Trại điêu khắc quốc tế Huế 15 năm nhìn lại

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  PHAN LÊ CHUNG
(Khoa Hội họa)

     Được mệnh danh là mảnh đất của văn hoá di sản và nghệ thuật, Huế được xem là một trong những cái nôi văn hoá nghệ thuật lớn của Việt Nam. Một trong những sự kiện quan trọng trong việc đánh dấu sự phát triển của nền nghệ thuật Cố đô là sự ra đời của trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế vào năm 1957. Đây là đơn vị đào tạo và cung cấp nguồn nghệ sĩ, cán bộ văn hoá nghệ thuật trọng yếu cho cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Năm 1998, được xem là cột mốc đầu tiên cho việc phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hoá Thông tin và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức thành công trại điêu khắc quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam nhưng là lần đầu tiên ở Huế (lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1997). Với chủ đề: “Ấn tượng Huế – Việt, 1998” 29 nghệ sĩ, điêu khắc gia trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Hungary, Pháp, Mỹ… đại diện cho 5 châu lục đã đến Huế để cùng nhau xây dựng vườn tượng quốc tế này. Sự kiện này được coi là sự kế tục truyền thống, bổ sung vào bản sắc của một vùng văn hoá được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại và góp phần mở cửa giao lưu với các nền văn hoá khác. Hoạt động này đã được các cấp chính quyền hết sức tạo điều kiện và ủng hộ cho các nghệ sĩ trong việc thi công cũng như lắp đặt tác phẩm. Mặc dù điều kiện khí hậu hết sức khó khăn bởi trong 45 ngày diễn ra trại thì dường như ngày nào cũng mưa lại còn hai cơn lũ và một trận bão nhỏ ập đến nhưng với lòng nhiệt huyết và say mê nghề nghiệp các tác phẩm cũng đã dần hình thành và ra đời trong khuôn khổ công viên Lý Tự Trọng thành phố Huế.

     Các tác phẩm điêu khắc đã được công chúng Huế và người yêu nghệ thuật đánh giá rất cao, không chỉ bởi tính tạo hình mà còn là nội dung chủ đề sâu sắc và đầy tính nhân văn. Các tác phẩm đã trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng thưởng lãm có thể hiểu và cùng nhau chia sẻ những thông điệp, ý nghĩa của cuộc sống đời thường. Có thể nói, không gian quen thuộc của các bức tường triển lãm salon đã được mở rộng để dành không gian cho việc nhìn ngắm các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật một cách trọn vẹn hơn. Đây có lẽ là lần đầu tiên, công chúng Huế được tiếp xúc cũng như giao lưu đối thoại với một lực lượng lớn nghệ sĩ điêu khắc trong nước và quốc tế. Sự say mê sáng tạo của các nghệ sĩ, điêu khắc gia đã được nhà giáo ưu tú Trương Bé (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế) dành những đánh giá hết sức ưu ái trong bản báo cáo tổng kết trại: “… người nghệ sĩ chân chính không hề chơi đùa trên chất liệu, sáng tạo là một quá trình gian khổ để tìm ra cái đẹp đích thực. Một tác phẩm nghệ thuật có tâm hồn của chính nó, sáng tạo một tác phẩm, đó là khả năng cảm xúc và biểu hiện nó trong dạng tinh tuý nhất trong một khối hình giới hạn…”. Giải thưởng đặc biệt của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng như sự ủng hộ của công chúng là sự ghi nhận, khích lệ lớn đối với với các nghệ sĩ, điêu khắc gia dự trại. Tuy nhiên, cũng từ trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ Nhất ở Huế này, Ban Tổ chức cũng đã rút ra được những kinh nghiệm rất thiết thực cho các trại tiếp theo. Một trong những điều đó là sự kỹ càng, sâu sát trong khâu lựa chọn nghệ sĩ và quyết định trong việc thực hiện các tác phẩm bằng chất liệu bền vững.

     Tiếp nối thành công của trại điêu khắc quốc tế Huế lần thứ Nhất, trại điêu khắc quốc tế lần thứ Hai diễn ra vào năm 2002 đã quy tụ được 34 tác giả trong nước, quốc tế trên “công trường nghệ thuật” bên bờ sông Hương thơ mộng và xinh đẹp. Sự phong phú về chất liệu đa dạng về chủ đề được xem là một trong những điểm mạnh của trại điêu khắc quốc tế lần này. Bối cảnh không gian văn hoá Huế cũng là một trong những yếu tố gây cảm xúc và hình thành ý tưởng cho các tác giả tham dự trại. Tác giả “Toym” De Leon Imao (Philippines) đã cho biết hình ảnh một ngưới ngư dân nằm ngủ trên thuyền tại biển Thuận An và cành hoa trinh nữ ở các góc tường của các lăng tẩm Huế là một trong những chất xúc tác mạnh dẫn đến quá trình hình thành ý tưởng tác phẩm “Hoa trinh nữ” của anh. Đây cũng là một trong những tác phẩm được đánh giá cao bởi tính tạo hình cũng như ngôn ngữ thể hiện của tác phẩm. Nhìn chung các khuynh hướng sáng tác trong đợt này đều tập trung khai thác về hình ảnh, văn hoá và đời sống của con người Việt Nam như tác phẩm: “Văn hoá lề đường” (Roadside Culture) của tác giả Noelene Lucas (Úc), tác phẩm: “Chờ đợi” (Waiting) của tác giả Lê Lạng Lương (Việt Nam), “Hoa và dòng sông Hương” (A Flower and the Huong river) của tác giả Norio Takaoka (Nhật Bản) hay như tác phẩm: “Gia đình” (The Family) của tác giả Peerapong Doungkaew (Thái Lan) …

     Nhà phê bình Nguyễn Quân cũng đã đánh giá cao tính chuyên môn và sự giao lưu văn hoá giữa các nước thông qua ý kiến nhận xét: “… Bằng ngôn ngữ phong phú và độc đáo cá nhân, đến từ các nền văn hoá khác nhau vừa đậm đà bản sắc mỗi dân tộc lại vừa mang hơi thở của đời sống đương thời ở Việt Nam và trên khắp thế giới, các tác giả đã dành cho người yêu nghệ thuật một bữa tiệc văn hoá thực sự sang quý và thân mật…”. Hai năm sau, trại điêu khắc quốc tế lần thứ 3 tại Huế lại được tiếp tục tổ chức tại công viên Phú Xuân, là một trong những vị trí đẹp nhất của thành phố Huế. Đây là một trong những hoạt động mở đầu trong chương trình Festival Huế 2004. Đến từ 13 quốc gia khác nhau trên thế giới 27 tác phẩm của 27 tác giả đã góp phần tô điểm cho không gian nghệ thuật Huế thêm phần phong phú và đa sắc bên dòng Hương. Các tác phẩm lần này đã cho thấy được cách xử lý đá và kim loại của các tác giả rất hiện đại, đơn giản nhưng hiệu quả, phù hợp với bối cảnh không gian thực tế và trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong không gian nghệ thuật đầy chất thơ của của mảnh đất Cố đô này. Ngày 3 tháng 5 năm 2006, với chủ đề: “Ấn tượng Huế – Việt Nam” trại điêu khắc quốc tế lần thứ 4 tại Huế đã khai mạc tại đồi Thiên An với 26 tác giả đến từ 9 quốc gia. Một lần nữa, chúng ta lại được thấy sự xuất hiện của những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực điêu khắc quốc tế và Việt Nam như: Aung Kyaw (Myanmar), Chen Changwei (Trung Quốc) Đào Châu Hải, Nguyễn Hiền, Đinh Rú (Việt Nam) … Khác với ba trại điêu khắc quốc tế lần trước được bố trí tổ chức ngay bên cạnh sông Hương thì ở trại lần này địa điểm có phần xa hơn khu vực trung tâm thành phố. Các tác phẩm đều được sáng tác và bố trí trong khuôn viên của một doanh nghiệp tư nhân quản lý tại khu vực đồi Thiên An, đây cũng là một trong những điểm hạn chế của trại điêu khắc quốc tế lần này bởi khoảng cách địa lý cũng như rào cản bởi chi phí vào cổng. Điểm hạn chế về khoảng cách địa lý này cũng được lặp lại khi mà trại điêu khắc quốc tế lần thứ 5 được diễn ra tại khuôn viên của Resort Abalone cách trung tâm thành phố khoảng 9km. Đây là nơi mà 27 ý tưởng của các tác giả đã được trưng bày trong cái nắng tháng 5 rực rỡ cùng với hơi muối mặn mà của cửa biển Thuận An. Dù không được đánh giá cao về quy mô tổ chức như những trại lần trước nhưng cũng đã tạo nên một điểm nhấn trước thềm Festival Huế 2008. Như vậy cho đến nay tại Việt Nam cũng đã diễn ra 6 trại điêu khắc quốc tế, kể từ sau lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội (1997) thì đến nay 5 lần liên tiếp được tổ chức tại Huế, đây cũng là vinh dự cũng như là trách nhiệm của không chỉ người dân Huế mà còn đối với UBND tỉnh cũng như trường Đại học nghệ thuật – Đại học Huế để làm sao tổ chức tốt hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi công chúng cũng như bạn bè quốc tế. Hoạt động nghệ thuật này đã đưa vị thế của trường lên một tầm cao mới trong chặng đường phát triển. Trại điêu khắc quốc tế Huế đã góp phần trong việc phát triển diện mạo nghệ thuật trên mảnh đất Cố đô, góp phần trong việc giáo dục thẩm mỹ, ý thức nghệ thuật cho người dân vốn từ lâu đều xem nghệ thuật như là một thứ xa xỉ. Ngoài ra, hoạt động này cũng đã kết nối cộng đồng thông qua hình thức thưởng lãm các tác phẩm điêu khắc ngoài trời, đây được xem là sự quy tụ của tinh hoa văn hoá của các nước trên thế giới mà thành phố Huế vinh dự được đón nhận. Có thể nói, qua 5 trại điêu khắc quốc tế cho đến nay thành phố Huế đã và đang sở hữu được nhiều tác phẩm của các điêu khắc gia nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam. Thành quả đó đã ghi nhận sự đóng góp quý báu của các nghệ sĩ cũng như sự năng động của ban điều hành trong việc huy động các nguồn tài trợ về vật chất lẫn tinh thần cho sự thành công của hoạt động này. Thông qua các trại điêu khắc quốc tế cũng là cầu nối về sự giao lưu của các nghệ sĩ trên thế giới về mặt học thuật đồng thời cũng là sự giao lưu trao đổi văn hoá giữa các quốc gia, vùng miền bởi sự đa dạng về phong cách cũng như ngôn ngữ thể hiện của các tác phẩm. Những nghệ sĩ đến đây không chỉ đại diện cho tư cách cá nhân mà còn là đại diện cho văn hoá của quốc gia nơi họ sinh sống. Đây cũng là cầu nối giữa các nghệ sĩ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bởi trong số các giảng viên, nghệ sĩ tham gia trại đã quay trở lại Việt Nam thông qua các chương trình trao đổi và giảng dạy tại trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Trong đó phải kể đến nghệ sĩ Juliane Heise (Đức), trong chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghệ thuật sắp đặt năm 2003 tại Đại học Nghệ thuật và Open Academy do viện Goethe tổ chức, hay như giảng viên cao cấp Bonita Ely (trường Mỹ thuật, Đại học New South Wales, Úc) trong chương trình trao đổi với khoa Hội hoạ trường Đại học Nghệ thuật, Giảng viên Peerapong Doungkaew (Đại học Chiangmai – Thái Lan) trong các chương trình trao đổi học thuật tại khoa Điêu khắc.

     Có thể nói các tác phẩm điêu khắc hiện nay mà Huế đã may mắn sở hữu là một tài sản có giá trị không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa về sự giáo dục, sự minh chứng cho quá trình giao lưu văn hoá, hợp tác quốc tế mà không dễ thành phố nào trên thế giới có được. Bên cạnh những yếu tố thành công đã đạt được chúng ta cũng cần phải khắc phục một số điểm tồn tại trong việc cần phải phân bổ hợp lý hơn tỷ lệ nghệ sĩ trong nước và quốc tế, tỷ lệ giữa các vùng miền trong nước. Cần phải chú trọng hơn trong quy trình tuyển chọn nghệ sĩ ở các quốc gia khác nhau để chữ “Quốc tế” được đúng nghĩa hơn, tạo tính khách quan tránh tình trạng quen biết và cơ chế xin cho, tránh các trường hợp trùng lặp nghệ sĩ giữa các lần tham gia để tạo tính phong phú và đa dạng hơn cho trại …

     Hiện nay, một số tác phẩm đã được trưng bày cũng chưa đạt được chất lượng nghệ thuật cao nhất đó cũng là một trong những điểm thiếu sót trong quy trình duyệt phác thảo và kiểm tra tiến độ của tác phẩm. Điều này cũng cho thấy những hạn chế về kinh phí nên một số tác phẩm thực hiện không đúng như phác thảo, một số tác phẩm được thực hiện còn qua loa chưa chú trọng đến tính thẩm mỹ gây ảnh hưởng đến tính tương tác giữa tác phẩm và công chúng. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đặt ra những câu hỏi trong việc đã phân bổ hợp lý và chính xác các tác phẩm phù hợp với không gian văn hoá Huế hay chưa? Có cần tăng cường hay giảm thiểu các hoạt động này hay không cũng là một trong những việc đòi hỏi phải có tính chiến lược lâu dài. Việc quy hoạch này mang tính chất quyết định và quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển các tác phẩm điêu khắc ngoài trời tại Huế. Nhận định về tầm quan trọng này nhưng cho đến nay, cũng đã tròn 15 năm khi trở lại vườn tượng chúng ta cũng không tránh khỏi đau lòng trước sự tàn phá khủng khiếp bởi thiên nhiên và ý thức con người đối với các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ngoài trời này. Đây là thực trạng chung của các tác phẩm hiện nay tại các khu vực đặt để tượng trên địa bàn thành phố Huế. Rất nhiều tác phẩm điêu khắc đã bị tàn phá, biến dạng bởi bàn tay con người, có tác phẩm thì bị cưa để bán phế liệu, có tác phẩm thì trở thành nơi minh chứng tình yêu của các cặp tình nhân bởi sự viết vẽ lên bề mặt tượng, có tác phẩm đã hoàn toàn mất dấu. Cá nhân tôi, cũng không thể tưởng tượng được cảm xúc của tác giả sẽ như thế nào nếu họ có dịp quay trở lại Việt Nam để thăm lại các tác phẩm của mình, hay là một sự viếng thăm của các đoàn ngoại giao quốc tế. Ở đây, chúng ta cũng đặt ra những câu hỏi về ý thức của cộng đồng về sự trân trọng các giá trị nghệ thuật. Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền (nguyên trưởng khoa Điêu khắc trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, nguyên phó trưởng ban điều hành 5 trại điêu khắc quốc tế tại Huế) đã chia sẽ cùng với tôi: “ … bên cạnh nguyên nhân về các chất liệu không bền vững đối với không gian ngoài trời (do tác giả tự bỏ kinh phí vật liệu) thì các vấn đề về bảo quản, duy tu vẫn chưa được thực hiện triệt để cùng với ý thức của người dân chưa cao là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuống cấp của các tác phẩm…

     Xây dựng đã khó gìn giữ càng khó hơn. Thiết nghĩ cần phải có những biện pháp trong việc nâng cao nhận thức của người dân đối với các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Đó không phải công việc của một sớm một chiều nhưng không hành động từ bây giờ thì trong một tương lai không xa sẽ còn nhiều tác phẩm biến dạng hơn nữa. Đây cũng là một trong những thách thức đặt ra trong việc tăng cường hơn nữa sự gắn kết của các cấp chính quyền trong việc tổ chức và bảo vệ tác phẩm. Nên có nhiều khung phạt hợp lý để răn đe các hành vi phá hoại đối với các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng. Hiện nay, mặc dù đã được UBND tỉnh giao quyền quản lý nhưng sự tương phản giữa lực lượng nhân viên công ty cây xanh Huế và địa bàn trãi rộng của 3 công viên: 3/2, Lý Tự Trọng, Phú Xuân cũng gây nhiều khó khăn và trở ngại trong việc quản lý và bảo vệ tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Trong một tương lai gần chắc chắn sẽ còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật cộng đồng diễn ra tại thành phố Huế. Vì vậy, để có một khuôn viên nghệ thuật đẹp vẫn rất cần hơn nữa sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền và công chúng trong việc gìn giữ và bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật, góp phần trong việc xây dựng hình ảnh của thành phố Festival Việt Nam, thành phố của văn hoá và nghệ thuật./.

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật –
Đại học Huế; Số 02.2014

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Trại điêu khắc quốc tế Huế 15 năm nhìn lại (Tác giả: ThS Phan Lê Chung)