TỈNH LƯỢC và vấn đề VĂN HOÁ GIAO TIẾP trong TIẾNG VIỆT

PHẠM VĂN TÌNH
(PGS TS, Viện Từ điển học & Bách khoa thư Việt Nam)

1. Đặt vấn đề

     Trong giao tiếp, người ta cần phải phát ngôn sao cho đủ lời, đủ ý. Thông tin đầy đủ là nguyên tắc đầu tiên, tối thiểu của mọi cuộc hội thoại. Tuy nhiên, không phải lúc nào các phát ngôn đầy đủ cũng cần thiết. Vì nhiều lí do, người nói có thể rút gọn các phát ngôn trong điều kiện và hoàn cảnh cho phép. Nhiều khi chính sự ngắn gọn vừa đủ lại làm cho văn bản (hay diễn ngôn) trở nên mạch lạc và sinh động hơn (so với cách nói rườm rà, dài dòng văn tự). Rút gọn lâm thời, hay còn gọi là tỉnh lược là một trong những hiện tượng ngôn ngữ phổ quát (ở mọi ngôn ngữ trên thế giới và Việt Nam ta không phải ngoại lệ). Chúng tôi đã đi sâu nghiên cứu phép tỉnh lược trong văn bản từ những năm trước đây và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

     Có thể định nghĩa ngắn gọn như sau: Phép tỉnh lược văn bản là một dạng rút gọn (tỉnh lược) xảy ra giữa các phát ngôn, là sự lược bỏ lâm thời các yếu tố mà người đọc có thể hiểu được trong phạm vi một ngữ cảnh xác định (ngữ cảnh cần và đủ).

     Để dễ hình dung, có thể lấy một ví dụ tỉnh lược từ một câu chuyện vui sau đây:

     Có một người đi chơi xa, dặn con là có ai hỏi thì nói là bố đi vắng. Cẩn thận hơn, ông liền viết vào giấy để nếu con có quên thì đưa tờ giấy để khách biết. Cậu con cầm tờ giấy bỏ vào túi áo. Tối đến, sẵn có ngọn đèn, nó tò mò mở giấy ra xem, chẳng may vô ý để giấy cháy mất.

     Hôm sau, có người đến chơi hỏi:

     – Thày cháu có nhà không?

     Nó ngẩn người. Sực nhớ ra, nó sờ vào túi và hốt hoảng:

    – Ø Mất rồi!

    Khách giật mình hỏi:

     – Ø Mất bao giờ?

     – Ø Mất tối hôm qua …

     – Vậy Ø sao mà mất?

     – Ø Cháy …

     (Truyện cười dân gian Việt Nam)

    Các đoạn đối thoại trên hoàn toàn có thể chấp nhận được trong giao tiếp thông thường, do người nói chỉ tập trung vào tiêu điểm của phát ngôn mà tiêu điểm này đã không đồng nhất do sự nhận thức lệch lạc về sở chỉ giữa hai người đối thoại. Sử dụng phép tỉnh lược như vậy nhằm mục đích gây cười, người viết đã cố tình vi phạm phương châm tình thái (một trong bốn phương châm theo nguyên lí giao tiếp mà P. Grice [1975] đề xướng). Bây giờ ta thử thiết lập mô hình cấu trúc dựa trên quy chiếu chủ quan của hai chủ thể đối thoại trên (Ông khách Cậu bé):

ÔNG KHÁCHCẬU BÉ
1. (Bố cậu bé) có nhà hay không?
2. (Bố cậu bé) mất bao giờ?
3. (Bố cậu bé) sao mà mất?
1. (Tờ giấy bố dặn lại) mất rồi.
2. (Tờ giấy) mất (cháy) tối hôm qua.
3. (Tờ giấy) bị cháy.

Như vậy là, giữa ông khách và cậu bé đã xảy ra một hiện tượng lầm lẫn (đánh tráo) sở chỉ. Sự lệch pha này có cơ sở vì ông khách đang quan tâm và đang nói về ông bạn mình và mọi thông tin hồi đáp từ phía cậu bé hiển nhiên được hiểu là về người đó. Còn cậu bé quá hốt hoảng vì đánh mất tờ giấy (căn cứ duy nhất để đáp ứng nhu cầu khi khách đến) nên trong đầu óc cậu chỉ quan tâm tới tờ giấy này thôi. Điều thú vị là các ngữ đoạn trong các câu trả lời đều hoàn toàn có thể kết hợp cho nhau và người nghe cũng hoàn toàn có thể hiểu theo cách của mình (Tờ giấy mất / Ông bố mất; Tờ giấy mất do bị cháy/ Ông bố mất do bị cháy;…). Cái kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” này cứ tồn tại cho đến hết truyện chính là có sự mơ hồ sở chỉ giữa các phát ngôn. Rõ ràng là người viết đã cố tình sử dụng thủ pháp tỉnh lược tạo ra tình huống mơ hồ về cấu trúc.

    Tỉnh lược trong hội thoại cũng là một hiện tượng “ngắn gọn hoá” các phát ngôn giống như phép tỉnh lược văn bản thông thường. Tuy nhiên, do đặc thù của hội thoại mà sự tận dụng các tiền đề hội thoại để tỉnh lược có những yếu tố giống và không giống với tỉnh lược văn bản.

     Xét cho cùng, mục đích chính là chúng ta phải tìm cho ra ngữ nghĩa của cả chuỗi phát ngôn (văn bản). Nhưng việc giải mã thông điệp lại phải bắt đầu từ các yếu tố hiện diện và quan hệ giữa các yếu tố đó trong cấu trúc. Quan hệ đó lại được xem xét dựa vào một loạt các yếu tố cấu thành chúng, mà trong giao tiếp, quan hệ này được “hoá thân” một cách chặt chẽ ở các phát ngôn với mức độ và tính chất tham gia khác nhau của các yếu tố. Tuy nhiên, có một yếu tố thuộc lĩnh vực văn hoá giao tiếp (không thể tỉnh lược và phải nói đầy đủ). Trong bài này, chúng tôi tập trung vào bàn tới một vấn đề: Tỉnh lược và văn hoá giao tiếp.

2. Văn hoá và văn hoá nói năng

     2.1. Chúng ta đã biết, văn hoá là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần mà con người tạo ra trong mọi hoạt động thực tiễn và tích luỹ trong một thời gian dài. Các giá trị đó hình thành, khẳng định và phát triển bền vững qua mọi sự biến thiên của lịch sử. Nói đến văn hoá là chúng ta nói tới hệ thống các giá trị. Văn hoá biểu hiện ở mọi hoạt động trong đời sống xã hội và hiện thực hoá qua mỗi sự kiện, mỗi con người, mỗi sự vật còn lưu lại. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Thiết chế ngôn ngữ mang tính xã hội. Nhưng dấu ấn ngôn ngữ lại được cụ thể hoá qua mỗi sản phẩm lời nói cá nhân. Mỗi phát ngôn của ai đó được coi là một sản phẩm riêng. Cái riêng đó phải tồn tại trong cái chung, có nghĩa là phát ngôn của họ phải được cộng đồng chấp nhận: về mặt ngôn ngữ và về mặt ứng xử ngôn ngữ. Nói một mình thì không có vấn đề gì, nói hai mình trở lên là có vấn đề liên quan tới văn hoá giao tiếp. Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Khi người ta nói, hỏi, ra lệnh, kể chuyện,… anh ta thực hiện một hoạt động ngôn ngữ đơn phương. Nhưng khi anh ta trò chuyện với ít nhất một người thứ hai, anh ta đã tham gia vào một hoạt động xã hội”. [Đỗ Hữu Châu & Bùi Minh Toán, 2001: 224]

     2.2. Nói là thực hiện một cuộc trao đổi bằng lời. Khi nói năng, người ta diễn đạt ý định của mình thông qua các câu (tức là kết hợp các từ với nhau để tạo nên phán đoán). Nhưng không phải cứ đưa một câu đúng ngữ pháp là có thể được chấp nhận. Người nói phải lựa chọn một câu thích hợp, đúng nhưng phải phù hợp với bối cảnh. Điều này liên quan tới phong cách giao tiếp. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp (vui vẻ bạn bè, không đòi hỏi một nghi thức quá trang trọng) người ta có thể chọn cách xưng hô mày tao, ăn nói xô bồ, bỗ bã,… nhưng nếu trong một bối cảnh đòi hỏi phải trịnh trọng, trang nghiêm (trong hội nghị, cuộc họp cơ quan,…) thì cách xưng hô như vậy cần phải loại bỏ để chọn một biến thể xưng hô khác (gọi ông/ bà, đồng chí, anh/ chị,…). Ngay cả chuyện nói tục (mà Nguyễn Huy Thiệp đã có lần khen Đồng Đức Bốn là “nói tục tuyệt hay” thì cũng không phải lúc nào nói tục cũng được khuyến khích.

     Đã gọi là câu thì phải đủ các thành phần cấu thành. Nếu theo quan điểm cú pháp học truyền thống, câu phải có nòng cốt chủ ngữ – vị ngữ (ngoài ra, còn có các thành phần phụ như bổ ngữ, trạng ngữ, định ngữ,…).

     2.3. Tỉnh lược là cần. Nhưng tỉnh lược thế nào là đủ? Đó luôn là vấn đề mà văn hoá giao tiếp phải bàn. Theo H. Grice, có tới 5 phương châm trong quan hệ giao tiếp (phương châm lượng (nói đủ ý), phương châm quan hệ (nói đúng đối tượng), phương châm chất (nói rõ ràng, đúng vấn đề), phương châm cách thức,…).

     Mọi cuộc giao tiếp muốn thực hiện được, trước hết người ta phải xác lập được một vai giao tiếp thích hợp. Với một “đối tác” còn là hay hoàn toàn lạ, ta không thể nói năng thoải mái nếu không biết cách “phân vai”, tức là xác định đối tượng giao tiếp là ai, dựa vào các tiêu chí: tuổi tác, nghề nghiệp, vị thế xã hội, hoàn cảnh cá nhân,… Điều này chi phối tới vị thế giao tiếp, gọi là quyền uy (power) giao tiếp. Bởi nếu người đối thoại với ta là bậc anh chị, cha chú, ông bà,…; là thủ trưởng trực tiếp, là cấp trên đến làm việc hay là một nhân vật lãnh đạo cấp cao thì ngoài việc chọn từ xưng hô vị thế thấp (em, con, cháu,…) là đương nhiên. Dù chúng ta đang hướng tới cách cải tiến xưng hô trong xã giao (đến cơ quan vào công sở nhất loạt xưng tôi, gọi ông/ bà) nhưng nói chung, văn hoá người Việt chưa thể chuyển nhanh theo lối ứng xử phương Tây được. Thật khó hình dung một cô sinh viên mới ra trường, lại “dám” xưng hô tôi/ ông với vị giám đốc “bệ vệ, tóc bạc” đang phỏng vấn tuyển dụng mình. Từ chuyện xưng hô “không ngang hàng” này sẽ dẫn đến việc nói năng đầy đủ hay không (thưa gửi, lễ phép và không được phép tỉnh lược). Ví dụ:

     [1] Thủ trưởng và nhân viên:

     – Cô đã cho photo tài liệu họp sáng nay chưa?

     – Dạ thưa chú, cháu đã cho photo hết rồi ạ.

     Nếu là hai người bạn thân, có thể có các phát ngôn hỏi và trả lời khác (- Này photo tài liệu họp sáng nay chưa? – Xong rồi!). Hay trong ví dụ:

     [2] Mẹ và con:

     – Sáng ra đã bóng với bánh rồi. Bài tập làm xong chưa?

     – Con làm xong từ hôm qua rồi mẹ ạ?

     Cậu con trai không thể nói trống không “Xong rồi” hay “Rồi!” như nói với bạn với cùng câu hỏi ấy. Nếu cô nhân viên và cậu con trai không tuân thủ nguyên tắc đó, cả hai sẽ bị coi là nói năng cộc lốc, xách mé, kém văn hoá. Những tình huống như vậy, có lẽ người có năng lực giao tiếp tối thiểu cũng đã hiểu.

Nhưng trong cuộc sống, nhiều khi việc tỉnh lược xuất hiện tức là sự tình đang có sự thay đổi bất thường. Nó phản ánh mối quan hệ hai bên đang có vấn đề. Hai vợ chồng đang xưng “anh/em” với nhau bình thường, nhưng nếu họ chuyển xưng ‘tôi” là có chuyện. Và lúc đó, người vợ (thường là người nói năng lễ phép, giữ ý hơn) sẽ chẳng kiêng dè, giữ ý nữa. Ví dụ:

     [3] Vợ và chồng:

     – Đã đón thằng Hùng chưa thế?

    – Hỏi mãi thế. Đón từ chiều rồi. Đang bên bà ấy.

     Hay nhân viên đang có chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” thì cũng chẳng còn lịch sự, ý tứ nữa. Họ thay đổi cách xưng hô và nói năng cụt lủn. Hai người đi đường, bình thường là hai người chênh lệch tuổi tác, có người có cương vị xã hội người khác phải kính nể, nhưng nếu va chạm xe cộ với nhau ngoài đường, thì rất có thể anh chàng trẻ tuổi (chỉ xứng đáng hàng con, hàng cháu) sẵn sàng “mày tao” và nói năng xách mé, hỗn láo. Chính các sản phẩm ngôn từ tường minh kia phản ánh thái độ, văn hoá ứng xử của mỗi người trong tình huống đó.

     Trong nhiều tác phẩm văn học, chẳng hạn các truyện cười dân gian, người ta có thể tận dụng hiện tượng tỉnh lược để thể hiện sự hài hước hay châm biếm. Chẳng hạn truyện cười dân gian “Bẩm, toàn chó cả” (hay một số truyện cười rút gọn ngôn từ).

     2.4. Báo Lao Động cuối tuần gần đây, số 17 (25-4-2013) có bài “Khẩu ngữ rút gọn”. Tác giả có mô tả hiện tượng mà tác giả cho đó là một cách nói năng trong khẩu ngữ đời thường. Trong bài có dẫn câu chuyện anh chàng phục vụ bàn (ở một quán ăn nọ), khi nghe được yêu cầu của hai khách mới vào liền ghi vào giấy và gọi to (cho đầu bếp): “Ba lợn ngồi trong góc, hai chó mới vào (Với ý: Mang món thịt lợn cho ba khách ngồi phía trong góc, còn hai khách mới vào thì ăn thịt chó)”. Anh bạn từ Nam ra không hiểu gì, bèn chỉ vào ngực mình, ú ớ: “Tôi… chó… ông… cũng… chó…”. Có lẽ tác giả muốn nói tới cách nói rút gọn kì cục dẫn đến sự vô lí ngữ nghĩa (tới mức kém văn hoá?) của lối nói đậm chất quán xá này.

     Theo tôi, hiện tượng ngôn ngữ “ngắn hoá” như vậy không có gì mới. Những lời nói kiểu như thế ta đã gặp và gặp nhiều nữa là khác. Vấn đề là nói thế nào và nói sao cho phải.

     Một trong những yêu cầu tối thiểu trong giao tiếp mà người ta phải tuân thủ là phải nói sao cho đủ ý và rõ ý, tránh nói rườm rà “dây cà dây muống” hay “vòng vo tam quốc”, nhưng cũng tránh nói “ăn bớt” làm thiếu hụt thông tin, gây mơ hồ ngữ nghĩa, tới mức dẫn đến cảnh “ông nói gà bà hiểu vịt”. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguyên lí “nói cho đầy đủ” cũng đắc dụng. Trong ngôn ngữ, nhất là giao tiếp khẩu ngữ, người ta rất hay sử dụng phương thức rút gọn (reduction) và tỉnh lược (ellipsis). Đó là sự lược bỏ lâm thời một số yếu tố nào đó mà người nghe vẫn có thể hiểu được nhờ mối liên hệ ngữ cảnh. Nếu bây giờ, ta nghe nói tới từ đảng viên, chắc đa số người Việt sẽ hiểu đó là “đảng viên Đảng CSVN” chứ không nhầm với đảng viên của một đảng nào đó (đảng viên Đảng Xã hội, đảng viên Quốc dân đảng, đảng viên Đảng NDCM Lào,... chẳng hạn). Cũng như vậy, khi người Hà Nội nghe ai nói, đại loại: “học Bách khoa”, “sinh viên Sư phạm”, “Trường Giao thông”,… thì ta sẽ liên tưởng tới các trường: “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội”, “Trường Đại học Sư phạm Hà Nội”, “Trường Đại học Giao thông”,… Cũng giống như mấy nhà báo ở Toà soạn 51 Hàng Bồ có lúc hỏi nhau: “Mai có đến báo không?” thì hiển nhiên mọi người nghe đều hiểu báo kia chính là “Báo Lao Động” (Nếu không họ sẽ hỏi: “Mai có đến báo Nhân Dân (hoặc Hà Nội mới, hoặc Tiền Phong,…) không?”. Người ta có thể (và cần phải) rút gọn do tần số của các từ đang nói xuất hiện nhiều tới mức lấn át các từ cùng loại khác (nếu nói đích danh một đảng viên của một đảng khác – đảng viên Đảng NDCM Campuchia, chẳng hạn – thì người ta bắt buộc phải nói đầy đủ: Ông Nom Chea, đảng viên Đảng NDCM Campuchia…) và nếu trong bối cảnh giao tiếp cụ thể, đối tượng được nhắc tới (về một báo, một khoa, một trường, một ai đó,… cụ thể), là thông tin hiện hữu, quen thuộc trong tiềm thức mọi người thì không nhất thiết phải nói đầy đủ làm gì (Mai tớ đến báo; Sắp tới Khoa sẽ họp; Phải chờ ý kiến của Trường; Để xin ý kiến Giám đốc đã; Mẹ bận ra Uỷ ban có việc;…), v.v.

     Còn trong trường hợp mà bài báo “Khẩu ngữ rút gọn” đề cập thì hiện tượng tỉnh lược xuất hiện trong phạm vi hẹp. Với nhân viên nhà hàng, họ đều quá quen thuộc các món ăn hay các dịch vụ phục vụ khách hàng, vì vậy việc “tắt hoá”, rút gọn các thông tin là rất phổ biến: cho 2 tái (2 bát phở bò tái); 1 bát gà không hành (1 bát phở gà…); 4 nâu nóng (4 li cà phê nâu, nóng); 1 đen đá (1 li cà phê đen có đá);… Có lần, chúng tôi vào một nhà hàng, khi ăn xong ra quầy trả tiền thì nghe nhân viên phục vụ bàn gọi với ra cho người trực quầy: “Bàn 3 không khăn, không quẩy, 5 tái, 1 chín, 4 “gơ” vàng, 4 “ken” (Khách bàn 3 không dùng khăn ướt, không ăn quẩy, ăn 5 bát phở bò tái, 1 bát phở bò chín, uống 4 chai “Tiger” vàng và 4 lon Heineken,…). Dĩ nhiên, nhân viên thu ngân sẽ tính tổng số tiền ngay tức khắc mà không hề nhầm lẫn. Trong trường hợp này mà cứ nói quá đầy đủ có khi lại gây rối cho người tiếp nhận và lại mất thời gian, nhất là lúc nhà hàng đông khách cần “tác nghiệp” khẩn trương.

     Dĩ nhiên, khi rút gọn, sẽ tạo ra một tổ hợp mới mà nếu căn cứ vào đó mà giải nghĩa thì có khi ngô nghê, buồn cười, thậm chí phản cảm (như trường hợp “ba lợn, hai chó” mà bài viết đề cập). Ngày xưa, có người còn lên tiếng phê phán cách nói, cách viết: “xay bột trẻ em”, “thịt sản phụ”, “sữa các cụ”, “gà giám đốc”…; hay cách nói: “Anh ơi mua đi! Thịt em ngon lắm. Anh thích mông hay thích đùi?”… chính là sản phẩm của lối nói tỉnh lược như vậy đó. Ngôn ngữ, cũng như mọi hiện tượng khác, luôn luôn có những “sự cố” ngoài ý muốn. Chúng ta cần biết để thích nghi, dùng cho đúng và tránh những lỗi đáng tiếc. Đó là những sản phẩm ngôn từ ngoài ý muốn, có khi nghe vui tai vì khá nhộn, nhưng ngữ nghĩa dễ bị suy luận không theo chiều thuận.

3. Kết luận

     Việc phát ngôn ra sao là quyền của mỗi người. Không ai có thể cấm ai, bắt phải nói thế này hay thế khác. Tuy nhiên nói sao cho “lọt tai” người khác lại là vấn đề liên quan tới văn hoá ứng xử. Tỉnh lược, như đã phân tích là một cách thức tạo câu, nhằm tiết kiệm thông điệp mà vẫn đáp ứng yêu cầu trao đổi. Có thể nói, trong giao tiếp đời thường, ta “nhìn đâu cũng thấy tỉnh lược”. Nhưng, khi nào tỉnh lược và giá trị của tỉnh lược thế nào thì lại liên quan tới 2 phạm vi cần quan tâm: thông tin ngôn ngữ và văn hoá giao tiếp. Nó là thước đo năng lực ngôn ngữ và năng lực văn hoá. Muốn làm tốt việc này, người nói phải tự rèn cho mình một kĩ năng giao tiếp. Mà muốn có kĩ năng tốt, mỗi người nói phải có tri thức và phải trải qua thời gian tự rèn luyện để đưa ra một cách ứng xử phù hợp với “chuẩn mực” văn hoá trong cộng đồng.

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Diệp Quang Ban, Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.

2. Đỗ Hữu Châu – Bùi Minh Toán, Đại cương ngôn ngữ học, (tập hai: Ngữ dụng học), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001.

3. Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1988.

4. Lê Đông, Ngữ nghĩa – ngữ dụng câu hỏi chính danh, Luận án PTS khoa học ngữ văn, Hà Nội, 1996.

5. Gal’peril I. P., Văn bản với tư cách đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ học, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1987.

6. Cao Xuân Hạo (Chủ biên) – Hoàng Xuân Tâm – Nguyễn Văn Bằng – Bùi Tất Tươm, Câu trong tiếng Việt (Cấu trúc – Nghĩa – Công dụng), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992.

7. Panfilov V. , Sự đánh giá về lượng tính trọn vẹn cú pháp của câu, Ngôn ngữ, số 1, 1990, tr. 29-30.

8. Lê Xuân Thại, Câu Chủ – Vị tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994.

9. Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.

10. Trần Ngọc Thêm (tái bản), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

11. Phạm Văn Tình, Về khái niệm tỉnh lược, Ngôn ngữ, số 9, 1999, tr. 56-68.

12. Phạm Văn Tình, Cấu trúc giả định của các phát ngôn tỉnh lược, Ngôn ngữ, số 1, 2001, tr. 74-79.

13. Phạm Văn Tình, Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

B. Tiếng nước ngoài

14. Asher R. E. (Ed.), The Encyclopaedia of Language and Linguistics (10 vol.), Pergamon Press, Oxford – New York – Seoul – Tokyo, 1994.

15. Halliday M. A. K., An Introduction to Functional Gramar, Arnold, London – New York – Sydney – Aucland, 1998.