Tinh thần ĐỐI THOẠI VĂN HÓA qua một số CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VIỆT NAM của Phan Ngọc (Phần 1)
THE SPIRIT OF CULTURAL DIALOGUE THROUGH SOME
OF RESEARCH WORKS ABOUT VIETNAM BY PHAN NGOC
LÊ THỊ THANH TÂM
(Tiến sĩ, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQG-HN)
Phan Ngọc đặt trọng tâm ở “cách”: “phương cách”, “cách thức”, “cách tiếp cận”, “cách thức nhận”, “cách xem xét”, “thử xét”,… trong hầu hết các vấn đề nghiên cứu nói chung mà ông quan tâm. Sự thiết yếu của phương pháp (cách thức) đặt trọng tâm ở chỗ: nó cần đến sự phân tích một cách sống còn, hướng đến sự thuyết phục có được nhờ phân tích, bởi sự phân tích ấy mà phản chiếu của cái lõi tư tưởng xuyên suốt bên trong. Trong trường hợp này, những kết luận khoa học có khả năng trở nên “sang trọng” hơn (ở cả tư tưởng và con đường tiếp cận) nhờ được đào luyện trong nỗ lực thực sự của trí tuệ. Một phương pháp thiếu tư tưởng là phương pháp khó có sức sống. Một tư tưởng thiếu phương pháp thì nó khó hiển lộ. Phương pháp của Phan Ngọc là hồi âm của tư tưởng trước những thách thức giải mã cơ chế khái niệm.
Tuy nhiên, “sang trọng” không đồng nghĩa với sự bền vững không thể xô lệch của một học thuyết. Trong khi “lập thuyết”, Phan Ngọc (luôn cố ý) để lại dư vang của những tranh cãi thông qua những luận điểm thậm chí có tính “nội tâm”, “cực đoan” của nhà nghiên cứu. Nhưng điều ấy cần cho môi trường học thuật, cần cho những chuyến đi xa của tinh thần, nơi không có dấu hiệu dừng lại của nhận thức trước những khái niệm cũ kỹ.
1. Cái lý của mọi sự “cắt nghĩa lại”
Phải chăng tồn tại một nhu cầu “nhận thức lại” thực sự lớn trong mỗi cách đặt vấn đề của Phan Ngọc? Nhu cầu đó bắt nguồn từ sự không hài lòng với những “mệnh đề” có nguy cơ trở thành “tiên đề”, những “tập quán” nghiên cứu được gói bọc gọn gàng dưới hình thức “tụng ca chính trực”, những phát ngôn định hướng có thể vô hiệu hóa khả năng nghĩ suy vốn có của con người.
Có sự khác biệt giữa lý do tự thân với lý do được tải ra bởi ngôn từ và thời cuộc.
“Cắt nghĩa lại” một điều gì đó không phải vì được phép hoặc lệ thuộc sự kêu gọi của chuỗi ngôn từ, mà vì mục đích sáng tỏ thôi thúc bên trong: vấn đề này có thể sáng tỏ hơn thế, có thể dẫn tới những nhận thức tươi mới hơn, thúc đẩy tư tưởng đi xa hơn, thỏa mãn sự tìm tòi của trí óc hơn. Đó là lý do tự thân.
Bởi lý do tự thân mà mỗi công trình khoa học của Phan Ngọc sở hữu cả màu sắc những tìm tòi chất đầy đam mê như một nghệ sĩ đi tìm hình bóng mình và soi mình qua tài nghệ của chính mình. Bởi lý do tự thân mà mỗi ý tưởng ông viết ra đều dễ “gây sự” với người đọc, đặt lại những nghĩ suy, làm nóng lại những hoài nghi bị quên lãng, thôi thúc một sự đồng hành lặng lẽ của những tâm trí không yên ổn với giáo điều.
Phan Ngọc sở hữu một nguồn chảy phong phú các “lý do tự thân” cho mỗi cung đường mà ông “cắt nghĩa lại”.
Ví dụ, cùng viết về Nguyễn Trãi, ông có bài “Nguyễn Trãi – người đặt nền móng cho một nền văn hóa dân tộc” (Phan Ngọc, 1994, tr.140) và một bài khác “Cách tiếp cận Nguyễn Trãi trên cơ sở hệ thống ứng xử vật chất của Việt Nam” (Phan Ngọc, 2000a, tr.45). Ở đây có sự “cắt nghĩa lại” bằng cách huy động các yếu tố văn hóa để làm rõ nét một Nguyễn Trãi với hình hài tinh thần vĩ đại khác biệt. Người ta biết rằng, nếu kết quả nghiên cứu chỉ để chứng minh một điều đã đúng (tức đã có kết quả trước) thì mục tiêu nghiên cứu gần như không đạt. Phương pháp phân tích tạo bộ công cụ ở Phan Ngọc rất đặc trưng nhằm loại trừ việc phải chứng minh một cái gì đó đã đúng. Cách đặt các con số trong bài viết của ông rất gần với các luận điểm của một…bài thơ. Đó là sự “khoan thư” chính nội lực của mình để vượt qua thử thách của chữ, nghĩa, khái niệm. Hệ thống các con số của Phan Ngọc chỉ là “cọc tiêu” để cùng suy nghĩ, có khi không có tiêu đề. Ví dụ:
Bài nghiên cứu 1 | Bài nghiên cứu 2 |
Nguyễn Trãi – người đặt nền móng cho một nền văn hóa dân tộc” | Cách tiếp cận Nguyễn Trãi trên cơ sở hệ thống ứng xử vật chất của Việt Nam” |
1. Nguyễn Trãi như người mở đầu nền văn hóa mới | 1. Công thức hóa hoàn mỹ nhất về nhà nước dân tộc qua Bình Ngô đại cáo |
2. Nguyễn Trãi là người đầu tiên nhận thức tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp dựng và giữ nước | 2. Hệ quả của cơ sở vật chất dẫn đến sự hình thành quan niệm thống nhất dân tộc như một quy luật tất yếu |
3. Ứng xử văn hóa của Nguyễn Trãi có cơ sở vật chất | 3. Khái niệm Làng xã và nước là của dân |
4. Sách lược tâm công của Nguyễn Trãi và nguyên lý “không bao giờ nói đến chuyện triệt hạ một thành, một làng” của người Việt | 4. Khái niệm Nho giáo mà Nguyễn Trãi sử dụng là những từ đồng âm với Nho giáo Trung Hoa: Hiếu, Trung, Ẩn, Dân được giải thích lại |
5. Sách lược ngoại giao “một nước có văn hóa nói chuyện với một nước có văn hóa” | 5. Khúc xạ tư tưởng Nho giáo qua Nguyễn Trãi là một nguyên tắc cần nắm vững |
6. Một bản đồ về non sông Đại Việt | |
7. Quan niệm lỗi lạc về việc dùng lịch sử để giáo dục chính trị | |
8. Chí làm thánh nhân của Nguyễn Trãi và đóng vai trò sáng tạo văn hóa cho đất nước | |
9. Quốc âm thi tập và tâm hồn con người lỗi lạc phản ánh ứng xử vật chất và trạng thái tinh thần người Việt | |
10. Nền văn hóa nhân nghĩa sáng rực của Nguyễn Trãi là đóng góp của văn hóa Việt Nam vào tư tưởng thế giới |
Ở hai bài viết, cùng về một nhân vật lịch sử, cùng cách tiếp cận liên quan đến ứng xử vật chất, nhưng một bài thì ông đưa ra 10 luận điểm gắn bó mang tính nền tảng; bài còn lại, ông lại thiết lập một hướng phân tích với bộ công cụ chỉ có 5 luận điểm, nhưng mỗi luận điểm lại bao gồm 4 hoặc 5 luận chứng khác biệt nữa. Cái nhu cầu thôi thúc bên trong của mỗi cuộc tìm kiếm này thực chất là khát khao chân lý ở nhiều góc nhìn. Bởi thế mà câu chuyện “ứng xử vật chất” liên tục được lật lại với các “thao tác luận” có phần giống và khác nhau. Với một nhân vật, ông đẻ ra nhiều tầng bậc câu hỏi, khai thác hệ thống tư liệu và luận cứ khác nhau, gồm nhiều ngành khoa học khác nhau. Đối tượng nghiên cứu hiện ra luôn trong tình trạng… chưa hoàn tất, còn kêu gọi, vẫn như mới. Phương pháp của Phan Ngọc thực chất là “thuật” nhưng vượt qua các yếu tố tường thuật, kỹ thuật, chiến thuật mà trở thành một phong cách dẫn dắt suy nghĩ không trùng lặp bất kỳ ai, có thể tạo ra một không gian suy tưởng rộng rãi cho người yêu mến triết học và tận tâm với văn hóa dân tộc. “Tôi không có tham vọng giải đáp cái gì hết, tôi chỉ cố gắng nêu vấn đề cho trung thực, nghiêm chỉnh, thử đưa ra một cách giải đáp, mà không hề cho cách giải đáp của mình là tiếng nói duy nhất đúng” (Phan Ngọc, 2000a, tr.8).
Mâu thuẫn rất đáng chú ý trong phong cách nghiên cứu của Phan Ngọc: rất độc lập, khác biệt, nhưng không tuyên bố thủ đắc chân lý duy nhất. Mâu thuẫn đó là phẩm chất của một nhà khoa học biết đối thoại.
2. Những lối đi “tự do” trong khoa học nhân văn
Văn chương nghiên cứu của Phan Ngọc có khả năng tạo ra một khí quyển tự do cho nhận thức của bản thân, qua lại giữa nhiều quan niệm mà không bị đông cứng, kết nhập nhiều ý tưởng mà không rối loạn; khả năng tự do và cách thực hành tự do trong nhận thức, thông diễn, truyền dẫn.
Xác lập tự do nhận thức (của cá nhân) trong tương quan với các “tự do nhận thức khác” khó khăn như “người làm xiếc” trong trí tuệ, nơi những cú ngã về khái niệm và nội hàm luôn rình rập thường khiến người ta e ngại khi bày tỏ, nhưng với Phan Ngọc thì khó khăn ấy dường như chỉ là cái “thú vui” để làm khoa học. Ông tự do trong những trang viết của mình.
Một là tự do chọn lại thuật ngữ cho phù hợp với nội hàm được “gia công”. Mô hình nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Phan Ngọc có thể chia sẻ những suy tư cao cấp với các nhà nghiên cứu khác, nhưng khả năng tự do trong mô tả bằng khái niệm hay thuật ngữ khoa học là một “kỹ nghệ” chỉ riêng có ở ông. “Văn hóa 4F” (Phan Ngọc, 2000b, tr.24) chẳng hạn, ông giải thích:
(1) Fatherland: Tổ quốc
(2) Family: Gia đình
(3) Fate: Thân phận
(4) Face: Diện mạo
Kiến giải về bốn chữ F này (mượn tiếng Anh để dễ “quy đồng” và phân tích), Phan Ngọc cho rằng nó là bốn khía cạnh gắn bó vào nhau để hình dung nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Trong khi nội dung chữ F1 và F2 được giải thích dễ hiểu (vì nó rất quen thuộc trong tâm thức người Việt) thì nội dung F3 và F4 được giải thích có phần khó hiểu hơn, nhưng khả năng đi xa về tư tưởng của hai chữ F này lớn hơn. Chữ F3 liên quan đến “thân phận”, được Phan Ngọc giải thích chủ yếu dựa vào sự “bảo bọc” có nguồn gốc từ văn hóa làng xã: “Chế độ tự trị của làng xã tạo nên một thân phận riêng, che chở anh ta khiến cho không một vua chúa Việt Nam nào dám nghĩ đến chuyện làm cỏ một làng” (Phan Ngọc, 2000b, tr.49). Thân phận, theo quan niệm của ông, là một thân phận thuộc về sự tồn tại chung, là một “thân phân bị/được đối xử” chứ chưa phải là một “thân phận tự ý thức”. Điều này có phần mâu thuẫn, vì thân phận trước hết thuộc về ý thức cá nhân. Vậy nên, ở đây, cách giải thích của ông đang gộp hai vấn đề lại: ý thức về giá trị thân phận và thân phận của người nông dân. Thực ra đó là hai vấn đề khác nhau. Nhưng cống hiến của ông là đưa ra một hình dung về thân phận con người trong văn hóa Việt Nam và hình dung ấy là cần thiết, có phần cốt tủy của một nền văn hóa nhân bản.
Nội dung chữ tắt F4 liên quan đến diện mạo, cái bên ngoài, quan niệm về sự tồn tại bên ngoài trong cái nhìn của cộng đồng, dư luận, lề luật. Ý tưởng này rất độc đáo. Nó cắt nghĩa tính “sĩ diện” cố hữu, to lớn và “vô lý” của người Việt, đồng thời cung cấp một khái niệm sơ khai cho những suy tư dài hơi về sự quan tâm của người Việt đối với cái nhìn của người khác về mình. Vấn đề không phải là người khác nhìn mình thế nào, mà là mình đứng ở góc nào để nhìn thấy người khác đang nhìn mình? Đây là một sự hình dung triết học về văn hóa. Sự hình dung ấy rất cần cho người làm khoa học cần tìm công cụ, như nhà văn, nghệ sĩ tìm cảm hứng. Tóm lại bộ công cụ 4F vừa như một học thuyết nghiên cứu văn hóa, vừa như một sự tổng kết kinh nghiệm khoa học, nhưng lại có màu sắc sáng tạo… gần gũi với sự sáng tác nghệ thuật. Bởi vậy, 4F đó vẫn đơn độc trong việc “khúc xạ” lại vào cộng đồng khoa học trong nước, nhưng nó đầy triển vọng trở thành một phát minh độc đáo về khoa học nhân văn không bao giờ lặp lại ở một ai khác.
Hai là tự do tái thông diễn những hiện tượng kinh điển của văn hóa, văn học Việt Nam nói chung.
Nguyễn Du, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tuân đều là những chân dung lớn của nền văn học, học thuật Việt Nam. Họ đã được nói đến, được “thông diễn” bởi nhiều góc nhìn về giá trị. Song, đối với Phan Ngọc, nếu ông đã viết, thì họ vẫn tiếp tục hiện ra một cách mới mẻ, sắc nét, độc đáo và độc đạo. Ông thiết lập một kết cấu lập luận rất riêng, bước qua mọi “nghi thức” vô hình của lối làm khoa học bằng thói quen. Ông có xu hướng “lạ hóa” vấn đề đến mức gây kinh ngạc, nhưng “chân lý khoa học” (dù là khoa học nhân văn, thiên về văn chương chữ nghĩa) vẫn là thứ xuất hiện bàng bạc trong mỗi luận chứng, tạo ra một niềm tin và hứng thú bền bỉ cho người đọc.
“Quyển nói về phong cách Nguyễn Du của tôi thực tình là khó nghe, nhưng nhờ người Việt yêu Nguyễn Du cho nên có sự thể tất cho những điều kỳ quặc mà tôi đưa ra” (Phan Ngọc, 2000a, tr.7). Những điều kỳ quặc đó là gì? Trước hết, ông là người đầu tiên đề cập một cách “tổng lực” về phong cách nghệ thuật Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nền tảng tâm thế và tư duy đã cho thấy ông “bắt mạch” Tố Như ngay từ đầu: “Tâm hồn Nguyễn Du cũng lớn như nghệ thuật của ông” (Phan Ngọc, 1985, tr.89), rằng “con người trong Truyện Kiều cô đơn ngay cả khi đối diện với người khác” (Phan Ngọc, 1985, tr.91) và mẫu người cô độc ấy không phải “ngẫu nhiên ra đời được”.
Cũng chỉ có Phan Ngọc mới chỉ ra một sự thực “quái đản” là: “Trong Truyện Kiều chỉ có một mưu mô, đó là một mưu mô của Hoạn Thư để hành hạ Kiều” (Phan Ngọc, 1985, tr.79) mà theo thống kê của ông, có đến 17,7% số câu trong tác phẩm nói đến mưu mô ấy bởi vì “cảnh người đàn bà làm đĩ là không nhiều, cảnh đi tu là ngoại lệ, trái lại, cảnh làm lẽ là cảnh đe doạ mọi chị em phụ nữ” và cũng bởi thế mà “giữ tính chất mưu mô ở đây là cần thiết” (Phan Ngọc, 1985, tr.79).
Đỉnh cao sự “kỳ quặc” và sắc sảo trong bút pháp, nhận thức luận của Phan Ngọc nằm ở mục III – Phương pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn (Phan Ngọc, 1985, tr.134-136). Lần đầu tiên, người đọc truyện Kiều được biết đến một nàng Kiều tối tăm theo bảy mục phân tích sau đây:
(1) Ngu
(2) Tham
(3) Mất cảnh giác
(4) Sợ gian khổ
(5) Chạy theo một ảo tưởng
(6) Từ lừa dối mình
(7) Biện hộ cho sự phản bội
Đoạn phân tích này là một phát hiện “tàn nhẫn” không kém bút pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn của Nguyễn Du, nhưng cũng như logic sáng tạo của họ Nguyễn, nhà nghiên cứu họ Phan cho thấy một logic “đọc hiểu” khác đầy thách thức thông qua việc phân tích quá trình phát triển nội tâm sống động của nhân vật. Nguyễn Du để cho Thuý Kiều sống trên ngòi bút và trang giấy, còn Phan Ngọc chứng minh nhân vật ấy có máu đang chảy dưới da. Một kết luận “động trời” khác của ông: “Lối phân tích tàn nhẫn này, Nguyễn Du đã học tập ở Phật giáo (…), vì Phật giáo có lối phân tích tàn nhẫn đối với mọi giá trị vẫn lôi cuốn con người để chứng minh tính vô nghĩa của chúng”. Trong phát minh mới về mặt tối của Kiều (muốn nghỉ ngơi mọi lúc, thèm khát quyền lực,…), ông đã liên hệ nguyên tắc phân tích tâm lý tàn nhẫn như một thành tựu nghệ thuật đặc sắc của những nhà văn hiện thực châu Âu với một kết luận đặc biệt tài hoa: “mỗi nhân vật là một thao trường tranh cãi” (Phan Ngọc, 1985, tr.139). Cuốn sách tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều dài đến hơn 300 trang nhưng chắc rằng mỗi trang đều có những nhận định tinh ròng, chắt lọc và chưng cất bao nhiêu cái ấp ủ, tài hoa của họ Phan, như thể đang sánh tài, thi tài cùng họ Nguyễn.
Niềm hứng thú đọc Nguyễn Tuân của ông cũng thuyết phục người đọc bởi cách cảm nhận như thế này: “Các nhân vật vốn đã thấp thoáng giờ lại mờ đi đến mức biến mất, chỉ còn lại độc Nguyễn. Cốt truyện đã lỏng lẻo, giờ bốc hơi. Câu văn điêu khắc bị giải thể, nhường chỗ cho một sản phẩm mới mang dáng dấp câu văn tự hành. Toàn suy nghĩ nội tâm (…) Những hình ảnh trong một giấc mơ (…) Thế mà đọc không rứt ra được mới tài” (Phan Ngọc, 2000b, tr.207). Sự yêu thích của một trí thức uyên bác có phần khác biệt với sự yêu thích thuộc về cảm xúc bình thường. Lòng yêu ấy là trí yêu. Đọc Nguyễn Tuân, Phan Ngọc đành phải buột ra những triết lý nghệ thuật tương ứng với đối tượng quá đỗi tài hoa mà ông đang nói tới: “Nghệ thuật là mục đích. Cuộc sống là phương tiện. Khi mục đích đã vô vọng, cuộc sống mất ý nghĩa” (Phan Ngọc, 2000b, tr.208); “Nghệ thuật phải tạo nên những thói quen mới, thói quen làm khoa học, bởi vì thời đại an bần, trị mệnh đã qua” (Phan Ngọc, 2000b, tr.215).
Cũng chỉ có Phan Ngọc mới đọc Nguyễn Tuân bằng những “mười hai mẹo”, đọc tiểu thuyết dài bằng “chiêu thức”, “công lực”, “chưởng” (Phan Ngọc, 2000b, tr.295),… Ông thậm chí còn liệt kê ra được mấy loại mẹo như là lời đề nghị dành cho các nhà viết tiểu thuyết: mẹo tránh phân đôi, mẹo xét con người trong cả quá trình, mẹo sử dụng cái ngẫu nhiên (Phan Ngọc, 2000b, tr.323), mẹo chuyển từ chê sang trách (Phan Ngọc, 2000b, tr.331), mẹo nắm lấy cái bất biến (Phan Ngọc, 2000b, tr.349), có cả loại mẹo có tên là: con người Việt Nam với một số đặc tính “kỳ quặc” và “vô song”, rằng “dưới đáy lòng mỗi con người Việt Nam, bất chấp giai cấp, tầng lớp, sống ở đâu, quá khứ như thế nào, đều có một Trần Bình Trọng” (Phan Ngọc, 2000b, tr.313-315).
Viết về Trần Đình Hượu, ông có lẽ là người đầu tiên dùng từ “sở nghiệm”: “Con đường của anh Hượu đi là: xuất phát từ sở nghiệm (vécu) của chính mình, sau đó đọc rất nhiều sách và học chu đáo để kiểm tra cái sở nghiệm ấy” (Phan Ngọc, 2000b, tr.399). Trần Đình Hượu hiện lên qua trang viết Phan Ngọc theo một phong cách rất Phan Ngọc, ví dụ như: “Chỗ mạnh của anh chính là cuộc đời của anh” (Phan Ngọc, 2000b, tr.399), con đường nghiên cứu của Trần Đình Hượu là “con đường tâm lý luận” chưa triệt để (Phan Ngọc, 2000b, tr.402), khẳng định “anh Hượu là người đầu tiên cấp cho ta một khái niệm mới “nhà nho tài tử”, cấp cho khái niệm ấy một niên đại, một nội dung lịch sử cụ thể, một quan hệ liên đới,… (Phan Ngọc, 2000b, tr.405-405).
Có thể nói, tính chất gai góc trong các phát hiện của Phan Ngọc trước sau vẫn đi đúng theo tinh thần mà ông theo đuổi: “Làm khoa học là phát hiện sự thực dù đau đớn đến mấy cũng vậy” (Phan Ngọc, 1994, tr.55). Bởi thế, ông có thể tranh luận với di sản Trần Đình Hượu một cách mạnh mẽ rằng: “Đối với khoa học hiện đại, nói đúng chưa phải là quan trọng, phải làm cho lập luận của mình thành một công cụ làm việc mà người khác có thể sử dụng trong công việc của họ” (Phan Ngọc, 2000b, tr.406-407), rằng người bạn vong niên, bậc trí thức mà ông khảng khái quý yêu vẫn còn “chưa dứt khoát được trong cách chuyển hóa cách nhìn của mình theo phương hướng hiện đại” (Phan Ngọc, 2000b, tr.406). Trong một lập luận khác về vấn đề làng xã vốn đã được nhiều học giả quan tâm lý giải, ông đưa ra hai mệnh đề đối nghịch thú vị: “làng xã không phải là nơi để phát huy nhân cách người dân” (Phan Ngọc, 1994, tr.63) nhưng trước đó ông đã viết: “Một người Việt Nam “mang trong người hai nền văn hóa khác nhau về tất cả mọi mặt: chính trị, phong tục, tế tự, kiến trúc, văn học và bên cạnh cái nét chung đại biểu bởi văn hóa chính thống là văn hóa làng xã và văn hóa làng xã mới là cái phần chính tạo thành nhân cách anh ta” (Phan Ngọc, 1994, tr.60). Như vậy, có một mệnh đề mới được hình thành: Làng xã là nơi tạo thành nhân cách nhưng không phải là nơi phát huy nhân cách người dân. Có phải Phan Ngọc đang đặt ra một cuộc đối thoại không hồi kết về các giá trị cổ truyền trở thành sức kéo, sức đẩy hay sức ì đối với sự phát triển? Phát ngôn khoa học được biện luận theo “nhân cách luận” đã đẩy bình diện nghiên cứu con người và đất nước sang một góc nhìn mới mẻ và rộng rãi hơn.
Ba là tự do nói về cái cũ bằng cách giải thích mới. Ở ông, có sự tự do bày tỏ sự tìm kiếm, chắt lọc bởi một cá – nhân – suy – nghĩ – độc – lập trong bối cảnh không dễ nói ra những suy nghĩ ấy. Không lạ cách viết của Phan Ngọc: bên cạnh những luận điểm rất cũ và rất phổ biến, an toàn, ông đã kịp “đà đao”, gửi gắm những ý tưởng mới mẻ và đích đáng. Cái ông gửi gắm đằng sau những hàng chữ có khi lấp lánh bóng dáng “tuyên giáo” là nỗi thao thức thực sự của một trí thức đối với giá trị văn hóa dân tộc. Đó là cái phần “u trầm” trong mỗi cuốn sách ông viết ra, niềm kỳ vọng tố phác về chân lý khoa học được ẩn giấu trong phong cách đàm luận quắc thước, “đanh đá” nhưng không thiếu “chuẩn mực chính trị” cần thiết.
Con đường tự do khiến ông tạo được một uy lực của phong cách. Người ta biết đó là Phan Ngọc vì hệ thống từ vựng này sinh ra từ ông như: thức nhận, vượt gộp, cá nhân luận, nhân cách luận, thao tác luận, khúc xạ văn hóa,… Đó là hệ thống thuật ngữ định vị cả uy tín và phong cách nhà nghiên cứu, như Trần Quốc Vượng có “giao thoa văn hóa”, Lê Trí Viễn có “tiếp biến văn hóa”, Hoàng Ngọc Hiến có “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”,…
Bản lĩnh nghiên cứu của Phan Ngọc còn thể hiện ở những phát hiện có sức nặng mang dấu ấn của ông như: xã hội Việt Nam có tồn tại một loại “văn hóa quan lại” (Phan Ngọc, 1994, tr.56); “Tệ tham nhũng là quy luật” (Phan Ngọc, 1994, tr.64); một quan điểm rất mạnh mẽ về thực tế quyền lực điều hành: Quan lại và hào mục mới chính là kẻ thống trị đất nước trong thực tế (Phan Ngọc, 1994, tr.58), “Nông thôn Việt nam đầy rẫy bất công đâu phải là xứ sở của tự do dân chủ? Nước Việt Nam là nước có trình độ thương nghiệp thấp nhất trong các nước theo Nho giáo” (Phan Ngọc, 1994, tr.69); “Trí tuệ Việt Nam không có thị trường để phát huy, dù cho nó chẳng thua kém ai” (Phan Ngọc, 1994, tr.69),…
Phan Ngọc sở hữu một kiểu phân tích khoa học tài hoa và cá tính. Không chỉ tài hoa và cá tính trong cách nhìn, cách đọc, cách giải mã mà còn trong lối viết. Những cách nói về văn hóa như thế này tuy được sinh ra từ một logic phân tích nhưng nó chưa bao giờ mất đi sự sang trọng của một phát ngôn giàu tư tưởng, có phần tài hoa. Văn nghiên cứu của Phan Ngọc không khác văn chương những thiên ký sự nghiên cứu:
“Đau xót hơn trong hàng vạn tác phẩm còn lại, không ai biết tên người làm, một lịch sử nghệ thuật không có người” (Phan Ngọc, 1994, tr.56); “Người con trai phải mua lấy sự tồn tại làm người”, “các đường lát gạch ở nông thôn Bắc bộ là tiền bán mình của các cô Kiều Việt Nam” (Phan Ngọc, 1994, tr.62); “Nếu ta vứt bỏ cái nhìn chia cách, nhìn Việt Nam như một thể thống nhất thì sẽ thấy một hiện tượng cực kỳ hiếm có là cái hôm qua chính là cái hôm nay” (Phan Ngọc, 1994, tr.30).
Sức nghĩ tự do của ông còn kéo sang địa hạt tôn giáo, chẳng hạn như nhận định rất lý thú sau đây: “Sức mạnh của Phật giáo trước hết là ở một hệ thống lý luận cực kỳ tài giỏi để phân tích trí tuệ, giác quan, lương tâm, ý thức,… là những điều mà Nho giáo chưa biết đến bởi vì thói quen phân tích là chỗ yếu nhất của tư duy Trung Hoa” (Phan Ngọc, 1994, tr.47).
“Hành trình tự do” trong ứng xử và thao tác nghiên cứu khoa học của Phan Ngọc là đặc sản, di sản mà ông tạo ra bền bỉ qua thời gian. Cách tiếp cận, chất giọng, tư tưởng đối thoại, thao tác luận và niềm tin chắc chắn vào một “phương hướng hiện đại” ở ông vẫn không thể ngăn ông thổ lộ: “Trên con đường khoa học, không ai tránh khỏi sai lầm. Chỉ có một cách: sai chỗ nào thừa nhận ngay để cho khoa học tiến lên. Người làm khoa học không dựa vào uy tín nào để đe doạ ai. Tôi cố ý không trích dẫn ai hết để chịu tất cả trách nhiệm trên con đường tôi đi một mình, không để ai mang tiếng vì tôi” (Phan Ngọc, 2000a, tr.92). Tinh thần “quý tộc” trong liêm chính học thuật và chịu trách nhiệm về tư tưởng cũng là một sắc thái không thể thiếu khi hình dung con đường nghiên cứu của Phan Ngọc.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 801 đến trang 814)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Mời xem tiếp:
Tinh thần ĐỐI THOẠI VĂN HÓA qua một số CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VIỆT NAM của Phan Ngọc (Phần 2)