Tình hình các đô thị Việt Nam thời Nguyễn dưới sự đô hộ của thực dân Pháp

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hỷ
(Đại học Quốc Gia Hà Nội)

     Năm 1858, Thực dân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, qua nhiều giai đoạn. Với hòa ước 1884, Pháp đã đặt toàn bộ sự hỗ trợ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Một nền chính trị và kinh tế xã hội mang tính chất tư bản thực dân bao trùm lên nền tảng của một xã hội phong kiến cổ truyền Việt Nam. Các đô thị Việt Nam, trong hoàn cảnh đó cũng có nhiều chuyển hóa căn bản.

     Trước hết, là sự chuyển biến có phần chậm chạp của các đô thị cũ. Một số đô thị lớn đã chuyển sang nền thống trị trực tiếp của chính quyền thực dân Pháp. Hà Nội trở thành một thành phố nhượng địa của Pháp năm 1888. Thị xã Huế được thành lập năm 1899. Nhìn chung, quá trình đô thị hóa ở dây là một sự “cấy ghép của một thực thể kinh tể -xã hội mà vào một cơ thể kinh tế-xã hội cổ truyền tiền thực dân. Vì vậy, sự đô thị hóa này đã “rải rác, thường là chậm trễ và không đầy đủ”. Trong khi đó, một số được coi là “đô thị mới” chủ yếu hình thành và phát triển trong thời kỳ thực dân, đó là trường hợp của Hải Phòng và Đà Nẵng, Sài Gòn sau khi Pháp chiếm năm 1861 đã chuyển qua một đô thị kiểu Tây Phương, chia thành hai thành phố Sài Gòn (quận 1) và Chợ Lớn (quận 5), đến sau này mới sát nhập là một đô thị hành chính duy nhất với tên gọi là “Sài Gòn Chợ Lớn”.

     Quá trình đô thị hóa của các thành phố Việt Nam dưới thời Pháp thuộc có thể chia thành hai giai đoạn. Từ khi Pháp xâm lược cho đến khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (1918), việc đô thị hóa chỉ tiến hành ở những bước ban đầu, chủ yếu ở hạ tầng cơ sở nhằm phục vụ cho một cơ cấu chính quyền thực dân, một lực lượng quân đội và một số tư bản Pháp có mặt tại các điểm tụ cư đó. Một số kiến trúc kiên cố được xây đựng dùng làm những công sở. Chủ yếu là hệ thống cầu đường, giao thông vận tải và cung ứng điện nước. Những công trình này được xây dựng ở mức tối thiểu chủ yếu nhằm phục vụ cho thiểu số người Pháp. Riêng các khu dân cư Việt Nam, cùng với một số lượng Hoa Kiều ngày càng tăng, diện mạo đô thị và kinh tế – xã hội truyền thống vẫn được duy trì về cơ bản, chưa có những sự biến đổi lớn.

     Từ sau chiến tranh thế giới lần I, thực dân Pháp đã triển khai công cuộc khai thác lần thứ 2 với sự điều hành của viên toàn quyền Albert Sarrant, tăng cường đầu tư và khai thác thuộc địa. Trong hoàn cảnh đó, công cuộc đô thị hóa đã được đẩy mạnh thêm một bước. Một số đô thị đã được quy hoạch hóa, các khu phố người Âu và Người Việt được sửa sang, có thêm một số công trình kiến trúc công cộng về văn hóa và khu nhà ở cư dân, một số cơ sở công thương nghiệp đuợc thành lập trong lòng đô thị, hệ thống giao thông và cung ứng điện nước được cải thiên. Kết cấu cư dân xã hội đô thị cũng thay đổi, đã xuất hiện những tầng lớp giai cấp mới, như tư sản, tiểu tư sản thành thị, làm đậm thêm lối sống và sinh hoạt đô thị.

     Vào những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ II, chính quyền thực dân cũng đã có một số dự án mở rộng và chỉnh trang các đô thị. Nhưng do sự thiếu hụt tài chính, tình hình chính trị bất ổn, do sự đe dọa của chiến tranh, hầu hết các dự án đó đã bị đình chỉ và không thực hiện được.

     Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, tiến ra Bắc diệt nhà Tây Sơn, đóng ở kinh đô Huế. Thăng Long cũ, tức Bắc Thành đời Tây Sơn, nay trở thành Bắc Thành đời Nguyễn thủ phủ vùng đất phía Bắc. Đứng đầu là viên Bắc Thành Tổng Trấn, lúc đó là Nguyễn Văn Thành. Dưới thời Minh Mệnh, trong cuộc cải cách hành chính năm 1831, tỉnh Hà Nội thành lập, bao gồm một vùng đất rộng (lấn sang đất của các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, Nam Định ngày nay). Vùng đất Thăng Long cũ thực tế chỉ còn hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức, trên thực tế đặt dưới quyền cai trị của viên tri huyện Thọ Xương. Từ vị trí một kinh đô của cả nước đã từng tồn tại 8 thế kỷ sang một tỉnh thành, Hà Nội thế kỷ XIX đã có nhiều biến chuyển và trải qua những thăng trầm.

     Trước hết là sự giảm thiểu của phần thành. Trong những thế kỷ trước đó, đã tồn tại một hoàng thành lộng lẫy và sóng động cùng với nó là phần thu phủ chúa Trịnh nguy nga, nhưng tất cả đã tàn lụi đi qua cơn binh lửa. Năm 1804, Gia Long sai phá bỏ hoàng thành cũ và đến 1805 cho xây dựng một thành mới, nhỏ hơn (chu vi khoảng chừng 5km) theo kiểu vauban của các chuyên gia Pháp đã từng phò giúp Nguyễn Ánh. Đời Minh Mệnh, tường thành Hà Nội lại bị hạ thấp hơn. Trong thành, là các dinh thự của hệ thống các quan chức cấp tỉnh (Tổng đốc,Tuần phủ, Đề đốc, Bố chánh, Án sát), các trại lính và các nhà kho. Một số phường thôn thời Lê có khả năng ở khu phía Tây trong hoàng thành thì nay bị nông thôn hóa trở lại, trở thành các trại, thôn của Tổng Nội.

     Trong khi đó, khu thị kinh tế dân gian “36 phố phường” ở khoảng giữa tỉnh thành và sông Hồng thì vẫn duy trì dược hoạt động sản xuất và buôn bán nhộn nhịp của mình, có phần còn thịnh vượng hơn trước. Đó là vì theo đà phát triển của mấy thế kỷ trước, khu dân cư này với các phường phố chuyên nghề và chuyên mặt hàng cùng với mạng lưới chợ búa náo nhiệt đã trở thành một thực thể kinh tế độc lập, thoát khỏi sự lệ thuộc của khu thành quan liêu chính trị. Một phóng viên của tờ báo “Le courier de Sai Gon ” đã viết về Hà Nội giữa thế kỷ XIX như sau: “Mặc dù nó (Hà Nội) không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông dúc, sự lịch duyệt và học vấn …Chính ở đó đã sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu và những mỹ nghệ phẩm xa xí”(1). Hà Nội lúc này không còn là kinh đô, chính sách chung của Nhà nước phong kiến Nguyễn, cũng giống như các vương triều trước – là tìm cách quản khối cư dân đô thị này về mặt chính trị an ninh và thông qua hệ thống thuế má, mà không có những dự án phát triển đô thị về mặt kinh tế cũng như về mặt quy hoạch chỉnh trang. Cơ sở kinh tế duy nhất do Nhà nưóc lập ra và quản lí theo chế độ công xưởng. Công việc của khu đô thị này là đúc tiền đồng và kẽm, gọi là cục Bảo Tuyền (sau đổi là cục Thông Bảo hay cục Khai Bảo), dân gian thưòng gọi là Tràng Tiền Hà Nội.

     Chính sách đó đã dẫn đến hai hệ quả có phần trái ngược nhau. Thứ nhất, về khách quan, sự không quan tâm chú ý đến việc quy hoạch đô thị của Nhà nước phong kiến và chính sách có phần nào nới lỏng sự kiểm soát khống chế của Triều đình đối với khối cư dân đô thị người Việt và người Hoa ở Hà Nội, nhất là trong điều kiện đô thị này không còn là kinh đô nữa, trên thực tế đã dung dưỡng và khuyến khích cho những yếu tố kinh tế, xã hội đô thị phát triển một cách tự phát và ở một mức độ, một cách tự do, khu hạt nhân phố phường nội thị, có liên hệ chặt chẽ mạng lưới chợ đô thị với tuyến sông Hồng buôn bán đường dài, cùng những làng nghề chuyên thủ công ven đô nên diện mạo nội thị đã khởi sắc lên rõ rệt, với những cửa hàng, cửa hiệu vừa là xưởng sản xuất thủ công, vừa là cửa hàng đặt hàng và buôn bán. Sinh hoạt đô thị trở nên tấp nập, vai trò của tầng lớp thị dân được gia tăng trong bậc thang xã hội. Nói tóm tại, hệ quả tích cực của chính sách của vương triều Nguyễn đối với Hà Nội trong tám thập kỷ đầu của thế kỷ XIX đã tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở đô thị này, chủ yếu là ở khu “36 phố phường”. Đại Nam nhất thống chí ghi: “Thành thị Hà Nội là nơi tụ họp công thương, có tất cả người nước Thanh, tập tục thích xa hoa… nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng, nhân vật cùng phồn thịnh”(1) . Thứ hai, là một hệ quả tiêu cực, có phần ngược lại. Triều đình trung ương và chính quyền địa phương không chú trọng đến việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị một cách có ý thức, làm cho diện mạo đô thị và phố xá đã bị sa sút và xuống cấp, thậm chí ở trong tình trạng tồi tệ. Khu 36 phố phường đã phát triển một cách vô tổ chức, nhà cửa xây dựng lộn xộn, các phố giàu của người Hoa đan xen với những phố nghèo của người Việt, mật độ số dân tăng lên làm đường phố trở nên chật hẹp, đi lại khó khăn, nạn hỏa hoạn thường xảy ra, giao thông ách tắc, nhất là trong những phiên chợ chính vào ngày rằm và mồng một âm lịch. Nếu trong thế kỷ XVIII, A. de Rhodes đã ghi nhận những đường phố ở Kẻ Chợ: “rộng đến mức 10 hoặc 12 con ngựa có thể đi hàng ngang một cách dễ dàng“(1) thì đến những năm 1882- 1893 Bannal đã miêu tả:” Đường phố của thành phố ở trong tình trạng tồi tệ, những phố thường là rất hẹp… dọc theo hai bên đường, thực sự là những vũng nước đọng hôi thối, không có lối thoát… thậm chí khách bộ hành có lúc phải lội bì bõm trong lớp bùn sâu có chỗ tới một bộ” (2). Mặt khác, vì lúc này kinh đô đã chuyển vào Huế, ở Hà Nội vắng bóng một bộ máy quan liêu quân sĩ của Triều đình trung ương cho nên sự kích thích đối với hiện tượng đô thị hóa toàn diện đã phần nào giảm sút. Trừ khu 36 phố phường ở phía đông tỉnh thành giáp tới sông Hồng, các khu vực khác như xung quanh thành, hồ Hoàn Kiếm, khu phía nam kinh thành trên một mức độ đã bị vùng nông thôn hóa, trở thành các làng mạc nông nghiệp. Hồ Hoàn Kiếm hoa lệ xưa kia với các cung điện của vua Lê Chúa Trịnh và nơi tập dượt thủy quân thì nay trở thành một hồ nước nhỏ hẹp, thu nhận tất cả các rác rưởi của thành phố trên bờ hồ, buổi sáng hàng ngày, một số đông dân chúng ra đấy rửa mặt , các phụ nữ ra đấy rửa rau và bát dĩa(3). Trong một số thôn phường phía nam kinh thành, do nạn sưu thuế và bắt lính, dân cư đã phiêu tán đi nơi khác, thậm chí “có những thôn chỉ còn ba bốn người (tức 3, 4 suất đinh chịu thuế má, sưu dịch)(4). Cao Bá Quát phác họa cảnh di dân lưu tán ở phường Phúc Lâm (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) những năm dưới thời Minh Mệnh:

… “Mười phần chỉ còn một, hai

Nào lính, nào phu nổi khổ chưa qua

Con bé, cháu nghèo đều bỏ làng đi hết”,

     Kinh tế hàng hóa đô thị Hà Nội

     Như trên đã nói, dưới thời Nguyễn diện mạo kinh tế xã hội đô thị Hà Nội trước và trong khi thực dân Pháp xâm lược, tập trung chủ yếu ở khu dân cư “36 phố phường”.

     Tuy không được quy hoạch, nhưng số dân và số nhà của ở khu vục này đã tăng lên, tạo thành một mật độ dày đặc. Các tài liệu của các chứng nhân đương đại phương Tây ước đoán số dân đô thị Hà Nội ở những năm 70 của thế kỷ XIX vào khoảng từ 10 đến 15 vạn người, được đánh giá là “một quần cư chen chúc dày đặc những người là người”(1). Số nhà ngói, đặc biệt trong các phố Hoa Kiều ở (Hùng Ngạn, Hàng Buồm, Hàng Mây…) có tăng lên, chủ yếu là kiểu các nhà ống. Đó là những ngôi nhà mặt tiền rất hợp (khoảng chừng hai mét) nhưng lại rất sâu (có khi từ 50-60 m), có gác xép nhưng chiều cao rất thấp, một số các nhà ốc xây dựng từ thế kỷ XIX đến nay vẫn tồn tại trong khu phố cổ. Hệ thống giao thông dựa trên dòng sông Tô Lịch và các trục phố dọc ngang kiểu bàn cờ. Các phố được ngăn cách và bảo vệ bởi hệ thống cổng phố thiết kế rất da dạng từ dơn giản đến kiên cố, trong đó, cổng phố Hàng Ngang được xây bằng gạch là cổng phố lớn và đẹp nhất. Xen kẽ vào các nhà là nhiều đền chùa, trong đó có những ngôi đền thờ vọng của thợ thủ công từ các làng quê phụ cận.

     Một đặc điểm của khu phố phường đô thị Hà Nội thế kỷ XIX, cũng như ở các thế kỷ trước, là tính chất chuyên nghề và chuyên mặt hàng. Khoảng từ đầu thế kỷ XVII, thợ thủ công một số làng nghề ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ đã di cư tập thể tới những khu phố Hà Nội, Thăng Long, Kẻ Chợ hành nghề, rồi sau đó quây quần ở lại đấy, trong một phố phường nhất định. Như vậy, những thợ thủ công này đồng thời đã có hai quê: cựu quán (quê ở nông thôn) và kinh quán (quê mới ở đô thị). Ta đã thấy thợ nhuộm Đài Loan (Hải Dương) ra ở phố Hàng Đào, thợ đúc bạc Trâu Khê (Hải Dương) cùng thợ kim hoàn Định Công (ngoại thành Hà Nội) và Đồng Sâm (Thái Bình) lên ở phố Hàng Bạc, thợ da ở ba làng Chắm (Hải Dương) lên ở phố Hài Tượng-Hàng Giày, lên ở Nhi Khê (Hà Tày) ra ở khu phố Hàng Hành, Hàng Gai, thợ sơn ở Bình Vọng, Hà Nội về Hà Tây ra ở phố Hàng Hòm, thợ thêu Suất Động, Hướng Dương (Hà Tây) ra ở phố hàng Trống, thợ khảm chuyên Mỹ (Hà Tây) ra ở phố hàng Khay v.v… Ngay từ đầu thời Gia Long, một giáo sĩ đã nhận xét:” ở Bắc Kinh (Bắc Thành) mỗi khu vực của thành phố đã được dành riêng để bày bán các sản vật và hàng hóa đem từ ngoài vào. Mỗi một làng lân cận đem hàng hóa vào đều được dành riêng cho một phố”(1).

     Kinh tế Hà Nội không chỉ tiến hành trong nội bộ phố phưòng, mà chủ yếu còn thông qua sự đôi thoại trao đổi với các hàng ngoại vi qua mạng lưới chợ. Chợ Hà Nội họp tất cả các ngày, nhưng những nông dân làng quê thường ra Hà Nội mua bán vào những ngày phiên chính (ngày rằm và mồng một) ở một số chợ lớn (Cầu Đông, Bạch Mã, Chợ Mới…) Họ cũng đen mua bán nguyên vật liệu và hàng hóa ở các cửa hiệu trong các phố phưòng. “Và thành phố bỗng trở nên một chợ phiên khổng lồ, ở đó người ta đi lại, la cà, chuyện trò, mặc cả ồn ào trong một đám dân chúng bình thường, đám này cũng đã rất đông đảo chen chúc rồi”(2).

     Phố phường đô thị Hà Nội thế kỷ XIX cũng có những mối giao thông kinh tế với các cụm làng chuyên ven đô cung ứng các bán thành phẩm hoặc thành phẩm cho các cửa hiệu, trước khi đến tay người tiêu dùng. Đó là cụm các làng dệt ở ven Hồ Tây như Trích Sài, Nghi Tàm và các làng La, cụm các làng làm giấy ỏ vùng Bưởi như Yên Hòa, Nghĩa Đô, Hồ Khẩu, xóm đúc đồng ở Ngũ Xã, Trúc Bạch… Đối với các thị trường xa như vùng Thanh Nghệ, đồng bằng ven biển, thượng du, phố phường đô thị Hà Nội giao tiếp qua hệ thống bến cảng- sông Hồng, Tô Lịch. Một số lớn các phẩm vật, đặc sản từ các địa phương đó như nước mắm, cá khô, quế từ Thanh Nghệ gạo, muối từ đồng bằng bắc và vùng biển; lâm sản, đồng đỏ, thiếc từ thượng du đã ngược xuôi về tích tụ và tái phân phối tại Hà Nội.

     Bến cảng Hà Nội thực sự đã trở thành một cái chợ lớn trên sông nổi “một sự hoạt động cuồng nhiệt, thuyền bè đi lại không lúc nào ngưng. Tiếng pháo nổ ran, tiếng cồng inh ỏi làm mọi người chói tai nhức óc”(1).

__________
1Th. Fourniau. Le phénonrène urbain au Viet Nam à Oépoopiecoloniale, Acuindule Indochine Etude cubaing, Paris, 199, p.171.

1 E.Luro. Lepays d’Annam. Paris, 1897, p.27; J. Silvestre. L’empire d’Annam et le peupote Annamite. Paris, 1889, p.28.

1 Quốc sử quán nhà Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí (bán dịch). Tập III, Hà Nội, 1991, tr.165, 189.

1 A.Rhodes. Histoire du royaume de Tonkin.

2 L.Bannal. Au Tonkin (1873-1886), Hà Nội, 1925, p.76.

1 G. Dumouter des pagudes de Hà Nội. Paris, 1887.

Hocquard. Che campaqueau Tonkin (1884). Paris, 1892, p. 180.

O.Bourde. De Paris au Tonkin. Paris. 1885, p. 130.

4 Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch). Tập XV111, Hà Nội, 1968-1972, tr.351.

5 Thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Hà Nội, 1970, tr. 328.

1 CHB. Masson. Hà Nội Pendant la periode heroique.Paris, 1929, p.131.

1 Bissachèrè. Etat actuel du Tonkin, de la Cochinchine et des royaumes de Cambodge. Paris, 1812, t.1, p. 198.

2 Bourde. Sdd, p.286.

1 Plauchat. Le Tonkin et les relations commenrcials Reow des Deux Mondes.Paris, 1879, t.3, p.159.

Nguồn: Đô thị Việt Nam dưới thời Nguyễn, NXB Thuận Hóa, năm 2000
(Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ; PGS.TS Đỗ Bang; Nguyễn Văn Đăng)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tình hình các đô thị Việt Nam thời Nguyễn dưới sự đô hộ của thực dân Pháp (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ)