho 3 thế hệ những người đã khuất (ông bà, bố mẹ và những người bằng vai đã qua đời). Nếu không có 3 chiếc bánh dày đó, ông bà tổ tiên sẽ không về vui Tết cùng con cháu.

     Bàn thờ tổ tiên của người H’mông khá đơn giản, thường đặt ở vị trí gian giữa, được dán một miếng giấy hình chữ nhật kích thước 20-30cm. Trang trí bàn thờ phụ thuộc quy định của từng dòng họ. Chẳng hạn như, bàn thờ họ Giàng có miếng giấy đỏ dán lên miếng giấy trắng, trên đó dán 3 túm lông gà (tuy nhiên, họ Giàng của người H’mông Trắng phân chia thành 3 nhánh không có bàn thờ, có bàn thờ treo giấy bản) [12]. Họ Vàng (gốc Sơn La)4 không có bàn thờ tổ tiên, thờ tổ tiên bằng cột nhà và thường dán 3 miếng giấy ở trên đó. Theo các cụ già người H’mông cho biết, trong truyền thống người H’mông không có bàn thờ, chỗ cắm hương là ống tre gài lên tường và khi cúng thì kê một cái bàn ở phía dưới và đặt đồ cúng lên. Hiện nay, có một số gia đình người H’mông dùng bàn đặt bát hương thay cho bàn thờ. Do sự khác biệt trong quan niệm về tổ tiên của mình theo từng dòng họ, từng nhóm người H’mông khác nhau, nên khi nhìn vào nơi thờ tổ tiên, người ta có thể phân biệt được các cách thức chôn cất mộ người chết của các dòng họ. Chẳng hạn như, nếu trong bàn thờ tổ tiên được trang trí nhiều giấy màu với nhiều màu sắc khác nhau, thì dòng họ có mộ xếp đá5; còn nếu bàn thờ chỉ dùng một loại giấy màu trắng đục duy nhất để trang trí thì dòng họ có mộ không xếp đá.

     Đối với người H’mông, nơi đặt bàn thờ rất linh thiêng, chỉ có chủ gia đình mới được làm chủ lễ cúng mời tổ tiên, và chỉ có đàn ông mới được đến gần bàn thờ. Bàn thờ thường được làm mới vào dịp Tết, gọi là “thay áo mới cho bàn thờ”. Người ta bỏ giấy cũ, vệ sinh sạch sẽ khu vực bàn thờ, dán giấy màu, lấy lông cổ của con gà trống dành cho tổ tiên, chấm vào tiết của chính nó rồi dán lên bàn thờ. Số túm lông được quy định theo mỗi dòng họ. Lễ vật cúng tổ tiên là con gà trống có lông cổ màu đỏ. Theo quan niệm của người H’mông, lông của gà trống được dán trên bàn thờ tổ tiên với ý nghĩa như sự hiện diện của linh hồn gà trống để giữ cửa cho gia đình, bảo vệ cả gia đình 12 tháng trong năm. Khi thay bàn thờ, thay giấy, cúng bằng một con gà trống, người ta đính lông của con gà đó lên, thì con gà đã hoàn thành nhiệm vụ, được đầu thai sang kiếp khác. Trong lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết, người ta cầu xin cho gia đình sức khỏe dồi dào, quanh năm không có bệnh tật; gia súc, gia cầm đầy chuồng; thóc về đầy gác.

4. Tín ngưỡng thờ các loại ma

     Người H’mông quan niệm rằng, tất cả mọi vật đều có linh hồn, mỗi một ngọn núi, cánh rừng, gốc cây, hòn đá đều có ma cai quản. Ma thiện thì ít, còn ma ác thì nhiều, chúng luôn rình rập để bắt hồn người sống. Trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp chuyện gì không may thì người H’mông cho rằng đó là do ma làm. Do đó, trong gia đình người H’mông bên cạnh thờ cúng tổ tiên, còn tồn tại một hệ thống ma nhà với những nghi thức cúng khác nhau.

     Ma ngũ hải là ma nguy hiểm nhất trong quan niệm của người H’mông; nó thường gây ra những cái chết đột ngột, chẳng hạn như ngạt thở hoặc hộc máu mồm mà chết.

     Ma theo sau được gọi là “đax khua đê”. Theo người H’mông, loại ma này chỉ có trong nội bộ tộc người; nó xuất hiện khi các cá nhân có mối hiểm khích, có thể khấn ma đi làm hại người khác. Loại ma này thường gây ra những trận ốm đột ngột nhưng không nguy hiểm như ma ngũ hải.

     Ma thi vi sú (thix vi suz, thiz vi sư) là loại ma mà người H’mông luôn đề phòng. Loại ma này thường gây ra tai nạn, như cháy nhà, đá lăn, cây đổ vào người đi rừng, đi nương. Với những cái chết bị ma thi vi sú làm, người H’mông phải mời thầy cúng đến để tẩy rửa mọi xui xẻo trong nhà, trong dòng họ. Con vật được thay thế để nhận mọi xui xẻo là con dê. Con vật này sẽ cõng những điều không may mắn đi thật xa, đến nơi hồ rộng biển sâu, nơi không có con người và cả chim muông cũng không thể đến đẻ trứng, khuất hẳn cuộc sống của họ.

     Khi làm lễ cúng này, tất cả các gia đình trong dòng họ phải cùng làm. Nếu gia đình nào trong họ mà không làm lễ tẩy uế thì ắt hẳn mọi sự xui xẻo sẽ rơi vào nhà đó. Sau lễ tẩy uế này, họ tin rằng, mọi xui xẻo sẽ không đến nữa. Đến nay tục lệ này vẫn còn được người H’mông thực hiện một cách chu đáo. Có nhiều dòng họ cứ hai ba năm lại tổ chức một lần [12].

     Bên cạnh các loại ma ác chuyên làm hại người, còn có các loại ma thiện. Loại ma này sống gần gũi với con người và được con người thờ cúng. Theo người H’mông, ma buồng là ma coi giữ hồn của cha mẹ, con cái. Ma bếp là ma coi giữ lương thực, thực phẩm và sức khoẻ. Ma cửa (xia minhx) là ma giữ không cho tiếng khèn, tiếngtrống, con ngựa hương vàng, con ngựa hương trắng (đó là cáng treo người chết) có trong gia đình. Đặc biệt là, bàn thờ (xử ca), ma cửa (miếng vải đỏ treo ở cửa chính), ma buồng (chiếc rọ và quả bầu treo ở buồng ngủ), ba thứ này không thể thiếu trong gia đình người H’mông và chúng đều bảo vệ cho gia đình.

     Theo quan niệm các gia đình, nếu không có ứng xử chu đáo, khéo léo với các loại ma, thì sẽ có khả năng các ma sẽ làm cho cuộc sống gia đình không được hạnh phúc, làm ăn gặp khó khăn, hay ốm đau, bệnh tật. Trong văn hóa của người H’mông từ lâu đã có quy định mà bất cứ gia đình nào cũng phải tuân theo; với quy định đó, đàn ông người H’mông sau khi lập gia đình, sinh con đẻ cái phải tổ chức cúng ma buồng (đax trong – ma phụ nữ). Lễ cúng này là cúng ma phụ nữ, giúp cho gia đình chăn nuôi lợn tốt, bảo vệ sức khỏe cho con cái trong nhà. Lễ vật cúng bắt buộc phải có lợn, một quả bầu cong phần đầu để đựng nước luộc thịt và óc lợn. Khi cúng, tay trái cầm quả bầu, tay phải cầm một cái roi nhỏ để vừa cúng vừa đuổi lợn. Cúng đuổi lợn được thực hiện 5 lần. Hay như, trong quan niệm của người H’mông, ma bếp (đăk kho trù) là vị thần linh bảo vệ mùa màng, hoạt động sản xuất nông nghiệp. Một số dòng họ còn quan niệm ma bếp cũng liên quan đến sức khỏe và chăn nuôi, là người trông nom tài sản khi gia đình đi vắng. Do đó, lễ cúng ma bếp được các gia đình tiến hành vào đêm 30 Tết với lễ vật là một con gà. Trong cuộc sống hàng ngày, người H’mông vẫn thực hiện những kiêng kị dành cho ma bếp, đó là khi làm lễ cúng năm mới 3 ngày, không được nhóm bếp, thổi lửa vì sợ mùa màng năm đó bị gió cuốn gãy đổ; không được đánh đổ nước, nhất là nước cơm xuống bếp, vì sợ mùa màng bị lũ quét phá hoại do mưa to; không được giẫm chân lên bếp, không được cáu gắt khi nhóm bếp vì làm ma bếp giận, bỏ đi. Phụ nữ trong thời gian mang thai không được xúc tro trong bếp, vì xúc tro sẽ làm mùa màng thất bát, gia súc bị bệnh dịch; không được gõ hoặc đánh vào bếp, vì điều đó sẽ vận vào sức khỏe của ông chủ nhà (bị đau chân, đau tay). Đối với người H’mông, ma cửa (xìa mềnh) có nhiệm vụ như người gác cửa, ngăn ma ác vào nhà, bảo vệ gia súc, bảo vệ của cải, bảo vệ các linh hồn, ngăn không cho hồn các thành viên gia đình bỏ đi. Ma cửa thường ngự ở miếng vải đỏ dán trước cửa chính, do vậy khi làm nhà mới, gia đình nào cũng phải lập bàn thờ ma cửa. Trong nghi lễ gọi ma cửa, bao giờ cũng có hai con gà trống, một con gà trống được gia đình nuôi. Con gà này tượng trưng cho ma cửa, khi có điều gì cần báo thì ma cửa nhập vào con gà này. Những lúc gia đình có công việc hệ trọng, ông chủ nhà thường lắng nghe tiếng gáy của con gà này để đoán định mọi việc. Con gà này được gia đình giữ lại nuôi, không giết thịt, nếu chẳng may bị chết thì phải làm lễ để thay con khác [5, tr.99].

     Về thờ cúng dòng họ, người H’mông có một mối quan hệ dòng họ khá bền chặt, thiêng liêng, nó là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên xã hội truyền thống của họ. Người H’mông gọi dòng họ là “xênhv”. Đó là những người cùng gốc, cùng ông tổ, hay còn gọi là cùng ma. Điều đó có nghĩa là, người cùng họ không chỉ có cùng tên họ (Giàng, Vàng, Lý, Thào…), mà còn phải có cùng cách cúng ma tổ tiên. Người H’mông cho rằng, người có chung một tên họ (như Giàng, Vừ, Thào, Lầu, Lý…) đều coi nhau như anh em dẫu không có cùng một ông tổ. Có những họ mang tên con vật. Đó là: Sùng (gấu), Hầu (khỉ), Lồ (lừa), Má (ngựa), Giàng (dê), Lùng (rồng)… Có những họ mang tên mầu sắc. Đó là: Hoàng (vàng), Lu (màu xanh), Hùng (màu đỏ)… Có họ lấy tên cây. Đó là: Thào (đào), Lý (mận)… Có họ lấy tên đồ vật. Đó là: Cư (trống), Thèn (thùng)… Tùy theo từng dòng họ mà người ta có cách thức thờ cúng và kiêng kị khác nhau.

     Mời xem tiếp:

Tín ngưỡng của người H’mông ở Việt Nam (Phần 2)

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 – 2019

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)