Tổng quan về tư liệu tộc ước trên thư tịch tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tác giả bài viết: Thạc sĩ MAI THU QUỲNH
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Với mục tiêu nghiên cứu khối tư liệu tộc ước trên thư tịch hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi tiến hành thống kê danh mục văn bản tộc ước đang nằm rải rác trong các tư liệu khác (chủ yếu là gia phả); phân tích và tổng kết các đặc điểm về dung lượng và tên gọi của các văn bản tộc ước này; dùng phương pháp văn bản học để xác định niên đại văn bản, đồng thời vận dụng kiến thức của địa danh học lịch sử để xác định đặc điểm phân bố của các dòng họ có văn bản tộc ước; từ đó đưa ra kết luận về dung lượng, tên gọi, đặc điểm phân bố trên không gian địa lý và thời gian lịch sử của các văn bản tộc ước trong kho tư liệu này.

Từ khóa: Tài liệu Hán Nôm, Văn bản, Tộc ước, Thư tịch, Dòng họ, Lịch sử văn hóa.

ABSTRACT

     With the aim of discovering regulations of Vietnamese clans currently archived at the Institute of Sino-Nôm Studies, we have created a list of clan regulations that are scattered in other documents (mainly in genealogical records) to analyze and comment on the volume and titles of these. Textual analysis and knowledge of historical geography are applied to identify document dates and distribution characteristics respectively. From there, the paper makes conclusions about the volume, titles, geographical distribution and historical characteristics of these archives.

Keywords: Sino-Nom Documents, Text, Regulations of Clan, Clan, Cultural History.

x
x x

Đặt vấn đề 

     Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên được coi là tín ngưỡng bản địa. Tuy nhiên, các tư liệu thành văn hiện còn của dòng họ người Việt cho thấy tín ngưỡng này của người Việt lại được tổ chức trong khuôn khổ gia tộc (dòng họ chịu ảnh hưởng của Nho giáo với đặc điểm dễ nhận thấy là tính dòng dõi theo họ cha và xác định vị thế theo dòng trưởng). Đặc điểm này làm sản sinh hệ thống tư liệu gia tộc với các thể loại như gia phả, gia huấn, tộc ước, bia kí ở từ đường, chúc thư, văn tế, hoành phi câu đối,… được ghi trên các chất liệu khác nhau như giấy (thư tịch hay sách giấy), đá (văn bia), gỗ (biển ngạch), đồng (sách đồng hoặc biển ngạch),… Những tư liệu này thuộc sở hữu của dòng họ, có thể do một nhóm hoặc một thành viên có uy tín trong dòng họ biên soạn, phản ánh văn hóa và đời sống sinh hoạt của cả dòng họ. Trong số đó, tộc ước là loại hình văn bản còn ít được quan tâm nghiên cứu.

     Tộc ước – loại hình văn bản luật tục, ghi những quy định cho các thành viên trong họ chấp hành (Mai Thu Quỳnh, 2017) – có thể được chép gộp trong cuốn gia phả hoặc bài bia kí, nhưng cũng có thể được chép độc lập thành sách tộc ước hoặc bia tộc ước. Do sự khác nhau của chất liệu vật ghi chép, số tộc ước trên giấy thường có dung lượng lớn hơn và chiếm số lượng lớn hơn tộc ước trên đá. Ngoài các dòng họ hiện lưu giữ rải rác một số tư liệu với nội dung và chất lượng khác nhau, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị lưu trữ tập trung được khá nhiều bản tộc ước. Ở bài viết này, chúng tôi khảo sát, nghiên cứu và giới thiệu khối tư liệu tộc ước tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm để có cái nhìn tổng quan về loại hình tư liệu này, qua đó, cung cấp thêm thông tin cho việc nghiên cứu kinh tế, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, chính trị ở các địa phương Việt Nam trong lịch sử từ tiếp cận tộc họ. Ví dụ: các quy định về việc sử dụng ruộng đất phục vụ thờ cúng hay dưỡng lão có thể là số liệu nghiên cứu vấn đề ruộng đất; các quy định về việc đóng góp quỹ và sử dụng quỹ của dòng họ có thể là số liệu nghiên cứu vấn đề tiền tệ; các quy định về cách thức thờ cúng là căn cứ nghiên cứu vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa; các quy định về khuyến học là căn cứ nghiên cứu vấn đề giáo dục;…

     Quá trình nghiên cứu và xử lý tư liệu cho thấy, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện lưu trữ 35 bản tộc ước trên giấy. Các văn bản này chủ yếu (33 văn bản) nằm trong các tập gia phả của dòng họ, số rất ít (02 văn bản) tồn tại độc lập với ký hiệu thư viện riêng. 35 văn bản này nằm rải rác trong kho tư liệu, gồm ký hiệu A và VHV (bản sao chụp là VHC), được đánh số từ 647 (A.647) đến 2807 (A.2807) không liền mạch. Đây là những bản tộc ước của nhiều dòng họ lớn sản sinh ra các danh nhân có dấu ấn trong lịch sử Việt Nam. Nhìn chung, khối tư liệu này có những đặc điểm đáng chú ý như sau:

1. Dung lượng chữ, văn tự của văn bản tộc ước

     Dung lượng của văn bản tộc ước hết sức phong phú, không có quy định bắt buộc: ngắn nhất là một trang giấy, dài là cả cuốn. Có văn bản viết theo hình thức chia thành các điều, có văn bản không chia. Với các văn bản chia thành các điều lệ hoặc điều ước, văn bản có ít điều ước nhất là của họ Trần làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay là làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) với 04 điều quy định; văn bản có nhiều điều ước nhất là của họ Nguyễn ở làng Tương Mai, xã Tương Mai, huyện Thanh Trì (nay là phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) với 48 điều quy định.

     Văn tự chính được sử dụng là chữ Hán. Ngoài ra, người viết dùng đến chữ Nôm khi ghi tên xứ đồng và một số đồ vật riêng có của địa phương mà không có trong chữ Hán. Cả chữ Hán và chữ Nôm trong các văn bản này đều được viết theo lối chữ Khải chân phương dễ đọc. Ngữ pháp của các câu sáng rõ, gần ngữ pháp tiếng Việt. Đặc điểm về thể chữ và ngữ pháp này có thể được giải thích bằng chức năng và mục đích tồn tại của văn bản tộc ước: chúng là những văn bản được viết ra để các thành viên của dòng họ biết những việc mình cần làm, các văn bản này hướng đến đối tượng sử dụng là đông đảo các thành viên trong dòng họ, mục đích là để mọi người đều có thể đọc và nhớ để thực hiện. Vì thế, văn bản tộc ước cần được viết một cách dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ.

     Ngoài ra, đa số các văn bản tộc ước đều không có tên tác giả biên soạn. Điều này có thể lý giải là do các quy định chung về quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong dòng họ, và thường là sản phẩm của một tập thể các cá nhân có trình độ học vấn hoặc vị trí cao trong dòng họ.

2. Tiêu đề của văn bản tộc ước

     Qua khảo sát cho thấy, trong số 35 văn bản tộc ước được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chỉ có 02 văn bản không có tiêu đề, còn 33 văn bản khác có thể chia thành hai nhóm: nhóm một là những văn bản chỉ gồm một phần nên có một tên, nhóm hai là những văn bản gồm hơn một phần và mỗi phần đó có tên riêng. Nhằm giúp độc giả có thể hình dung cụ thể nhất, chúng tôi tập hợp và khảo sát tất cả các tên gọi của các phần thuộc nhóm văn bản có hơn một phần và các tên gọi của nhóm văn bản có một phần. Từ nguyên tắc khảo sát như vậy, chúng tôi thống kê được kết quả như sau: có 17 tên văn bản dùng chữ “lệ” (例), 03 tên gọi dùng chữ “ước” (約), 01 tên gọi dùng cả chữ “lệ” (例) và chữ “ước” (約), 01 tên gọi dùng từ “khoán lệ” (券例), 05 tên gọi dùng từ “khoán ước” (券約), 01 tên gọi dùng từ “khoán cảo” (劵稿), 01 tên gọi dùng từ “giao thư” (交書), 01 tên gọi dùng từ “giao từ” (交詞), 01 tên gọi dùng chữ “thức” (式), 01 tên gọi dùng từ “công bạ” (公簿). Đây là những chữ và từ giúp xác định loại hình văn bản là văn bản ghi các quy định chung của dòng họ ngay khi tiếp cận tên văn bản. Bên cạnh đó, cũng có tên gọi không giúp được việc này, như 監生黎全城訓誡子孫篇 (Giám sinh Lê Toàn Thành huấn giới tử tôn thiên), 太保 黎相公香火田池土宅 (Thái bảo Lê tướng công hương hỏa điền trì thổ trạch), 追遠壇昭穆議 (Truy viễn đàn chiêu mục nghị), 本支姓氏名字說 (Bản chi tính thị danh tự thuyết), 阮何氏祀事錄 (Nguyễn Hà thị tự sự lục), 阮何氏忌田 (Nguyễn Hà thị kị điền); hoặc có khi lại dùng những từ chỉ loại hình văn bản khác, như 本支譜記 (Bản chi phả kí), 清穆堂名譜 (Thanh mục đường danh phả) khiến chúng ta có thể phỏng đoán sai loại hình văn bản nếu chỉ đọc lướt qua.

     Như vậy, có thể thấy, tên gọi của văn bản tộc ước có thể có chữ hoặc từ chỉ thể loại văn bản nhưng cũng có thể không, tuy nhiên trường hợp tên gọi có chữ hoặc từ chỉ thể loại nhiều hơn. Các chữ và từ thường được dùng trong tên gọi văn bản tộc ước là “lệ” (例), “khoán ước” (券約), “ước” (約). Ngoài ra, độ dài của tên gọi tộc ước cũng không nhất định mà dao động từ 01 tới 11 chữ, trong đó nhiều nhất là tên văn bản có 04 chữ (18 văn bản), số chữ khá dài từ 09 đến 11 chữ chỉ gồm 05 văn bản, hoặc ngắn dưới 04 chữ chỉ có 03 văn bản.

3. Phân bố văn bản tộc ước theo dòng họ sở hữu, không gian địa lý, thời gian lịch sử

     Các bản tộc ước lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc về các dòng họ, địa phương và thời đại như sau:

     1) Tộc ước của họ Bùi ở thôn Đông Ấp, xã Thịnh Liệt, tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), định bản năm Vĩnh Hựu 3 (1737).

     2) Tộc ước của họ Bùi ở xã Quang Công, huyện Thanh Đàm (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), không ghi niên đại.

     3) Tộc ước của họ Đỗ ở làng Quan Xuyên, tổng Đại Quan, huyện Đông An phủ Khoái Châu (nay là làng Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), định bản năm Tự Đức 3 (1847).

     4) Tộc ước của họ Đỗ ở phường Thịnh Quang, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức (nay là phường Hàng Bột, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), định bản năm Thành Thái Kỷ Sửu (1889).

     5) Tộc ước của họ Đỗ ở thôn Bình Vọng, xã Bình Dương, phủ Ứng Thiên (nay là thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), định bản thời Minh Mệnh, sửa đổi thời Thiệu Trị và Thành Thái.

     6) Tộc ước của họ Hoàng ở làng Đa Sĩ, huyện Thanh Oai (nay là làng Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), định bản năm Thành Thái Đinh Dậu (1897).

     7) Tộc ước của họ Lê ở thôn Mai Trai, xã Thanh Mai, huyện Thanh Phong, phủ Quảng Oai (nay là thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), định bản năm Gia Long 9 (1810).

     8) Tộc ước của họ Lê ở xã Hòa Bình, huyện Yên Mỹ (nay là xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), không ghi niên đại.

     9) Tộc ước của họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay là làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), bản thứ nhất được viết trong khoảng nửa cuối năm 1792 đến trước ngày 20/02/1793.

     10) Tộc ước của họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay là làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), bản thứ hai được viết năm Quang Trung 4 (1791).

     11) Tộc ước của họ Nguyễn ở giáp Dịch Ngọ thuộc thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục, tổng Mỹ Đình (nay là làng Nhân Mục, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), định bản năm Minh Mệnh 1 (1820) và Duy Tân 10 (1916).

     12) Tộc ước của họ Nguyễn Hà ở làng Đa Sĩ, huyện Thanh Oai (nay là làng Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), không ghi niên đại.

     13) Tộc ước của họ Nguyễn Huy ở xã Phú Thị huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), không ghi niên đại.

     14) Tộc ước của họ Nguyễn ở làng Đông Tác, huyện Thọ Xương (nay là phố Đông Tác, phường Trung Tự, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), định bản năm Thành Thái 10 (1898).

     15) Tộc ước của họ Nguyễn ở làng Tương Mai, xã Tương Mai, huyện Thanh Trì (nay là phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), định bản năm Minh Mệnh 5 (1824).

     16) Tộc ước của họ Nguyễn ở thôn Hương Khê, xã Đội Trạng, tổng Cổ Định, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh gia (nay là thị Trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), định bản năm Thành Thái 8 (1896).

     17) Tộc ước của họ Nguyễn ở thôn Nhân Ái, xã Vân Canh, huyện Từ Liêm (nay là thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), định bản năm Tự Đức 18 (1865).

     18) Tộc ước của họ Nguyễn ở thôn Tam Kỳ, xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang (nay là làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), định bản năm Cảnh Hưng 3 (1742).

     19) Tộc ước của họ Nguyễn ở thôn Vân Trai, xã Vân Trai, tổng Thượng Cung, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay là thôn Vân Trai, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), định bản năm Thành Thái nguyên niên (1889).

     20) Tộc ước của họ Nguyễn ở thôn Xuân Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), định bản năm Đồng Khánh nguyên niên (1885).

     21) Tộc ước của họ Nguyễn ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc (nay là thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), định bản năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 19 (1963).

     22) Tộc ước của họ Nguyễn ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức (nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), định bản năm Tự Đức Kỷ Dậu (1849).

     23) Tộc ước của họ Nguyễn ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), định bản năm Tự Đức Canh Thân (1860).

     24) Tộc ước của họ Nguyễn ở xã Nỗ Bạn, huyện Thanh Trì (nay là thôn Nỗ Bạn, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), định bản năm Vĩnh Thịnh 3 (1707).

     25) Tộc ước của họ Phạm ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), được viết trong khoảng từ năm 1890-19451.

     26) Tộc ước của họ Phạm ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), bản thứ nhất được viết năm 1875.

     27) Tộc ước của họ Phạm ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), bản thứ hai được viết năm Tự Đức 23 (1869).

     28) Tộc ước của họ Phan ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), bản thứ nhất được viết năm Cảnh Hưng 32 (1771).

     29) Tộc ước của họ Phan ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai (nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), bản thứ hai được viết năm Minh Mệnh 16 (1835).

     30) Tộc ước của họ Trần ở làng Bình Vọng, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay là làng Bình Vọng xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), được viết năm 1912.

     31) Tộc ước của họ Trần ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức (nay là thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), bản thứ nhất được soạn thời Thiệu Trị, sửa đổi thời Tự Đức và Duy Tân.

     32) Tộc ước của họ Trần ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, tổng Hương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức (nay là thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội), bản thứ hai được soạn thời Thiệu Trị, sửa đổi thời Tự Đức và Thành Thái.

     33) Tộc ước của họ Trần ở xã Bình Lăng, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội (nay là thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), định bản năm Thành Thái 4 (1892).

     34) Tộc ước của họ Trương ở thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), định bản năm Mậu Thân (?)2.

     35) Tộc ước của họ Vũ ở làng Hải Bối, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội), định bản năm Vĩnh Thịnh 16 (1720).

     Như vậy có thể thấy, 35 bản tộc ước được khảo sát thuộc về các dòng họ: Bùi, Đỗ, Hoàng, Lê, Ngô, Nguyễn, Phạm, Phan, Trần, Trương, Vũ. Trong đó, có nhiều họ Nguyễn lập tộc ước nhất. Điều này có thể do số lượng người mang họ Nguyễn chiếm vị trí nhiều nhất so với số người mang các họ khác nhau của người Việt.

     Nếu lấy đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay làm tiêu chí phân tích đặc điểm phân bố theo không gian của các dòng họ sở hữu tộc ước thì tỉnh Hưng Yên có 03 văn bản, tỉnh Hải Dương có 01 văn bản, tỉnh Thanh Hóa có 01 văn bản, thành phố Hà Nội có 30 văn bản. Điều này có nghĩa: các bản tộc ước chúng tôi khảo sát đều thuộc các dòng họ sinh sống trên địa bàn đồng bằng và trung du phía Bắc của lãnh thổ Việt Nam, trong đó Hà Nội là địa phương chiếm số lượng áp đảo.

     Về vấn đề niên đại văn bản, có thể thấy, niên đại của một văn bản tộc ước có thể là thời điểm soạn tộc ước, nhưng cũng có thể là thời điểm sửa chữa thêm bớt, hoặc thời điểm được sao chép lại, hoặc là thời điểm được định bản (ghi ra giấy những quy định đã được truyền miệng và được thực hiện từ trước đó). Dù là thời điểm soạn lập hay thời điểm sửa đổi, sao chép, định bản, thì vấn đề niên đại ở đây cũng mang một ý nghĩa chung là đánh dấu thời điểm dòng họ đó có văn bản tộc ước đang khảo sát. Trong số 35 văn bản tộc ước được khảo sát, có 29 bản ghi niên đại rõ ràng, còn lại 06 văn bản không ghi rõ niên đại. Tuy nhiên trong số đó, chúng tôi đã xác định được niên đại và vài thông tin quan trọng của 02 văn bản. Cụ thể như sau:

(i) Văn bản tộc ước của họ Trương ở thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục, huyện Thanh Trì (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội)1 ghi niên đại là năm Mậu Thân, lại nhắc đến đơn vị hành chính “tỉnh Hà Nội”, chứng tỏ văn bản này được viết vào năm Mậu Thân cuối thời Nguyễn, do đó chúng tôi xác định: niên đại của văn bản này là năm 1848.

(ii) Văn bản tộc ước của họ Phạm ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) được viết thành một cuốn sách độc lập, không nằm cùng gia phả dòng họ. Sách không ghi năm viết, tác giả, bộ sách Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu (Trần Nghĩa và Francois Gros, 1993: 540) cũng không ghi hai thông tin này. Khi đọc nội dung, chúng tôi thấy trang 4a và 4b, điều 03 với nội dung quy định việc suy tôn người đỗ đạt trong họ có viết: 有英山教授養庵公解官退居修家譜訓子侄… 接之者有乂安布政使魚堂公以孤貧好學早占危科顯官當朝為吾族之冠冕… (Có ông Dưỡng Am giữ chức Giáo thụ Anh Sơn nghỉ hưu về nhà sửa gia phả dạy con cháu…; tiếp theo là ông Ngư Đường giữ chức Bố chính sứ Nghệ An từng là học trò nghèo hiếu học nên sớm chiếm vị trí cao của khoa bảng và làm quan lớn đương triều – [hai ông] là người đứng đầu của họ nhà ta)…

     Ông Dưỡng Am từng làm Giáo thụ Anh Sơn là ai? Ông Ngư Đường từng giữ chức Bố chính sứ Nghệ An là người như thế nào? Chúng tôi đã tìm trong các từ điển danh nhân và thấy: “Dưỡng Am từng giữ chức Giáo thụ Anh Sơn” là Phạm Hội (范會) (Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, 1991: 722; Trịnh Khắc Mạnh, 2019: 102), còn “Ngư Đường từng giữ chức Bố chính sứ Nghệ An” là Phạm Hi Lượng (范熙亮) (Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, 1991: 730; Trịnh Khắc Mạnh, 2019: 337). Hai ông Phạm Hội và Phạm Hi Lượng đều được ghi trong cuốn khoán cảo của họ Phạm làng Lương Ngọc với tư cách là người hiển đạt thời trước. Điều này chứng tỏ Phạm Hội và Phạm Hi Lượng cùng là người họ Phạm ở làng Lương Ngọc. Đồng thời, việc gọi hai ông là “tiên hiền” của dòng họ cũng chứng tỏ văn bản này ra đời sau khi hai ông đã qua đời. Sách này lại có mặt ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm do được Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) sưu tầm, chứng tỏ sách đã vào thư viện từ trước năm 1945. Từ đó, chúng ta có thể suy ra niên đại của văn bản này thuộc khoảng năm 1890-1945. Như vậy, sau khi đọc văn bản tộc ước của họ Phạm làng Lương Ngọc và tham khảo các tư liệu khác, chúng tôi có một số kết luận như sau:

     Một là, Phạm Hội và Phạm Hi Lượng là người cùng họ, cả hai ông tuy được sinh ra ở huyện Thọ Xương (nay là quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) nhưng có nguyên quán ở xã Hoa Đường, huyện Đường An, trấn Hải Dương (sau này đổi thành làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, hiện nay là thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

     Hai là, sách Lương Ngọc Phạm tộc phả ước (良玉范族譜約) hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A.1344 là văn bản có niên đại cuối thời Nguyễn (1890-1945) và là tộc ước của họ Phạm ở thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Như vậy, ngoài 04 văn bản chưa rõ niên đại, có 05 văn bản ghi niên đại thời Lê Trung Hưng, 02 văn bản ghi niên đại thời Quang Trung, 25 văn bản ghi niên đại thời Nguyễn, 01 văn bản ghi niên đại thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Văn bản có niên đại sớm nhất là “Bản tộc định lệ” của họ Nguyễn ở thôn Nỗ Bạn, xã Liên Phương,
huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội1, chép năm 1707 (năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh). Văn bản có niên đại muộn nhất là “Bản chi phả kí” của họ Nguyễn ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội2 chép lại năm 1963 (năm thứ 19 niên hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

4. Một số kết luận

     Hiện tại, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ tổng cộng 35 văn bản tộc ước. Độ dài của các văn bản rất khác nhau. Văn tự chính được sử dụng là chữ Hán. Chữ Nôm được dùng trong những trường hợp ghi tên xứ đồng và một số đồ vật riêng có của địa phương. Chữ Hán-Nôm trong các văn bản này đều được viết theo lối chữ Khải chân phương dễ đọc. Ngữ pháp của các câu sáng rõ, gần với ngữ pháp tiếng Việt. Tên gọi của văn bản tộc ước có độ dài ngắn khác nhau, từ 01 chữ cho tới 11 chữ. Tên gọi các văn bản này cũng không nhất thiết phải bao gồm các thuật ngữ đặc định về mặt thể loại thường thấy như “lệ” (例) hay “khoán ước” (券約), “ước” (約). Các bản tộc ước này thuộc về 11 dòng họ, trong đó các dòng họ Nguyễn chiếm số lượng nhiều hơn cả. Nếu phân loại các văn bản căn cứ trên không gian địa lý thì các tộc ước này phân bố ở khu vực phía Bắc (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương) và Bắc Trung bộ (Thanh Hóa) của lãnh thổ Việt Nam, trong đó Hà Nội là địa phương chiếm số lượng áp đảo. Nếu đứng từ góc nhìn triều đại thì phần lớn các văn bản này thuộc thời Nguyễn và văn bản muộn nhất là tới thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

     Những đặc điểm này cho thấy, tộc ước trên thư tịch Hán Nôm là thể loại văn bản luật tục đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, có thể là nguồn tư liệu hữu ích phục vụ nghiên cứu văn tự và ngôn ngữ của người Việt thế kỷ XVIII-XX, xác định niên đại các bản gia phả đi kèm, nghiên cứu lịch sử di cư và phân – hợp của các dòng họ; sự phân bố văn bản tộc ước theo không gian địa lý và thời gian lịch sử còn có thể góp phần chứng minh cho sự phát triển của mô hình gia tộc ở các địa phương trong các thời đại. Các văn bản tộc ước này không chỉ giúp đưa ra cái nhìn tổng quan về loại hình văn bản luật tục của các dòng họ người Việt, về đời sống kinh tế – văn hóa của các dòng họ đó, mà còn có thể cung cấp thêm tri thức và căn cứ khoa học để nghiên cứu lịch sử địa phương và lịch sử tư tưởng của người Việt 

_________
1. 1890-1945: Xem phần xác định niên đại phía dưới của bài viết để thấy rõ hơn vấn đề niên đại của văn bản này.

2. Mậu Thân (?): Xem phần xác định niên đại phía dưới để thấy rõ hơn vấn đề niên đại của văn bản này.

1. Nằm trong Trương thị gia phả (張氏家譜), Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.793, phần Tế tự lễ nghi dữ chư ngạch điều lệ (祭祀禮儀與諸額條例).

1. Tộc ước nằm trong cuốn Nguyễn gia phả kí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2450.

2. Tộc ước nằm trong cuốn Nguyễn tộc gia phả hệ kí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHV.2577.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Nghĩa và Francois Gros (chủ biên, 1993), Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Trịnh Khắc Mạnh (2019), Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,

3. Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (1991), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Mai Thu Quỳnh (2017), “Một số vấn đề về văn bia tộc ước Việt Nam”, trong: Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu Hán Nôm năm 2017, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 12, năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Tổng quan về tư liệu tộc ước trên thư tịch tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm
(Tác giả: ThS. Mai Thu Quỳnh)