Tính năng động của công trình thủy lợi châu thổ sông Hồng dưới triều Nguyễn
Tác giả bài viết: OLIVIER TESSIER
(Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội)
ĐÀO HÙNG dịch
Lịch sử khai thác và tụ cư trên châu thổ sông Hồng gắn chặt với việc chủ động về nước và hệ thống thủy lợi được tạo nên bằng một quá trình bồi đắp lâu dài. Mối quan tâm chính đối với việc đắp đê nhằm bảo vệ chống những trận lụt lớn của các dòng sông là một hằng số trong lịch sử cổ đại và hiện đại của Việt Nam, đã góp phần lớn vào việc cấu trúc nên mối quan hệ giữa Nhà nước và nông dân, chỉ vì ở đất nước chủ yếu là nông thôn này, sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập quan trọng nhất của Nhà nước quân chủ thông qua sự chiếm hữu đất đai của người nông dân (đã đăng bộ). Như vậy phải tiến hành công việc trong hàng thế kỷ nhằm bảo đảm tốt nhất cho nguồn thu nhập không thể thiếu đối với sự tồn tại của vương triều, và việc đó phải làm trong một vùng có đặc điểm là tính bấp bênh của nông nghiệp xảy ra triền miên, khi hạn hán đe dọa vụ mùa tháng 5, tiếp đến là nguy cơ lũ lụt tàn phá vụ mùa tháng 10. Có thể rút ra đặc tính chủ yếu của châu thổ: đấy là một đồng bằng phù sa rộng lớn (14.700 km2) bị tê liệt từ lâu trong quá trình phát triển do bàn tay con người. Việc đắp đê dọc hai con sông chính là sông Thái Bình và sông Hồng, đã khiến cho trong hàng thế kỷ địa hình trở nên không đồng đều, mà thực ra chỉ là tạm thời khi phù sa tự nhiên của các trận lũ sẽ bồi đắp dần nếu dòng sông không bị giới hạn trong hệ thống đê điều dài hơn 2000 km.
Sông Thái Bình chảy phía đông-bắc châu thổ, là một con sông có chế độ mạnh nhưng đều, với hệ thống gồm các hợp lưu và chi lưu, có đặc điểm là lũ không lớn có thể kiềm chế bằng việc đắp đê. Hệ thống sông Hồng hình như là ngược lại, những trận lũ được tăng cường do nước của hai hợp lưu chính (sông Đà và sông Lô) đều rất dữ dội và là nguyên nhân của những trận lụt tàn hại. Nhưng dòng sông còn là nguồn tạo thành châu thổ và là nguồn đem lại phì nhiêu đầu tiên nhờ lớp phù sa đáng kể lắng đọng hàng bao thế kỷ mà chiều dày của lớp trầm tích lên đến hàng chục mét1. Lưu lượng có thể đạt đến 28.000 m3/giây vào mùa lũ, dâng mực nước lên rất cao, lại nằm chênh vênh bên trên đồng bằng nhưng dòng chảy đổ qua các giồng đất vào lúc thường đã được đê ngăn chặn. Cụ thể ra, vào mùa nước thấp mùa đông, mực nước trung bình của dòng sông ở vào khoảng 2,50 mét trên mực nước biển. Vào đầu mùa nước cao (tháng sáu-mười), mực nước lên nhanh và có thể đạt đến 10 mét trong vài ngày: cao độ của kinh thành là 5 mét, như vậy Hà Nội sẽ bị con sông đe dọa trong suốt mùa mưa. Mối đe dọa định kỳ đó là một thực tế đối với đại bộ phận các khu vực tụ cư và đất đai trên châu thổ, trừ vùng đất cao phía tây-bắc. Vì vậy, thành phố được cải tên là Hà Nội năm 1831, và những làng mạc trung du và hạ châu thổ, được tồn tại bền lâu một cách kỳ lạ nhờ vào lao động không ngừng của những người nông dân đắp đê, trổ các cửa cống và đào kênh mương.
Mục tiêu của báo cáo này là bàn về chính sách thủy lợi trên châu thổ sông Hồng do các vua triều Nguyễn thực hiện, trước và đầu cuộc can thiệp thực dân, đặt trong tính năng động lịch sử lâu dài. Ngoài những nghi ngại về đường lối theo đuổi công trình đắp đê rất tốn kém mà vẫn không đem lại một sự bảo vệ thỏa mãn đủ chống lại lũ lụt và sự đổi dòng đột ngột của các con sông, chúng tôi cố chứng minh rằng các vua của triều đại này trên một vài khía cạnh nào đó vẫn là những người đi đầu trong lĩnh vực làm chủ nước và đặt cơ sở cho một sự qui hoạch hợp lý châu thổ sông Hồng.
Vài mốc lịch sử: đắp đê, một ưu tiên lâu đời
Ở Việt Nam, cũng như ở Trung Quốc, xây dựng đê điều thường trực tiếp do các vị hoàng đế điều hành. Thiên mệnh giao cho một người “quyền uy tối thượng”, nghĩa là quyền hợp pháp cai trị thiên hạ (Cadière L., 1914), đòi hỏi nhà vua phải quan tâm bảo vệ các thần dân. Song song với việc đi tìm một sự hỗ trợ của Trời, được khẳng định hàng năm và dịp lễ tịch điền (hay hạ điền) mở đầu mỗi mùa canh tác, việc bảo vệ dân chúng và mùa màng cũng đòi hỏi vương triều phải can thiệp trực tiếp vào những công trình thủy lợi để cố gắng bảo vệ các cánh đồng khỏi bị lũ lụt.
Đề cập đầu tiên đến công trình đê điều sau thời gian dài đô hộ của Trung Quốc, được nhắc đến vào cuối thế kỷ XI trong Cương mục (Chb. IV, 6): Tháng hai năm Mậu Tí, năm thứ 8 (1108) đời vua Lý Nhân Tông, “Mùa hạ đắp đê ở phường Cơ Xá”1.
Câu trích dẫn đầu tiên đó không có nghĩa rằng đê điều chưa được đắp trong thời gian trước đó: sự tồn tại của những công trình bảo vệ ở hai tỉnh Sơn Tây và Hưng Hóa xưa đã được xác nhận có từ đầu công nguyên2 và là kết quả sự vay mượn kỹ thuật của Trung Quốc. Quả thật, như P. Gourou viết: “Khi cư dân Châu thổ [sông Hồng] không còn là dân chài nữa, khi họ đã trở nên quá đông để có thể chỉ khai thác vùng đất cao và các giồng dọc sông, họ buộc phải đắp đê” (1936: 83). Nói chung, giả thiết được các tác giả ghi nhận về nguồn gốc của đê điều là tính năng động có nguồn gốc nội sinh: nhằm chống lại lũ muộn mùa hè hay lũ mùa xuân, nông dân và các làng biệt lập phải đắp đê nhỏ dọc các dòng sông nhỏ bao quanh ruộng đồng của họ. Theo thời gian, biện pháp đó được phổ biến và các con đê nhỏ được nối liền nhau để phác thảo nên một hệ thống không ngừng dày đặc qua thời gian (Rouen, 1915: 10).
Vấn đề còn bỏ ngỏ với giả thiết văn hóa đó là vai trò của Nhà nước và khả năng can thiệp của nó. Về điểm chủ yếu này, nếu lập luận của Karl Wittfogel đưa ra trong công trình gây tranh cãi Tính chuyên chế phương Đông đã bị phê phán nhiều từ khi ra đời, thì tác giả đã biết nhắc rằng việc làm chủ và kiểm soát nước đã tất yếu đưa đến mối quan hệ quyền lực giữa chính quyền trung ương với xã hội nông dân. Và trên thực tế, từ thế kỷ XIII, nghĩa là khi nhà Trần đặt cơ sở cho sự thành lập một chính quyền mang tính quí tộc và quân sự, biên niên sử hoàng gia mới nói đến việc thực hiện những công trình thủy lợi lớn và yết lộ từng mẩu sự phác thảo một tổ chức hành chính và quân sự chuyên biệt. Sau trận lụt do cơn lũ lớn làm vỡ đê Long Đàm (tỉnh Hà Nội ngày nay) tháng mười 12451, sự kiện cho thấy đê sông Hồng ít ra cũng đã được xây đắp một phần. Sách Đại Việt sử ký viết: “Đời Thái Tôn hoàng đế (1225- 1258). – Triều Thiên ứng chính bình […] Mậu Thân năm thứ 17 (1248). Tháng 3, sai các lộ đắp đê giữ nước sông, gọi là đê Đỉnh nhĩ (quai vạc), đắp suốt từ đầu nguồn cho đến bờ biển để giữ nước lụt tràn ngập. Đặt chức Hà đê chánh phó sứ để trông coi. Chỗ đắp thì đo xem đắp vào mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê Đỉnh nhĩ bắt đầu từ đấy. […] Năm thứ 5 niên hiệu Nguyên Phong cùng triều vua […] Mùa hạ tháng 4 (5-1255)chọn các tản quan làm Hà đê chánh phó sứ các lộ, khi nào rỗi việc làm ruộng thì đốc thúc quân lính đắp bờ đê đào mương lạch để phòng lụt hạn.”
Quả thật các nguồn sử liệu có được không đồng nhất và thiếu dấu vết hay bằng chứng viết từ bên dưới ở cấp làng xã, phải chấp nhận nguy cơ một sự thổi phồng khả năng của quyền lực vương triều áp đặt có hiệu quả đối với nông thôn. Dù sao, đoạn trích trên cho thấy đối diện với công trình lớn lao phải hoàn thành, việc đắp đê toàn bộ sông Hồng đã được nhà vua định ra phương hướng cho các tỉnh thực hiện bằng việc sử dụng nguồn nhân lực dễ huy động là quân đội. Nhưng mặc cho hình thức tổ chức đầu tiên và quản lý các công trình thủy lợi đó, nỗ lực đắp đê thực hiện trong thế kỷ XIII và XIV không được tiến hành theo một qui hoạch tổng thể trên châu thổ và phải dựa vào các kỹ thuật xây dựng theo kinh nghiệm và có chất lượng không đều từ tỉnh này sang tỉnh khác. Hậu quả là sự mong manh của đê điều đắp nên và chỗ tiếp nối thành hệ thống đôi khi không vững chắc, không đủ để chống lại những trận lũ trung bình của sông Hồng và các chi lưu, chứng cớ là có nhiều ghi chép về đê vỡ, lụt lội, về gia cố đê điều và những công trình mới.
Đến thế kỷ XV, với triều đại nhà Lê, đất nước trải qua một thời kỳ yên ổn và hòa bình tương đối với Trung Quốc và Champa, mà Đại Việt vừa áp đặt thắng lợi quyền uy của mình. Đường lối lớn về nông nghiệp của vua Lê Thái Tổ được tiếp tục dưới triều vua Lê Thánh Tông: do việc vỡ đê sông Tô Lịch, hoàng đế chỉ dụ sửa sang đê điều và đường xá khắp cả nước và đặt các chức quan mới về khuyến nông và hà đê1. Ý chí đó được tiếp tục đến những năm đầu thế kỷ XVI và không chỉ xây dựng và gia cố đê điều mà còn khuyến khích các công trình dẫn thủy nhập điền. Cho nên năm 1503, dưới triều vua Lê Hiển Tông, Dương Trực Nguyên, Tả thị lang Bộ Lễ tâu xin: “Đắp đê sông Tô Lịch trên từ cầu Trát xuống đến sông Cống để phòng bị thủy hoạn, lại xin khai cừ Yên Phúc xuống đến cừ Thương Phúc để lấy nước tưới ruộng. Nhà vua chuẩn y.”2
Không còn nghi ngờ gì, việc thiết lập dưới triều Lê, một Nhà nước nho giáo trung ương tập quyền, chỉ đạo cả nước dựa trên bộ máy quan liêu hiện diện đến tận các huyện nông thôn, là một nhân tố quyết định để thực hiện công trình thủy lợi và chống lũ lụt. ý chí hợp lý hóa và hệ thống hóa việc bảo dưỡng và gia cố hệ thống đê điều đã được nêu trong luật nhà Lê, chỉ rõ các quan ở các cấp hành chính là người duy nhất chịu trách nhiệm thực hiện các chỉ dụ của nhà vua: “Điều 181: Các công trình tu sửa đê điều phải bắt đầu từ mồng 10 tháng giêng, tất cả dân làng trong vùng hộ đê phải đến đoạn đê được giao cho tu bổ. Công trình đó phải làm trong thời hạn hai tháng: mồng 10 tháng ba phải hoàn thành. Khi đắp đê mới, thời hạn ba tháng định ra để hoàn thành. Các quan lộ phải thường xuyên giám sát công trình, các giám hộ và đốc phu phải liên tục đôn đốc thực hiện […]” (Deloustal, 1911: 128).
Rồi đến cuối thế kỷ XVII khi đất nước tương đối tạm yên dưới thời chúa Trịnh, nguồn sử liệu nói về vấn đề tu bổ đê điều ít ỏi hơn. Quả thật đất nước vừa trải qua một thời kỳ cực kỳ rối ren và bất ổn chính trị do cuộc nổi dậy của nhà Mạc và một loạt cuộc chiến đẫm máu giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Đầu thế kỷ XVIII. Cương mục viết: “Tháng 8, mùa thu. Hạ lệnh sửa đắp đường đe sông Nhị. Hàng năm nước sông Nhị tràn ngập, đường đê nhiều chỗ khuyết liệt. Triều đình bèn hạ lệnh hai ty Trấn thủ và Thừa chính đốc sức dân phu, thùy theo địa thế bồi đắp sửa chữa, để lợi cho nông dân”3. Ba năm sau (1711), năm thứ 7 triều Vĩnh Thịnh, nhà vua quyết định điều chỉnh tổ chức hộ đê bằng việc cử quan triều đình đến giám sát. nhưng lời cẩm án chép tiếp sau đó rằng: “Triều đình chia cho dân phải nộp tiền thuế điệu để hàng năm phải sửa đắp, dân phải tốn của hao công, mà một khi sảy ra nạn nước xoáy vỡ đê, dân lại bị hại không sao kể xiết”4. Cuối cùng, chỉ có ba đoạn của các chương 33 đến 35 trong Cương mục (1663 đến 1721) nói đến việc đắp đê và chỉ nói về việc tu sửa chứ không có làm mới. Tình hình đó ngược lại với nhiều đoạn nói về hạn hán và lũ lụt đưa đến mất mùa đói kém liên tiếp xảy ra thời đó (17 đoạn), cho thấy một Nhà nước rõ ràng là yếu kém và bất lực hơn điều mà sử học chính thống muốn làm cho ta lầm tưởng. Đấy là một trong những sai lầm nghiêm trọng của các chúa Trịnh đã không chú ý đúng mức về vấn đề nông nghiệp nói chung, và đặc biệt là việc chủ động về nước mà việc quản lý giao cho các quan tỉnh. Thật vậy, sau nhiều lần vỡ đê, năm 1723 Nhà nước phải nắm lại việc điều phối công trình đê điều, nhưng đến năm 1767 lại phải giao lại cho quan địa phương, vì chính quyền đang ở vào lúc suy thoái (Lê Thành Khôi, 1992: 271).
Mặt khác của việc làm chủ nước là tưới tiêu, các nguồn tư liệu lại càng hiếm hơn vấn đề đê điều, nhưng cũng nói lên mối quan tâm thường xuyên của các triều đại trước nạn hạn hán và hậu quả bi thảm đối với dân chúng. Dù sao, nếu từ thế kỷ XV vương quyền đã cố can thiệp vào lĩnh vực này, ta cũng nhận thấy những nỗ lực không đem lại được sự cải thiện đáng kể: không có một công trình nào trực tiếp thực hiện trên các sông được tiến hành trước thế kỷ XIX. Phải nói rằng vào thời đó vấn đề phải giải quyết là rất lớn. Việc tưới nước chỉ có thể thực hiện ở gần vùng đất thấp tạo thành một hệ thống ao chuôm và kênh rạch1. Vùng đó, bị ngập trong mùa mưa, được dùng để giữ nước tưới trong mùa đông khô hạn, việc giữ nước phụ thuộc vào nhịp độ thủy triều lên, với mức tối đa là 4 mét, mà hiệu quả được thấy rõ trong phần lớn châu thổ. Vùng ven biển, từ nhiều thế kỷ nông dân đã biết lợi dụng hiện tượng thủy triều: họ xây dựng rất nhiều cửa gỗ lim để có thể điều chỉnh cho nước vào các kênh khi nước triều dâng qua cửa sông ngăn chặn dòng chảy con sông khiến cho mực nước sông dâng cao. Mặt khác, việc tưới tiêu chủ yếu dựa vào các ao chuôm và các con kênh nhỏ để kéo dài cuộc sống ngắn ngủi của các nơi dự trữ nước tự nhiên đó. Vì vậy một tấm bia làng khắc năm 1764 nói về việc đào con kênh t-ới nước do hai xã cùng hợp sức làm vào giữa thế kỷ XVIII: “Hai xã Thời ủng và Chu Lũng tiến hành qui hoạch ổn định dân cu. Năm Đinh Mão (1747) đào hào đắp lũy, năm Quí Dậu (1753) đào mương để phục vụ nông nghiệp, đến năm Mậu Dần (1758) góp ruộng sửa sang đình miếu. Nay quan viên hai xã tiến hành đo đạc, phần rào lũy bao quanh đã làm được 99 trượng, đào mương được 581 trượng, khu miếu chu vi 61 trượng 6 thước. […] Tổng cộng số tiền đóng góp là 1010 quan tiền sử, số người đã cúng hiến ruộng cho việc đào đắp mương lũy là 148 vị. Để biểu dương công đức, hai xã dựng bia khắc tên họ những người đóng góp tiền và ruộng vào việc chung và đặt lệ thờ phụng mãi mãi.”2
Song song với các sáng kiến địa phương, từ thế kỷ XV, vương triều đã ban bố một loạt chỉ dụ kêu gọi dân chúng đắp cao các con trạch, đào hồ chứa nước và nạo vét kênh rạch nhằm làm tăng nguồn nước sẵn có tạo thuận lợi cho việc làm vụ tháng 5, và nếu có thể thì trồng lúa sớm thay thế vụ lúa tháng 10 bị tàn phá vì vỡ đê (Pouyanne, 1931: 34). Như vậy vào cuối thế kỷ XV, Sông Đào đã được đào vừa để tưới nước vào mùa khô và tiêu nước vùng thấp trong mùa mưa (Fiorucci A., 2006).
Vì không thể cắt ngang thân đê, cũng như cấu tạo của địa hình với những giồng đất và những vùng trũng tự nhiên, đòi hỏi phải dùng biện pháp cơ giới đưa nước lên cao để lấy nước dưới sông trong mùa khô. Về điểm này, trong nghiên cứu về công trình tưới nước, E. Chassigneux nhận xét rằng nếu một vài văn bản và sắc chỉ lệnh cho các quan và dân chúng “làm xe lấy nước”1, thì không có một chi tiết nào nói rõ về các “máy” đó, cũng không biết nó có tồn tại không. Phải chăng đấy là những guồng đạp nước mà ta có thể thấy thời đó ở một vài tỉnh châu thổ?
Gặp lúc hạn hán cũng vậy, chỗ dựa chính vẫn là ông trời. Nhiều đoạn trong Cương mục đã minh chứng, một mặt các biện pháp ân xá được coi là hành động giải oan của chính phủ bị coi là nguyên nhân của những thiên tai (Langlet, 1970, tr. 211) và mặt khác, nhiều lễ cầu đảo dâng lên các thần núi thần sông để xoa dịu sự giận dữ của thần linh. Đã được ghi lại vào năm Quí Hợi, năm thứ tư (1143): “Từ mùa xuân đến mùa hạ hạn hán. Nhà vua thân làm lễ đảo vũ. Tháng 6 mưa”; hay vào năm Mậu Thìn, năm thứ sáu (1448): “Tháng 4 mùa hạ. Hạn hán. Nhà vua chính mình đi lễ cầu đảo. Tha những tù phạm bị tình nghi”2.
Triều Nguyễn: tiến đến đắp đê toàn bộ sông Hồng
Tuy kinh đô của đất nước mới thống nhất được di dời vào Huế, các vua đầu triều Nguyễn vẫn bày tỏ mối quan tâm đặc biệt nhằm phục hồi tình hình kinh tế-xã hội ở Bắc Hà, đã bị buông lỏng sau nhiều thập kỷ chiến tranh và tan tác. Để tỏ rõ quyền uy khắp mọi miền, triều Nguyễn lo việc xây dựng lại cầu, đường, bến sông, nhưng cũng dựng lên những thành lũy theo kiểu Vauban để trấn áp khởi nghĩa của nông dân. Đấy là một trong những nghịch lý của nửa đầu thế kỷ XIX: việc thiết lập một chế độ quân chủ chuyên chế đòi hỏi phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của châu thổ sông Hồng, việc tăng cường kiểm soát dân chúng bằng một bộ máy quan liêu tham nhũng đã gây nên sự bất bình ngày càng tăng của nông dân khiến trong nhiều trường hợp họ đã nổi dậy. Cho nên, các thủ lĩnh nông dân như Phan Bá Vành, các quan lại còn luyến tiếc nhà Lê, đã lôi kéo hàng ngàn nông dân nghèo và cầm cự trong sáu năm (1821-1827) chống lại binh lính ở vùng biển Quảng Yên (Sơn Nam).
Nếu các cải cách hành chính của Minh Mạng nhằm lập lại trật tự trong nước, đã tạo nên một thời kỳ lắng dịu, thì cuộc khủng hoảng duới triều Tự Đức lại mở rộng để lên đến đỉnh cao năm 1850 với việc tràn qua của các phe đảng Trung Hoa tránh sự đàn áp sau cuộc khởi nghĩa của Thái Bình Thiên quốc (Lê Thành Khôi, 1992: 380-382).
Trong lĩnh vực thủy lợi, trước hết là hoàng đế Gia Long, rồi đến Minh Mạng, Tự Đức đã cho thực hiện nhiều công trình lớn chủ yếu nhằm trấn ngự lũ sông Hồng. Theo con số giám sát năm 1829 của quan Đê chính Lê Đại Cương, tổng chiều dài các đê chính trên châu thổ sông Hồng (thống kê ở 739 xã thuộc 38 huyện của 5 tỉnh) là 952 km (238.660 trượng) trong đó 144,5 km (36.127 tr-ợng) đắp trong 26 năm dưới triều hai vua đầu (Đỗ Đức Hùng, 1979: 47). Nỗ lực được ghi nhận khiến P. Gourou đánh giá rằng vào trước lúc chủ nghĩa thực dân can thiệp, việc đắp đê toàn bộ sông Hồng đã hoàn thành, nghĩa là hệ thống đê điều đã gần như dày đặc như ta có thể quan sát vào đầu những năm 1930. Nó trải trên gần 2.000 km đê chính và 2.000 km đê phụ (Gourou, 1936: 85).
Mặc dầu các con số thống kê đáng kể trên toàn thể, chính sách thủy lợi của nhà Nguyễn có đặc tính là nhiều lần thay đổi và không liên tục, biểu lộ ở những quyết định đơn phương của mỗi vị hoàng đế và sự thiếu đồng bộ nghiêm trọng của bộ máy quan lại. Ta có thể ghi nhận hai khía cạnh vừa là nguyên nhân và hậu quả của tình trạng đó. Năm 1809, vua Gia Long cải cách việc quản lý đê điều và lập một ty trung ương chuyên trách đặt dưới quyền một vị quan triều đình là “quan Đê chính ở Bắc thành”. Đồng thời ban bố một điều lệ gồm 8 điều nói về việc thực hiện các công trình và cách kiểm soát, bảo vệ và qui hoạch các công trình liên quan cùng đánh giá chi phí1. Điều lệ đó định các loại đê theo ba mức quan trọng (đê đại giang, đê trung giang, đê tiểu giang) và đưa ra đối với mỗi loại một kích thước chung cho công trình –chiều rộng chân đê và mặt đê, chiều cao và độ nén – (Đỗ Đức Hùng, 1994: 48-49). Cuối cùng, giống như luật nhà Lê, luật Gia Long đã định ra hình phạt có thể đi đến xử trảm những ai bị truy tố “Lén lút đào thân đê – Điều 395” và “Vi phạm thời gian cần thiết và không tu sử đê điều – Điều 396”, điều cuối cùng lấy lại các yếu tố chính ghi trong luật đời Lê (Philastre, 1876: 742-745).
Mặc dầu toàn bộ các biện pháp nhằm hợp lý hóa việc quản lý kỹ thuật và nhân sự của hệ thống đê điều, những vụ vỡ đê và lụt lội vẫn xảy ra hàng năm dưới triều Gia Long và Minh Mạng, đi theo những trận lụt là đói kém và khởi nghĩa nông dân. Hầu như hàng năm, từ tháng sáu, Đại Nam thực lục đều ghi lại những nơi bị thiên tai nhiều hay ít gây nên do lũ lớn, hay ngược lại gây nên do hạn hán, nhà vua khẩn cấp cứu tế gạo tiền cho nạn dân và miễn toàn bộ hay một phần thuế khóa. Về điểm này, trận lụt năm 1827 thật tai hại: “Bắc thành nước lớn, ba trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định đều vỡ đê, cửa nhà ruộng nương chìm ngập nhiều, cũng có người chết đuối. Thành thần trước phái người đi khắp các nơi mà lượng phát chẩn, rồi đem việc tâu lên. […] Xem tờ tâu tình hình của dân bị lụt, rất là thương xót, mà phát chẩn không được nhiều, nhân dân chưa khỏi túng thiếu. Vậy dụ cho trấn thần cấp thêm, không cứ đàn ông, đàn bà, già trẻ, người chết đuối thì cấp 3 quan tiền, người đói mà rất nghèo cấp mỗi người 2 quan tiền 1 phương gạo, người nghèo vừa cấp 1 quan tiền 1 phương gạo.”1 Vào năm thứ 8 triều Minh Mạng (1828) đã ban hành chỉ dụ bãi bỏ trách nhiệm xây và tu bổ đê cho các quan tỉnh, bị lên án là sơ suất và thiếu hiểu biết, để giao cho một tổ chức quan lại chuyên trách. Chỉ dụ đó định cụ thể qui mô các loại đê khác nhau, phải được tôn cao theo đúng qui cách định ra dưới thời Gia Long, và vạch đường đi của đê; còn lệnh trồng tre dưới chân và chuẩn bị sẵn trước mùa lũ sọt và tre để dễ tu sửa; cuối cùng chỉ thị lập ở chỗ hợp lưu sông Hồng và sông Lô một đền thờ hà bá (Chassigneux, 1914: 98).
Nhưng không có gì được thực hiện, cho nên năm 1833 Minh Mạng quyết định cải tổ toàn bộ việc quản lý đê. Ông giải tán nha môn chuyên trách mà ông đã lập sáu năm trước ở bộ Công, và giao lại việc quản lý đê cho các quan tỉnh, từ nay chịu trách nhiệm đoạn đê đi qua phần đất của mình. Sự thay đổi hoàn toàn đó được thực hiện vì lý do sau: kinh nghiệm cho thấy các quan chuyên trách chỉ tập trung vào các công trình xây dựng và tu sửa đê điều mà không đếm xỉa đến hoạt động nông nghiệp và cụ thể là khả năng lập những con rạch tiêu nước hay tưới nước2.
Tranh luận xung quanh lợi ích duy trì và gia cố đê điều
Việc tổ chức lại về quản lý và kỹ thuật được đặt ra trong khuôn khổ một cuộc tranh luận cơ bản đề xuất năm 1830 dưới thời Gia Long: qua chỉ dụ, nhà vua lệnh cho các quan và dân chúng tranh luận về lợi ích của việc duy trì đê hay phá bỏ3. Quả thật, với hệ thống đê dày đặc, nông dân và quan lại bắt đầu nhận thấy nó gây trở ngại cho việc tưới tiêu ruộng đồng trên châu thổ. Họ đau lòng khi nhìn thấy sông Hồng nước tràn bờ trong khi lúa vẫn khô hạn trong ruộng dưới chân đê. Cho nên sách Đồng Khánh địa dư chí (1888) đã nói rõ khi viết về tỉnh Sơn Tây: “Các huyện hạ du thủy thổ lành, không khác các tỉnh phía đông-nam. Giữa hai mùa hè thu, mưa to hàng tuần ở vùng thượng du Hưng Hóa, Tuyên Quang đổ xuống, nước sông chảy xiết, ngoài đê nước có khi lên đến 18, 19 thước mà ruộng trong đê vẫn khô hạn mong mưa.” Người ta đi đến hỏi rằng phải chăng tốt hơn là xóa bỏ công trình tốn kém và nguy hiểm đó để cho nước các sông lớn tự do tràn bờ trong mùa hè trên toàn bộ châu thổ như một trận lụt chậm và từ từ chứ không trở thành một thảm họa. Nó sẽ đem lại độ ẩm lớn giải quyết vấn đề tưới nước đồng thời làm tăng độ phì nhiêu của đất nhờ lớp phù sa lắng đọng. Nói cách khác, vấn đề là xem đê có tạo nên một biện pháp tệ hại hơn là mối họa mà nó muốn chống lại không. Cho nên sau mỗi trận lụt lớn, dân chúng các vùng bị ngập đều yêu cầu san bỏ đê, như trường hợp các năm 1804, 1825, 1835, 1847, 1872 và 1879: nguyên nhân chính thúc đẩy yêu cầu đó là khi bị lụt do vỡ đê phía thượng lưu, phía hạ lưu vẫn nguyên vẹn sẽ ngăn cản nước rút khi mực nuớc sông hạ xuống, khiến cho mùa màng không còn thu hoạch đuợc (Pouyanne, 1931: 20). May mắn là không vị vua triều Nguyễn nào dám quyết định phá đê trên toàn châu thổ, câu hỏi nhức nhối đó đã phát sinh ra những giải pháp thay thế bổ sung nhằm điều chỉnh tình trạng thiếu hoàn thiện của việc đắp đê.
Trước hết người ta tìm cách hạ chiều cao của mực nước sông Hồng bằng cách làm tăng dòng chảy tự nhiên và trổ những chi lưu nhân tạo. Với việc cải cách quản lý đê điều năm 1833, Minh Mạng đã quyết định trong năm đó, theo lời khuyên của hai viên quan chuyên trách, cho đào và nạo vét sông Cửu An làm chi lưu cho sông Hồng ở đoạn Hưng Yên và đào các kênh dẫn thủy. Từ 1835 đến 1836, 20 km được đào để nối sông Hồng với sông Cửu An, đồng thời nạo vét và mở rộng lòng sông này trên hơn 40 km. Đi cùng với công trình đó còn cho san bằng các đê thấp ở tỉnh Hưng Yên, những con đê mà chiều cao bị hạ xuống nhiều khi nó không được san phẳng hoàn toàn (Đỗ Đức Hùng, 1998: 44).
Tác động của công trình qui mô lớn đó nằm ở đối cực của những kết quả bất ngờ. Bốn tháng sau khi công trình hoàn thành, được vị quan nổi tiếng Nguyễn Công Trứ, khi đó làm Tổng đốc Hải-Yên, phúc trình lên vua Minh Mạng vào tháng 6 năm 1836, thì cửa sông Cửu An mở trên sông Hồng bị nước cuốn đi ba chỗ: tỉnh Hưng Yên và Hải Dương bị ngập dưới hai thước nước và thị xã Hưng Yên hoàn toàn ngập trong nước. Đấy là trận lụt tai hại chưa từng thấy ở hai tỉnh này (Đỗ Đức Hùng, 1998: 45). Nó khiến cho Nguyễn Công Trứ bị nhà vua khiển trách gay gắt, buộc tội phải chịu trách nhiệm tình hình và bắt phải giải quyết hậu quả1. Từ 1837, nhiều công trình gia cố sông Cửu An được tiến hành. Theo lời cầu khẩn của dân chúng các tỉnh bị lụt tàn hại liên tục mỗi năm, cửa trổ phía thượng lưu sông Cửu An hoàn toàn được lấp lại và chức năng của nó chỉ còn là một con kênh tiêu nước cho vùng thấp của tỉnh Hưng Yên đến hạ lưu sông Luộc (Pouyanne, 1931: 21). Không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc xây đắp và gia cố đê ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Nam Định, nhiệm vụ mà vua Thiệu Trị phải lo theo dõi trong sáu năm trị vì của mình (1841- 1847).
Tuy nhiên, mặc dầu lần thử nghiệm tai hại đó, cuộc tranh luận vẫn được vua Tự Đức nối lại năm 1852, khi mở ra cuộc tham vấn mới về thái độ đối với hệ thống đê điều. Nhà vua không dấu sự nghi ngờ đối với chủ trương đeo đuổi việc đắp đê trên châu thổ, bằng chứng là một lời phê ngoài lề sách Đại Việt sử ký khi nói về việc đắp đê Đỉnh Nhĩ (xem ở trên): “Đấy là một công trình thiếu suy nghĩ đã gây nên những tai họa không kể xiết”. Thế nhưng, sau năm năm trì hoãn, cuối cùng những người chủ trương duy trì và gia cố đê đã thắng thế, phần lớn các quan trong triều đều thừa nhận ý đồ phá bỏ một số đê đã gây nên trong thập kỷ vừa qua những trận lụt với mức độ và tần số x-a nay chưa hề có.
Một khi cuộc tranh luận mở màn, nha môn Đê chính được lập lại năm 1857. Viên quan Đê chính mới dâng lên mười đề nghị được coi là ưu tiên trong công trình thủy lợi và điều hòa chống lũ (Đỗ Đức Hùng, 1979: 52). Trên cơ sở đó và song song với những con đê và đê quai mới xây trên sông Hồng để chặn dòng nước, các công trình nạo vét được tiến hành bằng bừa do tàu kéo để khơi sâu cửa sông và như vậy khiến cho dòng nước thoát nhanh hơn. Người ta còn tìm cách chuyển một phần dòng nước sang sông Thái Bình để hạ mực nước và hạn chế sức lũ. Cho nên năm 1858 vua Tự Đức cho đào một cửa mới đổ vào sông Đương phía dưới cửa sông cũ đã bị phù sa lấp kín (Chassigneux, 1914: 101). Nhưng năm 1862, khi công trình sông Đương chưa hoàn tất, nha môn Đê chính lại bị giải thể một lần nữa và đường lối làm những công trình thủy lợi lớn lại bị đắp chiếu. Nhà vua giải thích sự chọn lựa đó bằng lý do tài chính và nhất là những rối ren do cuộc can thiệp của thực dân Pháp gây nên ở miền Bắc và miền Nam đất nước.
Đê công, đê tư
Sự tồn tại hai loại đê là một thực tế lịch sử nội tại trong quá trình đắp đê trên châu thổ sông Hồng. Tháng 11 năm 1665, Cương mục chép việc định thời hạn tu sửa đê và phân các loại công trình khác nhau tùy theo mức độ quan trọng: “Cứ tháng 10 hàng năm, Ty thừa chính các xứ cho các huyện thuộc hạt đi khám đê đường, xem chỗ nào cần phải sửa đắp: nếu là công trình nhỏ thì chiếu theo xã nào mà thế nước có thể đếm được sức cho dân các xã ấy tự làm công việc sửa đắp, việc sửa đắp này là do huyện trông coi thúc giục; nếu là công trình lớn thì hạ lệnh cho quan đôn đốc”1.
Dù sao, lần đầu tiên dưới triều Nguyễn, hai loại đê đó được phân định rạch ròi. Vì vậy trong cuộc điều tra năm 1829 tiến hành trong bốn tỉnh châu thổ (xem ở trên), song song với việc thống kê các công trình công cộng, viên quan Đê chính Lê Đại Cương, đã điểm lại 698 km đê tư thứ yếu đặc biệt và 16 cửa cống thuộc các đê đó (Đỗ Đức Hùng, 1979: 53). Đê tư vào thời đó chiếm 40% trong tổng số 1.650 km đê của năm tỉnh. Vậy sự phân loại đó dựa trên tiêu chí nào?
Các đê công do Nhà nước thực hiện dưới sự chỉ đạo của các quan tỉnh hay nha môn chuyên trách tùy theo thời kỳ. Đê đó được coi là chiến lược khi nó bảo đảm an toàn cho cả một vùng đất đai và dân cư rộng lớn, việc vỡ các đê đó có thể gây nên ngập lụt cho các huyện lỵ, tỉnh lỵ và toàn tỉnh. Đó là những công trình đồ sộ nhất chạy dọc dòng chính của sông Hồng và những chi lưu hung dữ nhất, việc xây dựng và duy tu phải tuân theo những chuẩn mực chung của Nhà nước về kích thước và độ nén. Nhằm huy động theo định kỳ khối lượng nhân công cần thiết để thực hiện những công trình đó, Nhà nước có trong tay hai khả năng. Huy động dân làng theo ba nghĩa vụ đã định gồm lao dịch (được luật Gia Long định là 60 ngày một năm cho mỗi dân đinh), mỗi dân đinh phải thực hiện không có thù lao các công trình công cộng do các quan phân bổ. Với những công trình xây dựng lớn là hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn nông dân được huy động có sự đôn đốc của biền binh. Như năm 1835 (tháng 10), trong tấu trình lên nhà vua về việc đào sông Cửu An, Nguyễn Công Trứ đưa ra những con số kinh ngạc: “Đào sông đắp đê công việc bề bộn nặng nề, xin liệu thuê 20.000 dân phu (Nam Định 6.000 người, Hải Dương 4.000 người, Hưng Yên 3.000 người, các tỉnh láng giềng Hà Nội, Bắc Ninh mỗi tỉnh 3.500 người), đến tháng giêng sang năm sẽ tiếp tục khởi công làm”1. Việc tu bổ các đoạn đê hư hỏng hay bị nước cuốn cũng cần số nhân công lớn như trong báo cáo của Tổng đốc Hà Nội-Ninh Bình, Đoàn Văn Trường: “Các chỗ đê bị vỡ ở huyện Chương Đức, Hoài An, Thanh Liêm thuộc trong tỉnh hạt hiện đã vát được hơn 4.000 dân phu sửa đắp, đều đã làm kín cả rồi”2.
Biện pháp thứ hai là thuê nhân công (trả bằng gạo và tiền) dưới hình thức khoán, dựa vào nhân công thuê mướn cần thiết với số người đàn ông và đàn bà huy động trong mấy tháng mùa khô từ sau vụ tháng 10 đến đầu mùa lũ đầu xuân. Như vậy để đắp đê mới ở Bắc thành, các quan Đặng Trần Thường và Nguyễn Khắc Thiệu, năm 1809 phải tâu xin vua Gia Long: “Đê điều các trấn Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng đều bị sụt lở, nên đắp ba đoạn đê mới khác và đắp thêm hai đoạn đê cũ, xin thuê dân làm. Còn các đoạn khác thế nước chảy không xói lắm có thể chống đã được thì bắt dân sở tại ra sức sửa đắp. Vua y lời tâu”3. Ta dễ dàng nhận thấy việc kết hợp hai hình thức huy động nhân công biểu hiện sự căng thẳng giữa khả năng tài chính của Nhà nước để đầu tư vào việc xây dựng và tu sửa đê điều với việc sử dụng cụ thể trên thực địa. Nếu một vài tờ tấu lên nhà vua đặc biệt nói đến sự trì trệ của nông dân tham gia công trình, còn bộc lộ việc các hào mục địa phương biển thủ tiền của Nhà nước trả công cho dân phu bằng việc bắt dân đóng góp tài chính hay bắt tham gia theo nghĩa vụ lao dịch1. Vì vậy, trong khi khen ngợi việc hoàn thành công trình tu sửa và gia cố đê sông Cửu An, hoàn thành năm 1837, vua Minh Mạng nhắc nhở chớ có lẫn lộn hai nguồn nhân công, một mặt là thuê phu, và mặt khác là huy động lao dịch, tiền phát cho dân địa phương là tiền thưởng chứ không phải là trả lương: “Vua bảo rằng: “Đúng như lời các ngươi nói thì làm một việc mà lợi hai ba đường, có gì là không nên, bèn cho phép làm. Vừa ba tháng, đê đắp xong. Vua thưởng lũ Trứ đều gia một cấp, sa màu mỗi người ba tấm, phi long, đại kim tiền; cát tường, bát bảo, ngũ bảo, tiểu kim tiền mỗi người đều một đồng. Bố, án ba tỉnh và nhân viên thân biền, khám biện, chuyên biện đều thưởng kỷ lục, kim ngân tiền có cấp bậc, dân phu làm việc không vào hạng phải thuê, thưởng chung tiền 5.000 quan”2.
Nếu nỗ lực tài chính ở thế kỷ XIX thay đổi nhiều tùy theo chính sách thủy lợi của từng đời vua, thì sự đầu tư vào lĩnh vực này không bao giờ được cáo tố mặc cho những hư hại thường xuyên của công trình từng gây nên tranh cãi về công dụng của nó. Hãy xem lại câu trong Minh Mạng chính yếu, trong đó nhà vua nhắc nhở đến tầm quan trọng của đầu tư tài chính Nhà nước, và từ đó đã chua chát khiển trách các quan tỉnh Sơn Tây, Sơn Nam và Nam Định sau hàng loạt vụ vỡ đê và lụt lội nghiêm trọng: “Đê là rất quan trọng đối với dân tỉnh các khanh. Các khanh thấy Trẫm không biết tiếc, vì mỗi năm Trẫm ban cho các khanh 100.000 quan cùng chu cấp vật phẩm để lo việc gìn giữ đê điều. […] Tại sao các khanh không lo sớm để tránh những hiểm họa như vậy? Tại sao khi nước lên hung dữ các khanh không có cách kiềm chế khác? […] Điều đó là do các khanh còn sơ suất” (do Chassigneux dẫn, 1914:100).
Còn các đê tư thì được coi là thứ yếu và kém tầm chiến lược, vì đắp ở những khúc sông ổn định hơn và nếu có tràn bờ thì chỉ gây thiệt hại về người và đất đai hạn chế. Nhà nước có sự phân biệt theo kinh nghiệm giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư, nghĩa là phân bổ nghĩa vụ và trách nhiệm tùy thuộc vào khả năng tài chính từng lúc và những ưu tiên chính trị của cả nước nói chung và việc quản lý thủy lợi nói riêng. Công việc ở các đê tư do các cộng đồng nông dân đảm trách và tự trang trải sau khi được sự chuẩn y của nhà vua, mà đây là điểm chủ yếu, vì theo chế độ ruộng đất thì Nhà nước là người sở hữu duy nhất đất đai một cách hợp pháp và thường xuyên, nông dân chỉ là những người lĩnh canh mà quyền sử dụng phụ thuộc vào việc khai phá ruộng đất và đóng thuế.
Sự can thiệp tương đối của lĩnh vực công so với chủ động địa phương đi theo những thay đổi trong việc phân cấp trách nhiệm đối với đê, và cuối cùng đã phản ánh trung thành tính thất thường trong quan hệ giữa các vua triều Nguyễn với bộ máy hộ đê trên những con sông chính ở châu thổ. Vì vậy việc bãi bỏ nha môn đê chính năm 1833 và đi tìm những giải pháp thay thế việc đắp đê, cụ thể là qua công trình đưa nước sông Hồng vào sông Cửu An, trùng hợp rõ rệt với sự thoái thác của Nhà nước đối với đặc quyền của nhà vua trong việc quản lý việc trị thủy, được vua tạm thời giao cho cộng đồng làng xã (Đỗ Đức Hùng, 1998).
Công trình thực hiện ở địa phương có thể có qui mô khiêm tốn và liên quan đến dân một làng riêng lẻ hay một xã, như một vài văn bia làng xã cho thấy. Bia phường Hồ Khẩu lưu giữ trong chùa Chúc Thánh, dựng năm 1858 (Tự Đức 11), giải thích những cuộc tu sửa liên tiếp sau khi đê vỡ đòi hỏi một số tiền lớn và phải kêu gọi sự đóng góp của những người hảo tâm. “Khúc đê ở phường Quảng Bố bị vỡ, nước lũ tràn vào phường Hồ Khẩu, dân phường phải lo đắp đê, chi phí rất nhiều, do vậy cần nhờ lòng hảo tâm quyên góp của tín thí. Có bà Nguyễn Thị Vạn hiến cho phường 30 quan tiền và xin gửi giỗ ở chùa Chúc Thánh. Dân phường lập bia, định lệ cũng giỗ bà về sau”1.
Nhưng những công trình do dân làng chủ động xây dựng đôi khi có qui mô lớn khiến việc thực hiện phải được sự can thiệp của lĩnh vực công. Sự tồn tại của nó nói lên bất lực của Nhà nước và những khó khăn trong quản lý đê điều trên châu thổ, và cũng là khả năng của dân chúng tự tổ chức ở địa phương nhằm thực hiện các công trình công cộng. Đấy là một thực tế đầu triều Nguyễn, như trường hợp đắp ở vùng Mỹ Lương-Yên Sơn (nay thuộc huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, Hà Nội) con đê Thập Cửu dài khoảng 50 km (3,10 m rộng ở đáy, cao 2,30 m), để bảo vệ 8.000 mẫu đất trồng lúa (2.890 ha). Điều đáng lưu ý là nó được hoàn thành từ 1808 đến 1812 do dân 19 xã, và được ghi vào bản khoán ước khá chi tiết nêu rõ trách nhiệm của mỗi xã trong việc giám sát, bảo vệ và duy tu công trình (chăn trâu, trồng tre, v.v…), đóng góp tài chính và hình phạt trong trường hợp cố tình vi phạm. Do tầm quan trọng của nó, khi công trình hoàn tất, việc điều phối được chỉ dụ của vua đặt dưới sự phụ trách của Nhà nước để đưa vào lĩnh vực công mà Nhà nước không phải bỏ ra một đồng nào! (Huy Vu, 1978).
Tuy nhiên phải nhấn mạnh đến sự thụ động và chờ đợi của chính quyền trung ương trong trường hợp đắp đê Thập Cửu, không hoàn toàn theo đúng qui định như nhiều đề nghị xây đắp công trình ghi trong sử sách, mà việc phê chuẩn đòi hỏi sự ban cấp tài chính của Nhà nước: “Đắp đê mới ở Mai Xá, tỉnh Nam Định (dài hơn 200 trượng, Mai Xá thuộc huyện Mỹ Lộc). Dân xã đó đều muốn ra sức bồi đắp. Tỉnh thần đem việc tâu lên. Vua khen và cho làm. Khi công việc xong, thưởng tiền 5.000 quan”1. Nói cách khác, nhằm khuyến khích sáng kiến địa phương, nhà vua có thể miễn toàn bộ hay một phần thuế trong thời hạn ba năm, huy động binh lính hỗ trợ dân chúng, ban thưởng và cấp bằng sắc cho các hào mục và nông dân xứng đáng, và đền bù cho những chủ ruộng có đất bị san lấp khi làm công trình hay dùng làm nơi lấy đất xây đắp.
Chinh phục đất bồi ven biển: những qui hoạch hợp lý đầu tiên
Nếu mối quan tâm đầu tiên của các vua triều Nguyễn là các công trình ngăn lũ trên sông Hồng, thì triều đình cũng lo cải tiến các biện pháp thủy nông.
Đầu tiên là chinh phục các dải đất bồi ven biển. Thực ra đây không phải là sáng kiến của thế kỷ XIX, vì các nguồn sử liệu đã nói đến việc chinh phục đất ven biển từ thế kỷ XIII, mà theo một số nhà nghiên cứu, có thể đấy là nguồn gốc của những công trình đắp đê đầu tiên trên châu thổ. Cho nên J. Gauthier đánh giá rằng: “Những con đê đầu tiên ở Bắc Kỳ có thể là những đê ven biển, bổ sung cho sự bảo vệ nguyên thủy của các đụn đất ven biển” nhằm khai khẩn đất hoang phì nhiêu khiến cho châu thổ được kéo dài liên tục ra biển (1930: 14-15).
Cái mới là sự hợp lý hóa việc chinh phục bờ biển bằng những con đê bao bãi bồi tạm thời nổi lên khi nước rút nhằm khai thác trên qui mô lớn. Công trình đầu tiên loại này được thực hiện năm 1828 trên đất bồi ven biển các tỉnh Thái Bình và Ninh Bình. Công trình tiến hành dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Công Trứ cho phép lập nên hai huyện ven biển là Kim Sơn và Tiền Hải năm 1829: “Bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Lĩnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ, ở phía ngoài đê Hồng Lĩnh đo được số ruộng hoang là 14.620 mẫu, chia cấp cho dân nghèo hơn 1.260 người. Lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp, chia làm 5 tổng, tâu xin đặt riêng một huyện gọi là Kim Sơn, chọn người hợp với địa phương làm tri huyện để phủ dụ khuyên bảo”1. Đầu thế kỷ XX, hai huyện này có 20.000 ha đất canh tác nuôi sống 120.000 dân c- (Lê Thành Khôi, 1992: 372).
Ở đây, song song với sự tham gia của chính quyền trung ương, việc chinh phục vùng đất mới lại cũng xuất phát từ sáng kiến của địa phương. Như tấm bia lập ngày 10 tháng 6 năm Tự Đức thứ 32 (1880), nói về xã Hải Yến (Quảng Ninh) đã quai đê bao 50 mẫu đất hoang lấn ra biển nhờ hệ thống đê và con trạch ngăn nước mặn tràn vào. Cũng nguồn tư liệu đó nói rõ nội dung bản khoán ước của xã định quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi giáp (Huy Vu, 1978: 47).
Nhưng cải tiến đáng chú ý nhất là tưới tiêu. Thật vậy, phải chờ đến đầu thế kỷ XIX mới xuất hiện biện pháp lấy nước từ sông. Cho đến lúc đó, hình như không thể làm chủ được kỹ thuật cắt ngang thân đê lấy nước mà không gây vỡ đê đưa đến lụt lội. Nguyên lý là lấy nước trực tiếp từ dòng sông bằng những đường dẫn xuyên qua thân đê và có thể đóng lại dễ dàng, theo kiểu cống ngầm. Biện pháp này nhằm thay thế phương thức chống hạn duy nhất trước đó là dự trữ nước trong các ao chuôm sau mùa mưa.
Dấu vết đầu tiên ghi chép về công trình làm trực tiếp vào thân đê cho thấy việc xây dựng được tiến hành vào đầu triều Gia Long, nhưng không loại trừ khả năng thực hiện những công trình tương tự sớm hơn. Cho nên trong sắc chỉ của vua Gia Long năm 1809 giao nhiệm vụ đầu tiên cho nha môn đê chính mới thành lập, phải lập bảng thống kê các đê và cống nước. Những công trình đầu tiên được làm thô sơ, bằng thân gỗ khoét rỗng, đôi khi không gắn khít vào thân đê. Sau đó được làm chắc chắn hơn, xây vòm cuốn bằng gạch và vữa chịu lực và gắn chặt vào thân đê bảo đảm duy trì lâu dài (Gauthier, 1930: 25).
Năm 1829, thống kê các công trình thủy lợi ghi lại 50 cống nước chính và 16 cống nước phụ, đều có chức năng tiêu nước và dẫn nước, biết rằng tấu trình gửi vua Minh Mạng năm 1833 của ba viên quan đầu tiên trong cuộc cải cách quản lý đê điều, đã khuyến khích việc phổ biến các thiết bị đó. “Nay các tỉnh đã có đại viên Đốc, Phủ chịu trách nhiệm về sự làm lợi trừ hại cho dân. Vậy xin đem công đê và tư đê giao cả cho các quan tỉnh quản lĩnh, theo như chương trình mà làm. Còn những đoạn đê ven sông, xem kỹ chỗ nào đáng đặt cống nước để lợi việc làm ruộng, thì tâu xin làm ngay. Mỗi vụ chiêm và vụ mùa hoặc khô cạn, hoặc úng thủy tùy thế mà mở ra cho nước thông đi, khi nước sông lên to thì đóng cửa cống lại. Sông con ở phía trong đê, chỗ nào nông cạn thì tùy thế mà khai mở cho thông dòng nước. Chỗ có cống nước, nên chứa nhiều đống đất và vật liệu để phòng hộ đê. Phàm những việc nên khai hay nên lấp, quan địa phương phải thân đến tận nơi xem xét công việc, không được phó mặc dân thường. Và việc đê đã giao cho quan địa phương, thì xin nên bỏ nha môn Đê chính. Vua sai đình thần bàn tâu, đều cho là phải. Vua bèn cho làm theo lời bàn ấy”1.
Hiệu quả của các cống nước đó như thế nào? Nó đem lại kết quả khả quan ở vùng ven biển, ở đó thu hoạch một số vụ bấp bênh do nước lũ sông Hồng nhiều hơn là do nước mưa (Pouyanne, 1931: 35). Ngược lại, đi xa vùng ven biển, thì thấy nó đem lại những sự cải tiến còn cách xa kết quả mong đợi. Lý do thứ nhất thuộc về kỹ thuật: cửa cống trổ ra lúc đầu bị cát bồi lấp vào mùa nước lên, khiến cho lưu lượng chảy qua cống không đủ. Nhưng nhất là khi mùa nước dâng, ở vùng đất thượng và trung lưu châu thổ, độ cao lũ các sông có đê vượt quá bình độ vùng thấp của đồng ruộng, ngăn chặn việc thoát nước thừa qua cống nước, tạo thành những hồ lớn. Còn về vấn đề tưới tiêu, nước sông lúc xuống thấp để lộ phần lớn các cửa cống lên trên mực nước trong mùa khô. Xét cho cùng, nếu các vua triều Nguyễn biết rất rõ rằng các sông trên châu thổ là nguồn dự trữ nước vô tận cho nông nghiệp cần được sử dụng, thì địa hình châu thổ không cho phép dẫn thủy bằng dòng chảy: sự thiếu vắng những biện pháp cơ giới để bơm nước ngăn cản việc vượt qua khó khăn đó (Chassigneux, 1912: 96).
Cho nên việc lấy nước từ các kênh mương và ao hồ do thủy triều các sông tràn vào tự nhiên vẫn là tiêu chí để xây dựng hệ thống dòng chảy. Trong hệ thống này, mỗi người nông dân đều chịu trách nhiệm tát nước bằng gầu từ một vị trí riêng biệt nằm dọc các kênh hay ao, gọi là điểm tát nước. Các điểm tát nước đó là của tư nhân, người chủ nơi đó được ưu tiên trước những dân làng khác muốn lấy nước cho ruộng của mình. Nước tát lên hoặc trực tiếp đưa vào ruộng, hoặc đưa vào một con mương dẫn đến các thửa ruộng.
Chúng tôi đã nói đến các biện pháp khuyến khích của các vua nhằm làm tăng các nguồn dự trữ nước cho vụ lúa tháng 5, như nạo vét kênh mương, đào kênh dẫn thủy hay đắp con trạch làm tăng khả năng giữ nước của các đầm vực. Nhưng còn hơn cả việc đắp đê, sự lên xuống trong đầu tư của triều đình và một số bất lực khi đề ra những biện pháp hữu hiệu cho việc tưới tiêu, là hai nhân tố thúc đẩy các cộng đồng nông dân phải tự lo thực hiện công trình của mình. Nếu như không thể thống kê số lượng các sáng kiến địa phương đó, thì các hương ước cũng như văn bia đôi khi cũng cho thấy sự có mặt của nó, như tấm bia xã Đắc Sở (huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông) khắc năm 1854 (Tự Đức thứ 7) đã nói: “Việc thủy lợi có quan hệ lớn đến nông nghiệp. Một số quan viên, hương lão đã bỏ tiền của ra xây dựng chiếc cống đá thuộc bản xã để khai thông nước thuận lợi cho việc cày cấy. Bia ghi danh sách những người hưng công hội chủ như: phó tổng Nguyễn Văn Uyên, phó lý Nguyễn Kim Nguyên v.v…”2 Nên nhớ là vào cuối thế kỷ XIX, tổng số các công trình công và tư và đặc biệt trong việc t-ới tiêu, đã khiến cho khả năng làm hai vụ lúa một năm đã đạt đến một phần ba tổng diện tích châu thổ sông Hồng.
Cuối cùng, vào mùa khô hạn, các vua triều Nguyễn cũng như các triều đại trước, đều cầu đảo để mong mưa. Trong những đoạn nói về việc cầu đảo của Đại Nam thực lục, đoạn trích sau đây (tháng 7, năm 1826) có lẽ đã nói lên mối lo của Minh Mạng trước hiện tượng khí hậu mà quyền uy của ông đành bất lực: “Vua bảo thị thần rằng: “Từ nay hạn hán phần nhiều về xuân hạ, mà gần đây thường thấy về thu, đông, chẳng biết có phải vì khí trời không thuận mà đến như thế không! Vả nay mấy tuần không mưa, khí nóng như đốt ruột, huống là cỏ cây lúa ruộng thì tươi tốt sao được. Trẫm ở trong cung chưa từng một đêm nào ngủ yên. Đêm qua trẫm ngồi ở sân điện, ngửa xem tượng trời, thấy một đám mây đen nghịt, chợt gặp gió đông nam, lại tan ngay, sao mà khó mưa đến thế!”. Vua quay bảo Phan Huy Thực rằng: “Trẫm muốn thí nghiệm các thần kỳ trong nước có thần nào làm mưa được thì khen tặng, không làm được thì đình việc thờ cúng, đó cũng là ý xét công thần kỳ của người xưa. Nhưng lại nghĩ sao Cơ thì gió, sao Tất thì mưa là do tự nhiên, không phải sức thần làm được.” […]”1.
***
Mặc dầu việc dời đô về Huế có hậu quả trước mắt là đưa trung tâm quyền lực xa khỏi thực tế Bắc Hà sau nhiều thế kỷ cắm sâu vào trung tâm châu thổ sông Hồng, triều Nguyễn vẫn đầu tư tài chính rất lớn vào lĩnh vực thủy lợi nhằm giải quyết việc đắp đê trên toàn châu thổ. Tuy nhiên, nỗ lực trước nay chưa hề có vẫn không che dấu được sự bấp bênh và mâu thuẫn trong đường lối thủy lợi của các triều vua: không liên tục trong tổ chức và quản lý đê điều, khi thì giao cho nha môn chuyên trách, khi thì giao cho các quan tỉnh; tính quan liêu chậm chạp một phần do ở xa triều đình trung ương và do sự không đồng bộ của bộ máy quan lại; sự thay đổi của các giai đoạn tham gia của Nhà nước rồi lại rút lui bỏ mặc một phần cho cộng đồng nông dân lo liệu, những người nông dân buộc phải tự gánh vác việc xây dựng và duy tu các công trình ngày càng tăng lên (Đỗ Đức Hùng, 1979: 49, 1994: 51).
Sự bất lực của các vua không gánh vác đầy đủ “Thiên mệnh” được giao phó trách nhiệm bảo vệ thần dân chống các thiên tai và cụ thể là chống lại lũ lụt các sông, có lẽ đã làm tăng sự bất bình trong dân chúng chứng tỏ ở sự bùng nổ liên tục các cuộc khởi nghĩa nông dân trong thế kỷ XIX: 4 cuộc một năm dưới thời Gia Long; 11 cuộc một năm dưới thời Minh Mạng; 8 cuộc một năm dưới thời Thiệu Trị; 3 cuộc một năm dưới thời Tự Đức; tổng cộng là 400 cuộc nổi dậy trong 60 năm (Lê thành Khôi, 1992: 382).
Nhưng vượt qua sự tổng kết còn nhiều mâu thuẫn mà tính khách quan chỉ là tương đối, do tình trạng thiếu hụt của nguồn tư liệu, ta có thể thấy triều Nguyễn đã đóng vai trò bản lề trong lĩnh vực thủy lợi bằng việc đặt cơ sở cho qui hoạch hiện đại và hợp lý châu thổ sông Hồng. ngoài việc đắp đê toàn bộ, các vua Gia Long và Minh Mạng quả là những người đầu tiên có ý định giải quyết vấn đề sống còn của thủy lợi bằng cách dựa trực tiếp vào nguồn dự trữ nước tưới bất tận của các con sông. Thật vậy, kết quả đạt được thật là nhỏ nhoi vì ở vùng châu thổ, việc thiết lập hệ thống thủy lợi chỉ có thể làm trên qui mô lớn không những để tưới nước mà còn để tiêu nước thừa trong mùa mưa lũ: điều đó cần phải có những phương tiện cơ giới quan trọng để bơm nước lên cũng như đào những con sông lớn để tưới tiêu. Đối với những người đi đầu đó, giới hạn trước hết thuộc về kỹ thuật; phải đợi đến năm 1920 các kỹ sư và chuyên gia thuộc địa mới đưa ra được những biện pháp thủy nông hiệu quả và hiện thực cho vùng trung du và hạ châu thổ, nhờ vào sự tăng cường những trạm bơm điện.
Mặc dầu thừa nhận sự bất lực đó, nó vẫn cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về sự phức tạp của vận hành thủy lợi trên châu thổ và các hậu quả đôi khi tai hại của công trình, như cuộc tranh luận đưa ra năm 1803 của vua Gia Long xem có cần gai cố hay ngược lại là xóa bỏ hệ thống đê sẵn có.
__________
1 Lớp phù sa sông Hồng, ước tính 130 triệu tấn mỗi năm, xếp con sông đứng vào hàng thứ 8 trên thế giới về lượng phù sa tải đi (Béthemont, 2000).
1Việt sử thông giám c-ơng mục tiết yếu, Nxb KHXH, Hà Nội, 2000, tr. 118.
2 Được dẫn trong công trình của Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, q 6, dẫn theo Hậu Hán thư.
1 Năm ất Tỵ, năm thứ 14 (1245). “Mùa thu tháng 7, nước to, vỡ đê Long Đàm”, Cương mục, sđd, tr. 157.
1 “ất Mùi năm [Hồng Đức] thứ 6 (1475). Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn, vỡ đê Tô Lịch. Đặt chức quan hà đê và quan khuyến nông”. “Nhà vua ra sắc lệnh cho trong n-ớc sửa đắp đê điều và đ-ờng sá, đặt chức quan hà đê trông coi công việc này: lại đặt chức quan khuyến nông để đôn đốc về việc cày cấy.” Việt sử Thông giám C-ơng mục, t. XII, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr. 1082.
2 Việt sử Thông giám Cương mục, t. XIII, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959, tr. 113.
3 Việt sử Thông giám Cương mục, t 2. XIII, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 2007, tr. 395.
4 Việt sử Thông giám Cương mục, t 2. XIII, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 2007, tr. 397.
1 Kênh rạch là những đoạn sông cạn, có rất nhiều trên châu thổ sông Hồng, bảo đảm việc giao thông tự nhiên giữa dòng sông và các vùng đất mà kênh rạch chảy qua.
2 “Thác bản bia xã Thời ủng huyện Vĩnh Lại phủ Hạ Hồng, sưu tầm tại đình xã Hoà ủng tổng Bất Bế huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương”, Thư muc thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, 2007, Hà Nội, Viện NCHN – EFEO – EPHE, Tập III, tr. 281.
1 Chúng tôi chỉ thấy một đoạn trong Cương mục nói về việc này: “Quí Hợi năm thứ 6 (1503). Tháng giêng mùa xuân. Hạn hán. Hạ sắc lệnh chuẩn bị xe lấy nước để bảo vệ việc làm ruộng” (tôi nhấn mạnh). Và lời cẩn án nói rõ là trong nguyên bản “thủy xa” là một dụng cụ nông nghiệp để tát nước.
2 Việt sử thông giám cương mục, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, t. IV, 1958, tr. 315, t. ĩ, tr. 819.
1 Chúng tôi chỉ thấy một đoạn trong Cương mục nói về việc này: “Quí Hợi năm thứ 6 (1503). Tháng giêng mùa xuân. Hạn hán. Hạ sắc lệnh chuẩn bị xe lấy nước để bảo vệ việc làm ruộng” (tôi nhấn mạnh). Và lời cẩn án nói rõ là trong nguyên bản “thủy xa” là một dụng cụ nông nghiệp để tát nước.
2 Việt sử thông giám cương mục, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, t. IV, 1958, tr. 315, t. ĩ, tr. 819.
1 “Ban điều lệ Đê chính cho Bắc Thành. Vua lưu ý đến việc phòng nước sông, sai thành thần tham chước việc cũ tâu lên, lại sai đình thần bàn lại, định làm điều lệ ban hành” [các điều khoản kèm theo]. Đại Nam Thực Lục, t. I, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 764-765.
1 Đại Nam thực lục, t. II, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 648.
2 “Bỏ bớt nha môn Đê chính Bắc Kỳ […] Đặt ra đê, là cốt để bảo vệ cho nghề nông. Từ trước đến nay cứ đến mùa thu nước lớn, quan Đê chính chuyên làm những việc bồi đắp giữ đê cho vững, còn đối với việc làm ruộng, thì lợi, hại, đau khổ, không quan tâm đến.[…] Quan địa phương mục kích tình hình ấy, nhưng không dám tự tiện, phải loanh quanh tự báo đi báo lại, nên không khỏi chậm trễ. Do đấy, dù nắng, mưa tầm thường cũng có khi gây thành tai hại ! Dân bị khó khăn về lương thực, chưa hẳn không phải vì thế.” Đại Nam Thực Lục, t. III, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 536.
3 Quý Hợi, Gia Long năm thứ 2 [1803], mùa thu, tháng 8. “Hạ lệnh cho quan lại sĩ thứ ở Bắc Thành điều trần về lợi hại của việc đê. Chiếu rằng: Làm lợi bỏ hại là việc trước tiên của chính trị. Xét xưa sánh nay, phải sao cho đúng lẽ. Những huyện ở ven sông trong địa phương các ngươi từ trước đã lập đê điều để phòng nước lụt. Song nhân tuần đã lâu, hễ đến mùa lụt thì đê điều vỡ lở, lúa ruộng bị ngập, người và súc vật cũng bị hại. Bọn ngươi, người thì sinh ở nơi đó, người thì làm việc ở nơi đó, thế đất tình người đã từng am thuộc. Vậy đắp đê và bỏ đê, cách nào lợi, cách nào hại, cho được tỏ bày ý kiến. Lời nói mà có thể thực hành sẽ được nêu thưởng”. Đại Nam Thực Lục, t. I, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 572-573.
1 “[…] Hai bên bờ đê liệu đặt cống có cửa và cống không cửa để tiện đóng mở, ngõ hầu mới phòng được lụt mùa hè và chống được nước mùa thu, để cho dân ta không một người nào bị mất nơi ăn chốn ở. Nếu có một điều gì không chu đáo, thì chỉ trách cứ vào bọn Nguyễn Công Trứ đó !” Đại Nam Thực Lục, T. XVIII, Chính Biên Đê Nhị Kỷ XIV (1836), Nxb Khoa Học Xã Hội, 1967, tr. 292.
1 Việt sử Thông giám Cương mục, T.II, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2007 Tr 310.
1 Đại Nam thực lục, T. IV, Nxb Giáo dục, 2004, tr. 784.
2 Đại Nam thực lục, T. III, Nxb Giáo dục, 2004, tr. 858.
3 “Trấn Sơn Tây một đoạn đê mới, từ xã An Lão Thị huyện Yên Lạc đến xã Kim Đà huyện Yên Lãng, dài 1.282 trượng 8 thước 4 tấc; trấn Kinh Bắc, một đoạn từ xã Đông Dư huyện Gia Lâm đến xã Kim Quan dài 637 trượng 8 thước 7 tấc; trấn Sơn Nam thượng, một đoạn từ xã Đội Xuyên huyện Nam Xang đến xã Như Trác dài 508 trượng 1 thước. Đê cũ ở Sơn Nam thượng, một đoạn ở xã Nho Lâm huyện Kim Động dài 125 trượng, một đoạn xã Quỳnh Trân huyện Duy Tiên dài 18 trượng. Tính giá tiền là 87.000 quan”, Đại Nam Thực Lục, T. I, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 749.
1 “Dân ở các hạt Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định sửa đắp đê điều, phần nhiều góp tiền thuê người khác làm, không chịu tự mình đi làm việc. Vua nghe tin, dụ bộ Công rằng: “Ghét khó nhọc, thích nhàn rỗi, đó là thường tình của người ta, mà làm quen cần khổ, mới là dân đời thịnh trị, vả lại việc ngăn giữ nước sông, trẫm sở dĩ ngày đêm lo tính, không tiếc phí tổn, chỉ lấy chống lụt, giúp việc làm ruộng làm kế nuôi dân ta, đến khi khởi công sửa đắp, đổi bỏ tệ cũ thuê khoán, chuyên thuê dân trong hạt, cốt để cho bờ sông giữ vững, đã có thể cho dân được ở yên mà tiền gạo chi ra lại có thể giúp lương ăn cho dân, trẫm để tâm đến lương thực của dân như thế là nhất, không ngờ bọn dân thường quen thói lười biếng, lại cùng nhau thuê người khác làm, có thể hoặc trị bọn hào dịch gian dối sâu mọt, đặt điều dọa nạt mà dân thường không biết, không dám thò đầu ra làm việc, cùng nhau đóng góp thuê tiền, để cho chúng kiếm lợi, ở đó tình trạng như thế, không những tốn không của kho Nhà nước, mà dân ta lại phải khổ luỵ, trẫm nghe tin đó, rất lấy làm bất bình”. Chuẩn cho truyền Chỉ cho Tổng đốc Hải An là Nguyễn Công Trứ, Tổng đốc Định An là Trịnh Quang Khanh, Tuần phủ Hưng Yên là Hà Thúc Lương đều đem việc ấy hiểu thị mà răn bảo, còn dám có thuê riêng thì trị tội nặng. Đến khi làm xong, các nhân viên đi làm việc, đều chia hạng nghị khen nghị thưởng. Lúc đó có dân huyện Hưng Nhân xin thôi không lĩnh số tiền gạo thuê làm, đặc cách gia ân thưởng chung cho 800 quan tiền (Năm trước sửa đắp tư đê 70 trượng, đã đưa thưởng tiền 30 quan, rồi sau đê ấy bị bỏ, cho nên dân ấy tự nguyện ra sức sửa đắp đê mới 70 trượng, lấy tiền ấy bù vào đê tiền kia, không dám lĩnh tiền thuê nữa).”, Đại Nam Thực Lục, T. XX, Chính Biên Đê Nhị Kỷ XVI (1838),
Nxb KHXH, 1968, tr. 47-48.
2 Đại Nam thực lục, T. XIX, chính Biên đệ nhị kỷ XV (1837), Nxb KHXH, 1968, tr. 29.
1 Thác bản bia phường Hồ Khẩu, tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Thư muc thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Viện NCHN – EFEO – EPHE, 2007, Hà Nội, T. I, tr. 94.
1 Đại Nam thực lục, T. XVIII, Chính biên Đệ nhị kỷ XIV (1836), Nxb KHXH, 1967, tr. 360.
1 Đại Nam thực lục, T. II, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 843.
1 Đại Nam thực lục, T. III, Nxb Giáo Dục, 2004, tr. 536-537.
2 Thư muc thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam, 2007, Hà Nội, Viện NNCHN – EFEO –
EPHE, T. I, tr. 802-803
1 Đại Nam thực lục, T. II, Nxb Giáo Dục, tr. 524-525.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Tính năng động của công trình thủy lợi châu thổ sông Hồng dưới triều Nguyễn (Tác giả: Olivier Tessier – Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội) |