Tổ chức bản của một số tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  NGUYỄN NGỌC THANH
(Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Bản là hình thức tổ chức xã hội quan trọng ở các dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Mỗi bản đều có miếu thổ thần, tọa lạc ở một nơi bên trong bản hay khu rừng cấm, rừng thiêng – nơi tổ chức nghi lễ cầu an cho cộng đồng hằng năm. Lễ hội của bản đã và đang làm thỏa mãn đời sống tâm linh, cũng là môi trường bảo tồn và phát huy văn hóa tộc người. Bài viết phân tích các đặc trưng “bản” của một số dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam từ tên gọi, ranh giới, hình thức quản lý bản truyền thống và hiện nay, đồng thời chỉ rõ vai trò của trưởng bản trong điều hành sản xuất, điều phối đất đai, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng cấm và giữ gìn trật tự, an ninh…

Từ khóa: Bản, Đơn vị hành chính, Ranh giới, Quy ước, Miền núi phía Bắc, Lễ hội, Việt Nam.

ABSTRACT

     Villages are a crucial form of social community in ethnic minorities in the mountainous areas of Northern Vietnam. Each village has an Earth Shrine, located either inside the village or in a forbidden/ sacred forest, which is the venue for annual peace prayers for the community. The village festival has been part of the spiritual life and the environment for preserving ethnic culture. The paper analyzes the “village” characteristics of some ethnic minorities in the northern mountainous region of Vietnam, including place names, local borders, traditional and current management modes, identifying the role of village leaders in production management, land distribution, water sources and forest protection, order and security maintenance…

Keywords: Villages, Administrative Unit, Local Borders, Convention, Northern Upland, Festival, Vietnam.

x
x x

1. Mở đầu

     Bản ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam được xem là tương đương với làng hay thôn của người Kinh, lúng hay quel của người Mường, buôn/bon/plei của các dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, phum, sóc của người Khmer ở Nam bộ… Bản là nơi duy trì, đảm bảo cuộc sống của người dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người. Tuy nhiên, đến nay, số lượng nghiên cứu về bản ở các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc còn ít ỏi1. Có thể nói, mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra được một số đặc điểm của bản như cách đặt tên, không gian xã hội, thiết chế tự quản, các quy ước trong quản lý cộng đồng dưới góc nhìn truyền thống với những miêu thuật dân tộc học cụ thể, chi tiết, nhưng lại không chú ý nhiều đến quá trình biến đổi của làng/bản qua từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt là còn thiếu vắng những công trình chuyên sâu về vai trò, vị trí của bản trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số hiện nay.

2. Đặc điểm, cấu trúc của bản

     a) Tên gọi và ranh giới

     Việc đặt tên bản ở các dân tộc theo những đặc điểm tự nhiên của từng vùng như sông, suối, núi, đất, cỏ cây… là hiện tượng phổ biến, ví dụ như: núi Lát có tên bản Lát, suối Sim có tên bản Sim… Ngoài ra, hiện tượng đặt tên bản với tiền tố “nà” (ruộng) xuất hiện nhiều ở người Tày, Thái vùng Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam như: Nà Tăm, Nà Mạ, Nà Ca, Nà Giàn. Ở miền Tây Nghệ An, chữ đầu tiên của tên bản người Thái thường được gọi theo vị trí môi trường tạo lập của nó như sông, suối, bến nước, gò đồi…      Những bản ở cạnh suối nhỏ, tên thường có chữ huổi ở đầu như Huổi Nọt, ở gần suối lớn hay sông có từ nặm (Nặm Xuồng, Nặm Xan…) (Vi Văn An, 2019: 178). Ở Cao Bằng, tên gọi với tiền tố “nà” có số lượng nhiều nhất: 159 bản/512 bản, chiếm tỷ lệ 31,5%, số bản còn lại có tên bắt đầu bằng chữ khuổi (suối), lũng (thung lũng)… (Trần Văn Quỳnh, 2010: 33). Người Mường gọi tên bản theo tính chất đất đai, nơi cư trú có các bản Đung (rừng rậm), Dool (dãy đồi), Thung nganh (thung lũng), Bậy (lầy thụt); mang tên cây có các bản: Lảo (nứa), Ạch (cây tre), Mít (cây mít), Pai (cỏ gianh), Thăm (rau răm), Ki (cây si), Mùn (tên một loại lúa nếp), Chạo (giống lúa chạo). Xuất xứ của những tên bản được người Mường giải thích: ước khi lập bản đây là những nơi rừng rậm, ruộng lầy thụt, nhiều tre, nứa, cỏ gianh (Xem: Nguyễn Ngọc Thanh, 2003: 24). Tên bản mang tên người cũng xuất hiện ở nhiều vùng người Hmông như Lý Lao Chải, Giàng Chu Phìn, Mã Cha, Giàng Cha, Thào Dính Chải, Lầu Chá Tổng, Tà Giàng Phình, Vàng Lứ (Xem: Nguyễn Ngọc Thanh, 2000: 30). Đây là hình thức ghi nhớ công lao của những người đầu tiên có công khai phá lập bản.

     Dù gọi theo hình thức nào thì tên bản đều chứa đựng trong đó những ý nghĩa nhất định. Đối với bên ngoài, đó là tín hiệu hàng đầu để phân biệt giữa người bản này với người bản kia. Còn trong nội bộ cộng đồng, tên bản như một chất xúc tác gắn kết mọi thành viên lại cùng chung sức gánh vác các công việc chung.

     Bản có ranh giới riêng, được ghi chép rõ ràng trong văn tự hoặc truyền miệng qua nhiều thế hệ. Ranh giới thường dựa vào con suối, hòn đá, gốc cây to hoặc vách đá… Khu vực đất đai thiên nhiên chung của bản được xác lập một cách bền vững. Đất ở, đất sản xuất, núi rừng được các thành viên của bản biết rõ và cũng được các thành viên của bản khác tôn trọng. Ruộng đất của bản nào thuộc sở hữu của bản đó. Người dân của bản này không thể sản xuất trên đất đai cũng như thu hái lâm thổ sản trên rừng của bản khác. Người di cư đi nơi khác không còn có quyền lợi về đất đai ở bản cũ. Xưa kia hiếm thấy hiện tượng xâm chiếm đất đai giữa các bản kề nhau (Xem: Nguyễn Ngọc Thanh, 2000: 37).

     Những bản nằm sát biên giới thường được bố trí theo kiểu phòng thủ với hệ thống tường đá, rào tre, cửa, lô cốt… gọi là “khuyên” đá xung quanh bản, chỉ dành một cổng ra vào bản, mỗi bản xưa kia thường có một đội dân binh do trưởng bản đứng đầu, nhằm chống lại nạn trộm cướp (Vi Văn An, 1988: 130-135)…

     b) Thành phần dân cư, quy mô dân số

     Trước đây, các tộc người ở miền núi phía Bắc dù ở vùng thung lũng chân núi hay vùng rẻo giữa, rẻo cao hợp thành bản thường là những gia đình thuộc nhiều dòng họ cùng cư trú, bản ít có từ 2 đến 3 dòng họ, bản đông tới 5 đến 7 dòng họ, thậm chí có bản tới 12 dòng họ. Trong phạm vi bản, các gia đình có quan hệ họ hàng thường cư trú gần nhau. Dù lớn hay nhỏ ở bản nào cũng có 1 hoặc 2 dòng họ chiếm ưu thế, có uy tín và ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội trong bản. Những dòng họ lớn trong bản thường là những họ có công khai phá đất đai, thành lập bản và chiếm hữu những mảnh ruộng tốt nhất để canh tác (Dẫn theo: Nguyễn Văn Huy, 1992: 156-157). Ở một số vùng người Hmông như Kỳ Sơn (Nghệ An), Thuận Châu (Sơn La), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), một số bản chỉ có 1 dòng họ (cùng họ, cùng ma) cư trú. Đây là điểm khác biệt so với các tộc người khác.

     Hiện nay, cư trú đan xen, khác dân tộc trong cùng một bản đã trở nên phổ biến, nhất là ở vùng thung lũng chân núi – nơi cư trú của các tộc người Thái, Mường, Tày, Nùng. Theo nghiên cứu của Đàm Thị Tấm (2020: 65), phần lớn trong các bản của người Nùng đều có từ 3 đến 8 dân tộc cùng chung sống. Hiện tượng từ 2 đến 3 dân tộc cư trú trong một bản cũng thấy ở một số tộc người khác vùng rẻo cao và rẻo giữa…

     Tùy theo điều kiện đất đai canh tác cũng như hoàn cảnh lịch sử, xã hội ở từng giai đoạn, mỗi bản có quy mô dân số lớn nhỏ khác nhau. Bản của người Hmông, Hà Nhì, Lô Lô ở vùng cao thường có quy mô nhỏ từ 30 đến 40 nóc nhà, bản của người Thái, Tày, Mường, Nùng… ở vùng thấp có quy mô từ 70 đến 80 nóc nhà, thậm chí hàng trăm nóc nhà. Mỗi bản có nhiều gia đình nhỏ thuộc các dòng họ khác nhau cùng sinh sống, có gia đình có một hoặc hai thế hệ, có gia đình lớn với vài ba thế hệ.

3. Các thiết chế và quan hệ cộng đồng

     a) Hình thức quản lý bản

     Trong xã hội truyền thống, bản là tổ chức xã hội tự quản thông qua một bộ máy điều hành do dân bản lựa chọn nhưng cũng có khi là thế tập. Chức năng của tổ chức tự quản này là điều hành công việc chung của bản, giữ gìn lễ nghi, phong tục. Ở vùng người Thái xưa kia, bản được phân cấp rõ ràng: có bản của những gia đình chức dịch và quý tộc, bản của dân tự do (páy đinh), dân nửa tự do (páy cư) và bản của những tộc người khác tộc, lệ thuộc (cuông nhốc) (Vi Văn An, 2019: 171). Người đứng đầu cao nhất và phụ trách chung mọi công việc của bản gọi là quan bản (nếu là người thuộc các họ bình dân) hoặc tạo bản (nếu là người thuộc các họ quý tộc, tức dòng dõi chúa đất địa phương – tạo mường) (Đặng Nghiêm Vạn, 2007: 561). Về danh nghĩa, chức vụ này do dân bản bầu ra trên cơ sở lựa chọn những người đàn ông có uy tín và gia đình khá giả, sau đó báo cáo tạo bản xem xét và quyết định. Tuy không được cha truyền con nối, nhưng trên thực tế, chức vụ này do người trong dòng họ tạo bản nắm giữ. Họ có trách nhiệm điều hành công việc của bản theo tập quán và tinh thần cộng đồng, đồng thời đôn đốc dân bản thực hiện nghĩa vụ đối với mường. Dưới quan bản có một chức giúp việc gọi là chá bản. Theo nghĩa tiếng Thái thì “chá” có nghĩa là “nói”. Có thể hiểu chá bản là người phổ biến, tuyên truyền mọi tin tức, công việc của bản, mường (Cầm Trọng, 2005: 174).

     Các bản của người Tày, Nùng từng trực thuộc vào các đơn vị hành chính cấp xã, tổng, châu, tỉnh trực tiếp do nhà nước phong kiến hay thực dân nửa phong kiến chi phối. Đứng đầu các cấp hành chính này là tầng lớp thổ ty (quằng) người địa phương hay các lưu quan được cử từ triều đình. Ở mỗi bản, đứng đầu là châu bàn, tầu bàn, những người này gần như được dân trong bản suy tôn, phần nhiều là người đại diện dòng họ gốc, dòng họ lớn nhất của bản, cũng có thể đó là dòng họ thổ ty (Hoàng Nam, 1992: 187). Trong xã hội truyền thống các dân tộc thiểu số phía Bắc nói chung, trưởng bản trong bộ máy tự quản là do dân cử theo những tiêu chuẩn của tập quán pháp quy định. Họ là những người có uy tín, được quần chúng suy tôn bởi những chuẩn mực như: biết tổ chức làm kinh tế gia đình; hiểu biết quy ước, luật tục, phong tục, tập quán và lịch sử của bản; có khả năng ứng xử và giao tiếp; luôn chăm lo, bảo vệ cuộc sống bình an của dân bản. Trong số những thành viên trong bản, người nào có khả năng vượt trội về các chuẩn mực đó sẽ được quần chúng suy tôn. Do vậy, trưởng bản trong xã hội truyền thống thường được quần chúng kính nể, tin yêu và nghe theo. Trong công việc, họ thường căn cứ vào những quy ước, luật tục, lễ nghi của bản để giải quyết, hòa giải những vi phạm không thuộc phạm vi của dòng họ; chăm lo đến lợi ích chung của cộng đồng (Nguyễn Ngọc Hà, 2006: 20).

     Trong thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, vai trò của trưởng bản bị thay thế bởi chủ nhiệm hợp tác xã, và tổ chức bản – trên danh nghĩa – chuyển thành đội sản xuất, hay bao gồm vài ba đội sản xuất. Thời gian này, hợp tác xã hay đội sản xuất chi phối mọi hoạt động chủ yếu của cộng đồng dân cư… Vai trò truyền thống của bản dần mờ nhạt, vai trò điều tiết, quản lý kinh tế và xã hội của hợp tác xã xuất hiện và tăng lên (Nguyễn Văn Huy, 1992: 156).

     Từ sau Đổi mới (năm 1986), chức danh trưởng bản, trưởng thôn được khôi phục thay thế vai trò của chủ nhiệm hợp tác xã, đội trưởng sản xuất, chức năng tự quản của bản lại được phát huy phần nào. Trưởng bản hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp xã. Những bản đã được gọi là thôn thì trưởng bản cũng có thể gọi là trưởng thôn.

     Nhiệm vụ của trưởng bản hiện nay là quán xuyến toàn bộ các công việc liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh trật tự của bản; tiếp nhận chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như Nghị quyết của Đảng ủy, chính quyền xã, đồng thời phổ biến đầy đủ nội dung của các văn bản đó đến người dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân bản lên cấp trên.

     Trưởng bản chịu trách nhiệm hướng dẫn dân bản tiến hành sản xuất, điều phối đất đai, nhắc nhở mọi người không xâm phạm đến khu vực canh tác của nhau. Trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng cấm, trưởng bản chịu trách nhiệm cao nhất và có quyền xử phạt trực tiếp những ai chặt phá bừa bãi rừng đầu nguồn, làm ô nhiễm nguồn nước. Trưởng bản còn là người hiểu biết rõ về nguồn gốc của từng dòng họ, về các mối quan hệ hôn nhân, nắm chắc các phong tục, tập quán, chịu trách nhiệm chính trong các vụ xử phạt người vi phạm quy ước của cộng đồng (Nguyễn Ngọc Thanh, 2001: 28).

     b) Quy ước của bản

     Quy ước của mỗi bản là những điều khoản được truyền miệng từ đời này qua đời khác, mặc dù không có văn bản nhưng được hầu hết người dân ghi nhớ và được mọi người trong cộng đồng tự giác thực hiện. Nội dung của các quy ước gắn bó thiết thực với các lợi ích của người dân trong bản và được mọi người bảo vệ do điều hòa được các lợi ích (rừng, đất đai, nguồn nước, xã hội…). Quy ước thường được già bản, trưởng bản nhắc nhở vào dịp đầu năm. Trong xã hội truyền thống, những ai vi phạm quy ước đều phải chịu hình phạt, có thể bằng tiền, hiện vật, đánh đập bằng roi, gậy, thậm chí đuổi ra khỏi bản.

     Hiện nay, bên cạnh quy ước có tính truyền thống thì Nhà nước đã và đang áp dụng hệ thống pháp luật ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Hai hệ thống quản lý xã hội này tồn tại bổ trợ cho nhau và đang phát huy hiệu quả trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, quy ước ở các dân tộc thiểu số có một số điểm tiến bộ cần tiếp tục được phát huy, khai thác và vận dụng hiệu quả hơn nữa trong đời sống xã hội tộc người nói chung và trong các lĩnh vực cụ thể nói riêng. Song, quy ước hiện nay không thể đơn giản hóa thành một công thức chung cho mọi nơi, mà phải xuất phát từ thực tiễn cụ thể của từng địa phương với sự tham gia của chính chủ thể cộng đồng.

     Có thể nói, quy ước như là một cương lĩnh tinh thần đối với mọi tổ chức xã hội khác nhau trong bản và có tác động đến mọi thành viên của bản, dù người đó là cán bộ hay dân thường, là người của dòng họ này hay dòng họ kia, không ai dám không chấp hành. Do vậy, quy ước trở thành sợi dây vô hình nhưng bền chặt cố kết mọi thành viên trong cộng đồng (Nguyễn Ngọc Thanh, 2002: 3-9).

     c) Quan hệ cộng đồng bản

     Tinh thần cộng đồng được thể hiện rõ nét trong sản xuất và đời sống hằng ngày, là yếu tố quan trọng để củng cố sự đoàn kết và phát triển của bản.

     Trong trồng trọt, để kịp thời vụ có hình thức làm đổi công, người Cơ Lao gọi là phàng cống, người Dao Đỏ gọi là pui công, người Tày gọi là vàn nà,… Theo đó, nhiều gia đình trong bản có thể tạo thành một nhóm làm đổi công, ngày này đến làm giúp cho một nhà nào đó (gia chủ chỉ cần chuẩn bị một bữa cơm thết đãi sau khi hoàn thành công việc) và ngày khác chuyển sang làm cho nhà khác trong nhóm. Có thể thấy, đây là truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa tích cực, là một biện pháp giải quyết sức lao động nhằm giúp mỗi gia đình có đủ nhân lực để hoàn thành công việc.

     Trong đời sống hằng ngày, mỗi sự kiện vui, buồn của mỗi gia đình trong bản cũng là nỗi vui, buồn chung của cả cộng đồng bản. Một đứa trẻ ra đời, khi hết thời gian ở cữ, theo tập quán, các gia đình trong bản đến hỏi thăm và chia vui. Việc dựng vợ gả chồng cũng là sự kiện được dân bản quan tâm chú ý, mọi người trong bản chủ động đến gia đình nào có hôn lễ mà không cần phải mời mọc. Đám tang cũng vậy, vào những ngày gia đình tổ chức tang lễ, dân bản tạm dừng việc lao động sản xuất để cùng chia sẻ sự mất mát với tang gia. Ở các bản người Tày, Nùng còn có phường đám ma gọi là Phe, có nơi gọi là Hàng phường, đây là một tổ chức tự nguyện tập hợp một số thành viên trong bản hoặc ngoài bản để lo việc tang lễ cho các gia đình có người qua đời. Phe có người trùm trưởng điều khiển mọi hoạt động từ đào huyệt, phát đường, sửa nhà, cơm nước…, gia đình của người quá cố dù có thiếu tiền, gạo trong những ngày tang lễ cũng sẽ có Phe lo cho tất cả, khi nào gia đình tang chủ có điều kiện về kinh tế sẽ trả lại cho Phe (Đàm Thị Tấm, 2020: 92). Để quản lý và thúc đẩy hoạt động, Phe xây dựng các nội quy và nếu ai vi phạm, mức nhẹ bị phạt tiền, mức nặng bị đuổi khỏi Phe. Có những quy định tưởng khó thực hiện với người nông dân vốn quen tác phong “dềnh dàng”, như đến nhận nhiệm vụ muộn 5 phút bị phạt 50.000 đồng, muộn 30 phút bị phạt 100.000 đồng, song hầu như hiếm người vi phạm (Vương Xuân Tình và cộng sự, 2015: 20). Theo tập quán của các tộc người Thái, Mường, Tày, Hmông, Dao, Hà Nhì…, trong bản nếu gia đình nào làm nhà mới, mọi nhà đều cử người đến giúp…, gia đình nào gặp khó khăn có thể vay gạo và tiền của các gia đình khác, không phải tính lãi. Người trong cùng họ thiếu đói đến cậy nhờ được cho không.

     Dân cư trong bản có sự gắn bó với nhau trên cơ sở cùng tôn thờ những biểu tượng tâm linh và sự che chở của thần bản mệnh chung. Bản của người Tày, Nùng có miếu thổ thần, tọa lạc ở trong bản, hoặc trong khu rừng cấm, rừng thiêng, và thường do những gia đình sinh sống lâu nhất trong bản chịu trách nhiệm trông nom, thờ cúng. Vị thổ thần đó ở cả người Tày và người Nùng đều gọi là Thó tỉ (thổ địa), có nơi gọi là Cốc bản (gốc bản). Đó có thể là một người cụ thể, sau khi qua đời linh ứng và trở thành thổ thần, cũng có thể là nhân vật huyền thoại. Cánh rừng có miếu thổ thần thường được coi là rừng thiêng, nơi trú ngụ của nhiều thần linh, ma quỷ, không ai dám đến chặt phá cây, săn bắn thú, do vậy thường có những cây cổ thụ, nhất là cây đa. Bên cạnh đó, tuy không phổ biến như ở thôn/làng của người Kinh, nhưng ở các bản của người Tày, Nùng cũng có ngôi đình thờ Thành hoàng, thờ thần sông, thần núi, thần nông và có khi thờ cả Phật. So với miếu thì đình ít phổ biến hơn, tức là nếu bản nào có miếu thì đình không nhất thiết có. Ngoài việc cúng lễ hằng năm theo lễ tiết, đình cùng với miếu cũng là nơi diễn ra các lễ hội hằng năm và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Một số bản còn có chùa thờ Phật Bà Quan Âm – một vị thần mà trong tâm thức dân gian là rất thiêng, được người Tày, Nùng tin thờ (Hoàng Bé – Hoàng Minh Lợi, 1988: 94-103). Mỗi bản người Thái xưa thường có một thầy cúng đảm nhận phần cúng chung cho cả bản. Khi bản gặp khó khăn, thầy cúng của bản đóng vai trò chủ tế, cúng cầu mong cho các gia đình trong bản vượt qua khó khăn, gặp điều tốt lành trong cuộc sống. Hằng năm, vào dịp Tết, thầy cúng thường đến cúng cầu sức khỏe cho các gia đình trong bản, đồng thời cúng để đuổi ma gây bệnh cho những người ốm trong bản. Cũng vào dịp này, người Thái còn có tập quán làm lễ gọi hồn (hiếc khoăn) cho các thành viên trong gia đình và được tiến hành tại bến nước chung của bản. Sáng mồng Một, những người phụ nữ sẽ dậy thật sớm, ra bến nước múc lấy một ống nước suối gọi là nước năm mới (nặm pi mớ), đem về cho con cháu trong gia đình rửa mặt (Vi Văn An, 2011). Các tộc người Hà Nhì, Cống, Si La đều tổ chức nghi lễ cúng thần bản, một năm hai lần ở một khu rừng cấm, cầu mong một năm yên lành, dân bản khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt. Ở người Dao còn có lễ cấp sắc cho nam giới, mục đích chính là công nhận nam thanh niên đến tuổi trưởng thành, thừa nhận họ là thành viên chính thức của tộc người. Đồng bào cho rằng, chỉ những người đã qua cấp sắc mới được coi là người lớn, người đàn ông nào chưa được cấp sắc bị coi như trẻ con (Bế Viết Đẳng và cộng sự, 1971: 214). Nghi lễ này không chỉ đóng khung trong phạm vi gia đình, mà còn là sinh hoạt mang tính cộng đồng. Đối với các lễ hội hằng năm trong bản, ngoài nghi lễ cúng tế, các sinh hoạt văn hóa mang tính thi ca, vui chơi giải trí đã thu hút đông đảo người dân trong bản, giữa các bản, có khi cả một vùng rộng lớn. Hội Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày – Nùng vùng Đông Bắc và Xên bản (cầu an) của người Thái vùng Tây Bắc là những lễ hội lớn, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống không chỉ của họ mà còn của nhiều tộc người xung quanh. Tùy từng nơi mà những lễ hội này có sự khác biệt, song cơ bản đều diễn ra vào mùa xuân và sắp xếp thời gian tổ chức giữa các bản sao cho dân bản này đến góp vui được với dân bản kia. Lễ hội với những hình thức vui chơi giải trí tạo nên không khí hồ hởi, hứng khởi trước các sinh hoạt văn hóa cổ truyền, là nơi gặp gỡ giao lưu tình cảm thông qua ca hát đối đáp, là nơi để thế hệ trẻ nhập thân vào hoạt động văn hóa chung, tiếp nhận các giá trị văn hóa tiêu biểu từ thế hệ trước truyền lại…

4. Kết luận

     Bản là đơn vị cấp cơ sở, là chân rết của chính quyền cấp xã. Bản cũng là môi trường đầu tiên phát huy quyền dân chủ, thúc đẩy sự tham gia của cá nhân, hộ gia đình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Vai trò này ngày càng được khẳng định trong bối cảnh thực hiện quy chế dân chủ ở cộng đồng.

     Bản của các tộc người ở miền núi phía Bắc đều có tên gọi riêng đặt theo điều kiện tự nhiên hoặc gọi theo sự kiện đặc biệt nào đó. Bản có không gian sinh tồn riêng bao gồm rừng, núi, sông, suối, đất đai để canh tác với nơi cư trú của các nóc nhà. Mỗi bản đều có ranh giới để phân biệt, dù chỉ mang tính ước lệ nhưng luôn được mọi người tôn trọng.

     Bản là một cộng đồng về văn hóa, thể hiện trong ý thức chung về cội nguồn thông qua các nghi lễ, tín ngưỡng…, ở sự đồng cảm về các sinh hoạt văn hóa chung như lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc tộc người, góp phần tạo nên niềm cộng mệnh, cộng cảm của các thành viên trong bản.

__________
1. Điểm lại có một số bài viết và công trình sau: Làng bản của người Tày (1988); Làng bản của các dân tộc thiểu số miền núi miền Bắc Việt Nam (1993); Làng Dao ở Ba Bể Cao Bằng (1993); Thôn làng người Dao ở nước ta hiện nay: những biến đổi và vấn đề đặt ra (2016); Làng bản cổ truyền của dân tộc Tày ở huyện Võ Nhai Thái Nguyên (2010); Làng bản của người Tày ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (2010); Làng của người Hmông ở Việt Nam (2000); Thiết chế bản của người Dao (2014); Làng người Tày trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập (2015),…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Vi Văn An (1988), “Làng phòng thủ, nhà pháo đài ở vùng biên giới Việt – Trung”, trong: Tuyển tập Hội nghị khoa học Xứ Lạng – Lạng Sơn, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Lạng Sơn.

     2. Vi Văn An (2011), Tri thức dân gian của người Thái trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước,
http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/34-cuoc-song-quanh-ta/2370-tri-thucdan-gian-cua-nguoi-thai-trong-viec-sudung-va-bao-ve-tai-nguyen-nuoc, truy cập
ngày 25/3/2020.

     3. Vi Văn An (2019), Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

     4. Hoàng Bé, Hoàng Minh Lợi (1988), “Làng bản của người Tày”, Tạp chí Dân tộc học, số 4 (60).

     5. Bế Viết Đẳng và cộng sự (1971), Người Dao ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     6. Nguyễn Ngọc Hà (chủ nhiệm, 2006), Phát huy vai trò già làng, trưởng bản người dân tộc thiểu số trong thực hiện quy chế dân chủ tại các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta hiện nay, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

     7. Nguyễn Văn Huy (1992), “Cộng đồng bản”, trong: Viện Dân tộc học (1992), Các dân tộc Tày Nùng ở Việt Nam, Xưởng in Liên hiệp Xí nghiệp Khảo sát, Hà Nội.

     8. Hoàng Nam (1992), Dân tộc Nùng ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

     9. Đàm Thị Tấm (2020), Tổ chức bản của người Nùng Phàn Slình ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Luận án tiến sĩ Nhân học, Học viện Khoa học xã hội.

     10. Nguyễn Ngọc Thanh (2000), “Làng của người Hmông ở Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 1 (105).

      11. Nguyễn Ngọc Thanh (2001), “Làng của người Hmông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 (316).

     12. Nguyễn Ngọc Thanh (2002), “Những quy ước của người Hmông”, Tạp chí Dân tộc học, số 6 (120).

     13. Nguyễn Ngọc Thanh (2003), “Bổ sung thêm tư liệu về thiết chế xã hội cổ truyền của người Mường ở mường Bi, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình”, Tạp chí Dân tộc học, số 5 (125).

     14. Vương Xuân Tình và cộng sự (2015), “Làng người Tày trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập”, Tạp chí Dân tộc học, số 4&5.

     15. Cầm Trọng (2005), Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

     16. Đặng Nghiêm Vạn (2007), Văn hóa Việt Nam đa tộc người, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 4, năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tổ chức bản của một số tộc người ở miền núi phía Bắc Việt Nam
(Tác giả: PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh)