Tính dân tộc và đại chúng của NGÔN NGỮ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ nội địa (Phần 1)
1. Mở đầu
Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài, có biển Đông rộng lớn và trong nội địa có rất nhiều sông ngòi, kênh rạch. Từ thời xa xưa, hình ảnh những chuyến đò ngang, đò dọc, những con thuyền chở khách, chở hàng đã đi vào văn hoá dân gian và kí ức của người dân Việt Nam. Cho đến những thế kỉ gần đây, giao thông đường biển ở Việt Nam đã phát triển mạnh. Chúng ta có những con tàu, những thuỷ thủ đoàn dày dạn kinh nghiệm sóng nước tham gia giao thông trên biển, góp phần kết nối Việt Nam với thế giới bên ngoài. Vì vậy, khi nói đến giao thông đường thuỷ, có thể đề cập đến cả đường sông và đường biển. Xét về khía cạnh ngôn ngữ học, thì trên đường biển (hàng hải) hầu như phải sử dụng các kí hiệu (vốn từ vựng và cú pháp) được quy định chung bởi tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Việt với nghĩa tương đương dịch thuật). Bởi vậy, để tìm hiểu về tính dân tộc và tính đại chúng của ngôn ngữ giao thông đường thuỷ của người Việt, ở đây xin chỉ bàn đến ngôn ngữ giao thông đường thuỷ nội địa (đường sông, gọi tắt là giao thông nội thuỷ).
Bài viết này giới hạn nghiên cứu hai đối tượng chính: từ đơn (từ do một hình vị tạo nên và từ đơn có thể là một âm tiết, cũng có thể nhiều âm tiết) và ngữ cố định (cụm từ có kết cấu chặt chẽ, khó có thể chêm xen mà không thay đổi về nghĩa), bao gồm cả từ địa phương, từ nghề nghiệp và thuật ngữ chuyên ngành, chủ yếu nằm trong hai trường từ vựng – ngữ nghĩa (tập hợp các đơn vị từ vựng căn cứ vào một nét đồng nhất nào đó về ngữ nghĩa) là:
– Trường tên gọi, cấu tạo và hoạt động của các phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa.
– Trường các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng đến giao thông đường thuỷ nội địa (địa hình, thuỷ văn,…).
Nguồn tư liệu cho bài viết này chủ yếu là các giáo trình, bài giảng chuyên ngành, những từ điển Việt – Anh, Anh – Việt, đặc biệt là cuốn Từ điển thuật ngữ giao thông đường thuỷ nội địa (Ngô Xuân Sơn chủ biên, NXB GTVT, 2002).
2. Đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ giao thông nội thuỷ (GTNT)
2.1. Đặc trưng cơ bản của các từ đơn
Các từ đơn có kết quả thống kê là 213 đơn vị. Thuộc về hệ thống ngôn ngữ, nên phương thức cấu tạo từ của từ đơn trong ngôn ngữ GTNT không có bất cứ sự khác biệt nào: là những từ do một hình vị tạo nên. Từ đơn hoàn toàn độc lập về mặt vị trí và cú pháp nhưng không lập thành hệ thống ngữ nghĩa dựa vào kiểu cấu tạo từ. Vì vậy, chỉ có thể phân tích cấu tạo của từ đơn dựa vào số lượng âm tiết cấu tạo nên chúng: từ đơn một âm tiết và từ đơn đa âm tiết. Trong những từ đơn đó, lại có thể phân định dựa theo từ loại. Sự phân chia này cũng chỉ có ý nghĩa tương đối vì trong ngôn ngữ có hiện tượng chuyển di từ loại, nên nếu muốn xác định đúng từ loại thì cần phải dựa vào tình huống hoặc mục đích sử dụng của chúng.
2.1.1. Từ đơn một âm tiết
a) Từ đơn một âm tiết là danh từ
Qua khảo sát, đây là dạng từ đơn phổ biến nhất (161/213) trong ngôn ngữ GTNT. Vì là danh từ, nên các từ đơn này chỉ đơn thuần mang tính định danh. Trong 161 từ này, có những từ rất chuyên biệt cho ngành nghề, ví dụ:
Đỏi: dây buộc tàu thuyền
Múp: cụm ròng rọc kép dùng để tăng lực kéo ngang
Phớt: đệm chắn dầu, chắn nước hoặc khí
Vụng: thuỷ vực (ngăn cách với biển bởi các doi cát).
Từ đơn là danh từ có mặt hầu khắp các trường từ vựng được khảo sát, chỉ khác nhau về tần suất xuất hiện. Đây là những danh từ tổng loại, ít có khả năng chuyển loại, nhưng có tính năng sản rất cao. Ví dụ: danh từ đò chỉ một loại phương tiện thô sơ có tính chất nổi trên mặt nước, có chức năng chuyên chở. Bản thân từ này không thể chuyển loại thành động từ, tính từ hay từ loại khác, nhưng có thể dùng phương thức ghép để tạo ra nhiều từ mới, như đò ngang, đò dọc, đò mán,… Trong ngôn ngữ hàng ngày, từ đò còn có thể kết hợp với một vài từ khác nữa và nghĩa của từ đó vẫn mang nghĩa tổng loại: thuyền đò, đò giang,…
Hầu hết các từ trong trường từ vựng chỉ phương tiện, chỉ những yếu tố tự nhiên đều là những từ quen thuộc với ngôn ngữ toàn dân, nhưng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực giao thông nội thuỷ. Đó là những từ như: bãi, đò (ghe, thuyền), sào, kênh, rạch, lạch, luồng, mưa, sóng, v.v. Có rất nhiều từ được dùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như: đà, đáy, gió, kè, lít, mác, mooc, v.v.
Như vậy, những từ đơn này có nguồn gốc rất đa dạng, là từ địa phương (thuyền, xuồng, ghe), hoặc là những từ vay mượn (mooc, mup, phớt,…).
b) Từ đơn một âm tiết là động từ
So với số lượng các từ đơn là danh từ, tính từ, thì từ đơn là động từ chiếm số lượng ít nhất (23/ 213 từ). Có lẽ cũng chính vì vậy mà nó chứa nhiều từ chuyên biệt nhất. Các ví dụ:
Bát: điều khiển cho phương tiện đi chậm lại
Cạy: thao tác điều khiển cho phương tiện chạy nhanh
Néo: cột chặt hoặc chằng bằng dây để phương tiện không bị trôi, hàng hoá không bị đổ,… Đây là những từ chỉ những hành động mà người tham gia hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ thường thao tác trong quá trình tác nghiệp. Số lượng các từ đơn là động từ được dùng rộng rãi trong ngôn ngữ toàn dân, ví dụ: chở, đâm, đụng, đẩy, ép, va,…
Những từ đơn ở đây không phải là từ tổng loại và một số từ có thể chuyển thành danh từ như chèo, neo,… Từ đơn là động từ chủ yếu được phân bố ở trường chỉ các hoạt động của phương tiện.
c) Từ đơn một âm tiết là tính từ
Hầu hết các từ đơn này (29/213) nói về trạng thái của phương tiện, của dòng chảy hoặc của hàng hoá được chuyên chở trong lĩnh vực GTNT.
Trong lớp từ này cũng có một vài tính từ thuộc thuật ngữ khoa học, mang đặc tính riêng biệt và được sử dụng nhiều, ví dụ: dạt/giạt, đằm,…
Những từ còn lại thì đã trở nên quen thuộc trong ngôn ngữ toàn dân, ví dụ: chìm, đắm, lắc, lật, ụp, trôi,…
Do đặc tính của từ loại, nên những từ đơn này chỉ có ý nghĩa khu biệt trong từng trường hợp cụ thể, không mang nghĩa tổng loại.
Về khả năng chuyển loại, có một số từ đáp ứng được, ví dụ: trôi, lật, v.v.
2.1.2. Từ đơn đa âm tiết
Những từ đơn đa âm tiết được khảo sát chủ yếu có nguồn gốc Ấn-Âu (40 đơn vị). Loại từ này chiếm số lượng lớn thứ hai trong lớp từ đơn chuyên ngành giao thông đường thuỷ nói chung và GTNT nói riêng. Hình thức của chúng giống như từ ghép, nhưng nếu tách ra từng âm tiết thì chúng không có nghĩa. Những từ này không phải là những từ chuyên biệt riêng cho ngành nghề, mà được dùng phổ biến trong một số lĩnh vực khác. Ví dụ những từ như ăng-ten, bê-tông, bu-gi, ca-bin, v.v. xuất hiện rất nhiều trong xã hội cũng như một số ngành kĩ thuật khác. Chỉ một số ít từ là chuyên dùng trong ngành, ví dụ:
Ba-lát (ballast): lượng nước dùng để cân bằng phương tiện
Bun-ke (bunker): dụng cụ hình phễu dùng để rót hàng rời vào phương tiện
Ma-ní (anchor link/anchor shackle): mắt nối xích neo,…
Trong những từ được sử dụng nhiều trong ngành như đã liệt kê, cũng có một số từ đã được xã hội hoá, trở thành ngôn ngữ toàn dân: ê – tô, ăng – ten,…
Những từ đơn này được cấu tạo bởi hai hoặc hơn hai hình vị. Xét về từ loại thì chúng là danh từ, nên một số từ có thể trở thành danh từ tổng loại như ca-nô, sà-lan,… Những từ đơn nhiều âm tiết gốc Ấn – Âu này không có khả năng chuyển loại, mà chỉ có thể dùng phương thức ghép để tạo nên từ ghép phân nghĩa.
… (còn tiếp)
MỜI XEM TIẾP PHẦN 2: Tính dân tộc và đại chúng của NGÔN NGỮ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ nội địa (Phần 2)
NGUYỄN THỊ HẢI HÀ 1
__________
1. Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh.